Tám nỗi khổ lớn nhất của cuộc đời mỗi người
Trong Khổ Đế của Đức Thế Tôn thuyết giảng, có tám điều khổ vô cùng của kiếp người, mà tám điều này giữ phần cương lãnh.
Điều thứ nhất là Sanh Khổ: Tức là chỉ nỗi khổ khi mỗi người được sanh ra. Loài người khi ở trong thai đã có tình thức. Do có tình thức nên có sự cử động cảm xúc. Khi mẹ ăn thức lạnh vào, cảm thấy như ở trong giá băng; lúc ăn thức nóng vào, cảm thấy như bị nung đốt. Thai nhi sống trong chỗ chật hẹp tối tăm nhơ nhớp, vừa lọt lòng đã kêu khóc oa... oa. Rồi từ đó khi lạnh, nóng, đói, khát, muỗi kiến cắn đốt, chỉ biết kêu khóc mà thôi. Huệ nhãn của Phật thấy rõ những chi tiết ấy, nên Ngài xác nhận là khổ. Nếu như Sanh không khổ thì khi lọt lòng trẻ đã chẳng kêu khóc oa... oa. Vì thế, cổ đức đã than:
“Vừa khỏi bào thai lại nhập thai.
Thánh nhơn trông thấy động bi ai!
Huyễn thân xét rõ toàn nhơ nhớp.
Thoát phá mau về tánh bản lai”.
Điều thứ hai là Lão Khổ: Tức là sự khổ lúc tuổi về già. Con người khi già rồi, các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn thấy kém ngon, ngủ không thẳng giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn, răng lần lần đau nhức chuyển rụng. Dù cho bậc thanh niên tuấn nhã, hay trang thiếu nữ xinh đẹp, khi đến tuổi này âu cũng:
“Bao vẻ hào hoa đâu thấy nữa.
Một thân khô kiệt nghĩ buồn tênh!”
Nhiều người khi tuổi già đến thì lờ lẫn, khi ăn mặc, lúc đại tiểu đều nhớp nhơ, con cháu dù thương yêu nhưng dần cũng sanh nhàm chán. Kiếp người dường như kiếp hoa, luật vô thường
chuyển biến khi đã đem đến cho hương sắc, nó cũng đem đến cho vẻ phai tàn. Xét ra cái già thật không có gì vui, thân người thật không đáng lưu luyến!
Vì thế đức Phật mới bảo: Già là khổ!
4 nỗi khổ lớn nhất đời người, ai cũng nên biết để sống an nhiên tự tại
Điều thứ ba là Bịnh Khổ: Tức là sự khổ trong cơn đau yếu. Có thân là có bịnh, từ những thứ bịnh nhẹ thuộc bên ngoài, đến các chứng bịnh nặng ở bên trong. Có người vướng phải những bịnh nan y như: lao, cùi, ung thư, bại liệt... Trong cảnh ấy, tự thân đã đau đớn, lại tốn kém hoặc không có tiền thuốc thang, chính mình bị khổ, lại gây thêm khổ lụy cho gia đình. Đó là thân khổ mà gia đình thêm khổ! Nỗi khổ về bịnh là sự hiển nhiên,chúng ta rất dễ nhìn thấy.
Điều thứ tư là Tử Khổ: Tức sự khổ trong lúc chết. Mọi người đều muốn sanh thuận, tử an, nhưng việc ấy rất khó được, mà khi chết phần nhiều sắc thân lại bị bịnh khổ hành hạ đau đớn.Thân đã như thế, tâm thì hãi hùng lo sợ, tham tiếc ruộng vườn của cải, buồn
rầu phải lìa bỏ thân nhơn, muôn mối dập dồn, quả thật là khổ. Đề cập đến chữ “Chết” mấy ai đã muốn nghe, nói gì là ưa thích.
Điều thứ năm là Ái Biệt Ly Khổ: Tức là sự khổ khi xa lìa người thân yêu.
Điều này trong hoàn cảnh chiến tranh, ta càng thấy rõ. Biết bao gia đình chịu cảnh kẻ Bắc, người Nam. Biết bao thanh niên phải dấn thân nơi trận mạc, người ở nhớ thương, kẻ đi sầu thảm. Đó chỉ là cái khổ sanh ly. Lại biết bao kẻ tuổi hãy còn xuân, tử thần cướp đi người yêu quí, phải chịu cảnh góa bụa bơ vơ. Rồi lại những kẻ cha mẹ, anh em, con cái bị đạn bom tử nạn. Còn biết bao trẻ em quyến thuộc đều chết, thiếu tình thân mật, sống vất vưởng nơi làng cô nhi! Đây là nỗi khổ về tử biệt. Cho nên trong thời buổi này, biển nhớ sông thương đã sâu dài, mà núi hận trời sầu cũng cao rộng! Cảnh sanh ly tử biệt với người thân yêu, quả thật là khổ!
Điều thứ sáu là Oán Tắng Hội Khổ: Tức là sự khổ về oan gia hội ngộ. Bị những kẻ đối nghịch thù oán ở gần bên gièm pha nói xấu, phá phách mưu hại, làm cho ta phải bực tức khó kìm chế, lo sợ không yên, là một điều khổ. Lại còn nhiều gia đình, cha mẹ anh em hoặc vợ chồng không đồng ý kiến, thường có sự tranh cãi giận ghét buồn phiền lẫn nhau. Đó khác nào sự gặp gỡ trong oan gia, đâu có chi là hạnh phúc!
Điều thứ bảy là Cầu Bất Đắc Khổ: Tức là sự khổ về mong cầu không toại ý.
Trong đời sống, con người có rất nhiều ước vọng mong cầu. Đại khái như nghèo muốn cho giàu, xấu muốn cho đẹp, không con muốn cho có con, có con muốn cho nó nên người thông minh hiếu thuận. Ngàn muôn ước vọng như thế, cầu mong mà không toại ý, đó là nỗi khổ.
Điều thứ tám là Ngũ Ấm Thạnh Khổ: Tức là sự khổ về năm ấm hừng thạnh.
Năm ấm đó là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc ấm thuộc về thân, bốn ấm kia thuộc về tâm. Nói một cách đơn giản: Đây tức là sự khổ về thân, tâm. Điều thứ tám này bao quát bảy món khổ trước: thân thì sanh, già, bịnh, chết, đói, khát, nóng, lạnh, vất vả nhọc nhằn; tâm thì buồn, giận, lo, thương, trăm điều phiền lụy.
Khi xưa thái tử Sĩ Đạt Ta dạo chơi bốn cửa thành thấy cảnh già bịnh chết, Ngài là bậc trí lực sâu xa, cảm thương đến nổi khổ của kiếp người, nên bỏ hoàng cung tìm phương giải thoát. Trái lại, những kẻ trí tánh dung thường, xét nghĩ cạn cợt, không biết suy tư về cái khổ, nên thường lấy khổ làm vui.
Có kẻ, nếu nói Sanh là khổ; họ bảo: “Khi sanh ra tôi không biết chi, nên chẳng thấy khổ!”
Nếu nói Già là khổ; họ bảo: “Hiện tại tôi chưa già!”
Nếu nói Bịnh là khổ; họ bảo: “Từ trước tới giờ tôi thường khoẻ mạnh, rất ít đau yếu, nếu có bịnh cũng chỉ xoàng thôi, không thấy chi là khổ!”
Nếu nói Chết là khổ; họ bảo: “Cái chết chưa đến, biết đâu đó như là một giấc ngủ yên?”
Nếu nói Thương chia lìa là khổ; họ bảo: “Gia quyến tôi vẫn đoàn tụ vui vẻ, không có sự biệt ly!”
Nếu nói Oán gặp gỡ là khổ; họ bảo: “Tôi đâu có làm gì để ai oán ghét mưu hại?”
Nếu nói Cầu không được là khổ; họ bảo: “Cuộc sống của tôi đầy đủ như ý, không còn mong cầu chi khác.”
- Thế thì kẻ ấy không có khổ ư?
- Họ có khổ, tức là là sự khổ về năm ấm, hay thân tâm đều sung thạnh.
- Thân tâm cường kiện sung thạnh sao lại khổ?
Chúng ta thử xem trên xã hội này, những vụ án như: bắn giết, cướp bóc, hiếp dâm, đánh chém nhau... Các vụ án ấy, một phần do hạng người nhàn rỗi, thân tâm quá sung mãn đầy đủ, họ bị những kích thích về tâm lý, sinh lý, ngồi đứng không yên, vô sự sanh sự, gây nên những việc hung tàn. Như hiện nay từ Âu Mỹ đến Việt Nam, rất nhiều kẻ sống theo trào lưu cuồng loạn, say đắm theo rượu mạnh, nhảy nhót, hút cần sa hoặc chích ma túy, dâm dật, buôn lậu, ưa vũ thoát y hoặc nhạc kích động, ăn chơi đủ cách, cho đến thích nguy hiểm, bạo hành. Thân và Tâm của họ không yên, như ngọn lửa phừng cháy gây nên nhiều lỗi lầm tội ác, để rồi phải chịu khổ. Đó chính là cái khổ "Năm ấm hừng thạnh."
Tám điều trên đây gọi là Bát khổ. Tám món khổ này chỉ là đại cương, nội dung của nó còn bao gồm nhiều mối khổ khác. Chúng ta thử quán sát mình và người, phải chăng đã chịu ít nhiều trong Bát khổ? Người học Phật nếu biết suy tư đến tám mối khổ lớn của nhơn sanh, có thể gọi là đã đến gần với đạo vậy.
Trích “Niệm Phật Thập Yếu”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm