Sư cô Huệ Liên: "Cần hiểu biết, lắng nghe và tôn trọng người khuyết tật"

Từ năm 1992, ngày 3/12 hằng năm được Liên hợp quốc chính thức lấy làm Ngày Quốc tế Người khuyết tật, với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật.

Hiểu thế nào về danh từ người khuyết tật (NKT), tôi đã tham khảo các định nghĩa về người khuyết tật trên trang Wikipedia phổ thông. Đạo luật về người khuyết tật của Hoa Kỳ năm 1990 (ADA - Americans with Disabilities Act of 1990) định nghĩa người khuyết tật là người có sự suy yếu về thể chất hay tinh thần gây ảnh hưởng đáng kể đến một hay nhiều hoạt động quan trọng trong cuộc sống.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, có ba mức độ suy giảm là: khiếm khuyết (impairment), khuyết tật (disability) và tàn tật (handicap). Họ đã liệt kê các đối tượng khuyết tật như: khiếm khuyết về vận động, thị giác, nói và nghe, chậm phát triển tinh thần, bệnh cảm xúc và những khiếm khuyết cụ thể về học tập, bại não, động kinh, teo cơ, ung thư, bệnh tim, tiểu đường, các bệnh lây và không lây.

Dù phân loại mức độ khuyết tật như thế nào, thì nói chung, người khuyết tật hầu như bị thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống, phản ánh sự tương tác giữa các tính năng cơ thể và các tính năng xã hội trong cuộc sống bị suy giảm đáng kể.

Ngoài ra, sự đối xử với NKT trong cộng đồng như thế nào còn nói lên sự tiến bộ văn minh của xã hội đó ra sao.

Nhân ngày 3/12, ngày Quốc tế người Khuyết tật, và bản thân cũng là một NKT, tôi muốn chia sẻ tâm tư của NKT. Khi xã hội công nghệ càng phát triển, người ta dễ dàng bị cuốn vào công việc kiếm tiền nhiều hơn là quan tâm chăm sóc bản thân và gia đình, thời gian bị chia cắt ra nhiều mảnh, thì NKTcàng có thể bị bỏ rơi trước tiên, có thể nói người khuyết tật trở nên như vô hình trong thế giới bận rộn số hóa. Vì thế, NKT là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trong xã hội.

Người khuyết tật bao giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội và tham gia vào những hoạt động cộng đồng. Các trường hợp được tạo điều kiện tốt để học Đại học, Sau Đại học chỉ là con số ít trong thực tế vì nhiều lý do. Hầu hết người khuyết tật đều có khả năng đóng góp cho nền kinh tế quốc gia nếu được tạo điều kiện tốt. Mọi người có thể hiểu rằng, cuộc sống không thể lường hết những tai nạn, bệnh nghề nghiệp, bệnh tuổi già,… có thể khiến bất cứ ai trở thành NKT, cho nên vì một thế giới công bằng và bình đẳng cho mọi người, cá nhân và cộng đồng luôn có sự chuẩn bị cho tương lai về nhiều phương diện.

Theo thống kê, ở Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật - Ảnh: Lao Động

Theo thống kê, ở Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật - Ảnh: Lao Động

Không nên bày tỏ thương hại và tội nghiệp người khuyết tật

Nếu như chúng ta dùng ánh mắt, lời nói bày tỏ sự thương cảm đối với người khuyết tật, thay vì họ vui, họ sẽ rất buồn. Sự không may mắn và không bình thường đã làm cho bản thân vốn tự ti rồi, chúng ta không cần phải để họ cảm thấy bất hạnh lần nữa. Đại loại những câu nói như : “bạn có nghe rõ không?”, “bạn thật tội nghiệp”, “cô ấy hay anh ấy thật đáng thương”, “tại sao lại như vậy”, “thử tập bước đi nhe”, “có nhìn thấy gì không?”, “nhân quả là thế đó”, hoặc biểu lộ thái độ mỉa mai coi thường… những câu nói đại loại như thế dù vô tình hay cố ý đều có thể làm NKT lòng se thắt lại, mím chặt môi, bối rối, cười nhẹ cho qua hay có thể nói đó là sự tột cùng của tổn thương. Sự tổn thương lâu ngày sẽ ảnh hưởng tâm sinh lý của người khuyết tật, họ sẽ không còn năng lượng tốt để phấn đấu trong cuộc sống.

Bản thân tôi từng cảm nhận bị phân biệt đối xử, bên cạnh những người thấu hiểu, đồng cảm xung quanh, vẫn có những người e ngại, cười nhạo và coi thường mình, cảm nhận được trong ánh mắt người ta nhìn mình không phải là người bình thường, khiến cho tôi nhận ra mình chỉ là người khuyết tật và không thể thay đổi được số phận, điều đó làm mình tủi thân vô cùng, buồn vô cùng. Vì vậy, trầm cảm xảy ra khi áp lực và nỗi buồn càng ngày càng lớn dần, nhưng người nếu đủ mạnh mẽ sẽ chiến thắng điều đó.

Người khuyết tật rất nhạy cảm, thường có tâm sự dù họ cố gắng kiềm chế ra bên ngoài, có những ngôn ngữ không lời mà chúng ta cần phải thấu cảm. Có thể, người khuyết tật sẽ có cách hình dung bản thân trong hoàn cảnh sống (gia đình, bạn bè, giáo dục, môi trường cộng đồng xung quanh) và soi theo đó mà hành động. Vì vậy, sự lo sợ, bi quan, suy nghĩ điều bất hạnh, mặc cảm tự ti lâu dần càng hủy hoại cuộc đời NKT. Nếu chúng ta có lòng hoan hỷ, sẳn sàng nói với họ : “bạn có thể làm được”, “rèn luyện thêm chút nữa”, “tôi có thể giúp được gì cho bạn?”,... thì tốt biết bao nhiêu!

Cần kỹ năng lắng nghe

Nghe NKT nói thì ai cũng có thể, nhưng kỹ năng lắng nghe thì cần phải do yếu tố đạo đức quyết định. Người có kỹ năng lắng nghe, họ sẽ hiểu NKT đang cần gì, muốn gì, nên nói gì và không nên nói gì, có hạnh phúc hay đang gặp vấn đề nào đó cần được giúp đỡ. Trong kỹ năng lắng nghe luôn có thông điệp tích cực trong đó, và cần hiểu ý nghĩa của thông điệp đó. Bỏ qua quan điểm mà chúng ta ghét đi, đặt mình vào vị trí, tình cảnh của người khuyết tật và sẵn sàng phản hồi tốt với một tâm trí khách quan.

Những người khuyết tật không thể nói (người câm điếc) vẫn có ngôn ngữ không lời mà chúng ta cần phải lắng nghe để hiểu họ hơn. Hạnh phúc của người khuyết tật là nhận được sự thấu hiểu của chúng ta và động lực lớn của người khuyết tật là chúng ta xem họ như một người bình thường. Cuộc sống này là sự bồi đắp những giới hạn của nhau, yêu thương lẫn nhau đó chính là đạo lý của vũ trụ nhân sinh.

Cần tôn trọng như một người bình thường

Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, NKT là người yếu thế trong xã hội, chúng ta cần phải giúp đỡ về vật chất. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng nên tạo điều kiện nào đó mà đối tượng người khuyết tật có khả năng làm? Chúng ta có thể khuyến khích họ làm việc trong khả năng của họ, miễn là họ đồng ý và yêu thích với việc đó. Dù cho NKT luôn là đối tượng bị khiếm khuyết chức năng cơ thể nào đó, nhưng chúng ta với sự hiểu biết, tạo điều kiện để họ làm việc theo khả năng, họ sẽ sống có ích cho cộng đồng và xã hội. Quan trọng nhất là chính chúng ta tạo điều kiện cho NKT phát huy tối đa sở trường, khả năng của họ.

Trên thế giới luôn có những câu chuyện NKT thành công trong cuộc sống, dù có bị giới hạn khuyết tật, họ đã cố gắng hết sức mình vì muốn trở thành một người bình thường có ích như bao người. Tôi vẫn ghi nhớ phát biểu của ông Bengt Lindqvist[1]: “Tôi muốn nói với các bạn khuyết tật Việt Nam rằng, hãy chủ động vươn lên, phải nỗ lực nhân đôi so với người bình thường, thể hiện cho gia đình, bạn bè, xã hội thấy rằng mình làm được nhiều hơn những gì họ mong đợi. Biết tự đấu tranh để xã hội coi mình là người bình thường, không phải sống phụ thuộc. Các bạn hãy nhìn vào tương lai, tự tạo thú vui trong cuộc sống”.

Việc ban phước, ban ơn như tặng tiền bạc, vật chất cũng chỉ giúp người khuyết tật phần nào sự đảm bảo cuộc sống, nhưng về lâu dài thì không nên. Chúng ta không thể để họ trông chờ vào sự giúp đỡ vật chất mãi (ngoại trừ những người không còn khả năng sinh hoạt, không đủ năng lực hành vi dân sự).

Có thể NKT không thể thay đổi được thể chất khiếm khuyết của họ, nhưng cảm xúc, tinh thần, tư duy sẽ thay đổi theo hướng tích cực thông qua cách đối xử của những người xung quanh và kinh nghiệm của bản thân. Người khuyết tật, dù sao chỉ là khuyết tật vật lý, còn người bình thường thì không nên bị khuyết tật tâm hồn.

Trở lại trường hợp bị suy giảm thính lực của tôi, tôi bị nghe kém tiếp nhận lúc 11 tuổi, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học và cố gắng hết mức có thể để hoàn thành các cấp học và kể cả sau Đại hoc.

Thật là tốt khi tôi đã gặp những người có tâm có tầm nhìn vào khả năng của tôi, họ tạo điều kiện cho tôi thể hiện tốt nhất khả năng, chuyên môn của mình. Từ gia đình (ba mẹ, anh chị em) đến thầy cô giáo và những người bạn tốt, đồng nghiệp đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều ở trường học và môi trường làm việc trong tôn giáo. Tôi rất biết ơn về điều đó. Tôi cho rằng, điều hạnh phúc nhất là không có ai đơn độc trong hành trình cuộc sống.

Dù cho xã hội vẫn gán nhãn cho chúng tôi là NKT thì cái bình thường trong điều bất thường vẫn là điểm sáng, là gương soi phản chiếu, đạo lý muôn đời “một là tất cả, tất cả là một”, tôn trọng quyền tự do và bình đẳng trong xã hội. Hãy để cuộc sống của NKT có những giá trị và đẹp đẽ dù cho họ có lập dị hay kỳ lạ, tạo ra môi trường bình đẳng, cơ hội cho người khuyết tật có một cuộc sống bình thường như mọi người khác, không phải chịu cảnh miệt thị, phân biệt đối xử. 

Trong Phật giáo có nói về sự bình đẳng “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong giọt máu cùng đỏ” hay “Mỗi người đều có Phật tính (khả năng giác ngộ chơn lý) mỗi người đều có thể thành Phật”. Tôi trân trọng điều quý báu đó!

Thích nữ Huệ Liên
(Ủy viên Ban Thông tin-Truyền thông Phật giáo tỉnh Tiền Giang)

___

[1] Ông Bengt Lindqvist (1936 - 2016), sinh tại Helsingborg, miền Nam Thụy Điển. Ông bị khiếm thị lúc 15 tuổi, nhưng ông đã tốt nghiệp ĐH Ngôn ngữ và trở thành nhà giáo. Từ năm 1985 đến năm 1991, ông là Bộ trưởng Dịch vụ xã hội và Chính sách gia đình của Thụy Điển, là vị bộ trưởng khiếm thị đầu tiên của châu Âu. Từ năm 1992 cho đến khi qua đời, ông là báo cáo viên đặc biệt của LHQ về người tàn tật, được phong tiến sĩ danh dự về khoa học xã hội tại ĐH Stockholm, tiến sĩ Y khoa danh dự, ĐH Lund.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Người đàn ông 47 tuổi hiến tạng cứu sống 5 người

Phật pháp và cuộc sống 16:37 23/12/2024

Sáng ngày 20/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thông báo đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức lấy và vận chuyển thành công 4 đơn vị tạng từ một người đàn ông chết não để ghép cho các bệnh nhân cần cứu trợ. Đây là một nghĩa cử nhân văn, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người.

Từ bi là cúi xuống với những loài bé nhỏ

Phật pháp và cuộc sống 11:20 23/12/2024

Mình thường không dám chắc ai là người lương thiện chỉ bằng một ánh nhìn hay vài ba câu chuyện lướt qua.

Tin Phật trong ta

Phật pháp và cuộc sống 08:00 22/12/2024

Khó khăn không nản chí/ Thuận lợi chẳng kiêu căng/ Tu trí tuệ giúp người/ Tâm Phật luôn soi sáng/Phúc lạc đời an yên...

Tâm tưởng

Phật pháp và cuộc sống 07:02 22/12/2024

Phải chăng Tâm sinh Tướng, tướng cũng tác hưởng đến tâm nếu tâm không làm chủ cảm xúc, hạn chế mọi cảm thọ và ý tưởng tiêu cực. Tâm là đại dương, Tưởng chỉ là gợn sóng, nếu tưởng bị ô nhiễm thì một góc nào đó của đại dương cũng bị vẩn đục.

Xem thêm