"Tôi dễ dàng hơn cậu một chút"

Vào một buổi sáng, James biến mất. Không ai biết hắn đi đâu. Những người bạn dưới gầm cầu lo lắng, nghĩ rằng có lẽ gã đã gặp chuyện chẳng lành. Ali và vài người nữa tìm kiếm ở các khu vực lân cận, nhưng vô ích. Gã như tan biến vào hư không.

Gã vô gia cư mới

Đó là một ngày u ám như mọi ngày khác dưới gầm cầu ở Miami, Florida. Nhưng hôm ấy, gã xuất hiện

Gã bước đi khập khiễng, chiếc chân trái kéo lê trên nền đường lởm chởm, tay vịn một cây gậy gỗ trông vừa cũ kỹ, vừa ọp ẹp như sắp gãy làm đôi. Cái áo khoác rách tả tơi thùng thình bọc lấy thân hình gầy nhẳng, gã lấm lét nhìn quanh như thể sợ bị xua đuổi. Chẳng cần ai nói, tất cả đều nhận ra gã là “kẻ mới”.

Người ta vốn chẳng xa lạ gì với những gương mặt mới rơi vào cảnh vô gia cư. Có người bị mất việc, bị trục xuất khỏi nhà, có người chạy trốn một cuộc đời bế tắc. Nhưng gã này trông đặc biệt tội nghiệp.

Khi tìm đến đống phế liệu để nhặt nhạnh, gã lóng ngóng như một đứa trẻ học việc. Thỉnh thoảng, gã lại lật những hộp rỗng, hy vọng tìm được chút gì còn sót lại. Gã thất bại hết lần này đến lần khác. Những “kẻ mới” luôn mang dáng vẻ lạc lõng, nhưng cũng dễ nhận được sự quan tâm. Và thế là, khi gã loay hoay với cây gậy ọp ẹp bên cạnh như thể nó là điểm tựa cuối cùng trong đời, một người đàn ông rách rưới bước ra từ bóng tối với một ánh mắt sáng, ấm áp như ngọn lửa giữa mùa đông.

Ông ta chìa ra một cây gậy gỗ. Mộc mạc, sần sùi, không lấy gì làm đẹp, nhưng lại toát ra vẻ gì đó kiên cố.

– Người anh em, cầm lấy đi. Như thế sẽ thuận tiện hơn nhiều – Ông ta nói, giọng đều đều nhưng đầy chân thành.

Gã đưa tay đón lấy cây gậy. Đầu ngón tay lướt qua bề mặt gỗ, cảm nhận từng đường vân tựa như những dòng chảy khắc khổ của cuộc đời. Đôi mắt gã chạm vào đôi mắt người đàn ông ấy, muốn nói lời cảm ơn, nhưng cổ họng cứ nghẹn lại.

Khi gã vừa đứng thẳng lên, ánh sáng từ chiếc đèn đường gần đó bỗng chiếu xuống mặt đất. Gã nhìn thấy một bóng hình lảo đảo, đôi chân người đàn ông ấy không thẳng, mà khập khiễng cà nhắc từng bước. Gã ngỡ ngàng. Người đã giúp gã chống đỡ thế giới này, hóa ra cũng chẳng vững vàng hơn gã là mấy.

Cây gậy trong tay gã như mang theo một sức mạnh kỳ lạ. Nó không chỉ giúp gã đứng vững mà còn mang lại một điểm tựa trong lòng. Và cũng rất nhanh, nhờ cây gậy ấy, gã bước những bước đầu tiên để hòa vào cuộc sống dưới chân cầu này.

Người đàn ông cà nhắc ấy dẫn gã đi khắp nơi, chỉ cho gã những bí mật nhỏ mà chỉ có dân vô gia cư mới biết. Nơi góc hẻm gần siêu thị là điểm tốt nhất để lượm thức ăn còn mới. Ở bãi phế liệu phía nam thành phố, khung giờ 5 giờ chiều là lúc người ta vứt đi nhiều thứ giá trị nhất.

Cảnh giới cao nhất của sự khôn ngoan là lòng tốt

Ảnh minh họa. 

“Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”

Gã tập tễnh bước đi, lục tìm từng món đồ phế liệu giữa những mùi hôi hám và đống rác chất cao. Mỗi lần ngồi xuống, gã cảm giác mình sắp bị nuốt chửng bởi sự bất lực. Nhưng rồi, từ phía sau, lại có một bàn tay vỗ nhẹ lên vai gã. Một thanh niên da đen với nụ cười rạng rỡ giơ túi phế liệu của mình ra.

– Người anh em, anh cầm lấy đi! Anh cần nó hơn tôi.

– Nhưng còn cậu? Sao tôi có thể lấy của cậu chứ? – gã hỏi, giọng run run.

– Tôi dễ dàng hơn anh một chút – nói rồi cậu da đen nhoẻn miệng cười, để lộ hàm răng trắng, tươi rói hơn dưới ánh mặt trời - Tôi tên Ali

Câu nói nghe thật nhẹ tênh, nhưng lại mang sức nặng khiến gã phải trĩu tay khi đón lấy túi đồ. Gã cầm lấy túi phế liệu, còn lòng thì nghẹn ngào, mãi mới cất lên được một câu.

– Tôi tên James. Cảm ơn… người anh em.

Một buổi khác, gã trật vật mò mẫm mãi tới trưa mà chưa nhặt được gì, cái bụng đã cồn cào và bắt đầu gào rú. Mắt gã đảo quanh tìm kiếm trong bế tắc.

– Này người anh em, hãy ăn đi! – một người lang thang lưng còng đi đến trước mặt gã, chìa ra hai ổ bánh mì.

– Nếu anh cho tôi, thế thì anh ăn gì đây? – gã ngại ngùng.

– Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!

Nói xong, người lưng còng ấy lặng lẽ rời đi, để lại gã với hai ổ bánh mì trong tay, nước mắt lã chã rơi, phải rất lâu sau đó mới bình tĩnh lại được.

Tối đó, khi gã co ro bên mép cầu, một ông lão tóc bạc cũng bước đến, khẽ vỗ vai:

– Người anh em, chỗ tôi ấm hơn. Cậu vào đó ngủ đi.

Gã rụt rè nhìn lại:

– Thế còn ông thì sao?

Ông lão lắc đầu, mỉm cười:

– Tôi dễ dàng hơn cậu một chút.

Một cộng đồng khác biệt

Thời gian trôi qua, gã dần quen với cuộc sống dưới gầm cầu. Ở đây, đói khát là chuyện thường tình, nhưng có điều gì đó đặc biệt: người ta luôn chìa tay giúp đỡ lẫn nhau.

Ali, với bàn tay tật nguyền, vẫn thường xuyên cõng đồ giúp những người yếu hơn mình. Bobby, tuy tai điếc, luôn là người đầu tiên chạy đến khi bạn bè cần giúp đỡ. Chater, người yếu đến nỗi tưởng chỉ gió thổi qua cũng có thể ngã, vẫn cố gắng chia sẻ đồ ăn cho những người khốn khó hơn.

Trong vòng tay của họ, gã không còn là kẻ lơ ngơ, lạc lõng nữa. Dần dà, hắn trở thành một phần của cộng đồng. Gã nhận ra cuộc sống của những con người nơi đây tuy khắc nghiệt, nhưng lòng nhân ái của họ vẫn mãnh liệt hơn bất cứ điều gì gã từng chứng kiến. Và câu nói “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút” ấy, như một sợi dây vô hình, kết nối họ lại với nhau trong sự đùm bọc và sẻ chia.

Trong mỗi mảnh đời, dù thiếu thốn và đau khổ, họ vẫn luôn tìm thấy một lý do để giúp đỡ người khác, và điều đó khiến James thấy mình nhỏ bé. Những người mà xã hội gọi là “đáy xã hội” ấy, hóa ra lại sở hữu một tâm hồn cao cả hơn bao người anh từng biết.

Hơn nửa năm sau, vào một buổi sáng, James biến mất. Không ai biết hắn đi đâu. Những người bạn dưới gầm cầu lo lắng, nghĩ rằng có lẽ gã đã gặp chuyện chẳng lành. Ali và vài người nữa tìm kiếm ở các khu vực lân cận, nhưng vô ích. Gã như tan biến vào hư không.

Một ngày, Ali vơ lấy một tờ báo trong đống rác, định cầm đi nhóm lửa. Khi xé trang đầu, một cái tên quen thuộc đập vào mắt anh: Ali Smith.

– Ali! Tên cậu này!” – Bobby đứng bên cạnh cũng nhìn thấy

Cả nhóm bắt đầu đọc ngấu nghiến bài báo. Đó là một bài phóng sự trên trang nhất của New York Times, kèm hình ảnh quen thuộc: bức ảnh chụp dưới gầm cầu Miami.

Bài báo kể lại cuộc sống khắc nghiệt, nhưng tràn đầy tình người của những kẻ bị xã hội quên lãng. Từng chi tiết nhỏ nhặt – cái túi phế liệu Ali trao đi, câu nói của ông lão, hay cách Bobby giúp đỡ người khác dù bản thân còn khuyết tật – đều được miêu tả sống động.

“Họ là những người nghèo nhất mà tôi từng gặp, nhưng lại giàu lòng nhân ái nhất. Giữa tận cùng khổ đau, họ vẫn tìm được lý do để giúp đỡ người khác. Và tôi, khi đứng giữa những con người ấy, chỉ có thể cúi đầu thầm nghĩ: Họ dễ dàng hơn tôi một chút.”

Suốt mấy tuần nay, bài báo đã lan truyền và làm rung động trái tim cả nước Mỹ. Một làn sóng quyên góp cho người vô gia cư bùng lên. Các tổ chức từ thiện tìm đến khu vực dưới gầm cầu, mang theo thức ăn, quần áo cùng với tất cả niềm trân trọng. Và câu nói giản dị ấy, giờ đây không chỉ được nghe thấy ở khu vô gia cư, mà nó đã thành một bức thông điệp cuộc sống được mọi người truyền nhau, vang lên mỗi ngày ở khắp mọi nơi, nó cũng chính là tên của bài báo: ”Tôi dễ dàng hơn cậu một chút.”

Cả đám nhìn nhau, ai nấy thở phào nhẹ nhõm, và rồi họ nhoẻn một nụ cười ấm áp. Họ đã tìm được người anh em mất tích của mình. Nhưng giờ mọi người đã biết được tên đầy đủ của gã: William James – nhà báo trứ danh của tờ New York Times.

Vô Danh – dựa trên chuyện có thật về nhà báo William James của New York Times

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

"Tôi dễ dàng hơn cậu một chút"

Phật pháp và cuộc sống 08:50 21/12/2024

Vào một buổi sáng, James biến mất. Không ai biết hắn đi đâu. Những người bạn dưới gầm cầu lo lắng, nghĩ rằng có lẽ gã đã gặp chuyện chẳng lành. Ali và vài người nữa tìm kiếm ở các khu vực lân cận, nhưng vô ích. Gã như tan biến vào hư không.

"Nhân chi sơ tính bản ác"

Phật pháp và cuộc sống 14:37 20/12/2024

Nếu Khổng Tử và Mạnh Tử chủ trương: Nhân chi sơ tính bổn thiện thì ngược lại, Tuân Tử đã đưa ra tư tưởng "Nhân chi sơ tính bản ác".

Anh chàng luyện bùa

Phật pháp và cuộc sống 14:26 20/12/2024

Tôi nói ở chùa rất vui vẻ an lạc, không thiếu gì cần giúp đỡ, thầy hại người cho tôi xem. Anh ta nói: hại người nào, thích bị điên hay chết luôn? Tôi nói "thầy cho tôi chết luôn", anh ta xin tôi ngày sinh, tên họ...tôi đưa luôn chứng minh thư cho anh ta lấy giấy ghi lại đầy đủ thông tin...

Sao người ta dễ làm nhau đau đến vậy?

Phật pháp và cuộc sống 13:51 20/12/2024

Lòng tối thì bóng dài, rủ xuống như ngọn giáo, nhọn và đau.

Xem thêm