Sự tích cây nêu theo lời kể của Sư ông Làng Mai
Ở Việt Nam có một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian về sự tích cây nêu. Chuyện kể rằng:
Ngày xưa, Ma vương làm chúa tể cõi đất này. Dưới quyền thống trị của Ma vương có rất nhiều bạo động, hận thù tham vọng nên dân chúng rất khổ. Nhưng trong dân chúng có người có cái thấy bất nhị: nếu có ma thì thế nào cũng có Bụt. Bụt ở đâu đó và thế nào Bụt cũng tới để cứu mình nên mình đừng lo. Mình cứ kiên nhẫn đi, một ngày nào đó Bụt sẽ xuất hiện. Thật vậy, khi ấy Bụt mới thành đạo, Ngài đi thiền hành tới và ngồi xuống rất yên lặng. Ma vương nghĩ: “Anh chàng này là ai mà có vẻ khác người như vậy? Ngồi yên, nhẹ nhàng, không quấy phá ai hết. Vậy cứ để anh ta ngồi”. Bụt ngồi thiền xong đứng lên đi những bước chậm rãi, an lạc, thanh thoát. Bụt đi thiền hành xong, trở lại ngồi xuống thì Ma vương tới hỏi thăm:
– Anh là ai? Anh tới đây làm gì?
Bụt nói:
– Tôi thấy đất này đẹp quá! Sớm mai cũng đẹp, buổi chiều cũng đẹp. Tôi ngồi lắng lòng lại để thấy được những cái đẹp đó. Nó nuôi dưỡng tôi, nó cho tôi hạnh phúc. Tôi không cần sở hữu đất đai, vườn tược, châu báu ngọc ngà. Tôi không tranh đua với anh, tôi chỉ muốn anh cho tôi cơ hội được ngồi yên và được đi những bước thảnh thơi trên hành tinh đẹp đẽ này mà thôi.
Ma vương thấy điều này không có hại gì tới mình nên nói:
– Được, anh muốn ngồi bao lâu cũng được, muốn đi bao nhiêu cũng được.
Mấy ngày sau Bụt nói:
– Nhưng tôi có nhiều bạn lắm. Tôi có tới 1250 bạn mà người nào cũng muốn ngồi thiền, đi thiền. Vậy anh có cho phép chúng tôi được ngồi thiền và đi thiền trên lãnh thổ của anh hay không?
Ma vương nói:
– Được, làm gì chứ đi thiền và ngồi thiền thì được.
Hôm đó trời nắng, Ma vương hỏi:
– Anh muốn bao nhiêu đất, bao nhiêu vùng để ngồi thiền và đi thiền?
Lúc đó chưa có thước đo, Bụt nói:
– Bây giờ nếu anh chịu thì tôi sẽ cởi chiếc áo ca sa của tôi, tung cao lên trời. Bóng của chiếc y che được từng nào thì đó là đất đai mà chúng tôi cần để ngồi thiền và đi thiền.
Ma vương nghĩ nhiều lắm thì chiếc y chỉ che độ một vài cây số nên nói:
– Không sao hết, anh cứ tung lên đi!
Bụt cuốn áo ca sa lại và tung lên trời. Như có thần lực, áo ca sa bay lên cao, cao nữa rồi xòe ra. Và khi xòe ra thì bóng của chiếc ca sa bao trùm hết cả trái đất. Như vậy, theo nguyên tắc thì Bụt và các đệ tử có quyền đi thiền và ngồi thiền khắp nơi trên cõi đất. Đó là giao kèo giữa Bụt và Ma vương.
Lễ dựng nêu xuân Canh Tý 2020 ở Huế
Chuyện này không có trong kinh mà do dân gian đặt ra. Từ đó về sau mỗi khi Tết đến, tất cả người dân trong nước dựng lên một cây nêu, trên cây nêu có treo một chiếc y của Bụt để nhắc mọi người rằng: Đây không chỉ là lãnh thổ của Ma vương, mà đây cũng là lãnh thổ của Bụt. Chúng ta có quyền tu tập, ngồi thiền và đi thiền trong lãnh vực này. Làm được chuyện này thì chúng ta sẽ làm giảm thiểu đau khổ và chế tác được nhiều hạnh phúc. Từ đó các bạn và các đệ tử của Bụt tha hồ thực tập ngồi thiền, đi thiền, pháp đàm, ăn cơm im lặng tại vì sự thực tập giúp làm lắng dịu thân tâm, làm cho người ta có thể hiểu nhau, thương nhau và hòa giải với nhau. Từ đó về sau, nhờ sự thực tập mà thế gian bớt khổ rất nhiều. Người ta thấy đây không phải chỉ là lãnh thổ của Ma vương mà đây cũng là lãnh thổ của Bụt. Cứ đến ngày Tết là gia đình nào cũng dựng lên một cây nêu ở trước sân vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, trên đó có treo một chiếc ca sa của Bụt để nhắc nhở rằng mình phải thực tập để chế tác hạnh phúc và làm giảm thiểu khổ đau thì Bụt mới có lãnh thổ. Nếu mình bỏ quên sự thực tập, không ngồi thiền, không đi thiền, không pháp đàm, không ăn cơm trong chánh niệm, không giữ giới thì lãnh thổ này là lãnh thổ của ma cho dù mình được cho phép thực tập đi nữa.
Dựng cây nêu vào ngày 23 Tết để ta quán chiếu từ ngày 23 cho đến ngày mồng một Tết là mình phải tiếp tục thực tập. Chính khi thành Bụt rồi mà còn phải thực tập huống hồ gì ta chưa thành Bụt. Vì vậy ta cần phải thực tập thật tinh chuyên. Theo nguyên tắc thì từ ngày 23 tháng chạp đến ngày mồng một Tết ta phải tự nhắc nhở mình phải tu tập như thế nào để lãnh thổ này là lãnh thổ của Bụt, của an lành mà không phải là lãnh thổ của Ma vương.
Nhưng ở Việt Nam, hình như ở Trung quốc cũng vậy, người ta ăn Tết tới 10 ngày. Như vậy cũng hay vì chúng ta có nhiều thì giờ để vui chơi với nhau. Nhưng trong xã hội ngày nay con người quá bận rộn nên ta bắt buộc phải giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày. Ở Làng Mai chúng ta cũng sẽ thực tập 4 ngày Tết: mồng một, mồng hai, mồng ba và mồng bốn Tết. Cây nêu là một sự thực tập nhắc nhở chánh niệm. Nếu không thực tập, không giữ giới, không biết ngồi thiền đi thiền, không biết nói lời ái ngữ và thực tập lắng nghe thì những tham giận, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, hận thù sẽ phát triển và lãnh thổ của Bụt sẽ trở thành lãnh thổ của ma. Cây nêu có chức năng nhắc nhở cho tất cả mọi người là năm mới ta phải thực tập cho đàng hoàng để làm giảm thiểu khổ đau và chế tác thêm hạnh phúc. Đó là ý nghĩa của cây nêu. Ở Việt Nam, ngày hôm nay theo nguyên tắc thì tất cả mọi nhà đều phải dựng một cây nêu ở trước sân để chứng tỏ đây cũng là lãnh thổ của Bụt và chúng ta phải thực tập thì lãnh thổ này mới thật sự là lãnh thổ của Bụt, lãnh thổ của từ bi và trí tuệ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm