Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 26/09/2022, 16:06 PM

Tây Du Ký: Tam Độc

Tam độc là tên khác của tham, sân, si. Chính nó là nhân dẫn dắt chúng sinh đọa lạc trong luân hồi lục đạo, và nó làm ngăn trở bước tiến giác ngộ giải thoát của người đang hành đạo nên nói là độc.

Tam độc là tên khác của tham, sân, si. Chính nó là nhân dẫn dắt chúng sinh đọa lạc trong luân hồi lục đạo, và nó làm ngăn trở bước tiến giác ngộ giải thoát của người đang hành đạo nên nói là độc. Từ khi trời đất đã khai sinh thì có muôn loài thực vật và động vật sinh sống, nhưng loài nào cũng muốn sống thọ và sợ chết (tham). Mà trong cuộc sống muốn được sinh tồn và truyền nối mãi thì phải hợp hai thứ âm dương giao nhau mới sinh sôi nảy nở (si). Và để gìn giữ sinh mạng được lâu dài thì những loài mạnh, khôn hiếp loài yếu dại, tranh giành xâu xé lẫn nhau, tạo sự bất hòa không cân bằng mà sinh ra ganh ghét, thù hằn lấn áp để giành sự sống, do đó có sân hận từ đời này sang kiếp nọ. Vậy từ khi muôn loài hình thành là có tham sân si, bởi có tham sân si nên mới có ba cõi, sáu loài lên xuống thay hình đổi tướng, nhưng tùy theo nghiệp lực riêng của mỗi loài mà có sai biệt chênh lệch, sung sướng hay khổ đau.

Người hành đạo hãy thận trọng đối với ba độc, phải biết nguồn gốc của nó và khéo dùng trí tuệ sáng suốt để vượt qua. Đây xin lược dẫn ở hồi 75-78 để nói lên gốc của ba độc.

... Mấy thầy trò đang đi trên đường bỗng gặp vị hộ pháp bảo phía trước có ba yêu tinh ở động Sư đà rất hung ác. Nghe vậy, Tôn Hành Giả đi dò xét gặp một tiểu yêu tuần núi, Tôn Hành Giả liền biến ra tiểu yêu ăn mặc giống y vậy để hỏi hạch tông tích của ba yêu tinh. Tiểu yêu vì không biết nên nói:

- Đại vương Một có tài biến to lớn hả miệng thâu người, cho đến mười thiên binh nhà trời đều thâu hết,

- Đại vương Hai có tài biến thân voi to lớn, dùng vòi cuốn người.

- Đại vương Ba, không phải quái vật ở phàm, hay đè gió, giốc sông, có bảo bối là bình âm dương hai khí, người bị cuốn vào một lúc sẽ hóa ra nước.

Screenshot_6

Tôn Hành Giả nghe nói cả ba yêu tinh đều muốn bắt Đường Tăng ăn thịt. Khi hỏi xong, Tôn Hành Giả đánh chết tiểu yêu đi tuần, rồi hóa lại giống tiểu yêu đó trở về động báo cáo. Do dò xét để sơ hở lộ ra nên Tôn Hành Giả bị bắt bỏ vào bình âm dương. Tôn Hành Giả dùng thủ thuật khoan thủng bình âm dương thoát thân. Yêu tinh Một nổi giận ra đánh Tôn Hành Giả, thấy đánh không lại, nó bèn hóa một người to há miệng thâu Tôn Hành Giả vào bụng. Tưởng là đắc thắng, ai dè bị Tôn Hành Giả ở trong bụng quậy đau quá phải van xin tha mạng và hứa sẽ đưa mấy thầy trò qua núi, nên Tôn Hành Giả mới chịu ra. Khi Tôn Hành Giả ra yêu tinh Hai và Ba trở mặt đánh. Yêu tinh Hai hiện thân voi to lớn lấy vòi cuốn đánh Tôn Hành Giả, bị Tôn Hành Giả dùng thuật nắm vòi đánh túi bụi, nó mới quy hàng chịu đưa mấy thầy trò qua núi... Khi về động yêu tinh Ba bày kế, khi đưa sẽ bắt Đường Tăng... Tôn Hành Giả lúc đó vui mừng không biết mưu mẹo của chúng nên đi trước dọn đường, bỗng thấy trước mặt có thành trì nhiều ác khí do yêu tinh hóa hiện, vừa dừng lại thì ba yêu tinh ở sau ra tay đánh phản. Bị đánh bất ngờ mấy thầy trò phản ứng không kịp nên bị bắt hết về động. Tôn Hành Giả dùng thuật thoát ra cứu thầy và các sư đệ trốn đi giữa đêm. Yêu tinh phát giác bắt lại nhốt mỗi người một nơi. Tôn Hành Giả thoát được vào động dò xét, yêu tinh Ba đánh lừa phao tin Đường Tăng đã bị ăn thịt, làm cho Tôn Hành Giả nản chí. Tôn Hành Giả tưởng thật, vừa tức vừa buồn, đi đến Như Lai tuần tự trình bày sự việc. Như Lai cười nói chớ có phiền não, vì Ngài biết tông tích của ba yêu tinh. Như Lai gọi A Nan đi mời hai ngài Văn Thù và Phổ Hiền đến rồi nói với Hành Giả “Đây là chủ của hai yêu tinh Một và Hai, còn yêu tinh Ba thì đích thân Như Lai mới thâu được”. Phật cùng hai Bồ Tát và Tôn Hành Giả đến động. Tôn Hành Giả vào khiêu chiến giả thua chạy về hướng Phật, ba yêu tinh không biết nên đuổi theo. Khi gặp hào quang của Phật, yêu tinh Một và Hai nhũn cả tay chân, chỉ có yêu tinh Ba thúc hai yêu kia cầm gươm tiến đến giết Như Lai và cướp lấy Lôi Âm (nơi Phật ngự). Yêu tinh Một và Hai vừa tiến lên liền bị ngài Văn Thù và ngài Phổ Hiền đọc thần chú, cả hai đều ngã xuống hiện nguyên hình là con sư tử lông xanh và con voi trắng. Còn yêu tinh Ba chưa chịu hàng phục, nên Như Lai dùng phép làm nó nhũn cả người không chạy được, hiện nguyên bản tướng là con Đại bàng Kim Sí Điểu xin đầu phục quy y theo Phật. Tôn Hành Giả đến động cứu thầy và sư đệ ra...

Lược dẫn một đoạn cho thấy yêu tinh Một là ngụ ý chỉ cho tham, vì nó có tài biến hóa rất lớn, há miệng nuốt đến mười thiên binh nhà trời, ý nói lên lòng tham quá to tát, bao nhiêu cũng thâu gom.

Yêu tinh Hai chỉ cho sân, tượng trưng cho voi, vì voi là một con vật có sức mạnh và khi nóng giận nó dùng sức mạnh để giết hại, hoặc phá nát tất cả những gì làm chướng ngại nó. Cũng vậy, niệm sân hận rất mạnh có thể phá hết tất cả công đức do mình đã tạo ra từ trước, cho nên người xưa nói: “Nhất niệm sân tâm năng thiêu vạn lâm công đức” là ý này vậy.

Yêu tinh Ba ngụ ý cho si (cội gốc vô minh) là cái bất giác tiềm ẩn trong tạng thức do ta huân tập. Nó có bảo bối bình âm dương hai khí là tượng trưng cho sự si mê của chúng sinh, khi thấy hai tâm tưởng về nhục dục (nam nữ hay đực cái) đang ân ái, nơi âm dương giao nhau (noãn bào và tinh trùng hòa hợp) phát ra ánh sáng (lửa dục) thì thức thần bị hành nghiệp thúc dục tìm đến nơi đó khởi tâm tưởng ái dục vào đó để cảm thọ mà có sắc thân này, gọi là ái nghiệp, giống như khi bắt bỏ vào bình âm dương thì bị ra nước. Tức là khi vướng vào ái nghiệp (chấp mắc vào nhị nguyên – âm dương hai khí) thì sẽ mất Thân huệ mạng mà chỉ có nước ái đượm nhuần. Và chúng ta phải hiểu sâu xa hơn về hai chữ ái nghiệp này; có nghĩa là ái chấp, ái nhiễm quá sâu đậm, chớ ái dục chỉ là một phần trong ái chấp mà thôi.

Còn khoa học ngày nay cấy tinh trùng (dương) vào noãn bào (âm) cho vào ống nghiệm để tạo ra con người, thì cũng là do âm dương gặp nhau phát ra ánh sáng, do sức mạnh của hành nghiệp thúc dục thần thức thấy ánh sáng đó mà phát lửa dục chiêu cảm đến thọ nhận gá vào, nên có đời sống mới tiếp nối.

Đây nói tham không phải chỉ tham đắm ngũ dục bên ngoài thôi mà là lòng tham tột đỉnh tiềm ẩn trong tạng thức để nuôi lớn tự ngã này. Hoặc giả như hành đạo muốn biết được tâm người, mong có thần thông, tu cho mau giác ngộ, giải thoát để độ sinh v.v... mà không biết đó cũng chính là tham.

Nếu khởi nhân tham để hành đạo thì không bao giờ đạt kết quả giác ngộ giải thoát. Vì tham là nhân sanh diệt, nếu được kết quả đi chăng nữa thì chỉ là cái quả trong sanh diệt chớ chẳng phải đúng quả chân chánh. Một khi trí tuệ hiện hữu thì tham, sân vắng bóng. Ngược lại tham sân ngự trị ở lòng thì trí tuệ bị lu mờ, giống như yêu tinh Một bắt được Đường Tăng, nó ôm cứng lại sợ Tôn Hành Giả đến cứu vậy (hồi 75). Nhưng muốn đạt đúng chánh quả thì phải chọn đúng chánh nhân. Nếu là chánh nhân thì trong ấy không có bóng dáng tham, sân, si, mà tham, sân, si là từ có niệm khởi động, nếu còn vọng niệm tức không ngoài chấp ngã và chấp pháp. Thành thử, muốn chọn đúng nhân an lạc giải thoát phải nhận định rõ về hai trạng thái (tạm nói) tâm ở chính ta, xem cái nào sanh diệt vô thường khi có khi không thì đừng chấp mắc, hãy buông xả, và thấu rõ nơi ta có cái thanh tịnh sáng suốt thường hằng bất biến. Chính cái đó xưa nay chưa từng sanh diệt và chưa từng động huống nữa là tịnh (có động nên mới lập tịnh), vượt cả những danh từ trên nhị nguyên đối đãi. Cho nên giác ngộ là nhận ra cái thanh tịnh sáng suốt không sanh diệt, luôn hằng sống thì làm lợi ích mới không dính mắc, vì trong đó không còn ngã chấp, nên khi làm là vì lợi tha, mà ngã chấp hết thì pháp chấp cũng không còn. Song hễ còn ngã tức là còn pháp, vì ngã pháp do tương đãi nhau mà lập.

Là người hành đạo phải có trí tuệ sáng suốt tận thâm tâm chiếu soi muôn pháp mới đi đúng đường giải thoát không sợ lầm lạc, nên lòng tham phải chịu khuất phục chẳng sanh khởi, nếu không thì dễ bị rơi vào lối tẽ, giống như Tôn Hành Giả vào bụng yêu tinh thì nó đành phải chịu thua vậy.

Khi lòng tham không được như ý muốn nên dễ sân hận, lúc nó phát khởi khó mà kiềm chế được, giống như voi san bằng tất cả những chướng ngại khi nó nổi giận. Nếu có sáng suốt và định tỉnh hiện hữu thì niệm sân mới không bộc phát. Giống như yêu tinh Hai dùng vòi cuốn Tôn Hành Giả mà cuốn không được, trái lại bị Tôn Hành Giả dùng gậy đánh vào mặt và nắm vòi dẫn đi.

Si là vô minh, là cái bất giác lầm lẫn không biết lẽ thật, do si dẫn dắt thành ra có tham, tham không được nên có sân. Vì vậy si là cái khởi đầu để bắt cầu cho tham và sân. Cho nên lúc yêu tinh Một và Hai hàng phục còn yêu tinh Ba không chịu mà bày kế để bắt Đường Tăng, và hai yêu tinh kia nghe lời nên thắng trận. Lại phao tin Đường Tăng đã bị ăn thịt để Tôn Hành Giả nản chí thối tâm không tìm hang động của chúng cứu Đường Tăng nữa cũng là yêu tinh Ba. Cho đến gặp Như Lai nó còn bảo yêu tinh Một và Hai tiến lên đánh cướp Lôi âm nữa. Phải biết si là cái mê tối thâm căn chẳng biết thế nào là chân ngụy, chánh tà…, chỉ làm càn theo bản năng thú tính phải bị trôi lăn lẩn quẩn trong ba nẻo sáu đường mà trong kinh gọi là “Căn bản vô minh” .

Bởi cái thanh tịnh sáng suốt an nhiên thênh thang đó chưa hề chao động, nhưng do một niệm bất giác hướng ngoại lao theo muôn pháp, si mê không biết lối về nên tạo không biết bao nhiêu tội lỗi. Khi đã thức tỉnh giác ngộ biết sai lầm hồi đầu mà tập nghiệp vẫn còn. Nó là cái bất giác vi tế, tuy có trí tuệ nên không đến nỗi bị hại đến thân huệ mạng nhưng chưa dứt hẳn.

Người hành đạo phải thận trọng đối với si, khi có một niệm bất giác nó sẽ dẫn ta đi không cùng, giống như Tôn Hành Giả vui mừng khi nghe ba yêu tinh chịu đưa mấy thầy trò qua núi, vì chủ quan không biết mưu mẹo của chúng nên mấy thầy trò đều bị bắt, chỉ có Tôn Hành Giả là thoát được.

Nếu trên đường hành đạo mà dễ dàng thì ai ai cũng thành Phật hết khỏi phải khổ tâm nhọc sức. Bởi vì những tập nghiệp do huân nhiều đời kiếp nên nay phải có công phu để chuyển hóa. Khi nào chuyển hóa sạch được trong trắng thì mới hưởng an lạc thái bình, còn đang trên đường hành đạo phải gian nan nhọc công bởi gặp những chướng nạn trở ngại. Thành thử, từ nhân đến quả phải đánh đổi một giá rất đắt. Ngài Hoàng Bá có dạy: “Chẳng phải một phen xương lạnh buốt. Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”. Nghĩa là muốn hưởng được mùi hương hoa mai thì phải chịu cái lạnh buốt xương của mùa đông vậy. Cho nên Ngô Thừa Ân viết: “Là người ai chẳng qua rừng gai góc, gai góc phương Tây mới khác thường” (hồi 64).

Làm người ở trên đời chẳng có ai mà được suôn sẻ mọi việc hoàn toàn như ý muốn. Nói chung ai ai cũng đều gặp phải hoàn cảnh khó khăn trở ngại (gai góc), nhưng con người có biết chuyển hóa và vượt qua được hay không là tùy thuộc vào ý chí của mỗi người.

Còn gai góc phương Tây khác thường là thế nào? Đây nói người hành đạo gặp phải những chướng ngại khó khăn từ ngoại cảnh đến nội tâm, chúng giống như là gai góc làm cản trở bước tiến hành giả đang trên đường giải thoát, nên nói là khác thường. Vì vậy, Ngô Thừa Ân viết, khi mấy thầy trò đi đến Kinh cức lĩnh (núi gai góc) thấy có hai câu đề rằng:

“Gai góc quấn chằng tám trăm dặm.

Từ xưa có lối, ít người đi”.

Thật vậy, từ ngàn xưa chính Đức Phật và chư Tổ vạch đường mở lối đi đến nơi an lạc giải thoát, thế mà cho đến nay trong nhân gian có được mấy người đang đi đúng đường của Phật, Tổ vạch sẵn? Khi Bát Giới mở đường thấy hai câu đó, liền hứng chí làm thêm hai câu:

“Tới nay Bát Giới tài khai phá.

Sang tận Tây phương lối phẳng lì.”

Ở đây ta thấy, tại sao Ngô Thừa Ân chỉ nói Bát Giới khai phá rừng gai góc, mà không nói Tôn Hành Giả hay Sa Tăng khai phá? Vì Bát Giới chỉ cho năm thức bị thức thứ sáu hòa đồng thành “Ý thức ngũ câu” kéo năm thức vượt khỏi cảm giác thuần túy như đã nói ở trước, nên năm thức dễ dàng đắm nhiễm trần cảnh. Nhưng khi ý thức đã chuyển hóa thì năm thức khi đối cảnh có trí tuệ chủ động nên năm thức hạn chế dần dần chẳng ái nhiễm dính mắc trần cảnh nữa. Do đó nói vượt qua rừng gai góc để sang tận Tây phương là do Bát Giới mở lối. Bởi ở thế gian con người còn đầy dẫy tham, sân, si nên có rất nhiều sự khổ não, nhưng người hành đạo thì ngược lại, là phải dứt hết ba thứ đó mới an lạc giải thoát được.

ntdvn_tay-du-ky-giai-ma

Trong thiền tông có thuật ngữ “Kinh cức” (gai góc) để tượng trưng cho sự khó khăn gian khổ, mà người tu phải trải qua trong quá trình hành đạo. Như bài tham thiền kệ ca trong Thiền Tịnh Hợp Yếu của thiền sư Phương Tụ Thành ghi:

Pháp tham thiền bậc nhất

Có gì để nuối tiếc

Buông quách cả toàn thân

Thấu qua rừng gai góc.

Thật vậy, người hành đạo là đi ngược dòng sinh tử nên khác hơn người thế gian. Như khi chưa thức tỉnh giác ngộ, sáu căn tiếp xúc với sáu trần theo đuổi tìm mọi thú vui dục lạc để cảm thọ thành thói quen. Nay phải đi ngược lại không cho dính mắc đắm nhiễm, đó là những khó khăn gian lao mà người hành đạo phải trải qua để tiến đến cứu cánh giác ngộ giải thoát.

Thành thử muốn dứt hết tham, sân, si phải dùng trí tuệ biết gốc gác của nó phát xuất từ đâu mới diệt tận gốc được, giống như Tôn Hành Giả đến Như Lai cầu cứu, Như Lai mời hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền xuống động hàng phục yêu tinh vậy.

Bồ Tát Văn Thù là hình ảnh tượng trưng Căn Bản Trí; đọc thần chú chỉ cho định tâm; con Sư Tử Ngài cưỡi là phương tiện, ý nói là diệu dụng của trí tuệ. Nhưng khi trí tuệ chưa phát sinh thì lòng tham trỗi dậy làm cho tự ngã càng ngày càng lớn, không biết những người chung quanh miễn sao vừa ý đẹp lòng mình mà thôi, đó là cái dụng của tâm thức chúng sinh được tượng trưng cho yêu tinh Một. Sau đó yêu tinh gặp chủ của mình là Bồ Tát Văn Thù và nghe câu thần chú thì hiện nguyên hình sư tử, là ý nói lúc đã giác ngộ có trí tuệ và định tâm thì lòng tham tự kỷ mất, luôn vì chúng sinh giúp ích lợi lạc họ xem như là tham, nhưng mà tham vì lợi tha, nên nói từ tự tánh trí tuệ khởi diệu dụng làm lợi ích. Vì vậy Trí và Bi phải đầy đủ, khi công hạnh tròn đầy lên ngôi Chánh quả.

Ngài Phổ Hiền là hình ảnh biểu trưng nói lên lập hạnh vị tha, cũng có nghĩa là từ bi hóa độ. Con Voi trắng là phương tiện để Ngài cưỡi, đọc thần chú là định tâm. Nhưng khi không có lòng từ bi thương người vật và chẳng định tâm thì con người lúc gặp cảnh trái ý nghịch lòng dễ phát sinh niệm buồn phiền sân hận, cho nên luôn tật đố ích kỷ mà tạo ra muôn vàn tội lỗi, đó là cái dụng của tâm chúng sinh được tượng trưng là yêu tinh Một. Vì vậy khi lập hạnh vị tha vì người giáo hóa, nếu không định tâm thì dễ sinh phiền não sân hận. Vì chúng sinh rất kiên cường, nghịch ngợm khó tiếp dẫn độ họ, nên lập hạnh cứu giúp chúng sinh phải có lòng từ bi và định tâm chuyển hóa sân hận làm tăng sức mạnh (vị tha tượng trưng cho voi trắng). Vì làm chủ được mình (định) là có một sức mạnh không sức mạnh nào bì kịp nên sân hận không có mầm phát triển được.

Si là cội gốc bất giác mê lầm, mà Phật thì toàn giác, tức tâm thanh tịnh sáng suốt an lạc giải thoát. Khi đã giác ngộ hoàn toàn thì bất giác không còn nữa.

Và ở hồi 17 cũng nói về nghiệp tham, sân. Xin lược dẫn một đoạn.

Đường Tăng và Tôn Hành Giả đi đến tự viện Quan Âm vào xin tá túc qua đêm... Đường Tăng hỏi thăm sức khỏe vị trụ trì và chúc mừng qua lại, rồi Tôn Hành Giả hứng chí đem chiếc y Ca sa mới đẹp của Đường Tăng ra khoe. Lão Hòa thượng khi thấy y Ca sa đẹp liền sanh lòng tham muốn chiếm đoạt nên hỏi mượn về phương trượng xem kỹ sáng sẽ trả lại. Tôn Hành Giả liền đưa. Do tham đắm không muốn rời chiếc y đẹp, Lão Hòa thượng không ngủ được, các đệ tử đến hỏi thì lão nói muốn giữ chiếc y không muốn trả, nên có hai đệ tử bày mưu chất củi đốt giết thầy trò Đường Tăng để lấy y Ca sa. Tôn Hành Giả biết được thức dậy thổi gió ngược lại nên chỗ Đường Tăng nghỉ không cháy, còn tất cả nơi nhà tăng ở đều bị cháy sạch... Yêu Gấu động Hắc Phong đang ngủ giật mình thấy lửa cháy liền đến giúp chữa. Vì lão Hòa thượng cùng với yêu tinh kết bạn làm thân với nhau. Yêu Gấu vừa đến thấy ánh hào quang của y Ca sa tỏa ra biết là vật quý bèn đánh cắp trốn về động chớ không chữa cháy. Hôm sau yêu Gấu mời các bạn đến xem vật quý và ăn mừng khánh tuế... Tôn Hành Giả tìm đến động để lấy y Ca sa lại cho thầy, rồi hai bên đánh nhau, yêu tinh đánh không lại bỏ trốn vào động mấy lần nên Tôn Hành Giả không làm gì được mới đi cầu viện Bồ Tát Quan Âm đến giúp.

Bồ Tát cùng Hành Giả đến động. Giữa đường Tôn Hành Giả gặp bạn của yêu Gấu tên Lăng Hư Tử đang trên đường đến chúc mừng bạn. Nó có đem theo hai viên tiên đơn, Tôn Hành Giả liền đánh chết rồi lập kế nói với Bồ Tát: “Bồ Tát nên biến ra yêu tinh, còn Tôn Hành Giả uống một viên tiên đơn, sẽ hóa lại một viên to hơn, để Bồ Tát biết mà dâng viên to cho yêu tinh, khi nó nuốt vào, Hành Giả sẽ ở trong bụng thì nó mới chịu hàng”. Bồ Tát đồng ý. Khi Bồ Tát biến làm Lăng Hư Tử, Tôn Hành Giả nói: “Bồ Tát là yêu tinh hay yêu tinh là Bồ Tát”.

Bồ Tát nói: “Ngộ Không, Bồ Tát, yêu tinh đều là nhất niệm, nếu bàn đến gốc đều là không có”.

Bồ Tát Quan Âm biến giả làm Lăng Hư Tử cầm hộp đựng hai viên trường sinh đi đến động, yêu Gấu tưởng là bạn thật tiếp đón trọng hậu. Lăng Hư Tử giả liền lấy viên tiên đơn to (do Tôn Hành Giả biến ra) đưa chúc mừng yêu Gấu. Yêu Gấu nhận lấy uống vào thì Tôn Hành Giả hiện nguyên hình trong bụng quậy phá lung tung, Nó đau quá nên đành chấp nhận chịu trả y Ca sa, Tôn Hành Giả mới chui ra khỏi bụng yêu Gấu. Sợ nó vô lễ, Bồ Tát lấy vòng chụp lên đầu và đọc thần chú, yêu Gấu chịu không thấu xin quy hàng tha mạng. Tôn Hành Giả định giết thì Bồ Tát ngăn lại nói để đem về cho làm thần giữ núi...

Lược dẫn một đoạn cho thấy, nếu người hành đạo mà vướng mắc trong phương pháp mình tu hay sở chứng đều là tham cả.

Đây nói chiếc y Ca sa của Đường Tăng là chỉ cho vật quí báu nên người xuất gia đệ tử Phật không được cách xa đêm – Y pháp bất ly thân (y, pháp chẳng lìa thân), đồng thời đây cũng là phương tiện để biểu trưng cho sự giải thoát của người chân chinh hành đạo khi mặc chiếc y, do đó khi đắp y thì đọc bài kệ:

Lành thay áo giải thoát

Áo ruộng phước vô thượng

Nay tôi đầu đội nhận

Đời đời thường chẳng lìa. 

Bởi vì người đã phát tâm xuất gia đắp y Ca sa, là người có chí nguyện mong vươn lên vượt ra khỏi trần lao khổ hãi để tự tại an nhiên giải thoát, thì vị đó không phải là hạng tầm thường mà phải có nghị lực và ý chí lắm mới có thể đạt được như nguyện. Nhưng trên đường tiến đến mục đích tối thượng ấy có rất nhiều chướng ngại đang rình rập, ngăn đón cản lối làm trở ngại bước tiến của hành giả. Nếu hành giả mà vượt qua được thì mới gọi là người xuất cách.

Nghe đâu Đức Phật ở trên núi Linh Thứu nhìn xuống cánh đồng lúa chín mênh mông phía dưới, Ngài khéo phương tiện liền bảo các đệ tử hãy nên may y Ca sa có nhiều mảnh vải ghép nối dọc nối ngang (gọi là Điều – y 5 điều, 7 điều…), giống như những bờ đê ruộng phân chia từng ô ngang, ô dọc trên mảnh đất rộng ngăn nước để gieo cấy lúa vậy. Để nói lên rằng các đệ tử Phật khi đắp y Ca sa phải biết mình là người đang hành đạo giải thoát vượt mọi phiền trược đắm nhiễm ái chấp, là nơi cho mọi người làm chỗ nương tựa học hỏi noi theo đức hạnh cao thượng ấy, và cũng là chỗ để họ gieo duyên tạo phước báo nhân thiên. Giống như là họ gieo cấy lúa trên mảnh đất có đê ngăn giữ nước cho lúa được phát triển tươi tốt đến kết hạt và thu hoạch như ý nguyện vậy.

Đây nói rằng, tuy phương pháp mình ứng dụng tu là quí báu nhưng đó chỉ là phương tiện, nếu chúng ta mắc kẹt trên phương pháp không dám buông xả thì vẫn bị trói buộc, nên có câu: “Mạc vàng tuy quí nhưng rơi vào mắt vẫn bị xốn”. Hay là chấp có sở chứng, nghĩa là có chỗ để an trú (chấp nhận ở quả vị nào đó dù là quả vị Niết bàn), tức bị dính mắc pháp không tiến đến cứu cánh viên mãn. Nếu vướng mắc các phương diện đó đều gọi là tham, giống như lão Hòa thượng thấy chiếc y của Đường Tăng mà tham đắm vậy. Hễ còn chỗ trụ bám thì chưa xả bỏ hết, vì còn NGÃ tức chủ thể (thấy có mình là người tu, người chứng); hễ có chủ thể tức có đối tượng là NHÂN - chỗ mình nương tựa (là pháp tu hay quả vị pháp tu); có ngã nhân là có những việc chung quanh bên ngã nhân, tức có các pháp là CHÚNG SINH (thấy có mình tu, mình chứng và pháp tu, quả vị pháp tu); có ba thứ trên tức có sự thưởng thức cảm thọ trên pháp là THỌ GIẢ (thấy có mình đang ở trong trạng thái an lạc tỉnh sáng). Từ chỗ nhìn này ta thấy, nếu người bị kẹt trong tứ tướng là chưa đạt rốt ráo cứu cánh. Nên người xưa nói: “Đã đến vô tâm, vô cũng thôi” thì mới thấy không còn bốn tướng.

Đây nói yêu tinh động Hắc Phong là chỉ cho niệm phiền não sân hận. Từ chỗ có lòng tham nên nó đi đôi với niệm sân. Tự hỏi lý do tại sao có sân? Vì không vừa ý mình nên sân hận phát khởi. Vì sao không vừa ý như lòng? Vì còn lòng tham sinh khởi, muốn các đối tượng phải theo như ý mình (làm gì mà được hoàn toàn như ý?), nên có sân. Lại hỏi vì sao có tham? Vì thấy có ngã nên có tham. Nếu không có ngã thì tham cái gì bây giờ! Hễ còn ngã tức là còn tham, (tham ái, tham chấp) bởi tham không được nên sân vậy. Do đó trong truyện nói lão Hòa thượng làm bạn với yêu Gấu là thế. Còn Tôn Hành Giả biết mưu kế lão Hòa thượng mà vẫn để cho làm chớ không ngăn cản, lại còn lấy “Gậy ông đập lưng ông” làm cho lão phải đập đầu chết. Đây ý nói khi trí tuệ hiện diện thì lòng tham không còn tác động.

Sau đó, Tôn Hành Giả đánh với yêu Gấu, nó đánh không lại phải dùng kế hoãn binh về động đóng cửa làm Tôn Hành Giả cụt hứng, nên phải đi mời Bồ Tát Quan Âm đến để dụng kế lừa nó thì Tôn Hành Giả mới vào được trong bụng, lúc đó Yêu tinh mới chịu quy hàng. Đây ý nói rằng khi niệm sân hận bộc phát chỉ có trí tuệ bên trong (tâm tĩnh lặng sáng suốt) thì niệm sân hận mới quy phục về nơi rỗng lặng. Nếu dùng trí tuệ bên ngoài do học hỏi để áp dụng thì niệm sân chưa dứt hẳn mà nó còn ngầm ẩn bên trong (yêu Gấu đánh không lại Tôn Hành Giả chạy về động đóng cửa) để chờ đủ duyên phát khởi. Tóm lại muốn niệm sân dứt hẳn tận gốc phải có trí tuệ tự thâm tâm phát xuất, và có lòng từ bi đối với muôn loài, muôn vật thì niệm sân mới không phát khởi.

Xin dẫn câu chuyện nói về niệm sân thế này:

Tướng công Vu Địch hỏi thiền sư Đạo Thông ở núi Tử Ngọc: “Thế nào là ngọn gió dữ thổi chiếc thuyền trôi dạt vào cõi nước La Sát”.

Ngài Đạo Thông bảo:

- Kẻ khách Vu Địch hỏi việc vớ vẩn đó để làm gì?

Vu Địch liền đổi sắc mặt (đỏ mặt).

Sư liền chỉ Vu Địch bảo:

- Đó hắc phong thổi trôi dạt vào cõi nước quỷ La Sát.

Vu Địch liền biết lỗi.

Tướng công hỏi câu đó ở trong kinh Pháp Hoa, nguyên chánh văn là “...Giả sử hắc phong xuy kỳ truyền phưởng, phiêu đọa La Sát quỷ quốc, kỳ trung nhược hữu nãi chí nhất nhơn, xưng Quan Thế Âm Bồ Tát danh giả, thị chư nhơn đẳng giai đắc giải thoát La Sát chi nạn...”. Nghĩa là, nếu có những người vào trong biển lớn đi tìm các thứ báu, giả sử bị gió lớn (gió lốc) thổi ghe thuyền họ trôi dạt nơi nước quỷ La Sát, mà trong số ấy nếu có người xưng danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm thì họ đều được thoát khỏi nạn quỷ La Sát hại.

Ở đây cho thấy, niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm theo kinh Lăng Nghiêm thì Phật nói: “Bồ Tát Quan Thế Âm tu hạnh phản văn văn tự tánh”, tức là xoay lại sống với tự tánh hằng nghe bất động thì mọi chướng nạn đều qua hết. Ví như có người tranh chấp sự việc gì đó với mình, họ có những lời nói, hành vi hung dữ mà mình biết phản quan lại tự tánh nghe thì mình không có niệm giận hờn để ăn thua đủ với họ, đó là Bồ Tát Quan Thế Âm cứu mình rồi. Người hỏi nếu bị hắc phong thổi vào chỗ quỷ La Sát thì Ngài Đạo Thông không theo lời hỏi để giải và cũng chẳng nói hắc phong là gió thổi ào ạt mây đen mù mịt, mà Ngài nói hắc phong là niệm sân phát khởi ở con người, nên Ngài dùng phương tiện chỉ thẳng ngay đương sự tự cảm nhận lấy. Còn quỷ La Sát là chỉ cho ngọn lửa sân. Bởi có gió (hắc phong) tức là động, mà động là vọng động hay vọng niệm, có ý niệm sân hận nên lửa sân mới bộc phát ra thân và khẩu.

Bồ Tát Quan Âm là tượng trưng cho tâm từ bi, chiếc vòng chụp lên đầu yêu tinh là giới, câu thần chú là định. Niệm sân ẩn tàng ở đâu không thấy, nhưng khi gặp đủ duyên thì phát khởi. Trong cuộc sống nhiều lúc những nghịch cảnh đến làm ta dễ sân hận, tuy có trí tuệ mà không từ bi và định tâm thì khó yên được. Nếu có yên chỉ yên bề ngoài, nhưng trong lòng vẫn ấm ức còn mống niệm hờn dỗi không dứt đến tận gốc, giống như Tôn Hành Giả khi chưa cầu Bồ Tát mà đánh với yêu tinh vậy. Nên phải định tâm và phát khởi từ bi thì niệm sân hận tự hóa tán. Vì thế Tôn Hành Giả nói: “Bồ Tát là yêu tinh hay yêu tinh là Bồ Tát”.

Bồ Tát bảo: “Ngộ Không, Bồ Tát, yêu tinh đều là nhất niệm, bàn đến gốc đều là không có”. Đây nói trí tuệ, từ bi hay sân hận đều từ tâm dấy khởi, nếu luận đến gốc của tâm thì không có dấu vết.

Như trước đã nói, Bồ Tát Quan Âm là tượng trưng cho tánh nghe. Nếu đang lúc sân hận hãy trở về với tánh nghe thì niệm sân dừng lặng. Bởi tánh nghe là khi có tiếng hay không tiếng thì cái hằng nghe luôn hiện hữu; lúc có tiếng gọi là sanh, khi tiếng mất gọi là diệt, còn cái Rõ Biết rỗng lặng ở tai khi có tiếng thì rõ biết có tiếng, khi không tiếng rõ biết không tiếng. Chính cái Rõ Biết đó chưa từng có không, chưa từng sanh diệt. Do chúng ta quen chạy theo trần cảnh mà quên đi cái hay nghe hằng hữu này nên tâm trí bị mờ, vì thế tham sân mới có dịp dẫn chúng ta tạo không biết bao nhiêu tội lỗi. Khi những cảnh thuận hay nghịch có đến phải luôn nhớ trở về sống với tánh nghe thì không bị ngoại cảnh chi phối, niệm sân mới chẳng khởi, giống như khi Bồ Tát Quan Âm đến động thì yêu tinh phải chịu đầu phục vậy.

Và ở hồi 71, sau khi Tôn Hành Giả dụng kế dụ yêu tinh lấy ba bảo bối “Nhạc vàng” của y. Khi giao chiến, Tôn Hành Giả lắc lên thì lửa, khói, cát vàng bủa khắp đốt yêu tinh. Nó sợ hãi cuống cuồng thì Bồ Tát Quan Âm xuất hiện dùng nước trong tịnh bình rưới tắt lửa, khói, cát. Yêu tinh gặp Bồ Tát liền phũ phục hiện lại nguyên hình là con Sấu lông vàng của Bồ Tát dùng để cưỡi. Bồ Tát bảo Tôn Hành Giả trả lại ba bảo bối, nên có hai câu thơ như vầy:

Ai cởi nhạc vành trên cổ Sấu

Nhạc vàng kẻ cưỡi hỏi người đeo.

Đây ý nói rằng, người hành đạo, nếu hoàn cảnh sống thiếu vật chất hoặc gặp khó khăn gì đó nơi thân thì người khác có thể giúp đỡ mình lúc hoạn nạn ấy. Nhưng tham lam, phiền não, sân si, cho đến vọng niệm bất giác, vô minh nhiều đời không có ai giải quyết cho mình, mà chỉ có mình mới giải trừ cho mình được. Hoặc mình có oan trái nghiệp lực nặng như thế nào đi chăng nữa thì phải tự mình hóa giải lấy, chớ người ngoài như thầy bạn là thiện tri thức đi nữa cũng không làm hết hẳn khổ cho mình được mà chỉ trợ duyên một phần nào đó thôi. Cho nên ngài Hoài Nhượng nói: “Tất cả các pháp đều từ tâm sanh, tâm không chỗ sanh pháp không thể trụ. Nếu đạt tâm địa việc làm không ngại, không phải thượng căn dè dặt chớ nói”.

Và ở hồi 40 - 43 cũng nói về nghiệp sân. Xin lược dẫn một đoạn.

...Yêu tinh Hồng Hài Nhi đi bắt Đường Tăng, nhưng thấy mấy đồ đệ Đường Tăng nhiều thủ thuật nên dè dặt, nó bèn giả một hài nhi bị trói để đánh lừa lòng từ của Đường Tăng. Đường Tăng xiêu lòng cứu giúp bảo Tôn Hành Giả cõng... Tôn Hành Giả biết là yêu tinh nên dùng thủ thuật giết đứa bé. Nó liền xuất thần, thừa cơ hội hóa làm trận cuồng phong bắt Đường Tăng về động... Tôn Hành Giả gọi Thổ địa hỏi ra mới biết yêu tinh là Hồng Hài Nhi con của Ngưu Ma vương, nên Tôn Hành Giả đến động nhìn người nhà và cứu thầy... Bởi khi Tôn Hành Giả còn là Tề Thiên Đại Thánh hay kết bè bạn với sáu Ma vương, trong đó có Ngưu Ma vương làm anh cả, còn Tề Thiên Đại Thánh là em út... Đến nơi, Hồng Hài Nhi không nhìn nên hai bên đánh nhau... Hồng Hài Nhi phun lửa khói, Tôn Hành Giả không chịu được khói phải chạy về cùng Sa Tăng bàn cách đối phó. Sa Tăng nói: “Lửa xung khắc với nước, nếu có nước dập lửa thì mới thắng được”... Tôn Hành Giả liền đến Long vương cầu viện làm mưa để dập lửa... Tôn Hành Giả đến khiêu chiến, yêu tinh dùng chiêu thuật trước... Tôn Hành Giả gọi Long vương làm mưa xuống, nhưng nước đến đâu lửa cháy lan tới đó, Tôn Hành Giả sợ khói phải chạy, vì nóng quá nên nhảy xuống nước bị cúm người suýt mất mạng... Khi tỉnh lại sai Bát Giới đến cầu viện Bồ Tát Quan Âm. Trên đường đi bị yêu tinh biết trước, nó hóa ra Bồ Tát bắt Bát Giới đem về động... Tôn Hành Giả hay được phải gắng đi đến Bồ Tát Quan Âm cầu cứu... Bồ Tát dùng tịnh bình lấy đầy nước cùng Tôn Hành Giả với chim sáo trắng đi xuống động... Tôn Hành Giả vào động khiêu chiến, yêu tinh lại phun lửa khói. Bồ Tát lấy nước trong tịnh bình tưới dập tắt ngọn lửa, yêu tinh bại trận bị Bồ Tát thâu phục.

Bồ Tát lấy dao cạo tóc còn chừa ba chỏm, nhưng chưa dẹp được dã tính hung hăng, nó định gây sự Tôn Hành Giả, Bồ Tát lấy chiếc vòng “Tam khẩn cấm” của Như Lai cho vung lên biến thành năm chiếc vòng, tròng vào cổ và hai tay, hai chân rồi đọc thần chú, các vòng xiết chặt lại làm yêu tinh đau đớn, căm giận cầm giáo đâm Tôn Hành Giả, Bồ Tát liền nói: “chấp”, hai tay Hồng Hài Nhi chấp trên ngực không tài nào buông xuống được. Bồ Tát thâu phục về làm người hầu.

Ở đây nói Hồng Hài Nhi là con của Ngưu Ma vương và Bà La Sát. Ngưu Ma vương chỉ cho tâm vọng thức mà trong nhà thiền gọi là con trâu đen hay con trâu cuồng. Còn Bà La Sát chỉ sự độc ác giận dữ. Hồng Hài Nhi là chỉ cho niệm sân hận ngầm ẩn bên trong gọi là phiền não nên được tượng trưng qua hình dáng một con yêu bé nhỏ. Tuy nhỏ nhiệm nhưng vô cùng nguy hại, nó như một đốm than hồng âm ỉ trong lòng chỉ chờ đủ duyên (khi cảnh phấn kích, tâm vọng động) là bùng lên thành ngọn lửa sân tác oai tác quái làm hành giả khó tự chủ, tuy biết nhưng không dừng được. Vì lửa sân bộc phát biểu lộ hiện tượng trên thân, khẩu là hình thức thô dễ thấy nên chúng ta có khả năng chặn đứng ngăn ngừa được; còn chủng tử sân hận ẩn ở lòng rất tế nhị khó nhận ra, nó thật lanh lẹ dù biết mà vẫn phát khởi khó kiềm chế. Nên một niệm sân rất tai hại đối với người hành đạo, nếu không tỉnh giác và định tâm thì nó sẽ bộc phát ra thân khẩu. Thành thử nói Tôn Hành Giả không sợ lửa mà sợ khói là ý này. Vì thế có câu: “Một niệm sân hận thiêu hết cả rừng công đức”. Ví dụ như, chúng ta tu hành hay là làm rất nhiều điều thiện được mọi người xa gần biết đến, nhưng hôm nào đó đi cứu trợ một nơi gặp cảnh khó khổ, vì vật dụng có hạn, khi đã cho hết quà mà người còn quá đông, họ đến vây mình xin, trong đó có những người đã nhận quà rồi; lúc ấy ta vừa mệt, vừa đói và còn nghe họ nói cho người này kẻ kia mà không cho họ, chợt bất giác ta lớn tiếng cáu gắt cùng những hành vi không tốt với họ, thì mọi người trong đoàn và dân địa phương sẽ đánh giá và chê trách mình chẳng phải là người thật tốt; từ đó, bạn hữu ít giao du đến gặp mình. Đó là một việc nhỏ. Hay là câu chuyện của đạo nhân tên Suy Hải, trước kia được vua Lương tiếp rất trọng hậu, sau đó bị thử thách bạc đãi ngược lại, do sân si tột độ phải vỡ tim chết đọa vào loài chim theo sự phát nguyện trong sự giận dỗi “...sống nơi rừng núi làm bạn với cỏ cây muông thú, không đến chốn cung đình phồn hoa nữa”. Liền khi ấy thiền sư Chí Công biết trước việc, nên nói với vua sai người đến bìa rừng hướng đông, có cây cổ thụ lên cháng ba bắt chim con về. Thiền sư cầm chim lên khai thị xong liền bóp chết chim, thần thức xuất ra nhập vào thân đạo nhân Suy Hải lại; thiền sư bảo về tu hành cho chân chính. Cho nên chúng ta hãy cẩn trọng chớ có xem thường niệm sân.

Bởi tâm sân này tiềm ẩn khi gặp duyên trái ý nghịch lòng mới xuất hiện, dù có dùng những phương tiện nào bên ngoài vẫn không trừ được tận gốc, giống như Tôn Hành Giả cầu Long vương làm mưa dập tắt lửa để giết yêu tinh vậy. Dù Tôn Hành Giả có biết được tận gốc rồi, nhưng cũng phải giao chiến gần mất mạng mà nó cũng chưa chịu hàng phải đi cầu viện Bồ Tát Quan Âm đến thâu phục.

Cũng vậy, tuy có trí tuệ biết rằng niệm sân từ tâm phát khởi, nhưng khi gặp nghịch cảnh đến cũng khó tự chủ được là bởi vì thiếu lòng từ bi (Quan Âm) và định tâm (nước trong tịnh bình).

Ví như ta và người làm ăn hay có việc qua lại, vì một sự hiểu lầm gì đó nên người đến nói ta gian lận, lấn hiếp rồi mắng nhiếc thậm tệ. Nếu không bình tĩnh (định tâm) thì sẽ dễ khởi niệm phiền hận, nếu không bộc phát ở ngoài nó sẽ ngấm ngầm bên trong làm cho tâm không yên ổn. Còn thương nghĩ đến họ và bình tĩnh xét lại những việc của mình xem có làm gì cho họ hiểu lầm là gian lận và lấn hiếp họ hay không? Nếu có thì thành thật đến xin lỗi và bồi hoàn mọi sai sót ấy. Còn tự xét không có lỗi thì nên cảm thương họ hơn là trách, vì họ hiểu lầm lại nông nổi mới có hành vi như thế hãy thông cảm bỏ qua, có vậy mới chẳng còn ôm ấp niệm sân hận.

Vì từ bi là đối ngược với sân hận. Khi sân hận nổi lên thì từ bi ẩn khuất nên dễ tạo nghiệp đưa đến trầm luân đọa lạc. Ngược lại có từ bi thì sân hận hóa tán liền được an lạc. Các pháp thiện ác ở thế gian đều từ tâm thể rỗng lặng mà có, tâm thì không hình tướng, bởi không hình tướng mới trùm khắp thênh thang như hư không. Còn những niệm thiện ác đều có tướng, hễ cái gì có tướng thì đều bị phạm trù giới hạn, là dối sanh dối diệt. Cho nên vọng niệm thể của nó vốn là không nhưng do bám chấp mà thành sự. Người trí (Bồ Tát) thấy nó có như huyễn hóa nên tâm không chao động.

Đọc truyện chúng ta thấy rằng có một vấn đề đặt ra là, tại sao Tôn Hành Giả khi còn là Tề Thiên Đại Thánh dùng gậy Như Ý đánh tới đâu thì các nơi đó đều quy phục? Như đánh với yêu tinh đến giành động Thủy Liêm trong thời gian đi học đạo về, hay thiên binh nhà trời đều đánh không lại với gậy Như Ý. Nhưng sau khi được Đường Tăng cứu thoát khỏi núi Ngũ Hành, Tôn Hành Giả phủ phục tôn Đường Tăng làm thầy và hộ trì sang Tây Trúc thỉnh kinh, trên đường đi có yêu tinh ngăn cản, dùng hết sức đánh đôi lúc cũng không thắng, có khi còn bị thu mất gậy Như Ý phải đi cầu viện nơi khác đến giúp. Sao lạ vậy?

Bởi khi còn là chúng sinh không biết đạo lý, ý thức làm theo bản năng tự ngã, hễ nghĩ điều chi có lợi cho bản thân thì làm chớ chẳng chịu xem xét chín chắn việc ấy có tổn hại đến người, đôi khi làm càn bướng theo bản năng thú tính chẳng biết phải trái và hậu quả của nó ra sao cả, chỉ cố tranh giành tính toán trăm phương ngàn kế mong đạt được lợi về mình mà thôi. Đó là nói khi còn là Tề Thiên Đại Thánh dùng gậy Như Ý đánh đâu được đó.

Còn lúc hộ trì Đường Tăng cũng dùng gậy Như Ý đánh với yêu tinh không phân thắng bại, đôi lúc đánh chẳng lại nó phải đi cầu cứu Phật, Bồ Tát nữa. Là ý nói khi ý thức đã chuyển hóa thì có trí tuệ mở sáng soi thấu rõ lẽ thật nơi các pháp, không hòa hợp với những tâm tham, sân, si và vọng tình ngoại cảnh. Cho nên nói là đi nghịch dòng thế gian, vì còn đang trên đường đi đến Phật quả mà tập nghiệp quá nhiều, phải gian truân đối đầu với yêu ma của nội tâm. Do những chủng tử đó quá mạnh, tuy có trí tuệ mà vẫn bị chúng làm trở ngại lúc công phu hành đạo, giống như Tôn Hành Giả đánh với yêu tinh không lại phải đi cầu viện Bồ Tát và Phật đến giải nạn vậy. Vì thế khi trực diện chúng phải biết lẽ thật để uyển chuyển hoá giải mới không bị sai khiến.

Bồ Tát Quan Âm dùng nước trong tịnh bình dập tắt lửa yêu tinh là hình ảnh ngụ ngôn, ngụ ý nói Bồ Tát Quan Âm là hạnh từ bi, tịnh bình là giới, nước trong tịnh bình là định. Để thấy phải là bình trong sạch mới đựng được nước cam lồ. Còn cành dương liễu chỉ cho sự nhẫn nhục, vì dương liễu là loại cây mềm dẻo lại khó gãy, khi gió thổi mạnh nó chỉ ngã cong, lúc gió dừng nó lại đứng thẳng.

Cũng vậy, ngoài lòng từ bi ra còn phải có giới hạnh trong sạch và tâm an định thì niệm sân sẽ không tác khởi, trong cuộc sống mới không ái nhiễm dính mắc thì có thể giúp người được. Nhưng trong khi làm phải nhẫn nại chịu đựng những khó khăn trở ngại, bởi chúng sinh hay ngang ngược khó tiếp độ. Vì thế khi Bồ Tát Sĩ Đạt Đa đã thành chánh giác, Ngài dùng Phật nhãn biết tất cả chúng sinh rất cố chấp và vướng mắc các pháp, thấy rất khó độ họ mà muốn vào Niết bàn. Nhưng may nhờ có Chư Thiên đến tán thán ca ngợi và cúng dường lúc Ngài thành đạo, mới thỉnh cầu Ngài ở lại cõi Ta bà này hóa độ chúng sinh. Ngài vừa thương vừa kham nhẫn nên dùng mọi phương tiện thuyết giảng cho chúng sinh biết rõ lẽ thật của thân tâm cùng muôn pháp, để họ nương theo lời dạy đó mà thực hành thoát khỏi mê lầm. Cũng như đứa bé đang đau nó dễ nóng giận, ai đụng vào là khóc lóc la lối, nếu bác sĩ không kiên nhẫn định tâm và thương nó để chịu đựng những cử chỉ đó thì không thể nào khám bệnh và điều trị cho nó được.

Bởi có ý nghĩa như thế nên người xưa mới thần tượng hóa, họa tạc và vẽ hình ảnh Bồ Tát Quan Âm cầm tịnh bình trút ngược xuống đổ nước, với chú tiểu đồng tóc chừa ba chỏm đeo mấy chiếc vòng ở cổ và hai tay, hai chân, đứng chắp tay hầu Ngài cùng với chim sáo trắng là bắt nguồn từ tích truyện Quan Âm thâu phục Hồng Hài Nhi này mà ra.

Và ở hồi 59-60 cũng nói lên ý nghĩa sân này. Xin lược dẫn một đoạn.... Mấy thầy trò đi đến Hỏa Diệm sơn, vì nóng quá không qua được nên dừng lại hỏi thăm. Có người nói phải có quạt Ba tiêu của Bà La Sát quạt thì lửa mới tắt, chớ chẳng có phương cách nào hết nóng được. Nghe vậy Tôn Hành Giả liền đến mượn. Trên đường đi đến động, gặp một tiều phu hỏi thăm thì lòng hơi lo vì phải đối đầu với oan gia, bởi trước đó Tôn Hành Giả đánh con bà là Hồng Hài Nhi, nên tiều ông khuyên: “Đại trượng phu xem mặt xét sắc, chỉ nói đến mượn quạt, chuyện cũ bỏ qua thì sẽ mượn được”. Tôn Hành Giả nghe phải vội đi... Khi đến, Bà La Sát thấy Tôn Hành Giả liền giận dữ không cho mượn rồi hai bên đánh nhau... Bà La Sát đánh không lại, lấy quạt Ba tiêu quạt Tôn Hành Giả bay đến núi Tu Di... Tôn Hành Giả tìm đường vào gặp Bồ Tát Linh Cát hỏi thăm. Bồ Tát Linh Cát nói: “Tôn Hành Giả có pháp lực níu mây nên bị quạt tới đây chớ gặp người thường phải bay tám muôn bốn ngàn dặm. Từ đây đến Hỏa Diệm sơn có hơn năm vạn dặm... Rồi được Ngài cho một viên Định phong đan, khi nuốt vào nếu có bị quạt gió không thổi bay. Tôn Hành Giả trở lại mượn quạt bị Bà La Sát quạt như trước nhưng không nhúc nhích, lại còn dùng thủ thuật vào bụng bà, nên bà đành phải cho mượn mà chỉ đưa quạt giả... Tôn Hành Giả không biết đem về quạt, càng quạt lửa càng bốc lên cao, nên Bát Giới nói: “Chọn lối nào không có lửa mà đi”... còn Sa Tăng nói: “Nơi có kinh lại có lửa, nơi không có lửa lại không có kinh, thật là khó bề tới lui”... Khi ấy Thổ địa đến nói Tôn Hành Giả đã bị Bà La Sát lừa, nếu muốn tìm quạt thật nên gặp Ngưu Ma vương...

Đây cho thấy Bà La Sát là chỉ cho sự độc hại của ngọn lửa sân hận. La Sát là tên chỉ chung các loài ác quỷ, có nghĩa là hung ác đáng sợ. La Sát nam mình đen, tóc đỏ, mắt xanh; còn La Sát nữ là người đàn bà tuyệt đẹp, nên Bà La Sát có biệt hiệu là Thiết Phiến Tiên. Có thể nói La Sát là loài A Tu La một trong sáu loài chúng sinh. Kinh nói, loài A Tu La do tiền kiếp có tạo nhân phước thiện nhưng vì tâm còn sân hận nhiều nên phải đọa vào loài này. A Tu La nam hình tướng xấu xí nhưng người nữ thì rất đẹp, tuy có thần lực và cung điện nhưng rất sân hận nên gọi là Phi thiên. Cõi A Tu La có gái đẹp nhưng không có thức ăn ngon, còn các cõi Trời Dục Giới có thức ăn ngon mà không có gái đẹp bằng nên hai bên ghét nhau, luôn đánh nhau.

Hồng Hài Nhi là tượng trưng cho sự sân hận ngấm ngầm ở nội tâm (khởi niệm), khi gặp duyên nghịch cảnh thúc đẩy sẽ bộc phát bùng lên thành ngọn lửa mạnh được thể hiện ra thân và khẩu, vì thế được tượng trưng bằng hình ảnh Bà La Sát. Còn cây quạt Ba tiêu là nói công năng của sự sân hận. Mỗi khi nó phát khởi khó mà tự chủ, nếu đương sự không định tâm sẽ bị nó sai khiến, giống như Tôn Hành Giả bị Bà La Sát quạt bay đến núi Tu Di vậy.

Là đại trượng phu đang tiến bước đến cứu cánh giải thoát thì dù có đối đầu những chướng ngại của nghịch cảnh cũng phải thẳng đường mà đi chớ không vì một chút khó khăn trở ngại lại dừng bước. Cũng như lời tiều phu nói: “Trượng phu chỉ xem mặt xét sắc, chỉ nói chuyện mượn quạt, chuyện cũ bỏ qua tức mượn được”. Đây cũng cho thấy, những gì ta ôm ấp phiền hận dính mắc ở lòng hãy buông xả thông qua tất cả để sống với hiện thực thì cuộc sống mới cởi mở an ổn; còn như đeo mang mãi thì rất đau khổ khi trực diện với các đối tượng ấy.

Tuy có trí tuệ mà vẫn bị chúng làm xiểng niểng là vì thiếu định tâm. Nhưng khi đã định tâm và tỉnh sáng thì dù có những nghịch cảnh trái lòng vẫn thản nhiên đối đầu khi nó đến, giống như Tôn Hành Giả khi chưa gặp Bồ Tát Linh Cát lại bị quạt gió thổi bay, nhưng sau khi gặp Bồ Tát cho viên Định Phong Đan thì gió thổi không bay nữa.

Ở thế gian, phàm phu chúng ta gặp những hoàn cảnh sự việc như ý muốn thì cho là thuận duyên tốt lành may mắn. Ngược lại gặp những hoàn cảnh bất như ý thì cho rằng nghịch duyên xui xẻo làm chướng ngại thân tâm. Nhưng nếu có cái nhìn sâu sắc hơn thì những nghịch cảnh chính là thuận cảnh, thuận cảnh là nghịch cảnh. Vì sao trái ngược vậy? Vì nếu trên đường hành đạo được suôn sẻ thuận duyên thì chúng ta ít thấy tiến bộ, muốn tiến nhanh phải có trực diện với những cảnh khó khăn trở ngại mới thấy công phu của mình tiến ra sao. Nếu gặp những điều trái ý nghịch lòng mà tâm vẫn thản nhiên không sân hận thì đó là đã tiến, vì mình làm chủ được nghịch cảnh không bị nó lôi kéo trói buộc. Cũng như trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã tán thán Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức của Ngài, nhờ Đề Bà Đạt Đa mà Ngài mau thành Chánh-đẳng-chánh-giác. Trong khi đó những hành động của Đề Bà Đạt Đa toàn là hại Phật và gây rối loạn trong tăng đoàn. Vậy mà Ngài vẫn thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa về sau cũng thành Phật. Cho nên đối với người biết tu thấy đúng lẽ thật các pháp thì những nghịch hạnh là yếu tố cần có, họ xem đó là thuận cảnh, là thiện tri thức thúc đẩy mình mau tiến đến quả vị cứu cánh, nên trong thiền môn có đoạn “...Lấy chướng ngại làm giải thoát. Lấy lợi sơ sài làm giàu sang. Lấy oan ức làm cửa hạnh...”. Còn người mới phát tâm xem đó là những cảnh chướng ngại làm ngăn trở trên đường hành đạo.

Vả lại, còn một thứ nghịch hạnh mà phần đông xem thường ít ai hay biết để vươn lên, đó là những thuận duyên tạo hoàn cảnh làm cho ta vừa ý cảm thích dễ chịu nên hớn hở sanh tâm vui mừng không như nhiên bình lặng. Giả như, vừa nghĩ tính làm việc gì đó liền được người hỗ trợ giúp đỡ, hoặc đang có danh vị lợi dưỡng ai ai cũng ca tụng tán dương…. Tóm lại là ta  đắm mắc ái nhiễm vào những thuận cảnh đã làm thỏa mãn vừa lòng, nên sanh tâm vui mừng không kiềm chế được, hay đạt được thành tích nào đó liền trụ bám chấp chặt. Nhưng đối với người trí xem đó như là sự chướng ngại của việc tu đạo; giả như được duyên gặp những thuận cảnh liền không trụ chấp mới có thể tiến trên đường hành đạo. Có thể nói gặp những thuận cảnh là cái duyên tốt, nhưng nếu chẳng khéo không dám lìa thì nó chẳng khác nào cạm bẫy đưa hành giả vào chốn mê cung, vì nó êm ái nhẹ nhàng quá khó chối từ dứt ra được, mà chẳng biết đó cũng là sự chướng ngại tế nhị trên đường giác ngộ giải thoát.

Vì vậy Sa Tăng mới nói: “Nơi có kinh lại có lửa, nơi không có lửa lại không có kinh”.

Thật vậy, muốn tìm Bồ đề (kinh) phải ngay nơi phiền não (lửa) mà tìm, giống như muốn tìm hoa sen thì phải tìm chỗ bùn nhơ nước đọng mới có, chứ đến nơi sỏi đá khô cằn thì không thể nào gặp được hoa sen. Cũng vậy, ngay những nghịch cảnh trái lòng mà mình sáng suốt định tỉnh không bị nó chi phối quấy nhiễu thì ngay cảnh đó tức là Bồ đề. Như nghe người ta nói nặng lời, hay trái ý thì mình bình tĩnh lại, dùng trí rõ biết lời nói là giả dối không thật, sở dĩ có là do hơi từ bụng đưa ra cổ họng rồi lưỡi uốn qua uốn lại mới thành lời, nên nó có là do duyên hợp không thực thể. Vậy ngay lời nói nặng của người nếu không dính mắc, không khởi niệm giận hờn thì ngay đó tức thành Bồ đề, mà Bồ đề là giác, giác tức chẳng mê (vô minh). Vả lại, do có giác mới thấy rõ được hành tướng của phiền não để hóa giải. Bởi vì phiền não là do ta chấp cảnh mà có, chớ những lời nói vừa xong thì đã qua mất, tại ta ôm giữ những lời ấy nên phải chịu khổ thôi! Thế thì nhờ phiền não mà ta mới có giác ngộ, mới được giải thoát. Cũng một cảnh duyên đó, nhưng do mỗi người nhìn khác nhau nên nói có mê có giác sai biệt. Người xưa nói: “Phiền não tức Bồ đề” là ý này vậy. Song nói có giác ngộ, được giải thoát là một lối nói, chớ lúc không còn tham sân si phiền não ở lòng thì chính khi ấy tỉnh sáng an lạc tự tại thản nhiên mà tạm gọi là giải thoát thôi. Đến đây xin đi xa một chút nói về cây hoa hồng, vì thấy nó nói lên ý nghĩa ở đây.

Hoa hồng thì có nhiều màu, nhưng hồng đỏ được người thế gian biểu trưng cho tình yêu, nên khi họ yêu thương ai thì thường tặng cho nhau hoa hồng, để nói lên tâm tình của mình cho đối tượng biết là lòng đã yêu thương.

Còn trong đạo Phật đến mùa Vu lan, hoa hồng nói lên sự hiếu thảo của người con đối với cha mẹ. Ai được diễm phúc còn mẹ thì cài hoa hồng màu đỏ, đó là để nói lên sự may mắn là mẹ mình còn trên đời, mà ta thì phải có bổn phận lo phụng dưỡng từ vật chất đến tinh thần khi Người già yếu. Người nào mẹ đã mất thì cài hoa hồng màu trắng để nói lên sự bất hạnh ở mình khi tình thương của mẹ đối với mình không còn nữa, mà hết lòng tưởng nhớ công ơn song thân đã vì ta cưu mang và nuôi dưỡng dạy dỗ đến thành nhân, ta phải sống đúng lương tâm hợp với nhân nghĩa để khỏi phụ lòng mẹ cha nơi suối vàng.

Nhưng theo người viết thì hoa hồng tượng trưng cho sự an lạc giải thoát.

Hoa hồng đẹp đẽ có mùi hương nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng cây sinh ra nó thì mình đầy gai góc. Nếu ta muốn chiêm ngưỡng nét đẹp và thưởng thức mùi hương của hoa hồng thì không thể rời cành hồng gai góc mà có được; phải ngay cành hồng gai góc đó ta khéo chiêm ngưỡng nét đẹp và mùi hương của hoa mà không chạm vào gai thì đó là biết thưởng thức hoa. Vì hoa là hoa, gai là gai, tuy thấy hoa và gai có khác nhau nhưng cả hai đều từ cành hồng mà ra. Nếu thấy cành hồng đầy gai rồi sợ chẳng dám lại gần thì không thể chiêm ngưỡng và thưởng thức hoa hồng được.

Cũng vậy, chúng ta muốn thưởng thức quả vị an lạc giải thoát thì cũng đừng rời nơi phiền não sân hận, hãy ngay đó bình tĩnh sáng suốt thì phiền não sân hận không sai khiến được, mà ta lại cảm thấy an lạc nhẹ nhàng do không bị dính mắc trói buộc. Cho nên an lạc hay đau khổ đều từ gốc tâm mà ra.

Người hành đạo phải biết chuyển hóa tham, sân, si thành giới, định, huệ, chuyển tất cả hành vi xấu thành những cử chỉ tốt để làm lợi ích cho nhân sinh. Nếu thắng được tham, sân, si là ta có sức tự chủ mạnh không bị chúng lôi kéo, mà lại hóa giải chúng trở về bản thể rỗng lặng. Thế nên trong kinh Pháp Cú có câu:

“Thắng vạn quân không bằng chiến thắng mình. Thắng mình mới là chiến công oanh liệt”.

(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Tư liệu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tư liệu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Tư liệu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Bay qua miền hạnh phúc

Tư liệu 17:30 18/11/2024

Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.

Xem thêm