Thứ năm, 08/09/2022, 13:26 PM

Tây Du Ký: Công năng ý thức

Đọc truyện ta thấy Ngô Thừa Ân khéo vẽ vời mượn chuyện của Tổ sư để nói đến ý thức phát xuất từ đâu và công năng của nó ra sao.

Truyện nói, khi con khỉ sinh ra biết chạy nhảy sinh sống rồi làm vua các loài khỉ, không chịu sự cai quản của Kỳ lân, Phượng hoàng, Ma chúa nhân gian, nhưng vẫn than van có ngày bị Diêm Vương cai trị nên mới tìm thầy học đạo thoát sự cai quản đó. Một hôm có người chỉ đến núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh học đạo. Khi đến nơi được Tổ sư Bồ Đề nhận chỉ dạy và đặt cho tên là Tôn Ngộ Không. Khi học đạo xong, được tất cả thần thông, rồi đem những gì mình đã học được làm náo động trong chúng, nên bị Tổ đuổi ra khỏi tông môn và nói: “Nếu có ở đâu thì không được nói là đồ đệ của ta….”. (hồi 1 - 2).

Lược dẫn một đoạn trên ta thấy Ngô Thừa Ân nói công năng của ý thức phát xuất từ tâm.

Linh Đài (Phật tính thanh tịnh) Phương Thốn (Tâm tính), Tà Nguyệt Tam Tinh là chỉ cho Tâm thanh tịnh sáng suốt. Tôn Ngộ Không được đạo thuật linh thông phát xuất từ núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh mà ra. Còn Tổ sư Bồ Đề là Ngô Thừa Ân mượn danh hiệu của một vị đệ tử lớn của Đức Phật tên Tu Bồ Đề. Ngài là vị thông suốt về lý Không hơn hết trong chúng. Hay Bồ đề có nghĩa là giác. Giác tức Biết, mà Biết là Tâm. Ngộ Không do làm náo động (vọng động) nên bị đuổi ra khỏi tông môn, là nói ý thức phát xuất từ tâm thanh tịnh sáng suốt. Do không giữ được tự tính nên bất giác vọng động phải lìa nơi thanh tịnh sáng suốt, rồi mang theo một phần công năng của tâm để hoạt động. Bởi ý thức là cái vọng động chợt có chợt không, nếu cho nó là mình thì quên tâm chân thật, trong khi đó tâm chân thật luôn hằng hữu chẳng vắng bao giờ. Cho nên Tổ sư Bồ Đề bảo Ngộ Không ra khỏi tông môn không được nói là đồ đệ của Tổ là vậy. Từ đó về sau Tôn Ngộ Không tung hoành ngang dọc chẳng biết sợ ai.

Ý thức gồm có Thể, Tướng, Dụng. Mà Thể của ý thức có đủ ba loại phân biệt.

Ý thức gồm có Thể, Tướng, Dụng. Mà Thể của ý thức có đủ ba loại phân biệt.

Công năng của ý thức rất nhạy bén lanh lợi và biến hóa khôn lường, chúng ta vừa nghĩ về người thì có hình ảnh người, vừa nghĩ về cảnh thì có cảnh hiện, nghĩ về con này con kia thì có hình ảnh con này con kia v.v... hiện ở tâm trí. Như nói một Cân Đẩu Vân đi được mười muôn tám ngàn dặm thì cũng giống như hai mươi năm trước ta đi du lịch một nơi nào đó, bỗng nay nghe ai nhắc kể lại thì liền nhớ tức khắc - những cảnh ấy hiện ra ở tâm. Hay là ngồi nơi này mà nghĩ tưởng ra những cảnh người, vật ở đâu đâu và chưa thấy biết bao giờ nữa. Đó không phải là Cân Đẩu Vân hay sự biến hóa của Tôn Ngộ Không sao? Nhưng nếu chúng ta đã biến ra con này vật nọ (khởi nghĩ) mà không biết gốc để trở về như cũ thì sẽ bị lang thang khắp chốn vậy.

Trong Duy thức nói rằng: Ý thức gồm có Thể, Tướng, Dụng. Mà Thể của ý thức có đủ ba loại phân biệt.

1- Tự tánh phân biệt: Nghĩa là ý thức chung khởi cùng năm thức trước với cảm giác thuần túy về thấy, nghe, hiểu biết, chớ không có tính chất hư vọng phân biệt, so đo suy luận, ước đoán của ý thức (phân biệt sự thức). Nếu như năm thức trước có tánh gì thì ý thức có tánh đó.

Tự tánh năm thức trước là:

- Tự tánh nhãn thức phân biệt sắc trần.

- Tự tánh nhĩ thức phân biệt thinh trần.

- Tự tánh tỹ thức phân biệt hương trần.

- Tự tánh thiệt thức phân biệt vị trần.

- Tự tánh thân thức phân biệt xúc trần.

Lẽ ra chỉ năm thức trước mới có tánh này, nhưng vì ý thức ngũ câu (ý thức đi cặp kè với năm thức) đồng chung khởi với năm thức trước nên ý thức cũng có tự tánh phân biệt. Phân biệt về thấy, nghe, ngửi, nếm và cảm xúc là tánh tự nhiên sẵn có, hễ làm người thì có nó. Nghĩa là phân biệt một cách tự nhiên chẳng phải do vọng niệm mới có sự phân biệt, ví như mắt mở là thấy tất cả mọi cảnh vật, cái nào ra cái nấy không xen tạp lẫn lộn nhau.

2- Tùy niệm phân biệt: Nghĩa là theo vọng niệm mà phân biệt, có vọng niệm là có phân biệt, có phân biệt tức là vọng niệm. Nên kinh nói: “Phân biệt là vọng, không phân biệt là chân”.

Năm thức đầu không có tùy niệm phân biệt này, nghĩa là sự phân biệt của năm thức không do vọng tưởng, vọng niệm sanh ra. Chúng chỉ là sự cảm giác thuần túy, chúng không biết vọng tưởng so sánh, không biết suy luận ước đoán, tính toán điều chi như ý thức. Chỗ này Ngô Thừa Ân ẩn dụ cho Bát Giới nuốt nhân sâm mà không biết mùi vị, đó là ngụ ý năm thức chỉ là cảm giác thuần túy ban đầu khi chưa có phân biệt sự thức xen vào. Nhưng trong sự cộng đồng duyên khởi của ý thức ngũ câu nên năm thức trước cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều về tùy niệm phân biệt khi ý thức xé rào cảm giác thuần túy, dẫn dắt năm thức trước chạy theo hư vọng phân biệt của nó. Ví như, khi ta ăn bánh là thiệt thức duyên với vị trần, nó chỉ biết mặn, lạt, hay ngọt, đắng gì đó mà thôi. Trong khi ăn ý thức mới theo đó mà khởi vọng niệm phân biệt chất ngọt miếng bánh này cái hậu của nó hơi đắng, có lẽ là đường hóa học chớ không phải đường làm bằng mía. Nếu đúng là đường hóa học thì ta chớ nên dùng, vì ăn đường hóa học sẽ có hại cho sức khỏe v.v...

Để thấy nếu không phải là ý thức thì làm gì mà biết suy luận như vậy? Sự phân biệt của năm thức chỉ thuần túy cảm nhận trên năm giác quan thì làm sao phân tích so sánh nổi đường mía hay đường hóa học? Chỉ có ý thức mới làm được việc đó, nên nó có biệt danh là “phân biệt thù thắng”. Đó là nói một việc nhỏ của căn lưỡi tiếp duyên với vị trần, còn các căn kia cũng thế.

Nếu ý thức do các tâm sở bất thiện tác động thì chúng ta dễ gây tạo những điều tội lỗi.

Nếu ý thức do các tâm sở bất thiện tác động thì chúng ta dễ gây tạo những điều tội lỗi.

3- Kế đạt phân biệt: Là sự hiểu biết qua hình thức tính toán đo lường đây là sự phân biệt hư vọng của ý thức, năm thức trước không có cái hư vọng này. Đối với trần cảnh ngoại duyên nếu quá tầm mắt, tầm tai, mũi, lưỡi, thân, thì năm thức trước không duyên tới được. Nhưng khi ý thức đóng vai tuồng ngũ câu, cái gì vừa tầm mắt, tai ... thì ý thức nhường cho năm thức. Song trái lại, khi sự hiểu biết vượt khỏi tầm mắt, tầm tai ... thì có ý thức tác động hướng dẫn năm thức trước chạy theo tùy niệm phân biệt và kế đạt phân biệt. Thế thì kế đạt phân biệt vượt quá tầm hiểu biết của năm thức trước. Cho nên từ cảm giác thuần túy bước sang lãnh vực tri giác phân biệt so sánh, tính toán đo lường, cho đến khái niệm và quan niệm, nói chung tất cả sinh hoạt tâm sinh lý của năm thức trước không bao giờ vắng mặt ý thức. Vì thế trên phương diện năng biến thức, trong tám thức thì sáu thức trước chỉ là một khối được mệnh danh là “Liễu biệt cảnh thức”. Nhưng đứng về phương diện hành tướng năng duyên của các thức, thì năm thức trước chẳng đồng với thức thứ sáu.

Một khi ý thức vượt khỏi cảm giác thuần túy trong sự hòa đồng tâm sinh lý với năm thức trước trong tư thế ngũ câu thì toàn thể cảnh giới đang duyên đều là một chuỗi hư vọng không thực thể.

Khi còn phàm phu năm thức trước tuy thuộc thành phần cảm giác, nhưng luôn luôn có tri giác phân biệt, suy luận của ý thức chủ động khi các căn tiếp duyên với trần cảnh. Song có lúc thức thứ sáu tách rời năm thức mà tự độc lập hiện hành khi ta rảnh rỗi hay tọa thiền, hoặc là tưởng tượng, suy tính nghĩ đến việc chi đó, nên nó được gọi là “Độc hành ý thức”. Không những ý thức hoạt động ban ngày mà ban đêm trong giấc ngủ nó cũng có tác động khi chiêm bao mộng mị. Nhưng khi ý thức đã chuyển hoá biết tu đạo thì năm thức trước cũng theo đó chuyển.

Ý thức có tới năm mươi mốt tâm sở tác động, chúng có nhiều niệm bất thiện nhiễm nhơ hơn là niệm thiện tốt đẹp. Chúng là những món tùy thuộc do ý thức chủ động. Cũng như vua là người lãnh đạo của quan quân văn võ triều thần. Trong hàng triều thần thì có người hiền kẻ ác, người ngay kẻ gian, người trung kẻ nịnh, nhưng đều là bầy tôi của vua. Nếu vua minh chánh và gặp bậc trung thần kề cận thì nước mạnh dân an, vua cũng nhàn. Cũng vậy, khi ý thức gặp tâm sở thiện thúc đẩy sẽ khiến cho ta làm việc lành lánh dữ, có lòng từ với người, vật nên dẫn ta vào con đường chân thiện mỹ hướng đến nơi an lạc. Còn như đương sự được gặp chủng duyên siêu xuất hơn thì tập trung tâm ý vào câu niệm Phật hay tham công án, thiền quán... Nếu thực hành một trong những phương pháp đó được miên mật rốt ráo thì trong tương lai sẽ đạt đến giác ngộ giải thoát.

Trái lại vua không minh chánh gặp phải bầy tôi nịnh bợ, gian xấu thì vua điêu đứng khốn khổ, có ngày sẽ mất mạng. Cũng vậy, nếu ý thức do các tâm sở bất thiện tác động thì chúng ta dễ gây tạo những điều tội lỗi. Ví như tâm nghĩ và làm toàn những việc làm bất chính - trộm cướp, sát hại, làm khổ người vật v.v… mà không biết cải hoán sửa đổi thì hậu quả không thể nào tránh khỏi khốn khổ đọa lạc. Ở thế gian, ta thấy người đời phần nhiều lòng dạ thường đi vào con đường nhơ nhớp xấu xa nhiều hơn là tốt đẹp cao thượng. Thậm chí cũng đồng là người tu hành, nhưng có mấy ai trừ dẹp được thói hư tật xấu? Có mấy ai từ bi, bác ái? Có mấy ai thanh tịnh giải thoát?

Cho nên ý thức rất nhạy bén lanh lợi và khi muốn làm việc gì thì cố ý tìm đủ trăm phương ngàn kế để làm cho bằng được, có khi bất kể cả dư luận trong cuộc sống, miễn sao hoàn thành được công việc của mình mà thôi, giống như Mỹ Hầu Vương xuống Long cung hành hung bốn Long vương đòi lấy vũ khí và quần áo, hay kết bè bạn với Ma vương vui chơi hỷ hả, khi lên trời lúc xuống u minh quậy lung tung.

Lúc còn u tối mê lầm thì công năng đó được sử dụng vào những chuyện không đúng chánh đạo, vì không biết được lẽ thật nên tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v...

Lúc còn u tối mê lầm thì công năng đó được sử dụng vào những chuyện không đúng chánh đạo, vì không biết được lẽ thật nên tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v...

Ý thức có tới 51 tâm sở thì có hết 35 tâm sở bất thiện là nói lên những yêu tinh quỷ quái ngăn đường cản lối hãm hại mấy thầy trò Đường Tăng; chỉ có 11 tâm sở thiện (tín, tinh tấn, tàm, quí, vô tham, vô sân, vô si, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại) và 5 biệt cảnh (dục – là dục như ý túc trong 37 phẩm trợ đạo, thắng giải, niệm, định, huệ) là lành tốt; những tâm sở này là tượng trưng cho các nhân vật lương thiện chỉ đường hay mách bảo cùng trợ duyên cho mấy thầy trò trên bước đường đến Tây Trúc. Do vậy ở thế gian này tìm một người thân, khẩu, ý làm lành chẳng có được mấy ai, mà người thân, khẩu, ý làm những điều xấu dở ác độc thì rất nhiều. Thành thử ta thấy trong đời những người có tâm tham, sân, si, bất hảo ác độc thường hay tranh giành chiếm đoạt quyền lợi hoặc tài sản của cải kẻ khác thì nhiều chớ chẳng thấy người lành muốn xâm đoạt hay hãm hại gì ai. Cho nên xem truyện ta thấy Thiên binh nhà Trời đánh không lại với Tề Thiên Đại Thánh, mà Tề Thiên Đại Thánh thì lại hay gây sự với nhà Trời là nói lên ý này. Thành thử chỉ có phương pháp tu hành để cải hóa thì ý thức mới chịu quy phục chuyển hướng thánh thiện chớ không có phương cách nào khác hơn. Cho nên người lương thiện hay người hành đạo đều do 11 tâm sở thiện và 5 biệt cảnh chỉ đạo hướng đến Chân, Thiện, Mỹ và giác ngộ giải thoát cũng nhờ những tâm sở này. Vì vậy trong truyện nói Bồ Tát Quan Âm và Thái Thượng Lão Quân xuống trần dùng vòng kim cương đánh Tề Thiên Đại Thánh thì Đại Thánh mới bại trận chịu hàng. Thật ra tám thức tâm vương cùng các tâm sở chỉ là một mà thôi. Từ Bổn tâm thanh tịnh sáng suốt luôn hiện diện không hình không tướng, nhưng do chẳng giữ được tự tánh tỉnh liền bất giác một niệm ban đầu phát sanh, từ đó có các thức tâm vương và tâm sở. Tuy nhiên Bổn tâm không hình tướng, chẳng thể nói đến, không thể chỉ bày được, nhưng đã để lại vết tích qua 6 căn, cho nên mắt mới biết thấy, tai biết nghe….. Chúng ta muốn trở về cội nguồn thì phải nương vào chỗ tâm phát ra năng dụng đó mà khéo thể nhận lại. Nhưng chúng ta cũng phải biết các thức tâm vương và tâm sở chỉ là những tướng tâm hư vọng (vọng niệm) không thực. Tuy hư vọng nhưng ai có tướng tâm thiện lành thì sau khi mạng chung sẽ có cảnh giới tốt đẹp cho đối tượng đó trú ngụ; ngược lại, có tướng tâm bất thiện ác độc thì có cõi xấu xa đau khổ dành cho họ, tùy theo tướng tâm tốt hoặc xấu nhiều hay ít mà có các cõi tương xứng với tướng tâm đó tạo, hoặc thăng, hoặc trầm. Cho nên, nếu một niệm ban đầu mà chúng ta chưa thấu triệt thì khó thoát khỏi cảnh tử sanh. Còn người dứt hết các tướng tâm thiện ác thì chẳng bị sanh, không sanh thì đâu có khổ về già, bệnh, chết nên gọi là vô sanh, tức an nhiên giải thoát.

Ngày nay các nhà khoa học, bác học phát minh chế tạo ra những đồ dùng trong đời sống, có cái rất tinh vi mắt thường không thể thấy được như: Điện tử, điện trường, hạt nhân v.v..., họ có thể ở xa mà vẫn điều khiển được những thứ này, cũng giống như Tôn Ngộ Không đằng vân hay hóa phép thành cái này cái nọ, hoặc biến làm con này con kia vậy. Nếu họ làm với tâm Chân, Thiện, Mỹ thì rất hữu ích cho nhân loại, vì họ chế tạo những vật dụng cần thiết trong lao động, người làm việc sẽ ít tốn công sức mà đạt được thành quả cao, xã hội được hưng thịnh tốt đẹp. Còn nếu họ làm với tâm niệm tham, sân, si thì chỉ đem đến cho nhân loại lo âu, sợ hãi, chiến tranh xảy ra và con người sát hại, chia rẽ lẫn nhau để rồi cùng nhau đau khổ. Cho nên công năng của ý thức giống như là Gậy Như Ý (cây thước bảng) của Tôn Ngộ Không vậy.

Chúng ta thấy công năng ý thức mạnh như thế mà thầy của nó là Tâm. Nếu sống trọn vẹn với Tâm thì công năng sẽ mạnh gấp nhiều lần như vậy. Như cách đây 26 thế kỷ, Đức Phật đã thấy trong bát nước có tám vạn bốn ngàn vi trùng, trong vũ trụ có hằng hà sa số thế giới, và Ngài thấy tất cả sự vật không có sự vật nào tồn tại trường cửu mà luôn biến chuyển thay đổi từng sát na lần đến hoại diệt. Ngài còn nói: “Ta thấy tất cả chúng sinh nhiều đời kiếp làm gì, ở đâu và từ đâu sinh ra đây, chết rồi đi về đâu”, Ngài đều thấy rõ không nghi ngờ mà trong kinh điển còn ghi chép để lại. Ngày nay nhờ khoa học tiến bộ mới biết những lời Phật nói là đúng. Vì Phật đã sống trọn vẹn với tâm thanh tịnh sáng suốt nên mới thấy biết được như thế. Ta thấy công năng ý thức chỉ là một phần nhỏ của tâm mà thôi. Nên tu là chuyển hóa ý thức trở về tự tâm thanh tịnh sáng suốt, mà muốn trở về tự tâm thanh tịnh thì phải phản quan lại chính mình. Một khi đã thấy biết được mình và sống trọn vẹn rồi cũng sẽ thấy biết những vật bên ngoài. Cho nên trong thiền môn có câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc”. Nghĩa là xoay lại chính mình là việc bổn phận chẳng tìm nơi khác mà được.

Lúc còn u tối mê lầm thì công năng đó được sử dụng vào những chuyện không đúng chánh đạo, vì không biết được lẽ thật nên tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v... càng ngày càng tăng trưởng, do đó trong cuộc sống không được an ổn thảnh thơi mà phiền não thì liên miên không dừng là vậy. Nhưng khi đã thức tỉnh giác ngộ, cũng chính công năng ý thức chuyển hóa thành trí tuệ, nhân cách sẽ thay đổi thành hiền lương thánh thiện, nên lòng từ chan rải khắp mọi nơi luôn làm lợi ích cho muôn loài.

(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

> Quý Phật tử tìm đọc loạt bài chủ đề Tây Du Ký tại đây!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa

Tư liệu 19:45 30/11/2024

Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.

Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội

Tư liệu 09:26 30/11/2024

Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.

Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm

Tư liệu 13:15 28/11/2024

Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.

Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà

Tư liệu 16:15 27/11/2024

Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.

Xem thêm