Đầu Xuân tản mạn về thư pháp
Nếu như dân gian có câu: “Nghề chơi cũng lắm công phu”, thì nghệ thuật thư pháp nói chung và thư pháp chữ Quốc ngữ nói riêng đã vượt xa cả một thú chơi đơn thuần trong các dịp lễ.
Thư pháp và khởi nguồn lịch sử
Những người am tường về thư pháp đều định nghĩa nội hàm của bộ môn thư pháp rất đơn giản và dễ hiểu. Đó là cách thức trình bày và thể hiện chữ viết. Cách định nghĩa như vậy có lý do rất thú vị, là khi xét ở khía cạnh văn hóa – lịch sử, người ta tin rằng con người biết đến ý niệm “nghệ thuật thư pháp” từ khi chữ viết sơ khai ra đời!
Những chỉ dấu đầu tiên về văn tự của người Việt cổ được tìm thấy trên mặt trống đồng Đông Sơn. Phương pháp khắc chữ tượng hình biểu đạt ý niệm liên quan đến ảnh tượng chim lạc trên trống đồng Đông Sơn hoàn toàn khác với các biểu tượng tương tự được phát hiện tại những di chỉ khảo cổ khác. Cụ thể, chim lạc trên trống đồng có nhiều đường nét đặc tả thần thái hơn, chi tiết chạm khắc phức tạp hơn rất nhiều lần. Đường lối cách điệu chim lạc phản ánh những tư duy đầu tiên của người Việt thuở sơ khai về thư pháp chữ tượng hình.
Như vậy, có thể nhận định khởi nguyên của thư pháp không phải là một thể loại nghệ thuật quá cao siêu, ngược lại, nó vô cùng gần gũi với đời sống của cộng đồng văn hóa. Thư pháp mang tính nhân văn, nhân bản vì nó truyền tải được tâm tư con người và lòng say mê cái đẹp thông qua việc chi tiết hóa, nghệ thuật hóa một ký tự bình thường và đem lại khoái cảm trực quan sinh động.
Thưởng lãm các bức thư pháp "thiền định" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Ở thời điểm mấy nghìn năm trước Công nguyên, khi người Ai Cập cổ đại hình thành hệ thống chữ tượng hình của riêng họ, gọi là hieroglyph (chữ khắc thần thánh). Loại chữ viết này đã chứa đựng sự phối hợp giữa các yếu tố dấu tốc ký và mẫu tự (một trong những biểu hiện của thư pháp). Các biểu tượng thể hiện ý niệm của con người về thần thánh, muôn loài, cõi vĩnh hằng được chạm khắc trên bài vị, lăng tẩm hay văn bản hành chính trên giấy papyrus hoàn toàn khác xa so với chữ viết dành cho giới bình dân. “Thư pháp” theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại là hình thức giao tiếp trang nghiêm và linh thiêng, thuộc về quý tộc, Pharaoh và thần thánh.
Bắt đầu muộn hơn phương Đông, người phương Tây trung đại dùng bút lông ngỗng viết chữ theo hệ ngữ Latin. Ở thời điểm đó, do kỹ nghệ in ấn chưa phát triển, họ phải chép tay các trước tác. Khi viết thư cho người mình trân quý hoặc sao y những tác phẩm quan trọng, ngoài lối viết thông thường, họ còn cách điệu chữ viết thành những đường cong, nét móc bay bướm. Bút lông ngỗng giúp cho chữ viết thêm nhỏ gọn, sắc sảo.
Mặc dù hệ ngữ Latin rất gần gũi với chữ viết của người Việt hiện đại và xu hướng viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ đang chiếm ưu thế, nhưng chúng ta không thể phủ nhận là nghệ thuật thư pháp Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền thư pháp Trung Hoa.
Ở Trung Hoa thời Đông Chu (771-256 Trước công nguyên), mỗi nước chư hầu dưới quyền thiên tử nhà Chu đều có hệ thống chữ viết ít nhiều khác biệt, song song với việc có một nền thư pháp riêng biệt. Sau năm 221 Trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng thâu tóm lục quốc, thực hiện chính sách độc tôn văn hóa. Chữ viết của các nước chư hầu bị xóa sổ cùng đơn vị tiền tệ, đo lường và ranh giới địa lý. Tuy nhiên, chữ viết nhà Tần (221-206 Trước công nguyên) không phải là chữ Trung Hoa hiện tại. Trong quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh Trung Hoa, các nho sĩ phong kiến đã đóng góp liên tục vào việc định hình đường lối, trường phái thư pháp. Có thể kể đến nhiều học giả nổi danh như Vương Hy Chi, Đường Bá Hổ…
Thiền sư Thích Nhất Hạnh gợi cảm hứng cho bộ lịch truyền đăng
Trung Hoa là một nền văn minh lớn. Có ảnh hưởng sâu đậm đến các quốc gia phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Mặc dù mỗi quốc gia có hệ thống chữ viết riêng, nhưng họ vẫn tiếp thu và hình thành bộ chữ viết dựa trên Hán tự. Ở Việt Nam, chữ Nôm bắt đầu thịnh hành từ thời Lê sơ (1428-1527). Hình thái chữ Nôm vẫn phụ thuộc phần nào vào lối viết Hán tự, chỉ thêm hoặc bớt nét đi. Ngoài ra, các nguyên tắc trình bày đều được tuân thủ.
Thư pháp Trung Hoa từ sau thời đại nhà Hán (206 Trước công nguyên – 220) càng thể hiện rõ tính thứ bậc về thể thức.
Cụ thể :
Văn bản hành chính trong triều đình (sớ tâu, chiếu chỉ), văn bản trong thi cử yêu cầu nét chữ phải đăng đối, rõ ràng. Chiếu chỉ là văn bản do hoàng đế tự chấp bút hoặc ủy nhiệm cho Ngự thư phòng (thuộc bộ Lễ) soạn thảo. Chữ khắc mộc bản in sách thường lựa chọn lối viết chân phương, rõ nét. Thư pháp trong đời sống văn nhân nghệ sĩ lại có thể bớt nét, thêm nét, chấm phá theo phong cách riêng biệt.
Việc thể hiện thư pháp cũng có nhiều chuẩn mực khác nhau. Khi viết theo lối triện thư thì chữ phải đảm bảo đủ nét như khắc trên dấu. Khi viết theo lối lệ thư thì có quyền dối nét, nối nét nhưng phải đảm bảo hình thái chữ. Còn viết thảo thư cũng tương tự như viết lệ thư, điểm khác biệt là tính phóng khoáng cao hơn.
Không dừng lại ở đó, thư pháp còn tiếp thu cả hội họa. Ban đầu, chữ viết đẹp thường là những lạc khoản nhỏ điểm xuyết cho tranh vẽ. Sau này, chữ thư pháp trở thành nội dung chính, phần họa chỉ mang yếu tố phụ. Và thư họa đã ra đời từ những bức tranh chữ như vậy.
Bế giảng Khóa Sơ cấp nghiên cứu Thư pháp Phật giáo
Nhận diện thành tựu thư pháp chữ quốc ngữ
Đến cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, làn sóng Tây học theo chân thực dân Pháp du nhập vào Việt Nam. Bên cạnh những nho sĩ kịch liệt phản đối trào lưu Tây học, cũng có không ít học giả cấp tiến tiếp thu và kết hợp sự ưu việt của tư tưởng tân học với nền tảng cựu học đương thời. Họ bắt đầu dùng bút lông viết chữ Quốc ngữ.
Nhà thơ, nhà giáo Lâm Tấn Phác (1906-1969), tức Đông Hồ tiên sinh, nguyên quán tại Hà Tiên, Kiên Giang, là một trong những người đầu tiên dùng bút lông viết chữ Quốc ngữ và thư pháp bằng chữ Quốc ngữ. Vì tiếng tăm trên văn đàn và vai trò mở đường cho việc cách tân thư pháp sang chữ Quốc ngữ, nhiều nhà thư pháp hậu sinh xem cụ Đông Hồ là tổ sáng nghiệp, nhiều thư quán còn treo hình cụ kèm dòng chữ “Đông Hồ tiên tổ”. Bút tích Đông Hồ tiên sinh hiện còn lưu giữ tại nhà lưu niệm Đông Hồ (thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).
Trước đây, chữ Hán được xem như chuẩn mực để viết thư pháp, vì đây là kiểu chữ tượng hình, dễ dàng thể hiện thần thái. Còn chữ Quốc ngữ lại là chữ tượng thanh, gặp nhiều hạn chế trong việc mô tả chữ đang viết. Tuy nhiên, nhà thư pháp Trụ Vũ, người tiếp thu phong cách của Đông Hồ tiên sinh đã quan niệm rằng, tiếng Việt không chỉ viết được thư pháp mà còn viết rất đẹp. Thư pháp chữ Quốc ngữ không thua kém gì thư pháp chữ Hán.
Sau một giai đoạn trầm lắng, thư pháp chữ Quốc ngữ phát triển mạnh mẽ trở lại vào đầu những năm 2000, với các ông đồ 8x, 9x đam mê chữ viết và văn hóa dân tộc. Đây là tín hiệu khởi sắc trong đời sống tinh thần của người Việt hiện đại. Càng ngày càng có nhiều người yêu mến nét chữ Việt, muốn thể hiện tinh hoa của thư pháp chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ nên đã tự mày mò và hình thành phong cách viết thư pháp chữ Quốc ngữ độc đáo và giàu bản sắc. Nền thư pháp chữ Quốc ngữ đã mang dấu ấn của những ngòi bút nổi trội và tài hoa như: thiền sư Thích Nhất Hạnh, Trụ Vũ, họa sĩ Lê Vũ, Vũ Đăng Học, Hoa Nghiêm…
Bức thư pháp Tâm Kinh lớn nhất thế giới được tạo nên từ cô gái Down
Cụ thể, Vũ Đăng Học từng bỏ ra hai năm để thực hiện Bộ Kinh Pháp cú bằng thư pháp chữ Quốc ngữ. Họa sĩ Lê Vũ là người mở ra hướng đi mới cho thư pháp thuần Việt, bằng ý tưởng sử dụng thư pháp vẽ tranh chân dung. Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng tác thư pháp trên tinh thần của Thiền. Đường lối thư pháp Thiền không hề hoa mỹ, không bị gò bó vào bất kỳ một chuẩn tắc nào nhưng vẫn thể hiện trọn vẹn trạng thái tự do, đại định.
Từng trao đổi với nhiều nhà thư pháp trẻ và những bạn trẻ đam mê thư pháp, người viết thấy rằng học viết thư pháp không hề dễ dàng. Vào buổi nhập môn, bài học đầu tiên học viên được dạy là cách cầm bút, đặt giấy, giữ tư thế ngồi. Nhiều vị thầy kỹ tính không cho phép học trò dùng mực pha sẵn, học trò phải lấy nước hoặc rượu để mài mực. Đó cũng là cách rèn luyện sự khiêm cung và nhẫn nại.
Người mới bắt đầu cần làm quen với những nét cơ bản giống như học sinh lớp 1 tập viết vỡ lòng, phải viết chuẩn xác những nét dài, ngắn, đậm, nhạt đơn giản. Sau đó, mới tập nét xước, nét mác, mác cong, mác dài. Cuối cùng là học bộ chữ cái đơn và cách thức phối hợp những chữ cái đơn lại. Học viết thư pháp là quá trình rèn luyện lâu dài, người viết cần phải cảm nhận được sự hòa quyện giữa thân, tâm, ý với bút, giấy, mực.
Sau khi điều phục được bút lực, người học sẽ đi sâu vào bố cục. Sắp xếp bố cục của một bức thư pháp, ngoài vị trí đóng triện, đề từ, phân bổ số lượng câu chữ, thì người viết còn phải biết nhấn mạnh những chữ then chốt, có tính bao hàm. Ví dụ, viết các chữ TÂM, ĐẠO, HIẾU, TÍN, NHẪN nổi bật lên trong một đoạn thơ, bài thơ, làm cho hình thái bức thư pháp mượt mà, trôi chảy như ý thơ vừa mới cất lên.
Nếu như dân gian có câu: “Nghề chơi cũng lắm công phu”, thì nghệ thuật thư pháp nói chung và thư pháp chữ Quốc ngữ nói riêng đã vượt xa cả một thú chơi đơn thuần trong các dịp lễ. Bởi lẽ, nó chính là một bộ môn nghệ thuật nghiêm túc, có nội hàm lịch sử – văn hóa sâu sắc, đòi hỏi người phóng tác phải đạt đến trình độ thiện xảo, điêu luyện.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc
Xuân Muôn Nơi 17:47 25/02/2024Lễ khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lần thứ VI - năm 2024, diễn ra hôm 23/2.
Hơn 12.000 người dự lễ cầu an tại chùa Viên Quang
Xuân Muôn Nơi 10:44 23/02/2024Tối 21/2, chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) tổ chức lễ cầu quốc thái dân an Xuân Giáp Thìn 2024, hơn 12.000 người tham dự.
Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh
Xuân Muôn Nơi 12:29 21/02/2024Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh (xã Quảng Trung, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) khai hội hôm 18/2.
Xuân thung dung
Xuân Muôn Nơi 19:15 20/02/2024Nắng vắt hiên Đông, đá mỉm cười/ Chừ Xuân năm mới ghé đây chơi/ Bộn bàng, chuyện cũ chôn hang hốc/ Xơ xác, cành khô nẩy tượt chồi...
Xem thêm