Tản mạn về Đức Phật Di Lặc và mùa xuân
Phật giáo nghinh xuân trong tâm thế rất riêng, rất khác biệt nhưng đầy ý vị và nhân văn, đó là mùa xuân Di Lặc. Vì ngày mùng một Tết Nguyên Đán cũng là ngày vía Đức Di Lặc – vị Phật tương lai biểu trưng cho hạnh hỷ xả và bao dung, yêu thương và chia sẻ, tươi vui và hạnh phúc.
Sài Gòn lập đông, những ngọn gió heo may mỗi sớm ùa về se lạnh. Tiết trời vào xuân, báo hiệu một năm sắp kết thúc, chuẩn bị đón chào năm mới đến. Khép lại năm 2020 với con số tròn trịa nhưng chao đảo và bấp bênh, hoang mang và sợ hãi. Nào dịch bệnh, thiên tai,… Những cái chết thương tâm, những mất mát không gì bù đắp, tai ương, khổ lụy vây lấy cả thế giới loài người.
Nhiều người muốn sớm kết thúc năm 2020, để nhanh chóng lìa xa những tháng ngày hoảng loạn vì lo sợ, bất an. Chúng ta ước mơ một năm mới với nền kinh tế ổn định, có vaccine Covid-19 để cuộc sống trở lại nhịp nhàng, để được tự do và những người thân yêu khắp nơi hội ngộ. Xuân 2021 sẽ mở ra vận hội mới, đó là niềm hy vọng với khát khao đất nước và thế giới sẽ bước sang một trang mới, tươi vui, phấn khởi, tràn ngập niềm tin yêu.
Hòa chung niềm vui của nhân loại và đất trời, đạo Phật đón chào xuân mới trong tinh thần hỷ xả bao dung, từ bi và trí tuệ. Phật giáo nghinh xuân trong tâm thế rất riêng, rất khác biệt nhưng đầy ý vị và nhân văn, đó là “mùa xuân Di Lặc”. Gọi là xuân Di Lặc vì ngày mùng một Tết Nguyên Đán cũng là ngày vía Đức Di Lặc – vị Phật tương lai biểu trưng cho hạnh hỷ xả và bao dung, yêu thương và chia sẻ, tươi vui và hạnh phúc. Trên tinh thần đó, Tết trong Đạo Phật còn được gọi là “Tết hạnh phúc”, “Tết hoan hỷ”, “Tết bao dung”, “Tết hy vọng”, “Tết yêu thương và chia sẻ”,…
Tết yêu thương và chia sẻ
Đức Phật Di Lặc biểu thị cho tình yêu thương, sự sẻ chia, nên cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, hầu hết các chùa đều thực hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp dành cho cộng đồng xã hội như: quan tâm đời sống của những mảnh đời khó khăn, tặng quà cho người già neo đơn, người ốm đau bệnh tật, các công nhân xa quê, quà Tết cho trẻ em nghèo,… Nhiều chuyến xe miễn phí đưa công nhân, sinh viên về quê đón Tết cùng gia đình, người thân và rất nhiều việc làm ý nghĩa nhân văn khác dành cho cộng đồng đã được tổ chức. Ngoài nghĩa cử quan tâm đến người còn sống, nhiều chùa còn thực hiện các việc làm ý nghĩa dành cho người đã khuất như: tổ chức tụng kinh cầu siêu tháng cuối năm, tạo cơ hội để nhắc nhở Phật tử, con cháu trở về chùa tụng kinh, tác phước, tạo nhiều công đức để hồi hướng phước báu cho ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ,….
Đặc biệt, vào đêm giao thừa, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi tất cả mọi người đều tề tựu bên người thân chuẩn bị đón năm mới, chúng ta lại thấy đâu đó hình ảnh Đức Phật Di Lặc hóa thân đi vào đời. Bụng lớn, miệng cười tươi, vai mang tay nải chất đầy quà, lặng lẽ đến từng con phố, làng quê đến những mảnh đời khó khăn, túng thiếu để trao tặng. Đó là những chiếc bánh tét, bánh chưng thơm nồng, những hộp mứt đậm đà hương vị ngày Tết, là phong bao lì xì, như lời chúc may mắn, an lành năm mới. Sự hóa thân của Đức Phật Di Lặc đến bên cạnh những mảnh đời khó khăn, một mặt để sẻ chia giúp đỡ, một mặt để cổ vũ, động viên, thay người thân đến bên cạnh họ trong những thời khắc quan trọng của năm mới. Đức Phật Di Lặc đến bên đời bằng những gì bình dị nhất, chân chất mà thấm đượm tình đời, tình đạo. Gọi Ngài là Tết yêu thương, Tết sẻ chia thật hoan hỷ lắm thay!
Phật Di Lặc là ai trong kinh điển Phật giáo?
Tết hoan hỷ, Tết bao dung
Khoảnh khắc đầu tiên khi nhìn vào tôn tượng Phật Di Lặc luôn làm chúng ta có cảm giác thoải mái, tươi vui, nhẹ nhàng, thư thái. Đó là lý do mà Ngài được ví von: “Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ. Miệng cười hỷ xả, xả những việc khó xả ở thế gian”. Kết thúc một năm với nhiều buồn vui đắc thất, mang trong mình những lo toan khác nhau, mỗi người đều có những tổn thương, buồn khổ chất chứa trong tâm. Tết đến rồi, mùa xuân Di Lặc tới rồi, hãy hỷ xả bao dung để ngày xuân trọn vẹn.
Đời người, không dài cũng chẳng ngắn. Dài hay ngắn là do cách sống và hành xử của mỗi chúng ta. Sống tốt, biết yêu thương, sẻ chia và hoan hỷ, sống ý nghĩa, sống có ích đó là cuộc đời dài. Ngược lại, chất chứa buồn đau, giận hờn oan trái, dù sống thọ bao lâu thì cuộc sống đó cũng ngắn ngủi vô cùng. Đức Phật Di Lặc xuất hiện vào mùa xuân, mang biểu trưng cho hạnh từ bi hoan hỷ, buông xả bao dung. Học hạnh của Ngài để mình đón xuân sang vẹn phần tươi mới. Năm cũ qua rồi, quá khứ không quay về nữa. Những được mất hơn thua, giận hờn thương ghét cũng theo đó đi, đừng ôm ấp, tiếc nuối để làm trái tim mình đau thêm lần nữa. Đời người, ai chẳng có lúc thất bại, ai chẳng có khi thành công. Cứ cố gắng hết mình, nhiệt tâm bước tới, luôn kiên trì nhẫn nại, mọi việc cứ để tùy duyên. Xuân mới đến rồi, phát nguyện chuyển hóa bản thân, sống theo hạnh nguyện ngài Di Lặc, luôn hỷ xả bao dung, tươi cười độ lượng, so với việc ôm chặt nỗi đau, chất chứa phiền muộn, thì tâm bao dung, tha thứ, buông bỏ sẽ làm cuộc đời tươi mới như hoa, đong đầy yêu thương như nắng sớm đang về.
Tết hạnh phúc
Mùng một Tết cũng là ngày khánh đản Đức Phật Di Lặc, với ý nghĩa biểu trưng cho một khởi đầu mới nhiều may mắn, tốt đẹp, hạnh phúc ấm no. Nên từ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới (giao thừa), người người về chùa thắp hương lễ Phật, cầu nguyện bình an hạnh phúc trong năm mới. Dù năm qua cuộc sống không thuận duyên, may mắn chưa mỉm cười, hạnh phúc không trọn vẹn. Nhưng tất cả đã là quá khứ, ngày cũ đã đi rồi. Phút giây hiện tại mới là tặng phẩm giá trị nhất mà cuộc đời dành tặng cho ta. Đức Phật từng dạy tất cả chúng ta: “Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hãy sống hết lòng với phút giây hiện tại”.
Sự xuất hiện của Đức Phật Di Lặc vào ngày đầu tiên của năm mới chính là cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta đã đến lúc nên khép lại những gì đã qua và hãy bắt đầu một hành trình mới nhiều niềm vui, sự thú vị và bất ngờ đang chờ phía trước. Bởi nếu sống mãi với quá khứ, chấp niệm mãi những gì đã qua, chúng ta sẽ đánh mất thời khắc mầu nhiệm của hiện tại và những tháng ngày tiếp theo, thân tâm mãi lẫn quẩn trong tiếc nuối buồn thương. Cuộc sống như vậy nào có ý nghĩa gì.
Nhân duyên đã cho ta hiện hữu, tồn tại trên cõi đời này, tại sao không tận dụng nó để sống an vui, hạnh phúc, tâm thế u uất nào có giải quyết được gì. Mỗi ngày có 24 giờ, buồn cũng vậy, vui cũng chừng ấy thời gian, nên đừng mãi đắm chìm vào những gì đã xảy ra ở quá khứ. Hãy khép lại và bắt đầu cho hành trình mới tốt đẹp hơn. Đầu năm lễ Phật nghinh xuân, tiễn năm cũ, tiễn muộn phiền đi, đón năm mới, đón niềm vui hạnh phúc về. Đó mới là tinh thần du xuân đúng nghĩa của mùa xuân Di Lặc.
Tết hy vọng
Tất cả chúng ta vừa trải qua một năm nhiều biến động, tai ương. Từng sống những ngày hồi hộp, lo sợ, bất an đến nghẹt thở. Từng nghĩ đến cảnh đói nghèo, nợ nần, túng thiếu khi dịch bệnh tràn lan, kinh tế lao dốc. Từng nghĩ đến cái chết khi nhìn thấy những câu chuyện sanh ly tử biệt và chứng kiến cảnh vô số người ngã xuống, vĩnh viễn ra đi vì dịch bệnh. Đại dịch khắp nơi trên thế giới chưa kịp khống chế, thiên tai đổ về đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của khúc ruột miền Trung Việt Nam. Nước dâng cao cuồn cuộn, đất đá sạt lỡ ầm ầm, nhà sập, tài sản bị cuốn trôi, người chết, kẻ bị thương,… tang thương phủ lấy cả bầu trời.
Tượng Phật Di Lặc và những điều Phật tử cần biết
Đó là lý do mà rất nhiều người muốn năm cũ qua mau, háo hức, đợi chờ ngày khánh đản Đức Di Lặc về để tiễn nỗi buồn đi, đón niềm vui đến. Đức Phật Di Lặc xuất hiện vào mùa xuân, vào đúng ngày mùng một Tết Nguyên đán mang đến hy vọng lớn lao về một năm mới thịnh vượng, an lạc và thành tựu. Một năm mới với niềm hy vọng lớn lao của bao người là những nhà khoa học nghiên cứu, chế tác thành công vaccine chống dịch, kinh tế ổn định trên toàn cầu, giao thương, du lịch mở cửa, bệnh tật được đẩy lùi, đời sống con người ấm no, hạnh phúc. Phật về mở cửa vô minh. Phật về gieo niềm hy vọng. Phật về hạnh phúc về theo. Nhân gian ca khúc khải hoàn đón mừng xuân mới. Mùa xuân Di Lặc lan tỏa muôn phương.
Phật đi vào đời như hoa nở muôn nơi. Mùa xuân đến, người người cũng hân hoan cung đón Đức Phật Di Lặc xuất hiện ở đời. Ngài là vị Phật biểu trưng cho sự hỷ xả bao dung, niềm hạnh phúc hy vọng, tình yêu thương sẻ chia. Đây cũng chính là ước muốn, là tâm nguyện lớn lao của bao người. Nghinh xuân hướng về Ngài, ta sẽ tiếp nhận được nguồn năng lượng tươi mới, dòng pháp lạc vô biên từ tâm nguyện Ngài dấn thân vào đời ban vui cứu khổ. Mỗi người, hãy nghinh xuân và cung đón Đức Phật Di Lặc của riêng mình, phát tâm sống theo hạnh nguyện của Ngài, nỗ lực tu học, chuyển hóa thân tâm để luôn mỉm cười hòa ái, đối đãi bao dung, yêu thương tha thứ, hỷ xả từ bi để có niềm an vui và hạnh phúc trọn vẹn. Đó chính là tinh thần đón xuân theo hạnh nguyện của mùa xuân Di Lặc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Nhân vật Phật giáo 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Tôn giả Ananda và 8 đặc ân khi làm thị giả của đức Phật
Nhân vật Phật giáo 07:35 31/05/2024Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Bắt đầu từ thời gian ấy, Đại đức Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc, phục vụ Đức Thế Tôn, cho đến lúc Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn.
Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên
Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.
Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam
Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.
Xem thêm