“Tạo hình tượng Phật, Bồ-tát, phước ấy vô lượng, không có lúc cùng tận”
Hiện nay, bạn chỉ đọc tụng nhưng không thể lý giải được, họ cũng hiểu được tạo tượng rất tốt, cũng phát tâm tạo tượng, nhưng khi gặp một số ác tri thức nói: “Bạn làm như vậy là mê tín, làm như vậy không có công đức”, nghe xong thì người ấy rất dễ thoái tâm.
"Hà huống thiện nam tử thiện nữ nhân, tự thư thử kinh, hoặc giáo nhân thư, hoặc tự tố họa Bồ-tát hình tượng, nãi chí giáo nhân tố họa, sở thọ quả báo tất hoạch đại lợi."
Huống chi là người thiện nam, thiện nữ tự mình biên chép kinh này, hoặc bảo người biên chép, hoặc tự mình đắp vẽ hình tượng của Bồ-tát, cho đến bảo người khác đắp vẽ, thì quả báo người đó được ắt sẽ có lợi ích lớn.
Phía trước nói về người thân, quyến thuộc, bạn bè trước lúc họ lâm chung, dùng tài vật của họ, thay họ tu phước, phước báo họ đạt được vô cùng thù thắng. Nếu như lúc mình còn khỏe mạnh có thể tự mình tu phước, vậy thì quả báo đương nhiên sẽ càng thù thắng, đoạn này nói về đạo lý này. “Huống hồ người thiện nam, người thiện nữ”, “thư” là viết, chép, thời xưa kỹ thuật in ấn còn chưa phát minh, hơn phân nửa kinh sách và hình tượng Phật, Bồ-tát đều được chép và vẽ.
Chép một bộ kinh thì thế gian có thêm một bộ kinh điển, có thể làm tăng thượng duyên Phật pháp cho một số chúng sanh, cho nên công đức này rất lớn.
Đức Phật không còn tại thế, Phật pháp có thể trụ thế lâu dài thì nhất định phải nhờ kinh điển, kinh điển phải có người hộ trì, lưu thông; công đức lưu thông kinh điển, hộ trì Phật pháp trong thế gian và xuất thế gian đích thực là thuộc về hạng nhất.
Mười công đức to lớn của việc họa vẽ, tôn tạo hình tượng Phật
Bởi vì chỉ có Phật pháp mới có thể làm cho chúng sanh giác ngộ, có thể làm cho chúng sanh phá mê, phá mê khai ngộ mới có thể được vô lượng phước báo. Đức Phật nói lời thành thật với chúng ta, phước báo chân thật của hết thảy chúng sanh vốn có đầy đủ trong tự tánh, nhưng nếu bạn không giác ngộ thì tự tánh của bạn bị che lấp.
Tuy có phước báo, cũng giống như “bảo tạng” vậy, ẩn kín trong núi sâu, chôn vùi dưới lòng đất, tuy có nhưng bạn không dùng được. Nhà của bạn được xây trên mỏ vàng, phía dưới là mỏ vàng vô tận, nhưng bạn không lấy dùng mà vẫn phải chịu quả báo nghèo khổ, bạn không được thọ dụng. Cho nên, Phật pháp dạy bạn khai trí tuệ, khai phát kho tàng trong tự tánh của bạn, phước báo ấy không cùng tận.
Trong Phật pháp dạy bạn tu phước, nguyên nhân của việc tu phước là gì? Do bạn còn chưa kiến tánh. Khi chưa kiến tánh, nếu muốn hưởng phước báo thì phải làm sao? Chỉ có nhờ tu.
Thế nên, phước nhờ tu có được không phải của tự tánh, [phước trong] tự tánh mới không cùng tận. Giống như chúng ta xem thấy thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà được nói trong kinh Tịnh độ, đó là phước báo của tự tánh.
Trong kinh Hoa Nghiêm nói đến thế giới Hoa Tạng của đức Phật Tỳ-lô-giá-na cũng là phước báo của tự tánh. Chư vị phải biết, nếu như chúng ta phá mê khai ngộ, minh tâm kiến tánh, y báo và chánh báo trang nghiêm giống như thế giới Cực Lạc và thế giới Hoa Tạng sẽ hiện ra. Đương nhiên nói thì dễ, để thật sự làm được thì rất khó, lúc chúng ta chưa kiến tánh mà muốn được phước, thì phương pháp duy nhất là phải tu, bạn tu nhiều thì phước báo của bạn sẽ nhiều, bạn tu ít thì phước báo của bạn sẽ ít.
Tu phước trong nhà Phật là thù thắng nhất, nhưng quan trọng chúng ta phải có trí tuệ phân biệt. Nhà Phật, trong kinh Lăng-nghiêm, Thế Tôn nói thời Mạt pháp chúng ta “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, đây chính là nhắc nhở chúng ta, trong thời kỳ này có Phật pháp giả, có Phật pháp giả mạo.
Trồng phước trong Phật pháp giả, Phật pháp giả mạo thì khá khó khăn. Không phải nói không có, trên lý luận thì vẫn có! Nhưng bạn không được thọ dụng. Chỉ gieo xuống hạt giống trong a-lại-da thức, đến lúc nào mới có thể hưởng thọ được, quá khó. Trong kinh có thí dụ, vô lượng kiếp sau mới có thể được thọ dụng. Nếu như chúng ta trồng phước thì ngay hiện đời có thể được thọ dụng.
Nếu bạn biết được Phật pháp thật, đạo tràng Phật pháp chân thật, mọi người chân chánh tu hành, bất luận là chúng xuất gia hay tại gia, chỉ cần tu hành chân chánh thì cúng dường liền có phước. Cho nên, mọi người cũng đừng có thành kiến, nhất định đối với chúng xuất gia thì chúng ta mới cung kính, còn chúng tại gia thì kém một bậc, thế gian thường có phân biệt sai lầm như vậy. Nhất định phải biết, trong đồng tu tại gia cũng có người tu hành rất tốt, chư Phật, Bồ-tát thị hiện thân phận tại gia rất nhiều, đạo lý này nhất định phải hiểu. Phàm là những người tốt, người thiện, người hiền có sức ảnh hưởng nhất định đối với xã hội, địa phương, phong tục giáo hóa thì chúng ta đều nên cúng dường, đều nên học theo họ, như vậy mới đúng.
Tự mình chịu chép kinh, hiện nay kỹ thuật in ấn phát triển, khoa học kỹ thuật phát triển thì in kinh là được rồi. Chúng ta lựa bản in nào tốt, bản chú giải tốt, rồi in ấn lưu thông với số lượng nhiều, cho nên hiện nay tu phước đích thực là tiện lợi hơn so với người xưa rất nhiều.
Người hiện nay tu phước không được quả báo bằng người xưa, đó là do nhân tố khác. Nhân tố đó là gì? Tâm địa không kiền thành, không cung kính, không khẩn thiết như người xưa, làm thì làm nhiều hơn người thời xưa, phước thì được ít hơn người xưa, đây chính là lời dạy của Đại sư Ấn Quang: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Những việc làm của chúng ta hiện nay vượt trội hơn người xưa không chỉ gấp trăm ngàn lần, nhưng không được phước bằng người xưa. Đó là vì người xưa có một trăm phần thành kính, hiện nay chúng ta chỉ có một, hai phần thành kính, do đó phải hiểu đạo lý này. Nếu như chúng ta có tâm thành kính giống như người thời xưa, hiện nay tu phước chắc chắn sẽ vượt trội người xưa gấp trăm ngàn lần, sẽ được phước báo gấp trăm ngàn lần, điều này không thể không biết. Cho nên, [chúng ta] có rất nhiều cơ hội trước mắt mà bỏ lỡ, thật là đáng tiếc! Đây là nói về việc lưu thông kinh điển.
Kế đó là việc đúc tạo tượng Phật; hiện nay đúc hình tượng Phật, Bồ-tát rất thuận tiện, hiện nay có thể làm khuôn, làm một chiếc khuôn, làm tốt rồi có thể đúc mấy ngàn tượng, mấy vạn tượng Phật với chi phí thấp. Hiện nay là thời đại cơ giới hóa, thời xưa là làm bằng thủ công. Còn việc vẽ tranh, in ấn cũng rất thuận tiện.
Thế nên, chúng ta phải biết làm thế nào có thể theo kịp những đại đức thời xưa, phải có tâm chân thành cung kính, tâm khẩn thiết muốn đem lại lợi ích cho chúng sanh, thì bạn sẽ được ích lợi to lớn, “sở thọ quả báo, tất hoạch đại lợi”.
Chúng ta tự làm, dạy người khác làm, nếu tự mình không có nhân duyên, điều kiện không đủ thì chúng ta khuyên người khác làm cũng được lợi ích rất lớn. Chúng ta xem chú giải trang 50, hàng thứ nhất, Pháp sư Thanh Liên dẫn chứng một đoạn trong kinh Niết-bàn, đoạn này rất quan trọng! Tôi đọc một lần, mọi người cùng nghe.
Trong kinh Niết-bàn nói: “Ở trong đời ác, biên chép kinh điển”, chúng ta hiện nay gọi là in kinh, “cũng khuyên người khác biên chép, có thể hiểu được đầy đủ nghĩa vị [của kinh], không những tự mình lưu thông kinh sách, đối với những ý nghĩa nói trong kinh sách cũng có thể thông đạt, có thể hiểu rõ. “Tố họa hình tượng”, phía trước là chép kinh, phía sau nói về tạo tượng, tạo tượng bằng cách đắp nặn cũng được, bằng cách vẽ cũng được.
Trong kinh Tạo Tượng dạy: “Tạo hình tượng Phật, Bồ-tát, phước ấy vô lượng, không có lúc cùng tận, không thể tính đếm”. Hai đoạn nhỏ này đều là đoạn trích trong kinh, quả báo, phước đức thật sự là vô lượng vô biên. Trong kinh nói: “Có thể hiểu được đầy đủ nghĩa vị [của kinh]”, hai câu này rất quan trọng, khi bạn thật sự hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ sự thật quả báo thì bạn mới thật sự không có hoài nghi, dùng tâm chân thành cung kính mà làm.
Phật pháp trong xã hội hiện nay đích thật đã suy thoái, tại sao lại suy thoái? Không có thiện tri thức chỉ dạy, tuy kinh điển lưu thông rất nhiều nhưng không có người giảng giải. Bạn chỉ đọc tụng nhưng không thể lý giải được, họ cũng hiểu được tạo tượng rất tốt, cũng phát tâm tạo tượng, nhưng khi gặp một số ác tri thức nói: “Bạn làm như vậy là mê tín, làm như vậy không có công đức”, nghe xong thì người ấy rất dễ thoái tâm.
Nếu như ác duyên này rất lớn, gặp được một người thì một người nói như vậy, gặp được hai người thì hai người cũng có cách nói như vậy, lại gặp bốn, năm người cũng nói như vậy thì lòng tin của người đó sẽ bị lay chuyển. Có thể nào gặp nhiều người cùng nói giống như vậy không? Rất có thể.
Đức Phật nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, bạn gặp mười người, tám người cũng đâu có gì lạ. Gặp được một trăm, một ngàn người đều nói như vậy thì bạn phải làm sao? Đến lúc ấy rốt cuộc chúng ta tin lời đức Phật nói hay vẫn là tin lời của mọi người? Nhất định phải hiểu nghĩa kinh, việc này rất quan trọng!
Cho nên chúng ta hiểu rồi, chúng ta có nghĩa vụ tuyên dương, có nghĩa vụ đem ý nghĩa chân thật trong kinh Phật, không ngại phiền phức mà giảng giải cho người ta nghe. Giúp người giác ngộ, kiên định tín tâm, nguyện tâm của họ, thành tựu phước đức lợi ích của chính họ, đây là muốn tốt cho họ.
Trong Phật pháp hết thảy đều vì chúng sanh, quyết định không vì mình. Chư Phật, Bồ-tát tuyệt đối không có thành kiến, tuyệt đối không có ý niệm về bản thân, đức Phật giảng hết thảy kinh có ý của mình trong đó hay không? Không có.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết pháp 49 năm, không có câu nào, chữ nào là ý của riêng mình. Nếu như nói là ý của mình thì đó là phàm phu, phàm phu mới có mình, còn có mình là “ngã chấp” cứng chắc. Không phá được ngã chấp thì vẫn là phàm phu lục đạo luân hồi, họ làm sao có thể thuyết pháp?
Đức Phật đoạn dứt hết cả hai ngã chấp và pháp chấp, ngài làm gì có ta, làm gì có ý của ta. Đã không có ta, không có ý của ta, kinh Phật được nói như thế nào? Nói thật ra, vừa mở cuốn kinh câu thứ nhất liền nói với bạn: “Như thị ngã văn”, ý của bốn chữ này là tự tánh lưu lộ, vậy mới gọi là như thị. “Như thị” là từ trong chân như tự tánh lưu xuất ra, chân như tự tánh là chúng sanh và Phật bình đẳng.
Kinh Phật từ tự tánh của Phật lưu xuất ra, hay nói cách khác, cũng là lưu xuất ra từ tự tánh của chính chúng ta, là sự việc như vậy. Thế nên, việc đó là chân thật không hư giả, chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Tương lai khi chúng ta minh tâm kiến tánh, Phật pháp thường nói tới “chứng”, trong “tín, giải, hành, chứng”, bạn chứng cái gì?
Chứng minh hết thảy kinh Phật nói đều từ tự tánh của mình lưu lộ ra, đây gọi là chứng quả. Tự tánh của Phật và tự tánh của mình không có khác nhau, là một không phải hai, chứng minh việc này. Sanh Phật bất nhị, chúng sanh và Phật không hai, đều là một.
Đức Phật đã kiến tánh, chúng ta hiện nay chưa kiến tánh, chúng ta nghe lời Phật dạy chính là thuận theo tự tánh, tuyệt đối không phải bị đức Phật Thích-ca Mâu-ni xỏ mũi dắt đi, không phải. Bạn y giáo phụng hành là tánh đức của tự tánh hiển lộ, lời dạy bảo của đức Phật mới thật sự đạt đến cao minh, thật sự đạt đến chí thiện viên mãn...
Đập phá tượng Phật phạm tội ngũ nghịch?
Trích: Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện Kinh, tập 23.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?
Kiến thức 20:26 24/12/2024Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử.
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Tâm chú Lăng Nghiêm có lợi ích vô cùng
Kiến thức 09:35 24/12/2024Nếu sáng sớm bạn tụng niệm Chú Lăng Nghiêm một lần, sau đó tụng tâm Chú 108 lần, thì sẽ được phước báu vô lượng vô biên. Cho nên nói, nếu bạn trì tụng Chú Lăng Nghiêm, thì đời sau sẽ đắc được giàu sang phú quý bảy đời.
Ngũ giới là gì?
Kiến thức 09:20 24/12/2024Sau khi chúng ta quy y Tam bảo, cần phải thực hành những lời Phật dạy, những giới điều để ngăn ngừa việc ác, thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo đức, nhân cách của người Phật tử.
Xem thêm