Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 11/09/2022, 09:19 AM

Tây du ký: Tâm vượn

Như trước đã nói khỉ vượn là con vật hay táy máy, buông cái này, nắm cái nọ ít chịu ở yên một chỗ. Nên truyện Tây Du Ký đã mượn việc hoạt động của con khỉ để nói lên cái tâm buông lung phóng túng theo dục vọng của chúng sinh và cách điều phục nó.

Ở đây xin lược dẫn một đoạn để nói ý này: Thượng đế nhận được hai tờ biểu do Long vương và Minh vương dâng lên cầu xin nã bắt yêu tinh khỉ đá Mỹ Hầu Vương, vì y đến náo loạn làm hai nơi ấy kinh hoảng nên nhờ đến Thượng đế can thiệp. Thượng đế do dự không biết sai thần tướng nào xuống hàng phục, thì Thái Bạch Kim Tinh nói: “Khỉ đá này do trời sinh, được mặt trời mặt trăng chung đúc lại, tu không biết bao lâu, nay đã thành Tiên nên mới có tài năng như vậy. Xin Thượng đế ban đạo chỉ chiêu an dụ hàng gọi y lên thượng giới trao cho một quan chức gì đó để dễ bề quản lý. Thượng đế đồng ý sai Kim Tinh đi mời... Sau khi Hầu Vương biết chức Bật Mã Ôn không phải là chức quan lớn liền tức giận náo loạn, rồi trở về dựng cờ trước động tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Thượng đế sai người đến bắt, bị Mỹ Hầu Vương hành hung...

Thấy vậy Kim Tinh Thái Bạch nói con khỉ đó lợi hại lắm đừng giao chiến, hãy phong cho y làm Tề Thiên Đại Thánh, chỉ có tên chớ không cho bổng lộc. Thượng đế đồng ý. Kim Tinh đi mời Hầu Vương về nhận chức... Sợ Tề Thiên Đại Thánh ở không nhàn rỗi sanh chuyện nên giao việc giữ vườn đào. Tề Thiên Đại Thánh vào vườn đào thấy có trái chín trộm hái ăn... rồi gạt Đại Tiên đến hội Bàn Đào và lén uống hết rượu tiên, xong sợ Thượng đế hay được liền bỏ trốn về động... Thượng đế hay tin đem Thiên La Địa Võng xuống vây bắt, đánh không lại nên cầu cứu với Bồ Tát Quan Âm. Bồ Tát Quan Âm cử vị thần Hiển Thánh Nhị Lang đến giúp, hai bên đang đánh nhau Bồ Tát ở trên nhìn xuống định giúp một tay nhất định bắt được, thì Lão Quân nói: “Bồ Tát đem binh khí gì giúp bắt?”. Bồ Tát nói: “Tôi đem cái bình nước thanh tịnh ném xuống đầu con khỉ, nếu không đánh nó chết cũng đánh nó ngã”. Lão Quân ngăn lại hãy để Lão Quân ra tay. Bồ Tát nói: “Lão Quân có binh khí gì?”. Lão Quân bảo: ‘Có cái vòng kim cương”. Nói xong Lão Quân ném cái vòng xuống. Tề Thiên Đại Thánh đang giao chiến thì bị chiếc vòng đánh trúng vào đầu té xuống, binh tướng đến vây bắt đem về trời... (h. 5 - 6)

151681a246e24d2e10d2d9350b620546

Lược dẫn một đoạn trên để biết tâm ý giống như là Tề Thiên Đại Thánh hay náo loạn lung tung, không chịu dừng nghỉ. Bởi tâm của chúng ta ít khi nào chịu dừng, hết nhớ cái này lại tính cái nọ, nên khi ngồi chơi không làm việc gì thì niệm này đến niệm kia tiếp nối, cứ thì thầm trong đầu lảm nhảm hoài ít chịu dừng mà trong nhà thiền gọi là độc thoại (đối đáp thầm một mình), do đó Phật nói chúng sinh điên đảo là vậy. Vì người điên cứ nghĩ và nói chuyện gì đâu đâu không ở thực tại và thân họ cũng không tự chủ. Chúng ta cũng vậy, rảnh rỗi ngồi chơi mà chẳng chịu ngồi chơi hoặc nằm nghỉ mà chẳng chịu nghỉ, cứ suy tính nghĩ tưởng nói chuyện một mình trong lòng, vậy không phải điên là gì? Có khi một mình lại đóng hai, ba vai tự đối đáp nữa. Nhưng chúng ta sáng suốt hơn người điên một chút, tự chủ được hành động và lời nói không thể hiện ra ngoài. Bởi thế, trong Phật giáo có nhiều pháp môn hành trì để cho tâm vượn dừng lại đừng chạy theo sáu trần, như là: Niệm Phật, trì chú, hành thiền, tham công án, tham thoại đầu hay thiền quán v.v… Tuy mỗi phương pháp dạy có khác nhau nhưng mục đích cứu kính thì không khác, miễn làm sao cho tâm khỉ vượn đừng lăng xăng nữa, để thể nhận ra cái linh tri sáng suốt an tịnh và hằng sống. Đó là chỗ gặp nhau ở các pháp môn. Chúng ta đừng đả phá công kích nhau, vì tất cả pháp môn đều là phương tiện, mỗi pháp môn có cái hay riêng, tuy có khác nhau trên mặt hình thức nhưng đạt đến mục đích cứu kính rốt ráo thì không khác.

Bởi vì chúng sinh quá nhiều bệnh tâm nên Phật, Tổ đưa ra nhiều phương pháp như liều thuốc để đối trị cho mỗi tâm bệnh. Mỗi người có tâm bệnh khác nhau, thành thử đương sự phải chọn một phương pháp phù hợp với trình độ căn cơ của mình mà ứng dụng thì mới đạt kết quả.

Sở dĩ giáo lý có Tiểu thừa và Đại thừa là vì chúng sinh có hạng cao bậc thấp. Bởi chúng sinh có cao, thấp nên Phật mới tùy theo đó lập bày phương tiện nói giáo lý có cao có thấp để phù hợp với căn cơ, cho chúng sinh nương theo đó ứng dụng hầu đạt kết quả như nguyện. Thế là người sau lại dựa vào đó phân định giáo lý rốt ráo hay chừng mực mà nói có tiểu, có đại chớ chỗ cứu kính Phật pháp không có tiểu có đại. Thành thử nói Tiểu thừa hay Đại thừa là nói về hệ tư tưởng của con người có cao có thấp mà thôi. Nếu người ở trình độ thấp ứng dụng phương pháp đã chọn có kết quả thì phải phát tâm tinh tấn thêm lên để đạt đến mục đích cứu cánh, chớ có tự mãn ở ngôi vị đã chứng mà kẹt giữa đường. Bởi vì chỗ rốt ráo của Phật pháp không ngôi vị thứ lớp. Trong pháp của Phật có chia ngôi vị là vì chúng sinh ái chấp dính mắc nhiều hay ít mà có phương pháp cao hay thấp. Người ở trình độ cao phải biết cảm thông cho người trình độ thấp, để dìu dắt họ từ từ tiến lên, đừng tự cao ngã mạn hoặc chỉ trích. Còn người thấp cũng đừng tự ti mặc cảm mà không dám hướng đến giác ngộ rốt ráo, phải có nghị lực, ý chí và kiên nhẫn trường viễn để tiến lên, vì vậy chúng ta phải biết thông cảm nhau.

Trong kinh nói tất cả Phật, Thánh và chúng sinh đều bình đẳng trên Phật tánh và nhân quả, nhưng chỉ khác nhau trên mặt hình thức mê hoặc giác. Nếu mê thì thành chúng sinh, khi nào giác thì là Phật. Phật tánh thì ai ai cũng có, bởi còn mê nên bị ẩn khuất, hết mê thì tánh giác hiển lộ như xưa. Giống như mây đen kéo đến che án mặt trăng nên thấy như bị tối chẳng rõ các vật, đến lúc mây bay đi thì trăng bày ra hiện hữu trên dưới đều tỏ sáng. Còn nhân quả thì ai ai cũng phải chịu vì do mình tạo, chỉ có biết chuyển hóa nó hay không chuyển hóa mà kết quả có đau khổ hay an lạc, nên nói có mê và giác. Mê thì đau khổ, giác thì an lạc. Trong lúc chúng ta đang bệnh thì phải dùng thuốc, nhưng lúc hết bệnh rồi thì thuốc cũng không cần dùng nữa. Ngài Lục tổ có nói câu: “Chúng sinh có tất cả tâm cho nên có tất cả pháp. Ta không tất cả tâm thì đâu cần tất cả pháp” là ý này.

Ở đây Bồ Tát Quan Âm định dùng bình thanh tịnh đựng nước ném xuống để đánh con khỉ là ý nói giữ giới trong sạch sẽ được an định thì tâm khỉ vượn mới dừng, vì bình trong sạch tượng trưng cho giới, bởi bình trong sạch nên mới đựng nước cam lộ được, mà nước cam lộ là tượng trưng cho định, khi nước đó thấm đến đâu thì thấy nhẹ nhàng an lạc đến đó. Nhưng Lão Quân ngăn lại để Ngài ra tay. Thái Thượng Lão Quân là chỉ cho vị thầy đã thấu suốt được tâm chân thật, còn vòng kim cương cũng có tên là khuôn kim cương, là bảo bối ông dùng để chỉ cho phương tiện.

Cũng vậy, hành giả muốn cho tâm vượn không còn lăng xăng để thể nhận tâm chân thật thì phải vượt qua cái phương tiện mà vị thầy đã đưa ra (hành động hoặc lời dạy). Nếu nhảy không khỏi thì biết chưa nhận thấy, nên trong thiền môn có những thuật ngữ như: “Nuốt hạt có gai, nhảy qua vòng kim cương” là để nói lên việc thấu suốt những cơ ngữ hay công án nhà thiền. Như trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 15 ngài Dương Kỳ hỏi tăng: “Gai góc làm sao nuốt được, vòng kim cương làm sao thấu qua?”.

Ở đây Ngô Thừa Ân mượn thuật ngữ này để đem vào truyện. Vòng kim cương tượng trưng cho một công án do vị thầy đưa ra, khi hành giả tham đến tột sẽ vỡ công án, coi như ngộ đạo hay gọi là nhảy qua vòng kim cương. Vì Tề Thiên Đại Thánh chỉ lo giao chiến nên không nhảy qua khỏi vòng kim cương do Lão Quân ném xuống. Ý nói hành giả không miên mật với công phu vì tâm còn vọng động chưa thuần nhất.

Tai-sao-Ton-Ngo-Khong-ho-mot-tieng-Than-Tien-deu-xuat-hien-00-1562309958-width641height480

Tiếp đến, khi Tề Thiên Đại Thánh bị bắt giải về Trời hành quyết đủ cách mà không chết, Thái Thượng Lão Quân nhận lãnh về bỏ vào lò Bát quái dùng lửa đốt cho chết. Nguyên trong lò có tám quẻ: Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Tề Thiên Đại Thánh nằm ở cung Tốn, mà Tốn là gió, có gió thì không có lửa nên không chết, nhưng vì lửa lò nóng làm hai mắt đỏ, sau gọi là mắt lửa con ngươi vàng.

Rồi đúng 49 ngày Lão Quân mở lò lấy thuốc coi Tề Thiên Đại Thánh thành tro than chưa. Lò vừa mở miệng, Tề Thiên Đại Thánh hé mắt thấy ánh sáng nhịn không được cất mình nhảy đạp đổ cả lò chạy ra ngoài, bao nhiêu binh tướng nhà Trời không làm gì được. Thượng đế đành phải sai người đi cầu viện Phật Tổ. Phật đến dùng kế bắt Tề Thiên Đại Thánh. Ngài nói: “Nếu ngươi nhảy qua khỏi bàn tay của ta thì cho ngươi tùy ý, còn nhảy không khỏi thì từ đây về sau đừng quấy rầy Thiên đình nữa”. Tề Thiên Đại Thánh đồng ý và dùng hết sức nhảy thật mạnh đến cuối chân trời, thấy năm cây cột màu đỏ sẫm, có ánh sáng xanh xanh thì nghĩ đến đây là cùng đường. Thế là Tề Thiên Đại Thánh nhổ một sợi lông biến thành cây bút đẫm mực, viết hàng chữ to vào cột: “Tề Thiên Đại Thánh đã đến đây chơi một lần”. Viết xong rồi thâu lông lại, do không cẩn thận làm rơi một giọt nước tiểu dưới cây cột. Tề Thiên Đại Thánh liền trở về chỗ cũ và nói: “Ta về đây hãy bảo Thượng đế nhường ngôi lại cho ta”. Như Lai mắng “Ngươi chưa ra khỏi bàn tay của ta, vì ta thấy thứ nước tiểu của ngươi trong tay đây”. Tề Thiên Đại Thánh không tin và nghĩ rằng mình có làm dấu nên nói: “Ông có dám cùng ta đi xem không?”. Phật Tổ nói: “Không cần đi, ngươi thử cúi đầu xuống đây xem”. Tề Thiên Đại Thánh cúi xem thấy ở ngón tay giữa của Phật Tổ có mấy chữ “Tề Thiên Đại Thánh đã đến đây chơi một lần” và ngửi có mùi nước tiểu loài khỉ. Tề Thiên Đại Thánh nghi quá không lẽ cái cột giữa trời lại là ngón tay của Phật Tổ? Tề Thiên Đại Thánh không tin bèn nói: “Đợi ta đi một lần nữa đã!”. Tề Thiên Đại Thánh vừa cất mình nhảy lên liền bị Phật Tổ úp bàn tay của Ngài lại hóa thành năm ngọn núi đè không nhúc nhích (hồi 7).

Đây nói phải ra sức công phu hành trì cho những vọng niệm dừng lặng thì mới có thể nhận ra tâm chân thật hay gọi là kiến tánh. Tuy có nhiều phương pháp nhưng phải chọn một để ứng dụng cho tâm vượn không còn lăng xăng. Nên Ngô Thừa Ân mượn đoạn thơ này nói đến điều đó.

Ngăn ngừa tâm ý hai bên

Phải kìm hãm lại lọ tìm ở đâu

Quy vào một lý nhiệm mầu

Như Lai cũng bạn rừng sâu tu hành.

Người hành đạo muốn cho tâm vượn không còn vọng động trước ngoại cảnh cám dỗ, phải tạo phương tiện tìm nơi vắng vẻ để hạ thủ công phu. Việc này giống như các vị sư nhập thất tịnh tu ở một nơi biệt lập (Tề Thiên Đại Thánh bị bỏ vào trong lò), rồi thực hành phương pháp nào đó của Phật dạy phù hợp thích nghi với căn cơ của mình mới có thể đạt kết quả (như Tề Thiên Đại Thánh trốn ở cung Tốn). Bởi vì tu thì trong bốn oai nghi - đi, đứng, nằm, ngồi đều tu, nhưng tạo phương tiện yên tĩnh vắng vẻ thì dễ điều phục tâm khỉ vượn hơn. Vì không tiếp xúc ngoại duyên tâm vượn dễ lắng động yên tịnh mới có thể nhận ra tâm chân thật chính mình. Nên trong kinh nói: “Dừng tâm một chỗ không việc gì chẳng xong”. Ở đây giống như trong kinh Pháp Hoa phẩm Hiện Bảo Tháp, Phật Thích Ca nói với chúng hội là Phật Đa Bảo có lời nguyện rằng: “Nơi nào có chúng hội nghe kinh Pháp Hoa thì tháp Ngài sẽ hiện giữa hư không nơi ấy. Nếu Phật giảng kinh thời đó muốn cho bốn chúng thấy thân của Ngài thì các hóa thân của Phật đang thuyết pháp giáo hóa khắp mười phương phải tụ hội về một chỗ, thân Ngài mới hiện ra cho hội chúng thấy”. Nghe Phật nói thế, cả đại chúng đều yêu cầu Phật Thích Ca họp các hóa thân của Ngài về để chúng chiêm ngưỡng và được thấy Phật Đa Bảo trong tháp. Do yêu cầu của chúng hội Phật Thích Ca từ giữa chặn mày phóng ra luồng hào quang sáng cả mười phương. Các hóa Phật đang giáo hóa khắp mười phương, khi thấy hào quang của Phật Thích Ca chiếu đến liền biết Phật muốn mình trở về nên các hóa thân Phật đồng rủ nhau về. Khi vô số hóa thân Phật quy tụ về thì cõi Ta bà đều thanh tịnh, không còn các loài: Trời, Người, A Tu La, Súc-sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục. Các hóa Phật đã an trụ nơi các tòa báu xong và đồng muốn xem Phật Đa Bảo. Phật Thích Ca liền đứng dậy mở cửa tháp cho đại chúng xem Phật Đa Bảo toàn thân không rã đang chánh thiền định. Phật Đa Bảo tán thán Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa, rồi chia nửa tòa mời cùng ngồi với Ngài.

Lược dẫn một đoạn kinh ta thấy có nói đến ba Đức Phật. Như trong kinh thường nói Phật có ba thân “Pháp thân, Báo thân, Hóa thân”. Ở đây nói Phật Đa Bảo là chỉ cho Phật pháp thân.

Pháp thân là cái thể bất sanh bất diệt xưa nay luôn hằng hữu, nhưng vì chúng ta quên lửng chỉ sống với tâm vọng động nên bị ẩn khuất. Nếu muốn thể nhận pháp thân thì tâm vọng động quy tụ về một chỗ - tức an định mới thể nhận được, giống như Phật Đa Bảo đã vào Niết bàn rồi mà khi nơi nào có giảng kinh Pháp Hoa thì Ngài thị hiện đến để nghe kinh, và vì đại chúng mà nguyện những lời như văn trên. Vì kinh Pháp Hoa là kinh nói về Khai Thị chỉ cho chúng sinh Ngộ và Nhập Phật Tri Kiến (Pháp thân).

Phật báo thân chỉ cho tâm thanh tịnh không vướng mắc lìa chấp hai bên có không, phải quấy, tà chánh, dứt sạch nhị nguyên đối đãi là ý chỉ cho Phật Thích Ca.

Phật hóa thân là từ pháp thân khởi niệm. Phật thì khởi niệm phân thân (Phật hóa thân) để giáo hóa chúng sinh, còn chúng sinh do không sống được với Pháp thân nên khi khởi niệm toàn là niệm trần tục do tham, sân, si chủ động, mà có vô số phiền não. Muốn thấy Phật pháp thân thì những vọng tưởng (hóa thân) chạy khắp mười phương phải dừng lại trở về tụ hội nơi rỗng lặng - không còn dính mắc ái chấp các pháp (các Phật hóa thân trở về nơi Phật Thích Ca) thì mới thể nhận được Phật pháp thân (thấy Phật Đa Bảo). Nhưng muốn dừng mọi vọng tưởng để không còn chạy đây chạy kia nữa, trước hết phải có trí tuệ thấy lẽ thật các pháp do duyên hợp không thực thể, không tự tánh, bởi nếu các pháp có tự tánh thì đâu cần đợi duyên hội hợp. Có thế mới không bám trụ vào muôn pháp vì biết tất cả đều do thức biến hiện, chúng có như huyễn như hóa. Được như thế là trí không còn kẹt trên đối đãi gọi là bình đẳng tánh trí (Phật báo thân). Cho nên trong kinh tượng trưng bằng hình ảnh Phật Thích Ca phóng hào quang giữa chặn mày là nói lên khi đã có trí tuệ thì sẽ có cái thấy bình đẳng trên các pháp, ngay khi ấy mọi vọng tưởng đều trở về nơi rỗng lặng thì tâm thanh tịnh an nhiên tự tại bất biến hiện bày (thể nhận ra Phật pháp thân). Do đó trong kinh nói lúc vô số hóa thân Phật quy tụ về thì cõi Ta bà thanh tịnh không còn có các loài Trời cho đến Địa Ngục là vậy.

Kế nữa, Phật Thích Ca được Phật Đa Bảo chia cho nửa tòa ngồi là cho thấy Pháp thân đã có sẵn ở mỗi người. Nếu tất cả vọng tưởng trở về nơi rỗng lặng thì dễ dàng nhận ngay nơi báo thân thất đại có pháp thân sáng suốt thanh tịnh. Khi đã trở về với pháp thân thì thân thất đại trở thành thân bảy báu (tháp bảy báu), nên nhìn nơi nào cũng đẹp, thấy nơi nào cũng thanh tịnh sáng suốt giống như là bảy báu vậy.

Ở đây Ngô Thừa Ân sắp đặt Tề Thiên Đại Thánh (Ngộ Không) nằm ở cung Tốn là ý nói mượn phương pháp theo hơi thở để điều phục tâm. Khi thở ra tâm duyên theo hơi thở ra, khi thở vào tâm duyên theo hơi thở vào, để tâm ý nương vào hơi thở nên không còn nhớ nghĩ duyên theo chuyện khác, đến khi nào chỉ thấy hơi thở ra, hơi thở vào mà không còn niệm nào khác thì mới thuần thục. Đến rốt cùng tâm trụ nơi hơi thở cũng phải dứt bỏ luôn. Được một thời gian thấy tâm vượn lăng xăng là tạm bợ giả dối, chợt mất dối sanh, mới biết nó không phải mình. Còn Ngộ Không nhảy ra khỏi lò, các binh tướng nhà trời không ngăn cản nổi là ý nói khi dùng một phương pháp để dừng tâm, lòng tạm an ổn nhẹ nhàng. Còn lúc hé mắt thấy ánh sáng là nói khi tâm vượn đã dừng lặng thì có cái nhìn khác hơn thế gian nên cảm thấy không bị ngoại cảnh ràng buộc, tức là có trí tuệ. Vì khi tâm đã an định thì trí tuệ phát sanh, nhưng cũng tùy theo định sâu cạn mà trí tuệ được rốt ráo hay có chừng mực.

Tuy tạm dùng phương tiện tâm tạm an ổn nhưng chưa nhận ra một cái gì đó vượt ngoài năm uẩn này, nên trong truyện Ngộ Không bị năm ngọn núi do Phật Tổ hóa ra đè là vậy. Trong nhà thiền có câu: “Tuyệt hậu tái tô”, nghĩa là phải một phen chết đi rồi sống lại thì mới tương ưng. CHẾT là VỌNG LẶNG. SỐNG là NHẬN RA Tâm chân thật hằng hữu bất biến nơi mình mà từ lâu quên lãng. Vì thế Ngộ Không bị năm ngọn núi đè giống như chết (ý thức không còn lăng xăng) mà chưa sống lại.

Ở đây cho thấy tại sao mắt của Ngộ Không là mắt đỏ con ngươi vàng khác hơn người thế gian? Vì Ngộ Không đã một phen nung luyện mà có đôi mắt khác hơn người thường; cũng như người hành đạo tâm được an định sẽ có cái nhìn khác hơn thế tục, nên nói đi ngược dòng sinh tử. Để nói tâm ý đã chuyển hóa thấy đúng lẽ thật các pháp, phân biệt rốt ráo đâu là chân là ngụy, chánh với tà không còn lầm lẫn nữa.

Mặc dù tâm đã vắng lặng, nhưng nếu chưa nhận ra tánh sáng suốt linh hoạt thì giống như trong nhà thiền nói là “đầu sào trăm trượng” hay “nước chết không chứa được rồng”, phải một phen nhảy qua mới đến cứu cánh, chỗ này kinh Pháp Hoa nói là Hóa Thành chứ chưa đến Bảo sở. Trong thiền sử có câu chuyện nói ý này.

Ngài Pháp Đăng hỏi một thiền khách:

- Đầu sào trăm trượng làm sao tiến được?

Thiền khách trả lời: “Câm”.

Ngài cứ khán câu đó mãi trong ba năm. Một hôm Ngài cưỡi ngựa đi qua cầu ván, ván mục ngựa sụp chân té nhào quăng Ngài rơi xuống cầu. Vừa rơi xuống Ngài liền ngộ, nói bài kệ:

Ta có một viên minh châu

Đã lâu bị bụi vùi sâu

Hôm nay bụi sạch sáng sanh

Soi thấu núi sông vạn cảnh.

ngo-khong

Cho thấy ngài Pháp Đăng miên mật trong công phu xuyên suốt ba năm nên thức tình đã dừng mới có cơ hội nhận ra Tâm chân thật mà thốt lên bài kệ trên. Hoặc giả trong nhà thiền, các thiền tăng đi hành cước hay hỏi: “Thế nào là Phật”. Các thiền sư hay đáp: “Ba cân gai. - Nước chảy ở cao nguyên. - Lưng dài chân ngắn v.v.”. Các Ngài đáp thế có lạc đề người hỏi không? Đó là các Ngài thật nhiệt tình chỉ dạy cho người. Nếu hành giả nào công phu đã chín muồi thì ngay đó liền thể nhận, còn chưa thì bị đuổi ra hay bị hét, bị đánh. Nên truyện nói Tề Thiên Đại Thánh đâu có nhảy qua bàn tay của Phật Tổ là ý này vậy.

Bởi chúng ta sống trong suy tính nghĩ tưởng quen rồi, khi hỏi là muốn được giải thích rõ ràng cặn kẽ để hiểu biết, chớ đáp như thế thì đâu có nhận biết chi! Các Ngài không giải thích mà đáp như thế là chỉ cho hành giả đừng nghĩ tưởng lăng xăng nữa, vì thức máy động là đã cách xa như trời với vực rồi. Cốt yếu các Ngài làm cho đương sự bặt hết tình thức mà nhận ra cái gì đó, không ngoài sự đánh thức chúng ta chuyển mê khai ngộ. Nếu các Ngài giải đáp rành rẽ thì đó là cái ở ngoài của người khác, chớ không phải chính mình. Cái của mình thì phải nhìn lại mình mới thật nhận ra. Đó là thuật của thiền sư.

Cũng như chuyện ngài Đức Sơn. Một hôm, sư đứng hầu thiền sư Sùng Tín. Sùng Tín bảo: “Đêm khuya sao chẳng xuống?”. Sư kính chào bước ra rồi lại trở vào thưa: “Dạ bên ngoài tối đen!”. Sùng Tín thắp đèn (lồng) đưa cho sư. Sư toan tiếp lấy, ngài Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó sư đại ngộ lễ bái. Ngài Sùng Tín hỏi: “Ngươi thấy cái gì?”. Sư thưa: “Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói chư lão Hoà thượng trong thiên hạ”.

Đây cho thấy ngài Đức Sơn nói tối đen tức là nói tâm con mê tối, nhờ thầy cho con tỏ ngộ sáng ra. Ngài Sùng Tín biết nên đốt đèn trao cho liền thổi tắt, ngài Đức Sơn ngay đó ngộ được ý của thầy chỉ, mới rỏ ra rằng tối, sáng là việc do duyên bên ngoài, đủ duyên (điều kiện) thì sáng hết duyên thì tối, vậy còn AI rõ biết được tối và sáng đó! Biết đưa tay nhận đèn là AI vậy? Cho nên cái rõ biết luôn hiện tiền, chỉ bặt dứt hết thức tình tự cảm nhận lấy. Mình tối thì phải xoay lại chính mình mới thể nhận được, nếu thầy có trao hay chỉ dạy đó là việc của ông thầy chứ không phải ở chính mình (thầy đưa cái sáng là cái sáng của thầy). Cho nên những cái mình vay mượn ở kinh sách, nơi thầy bạn là cái bên ngoài không làm cho mình an ổn giải thoát mà trong kinh nói là trí hữu sư. Còn nhận ra cái từ trong lòng mình lưu xuất thì mới thật sự an lạc tự tại làm chủ sinh tử, nên nói là trí vô sư (trí không có thầy). Ví như mình nghe thầy bạn giảng dạy một đoạn kinh mà chưa rõ được lý lẽ, bỗng hôm nào đó đột nhiên tự thấu rõ không còn nghi ngờ thì đó mới là cái của chính mình tự ngộ hiểu chớ không phải do thầy bạn mà hiểu. Khi ngài Đức Sơn ngộ thì từ đó mới là cái sáng của chính Ngài, nên Ngài nói từ đây về sau không còn nghi lời nói các lão Hòa thượng nữa. Vì các Hòa thượng cũng chỉ dạy làm cho mình bặt hết tình thức để tự nhận ra một cái gì đó sẵn hằng hữu nơi mình chớ không có dạy khác. Các Ngài dùng phương tiện chỉ cho ta lột sạch những chấp giữ đã thâu thập vào ký ức, dù đó là lời của Phật, Tổ nói dạy và cả các khái niệm về giác ngộ giải thoát. Có như thế mới thể nhận cái rõ biết rỗng lặng xưa nay chưa từng sanh diệt, chưa từng dao động.

Tiếp đến đoạn “Ngộ Không bị Phật Tổ hóa bàn tay thành năm ngọn núi đè và dán lá bùa trên đỉnh nên không nhúc nhích gì được. Lại khi đói Phật bảo Thần giữ núi cho ăn hòn sắt nóng, khát cho uống nước đồng sôi (h.7)”.

Đọc truyện ta thấy Ngộ Không chỉ cần nhảy một Cân Đẩu Vân là qua được mười muôn tám ngàn dặm, thế mà tại sao không nhảy qua khỏi bàn tay của Phật Tổ? Thử nghiệm xem bàn tay Phật tổ hình dáng bao lớn mà Ngộ Không nhảy không khỏi? Vả lại, cũng không phải Phật Tổ dùng thần thông để thi thố với Ngộ Không. Nếu cho rằng Phật Tổ có hình tướng thì không thế nào hiểu nổi. Phật Tổ đây chính là Phật tâm của mỗi người sẵn có mà trong kinh thường gọi những danh từ nào là: Chân tâm, Phật tánh, Như Lai v.v... để diễn đạt cái trạng thái tâm rỗng lặng thanh tịnh trùm khắp. Và diễn đạt Ngộ Không là ý thức đã dừng lặng không còn lăng xăng, là chừng mực giới hạn so với tâm rỗng lặng sáng suốt.

Ngộ Không nhảy không khỏi bàn tay của Phật Tổ vì còn thấy có chân trời, còn thấy có điểm tựa để đánh dấu, và Ngộ Không tưởng mình đến chỗ đó là cuối cùng của chân trời. Ý nói rằng, ý thức đã dừng nhưng chưa thấy thực thể năm uẩn là không vì còn có chỗ tựa, tức còn kẹt pháp. Cũng như vị A La Hán khi ý thức dừng, tâm đã an định nhưng chưa thể nhận ra cái linh tri trong suốt ở ngay thân năm uẩn này.

Nếu nói ý thức dừng là đạo thì chưa phải. Trong Duy thức có nói năm trường hợp ý thức không sanh như sau:

1- Ngủ mê không chiêm bao.

2- Người chết giả (bất tỉnh).

3- Ở cõi trời Vô tưởng (cõi trời thuần không có tư tưởng).

4- Nhập định Vô tưởng (do tu định diệt trừ tưởng thì vô tưởng được sanh ra, không còn biết cảm giác tất cả ngoại cảnh, do sợ khổ đau mà trụ định này).

5- Nhập định Diệt tận (lắng sâu vào định vô tưởng, dứt hết các thọ và tưởng tâm được vắng lặng).

Nếu cho ý thức dừng lặng là đạo thì người có một trong năm trường hợp trên là đạo rồi! Nhưng thật sự không phải là đạo. Vì vậy, khi ý thức dừng lặng chớ dừng trụ, phải biết vươn lên vượt khỏi nơi ấy, vì đó không phải là chỗ sống, hành giả hãy vượt qua mà thể nhận cái sáng suốt trong lặng (đạo), đừng chết chìm nơi ấy. Vả lại, nếu đến trạng thái đó mà còn thấy có ta đến và có chỗ để đến tức là cái chướng đối với đạo (sở tri chướng). Cũng giống như Tề Thiên Đại Thánh nhảy đến cuối chân trời và còn làm dấu nói Ta đã đến đây chơi một lần vậy. Vì thấy có chỗ trụ tức còn kẹt Pháp, thấy có ta trụ tức là còn Ngã. Ngã Pháp còn thì không thể nào vào Diệu giác. Thế nên nói là Tề Thiên Đại Thánh nhảy không qua khỏi bàn tay của Phật Tổ vậy.

Còn lá bùa gì mà linh nghiệm thế? Lá bùa này là bùa thọ mạng (cái chân thật) của mỗi người chúng ta, chớ không phải lá bùa chỉ có sáu chữ “Úm Ma Ni Bát Mê Hồng”.

Đọc truyện ta còn thấy có chi tiết là “…đói cho ăn hòn sắt nóng, khát cho uống nước đồng sôi…”, làm sao ăn, làm sao uống cho được?

Hình như từ đầu đến cuối truyện Ngô Thừa Ân đều dùng những chuyện dí dỏm là để ngụ ngôn, ngụ ý nói lên những nghĩa huyền diệu mà thật khó hiểu.

Như trong nhà thiền có thuật ngữ: “Nuốt hạt (trái) có gai”. Hạt giống như hạt ké thì làm sao ai nuốt cho được? Bởi vì từ này chỉ cho công án hay cơ ngữ nhà thiền, nếu hành giả nào tham thấu suốt sẽ ngộ đạo. Đây ý nói việc khó làm, nếu ai làm được sẽ là người xuất chúng.

Ngộ Không đói ăn hòn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi giống như người nuốt được hạt có gai vậy. Khi ăn được sắt nóng, uống nước đồng sôi rồi, nhân duyên đã chín muồi liền được Đường Tam Tạng đến gỡ lá bùa và Ngộ Không vươn mình một cái năm ngọn núi liền tan biến.

Đây giống như dồn ép cho hành giả tự thể nhận lấy chớ vị thầy không thể nào chỉ bày hay làm giúp được. Như thiền sư Trí Nhàn, một hôm ngài Qui Sơn hỏi: “Ta nghe ngươi ở chỗ Bá Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đó là thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng là cội gốc sanh tử. Giờ thử nói một câu khi cha mẹ chưa sanh xem?”. Sư bị hỏi một câu liền mờ mịt không đáp được. Trở về liêu soạn hết sách vở đã học qua tìm một câu đáp cũng không có. Sư than: “Bánh vẽ chẳng no bụng đói”. Đến cầu xin ngài Qui Sơn nói phá. Qui Sơn bảo: “Nếu ta nói cho ngươi về sau ngươi sẽ chửi ta, ta nói là việc của ta đâu can hệ gì đến ngươi!”

Sư bèn đem những sách vở đã thu thập được đồng thời đốt hết nói: “Đời này chẳng học Phật pháp nữa, chỉ làm tăng thường lo việc cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần”. Sư khóc từ biệt Qui Sơn ra đi đến Nam Dương trụ lại đây. Một hôm nhơn cuốc cỏ trên núi, lượm hòn đá ném trúng cây tre vang tiếng. Sư chợt tỉnh ngộ phá lên cười, liền trở về tắm gội thắp hương nhắm hướng Qui Sơn đảnh lễ, ca tụng rằng: “Hòa thượng từ bi ơn như cha mẹ, khi trước nếu vì con nói thì làm gì có ngày nay”.

Cho nên khi hỏi đến chỗ này các vị thầy không đáp mà chỉ nói đông, nói tây hay dùng những thủ thuật dồn hành giả vào ngõ cụt, để hành giả tự thầm ngộ, hay gọi là nhận ra ông Phật chính mình.

Khi tâm đã hết vọng động lăng xăng rồi đừng tự mãn mà phải vượt qua để thầm nhận ra cái linh tri sáng suốt. Vì thế khi ngài Huệ Năng canh ba vào thất Ngũ Tổ được nghe giảng kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền nhận cái linh tri bất động mà thốt lên năm chỗ đâu ngờ thì mới rốt ráo, chớ lúc Ngài làm bài kệ:

Bồ đề vốn không cây

Gương sáng cũng chẳng đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính bụi bặm?

Là chỉ mới hết vọng động giống như tới đầu sào (mới bước vào cửa), đến khi Ngài thốt lên năm chỗ đâu ngờ đó mới là lúc nhảy qua khỏi đầu sào trăm trượng.

Lá bùa này (cái chân thật) là thọ mạng của chúng ta do vì lâu đời lâu kiếp lãng quên nên bị trôi lăn trong ba nẻo, sáu đường. Nhưng chỉ có Đường Tăng (tạng thức đã chuyển hóa) mới gỡ được (thể nhận) chớ không ai khác, mà đạo bùa đó do Phật Tổ dán. Một khi đạo bùa được gỡ rồi thì thật là:

Không gian lắng đọng

Thời gian ngừng lại

Trời đất một màu

Tâm biến thân tan

Tịch lặng rỡ ràng

An nhiên thênh thang 

Có sạch trọi trơn

Mới bày trơ trơ.

Cái gì đây!

Ngọc biếc xưa nay vốn sáng tròn

Lung linh huyền diệu khắp nơi nơi

Người người sẵn có đâu thiếu thốn

Khéo biết luôn dùng sống thích nhàn.

Khi hành giả đã thể nhận lại cái linh tri bất động ngay thân năm uẩn mà từ lâu bị lãng quên do tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, chấp ngã... che lấp, đôi lúc các Ngài lại có những hành động lạ thường, như ngài Hoài Hải thì khóc, ngài Lâm Tế thì đánh v.v... Tại sao các Ngài có những hành động lạ thường như vậy? Tạm nói là các Ngài đã cảm nhận một trạng thái bình an sáng suốt ngay thân năm uẩn này. Nếu có ai hỏi được cái gì mà làm thế, hay trạng thái đó như thế nào? Các Ngài không thể mở lời diễn tả được, nên có Ngài ngậm miệng không nói, Ngài thì hét, Ngài lại đánh hoặc có Ngài từ bi hơn nói một câu chẳng dính dáng như: “Mây tan trăng hiện”. Tại sao vậy? Vì cái chân thật không thể dùng ngôn ngữ trình bày cho người thấy hay biết rõ ràng được, mà chỉ tạm dùng những phương tiện trên cho đương sự có khái niệm để tự cảm nhận thôi. Nếu giảng trạch rõ ràng thì đương sự sanh hiểu biết trên ngôn ngữ không chịu nhìn lại chính mình để thể nhận. Có câu chuyện nói ý này:

Rùa và Cá là bạn với nhau. Một hôm Rùa lên bờ đi dạo chơi thấy cảnh đẹp quá, nào là khóm trúc, bụi hoa, nào là đất cày, đồi núi v.v... nên say mê ngắm cảnh đến chiều mới về. Hôm sau gặp Cá. Cá liền hỏi: “Anh Rùa, hôm qua anh đi đâu cả buổi mà không thấy?” Rùa đáp: “Tôi đi lên bờ thấy cảnh đẹp quá, nào là...”. Rùa kể một hơi. Cá lại hỏi: “Vậy chớ khóm trúc, đất cày có giống đám rong và mấy cây san hô này không?” Cá hỏi gì Rùa đáp cũng không phải. Cá mới nói: “Vậy là anh nói dối, tôi không tin”. Rùa nói: “Chỉ khi nào anh lên trên đó thì mới thấy lời tôi nói là đúng, anh chỉ nghe nói thôi thì không thể biết được cảnh trên ấy đâu !”.

Vì vậy, người chưa ở trạng thái ấy dù có chỉ bày diễn tả cho họ thì họ cũng không thể biết được, chỉ khi nào họ đang trong trạng thái đó thì mới thông cảm. Nên nói: “Uống nước nóng lạnh tự biết” là vậy.

Bởi vì chúng ta mê lầm quên lửng cái chân thật, mà chẳng biết nó đang gá ngay thân năm uẩn này chớ không ở đâu xa. Đó là lá bùa trên đầu núi Ngũ Hành. Đây ta hãy xem thiền sư ni Liễu Nhiên có làm bài kệ nói ý này:

Trên đầu núi năm uẩn là ngôi nhà Phật xưa.

Phật pháp thân đêm ngày hằng phóng hào quang ra sáu cửa.

Nếu người khéo ở nơi đây không khởi tâm phân biệt.

Tức là Hoa Nghiêm (Pháp thân) khắp cả mười phương.         

Khi thể nhận cái chân thật rồi ngay lúc đó năm uẩn liền hóa tán, nghĩa là lúc đó tâm đã vượt ra khỏi phạm vi của căn và thức, ngay khi ấy thật là an lạc tự tại. Tổ Bá Trượng có nói: “Linh quang chói sáng vượt khỏi căn trần, thể bày chân thường không cuộc văn tự, tâm tánh không nhiễm vốn tự nhiên thành, chỉ lìa vọng duyên tức như như Phật”. Được như vậy thì ý thức sẽ chuyển hóa không bị mê lầm nữa và từ đó bắt đầu khởi tu, mới có niềm tin chân thật nơi lời Phật, Tổ, vì đã được chứng nghiệm, rồi từ đó sẽ vững lòng tiến bước trên đường hành đạo. Lúc thể nhận tâm chân thật rồi mới biết mình không phải là năm uẩn, mà lại không rời thân năm uẩn này. Cho nên phải một phen thấy năm uẩn hóa tán thì giống như Ngộ Không rùng mình một cái núi Ngũ Hành liền ngã đổ, sau đó Ngộ Không mới phũ phục cầu Đường Tăng làm thầy và hộ tống trên đường thỉnh kinh, tức là chọn cái giác ngộ (kiến tánh) làm thầy trên đường hành đạo.

Sau khi đã nhận ra tâm chân thật và sống được ít hay nhiều gì thì ta cũng thấy rõ những tập nghiệp từ đâu phát xuất, nên không bận lòng lo sợ và không hòa nhập theo vì thấy được tận gốc của nó.

Xin nói một thí dụ cho dễ hiểu để biết được tập nghiệp của mình. Như một hôm nào đó, chúng ta có dịp đến nơi xa lạ, bất thình lình gặp người quen thân, ý liền mống khởi về người ấy là có niệm, mở miệng gọi tức là khẩu động, nếu người không nghe thì thân đi lại, tay bắt mặt mừng hoặc hỏi thăm chuyện, đó là thân động. Khi chưa gặp người thân quen thì ta an nhiên sáng suốt thấy tất cả người và cảnh vật mà tâm không khởi động. Rồi lúc thấy người quen lại khởi niệm kêu gọi hoặc nói chuyện v.v... thì đó là thói quen của ba nghiệp khó bình thản như nhiên được. Hoặc là khi trực diện tiếp xúc một trong sáu trần mà mình có niệm cảm thích thì đó chính là tập nghiệp sẵn có ở tiềm thức.

Cũng vậy, lúc chưa gặp những cảnh đúng với nghiệp tập (thói quen) ta thấy, biết rõ ràng mà lòng vẫn rỗng lặng an nhiên. Nhưng khi trực diện trần cảnh hợp với thói quen, nếu không tỉnh giác thì ý thân khẩu tác động đồng hóa hòa vào những cảnh đó, nên bị chúng dẫn đi hết niệm này đến niệm nọ. Lát sau sực tỉnh, nhìn lại thấy hồi nãy rỗng rang không động niệm, bây giờ lại có, mới biết mình hướng ngoại quên đi nguồn chân rỗng lặng. Thành thử chỗ này có người hỏi ngài Lâm Tế: “Khi giặc đến nhà thì sao?” Ngài đáp: “Biết chẳng phải oan gia”. Giặc đây là chỉ cho vọng động hay vọng tưởng đến thì sao? Ngài nói biết nó không hòa hợp lao theo thì nó chẳng phải là thù oán. Hay Ngài nói: “Đã khởi niệm rồi chớ nối tiếp, chưa khởi niệm thì chẳng nên khởi, còn quý hơn mười năm hành cước”.

maxresdefault (1)

Có người đòi hỏi tu phải cho mau hết vọng nên dùng mọi phương pháp đè nén, ức chế để nó yên. Khi có dụng công thì thấy có kết quả, còn hơi lơ là nó bật khởi mạnh hơn, do đó tu một thời gian dễ bị đau đầu hay bụng lình bình ăn không tiêu, do kiềm nén ức chế nên máu lên đầu nhiều, bao tử làm việc yếu. Vì vậy đừng mong cầu cho mau hết vọng niệm, chỉ cần rõ lẽ thật nó là hư dối đừng ái chấp, chỉ luôn tỉnh giác thì sẽ không bị lôi dẫn. Nếu có tâm mong cầu tức là khởi nhân bằng lòng tham để tu thì không thể nào đạt được kết quả giải thoát, mà giải thoát cứu cánh là trong đó không còn bóng dáng của tham, sân, si. Quan trọng là phải nhận ra nơi mình có cái sáng suốt an định không sinh diệt, và thấy cái nào vọng động dối sinh, chợt mất thì không đồng hóa theo, từ từ chúng lặng dần, chợt phút giây nào đó ý niệm lăng xăng mất dạng thì tâm thanh tịnh sáng suốt hiện bày.

Thấy được lẽ thật rồi thì ý thức sẽ chuyển hóa sáng suốt hơn trước đó, giống như con khỉ Tôn Ngộ Không lúc này đã thay đổi hẳn. Thay vì trước đó kết bè bạn với sáu anh em Ma vương làm những việc long trời lở đất, như náo loạn từ Long cung, quậy phá chốn U minh chí đến Thiên đình thành nổi danh với tên gọi Tề Thiên Đại Thánh. Nay lại giác ngộ sáng suốt thấy rõ đâu là tà ma quỷ quái, đâu là Bồ Tát, Phật hộ trì mấy thầy trò trên đường thỉnh kinh. Cho nên từ khi Ngộ Không ra khỏi núi theo Đường Tăng đến Tây phương thỉnh kinh thì Ngộ Không là người đi trước để dẫn đường mở lối.

Ngộ Không lúc này như thoải mái lắm, dù bị yêu ma bắt vẫn tìm cách thoát ra chớ không sợ chết. Nếu đánh yêu tinh không thắng thì truy tìm gốc gác rồi cũng qua. Vì vậy Đường Tăng đổi tên Tôn Ngộ Không là Tôn Hành Giả.

Đây chỉ mới nhận ra cái nhân Phật chứ chưa đến quả Phật. Đã nhận cái nhân Phật thì thấy lẽ thật các pháp không bị lầm lẫn nữa, giống như con khỉ được mắt lửa con ngươi vàng thấy ma là ma (tà), Phật là Phật (chánh) rõ ràng, y như lời ngài Lâm Tế nói: “Phàm là người hành đạo phải phân biệt cho được kiến giải chân chánh bình thường, phân biệt được Phật, ma, chân, ngụy, phàm, thánh. Nếu biện được như thế mới đáng gọi là người chân thật xuất gia”.

Khi được như thế rồi người xưa vào núi ẩn tu gọi là nuôi dưỡng thánh thai (dưỡng cái nhân Phật), đến khi nào thuần thục thì mới ra giáo hóa, như ngài Huệ Trung ở Trung Hoa vào núi ẩn hơn bốn mươi năm mới ra giáo hóa. Hoặc có Ngài ở trong chúng như ngài Triệu Châu phải mất ba mươi năm mới thành một khối. Hay là ngài Lâm Tế sống tùy theo duyên, nên Ngài nói: “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ. Hồn nhiên mặc áo xiêm”.

Tùy theo duyên nghiệp dầy mỏng cùng sự hành đạo riêng của mỗi người nên thấy cách sống và thời gian nhanh hoặc chậm khác nhau ở mỗi vị, nhưng vẫn chung mục đích tiến đến chứng ngộ. Tuy nhiên trên đường hành đạo còn gặp nhiều chướng ngại ở nội tâm và ngoại cảnh do huân tập nhiều đời kiếp thành tập nghiệp chi phối ngăn trở, nhưng vẫn quyết an nhiên giữ vững ý chí dũng mãnh tiến bước.

Một khi đã nhận ra nhân Phật rồi thì từ đây mới khởi công hành đạo, nghĩa là đi đúng đường đến quả Phật. Trong kinh Pháp Hoa nói: “Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật tri kiến”, thì từ trước tới đây chỉ mới Khai, Thị và Ngộ, còn Nhập phải do huân tu sạch hết tập nghiệp quá khứ, luôn sống trọn vẹn với cái mình đã ngộ. Nên nói tu mà xem như không thấy tu gì hết, không tu mà tu rất kỹ. Vì luôn luôn nhìn lại mình thấy tận gốc rễ phát xuất của từng tâm niệm, liền chuyển hóa nó, giống như dập tắt ngay từ khi mới thấy ngún khói chứ đừng để phát lửa cháy lan ra rồi mới chữa thì thật là tốn công, vì vậy trong lúc tu thấy rất nhẹ nhàng. Tuy rằng còn niệm nhưng thấy nó như huyễn như hóa, chợt còn, chợt mất không đồng hóa hòa nhập theo thế là niệm tự dừng. Ví như lúc còn bé ta chơi trò đuổi bắt, nếu người bắt cứ đuổi thì người chạy cứ chạy mãi, nếu người đuổi đứng lại thì người chạy cũng dừng theo. Cũng vậy, sóng niệm dừng thì biển tâm lặng, ý lắng lặng thì sanh tử dứt. Còn như chưa hết niệm nhưng làm chủ được niệm thì sẽ không bị nghiệp lôi dẫn. Bởi vì còn niệm là còn nghiệp, nên chuyển hóa nó về chỗ lặng lẽ, khi bỏ thân này sẽ có lực tỉnh sáng lựa chọn nơi nào hợp duyên để tái sanh tiếp tục việc tu hành đến ngày viên mãn.

Vì thế, các vị thiền sư khi đã thể nhận ra cái chân thật và sống được hoặc ít, hoặc nhiều thì các Ngài cũng xem việc sanh tử như mộng huyễn không thật có, giống như ngài Từ Minh nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Vì các Ngài thấy những vọng niệm không thực thể và cuộc đời này là huyễn vọng nên không có gì chướng ngại, như thiền sư Đạo Giai nói: “Muốn biết khi chết được tự tại hay không tự tại, chỉ xem hiện tiền tự do hay chẳng tự do”. Hơn nữa, khi đã rõ bổn tâm, thấu bản tánh muôn pháp thì các Ngài vì nhân loại mà phát bi nguyện thị hiện trở lại cõi ô trược để tế độ họ ra khỏi bể khổ. Các Ngài thì như thế, còn chúng ta thì sao? Nếu hằng ngày không chịu huân tập ứng dụng theo nhân giác ngộ an lạc giải thoát thì khi bỏ thân này làm gì được tự tại thảnh thơi mà ra đi? Điều này mỗi người phải quan tâm để khỏi phải khổ lụy sau này.

Lúc chưa giác ngộ, ý thức chúng ta chỉ huân tập (xông ướp chứa nhóm) những việc mê mờ nên phân biệt so đo được, mất, phải, quấy v.v… do tham, sân, si chủ động qua thân khẩu ý thành nghiệp lực che lấp trí tuệ. Nhưng khi đã thức tỉnh giác ngộ rõ lẽ thật thì cải tà qui chánh, tránh ác hành thiện, giúp đỡ nhân sinh bằng mọi hình thức tuỳ theo khả năng hiện có, làm một cách hồn nhiên vô tư bất vụ lợi. Nói cách khác là ý thức huân tập thân khẩu ý đều Chân,Thiện, Mỹ hợp với Chân như bản tánh.

Tuy đã có trí tuệ nhưng phải luôn luôn sáng suốt nhận định lẽ thật các pháp để không bị dính mắc, nếu lơ là xem thường những tập nghiệp cũ thì sẽ bị chúng lôi dẫn. Giả như khi rảnh rỗi nằm nghỉ hay tọa thiền, bất chợt thường nhớ tưởng về một trong năm dục (không ngoài tham, sân, si) thì biết ta có chủng nghiệp đó nặng. Hoặc giả trước đây ta thuộc bản nhạc nào đó, vì bỏ lâu nên không nhớ, rồi một hôm đi đâu đó bỗng nghe được bản nhạc ấy thì liền nhớ lại, nếu không định tâm sẽ hòa hát thầm theo. Đó là tập nghiệp nhỏ, từ đây ta suy ra các tập nghiệp khác cũng thế. Việc này hãy nhìn lại lòng mình sẽ rõ, đôi khi ngồi thiền hoặc ngồi chơi có một vài phút không vọng niệm, lúc đó cảm thấy nhẹ nhàng an ổn thảnh thơi, nhưng khi duyên đến những trần cảnh bên ngoài gợi lại thì tập nghiệp chợt phát khởi, liền thấy rõ chúng đừng đồng hóa hòa hợp, hãy để chúng tự đến tự đi chớ có lưu luyến. Nếu thiếu tỉnh giác và tịnh tâm, chúng sẽ lừa lôi ta đi hết niệm này tới niệm khác. Thế nên Cổ đức nói:

Đốn ngộ tuy đồng Phật

Nhiều đời tập khí sâu

Gió dừng sóng vẫn vỗ

Lý hiện niệm còn xâm.

Và ngài Trần Tôn Túc cũng nói: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ”. Nghĩa là khi chưa giải ngộ (kiến tánh) phải hết sức nghiên cứu tham vấn, tu hành cho giải ngộ, khi đã giải ngộ rồi phải nỗ lực tinh tiến loại bỏ những tập nghiệp cho sạch trong để được chứng ngộ. Thiền sư Hân ở Dũng Tuyền tuy đã ngộ rồi vẫn còn nói: “Ta 49 năm ở chỗ này còn có tẩu tác (tâm còn những niệm nhỏ nhiệm), bọn các ông chớ mở miệng to...”. Cho nên có trí tuệ phải có định thì giới đã kèm theo.

Chúng ta đừng giống như những đứa bé mới tập học chữ cứ tô đi, tô lại mẩu chữ, càng tô thì nét chữ càng đậm to thêm, mẩu chữ viết sẵn cho đứa bé tập viết tô theo chẳng khác nào là những tập nghiệp (thói quen) vậy. Người thật hành đạo thì hãy để tập nghiệp phai dần theo thời gian công phu, chứ đừng khơi nhớ lại làm đậm nét thêm khó mà dứt được. Nếu có làm đậm thêm thì hãy làm đậm sâu sự định tĩnh sáng suốt để tham, sân, si phai dần đến mất dạng, đó là việc cần làm hằng phút, hằng giờ chớ lơi lỏng. Chừng nào nội tâm sạch những chủng tử cấu nhiễm, đối trước ngoại duyên mà vẫn thản nhiên bình lặng, chừng ấy mới thật sự tự do tự tại. Khi mê thì huân vô minh che khuất Chân tâm; còn lúc tỏ ngộ thì huân Chân tâm - người xưa gọi là trưởng dưỡng thánh thai để vô minh tan sạch.

Khi Tôn Hành Giả giết sáu đứa giặc bị thầy la mắng, y không chịu nổi bỏ đi. Sau nhờ Long vương khích lệ nên trở lại. Đường Tăng nhớ lại chiếc vòng và bài chú lúc Bồ Tát trao cho, khuyến dụ Tôn Hành Giả đội lên đầu tức thời đọc câu thần chú, chiếc vòng liền xiết chặt vào đầu làm Tôn Hành Giả đau đớn và không gỡ ra được (hồi 14).

Đây nói chiếc vòng là giới, câu thần chú là định (thần chú đọc mà không biết nghĩa lý của nó, ý nói không cho suy nghĩ để hiểu nên tượng trưng cho định). Còn Tôn Hành Giả là Tuệ. Tuệ, giới, định có cả ba trên đường hành đạo. Nếu không có giới và định thì dễ làm theo bản năng nghiệp lực sẽ không được bình an. Cho nên ở hồi 15, khi Bồ Tát đến khe Ưng Sầu để bắt con rồng bị đọa hóa làm con Long Mã trả cho Đường Tăng, thì Tôn Hành Giả làm nũng nói với Bồ Tát rằng: “Bồ Tát đã thương cứu mạng thì thương cho trót cớ sao lại đưa cho Đường Tăng một cái mũ hoa, lừa cho tôi đội lên đầu, rồi dạy cho Đường Tăng niệm chú “Khẩn cô nhi” đọc đi đọc lại làm cho đầu tôi đau ê ẩm thật là khổ sở thì không phải hại tôi là gì?”. Bồ Tát cười nói: “Mầy rõ đồ khỉ! Không theo lời dạy bảo, không chịu chính quả. Nếu không làm như thế để câu thúc, mầy lại lừa trên dối trời thì còn tốt gì ! Mầy lại gây ra tai vạ như trước, lấy ai mà cai quản thu phục mầy? Phải có cách trị mầy như thế thì mầy mới chịu theo đường lối Du già (thiền định)!”.

Do Tôn Hành Giả bướng bỉnh không nghe lời liền bị Đường Tăng đọc bài chú làm đau đầu nên phải nghe theo. Song lúc đến Linh Sơn gặp Phật thỉnh kinh, Tôn Hành Giả liền nói với Đường Tăng nhờ Phật gỡ giùm cái vòng trên đầu thì lúc đó cái vòng đã biến mất. Bởi vì có tâm buông lung tạo tội nên phải có tâm giữ giới để ngăn ngừa không cho phạm lỗi lầm, nhưng khi đã sống trọn vẹn với tâm chân thật rồi thì giới cũng bằng thừa, vì đâu còn tác ý tạo lỗi lầm nữa mà giữ giới, nên nói nó mất. Song khi đã sống trọn vẹn với cái không dính mắc thì giới, định và tuệ cũng chẳng lập, khi đã giác ngộ thì từ đây về sau trên đường hành đạo rất là phóng khoáng, một mạch thẳng tiến đến ngày hạnh quả tròn đầy. Đây là giai đoạn chân tu, dùng tuệ giác dẫn đạo cho sự tu hành.

Tôn Ngộ Không rất lanh lợi, khi còn u tối mê lầm thì mưu mô xảo quyệt, dối trên gạt dưới, kết bè đảng với Ma vương làm những điều, hung ác. Nhưng lúc tôn Đường Tăng làm sư phụ thì chuyển hóa thành những khéo léo khôn ngoan, túc trí đa dụng diệt trừ ma quái để đưa Đường Tăng đến Tây Thiên thỉnh kinh.

66-1644594244878499601398-13-0-577-902-crop-1644594458509494160367

Cũng vậy, lúc chưa giác ngộ sống theo bản năng chúng sinh nên tính toán suy lường đủ cách để đem quyền lợi về cho bản ngã này mà chẳng nghĩ lợi hại gì đến ai và hậu quả về sau. Nhưng khi đã giác ngộ, ý thức chuyển hoá thì có công năng sáng suốt khéo léo dẹp trừ mọi ích kỷ hẹp hòi của bản năng tự ngã, phá tiêu thành trì tham sân si và san bằng tất cả đối đãi để tiến đến an vui giải thoát. Trước sau ý thức chỉ là một, còn làm lợi hay hại, công hay tội là do tác dụng của ý thức khi còn mê lầm hay lúc đã giác ngộ, giống như một bàn tay úp là mê mà ngửa là ngộ vậy. Được cái thấy như thế rồi thì chỉ một bàn tay chớ không có úp hay ngửa gì cả. Trong kinh có câu nói lên diệu dụng của ý thức thế này: “Công vi thủ, tội vi khôi”. Nghĩa là công của nó đứng đầu, mà tội cũng là số một. Ta thấy tại sao Ngô Thừa Ân lại đặt tên Ngộ Không mà không đặt tên khác? Vì khi giác ngộ ý thức chuyển hóa nên sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà ý thức không tham gia hòa hợp thì căn là căn, trần là trần, cái nào ra cái nấy. Ví như, thấy trước mắt một chậu hoa là căn trần tiếp xúc mà chưa khởi niệm chậu hoa này đẹp hay xấu, hoa này là hoa gì…, chỉ thấy vậy biết vậy. Ta đừng gán cho sự vật một danh từ nào và cũng không thêm, không bớt gì trong cái thấy biết đó, nên nói ngay SẮC TỨC KHÔNG. Vì chậu hoa là chậu hoa, còn ta nhìn thì chỉ nhìn thấy biết rõ ràng thức không khởi động, ngay lúc đó thấy chậu hoa mà cũng như không thấy, nhưng chậu hoa vẫn hiện hữu. Nếu nhìn tất cả sự vật với cái rõ biết trong lặng không máy động như thế nói là KHÔNG, nhưng có phải thật không có các sự vật chăng? Đâu phải là không có gì ! Mà trước mặt muôn vật hiện bày rõ ràng. Ngay nơi cái Rõ Biết chưa khởi niệm nhưng sắc vẫn hiện hữu mà nói là KHÔNG TỨC SẮC. Cho nên nói KHÔNG mà không loại bỏ các sự vật, cũng không phải là không ngơ, không trơn. Không đây tức là tâm rỗng lặng, nên khi nhìn mọi sự vật thì mọi sự vật cũng đều rỗng lặng. Thế mới phù hợp câu “Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng” (Các pháp từ xưa đến nay, tướng thường tự vắng lặng), hay như câu trong kinh Duy Ma Cật nói: “Tâm tịnh thì quốc độ tịnh”.

Nếu thấy các pháp từ Không do duyên hợp có, duyên tan thành Không, đó là còn thấy các pháp trên mặt sinh diệt vô thường huyễn có, huyễn không chớ chưa thấy như bài kệ:

Tất cả pháp không sanh

Tất cả pháp không diệt

Nếu ai thấy như thế

Chư Phật thường hiện tiền.

Nói về trí tuệ thì có nhiều hạn như: Thấy các pháp vô thường; các pháp do nhân duyên sinh; các pháp có như huyễn. Cả ba cái thấy này là trí tuệ còn chừng mực chưa rốt ráo, mà thấy rốt ráo là phải thấy các pháp đều rỗng lặng tịch tịnh. Vì bài kinh Bát Nhã là bài kinh nói về trí tuệ cứu kính, tức nói về Tâm nên gọi là Tâm Kinh.

Có giai thoại nói về ý này:

Một hôm Tu Bồ Đề ngồi thiền trong động đá Kỳ Xà Quật nhập Không Tam muội, công hạnh ấy làm cảm động đến Chư Thiên, nhiều vị Trời xuất hiện rải hoa cúng dường và chắp tay đảnh lễ. Hoa trời rơi làm kinh động, Tu Bồ Đề xuất định hỏi:

- Các ông là ai? Vì sao đến đây mưa hoa và đảnh lễ ta?

- Chúng tôi là Chư Thiên cõi Đế Thích, bởi kính trọng Ngài nhập Không Tam muội, khéo thuyết Bát Nhã, nên xuống đảnh lễ khen ngợi cúng dường.

- Tôi chưa từng nói một chữ Bát Nhã cớ sao các ông khen ngợi?

- Ngài không nói, chúng tôi không nghe. Không nói, không nghe là chân Bát Nhã.

Tu Bồ Đề nghe xong mỉm cười khen ngợi chư thiên..... (Thập Đại đệ tử truyện).

Qua sự đối đáp câu chuyện trên ta thấy Bát Nhã chính là Chân tâm thường hằng sáng suốt rỗng lặng, tức là tâm không dính mắc vào muôn sự muôn vật. Nhận biết mọi sự vật hiện tượng thực tại bằng trực giác không qua trung gian suy luận phân biệt nhị nguyên, đó là cái thấy, cái biết như thật mà Đức Phật gọi là: “Như thị Tri, như thị Kiến”. Hay trong Kinh nói: “Bát Nhã vô Tri, vô sở bất Tri”, nghĩa là Bát Nhã thì không biết, nhưng không chỗ nào là chẳng biết. Bởi tâm rỗng lặng an nhiên thì nhìn nơi nào cũng rỗng lặng, dù nơi đó có ồn náo như bến xe, phố thị cũng vẫn thản nhiên bình lặng, như vậy mới hợp với câu “Chân như bình đẳng”. Chân như nghĩa là như như bất động trước muôn sự muôn vật, nên Tổ sư nói: “Người chỉ nơi tâm vô sự, ở nơi sự vô tâm thì tự nhiên rỗng mà mầu, tịnh mà diệu. Đấy là yếu chỉ của Tâm vậy”. Vậy thì, thấy các pháp là KHÔNG khi cái hằng biết luôn hiện diện nhưng không vọng động. Đó là nói Sắc - Không khi ta đối diện trần cảnh.

Tế nhị hơn nữa là phần nội tâm, khi vọng niệm khởi tức là Sắc, mà vọng niệm từ rỗng lặng bất chợt phát sinh nên nó chẳng thật có (do vậy nói là Không). Và khi vọng niệm dừng là trở về (tạm nói) nơi rỗng lặng nên nói là “Sắc tức Không”. Rồi từ tâm rỗng lặng phát sanh muôn vàn diệu dụng ra sáu căn (đi đứng, nói năng v.v… trong sinh hoạt) nên nói là “Không tức Sắc”. Vậy thì, Không đây là tâm rỗng lặng bất động tức “Chân Không”. Sắc tức là diệu hữu từ chân không lưu xuất. Chân không thì bất biến; diệu hữu là tùy duyên. Nếu rõ lý này thì tuy bất biến mà tùy duyên, nhưng khi tùy duyên mà bất biến. Thế thì Sắc - Không chẳng phải một, chẳng phải khác, vốn đồng nguồn tâm mà thôi. Vả lại, các pháp vốn tự trong lặng không có ràng buộc gì đến chúng ta. Ví như khi ta nhìn các pháp với cái nhìn thản nhiên, rõ biết tất cả mà không vướng mắc ái nhiễm thì mọi sự vật hiện diện luôn an tịnh, với cái nhìn đó thì giữa mình và các pháp cả hai đều là vắng lặng, ngay khi ấy không có chủ thể và đối tượng, dứt sạch năng sở, chính lúc đó là Niết bàn hiện tại. Vì vậy Ngô Thừa Ân chọn con khỉ làm họ Tôn và đặt tên Ngộ Không. Tôn tức là Tông - chỉ cho Tâm; Ngộ Không tức là ngộ được cái KHÔNG chân thật (chân không) rồi chuyển hóa làm hành giả để đi đến quả Phật. Nên đây nói ngộ rồi khởi tu mới không sợ lầm lạc. Cho nên kinh nói: “Dĩ tâm vi tông, dĩ vô môn vi pháp môn”. (Lấy tâm làm tông, lấy cửa không làm cửa pháp).

Nếu chưa được như thế thì phải học hỏi để có trí (trí hữu sư) thấy lẽ thật các pháp là KHÔNG. Ví như bàn tay, khi co lại thành nắm tay, cho nên nắm tay có là do hội đủ năm ngón co lại, chứ nắm tay không có cái thể thực. Vì sao? Vì khi năm ngón tách rời riêng rẽ thì nắm tay không có. Vả lại, nếu phân tích thêm thì từng ngón tay cũng do hội đủ các yếu tố mới thành hình gồm: Da, thịt, gân, xương v.v..., nếu phân tích đến cuối cùng của nắm tay thì nó chỉ là giả danh để tạm gọi, chứ thực sự không có nắm tay thật. Như vậy khi nhìn nắm tay biết bản chất của nó không tự thể mà nói là KHÔNG chứ không phải không nắm tay. Không ở đây chẳng phải không có gì hết, mà không là tánh của các pháp vốn Không, cái Không đó dù các pháp đang hiện diện cũng vẫn là Không. Không ở đây có nghĩa là không trường tồn, không thực thể, không tự tánh, chớ chẳng phải diệt mất thành trống không (không đối với có). Nếu các pháp có tự tánh thì tự nó sanh ra chứ khỏi phải đợi duyên (các yếu tố, điều kiện) hội hợp. Còn nếu có thực thể, trường tồn thì không bao giờ hoại diệt; song bản chất chúng vốn không thật, không thường hằng mà luôn biến chuyển thay đổi. Chúng có là do duyên hợp huyễn sanh, không là vì duyên tan huyễn diệt. Hễ là các pháp thì chúng từ cái thế đối đãi mà hiện ra, chúng ở trong cái luật tương sanh tương diệt lẫn nhau, như sắc thì đối với không, thương đối với ghét v.v… Cho đến, hễ có pháp tướng thì lẽ tự nhiên có pháp tánh đối lại, pháp này nương pháp kia mà lập, pháp kia nương pháp này mà hiện hữu. Nếu một tướng có thì cả hai đều có. Ngược lại, nếu một tướng không thì cả hai đều không. Bất luận là thế pháp hay pháp xuất thế cũng vậy, nếu còn trong vòng tương đãi đều là huyễn có, là không, dù đó là Niết bàn (cũng là pháp) đi nữa thảy đều do vọng niệm dấy khởi mà thấy có, thấy không. Nếu rời vọng niệm ra thì chẳng có pháp nào đáng gọi là có là không là huyễn cả. Thế thì do có tâm bám chấp mà có Ngã Pháp, lìa vọng niệm phân biệt thì Ngã Pháp đều không, song cái không đó cũng không chấp luôn mới không kẹt vào đối đãi. Thế mới không bị tất cả pháp trói buộc (do tâm không dính mắc), lâu ngày thuần thục thì trí vô sư sẽ hiển hiện. Tóm lại cái không ở đây nói là khi sắc pháp chưa hình thành vốn đã không, mà ngay sắc pháp hiện hữu vẫn là không (vì sắc nương nơi không mà có nên nó không tự tánh) chỉ có trên giả danh, và khi gặp duyên tan thì trở về bản vị trước đó; cho thấy sắc pháp cả ba thời thảy đều không. Vậy thì cái Không của sắc pháp (tánh không) là cái sẵn có chứ chẳng phải đợi hoại diệt mới nói là không. Do đó Phật nói:

Các pháp do duyên sanh

Ta nói tức là không

Cũng gọi là giả danh

Cũng gọi nghĩa trung đạo.

Cho nên đòi hỏi phải có sự huân tu, nghĩa là phải biết huân cái thấy biết đó lâu dài thì mới thành tựu.

Từ khi con khỉ đá gặp lũ khỉ được tôn là Mỹ Hầu vương, sau học đạo lên  Thiên đình náo loạn có tên là Bật Mã Ôn và Tề Thiên Đại Thánh. Sau đó bị Phật Tổ hóa năm ngọn núi đè và được duyên gặp Bồ Tát Quán Thế Âm khuyến hóa mới nhận là Tôn Ngộ Không, sau được Đường Tăng cứu, thu phục làm đệ tử đặt pháp hiệu là Tôn Hành Giả, chỉ cho ý thức từ một phàm phu chuyển hóa thành thánh nhân. Đến chỗ rốt ráo của Phật pháp là chuyển hóa ý thức trở thành Trí tuệ Bát Nhã chớ chẳng phải diệt mất ý thức giống như cây đá không biết chi.

Ở đây dứt phần ý thức từ khi biết thức tỉnh đến giác ngộ thể nhận ra cái chân thật. Từ đây về sau sẽ nói công hạnh để đạt chứng nhập, nhưng phải trải qua gian nan trở ngại vì những tập nghiệp đã huân từ lâu chi phối cản trở bước tiến trong lúc hành đạo (ma ngăn đường chặn lối). Khi nói xong phần tiến trình sự chứng nhập sẽ nói tiếp từng nhân vật chính.

Song vì sắp xếp theo đề mục ngoại chướng và nội chướng, tuy có hồi ở sau lại trùng ý các mục nhỏ trong phần ngoại hay nội chướng nên cũng đem ra trước để ghép vào, vì vậy thấy không có thứ lớp theo chương hồi ở hai mục này. Xin nói phần ngoại chướng trước.

     (Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Tư liệu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tư liệu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Tư liệu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Bay qua miền hạnh phúc

Tư liệu 17:30 18/11/2024

Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.

Xem thêm