Sự sống đẹp lạ thường
Hãy trả về thiên nhiên những dòng suối yêu thương. Hãy trả về quê hương tấm thân cát bụi này. Quê hương sẽ ôm ấp, chở che cho bạn. Bạn sẽ ngủ yên trong lòng đất. Tâm hồn bạn sẽ đi về nơi quê xưa chốn cũ.
Steve Jobs: Sống như thế nào trước khi bạn chết?
Tác giả là một vị Giáo thọ của Đạo tràng Mai Thôn, là một trong những đệ tử lớn của Thiền sư Nhất Hạnh, một trong những vị thầy đầu tiên đặt nền móng (giáo pháp) cho tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc - Lâm Đồng. Thầy đã trải qua cơn bịnh nan y mà bất cứ ai nếu mắc qua đều xem như một bản án tử đã được ban ra. Nhưng Thầy đã vượt qua nhờ vào công phu thiền quán song hành với y học hiện đại cùng cổ truyền Đông phương. Đây là bài chia sẻ của Thầy.
Thiên nhiên trị liệu
Mình vẫn khỏe và mập hơn lúc còn ở Việt Nam. Có lẽ, mình lành hẳn cơn bệnh rồi, bạn ạ! Trước đây, mình luôn luôn suy nghĩ và có niềm tin rằng mình sẽ lành mạnh, bởi thế mình sống vui trong suốt thời gian ba tháng điều trị ở Thủ Đức.
Mùa xuân năm nay mình trở về Làng Mai sau khi đi ngang qua một cơn đại giải phẫu với nhiều đau nhức và điều trị một thời gian tại Việt Nam. Mình bị ung thư ruột già. Bác sĩ Tôn Thất Cầu, trưởng khoa ung bứu ở bệnh viện Trung Ương Huế bảo mình phải điều trị bằng hoá chất, nhưng mình muốn trị bằng thiền định và các loại thuốc cỏ cây thiên nhiên. Sau hơn hai mươi năm tu học, mình tin tưởng nơi Bụt và pháp môn của Bụt do Thầy trao truyền. Mình dùng năng lượng chánh niệm để sống vui trong lúc điều trị. Mình tin các bác sĩ nhưng mình tin ở giáo lý của Bụt nhiều hơn, nghĩa là sống chết đều do nghiệp, xin thêm một ngày cũng không được thì hơi đâu mà lo lắng.
Hơn nữa mình đã quán chiếu về cái chết nhiều năm, và sống chết chỉ là việc thay áo cũ thành áo mới, đổi xác trà cũ thành trà mới. Chỉ thế thôi! Sống được ngày nào vui ngày đó, vì thế mình vui tươi và trở nên yêu đời hơn trước nhiều.
Bây giờ ở Pháp, mình đi bộ mỗi ngày, vừa nhìn cảnh đẹp núi đồi thiên nhiên, vừa thở không khí trong lành và đợi mặt trời xuống để thưởng thức cảnh hoàng hôn hồng tím. Vào ngày đẹp trời, mình đi bộ dài hơn tám cây số theo con đường đến ngã ba Xóm Hạ, quẹo qua lâu đài, đi đến đường qua Xóm Mới, quay trở lên đường về lâu đài Thenác. Ngày nào có nhiều mây, mình đi bộ qua Xóm Đoài, con đường dài khoảng hai cây rưỡi số, đi về cũng được hơn bốn cây số.
Nuôi dưỡng chánh niệm trong từng phút giây
Đi bộ giúp cơ thể của mình tiếp nhận được nhiều sinh tố D từ tia nắng mặt trời để điều trị ung thư. Mình đang thực tập theo đề nghị của bác sĩ Lương Vinh Quốc Khanh. Ở Pháp mặt trời thật quý! Nó thuộc về vùng Bắc Âu cho nên mặt trời có nhiều tia hồng ngoại gửi theo trong nắng nhiều sinh tố D. Mặt trời ở đây không có nóng thiêu đốt như mặt trời ở các nước nhiệt đới, và cái nắng ấm áp chứ không gay gắt như nắng ở quê nhà. Mình vừa đi vừa mở tung hết cánh cửa tâm hồn và cơ thể cho thiên nhiên đi vào nuôi dưỡng và trị liệu.
Mình thấy rõ nắng có công năng trị liệu. Gió chiều, không khí, trời xanh, lá rừng, bông hoa đều có công năng trị liệu... Tóm lại, tất cả năng lượng trong thiên nhiên đều có công năng trị liệu. Thiên nhiên là thuốc quý nhất trong các loại thuốc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Phép màu của hơi thở đem lại sự an lành
Chánh niệm là năng lượng tỉnh táo, ý thức, bén nhạy nên sự cảm nhận của thân tâm với các loại năng lượng như nắng, gió, không khí, bình an, tươi mát, tĩnh lặng trở nên rõ rệt. Khi tâm ý không còn hoạt động lao xao trở về với trạng thái yên tĩnh thì nó có thể tiếp xúc được với mọi hiện tượng hình sắc, kể cả năng lượng trong sự sống. Khi tâm thức xao động thì nó mờ ám bởi sự rung động (vibration), do đó nó không thể bắt được làn sóng trị liệu của thiên nhiên và sự sống. Mình tập sống với tâm không suy nghĩ, không lo âu, không tính toán. Luôn luôn nhớ rằng mình chỉ còn một ngày để sống, vì vậy mình thực tập trân quý sự sống thật sự.
Không biết thiên đàng của Chúa Trời có đẹp hay không? Nhưng cảnh tượng ở nơi đây sao đẹp đến lạ lùng! Nó đẹp đến huy hoàng, mây trời màu sắc rực rỡ, thiên nhiên xanh mướt mát mẻ, đồi núi chập chùng yên tĩnh! Xóm Thượng là thiên đường tuổi thơ của mình. Về đây, mình tiếp xúc lại nhiều kỷ niệm của thời còn là một sư chú. Sư Ông đặt tên cho mình là sư chú Pháp Đăng, và mình tự đặt cho mình nhiều tên khác nữa trong ấy có sư chú Thạch Lang, sư chú Châu Linh, Suối, Lang, Tình Lang, Chàng Đá, Tuyết Sơn... Ngồi đâu, mình cũng bắt gặp bóng hình của sư chú Thạch Lang. Sư chú đã từng ngồi ngắm mặt trời lặn, đã từng đi chơi khắp nơi, đã từng ngồi thiền nơi đồng cỏ, bên hồ sen, dưới cây tùng... Sư chú đã từng ngồi hàng giờ vẽ cái hồ số tám dưới thung lũng của nhà thờ Thenác bằng sơn màu…
Tuy nhiên, mình không đánh mất mình trong quá khứ đâu mà an trú thật bền trong hiện pháp cho nên mình cảm thấy vui và thấy rõ thân tâm càng ngày càng khỏe mạnh.
Suy nghĩ lành mạnh
Mình đang dùng phương pháp tư duy tích cực, lành mạnh, trong sáng để điều trị ung thư. Suy tư là một loại hoạt động của tâm, có thể gọi là năng lượng. Suy tư là tiếng nói âm thầm trong tâm ý, có ảnh hưởng tới đời sống nội tâm, thân thể và tác động lên mọi người, mọi loài chung quanh.
Sau nhiều năm tu luyện, mình thấy mỗi tư duy đều có ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động của thân thể. Suy nghĩ dễ thương thì cơ thể nhẹ nhàng, bình an. Suy nghĩ dữ dằn, lo sợ, thù ghét thì cơ thể bứt rứt, tạo năng lượng sôi sục trong máu huyết, tim đập nhanh và thường đưa tới mệt mỏi, đau nhức. Suy nghĩ xót thương thì cái nhìn dịu hiền làm cho cơ thể buông thư, ấm áp. Suy nghĩ bậy bạ, trần lụy, dâm dục thì cơ thể lên cơn sốt dục vọng, bất an, căng thẳng. Suy nghĩ trong sáng thì cơ thể thảnh thơi, nhẹ nhàng. Vậy, lấy cái tư duy trong sáng, dễ thương, lành mạnh, mình giúp cho cơ thể mạnh khỏe, bình an, tạo ra năng lượng đề kháng để trị bệnh. Mình rất tin vào phương pháp suy tư lành mạnh này.
Giáo sư Emoto Masaru là người Nhật Bản để ra mấy mươi năm nghiên cứu về nước. Giáo sư nói: “Nước là nền tảng, bản chất của sự sống.” Đời sống con người có liên hệ mật thiết tới phẩm chất của nước. Con người mạnh khỏe hay bệnh tật đều do nước trong hay nước đục. Điều công bố này ai cũng tin, bởi vì con người tiêu thụ nước nhiều nhất trong đời sống hàng ngày, và giáo sư đã đưa ra các hình ảnh chụp từ các nguyên tử nước càng làm cho mọi người tin tưởng và kinh ngạc hơn.
Tiếng chuông chánh niệm: Chân dung Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nước bị ô nhiễm có nguyên tử không lành lặn, nó bị méo mó, bị bể ra từng mảnh nhỏ, nước sạch sẽ, trong lành có nguyên tử nguyên vẹn, hình đẹp như một bông hoa, một hạt tuyết, một ngôi sao.
Hiện giờ có nhiều dòng sông trên thế giới đang bị ô nhiễm trầm trọng do con người thải vào sông quá nhiều chất độc, hóa học, dầu mỡ, rác rến, nhất là các nước chậm tiến với đa số người dân không có ý thức trách nhiệm và kiến thức về môi trường. Nước bị ô nhiễm thì các loài thủy tộc sống trong đó cũng bị bệnh, vì thế khi con người ăn các loài ấy thì con người cũng bệnh. Lấy nước trong dòng sông ô nhiễm ấy để tưới vườn rau cải thì rau cải mang theo các chất độc hóa học, vì thế bệnh của con người một phần là do nguồn nước bị ô nhiễm mang lại.
Giáo sư làm cuộc thí nghiệm về nước với việc cầu nguyện. Lấy một ly nước ở dòng sông ô nhiễm, giáo sư cho các học sinh cầu nguyện khoảng 20 phút bằng bất cứ tín ngưỡng nào. Giáo sư bỏ ly nước ấy ở phòng đông lạnh, rồi lấy vài hạt băng trong ly nước ấy chụp hình thì nguyên tử nước trở lại nguyên hình, đẹp như một bông hoa, nghĩa là nước cũng cảm nhận năng lượng an lành của sự cầu nguyện.
Giáo sư thử nghiệm nước với các loại âm nhạc. Lấy một ly nước “nguyên chất” gọi là “distilled water” cho nước nghe “nhạc dân ca” thì nguyên tử nước biến thành hình bông hoa, cho nước nghe “nhạc rock in roll” thì nguyên tử nước run rẩy bể từng miếng nhỏ...
Giáo sư lại thí nghiệm nước bằng cách dán lên ly nước các chữ khác nhau như “cám ơn nước” thì nguyên tử nước hạnh phúc đẹp hẳn ra, “tao giết mày” thì nước sợ hãi nên nguyên tử nước méo mó....
Do thế, nước thật sự nhạy cảm! Nước có tâm thức vì vậy nước biết được ngôn ngữ, nghe được lời nói, âm thanh, cảm được năng lượng, ba động của suy tư, lời nói của con người. Bạn có thể nói rằng: Sự sống con người ảnh hưởng sâu đậm trên bản chất của nước và ngược lại. Nếu tâm con người lành mạnh thì nước trong trẻo hơn. Nếu con người biết cầu nguyêện, khen ngợi, hát dân ca thì nước trong lắng trở lại. Và nếu con người biết cám ơn, biết bảo vệ, không xả rác, không thải các chất độc hại vào nước thì các dòng sông sẽ tự nhiên trong lành trở lại.
Thân thể con người chứa gần 70 phần trăm nước. Nếu nước ở ngoài nhạy cảm với ngôn ngữ, âm thanh, lời nói, suy tư, tình cảm thì nước trong thân thể con người cũng như thế. Điều này chứng minh rõ là môi trường, cách sinh hoạt, suy tư, nói năng của con người có nhiều nguồn năng lượng không lành mạnh tạo ra bệnh tật, bởi vì thời nay con người mang bệnh quá nhiều. Càng ngày bệnh tai biến càng nhiều do căng thẳng. Càng ngày bệnh ung thư càng nhiều do các chất độc hại. Càng ngày bệnh tâm thần càng nhiều do trầm cảm, bất an...
Tóm lại, ngoài bảo vệ môi trường sinh sống, bạn nên thực tập tư duy lành mạnh. Bạn gửi càng nhiều tình thương cho mọi người càng tốt. Bạn hãy nhớ tới hình ảnh cầu nguyện, lời “cảm ơn” của giáo sư Masaru mà nguyên tử nước trong lại đẹp hẳn ra, huống hồ gửi năng lượng an lành, tình thương, biết ơn tới con người thì chắc chắn con người sẽ mạnh khỏe. Bạn hãy suy tư lành mạnh như thế cho người thân, bạn bè, mọi người, mọi loài và thiên nhiên nữa nhé. Năng lượng lành mạnh sẽ làm cho cỏ xanh hơn, nước trong hơn, hoa thắm hơn, chim hót hay hơn, mẹ vui hơn, em khỏe hơn...
Quan trọng hơn hết là mỗi ngày bạn hãy nhớ suy tư lành mạnh, dễ thương, tha thứ, vui tươi đối với chính bạn, bởi vì năng lượng tình thương, lành mạnh, sự tha thứ, niềm vui tươi sẽ tuôn chảy khắp châu thân, giúp cho thân thể mạnh khỏe, hệ đề kháng gia tăng, máu huyết lưu thông thì thế nào bạn cũng sẽ khỏe mạnh. Bạn hãy thử nghiệm vài suy tư lành mạnh xem thế nào!
Thiền định trị liệu
Thiền định là phương pháp trị liệu tuyệt vời nhất. Thiền định là sức mạnh tâm linh giúp gạn lọc tâm ý tiêu cực như phiền não, sợ hãi, lo lắng, đam mê, sầu muộn... Thiền định thắp sáng ý thức, tập trung tâm ý, dự trữ năng lượng giúp cơ thể phục hồi sức khỏe. Thiền định là nếp sống chánh niệm trong đời sống hàng ngày, tức là đi biết đi, ngồi biết ngồi, đau biết đau, buồn biết buồn... Thiền định có thể thực hiện trong mọi sinh hoạt của đời sống nhưng quan trọng nhất vẫn là ngồi thiền.
Ngồi thiền là cuộc trở về với bạn, sự sống và hiện tại. Ngồi thiền là đưa tâm rong ruổi trở về hợp nhất với thân ở trong trạng thái tĩnh lặng, do thế bạn trở thành sự sống, thâm nhập sự sống, cảm được chất liệu nuôi dưỡng từ sự sống. Cả con người bạn tỏa ra một sức sống tràn đầy từ đôi mắt, nụ cười, dáng ngồi.
Tuy nhiên, một số đông các bạn đang gặp nhiều khó khăn về phép ngồi thiền. Có lẽ, các bạn này chưa nắm rõ tư thế và nghệ thuật của phép ngồi thiền. Ngồi thiền là ngồi chơi. Ngồi chơi là ngồi thở. Nếu ngồi mà bạn không theo dõi hơi thở thì tâm ý bạn sẽ lén lút ra đi. Vì vậy “hơi thở là dây neo” giữ chiếc thuyền tâm ý ở lại với thân. Ngồi chơi cho vui, tức là ngồi không gồng gượng, không cố gắng, không gò bó, không căng thẳng, không mong cầu, do thế bạn sẽ ngồi được lâu, không bị nghẹt thở, không đau nhức, không mỏi mệt, không buồn ngủ. Phong cách ngồi chơi làm cho buổi ngồi thiền trở nên thoải mái, nhẹ nhàng và an lạc.
Thế ngồi vững nhất là ngồi kiết già, hai bàn chân chéo vào nhau, chân phải đặt trên bắp vế trái và chân trái trên bắp vế phải, gọi là liên hoa tọa (thế ngồi hoa sen). Bạn ngồi xếp bằng hai chân trên một cái gối dày vừa đủ để giữ vững toàn thân. Nếu ngồi kiết già quá khó thì bạn có thể ngồi bán già, chỉ chân này chéo vào chân kia hay ngược lại. Nếu ngồi bán già vẫn còn khó thì bạn có thể ngồi khép hai chân đặt về phía trước hoặc muốn ngồi như thế nào cũng được, miễn là cảm thấy thoải mái. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà và hai tay chạm vào nhau bắt ấn thiền định.
Quan trọng là giữ lưng cho thẳng, buông thư mà không gồng cứng ngắt. Ngồi sao mà phần trên từ bụng trở lên của cơ thể hoàn toàn thư giãn, thả lỏng, thoải mái. Bạn có cảm giác cơ thể nhẹ như một sợi tơ. Nếu ngồi mà tư thế nặng nề, mệt nhọc, khó thở thì bạn phải điều chỉnh lại tư thế. Có thể sống lưng cong quá, bụng bị ép, cơ thể gồng gượng cho nên máu huyết, tim mạch, hệ hô hấp không lưu thông. Hai bên sống lưng là hai luồng năng lượng, có những dây thần kinh và nhiều huyệt mạch điều khiển tất cả hoạt động trong cơ thể. Bạn phải trả xương sống trở về trạng thái cong tự nhiên của nó. Hãy để xương sống thả lỏng như lúc bạn đi hay đứng thì thần kinh, máu huyết, mạch huyệt mới đả thông. Lúc ấy năng lượng trong cơ thể mới lưu chuyển giúp cho tâm thức thông suốt và an lạc.
Tại một vài thiền viện, thiền sinh không được động đậy trong khi ngồi thiền, dù chân bị tê nhức thế nào họ cũng phải cố gắng chịu đựng, điều này không cần thiết. Ngồi thiền là để có an lạc và hạnh phúc. Nếu một phần nào của thân thể bị đau nhức, tức là thân thể bạn muốn báo động điều gì đó. Bạn phải biết lắng nghe nó, không nên bắt cơ thể chịu đựng quá sức, vì làm thế có thể bộ phận ấy sẽ bị tổn thương.
Nếu chân bạn bị tê đau trong khi ngồi, bạn có thể tự động sửa lại thế ngồi cho thoải mái hoặc đổi chân dưới lên trên. Bạn vừa làm một cách nhẹ nhàng chậm rãi, vừa theo dõi hơi thở và từng cử động của thân thể thì tâm bạn vẫn an trú trong định. Nếu chân vẫn không hết đau làm bạn chịu hết nổi thì bạn có thể đứng dậy, đi thiền hành từng bước chậm rãi, đến lúc bạn thấy có thể ngồi lại được thì bạn ngồi xuống, miễn sao bạn đừng làm động niệm đến các bạn khác. Điều này không đến nổi gây trở ngại gì cho thiền tập mà ngược lại giúp bạn thực hành ngồi thiền có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn được khích lệ ngồi yên cho đến lúc hết giờ thiền tập.
Đôi khi bạn ngồi thiền là để chạy trốn cuộc đời, chạy trốn chính mình, giống như con thỏ chui vào hang của nó. Làm như vậy, bạn có thể tạm yên ổn trong một thời gian ngắn, nhưng khi ló đầu ra khỏi hang, bạn vẫn phải đối diện với những vấn đề thường nhật của bạn. Giống như khi bạn tu hành ép xác, bạn mệt nhoài và có ảo tưởng là bạn chẳng còn vấn đề gì nữa. Nhưng khi cơ thể bạn phục hồi sinh khí thì những vấn đề kia cũng kéo về theo. Bạn không cần tu gấp, chỉ cần tu cho thảnh thơi, đều đặn và hạnh phúc. Tu là một chuyến đi. Chuyến đi vô cùng tận. Chuyến đi không có đích. Bạn hãy biết đi chậm rãi trong thanh thản. Mỗi ngày bạn nhớ quán chiếu nhìn sâu vào lòng mọi sự mọi việc đang xảy ra. Thực tập như thế bạn mới có thể tiếp xúc được sâu sắc với cuộc sống muôn hình vạn trạng và biến đổi vô thường.
Hãy nhớ bí mật của ngồi thiền là ngồi chơi, ngồi thở, vì vậy bạn tập ngồi thiền khắp mọi nơi. Khi ngồi tại văn phòng hay trong xe hơi, bạn hãy nhớ ngồi thở. Ngay cả khi đi mua sắm tại một siêu thị đông người hay đứng chờ hàng dài trước nhà băng, ga tàu lửa, trạm xe buýt, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, bực dọc, bất an thì bạn có thể tập thở và mỉm cười để đừng bị chìm trong hoàn cảnh đó. Bạn hãy giữ sự thăng bằng cho thân tâm. Muốn có khả năng đối diện với bao phiền toái của cuộc đời, bạn cần trở về với bạn bằng hơi thở ý thức. Ở đâu, trong tư thế nào, đi, đứng, nằm, ngồi, bạn cũng nhớ tập thở. Tu là thở. Tu là chơi, tu như chơi.
Ngồi thiền, bạn không suy nghĩ, không tính toán, không tạo tác gì hết mà chỉ thở, mở cửa tâm thức cho các hạt giống lưu chuyển. Bao nhiêu tâm ý đều được bạn nhận diện, bao nhiêu tình cảm đều cho tuôn chảy thông thương. Tâm thức bạn có nhiều dòng sông. Ngồi thiền như ngồi chơi bên bờ sông, bạn thấy rõ những gì đang trôi trên dòng sông ấy như cái thùng, cành cây, con thiên nga, cánh bèo... Ngồi thiền cũng thế! Bạn ngồi bên bờ sông tâm linh để nhìn dòng sông tâm ý cho rõ. Bờ sông tâm linh ấy là ánh sáng chánh niệm, thiền định được dựng lên từ hơi thở ý thức, bước chân tĩnh lặng, câu niệm Bụt, câu trì chú.
Ngồi thiền đúng cách giúp tâm sáng suốt nên bạn thấy biết rõ mọi hoạt động trong tâm ý. Bạn không xua đuổi mà không bám víu vào tâm ý nào dù đó là an lạc hay hạnh phúc, buồn tủi hay khổ đau. Bạn giữ tâm ý thoáng như hư không, sáng như buổi bình minh, yên như hồ nước tĩnh lặng. Bạn giữ lấy tâm hồn nhiên, tâm bản nhiên sáng lạng để nhận diện suy tư, tâm ý, cảm thọ và chuyển hóa đi những bế tắt, buồn đau, muộn phiền. Càng yên càng nhẹ, càng sáng càng thông, càng vô tư càng thoải mái.
Có người nói thiền định đâu phải chỉ là ngồi, vì vậy bạn tập làm việc gì cũng là cơ hội sống thiền. Dù sao thế ngồi vẫn là tư thế vững chãi dễ đi sâu vào thiền định khai mở suối nguồn an lạc, thanh tịnh, thảnh thơi làm “thuốc an dưỡng” trị liệu cho thân thể và tâm hồn.
Niềm tin là thần dược
Thiền định - dưỡng chất chuyển hóa thân tâm
New biology có thể dịch ra tiếng Việt là ngành sinh học mới. Các nhà sinh học mới vừa khám phá ra một điều bí mật là di thể không phải quyết định về tất cả phẩm chất của con người, mà chính là niềm tin (belief). Đây là cái thấy trái ngược với các nhà sinh học trong quá khứ, bởi ai ai cũng tin rằng di thể là nền tảng, bản thể làm ra thực chất của đời sống con người. Vui buồn, thương ghét, mạnh khỏe, bệnh tật, hạnh phúc, khổ đau, thông minh, chậm hiểu, cao thấp... đều do di truyền.
Các nhà sinh học mới đại diện là Bruce Lipton, làm các cuộc thí nghiệm và thấy rằng di thể hay DNA không thể tự nó hoạt hóa (activate) để tạo ra các sinh hoạt trong đời sống con người mà chính là niềm tin. Họ nói: “Nếu lấy một cậu bé có di thể thông minh bỏ vào một môi trường thiếu học thì cậu bé ấy sẽ lớn lên không có sự thông minh nào. Như vậy, rõ ràng là sự thông minh của một con người không hoàn toàn do di thể quyết định mà còn tùy thuộc vào môi trường, đặc biệt là sức mạnh của niềm tin.” Họ nói tiếp: “Niềm tin phát xuất từ đâu? Niềm tin phát xuất từ nhận thức (perception) mà nhận thức nghĩa là sự giao cảm, sự tiếp xúc của tế bào và môi trường. Bruce nói mỗi tế bào đều có cái ăn - ten (antena) rà được tín hiệu của môi trường chung quanh.”
Các nhà sinh học mới nói rằng tế bào rất thông minh. Tới gần chất độc thì nó tự rút lui để tránh bị nhiễm độc, gần thức ăn thì nó tìm tới để được bồi dưỡng.
Nếu bạn căng thẳng thì tế bào co rúm trở lại nên cơ thể bạn không lưu thông, máu không đến được các bộ phận của cơ thể, vì thế căng thẳng tạo ra nhiều đau nhức, tật bệnh. Nếu bạn thư giãn thì tế bào thoải mái, vui chơi nên cơ thể lưu thông, máu huyết đi khắp mọi nơi giúp nuôi dưỡng, trị liệu làm cho cơ thể được mạnh khỏe. Sống thư giãn, bình an giúp cho các tế bào hạnh phúc, vui cười thì tự nhiên bạn được mạnh khỏe. Giống như thư giãn hay bình an, nếu tin rằng bạn sẽ mạnh khỏe thì cơ thể mạnh khỏe. Các tế bào, các hệ miễn dịch thông minh, nhạy cảm có thể tiếp nhận bất cứ tín hiệu gì của bạn gửi đến. Các nhà sinh học mới nói: “Nếu bạn suy nghĩ là bạn còn trẻ thì tự động tế bào khỏe mạnh nên bạn trẻ mãi. Ngược lại, nếu bạn suy nghĩ là bạn già rồi thì tự nhiên tế bào già yếu, teo đi cho nên bạn mất sức, già đi rất nhanh.”
Theo Duy Biểu học, nhận thức là sự xúc chạm giữa sáu căn và sáu trần tạo ra cái thấy, cái nghe, cái ngửi, vị nếm, xúc chạm, ý thức. Con mắt thấy ngọn lá, đó là cái thấy. Lỗ tai nghe cơn mưa, đó là cái nghe. Lỗ mũi ngửi hương sen, đó là cái ngửi... Tuy nhiên, công năng của các căn được cấu tạo trong sự giới hạn nhỏ bé của cơ thể cho nên chúng chỉ tiếp xúc với thế giới hạn hẹp, chứ sự sống linh động, sâu sắc, bao la có nhiều hiện tượng như âm thanh, hình sắc, ba động, làn sóng, năng lượng ngoài khả năng cảm nhận của các căn. Cộng với cái nhận thức luôn đi ngang qua trung gian suy luận, so đo, phỏng đoán và bị ảnh hưởng sâu đậm về các loại tình cảm, ký ức, thành kiến trong tâm thức, bởi vậy cho nên nhận thức cũng bị nhiều hạn chế và thường sai lầm. Thấy sợi dây mà tưởng con rắn nên sợ quýnh lên. Nghe tiếng gió rì rào nơi lá rừng mà tưởng âm thanh của loài ma quỷ nào đó nên sợ đến nổi da gà... Vậy, nhận thức cần tu tập, xét nghiệm bằng sự quán chiếu của ánh sáng chánh niệm, thiền định mới có thể gạn lọc được sự hạn hẹp và sai lầm của nó. Vì thế, phần căn bản của vui buồn, thương ghét, khổ lạc, sức khỏe, tật bệnh đều phát sinh từ nhận thức. Tu tập để thay đổi nhận thức làm cho nó lành mạnh, sáng sủa, nhẹ nhàng là thang thuốc thần diệu nhất trong việc trị liệu.
Trong Duy Biểu học, nhận thức là nền tảng đưa tới trí tuệ, tình thương, và cố nhiên là đưa tới niềm tin. Niềm tin sâu sắc hay cạn cợt đều tùy thuộc vào phẩm chất của nhận thức. Khi nhận thức có trí tuệ hoặc gần với trí tuệ thì niềm tin ấy là sự thật, là sức mạnh, tạo ra sự cảm thông, tin yêu, bao dung, hạnh phúc, lành mạnh. Ngược lại, khi nhận thức có nhiều sai lầm, u mê, kỳ thị thì niềm tin ấy tạo ra chia rẽ, hận thù, đố kỵ, bệnh hoạn, khổ đau. Vậy, khổ đau hay hạnh phúc, khỏe mạnh hay tật bệnh đều phát xuất từ nhận thức, nền tảng cho niềm tin.
Bạn có niềm tin nơi Bụt, bởi bạn thấy được tượng Bụt, nghe nói về Bụt, học về giáo lý của Bụt và thực hành theo lời Bụt dạy. Bạn đã nếm được phần nào pháp lạc của thiền tập. Bạn có kinh nghiệm về sự thật khổ đau, thấy được nguyên nhân khổ đau và có con đường vượt thắng khổ đau nên bạn không sợ khổ đau. Gặp khổ đau, bạn biết cách thực tập chấp nhận để chuyển hóa mà không la mắng, không đánh trả, không giận hờn... Trái lại, bạn có thể phát khởi lòng xót thương đối với người làm khổ bạn, vì thế bạn khôi phục lại niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Đó là sức mạnh tâm linh do niềm tin đem lại. Niềm tin của bạn không ai có thể lung lạc được. Đó là chánh tín.
Một người khác cũng có niềm tin nơi Bụt nhưng người này chưa nghe nói về Bụt, có ít cơ hội học hỏi giáo lý của Bụt và chưa từng thực tập theo giáo Pháp ngày nào cả. Vì không tu tập nên người này không nếm một chút gì an lạc của giáo pháp. Người này chưa biết gì về Tứ Diệu Đế, không biết sự thật khổ đau, không thấy nguyên nhân khổ đau, không biết con đường chuyển hóa khổ đau. Gặp khổ đau, người này chỉ biết la mắng, giận hờn, đánh trả, than trời, trách đất. Gặp bất bình, người này dễ nổi giận... Nên người này mang trong tâm nhiều nỗi bất an, giận hờn, phiền não, vì thế đời sống của người này ít có hạnh phúc, thiếu mất tình thương.
Niềm tin của người này có thể do thấy qua tượng Bụt hoặc tin theo cha mẹ... Thấy Bụt như là một hình tượng bằng xi măng, đá hoa, vàng, ngọc thì cái thấy ấy còn cạn, và nếu tin Bụt qua hình tượng có thể gọi là tà tín. Nó không dính líu gì về giáo lý và bản chất của Bụt. Niềm tin này dễ bị lung lạc và có thể đưa tới mê tín, dị đoan.
Cũng đều là niềm tin nhưng hai niềm tin trên hoàn toàn khác nhau. Một bên biết chấp nhận khổ đau để quán chiếu mà chuyến hóa để đưa tới hạnh phúc, tha thứ, xót thương. Một bên không biết gì về Tứ Diệu Đế, không chấp nhận khổ đau, chỉ biết đánh trả, trách móc, hơn thua, đưa tới thêm nhiều cay đắng. Vậy, niềm tin có nhiều cấp bậc. Niềm tin làm bằng trí tuệ có thể đưa tới hạnh phúc, khỏe mạnh, giải thoát. Niềm tin làm bằng mù quáng, mê tín, cố chấp chắc chắn đem lại đau khổ, não phiền, buộc ràng.
Gặp lúc khó khăn, bạn suy nghĩ và tin tưởng rằng mình sẽ vượt qua khó khăn này thì cơ thể bạn sẽ tạo ra kích thích tố, đẩy mạnh hệ miễn dịch, biến thành năng lượng giúp bạn tiếp tục chiến đấu để vượt qua khó khăn ấy. Học hành cũng thế! Nếu bạn quyết tâm thành công ngành y khoa thì bạn có sức mạnh chú tâm học hết tất cả các môn chuyên ngành dù khó cách mấy để trở thành một bác sĩ. Ngược lại không có niềm tin, bạn chẳng học hành hay làm được việc gì cả. Vậy, niềm tin cực kỳ quan trọng. Niềm tin là sức mạnh. Có niềm tin, bạn có năng lượng có thể làm tất cả mọi việc khó làm.
Niềm tin là một thần dược giúp mình đang điều trị được ung thư. Lúc ấy, mình không nghĩ là mình đang mang bệnh nặng, chỉ biết sống vui, mỉm cười, thảnh thơi, vô tư từng giây từng phút. Mình thường nghĩ thế nào mình cũng mạnh khỏe. Niềm tin tích cực ấy là do cái cảm nhận về sự phục hồi trong cơ thể và sự thiền tập hàng ngày đưa tới. Mình không tin mù quáng đâu, bởi có một nguồn năng lượng, một sức sống đang tràn dâng trong cơ thể.
Hơn nữa, bao nhiêu năm quán chiếu về sự mong manh của kiếp người nên mình có khả năng buông bỏ mọi vương vấn, nhất là bỏ được hạt giống sợ chết. Mình không suy nghĩ, không lo sợ gì cả và sẵn sàng chấp nhận cái tình trạng sức khỏe đang có với trái tim nhẹ nhàng và tâm hồn bình thản. Bụt đã dạy rõ về sinh tử, và mình đã quán chiếu về giáo lý “một là tất cả”. Mình là nắng mai, là cây, là lá, là cơn mưa, là đại địa, là dòng sông, là cha mẹ, ông bà, tổ tiên... bằng hình ảnh thai nhi nối liền với nhiều bà mẹ qua những cuống nhau vô hình thì có gì phải sợ.
Có lẽ các tế bào trong cơ thể của mình tiếp nhận năng lượng niềm tin mạnh khỏe và niềm vui sống nên nó hồi phục thật nhanh. Chỉ trong vòng ba tháng, mình cảm thấy cơ thể trở lại mạnh khỏe hẳn trở lại như trước. Cố nhiên sự hồi phục này cũng nhờ thuốc men, thức ăn, sự quan tâm, sự cầu nguyện và tình thương của nhiều người.
Mình xin hết lòng cám ơn Thầy, các tăng thân, gia đình, bạn bè, các bác sĩ và bà con làng xóm giúp mình vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo. Có thể, mình sẽ sống lâu lắm. Phải nói “không có lẽ” gì hết mà chắc chắn là như thế. Mình phải dùng tâm lực và suy tư lành mạnh để sống mạnh khỏe như sự khám phá về “niềm tin” của các nhà sinh học mới. Bạn và mình hãy cứ vui tươi, yêu đời, tha thứ, bình an, thanh thản. Tại sao không? Bởi vì, bạn và mình đang còn sống mạnh khỏe, còn niềm vui nào bằng.
Sự sống đẹp lạ thường
Xin trả về thiên nhiên
Những dòng suối yêu thương
Đổi trao từ vô thỉ
Sự sống đẹp lạ thường
Xin trả về quê hương
Tấm thân cát bụi này
Chết như thay chiếc áo
Sống thương yêu mỗi ngày.
Bài thơ này diễn tả về cái mong manh của kiếp người. Đây là một phép quán quan trọng cho các thầy, các sư cô lúc Bụt còn tại thế.
Bạn không thể nào giữ được tâm bình thản trước cái đau nhức khủng khiếp lúc xác thân này tan rã, chỉ có những người có chuẩn bị tinh thần bằng phép thực tập làm quen và nhìn sâu vào cái chết. Bạn phải tập chết mỗi ngày. Bạn không nên tin rằng “chết” là điềm chẳng lành, đừng bị người ta lừa rằng nó là một việc cấm kỵ. Không! Chết là một nghệ thuật tuyệt vời, cao nhất của một kiếp người. Bạn phải tập chết cho thật đẹp, an, lành. Người Tây Tạng để hết cả cuộc đời quán chiếu, tu luyện, học hỏi về bản chất của cái chết, do vậy họ có một nếp sống rất bình thản.
Sự thật, biết bao nhiêu tế bào trong cơ thể đang chết trong từng giây từng phút và đồng thời biết bao nhiêu tế bào trong cơ thể đang sinh sôi nẩy nở mỗi ngày. Từ đó, bạn thấy rõ sống chết là chuyện bình thường đang xảy ra ngay trong cơ thể bạn. Sống chết lưu chuyển, trao đổi với nhau làm cho sự sống thêm linh động như ngày qua đêm, mưa rồi nắng, xuân tới hạ...
Bạn nhớ đừng sống hững hờ với những gì mầu nhiệm đang có mặt trong sự sống và đừng tự che mắt trước sự thật mong manh của mọi sự, mọi vật. Có cái thấy này, bao nhiêu việc khác trở nên không còn quan trọng nữa. Biết đói, bạn mới nếm được cái hạnh phúc khi được ăn no. Biết đau nhức, bạn mới cảm được cái hạnh phúc khi không còn đau nhức. Biết chết, bạn mới thấy được cái hạnh phúc khi được sống thật sự. Hãy sống vui tươi, hạnh phúc và yêu thương ngay đi bạn! Đừng đợi niềm vui, hạnh phúc ở ngày mai hoặc nơi nào khác vì nó có thể muộn màng.
Bạn thử tập nhìn sự sống của bạn có ở trong thân tứ đại, đồng thời nó cũng có mặt ngoài thân tứ đại. Hãy tập làm quen rằng: Thân này là mảnh vườn, máu này là dòng sông, hơi thở này là không khí, nhiệt lượng này là ánh nắng buổi sớm, trái tim này là mặt trời... Mỗi giây mỗi phút, sự sống bạn liên tục gắn liền, đổi trao mật thiết với nhiều yếu tố khác trong sự sống. Uống nước, bạn là mạch nước từ lòng đất sâu, bạn là con suối nhỏ, bạn là đám mây bay... Ăn cơm, bạn là cánh đồng lúa vàng đang hát vi vu trong cơn gió. Thở không khí, bạn trở thành không gian bao la... Nghe dòng sông vỗ vào bờ, bạn nghe được tiếng gọi từ bản thể uyên nguyên của chính mình. Thấy ruộng vườn, núi sông, bạn thấy được tấm thân mênh mông của bạn...Bạn là tất cả vũ trụ bao la. Nhìn đâu, bạn cũng thấy được mặt mũi chân hình.
Bạn hãy tập chết để biết trân quý sự sống và sống sâu sắc từng giây phút hàng ngày. Chết như thay chiếc áo nên bạn tập sống yêu thương mỗi ngày. Sự sống tuyệt vời như vậy đó! Sao bạn cứ mãi nhốt tâm hồn trong ngục tù cô đơn, buồn tủi, giận hờn. Hãy trả về thiên nhiên những dòng suối yêu thương. Hãy trả về quê hương tấm thân cát bụi này. Quê hương sẽ ôm ấp, chở che cho bạn. Bạn sẽ ngủ yên trong lòng đất. Tâm hồn bạn sẽ đi về nơi quê xưa chốn cũ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm