Sùng Nghiêm Diên Thánh – ngôi chùa cổ thời Lý
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh cùng với lễ hội của chùa là nét văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn tinh hoa văn hóa lâu đời của xứ Thanh.
Đây thực sự là một công trình tiêu biểu, đậm đặc về yếu tố chính trị, kiến trúc, Phật giáo, văn hóa, lịch sử của làng Duy Tinh, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, cho đến nay vẫn còn bảo tồn và phát huy được giá trị.
Duy Tinh giáp bộ, giáp phường
Giáp cầu, giáp chợ, giáp đường giao thông
Vui thay trên bến dưới sông
Thuyền bè tấp nập theo dòng về đây.
Câu ca ấy vốn nói đến Duy Tinh – một làng cổ có từ thời Lý nổi tiếng là trung tâm chính trị, kinh tế, Phật giáo của quận Cửu Chân, trấn Thanh Hoa xưa, nay thuộc xã Thuần Lộc (Hậu Lộc). Và nhắc đến Duy Tinh, không thể không nhắc đến ngôi chùa cổ Sùng Nghiêm Diên Thánh gắn với đời sống văn hóa tâm linh lâu đời của bao thế hệ người dân nơi này.
Theo các cụ cao niên của làng và các tài liệu, trước thời nhà Lý, Thanh Hóa là quận Cửu Chân, lỵ sở quận Cửu Chân đóng tại làng Giàng (Thiệu Hóa). Khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, chia nước ta làm 24 lộ. Vua Lý chuyển lỵ sở Thanh Hóa từ làng Giàng (Thiệu Hóa) về làng Duy Tinh (Hậu Lộc).
Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh dựng năm 1118 (hiện còn ở chùa) ghi rõ: “Tháng hai năm Bính Thân niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ bảy (1116), nhà vua đi tuần phương Nam, đến địa hạt châu Ái, thuyền rồng đậu lại, xe loan tạm dừng, cờ xí lóa trời, vũ vệ ngợp mây… Ngoài nơi biên tái, được gợi ơn sâu, thực là việc ngàn năm khó gặp, mà vinh hạnh sâu sắc của cả một vùng”. Đây là chuyến tuần du phương Nam của Vua Lý Nhân tông, nắm tình hình và kiểm tra công việc của quan địa phương. Sau khi vua hồi cung, nhằm phúc đáp ơn vua và chúc quốc vận trường tồn, quan trị nhậm Thanh Hóa bấy giờ là Thông phán họ Chu, quyền coi quận Cửu Chân đã cho trùng tu chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh và dựng bia đá ghi lại sự kiện này, hoàn thành vào năm 1118. Văn bia dài khoảng 2.000 chữ, chủ yếu ca ngợi công đức và thuật tả quá trình xây dựng chùa của viên quan họ Chu. Trong bài văn có những câu, những đoạn nói về đạo Phật, ý tứ cao xa, văn chương lưu loát. Đây là bài văn bia dài nhất và cổ nhất còn giữ được cho đến nay.
Về mặt kiến trúc, chùa được xây dựng công phu, hoa văn tinh xảo, ngói mũi hài, nóc nhà uốn lượn như trĩ bay xòe cánh, đầu cột chạm trổ như phượng múa lân chầu. Tường vách xung quanh một cõi bụi trần không lẫn, hành lang bao bọc, bốn mùa hiên cửa thanh hư. Bên cửa có vườn thơm, khóm lan mềm mại dầm móc, phía tả có ao mát, mặt nước hoa sen tốt tươi. Khuôn viên chùa rộng, cửa tam quan có hai voi đá chầu đối diện nhau, trên có gác chuông, đi vào phía Tây có hai khánh đá. Bên trái có bia ghi tên những người có công đức với chùa. Chùa có ba cung: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam.
Từ năm 1995 đến nay, chùa đã được đầu tư trùng tu, xây mới nhiều hạng mục công trình như: Mở rộng khuôn viên, nâng cấp sân, đường đi lối lại trong chùa, xây cầu vòng bằng đá bắc qua hồ sen, xây hai dãy nhà hai bên to cao ngoảnh mặt vào nhau dùng để thờ các vị khai sinh ra chùa, đồng thời là nơi làm việc, tiếp khách, nơi nghỉ của các sư. Việc trùng tu lại chùa dù khang trang, bề thế hơn chùa cũ, nhưng kiểu cách kiến trúc (cột, kèo, khóa giang, đòn tay, kẻ bẩy, chồng rường, cửa, các đường chỉ, hoa văn họa tiết…) thì vẫn theo như cũ. Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, là một trong số rất ít chùa cổ có từ thời Lý còn lại ở Thanh Hóa. Chùa còn nhiều hiện vật cổ quý hiếm như: Kiểu dáng kiến trúc, tượng Phật, tấm bia thời Lý (khắc năm 1118), tấm bia thời Lê (khắc năm 1604), bệ đá hình sư tử đội tòa sen (tương tự bệ đá chùa Thầy ở Hà Nội), các tượng gỗ có từ thế kỷ thứ XVII, chuông đúc thời Gia Long (năm 1818), ngói lá đề, gạch hoa thời Lý… Với những giá trị to lớn ấy, năm 1990 chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia; năm 2019 được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Hàng năm, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch, tại chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh thường diễn ra lễ hội khá quy mô và trang trọng, thu hút nhiều du khách. Trước ngày lễ hội, Nhân dân chuẩn bị dựng rạp, kiệu, cáng, quần áo, mũ. Nhà chùa chuẩn bị đúc oản, đồ lễ, làm bánh… Lễ hội có hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức với các nội dung khai hội, rước kiệu, tế lễ. Đi đầu đoàn rước kiệu là đoàn múa kỳ lân, sau đó lần lượt đến kiệu song loan rước thần Cao Sơn Độc Cước do 4 người khiêng. Đi trước kiệu là người cầm bảng chữ “Thượng đẳng tối linh thần”, tiếp đó là đoàn người cầm gươm, giáo, cờ… Đi sau kiệu song loan là đoàn tế của các cụ trong làng, tiếp đến là đội bát âm cử nhạc lưu thủy; kiệu bát cống rước Đức Thánh Bà Hoàng Cảm Linh Nhâm. Đi trước kiệu là đoàn tế nữ quan; kiệu rước Đức Thánh Mẫu; sau cùng là dân làng, khách thập phương. Kiệu được rước bắt đầu từ chùa, đi vòng quanh làng, rồi trở về chùa. Ở chùa sẽ tổ chức đại tế. Vào phần hội tổ chức các trò chơi truyền thống như: cờ người, bài điếm, kéo co, nấu cơm thi, chạy thẻ, chọi gà… Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục – thể thao thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương.
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh cùng với lễ hội của chùa là nét văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn tinh hoa văn hóa lâu đời của xứ Thanh. Đây thực sự là một công trình tiêu biểu, đậm đặc về yếu tố chính trị, kiến trúc, Phật giáo, văn hóa, lịch sử của làng Duy Tinh, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, cho đến nay vẫn còn bảo tồn và phát huy được giá trị.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bảo vật quốc gia chuông chùa Thiên Mụ
Chùa Việt 09:28 19/12/2024Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế mà còn là một công trình kiến trúc và văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc.
Độc đáo ngôi chùa cổ ở TP. HCM được trang trí bằng 30 tấn mảnh sành, sứ
Chùa Việt 09:37 18/12/2024Mất khoảng 20.000 ngày công để gắn hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu lên toàn bộ công trình, chùa An Phú sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam, trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.
Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM
Chùa Việt 10:02 09/12/2024Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.
Chiêm ngưỡng nhiều cảnh “độc, lạ” ở chùa Linh Sơn
Chùa Việt 09:37 07/12/2024Nằm trên gò cao bên triền núi Ba Thê, chùa Linh Sơn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong quần thể di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Từ lâu, nơi đây được xem là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng khắp vùng. Tham quan ngôi chùa trăm năm tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh ở đây.
Xem thêm