Tây Du Ký: Ý mã
Để biết được ý mã mà Ngô Thừa Ân ẩn dụ, chúng ta hãy đọc qua đoạn: Bật Mã Ôn ngày đêm không ngủ trông nom ngựa. Ban ngày còn chơi đùa được, ban đêm thì chăm sóc ân cần, như ngựa ngủ thì đánh thức dậy cho ăn cỏ, ngựa chạy quanh thì bắt đem về chuồng.. . (hồi 4).
Qua đoạn văn trên ta thấy Ngô Thừa Ân nói chăn ngựa kiểu gì lạ đời vậy? Chăn ngựa gì mà ngày đêm không dám ngủ, ngày thì còn chơi đùa được, đêm lại chăm sóc ân cần, ngựa ngủ đánh thức cho ăn? Vậy mà Thiên đình khen là chăn ngựa giỏi, ngựa mập khỏe nữa. Những lời như thế cho chúng ta thấy Ngô Thừa Ân rất hiểu Phật pháp.
Chăn ngựa kiểu lạ đời này là cái lợi, cái đà để cho ta tiến đến giác ngộ giải thoát. Vì người hành đạo là người đi ngược dòng đời nên kiểu chăn ngựa nó cũng ngược đời. Chăn ngựa đây là chăn con ngựa ý của mình. Ý của chúng ta cứ chạy nhảy lung tung không chịu dừng, nên trong Phật pháp có câu: “Tâm viên ý mã”.
Trong đời sống hằng ngày đa số chúng ta thường rong ruổi theo các pháp bên ngoài, nào là những việc phải quấy, hơn thua được mất, buồn thương, giận ghét v.v... Rồi khi rảnh rỗi không làm việc gì thì những hình ảnh đó khởi hiện lại trong tâm não. Nếu nhớ nghĩ lại bóng hình người mình giận thì lúc đó thêm bực bội oán hờn, nếu là hình ảnh người mình thương thì khởi ý lo lắng giúp đỡ hoặc nghĩ tạo điều kiện gì để gần gũi cho đỡ nhớ... Còn như ai hiếp đáp hay muốn xâm phạm người đó thì tìm cách bênh vực che chở. Rồi được và mất cũng vậy, khi mua sắm hoặc tạo được một món đồ quí giá thì cố gìn giữ bảo thủ, nếu có ai chiếm đoạt hay hư mất liền nuối tiếc buồn khổ......
Hoặc giả có những việc chưa đến hay không có, mà ý lại nghĩ tưởng ra trước rồi lao theo tô vẽ, thêu dệt đủ điều. Đôi lúc nghĩ vơ, nghĩ vẩn chuyện đâu đâu quanh quẩn cả ngày không yên. Bởi ban ngày năm căn ngoài hoạt động nên đa số chúng ta mở mắt dậy là ý thức dẫn chạy đầu này, phóng nơi kia rồi than khổ. Cho đến lúc nằm nghỉ, ngủ lại không chịu nghỉ, ngủ, cứ nhớ chuyện này nghĩ việc nọ lung tung nghỉ không yên, trăn trở hoài ngủ chẳng được. Đến lúc ngủ rồi cũng không yên, thấy mơ mộng đủ thứ. Khi ngủ mê năm căn ngoài đóng, ý thức không ẩn trong tàng thức thì nó gợi lại những tư tưởng lúc ban ngày bị ức chế, để tạo thành giấc mộng. Hay nó đồng hóa vào những bóng dáng của pháp trần hiện lại, rồi duyên theo đó suy diễn phác họa và tưởng tượng thêm làm thành giấc mộng, nên khi mộng thấy các hình ảnh ghép nối lộn xộn không đầu đuôi mạch lạc gì cả. Có lúc thấy những cảnh và người mà đời này mình chưa hề gặp nữa. Trong giấc mộng đôi lúc cũng có những vị thiện Thần hộ pháp mách bảo việc này chuyện nọ, nên khi mộng thấy như thế nào thì sự việc diễn ra y như vậy, nhưng rất hiếm có. Đó là việc ngoại lệ.
Trong lúc ngủ không tỉnh sáng như lúc thức nên ý mặc tình rong ruổi ta không tự chủ được, vì ý đã hòa nhập vào giấc mộng, thể xác chẳng còn hay biết gì khi đang mộng cả. Giả như có người dục vọng nhiều, hằng ngày hay nghĩ tưởng người khác phái, nên khi ngủ mộng thấy những đối tượng đó khởi hiện lại và cộng thêm lòng dục vọng tác động mạnh không kiềm chế được đành phải buông xuôi theo bản năng. Nhưng khi giật mình tỉnh giấc thì ôi! bao nhiêu vốn liếng dành dụm để nuôi thân đành trút sông đổ biển một lèo trong vô thức. Lúc mê thì ngày cũng như đêm, tâm ý nghĩ đông nghĩ tây không ở nơi thân, nên nói thân đây mà tâm ở đâu đâu. Điều này thấy rất rõ, ban ngày còn tỉnh táo làm chủ được đôi phần, đến lúc ngủ, ý mê mờ đồng hóa với cảnh trong mộng, rồi tác động theo bản năng nghiệp lực, chỉ có ai tu miên mật lắm mới tự chủ được trong lúc ngủ mộng. Ví như có người trường chay giữ giới đã lâu, khi ngủ nằm chiêm bao thấy bạn bè rủ vào quán ăn thịt uống rượu, nếu người làm chủ được thì liền từ chối hẳn không hòa nhập vào bàn nhậu, còn như không tự chủ liền nhập cuộc. Đó là một việc nhỏ, còn những việc khác cũng thế. Thành thử lúc thức, ngủ mà không bị ý lôi kéo là làm chủ được thân tâm, thì thức, ngủ đều như nhau. Nên Ngô Thừa Ân nói: “Ngày còn chơi đùa được, đêm phải chăm sóc ân cần, ngựa ngủ đánh thức dậy cho ăn cỏ” là vậy.
Lại nữa, có người đang tụng kinh, thân thì trang nghiêm, miệng đọc tụng lời Phật tổ dạy mà ý thì chạy nơi này nơi nọ, hoặc suy tính những chuyện chưa tới, hay nghĩ lại những việc đã qua cứ thế niệm niệm tiếp nối. Có khi ở ngoài đường ai đánh hay chửi lộn gì đó ý cũng chạy ra, đôi khi còn kéo theo tấm thân mấy chục ký lô này nữa. Phải chi người ta la cầu cứu liền tức tốc chạy ra giúp thì không nói, đằng này không dính dáng tới mình mà cũng chạy ra. Bởi ý tưởng hiếu kỳ của con người khó dừng nên không làm chủ được, do đó quên đi cái chân thật đang hiện diện. Thế nên trong kinh Kim Cang ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn! Người Thiện nam, người Thiện nữ phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác nên làm sao trụ? Làm sao hàng phục tâm ấy? Nghĩa là có người Thiện nam, người Thiện nữ muốn phát tâm cầu làm Phật thì phải làm sao trụ được tâm Phật của họ và làm sao trở về với tâm Phật đó?
Phật dạy rằng: “Có tất cả loài chúng sinh hoặc loài sanh bằng trứng, sanh bằng thai, sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, có hình sắc, không hình sắc, có tưởng, hoặc không tưởng và chẳng có tưởng chẳng không tưởng ta đều khiến đưa vào Vô dư Niết bàn mà được diệt độ. Diệt độ vô lượng vô số chúng sinh như thế mà thật không có chúng sinh được diệt độ”. Tất cả loài chúng sinh ở đây, là chỉ cho những trạng thái tâm lý con người. Nếu người nào muốn trở về tâm Phật của mình và an trụ tâm Phật đó thì hãy đưa những tâm ấy vào nơi rỗng lặng tịch tĩnh mà không thấy có bốn tướng (Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả) thì người đó chính là Phật. Đây xin nói đại cương về chín loài chúng sinh tâm để biết hóa giải đừng ái chấp, mà trở về thể nhận tâm chân thật và hằng sống với nó.
1- Loài sanh bằng trứng ở tâm (noãn sanh): Là từng mống niệm rời rạc loáng thoáng, những ý niệm vớ vẩn đâu đâu không thực tại. Đúng ra nó là những chủng tử được lưu giữ trong tạng thức, do chúng ta nhớ nghĩ lại hoặc khởi tưởng tượng mà có. Hay nói khác hơn là những ý niệm về tương lai và hồi tưởng lại việc quá khứ, nhưng nó vẫn gây tác động ở hiện tại. Ví như chợt nhớ vài hôm nữa sẽ gặp lại người mình thương nhất mà bấy lâu nay xa cách, liền tưởng tượng phác họa: Chẳng biết sắc diện họ có thay đổi gì không, phải nói những lời gì khi gặp mặt... mời về nhà... đãi đằng v.v..., nên lúc đó cảm thấy vui vui thì miệng mỉm cười. Nếu chợt khởi niệm nhớ về việc đã qua, như buồn bực người nào đó nên gương mặt hiện tại không được tươi vui. Vả lại, đây là những niệm bâng quơ nhưng khi gặp duyên nó liền thực hiện. Như trứng mới sanh ra chưa thành con, đến lúc gặp đủ duyên trứng mới nở thành con. Nghĩa là có mống niệm rồi sau một thời gian gặp duyên mới thực hiện.
2- Loài sanh bằng thai ở tâm (thai sanh): Nghĩa là có ý niệm phác họa bên trong (thai có hình thù nhưng chưa sanh ra) rồi ôm ấp nuôi dưỡng chờ đủ duyên để tác động theo ý niệm đó (đủ ngày tháng sanh ra con), giống như ôm ấp một hoài bão về tương lai sẽ làm bác sĩ. Từ ý niệm đó mà cố gắng cần mẫn chăm chỉ học chuyên về các môn y khoa, và trông mong đến ngày thi sẽ đạt được kết quả để làm bác sĩ theo như ý trước đã vạch ra. Hay khởi niệm phiền hận với một đối tượng nào đó, rồi ôm ấp nuôi dưỡng để chờ ngày đủ duyên hội ngộ thì liền hành động theo sự ôm ấp hờn trách bấy lâu nay. Ví như, trong kinh A hàm có câu chuyện: Một nhà xem tướng nọ, có đứa con xinh đẹp, cha cô định gả cho Đức Phật, nhưng khi Đức Phật đối diện nói cô là một đãy da hôi thối. Bởi có chút nhan sắc lại bị Phật xem thường nên cô tự ái, rồi căm giận và quyết sẽ trả thù. Từ lúc có ý niệm đó khi vua láng giềng nghe tiếng cô có nhan sắc đến xin hỏi cưới về làm hoàng hậu, cô liền nhận lời. Sau đó nhân duyên đưa đến, cô được tin có Đức Phật và đệ tử Ngài qua vương quốc khất thực, thấy có cơ hội để trả mối hận xưa, nên cô liền sai người tìm mướn những tay anh chị đầu đường bến chợ, khi thấy Đức Phật đi đến thì chửi mắng sỉ nhục. Những người đó y theo lời hành động để lãnh tiền.
Lại nữa, những niệm khởi có hình thù rõ rệt là ý niệm mang tính hiện tại tạo thành những hành động đương thời. Ví dụ như đang chạy xe, bỗng xe bị sự cố nên dừng lại, rồi suy nghĩ tìm tòi mở cái này, tháo cái nọ để sửa chữa. Hoặc giả khi viết thư cho ai, soạn giáo án hay muốn thuyết trình về vấn đề gì đó phải suy nghĩ để viết, viết xong phải đọc lại, khi xóa đi, khi thêm thắt, hay là cảm thấy đói bụng thì liền đi vào bếp, quán xá tìm thức ăn v.v...
3. Loài sanh nơi ẩm ướt ở tâm (thấp sanh): Là những ý niệm rọ rạy, âm ỉ nhỏ nhiệm lúc nhúc - giống như những con vi sinh vật sống trong nước - không thấy hình tướng rõ ràng cho lắm, khiến cho người ta ray rứt khó chịu đi đến oằn oại khổ sở. Ví như có ai làm mình buồn giận hoặc là vui, tuy sự việc đã qua nhưng khi nhớ lại thì ấm ức hờn dỗi hoặc là vui thoang thoáng, nó rỉ rả thì thầm trong lòng không rõ rệt. Khi tâm đã đượm thấm dòng nước ái bởi nước mắt, nước mũi, nước dục tình…. rồi thì loài chúng sinh này gặm nhấm làm cho người ta đau đớn không thể chịu thấu -giống như vi trùng độc ở trong ngũ tạng rút rỉa thân mình đau quằn quại ngày đêm. Có khi phải ngất lịm đi hoặc là nghĩ cách tự quyên sinh, hoặc tìm phương cách lãng quên cuộc sống bằng một hình thức nào đó, như trốn tránh không muốn ai biết đến. Hay là tìm đến những cuộc vui ở hý trường để khỏa lấp những cái đang rỉ rả, ray rứt thì thầm đó. Bên cạnh đó, còn một dạng nữa là cuồng dại, nên có hành động hung hăng, man trá, bất kể mọi dư luận hay nhân phẩm của mình, có thể đưa đến tình trạng mất trí và điên loạn (người ghen tuông).
4- Loài hóa sanh ở tâm: Là những ý niệm bất chợt phát sanh không thấy rõ ràng. Nó theo duyên hóa hiện thành tướng trạng, phát ra hành động rất đa dạng, khi phát khởi không có sự chuẩn bị nào. Nó hay làm đảo lộn tính nết thường tình của con người trong cuộc sống hằng ngày. Ví như ta cùng các bạn đang chơi vui vẻ, mặt mày hớn hở tươi tỉnh, bỗng có người nói nặng lời chạm tự ái, nên niệm sân bộc phát (niệm hóa sanh) làm mình cau có, phiền giận, gương mặt không còn vui tươi nữa. Hoặc trong giao tế, kinh doanh …., đôi khi có người hiểu lầm, họ khinh rẻ nặng lời, mình không tự chủ nên thốt ra những lời hằn học đôi co. Hoặc giả có người hồi nào đến giờ không tham lam của cải ai, nhưng khi túng quẫn lại sanh tâm lén lấy.
5- Loài chúng sinh có hình sắc ở tâm (pháp trần): Chúng là những hình bóng của quá khứ, do năm căn ngoài duyên theo trần cảnh dính mắc, rồi ghi nhận vào trong tạng thức, khi rảnh rỗi hay ở nơi yên tịnh thì chúng mới sinh khởi. Chúng chập chờn lởn vởn, khi ẩn, khi hiện, khi ráp nối những hình sắc không có đầu đuôi mạch lạc gì cả. Pháp trần là một trong sáu trần mà trong kinh thường nói đến là: Sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần, hoặc ý thức tự khởi tưởng cảnh vật nào đó thì tư tưởng hiện thời duyên theo suy diễn thêu dệt này nọ thành một chuỗi dài niệm với niệm.
Đó là nói sơ lược về năm loài chúng sinh ở tâm con người thường tình, nó làm cho người ta vui buồn lẫn lộn trong cuộc sống hằng ngày. Bởi con người cho là có sự hiện diện của năm loài chúng sinh này nên mới làm họ có sinh khí sống và cuộc đời mới có ý nghĩa. Nhưng khi chúng đã hiện diện đầy ắp trong tâm, người ta mới than khổ kêu trời, vì chúng không phải xuất hiện từng loài mà ngay cùng lúc có thể đồng thời sinh ra một lượt. Cho nên chúng phát khởi rất đa dạng, nhiều hình thái không thể lường được. Thế mà khổ thay cho con người, khi không có chúng thì họ lại không chịu, bởi có chúng nên mới tạo ra cho người ta một cảm giác để thưởng thức - vui hoặc buồn, nhưng cảm giác đó rất nhất thời, vừa có đó lại mất đó, thì làm sao được như ý mình đây! Vì cái gì mình cũng muốn như ý mà! Nhưng đâu có được như vậy phải không? Bởi con người do mê lầm rồi tùy thuận chấp nhận chúng là mình nên bị chúng sai khiến, suốt cuộc đời than khổ nhiều hơn là thấy an vui hạnh phúc. Tuy năm loài chúng sinh đó có, nhưng may thay chúng không tự tánh cố định, chợt có, chợt không, chợt còn, chợt mất, chúng sinh ra là do bất chợt, nên khi sanh khởi tuy thấy có mà không thật có, do vậy nói là hư vọng. Khi sanh khởi tức động, nên nói là vọng động. Vọng động tức không thực thể, do đó chúng ta mới có thể hóa giải chúng được. Điều thiết yếu phải biết chúng là huyễn vọng không phải thật mình, đừng ái chấp, mà cái mình chân thật là hằng RÕ BIẾT, dù chúng có hiện khởi hay không có thì cái RÕ BIẾT đó luôn hằng hữu. Bởi có tự chủ sáng suốt mới thấy rõ từng hành tướng của chúng đang lưu chuyển, nên không bị chúng sai khiến mà biết sử dụng chúng khi ta cần để làm lợi ích cho cuộc sống và nhân sinh, nhưng phải hợp với lẽ phải chân chính và đừng chấp mắc vì biết bản chất nó vốn hư vọng. Trong kinh có dạy, người mà chấp thân tâm làm mình thật là vô minh; trái lại rõ biết thân tâm là huyễn vọng thì người đó đã giác.
6- Loài chúng sinh không hình sắc ở tâm: Từ loài chúng sinh này về sau chỉ người tu mới nhận định được. Đây là loài chúng sinh do dụng công tu quán một phương pháp nào đó, chẳng hạn như quán các pháp vô thường mà năm loài chúng sinh vừa kể trên không còn lăng xăng nữa, lại phát sanh ra một trạng thái trống rỗng (chúng sinh không hình sắc) này, thì nó cũng là một dạng chúng sinh được sinh ra. Nên khi có dụng công thì thấy có chúng sinh không hình sắc này, lúc không dụng công thì năm loài chúng sinh trước lại hiện như cũ.
7- Loài chúng sinh có tưởng ở tâm: Loài chúng sinh này được sinh ra do dụng công tập trung tư tưởng, như là tập trung vào ánh sáng ngọn đèn, khi thấy toàn thân và ngoại cảnh đều sáng như ánh sáng ngọn đèn thì thành công về phương pháp quán tưởng đó. Hay là ngồi tưởng để xuất hồn đi nơi này, nơi kia. Lúc đó, ngay nơi thân người đang quán tưởng họ không biết gì cả, vì họ đang sống với chúng sinh tâm tưởng này.
8- Loài chúng sinh không có tưởng ở tâm: Loài chúng sinh này có do nghĩ buông hết những tâm tưởng mà được vô tưởng. Bởi không có tưởng nên không biết gì đến thân và ngoại cảnh, không còn cảm giác giống như loài vô tri (gỗ đá). Do chấp ở chỗ không tưởng này mà họ không còn biết khổ đau là gì, chẳng làm lợi ích cho ai cả.
9- Loài chúng sinh chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng ở tâm: Loài chúng sinh này có do được cái vô tưởng trên, lại lắng sâu hơn nữa trong cái vô tưởng đó mà được an định. Họ không còn biết gì ở cuộc sống, nên họ không thấy có khổ đau. Đó cũng là một dạng chúng sinh tâm được sinh ra, do có dụng công thì cái an định đó mới sinh, nên khi được an định họ rất sợ động, cứ an trú trong ấy, ít dám buông xả để vượt qua vươn lên. Có thể nói rằng loài chúng sinh này do bỏ cái tưởng thô mà chấp cái tưởng tế vi hơn. Còn cái định của tâm chân thật không phải vậy, dù các pháp có động hay tịnh vẫn luôn luôn an định, chính cái định này không có xuất nhập, không có sinh ra, hay nói một cách khác là an định tự nhiên không có tác ý dụng pháp để làm cho an. Đây chỉ tạm diễn nói cho người có khái niệm chớ Tâm chân thật xưa nay chưa từng đông huống nữa là tịnh. Nó như vậy chỉ là như vậy – bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh. Nếu ở nơi cảnh động mà sống được với tâm chân thật (tức lòng không bị động) thì ngay đó chính là đại định. Nên có bài:
Bởi tự tâm vốn an chẳng động
Ngay động, tịnh vẫn an rõ biết
Càng muốn an lại càng bị động
Còn thấy an chẳng phải thật an.
Bốn loài chúng sinh sau này do dụng công tu mà có những trạng thái khác lạ nơi tâm. Tất cả những gì có sinh ra thì tất phải có diệt, đó là quy luật chung của các pháp không thể tránh khỏi.
Khi năm loài chúng sinh trước (noãn, thai, ẩm, hóa, có sắc) còn là tạo ra cõi Dục giới; bốn loài chúng sinh sau (không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng) ở tâm còn là tạo ra cõi Sắc và Vô Sắc Giới. Hễ tâm sinh là còn những chủng tử về thiện nghiệp, ác nghiệp hay bất định nghiệp. Nếu huân chủng tử thiện thì sau đó chiêu cảm quả báo tốt, sanh nơi lành hưởng sung sướng như các cõi Trời Dục Giới, thấp hơn chút thì sanh ở cõi người (ít bị đau khổ hơn ba cõi dưới). Bằng ngược lại huân những chủng tử ác thì bị chiêu cảm nơi thấp hèn, đọa lạc ba đường khổ (Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục). Còn như huân những chủng tử bất động nghiệp (thiền định nghiệp) thì sẽ chiêu cảm về những cõi Trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Nhưng cũng tùy theo mức dụng công huân tập nhiều hay ít, tâm an định có sâu cạn mà có các cõi sai biệt. Vì thế ba cõi đều do tâm tạo nên. Nếu biết được chúng sinh tâm của chính mình là thấu triệt nguồn gốc sinh diệt vô thường huyễn ảo trên pháp tướng. Còn tỏ ngộ Bổn tâm là thông suốt nguồn gốc muôn pháp thì mới thể nhập “Tự tánh thanh tịnh niết bàn”.
Hơn nữa, chúng ta cũng phải biết thêm rằng “Định” có hai mặt. Một là tướng định; hai là tánh định. Tất cả những phương tiện tu hành làm cho tâm được an định thì cái định đó chỉ là tướng định chớ không phải tự tánh định. Tùy theo sự công phu tu mà định có thứ lớp sâu cạn, cho nên trong Phật pháp có danh từ “Bát định”. Ngoài ra còn có nhiều thứ định khác do dụng công với phương pháp nào đó ngoài giáo lý Phật, Tổ dạy nên đây không tiện bàn đến. Nhưng nếu ai có nhân duyên lớn với đạo giải thoát cứu cánh, khi dụng công đạt được tướng định rồi đừng tự mãn an trú, mà hãy nương tướng định đó tiến sâu hơn nữa để thể nhận ra Bổn tâm sáng suốt, mới hòa nhập tự tánh định, khi ấy dù có nói nín động tịnh gì thì cũng hằng định cả. Cho nên thấu suốt Bổn tâm thì rõ tánh định xưa nay chưa từng động tịnh; hằng sống với tánh định thì chẳng nhiễm, chẳng trụ, chẳng động trước muôn pháp. Còn tướng định là khi có công phu thì tâm không động, dừng công phu thì tướng định không còn cho nên lúc đối diện trước muôn pháp bị động tâm. Và phải biết thêm rằng, tướng định là phương tiện bước đầu để chuyển mê khai ngộ tự tánh.
Có thể nói rằng, tướng định giống như nước sông đục ngầu được múc lên chứa ở lu để yên cho bùn cặn lắng xuống thì mới có được nước trong, nhưng chưa tẽ lọc bỏ cặn để nước trong sạch riêng biệt ra, cho nên khi gặp duyên bị người làm động thì cặn bùn trong lu nước sẽ trào dậy, làm cho nước vừa mới lắng trong đó bị vẩn đục y như nước dưới sông. Còn tánh định giống như nước đã lắng trong tinh khiết được tẽ sang qua lu sạch khác, cho nên dầu gặp duyên bị khuấy động, lắc đảo nhưng nước vẫn trong sạch không có vẩn đục.
Tóm lại, tướng định thì lúc được lúc mất nên đòi hỏi phải gia sức công phu; còn tánh định thì luôn hằng hữu bất biến. Giống như ngài Lục Tổ khi nghe giảng kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền thốt lên năm chỗ đâu ngờ vậy. Nói như thế là để chúng ta có khái niệm trong lúc công phu tu, khi được an định chút ít chớ có tự mãn cho là rốt ráo, mà phải cố gắng tinh tiến thêm, khi nào nhận ra Bổn tâm nhập tự tánh định mới cứu cánh viên mãn.
Thế nên còn một máy động ý niệm (dù là sự máy động trên công phu) là còn một chúng sinh. Nếu người biết tu hãy trở về sống với cái rõ biết trong lặng là sẽ chuyển hóa niệm; khi ý niệm vừa khởi không hòa nhập lao theo, chỉ tỉnh táo sáng suốt nhìn nó thì tất cả loài chúng sinh trên tự tan biến trong cái rỗng lặng sáng suốt này. Gọi là đưa chúng sinh vào Vô dư Niết bàn mà không thấy chúng sinh được diệt độ, đây mới chính là trở về sống với Tâm chân thật.
Ta phải biết những ý niệm giống như là mây trong bầu hư không vậy. Dù cho mây có dầy đặc đi nữa, thì nó cũng không phải định vị một chỗ mà luôn luôn thay đổi; khi mây đen, khi mây trắng, lúc thưa thớt từng cụm, lúc tan biến không còn một gợn nào thì thử hỏi nó đi về đâu và trú ẩn nơi nào? Do đó chúng ta không thể xác định được vị trí của mây, mà chỉ thấy mây khi chợt có, chợt không. Do vậy nói mây là hư hư ảo ảo, có mà không phải thật. Còn bầu hư không thì lúc nào cũng luôn hiện diện bất động, không thêm, không bớt, không còn, không mất, không đến cũng không đi. Nó như vậy chỉ là như vậy.
Cũng tương tự như thế, cái rõ biết trong lặng thênh thang giống như hư không luôn hiện diện không có đến cũng không có đi ..., còn những ý niệm là bóng dáng chập chờn trong cái rõ biết rỗng lặng thênh thang, nó chợt khởi rồi chợt mất, luôn thay hình đổi dạng (giống như mây bềnh bồng tụ tán trong hư không). Bởi do chúng ta mê lầm nhận nó là mình mà phải bị trôi nổi trong ba nẻo sáu đường. Cho nên chúng ta phải có cái nhìn như trên thì sẽ không bị lầm lẫn nữa, mới thể nhận ra cái linh tri hằng hữu không lúc nào thiếu vắng ở ngay thân này. Chính nhờ “Cái đó” mà chúng ta mới có hoạt động tới lui, nói năng luận bàn, làm mọi việc, chớ thân tứ đại này là vật vô tri, và cái suy nghĩ hiểu biết là do sự khởi động của vọng thức mà có. Còn cái chân thật là cái đang rõ biết trong lặng rỗng suốt, dù có vọng thức hay không vọng thức nó vẫn như vậy. Do vì khi chúng ta có vọng niệm lại hòa nhập đồng hóa mình vào vọng niệm, cho vọng niệm là mình mà quên đi cái rõ biết rỗng lặng này, từ đó mới có khổ đau. Nếu thấy được lẽ thật vọng niệm thì chúng ta mới hết mê lầm. Không mê lầm tức là giác. Giác tức là Phật. Lúc mê là mê cái giác này; khi giác là biết được cái mê, thấy đúng lẽ thật ở chính con người mình không còn lầm lẫn, đó là nhân tiến đến giải thoát, còn nếu con người thật của chính mình mà mình không hay biết thì dù có biết nhiều việc bên ngoài cũng không thoát khỏi vòng trói buộc mê lầm. Mê lầm tức là vô minh. Trong sử Tổ có câu chuyện nói ý này:
Khi ngài Thần Quang được Tổ Bồ Đề Đạt Ma nhận làm đệ tử. Một hôm ngài đến hỏi:
- Bạch Hòa thượng, tâm con không an, xin dạy cho con phương pháp an tâm.
Tổ bảo: Đem tâm ra ta an cho.
Ngài liền nhìn lại tìm xem cái tâm lăng xăng đó để đưa trình cho Tổ, khi nhìn tìm lại thấy nó mất tăm dạng, nên Ngài thưa:
- Con tìm tâm không thể được.
Tổ bảo: Ta đã an tâm cho ngươi rồi!
Ngài Thần Quang liền thầm ngộ sau đó Tổ đặt tên là Huệ Khả.
Người tu ai cũng muốn tâm mình an tịnh mà ý cứ sinh khởi hết niệm này tới niệm nọ làm cho bất an, nên ngài Thần Quang mới đến cầu Tổ chỉ dạy. Tổ chỉ bảo hãy đem cái tâm lăng xăng đó ra đây ta sẽ an cho. Ngài Thần Quang thật thà nghe Tổ bảo sao thì làm vậy, khi nhìn lại tìm thấy nó mất nói con tìm tâm không thể được. Tổ liền bảo: Ta đã an tâm cho ngươi rồi. Từ đó ngài Huệ Khả mới biết cách dừng con ngựa ý của mình. Khi nhìn lại thấy vọng tưởng lặng mất thì cả cái nhìn tìm lại đó cũng không dùng nữa, như vậy mới hợp ý Tổ. Tâm ý lăng xăng khi có khi không đó là sở, còn cái nhìn tìm lại là phương tiện để thấy lẽ thật của niệm đó là năng. Khi sở dứt, năng không còn thì ngay khi ấy rỡ ràng sáng suốt tức là Huệ; rỗng lặng không vọng động là Định, nên Huệ và Định đồng thời. Vì vậy trong kinh Kim Cang có câu “Pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”.
Chúng ta hãy thử nhìn lại mình xem có giống ngài Huệ Khả trước khi hỏi Tổ không? Đa số tâm ý của chúng ta cứ nghĩ lung tung, hết chuyện này đến chuyện khác không lúc nào được yên. Thành thử muốn nó dừng phải như ngài Huệ Khả nhìn lại xem nó ở đâu? Bởi từ lâu chúng ta lầm nhận cho ý nghĩ là tâm mình nên chẳng an thường bị khổ mãi, nay nhìn lại chẳng thấy mới biết nó không phải là mình, mà mình chính là cái rõ biết sáng suốt thanh tịnh hằng hữu cho nên mới thấy nó khi có khi không. Nó như là những cái bóng lăng xăng hiện trong mặt gương tâm, còn mặt gương tâm thì lúc nào cũng trong suốt bất động. Bởi gương trong suốt nên những hình ảnh bên ngoài mới in vào gương, song ta chỉ biết bóng trong gương lại quên đi mặt gương trong suốt an định. Cũng thế mỗi mỗi pháp đều ở ngôi vị riêng của nó và luôn chiếu rọi vào nhau, nhưng không xen tạp lẫn lộn. Bởi do tâm bất giác, vọng động, đắm nhiễm ái chấp tự trói buộc mà không biết các pháp đều do thức biến hiện nơi mặt gương tâm, vì thế mới có ba cõi sáu đường lên xuống sai biệt không cùng. Nên Đức Phật nói: “Chúng sinh quên mình theo vật” là vậy.
Ở đây xin nói rộng một chút, tạm gọi là dùng phương tiện để ứng dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày đừng cho ý chạy quanh. Nói vậy không phải là không cho nghĩ tính; khi nghĩ tính thì tính, không tính thì dừng đừng để tâm táy máy động đậy. Nếu làm giáo viên hay thư ký, kế toán mà không suy tính thì làm sao soạn giáo án để dạy học, làm sao tính sổ sách? Còn như người làm ở cơ xưởng máy móc qua khâu dây chuyền, mỗi sáng chỉ có ý đến cơ xưởng làm việc, trong khi làm không suy nghĩ tính toán chuyện khác thì công việc sẽ chu tất, hàng không bị tồn đọng. Còn trong thời gian làm mà để cho ý suy tính nghĩ tưởng lan man chuyện khác thì công việc chậm đi, hàng bị dồn lại, việc sẽ đình trệ. Hoặc giả đang làm một việc gì không để tâm ý nghĩ sang chuyện khác thì việc làm ấy rất chu đáo và sẽ đạt kết qua tốt đẹp. Đó là một thực tế.
Vì thế, người biết tu thì ngay trong cuộc sống lúc nào cũng phải canh chừng ý của mình đừng cho nó chạy quanh, nếu vừa chạy quanh thì phải tỉnh giác, luôn rõ bản chất tâm ý chợt có, chợt không, chẳng lầm mê, được như vậy sẽ thấy tất cả pháp đều là Phật pháp hết. Ví như có người bất chợt khinh khi hay nặng lời với mình, thì hãy nhìn lại mình xem có làm điều gì cho họ giận không? Nếu có thì năn nỉ, xin lỗi để người bớt giận. Còn xét mình không làm gì mà người ta đối xử thậm tệ như thế, nếu có nghĩ thì phải nghĩ tại họ hiểu lầm, hay đây là hậu quả do ta tạo nhân ác cảm với họ thuở quá khứ, nay duyên hội ngộ phải trả nên thông cảm bỏ qua, đừng rầy rà gây gổ thì ngay nơi lời chửi mắng đó là Phật pháp rồi. Khá hơn nữa thì đừng máy động mà hãy thản nhiên bình lặng trước muôn cảnh.
Bởi ý chúng ta hay chạy nhảy hướng ngoại hoài không chịu nhìn lại chính mình, nếu luôn luôn nhìn lại thì đâu có chuyện phải quấy, hơn thua, đẹp xấu ..... Vì hướng ngoại nên mặt người dính bùn thì mình dễ thấy, mà mặt mình dính bùn gần nhất lại không chịu thấy. Nếu biết phản tỉnh thì nhìn lại lo rửa vết bùn trên mặt mình chớ lo nhìn mặt người. Nếu mặt mình vết bùn còn nguyên không chịu rửa thì cũng như họ vậy thôi, vậy mà cứ nhìn người phê phán không chịu nhìn mình để sửa đổi. Trong cuộc sống nếu có đối tượng nào thân thiết hợp tình, thấy đủ duyên thì có thể giúp đỡ khuyên nhũ họ chỉnh đốn những bất hảo, xấu dở trở nên hoàn thiện, vì không có mấy ai được vẹn toàn. Thành thử nếu có khởi tính việc lợi ích cho người thì ta khởi tính, còn không lợi ích thì hãy để tâm yên lặng đừng khởi động nghĩ tưởng. Nên nói khi cần thì dùng, không cần thì ẩn như câu của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài Ngâm Phóng Cuồng: “Dùng thì phô ra, bỏ (là không dùng) thì ẩn tàng”.
Nhưng đôi khi chúng ta không có ý nghĩ gì mà lại thấy hết việc này chuyện nọ cứ hiện lên trong đầu thì trong nhà Phật gọi là pháp trần. Nếu chúng ta không tỉnh giác sẽ bị những bóng dáng này dẫn đi lúc nào không hay. Người biết tu thì đừng hòa nhập lao theo, hãy nhìn nó như bóng trong gương, nó tự đến tự đi, còn gương thì hiện hữu. Nhưng phải luôn sáng suốt, nếu không sẽ bị nó lừa, lôi dắt ta hết niệm này đến niệm khác (đó là khéo biết chăn ngựa). Lại có khi biết là ý khởi mà dừng không được vì nó mạnh quá, sức tỉnh giác yếu nên bị nó dẫn, đó là thói quen của ý nghiệp.
Trong sinh hoạt hằng ngày, năm căn thô phù hoạt động tiếp duyên với trần cảnh, thực khó thấy ý nghiệp hoạt động. Khi rảnh rỗi hay tọa thiền, năm căn thô ít tiếp duyên ngoài thì mới dễ thấy ý nghiệp hiện hành. Cho nên chúng ta ngồi thiền là tu ở căn ý, vì nó là chủ chốt tạo nghiệp luân chuyển trong Lục đạo.
Có người hiểu lầm rằng do vì làm ăn để mưu sinh, ý ngựa chạy lung tung không thể tu được nên chẳng muốn làm ăn gì nữa. Không phải vậy ! Nếu có điều kiện làm ăn được thì cứ làm, vì làm ăn phải tính, phải nghĩ, nhưng mà tính nghĩ trong việc chánh đáng lương thiện chứ đừng tính nghĩ mưu mẹo, lường gạt. Nếu làm ăn được có dư dả trong đời sống thì đem cái dư mà giúp đỡ mọi người, đó là đem lòng từ của mình chan rải cho nhân loại, vậy đâu phải có lòng tham chứa chất. Nhưng khi làm biết buông xả đừng dính mắc ái nhiễm thì ngay trong việc làm vẫn tu được.
Thiển nghĩ, thân tướng và cuộc sống của con người trong thế gian này có chênh lệch chẳng qua do mỗi người đã tích phước hoặc tội sẵn ở quá khứ nên hiện tại thấy có sai biệt. Trên thực tế có những người cùng làm ăn với nhau mà người thì xuôi chèo mát mái, người thì làm đâu trật đó, người bệnh tật, người khỏe mạnh, người đẹp, người xấu, người giàu, kẻ nghèo…. Hoặc có người tu thì được trợ duyên về tinh thần hay vật chất, còn người thì không được trợ duyên. Phải biết phước là sự trợ duyên rất cần thiết để ta tiến trên đường hành đạo. Hơn nữa, người có phước thì tính đâu được đó làm việc gì cũng thành tựu , nói dạy ai cũng nghe theo. Như các vị vua Trần Thái Tông đến Trần Nhân Tông vì có phước nên khi nước nhà bị giặc ngoại xâm thì được nhân dân hưởng ứng, tướng sĩ một lòng nên đánh thắng. Các Ngài nói dạy nhân dân biết nghe theo hành thiện thành thử dân an nước mạnh, do đời nhà Trần Phật giáo rất hưng thịnh nên mới được như thế. Nhưng chúng ta cũng đừng có tâm ham làm phước để mong cầu được quả báo tốt, mà phải biết làm phước là bỏ đi cái tâm bỏn xẻn, tham lam, ích kỷ của ta, như vậy mới có tâm tu thật sự. Bởi vì tu là chuyển hóa hay xả bỏ những vướng bận rối rắm trong tâm, chớ không phải tu là cầu mong thêm, nếu có tâm cầu mong đó là cầu phước lộc tức là tham chớ chẳng phải tu tâm. Hơn nữa mình làm phước thiện mà muốn người khác biết thì chẳng phải là chân thiện. Nếu ai làm phước mà cầu mong được quả báo thì chẳng khác nào đi buôn kiếm lời hay cho vay lấy lãi vậy thôi. Bởi vì còn có cái ta, thấy ta ban ơn, ta bố thí, ta giúp đỡ mọi việc cho người khác v.v... Chỗ này chúng ta phải khéo đừng để mắc kẹt. Nói vậy không phải là ta sẽ chẳng làm phước hay không giúp người khác nữa mà nên làm tất cả việc lành nhưng đừng mong cầu gì hết, việc gì đến sẽ đến vì đó là việc của nhân quả, tạo nhân lành thì gặp quả báo lành, gây nhân ác thì gặp quả báo xấu, nếu chúng ta nuôi dưỡng thì duyên đưa đến kết quả chứ không mất. Trong kinh Nhân Quả có nói: “Khi nhân duyên hội ngộ, quả báo lại tự nhận”. Nói sâu sắc hơn thì chỉ hướng đến đại từ bi thương chúng sinh, tu các pháp lành mới làm thành chất liệu Bồ đề (giác ngộ).
Ở đây chúng ta phải có cái nhìn xa một chút về việc tu phước làm thiện, nghĩa là làm tất cả mọi việc lành mà không chấp trên ba sự việc như trước đã nói (Tam luân không tịch), gọi là phá chấp ngã pháp thì mới đúng như tinh thần kinh Kim Cang nói: “Tu nhất thiết thiện pháp, tức đắc A Nậu Đa La Tam Niệu Tam Bồ Đề” (Tu cả thảy pháp lành thì được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác), hay gọi là vô lậu thiện (phước vô lậu), có chỗ nói là Thanh phước. Nếu người ứng dụng được như thế tức là Bồ Tát lập hạnh để tiến đến quả Phật. Vì vậy Bồ Tát phải hành lục độ, nên việc làm bố thí của Bồ Tát trong ấy đã có trí và định, thành thử phàm phu khó theo hạnh ấy.
Nếu người mê tâm (chưa rõ Bổn tâm) mà tu thiện làm lành mong cầu quả báo thì được hưởng phước hữu lậu chỉ lẩn quẩn trong ba cõi, sanh ở ba đường lành (Trời, Người, A Tu La). Còn người nhận ra Bổn tâm vẫn luôn hành thiện, nhưng không mong quả báo, rõ các pháp chỉ là huyễn sanh, huyễn diệt, lòng không còn vướng mắc ái chấp trên nhị nguyên nên được an lạc thong dong.
Làm phước thì sẽ được phước báo đẹp đẽ sang trọng giàu có hưởng những thú vui, nhưng không biết tu hoặc chẳng tạo nhân lành thì khi hết phước sẽ rơi rớt trở lại phải chịu khổ, điều đó không thể tránh khỏi. Nên trong kinh Hoa Nghiêm có câu: “Chẳng thà ở dưới Địa Ngục được nghe tiếng niệm Phật, còn hơn trên cõi trời chỉ lo hưởng thú vui”. Ý nói rằng: Thà ở cảnh khổ nhưng được nghe pháp thấy Phật thì dễ giác ngộ mà tu hơn là ở cõi trời hưởng sung sướng không được thấy nghe Phật pháp. Như trong kinh Phật nói ở cõi Trời Trường Thọ là bị kẹt một trong tám nạn nên không thấy, nghe được Phật pháp. Chúng ta hãy suy ngẫm kỹ chỗ này chớ bỏ qua. Trong cuộc sống chúng ta phải tỉnh táo sáng suốt, nếu không thì dễ bị ý lừa gạt về danh lợi, vì ý cứ chạy lung tung mình không kiềm chế bớt thì khó làm chủ được. Đọc sử ta thấy các vị vua Trần bận rộn mà các Ngài vừa tu, vừa chỉ đạo công việc, nào lo cho dân sống ấm no, nào lo dẹp ngoại xâm để giữ yên đất nước. Nhưng các Ngài làm với tâm rỗng lặng sáng suốt, với tấm lòng vị tha chớ không làm vì lợi ích riêng của các Ngài và cũng không nghĩ người khác trả ơn hay lo giúp gì lại. Cho nên tu là thực tế ngay cuộc sống nhưng phải áp dụng đúng lời Phật, Tổ dạy mới có kết quả thiết thực.
Xin nói xa hơn một chút là thuở Phật còn tại thế. Một hôm Phật và A Nan qua nước lân cận khất thực, bà Hoàng hậu nước đó trước là con ông thầy tướng số (như đã thuật ở trước) đã sai những người chửi mướn đi sau Phật nhục mạ để trả thù, nhưng Phật không hờn giận mà cảm thấy họ là những người đáng thương, còn ngài A Nan vì chịu không nổi nên thưa với Phật đi qua nước khác khất thực, Phật liền từ tốn dạy ngài A Nan ... Những người đó đã nghe được lời dịu dàng đầy lòng từ của Phật, lòng hối hận của họ trào dâng nên lẳng lặng đến xin lỗi và cầu Phật ở lại chỉ dạy. Sau đó họ đều quy y theo Phật.
Nếu sáng sớm Phật không có ý khởi tế độ chúng sinh nước đó thì đâu có đến nay để khất thực. Nhưng Phật khởi ý không có lỗi, vì Ngài giống như nước đã được lọc sạch không còn bợn nhơ, dù có lắc đảo nước vẫn trong sạch không cáu bẩn. Nên khi khởi ý là từ tự tánh khởi dụng để làm lợi ích mà không bị ngoại cảnh chi phối, vì tâm đã an định không kẹt trên những đối đãi thương ghét, phải quấy, hơn thua v.v... Thế nên trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật nói với ngài A Nan: “Như Lai án túc hải ấn phát quang, nhữ nhược cử tâm trần lao tiên khởi”. Nghĩa là Như Lai chỉ ấn ngón chân xuống thì cả biển phát ra ánh sáng, còn ông vừa dấy niệm thì bụi bay đầy trời. Khi người đã thể nhận tự tánh và hằng sống thì mọi hành động đều phát xuất từ tánh rỗng lặng, nên thấy tất cả ngoại cảnh rỗng lặng như nhiên. Như vậy mới thấy sự khác nhau giữa Phật và chúng sinh. Phật khi đã thanh tịnh rồi thì hành động nào cũng sáng suốt nên khi làm lợi ích cho mọi người mà không thấy cái ta trong đó. Còn chúng sinh bởi mê lầm ái chấp đắm nhiễm nên hành động nào cũng mờ tối, làm việc gì cũng vì mình, luôn ích kỷ hẹp hòi không rộng lượng. Bởi Phật có trí đức đầy đủ nên tâm lượng từ bi trải rộng, dù bị họ chửi mắng nhưng vẫn bình tĩnh thản nhiên, tùy duyên hóa độ với lòng từ tỏa ra nơi thân khẩu. Vì ngài đã vô ngã nên không còn thấy đối đãi, luôn luôn có cái nhìn bình đẳng, lại thông suốt lẽ thật các pháp chẳng còn ngăn ngại nên việc làm của Phật là vì người mà giúp họ thoát khỏi mê lầm. Nói tới đây cũng giống như việc lái xe vậy.
Sống giữa cuộc đời đầy gió bụi bởi Bát phong chúng ta hãy khéo ứng xử như việc lái xe. Tuy có chiếc xe tốt, người tài xế chủ động khéo léo linh hoạt tay lái thì sẽ thản nhiên an ổn trên lộ trình; bằng ngược lại đang chạy mà tâm lo nghĩ tính suy tưởng đâu đâu, làm mất tự chủ thì sẽ không được an toàn. Hoặc vì những cảnh đẹp, xấu hai bên đường mà dính mắc thì cũng rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn. Nếu người lái xe tâm trí bình tĩnh sáng suốt thì khi gặp chướng ngại vật sẽ nhanh trí lách tránh mà thẳng đường tiến tới. Hơn nữa, người điều khiển xe tiến đến trước được là vì bỏ lại những gì đã lướt qua, cảnh vật mỗi lúc một mới, mỗi lần lướt qua một cảnh vật là một cái mới hiện diện, cứ đều đều chạy trong cái hiện thực mới dù đã rời xa nơi khởi hành. Vì vậy lúc khởi hành và đang chạy hay đến nơi đều trong sự an ổn tỉnh táo.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, nếu chúng ta có cái nhìn hiện thực thì sẽ an lạc giải thoát thật sự. Nghĩa là chúng ta thấy, nghe v.v... chỉ là thấy, nghe v.v... mà không đặt để những danh từ trên các pháp, không đem những hình bóng của quá khứ ra để so sánh với cảnh hiện tại. Ví như trước mặt ta là nhà cửa, cội cây, đường đi v.v... Nhà cửa, cội cây, đường đi là những vật do người xưa đặt tên gọi, khi chúng ta lớn lên cũng theo cách định danh đó mà gọi đây là nhà cửa, là cội cây, đường đi v.v... Bởi chúng ta quen chấp giữ những hình tướng của ngoại trần đem vào ký ức thành thói quen, rồi theo đà thói quen ấy tạo thêm dính mắc ái chấp trói buộc, nên khi nhìn cảnh vật liền phân biệt nói đây là cái này, kia là vật nọ v.v... Lại thêm phân biệt tốt xấu đủ điều mà không chịu nhìn nghe với tâm rỗng lặng rõ biết; thấy chỉ thấy vậy không thêm không bớt, cho đến các căn khác cũng thế. Nếu chúng ta có cái nhìn như thế thì sẽ hết khổ. Vì sao? Vì chúng ta nhìn bằng cái nhìn luôn luôn mới thì lúc nào ta cũng vui, thấy mỗi cảnh vật đều đẹp và rất hồn nhiên. Đó là do không đem những bóng dáng trong ký ức ra so sánh, dù là đang giáp mặt với đối tượng mà ngày hôm qua họ cùng ta có sự hờn giận buồn phiền, ẩu đả với nhau. Đó là một lẽ thật nếu chúng ta có cái nhìn mới mẻ này khi đối diện với các pháp thì bảo đảm trong cuộc sống sẽ hết khổ. Đằng này chúng ta lại trái hẳn, không sống được với thực tại mà ý thức cứ hồi tưởng lại quá khứ hoặc hướng đến tương lai thì sẽ không yên. Ví dụ như, khi ta gặp lại người ngày hôm qua nói nặng lời hay nhục mạ mình, thì ngay khi ấy ý thức gợi lại hình ảnh cử chỉ và âm thanh mà họ đã xử sự với mình hôm trước, cho nên mình dễ bực tức chớ không được bình thản, hoặc ý thức nghĩ cách sau này tìm kế trả đũa, Hơn nữa, có đối tượng làm những việc cách nay năm hay mười năm, mà khi gặp lại ý thức chúng ta cứ gán cho là họ vẫn xấu, ác như cũ chứ không nhìn thấy được hiện tại họ đã cải thiện tốt, hay là nhìn họ một cách thản nhiên hiện thực trước mắt.
Tu đúng đường lối Phật dạy không phải trơ lì như đất đá, cho rằng lời Phật dạy chẳng cho khởi ý nên không dám khởi động làm gì hết, thấy người hoạn nạn khổ sở trước mặt không cứu giúp, đói khát ở nhà chờ chết không chịu làm gì cả, rồi đau không đi trị bệnh, không tìm thuốc uống để nó tới đâu thì tới, như vậy có đúng hay chăng? Nếu nghĩ như thế thật là cục bộ yếm thế và thụ động. Trong khi đó việc tu tập của mình còn non kém chưa được tự chủ bao nhiêu, cho nên phải biết nương thân giả tạm này ngày nào hành đạo ngày nấy. Thành thử đến với đạo Phật là phải có trí tuệ thấy đúng lẽ thật bản chất thân tâm và các pháp không lầm lẫn, là đạo rất thực tế trong cuộc đời và luôn sống được như bài kệ:
Chớ làm các điều ác
Luôn làm các việc lành
Tâm ý hằng thanh tịnh
Đó là lời Phật dạy.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta làm tất cả mọi công việc mà đừng nghĩ có cái TA trong đó thì mọi việc ổn thỏa, không vướng bận, chẳng bị phiền não quấy nhiễu nên được nhẹ nhàng an ổn. Ví như lúc ta đang ngủ trong nhà, cách đó vài căn có người la cháy nhà, khi nghe rồi không lẽ ta nằm đó ngủ để lửa cháy lan đến nhà mình à! Liền bật dậy nghĩ tìm cách hay kiếm cái gì chữa cháy được chạy lại để chữa giúp hàng xóm, khi xong thì trở về nhà ngủ đừng nghĩ gì nữa. Đó là vẫn có ý mà không cho nó chạy quanh.
Nói dài dòng như vậy để biết ý ngựa rất tinh vi và tế nhị, muốn không nghĩ, tưởng… mà nó cứ vẫn nghĩ, tưởng… đủ thứ, chuyện không đáng nhớ mà lại cứ nhớ lung tung, muốn nó dừng mà nó chẳng chịu dừng, muốn đi thẳng mà nó cứ đi quanh nên phải khéo điều phục cho đi đường thẳng. Vậy bây giờ chúng ta hãy nên làm Bậc Mã Ôn thay cho Mỹ Hầu Vương để chăn con ngựa ý của mình, thấy nó chạy quanh co thì dắt về, còn ban đêm phải chăm sóc ân cần, nếu nó ngủ đánh thức dây cho ăn.
(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Tư liệu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Tư liệu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm