Sự lan truyền của Đạo Phật ở Châu Á
Mặc dù đạo Phật chưa bao giờ phát triển phong trào truyền giáo, nhưng qua nhiều thế kỷ, giáo huấn của Đức Phật lại lan rộng: trước tiên là đến Đông Nam Á, rồi xuyên qua Trung Á đến Trung Quốc và vùng còn lại của Đông Á, và cuối cùng đến Tây Tạng và các miền xa xôi ở Trung Á.
Thường thì đạo Phật phát triển ở những vùng này một cách tự nhiên, vì sự quan tâm của dân địa phương đối với đức tin của thương nhân nước ngoài đối với đạo Phật. Đôi khi, các nhà cai trị chấp nhận Phật giáo để đem đạo đức đến với người dân, nhưng không ai bị bắt buộc phải cải đạo. Bằng cách đưa thông điệp của Đức Phật đến với công chúng, mọi người được tự do lựa chọn những gì hữu ích.
Giáo pháp của Đức Phật đã lan truyền một cách êm thắm khắp tiểu lục địa Ấn Độ, và từ đó, lan truyền rộng rãi khắp vùng châu Á. Bất kỳ khi nào đến với nền văn hóa mới thì các phương tiện và phong cách của đạo Phật sẽ được sửa đổi để phù hợp với tâm lý của người dân địa phương, mà không ảnh hưởng đến những điểm trọng yếu về trí tuệ và lòng bi. Phật giáo không bao giờ phát triển một hệ thống tôn giáo có cấp bậc thẩm quyền nói chung, với vị lãnh đạo tối cao. Thay vì vậy, mỗi quốc gia mà đạo Phật lan truyền đến sẽ phát triển các hình thức riêng, cấu trúc tôn giáo riêng, và nhà lãnh đạo tâm linh riêng của quốc gia đó.
Phật tử tín đồ tại Việt Nam (nghiên cứu báo cáo)
Hiện nay, người danh tiếng nhất và được kính trọng ở cấp độ quốc tế trong số các vị lãnh đạo Phật giáo là Đức Dalai Lama của Tây Tạng.
Tóm tắt lịch sử
Đạo Phật có hai nhánh chính. Tiểu thừa (Cỗ Xe Nhỏ), nhấn mạnh đến sự giải thoát cá nhân, trong khi Đại thừa (Cỗ Xe Lớn), nhấn mạnh việc tu tập để thành một vị Phật toàn giác, để có thể phổ độ chúng sanh. Cả hai cỗ xe Nhỏ và Lớn lại có nhiều nhánh nhỏ.
Hiện nay, chỉ có ba hình thức chính còn tồn tại: một nhánh nhỏ của Tiểu thừa ở Đông Nam Á, được biết như Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada), và hai nhánh Đại thừa, đó là các truyền thống Phật giáo Trung Quốc và Tây Tạng.
Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy lan truyền từ Ấn Độ đến Tích Lan (Sri Lanka) và Burma (Miến Điện) vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Từ đó, đạo Phật đi đến các vùng còn lại của Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Cao Miên (Cambodia), miền Nam Việt Nam, kể cả Nam Dương (Indonesia).
Các trường phái khác của Tiểu thừa lan truyền đến Pakistan, A Phú Hãn (Afghanistan), miền Đông và duyên hải của Iran và Trung Á ngày nay. Trừ Trung Á, các trường phái này lan truyền đến Trung Quốc vào thể kỷ thứ 2 sau Công Nguyên. Sau đó, các hình thức Tiểu thừa này được kết hợp với sắc thái Đại thừa, là truyền thống đã đến đây theo cùng một con đường từ Ấn Độ, và cuối cùng thì Đại thừa trở thành hình thức Phật giáo chiếm ưu thế ở Trung Quốc và hầu hết vùng Trung Á. Sau đó, hình thức Đại thừa Trung Quốc đã lan truyền đến Hàn Quốc, Nhật Bản và miền Bắc Việt Nam.
Truyền thống Đại thừa Tây Tạng bắt đầu vào thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, thừa hưởng toàn bộ lịch sử phát triển của Phật giáo Ấn Độ. Từ Tây Tạng, nó lan truyền khắp các vùng Hy Mã Lạp Sơn và đến Mông Cổ, Trung Á, và một số vùng ở Nga (Buryatia, Kalmykia và Tuva).
Cách Đạo Phật lan truyền
Sự lan rộng của Đạo Phật ở hầu hết Châu Á đã diễn ra một cách êm thắm, và đã xảy ra theo một vài cách. Là bậc thầy du hành khắp nơi để chia sẻ tuệ giác với những ai có lòng quan tâm và muốn học hỏi từ các vương quốc lân cận, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã lập ra tiền lệ. Ngài hướng dẫn chư tăng đi khắp nơi trên thế giới để giảng giải giáo huấn của mình. Ngài không kêu gọi người khác lên án và từ bỏ tôn giáo của họ, rồi theo đạo mới, vì ngài không tìm cách thiết lập tôn giáo riêng của mình.
Đạo Phật có bao nhiêu tín đồ trên thế giới?
Mục tiêu của Ngài là chỉ giúp người khác vượt qua nỗi bất hạnh và khổ đau mà họ tạo ra cho bản thân, vì thiếu hiểu biết về thực tại. Các thế hệ môn đồ sau này cảm nhận nguồn cảm hứng từ tấm gương của Đức Phật, và họ chia sẻ với người khác những phương tiện của ngài mà họ thấy hữu ích cho đời sống của họ. Đây là cách mà hiện nay, điều được gọi là “đạo Phật”, đã lan xa và rộng.
Đôi khi, quá trình này cũng tiến triển một cách tự nhiên. Ví dụ, khi các thương nhân Phật giáo viếng thăm và định cư ở những vùng đất khác nhau thì một số dân địa phương tự nhiên sẽ quan tâm đến tín ngưỡng của những người ngoại quốc này, cũng như cách đạo Hồi được đưa vào Nam Dương và Mã Lai sau này.
Tiến trình ấy cũng xảy ra đối với đạo Phật ở những quốc gia ốc đảo, dọc theo Con Đường Tơ Lụa ở Trung Á, trong hai thế kỷ trước và sau Công Nguyên. Khi các nhà cai trị địa phương và người dân đã hiểu biết thêm về tôn giáo Ấn Độ này, họ đã mời các nhà sư từ vùng bản xứ của các thương nhân này làm cố vấn hoặc giảng sư, và cuối cùng, nhiều người đã chấp nhận tín ngưỡng đạo Phật. Một phương pháp tự nhiên khác là sự đồng hóa văn hóa lâu dài của những người xâm chiếm những đất nước khác, chẳng hạn như người Hy Lạp đi vào xã hội Phật giáo của Gandhara ở miền Trung Pakistan hiện nay, trong các thế kỷ sau thế kỷ thứ 2, trước Công Nguyên.
Thường thì sự phổ biến là do ảnh hưởng của một quốc vương hùng mạnh, người đã chấp nhận và ủng hộ đạo Phật. Vào giữa thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, đạo Phật đã lan rộng khắp miền Bắc Ấn Độ, nhờ sự ủng hộ của cá nhân Vua A Dục (King Ashoka). Vị vua xây dựng đế quốc hùng mạnh này không hề bắt buộc thần dân của mình phải có niềm tin vào đạo Phật, nhưng bằng cách ban sắc lệnh được khắc trên những cột bằng sắt khắp nơi trong vương quốc của mình, hô hào dân chúng sống một cuộc đời đạo đức, và chính ngài cũng theo những nguyên tắc ấy, nhà vua đã khiến cho người khác chấp nhận giáo huấn của Đức Phật.
Vua A Dục cũng tích cực truyền đạo bên ngoài vương quốc của mình bằng cách gởi các nhà truyền giáo đến những vùng đất xa xôi. Đôi khi, nhà vua đã thực hiện điều này theo lời mời của những nhà cai trị nước ngoài, chẳng hạn như trường hợp Vua Devanampiya Tissa của Tích Lan. Trong những dịp khác, nhà vua có sáng kiến gởi các nhà sư làm đặc sứ ngoại giao cho mình. Tuy nhiên, các nhà sư viếng thăm các nước ngoại quốc không hề tạo áp lực mạnh, khiến người khác cải đạo, mà chỉ đưa ra những lời dạy của Đức Phật, để người dân tự lựa chọn.
Điều này được chứng minh qua sự kiện ở những nơi như Nam Ấn Độ và Nam Miến Điện, nơi mà đạo Phật đã nhanh chóng bén rễ, trong khi ở những nơi khác, chẳng hạn như các thuộc địa của Hy Lạp ở vùng Trung Á thì không có sự ghi nhận nào về ảnh hưởng tức thời như thế.
Những nhà vua sùng đạo khác, như nhà thống trị Altan Khan của Mông Cổ, vào thế kỷ 16, đã thỉnh các đạo sư Phật giáo đến vương quốc của họ, và công bố đạo Phật là tín ngưỡng chính thức của đất nước, để thống nhất dân chúng và củng cố sự cai trị của họ.
Trong tiến trình này, có thể họ đã ngăn cấm một số hành trì tôn giáo của những người không theo đạo Phật, những tôn giáo bản xứ và thậm chí ngược đãi những người theo các tôn giáo này, nhưng những hành động nặng tay đó chủ yếu là do động cơ chính trị. Những nhà cai trị đầy tham vọng này chưa bao giờ bắt thần dân của họ chấp nhận các hình thức tín ngưỡng hay thờ phụng theo đạo Phật. Điều đó không có trong tín ngưỡng của tôn giáo này.
Tóm tắt
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bảo mọi người đừng nghe theo lời dạy của Ngài chỉ vì niềm tin mù quáng, mà phải khảo sát kỹ càng, trước khi chấp nhận giáo huấn của ngài. Nếu vậy thì làm sao người dân có thể chấp nhận những lời dạy của Đức Phật, chỉ vì sự ép buộc của các nhà truyền giáo hăng say, hay vì sắc lệnh của hoàng gia. Vào đầu thế kỷ 17, Toyin Neiji đã cố mua chuộc những người dân du mục phía Đông Mông Cổ theo đạo Phật, bằng cách tặng cho họ gia súc, với mỗi đoạn kinh mà họ học thuộc lòng. Dân du mục đã phàn nàn với chánh quyền, và ông thầy hống hách đã bị trừng phạt và lưu đày.
Bằng nhiều cách, đạo Phật đã lan truyền đến hầu hết châu Á một cách êm thắm, mang theo thông điệp của lòng từ bi và trí tuệ, đồng thời phù hợp với nhu cầu và căn cơ khác nhau của người dân.
(Trích đoạn từ: Berzin, Alexander. "Buddhism and Its Impact on Asia." Asian Monographs, no. 8. Cairo: Cairo University, Center for Asian Studies, June 1996; tham khảo kênh này theo link).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm