Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 10/05/2022, 09:33 AM

Sư thầy hồi sinh cả nghìn "đôi chân" cho người khuyết tật

Sư thầy Thích Đức Minh đi xin và hỏi mua từng chiếc xe lăn cũ ở vựa ve chai đem về sửa lại, mỗi năm tặng cho người khuyết tật khắp cả nước gần 700 chiếc.

su-thay 1

Buổi chiều, khuôn viên vắng vẻ của Đạo tràng An Viên, Quận 12, TPHCM trở nên rộn ràng hơn khi thầy Đức Minh bày ra sân hàng chục chiếc xe lăn cũ để sửa chữa. Thầy lấy ra một chiếc, xem xét mức độ hư hỏng, thiếu những bộ phận nào rồi vào kho lục tìm. "Kho" của sư thầy là góc mái hiên với hàng trăm món đồ, phụ tùng cũ được để dành lại, đủ đồ để có thể ráp lại thành chiếc xe lăn hoàn thiện.

Những chú tiểu sống cùng thầy ở Đạo tràng cũng phụ giúp, người chạy lấy tua-vít, người phụ bơm bánh, người chà rửa xe lăn. Sau khi chế xong xe mới, sư thầy đóng gói, gửi bưu điện giao đến tận nhà cho người khuyết tật khó khăn ở khắp cả nước. Công việc đã được duy trì gần chục năm nay.

"Mỗi năm, tôi tặng từ 500 -700 chiếc xe lăn cũ, giúp người khuyết tật có phương tiện để tự mình ra ngoài, đôi khi chỉ là để ra sân, ra cổng ngồi, được thấy bầu trời, tắm nắng hay nhìn xe cộ cũng là điều khiến những người thiệt thòi như vậy thấy vui", nhà sư 42 tuổi, chia sẻ.

Sư thầy cứu người

Thầy Đức Minh lấy xe lăn cũ mua được từ vựa ve chai hoặc hàng cũ từ Nhật Bản về để sửa chữa (Ảnh: Diệp Phan).

Thầy Đức Minh lấy xe lăn cũ mua được từ vựa ve chai hoặc hàng cũ từ Nhật Bản về để sửa chữa (Ảnh: Diệp Phan).

Người hồi sinh cả trăm xe lăn cũ

Sư thầy Đức Minh quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sống tại chùa từ năm 9 tuổi. Quá trình đi học, người học trò áo nâu ấy đã nỗ lực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trong lần đến thăm những hoàn cảnh ở Trung tâm Phục hồi chức năng, bệnh viện chấn thương chỉnh hình, nhà sư thấy nhiều người lao động nghèo bị tai nạn trở thành khuyết tật mà không có tiền mua nổi chiếc xe lăn.

Thấy thế, thầy vận động nhà hảo tâm mua xe lăn mới tặng bệnh nhân. Ban đầu, mỗi đợt tặng xe chỉ dăm ba chiếc nhưng sau đó, ngày càng có nhiều người biết đến hoạt động này, sư thầy chẳng còn tiền mua xe mới nữa. Từ năm 2015, thầy Đức Minh bắt đầu lân la hỏi xin xe cũ, tìm đến các bãi phế liệu để gom, mua lại xe đã bỏ với giá chừng 200 nghìn đồng/chiếc về tân trang.

Vốn không biết nghề sữa chữa, lại chẳng hiểu nguyên lý hoạt động của các bộ phận, sư thầy "đánh vật" với những chiếc xe lăn cũ hàng giờ. "Có lúc tháo ra xong không biết cách ráp lại. Đem ra tiệm sửa xe đạp thì người ta chê không làm, thiếu phụ tùng mà chẳng biết chỗ nào bán để mua", nhà sư hồi tưởng.

Vậy nhưng sư thầy không bỏ cuộc, tiếp tục mua thêm xe cũ về. Sau khi xem xét từng chiếc, mày mò đủ cách, lấy "râu ông nọ, chắp cằm bà kia", thầy Đức Minh cũng chế được một chiếc xe lăn chạy tốt, chà rửa, vệ sinh sạch rồi đem đi tặng.

Sư thầy sửa xe lăn ở Đạo tràng An Viên, quận 12 hôm 19/4 (Ảnh: Diệp Phan).

Sư thầy sửa xe lăn ở Đạo tràng An Viên, quận 12 hôm 19/4 (Ảnh: Diệp Phan).

Sư thầy bán cơm chay nuôi trẻ mồ côi

Điều đặc biệt, thầy Đức Minh không nhất thiết sửa chữa, hồi sinh hàng loạt xe lăn với đầy đủ các bộ phận, chức năng như xe mới. Bởi trong quá trình tìm hiểu, thầy biết với mỗi dạng khuyết tật, người sử dụng sẽ cần một chiếc xe khác nhau.

Ví dụ, người bị tai nạn chấn tổn thương tủy sống, liệt hai chân thì cần xe có chỗ gác tay tháo lắp được để họ gỡ ra, chống hai tay nhích mông từ giường hoặc ghế ngồi sang và ngược lại. Người mất một chân thì chiếc xe không cần phải có đủ 2 bên gác chân. Có người sẽ cần chiếc xe có thể ngả lưng hay có sẵn bộ vệ sinh bên dưới…

Ngoài sự hỗ trợ của nhà hảo tâm về tiền bạc, mỗi chiếc xe được hồi sinh là tâm huyết, sự chung tay góp sức của sư thầy cùng các chú tiểu trong Đạo tràng (Ảnh: Diệp Phan).

Ngoài sự hỗ trợ của nhà hảo tâm về tiền bạc, mỗi chiếc xe được hồi sinh là tâm huyết, sự chung tay góp sức của sư thầy cùng các chú tiểu trong Đạo tràng (Ảnh: Diệp Phan).

Vì thế, trước khi "chế" xe để gửi tặng, thầy Đức Minh luôn hỏi chiều cao, cân nặng, tình trạng khuyết tật của người nhận để làm xe phù hợp. Sau gần 10 năm gắn bó với người khuyết tật, sư thầy tự nhận bản thân đã trở thành một "chuyên gia" chế xe, hiểu được từng người khuyết tật muốn một chiếc xe như thế nào.

Sư thầy đã cũng dò hỏi được những mối bán xe cũ ở Nhật, giá về đến Việt Nam khoảng 400 nghìn đồng/chiếc. Tùy mức độ hư hỏng mà cần tốn thêm phụ tùng, trung bình mỗi chiếc hoàn thiện có giá khoảng 700 nghìn đồng. Nếu mua mới thì phải mất hơn 2 triệu đồng cho một chiếc xe.

Hiện tại, mỗi tháng thầy Đức Minh hồi sinh từ 30 -100 chiếc xe cũ tặng cho người yếu thế khắp cả nước. Kinh phí để duy trì hoạt động này là từ việc vận động nhà hảo tâm, phật tử, tổ chức những buổi tiệc chay để gây quỹ…

Từ một người không biết gì về sửa chữa xe lăn, giờ đây sư thầy đã 'lành nghề' (Ảnh: Diệp Phan).

Từ một người không biết gì về sửa chữa xe lăn, giờ đây sư thầy đã "lành nghề" (Ảnh: Diệp Phan).

"Ai có xe lăn cũ hãy cho tôi"

Anh Lê Văn Hóa, 46 tuổi, ở Quảng Bình đã được sư thầy tặng xe hơn 3 năm trước đến nay vẫn sử dụng tốt. Anh cho biết, xe của anh là hàng cũ từ Nhật, được thầy tân trang. Bị tai nạn rồi liệt từ phần ngực xuống chân hơn chục năm nay, mấy năm đầu, anh nằm liệt giường. Sau này được bạn bè cho xe cũ nhưng dùng nhanh hỏng, đến khi nhận được chiếc của thầy Đức Minh, anh Hóa mới có phương tiện tốt để di chuyển.

"Món quà của thầy là động lực lớn để tôi cố gắng làm việc, nhờ vậy mà việc di chuyển của tôi dễ dàng hơn để làm mô hình tăm chẻ bán online kiếm thêm thu nhập, để thấy mình còn có ích", anh Hóa chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng xài xe lăn được bền như anh Hóa. Sư thầy cho biết, có những người được tặng xe ở vùng biển, đồ rất nhanh rỉ sét, mất thẩm mỹ. Có người sau một năm nhận xe đã hỏng, lý do là ở vùng núi, di chuyển nhiều, bánh xe cao su nát bét. Vì thế, ngoài việc xin xe lăn, nhiều người còn xin sư thầy tấm nệm, lốp, ruột hay tấm gác chân để thay thế. Những phụ tùng chưa dùng đến đều được thầy cất giữ cẩn thận để ai hỏi xin là có ngay.

Sư thầy có dịp đến Bố Trạch, Quảng Bình thăm anh Lê Văn Hóa năm 2020, một năm sau khi thầy tặng xe lăn (Ảnh: Văn Hóa).

Sư thầy có dịp đến Bố Trạch, Quảng Bình thăm anh Lê Văn Hóa năm 2020, một năm sau khi thầy tặng xe lăn (Ảnh: Văn Hóa).

Sau nhiều năm tiếp xúc, hỗ trợ cho hàng nghìn người khuyết tật, thầy Đức Minh nhận ra họ không chỉ cần một chiếc xe lăn là xong. Nhiều người bị liệt hai chân dẫn đến mất cảm giác, khi ngồi, nằm lâu sẽ lở loét, hoại tử phần thịt ở mông. Không đành lòng, sư thầy đón họ đến Đạo tràng, đưa đi bệnh viện để chữa trị.

Tuy nhiên, quãng đường từ quốc lộ vào đến Đạo tràng của thầy Đức Minh xe lớn không thể vào, nếu chuyển bệnh nhân bằng băng ca trên đoạn đường gồ ghề, vào đến nơi thì thường bị chảy máu. Chưa kể, khuôn viên Đạo tràng nhỏ, sinh hoạt của nhiều bệnh nhân ảnh hưởng đến việc tu tập của các môn đồ. Vì thế, 2 năm trước, sư thầy đã mượn được mảnh đất của một Phật tử, gom kinh phí dựng lên một phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền mang tên Sơn Đài Minh Viện ở huyện Bình Chánh, mời bác sĩ về điều trị miễn phí.

Anh Hồ Quang Thương (ngồi xe lăn thứ hai từ trái sang) cùng sư thầy và bạn bè bán hàng gây quỹ năm 2020 (Ảnh: Quang Thương).

Anh Hồ Quang Thương (ngồi xe lăn thứ hai từ trái sang) cùng sư thầy và bạn bè bán hàng gây quỹ năm 2020 (Ảnh: Quang Thương).

Anh Hồ Quang Thương, 36 tuổi, làm nghề sửa điện thoại, quê Đắk Lắk, sau khi được sư thầy tặng xe lăn đã được thầy hỗ trợ chữa bệnh miễn phí nhiều lần, trong đó có lần phẫu thuật nới rộng bàng quang 5 năm trước. Sau đó, anh ở lại Đạo tràng hỗ trợ sư thầy trong việc lập danh sách tặng người nhận, đưa đón các chú tiểu đi học. Hiện tại, anh đang được sư thầy hỗ trợ chữa trị vết loét sau một năm trở về quê chăm cha bệnh.

"Đợt này tôi điều trị chắc phải mất hơn 2 tháng, chi phí ít nhất cũng tốn hơn 50 triệu đồng. Nếu không có thầy, chắc chắn tôi không có khả năng chữa trị. Vết loét để lâu ngày có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm. Thầy luôn dặn bác sĩ chọn thuốc tốt nhất, chữa trị đến cùng, không bỏ cuộc", anh Thương cho biết.

6 chiếc xe lăn vừa được hồi sinh, đóng gói chuẩn bị gửi chuyển phát đến tay người cần (Ảnh: Diệp Phan).

6 chiếc xe lăn vừa được hồi sinh, đóng gói chuẩn bị gửi chuyển phát đến tay người cần (Ảnh: Diệp Phan).

Thầy Đức Minh tâm niệm, với một người tu sĩ, việc phụng sự cho xã hội, chúng sinh là điều phải làm và phải xem đó là trách nhiệm của mình. Với nhà sư, làm từ thiện là phải hiểu đối tượng mình giúp cần gì chứ không phải cứ cho tiền là xong. Đó là một quá trình quan tâm, thấu hiểu.

"Ước nguyện của tôi đơn giản lắm, tôi mong hễ ai có xe lăn cũ thì hãy cho tôi. Tặng xe là niềm vui nhưng cũng có lúc tôi buồn lòng vì món quà mình làm ra chưa được hoàn hảo, chắp vá, nhiều màu sắc, đôi lúc trông rất buồn cười. Vì thế, mong xã hội sẽ có nhiều người chung tay cùng tôi, quan tâm nhiều hơn đến người yếu thế", thầy Đức Minh nói.  

Nguồn: Báo Dân Trí 

Diệp Phan

09/05/2022

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Nước ngọt về xã đảo ở Giồng Trôm

Gieo mầm thiện 17:54 24/04/2024

Bà con xã đảo Hưng Phong (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ngày 23/4 đã nhận được nước ngọt và thùng nhựa từ một hoạt động từ thiện mang tên "Giọt nước nghĩa tình".

Làm điều không ai làm suốt 6 năm, cụ bà tái sinh cuộc đời cho một người dưng

Gieo mầm thiện 14:33 20/04/2024

Dù không phải là máu mủ ruột rà, hơn 6 năm qua, bà Thử vẫn tình nguyện chăm sóc nam bệnh nhân liệt tứ chi tại bệnh viện, đưa anh về nhà chăm lo như con ruột.

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Gieo mầm thiện 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng

Gieo mầm thiện 09:20 15/04/2024

Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.

Xem thêm