Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 06/08/2023, 21:26 PM

Thân tâm an lạc, hoàn cảnh an lạc

Đi tìm sự an lạc, trước nhất ta phải nghĩ tới tâm an lạc và thân an lạc, mới tạo được hoàn cảnh an lạc, hay quốc độ an lạc; đó là tiến trình tu tập của đệ tử Phật.

Chúng ta thường nghe than phiền rằng muốn yên nhưng người không để yên, muốn tu nhưng người không cho tu. Theo tôi, muốn yên, phải đem tâm đặt vô chỗ yên, đem thân đặt vô chỗ yên, thì được yên liền. Còn đặt thân và tâm vô chỗ không yên, làm sao yên được. Vì vậy, Phật dạy chúng sanh sợ khổ, nhưng cứ tạo nhân khổ.

Đem thân và tâm vô chỗ khổ, chắc chắn không bao giờ được yên, ví như nấu cát muốn thành cơm. Ý thức điều này, từ khi phát tâm tu cho đến ngày nay, tôi luôn tìm được niềm an lạc trong đời sống tu hành, nên có ít nhiều kinh nghiệm về pháp này.

Phật dạy đầu tiên ngừng tất cả ham muốn, sẽ thấy sự vật đúng sự thật, mà thấy đúng ba đời nhân quả, chúng ta không mắc sai lầm.

Phật dạy đầu tiên ngừng tất cả ham muốn, sẽ thấy sự vật đúng sự thật, mà thấy đúng ba đời nhân quả, chúng ta không mắc sai lầm.

Bước thứ nhất, tôi đặt vấn đề an tâm trước. Thần Quang là người tu, nhưng càng tu càng khổ. Gặp Đạt Ma, ngài cầu Tổ cho ngài được an tâm. Ta thử nghiệm xem có phải mình khổ tâm trước, vì đem tâm đặt vô chỗ tranh chấp quyền lợi là chỗ chết người, là địa ngục, thì sao an được. Đem tâm vô chỗ không tranh chấp là an liền, đó là kinh nghiệm trải qua hơn sáu mươi năm, tôi tìm an lạc và luôn thấy an lạc.

Trên bước đường tu, dứt khoát chỗ không an không tới, việc không an không nghĩ đến. Vì vậy, đầu tiên chúng ta đem tâm mình đặt vô chốn an lành sẽ được an lành tức khắc, dù chỗ dầu sôi lửa bỏng cũng an. Thật vậy, nếu sống ở Ta-bà này đầy ắp đau khổ, nhưng đem tâm mình đặt vào thế giới Cực lạc của Phật Di Đà, hay đặt tâm vô thế giới Tịnh Lưu ly của Phật Dược Sư, hoặc tâm đặt vào Đâu Suất nội viện của ngài Di Lặc, chắc chắn được an.

Ý thức sâu sắc lý này, dù hoàn cảnh bên ngoài thế nào, tôi cũng cố gắng giữ tâm mình an, vì biết rõ rằng mọi việc do tâm quyết định. Nếu phát xuất từ tâm không an, tâm hoảng loạn, tâm xấu ác, thì làm gì cũng dễ trở thành tội lỗi.

Thử nghĩ xem đem tâm mình đặt chỗ nào được an. Phật dạy đem tâm đặt vô chỗ không tham cầu, không ham muốn, không tranh chấp, không hơn thua phải trái, vì tất cánh Không, tâm đặt vô đó thì an. Còn ham muốn dù nhỏ cũng có phản ứng ngược lại. Ham muốn chẳng được gì, chắc chắn được khổ. Ham muốn nhiều thì khổ nhiều, ham muốn ít thì khổ ít, không ham muốn thì không khổ.

Có người cho rằng nếu không ham muốn, mình trở thành vô tri vô giác, thành gỗ đá hay sao. Không phải như vậy.

Tâm chúng ta không ham muốn để lắng yên, từ đó tầm nhìn được sáng hơn, không phạm sai lầm, bấy giờ cái được của chúng ta sẽ nhiều hơn. Lúc trước muốn nhưng không được, nay không muốn mà được. Hòa thượng Hiển Pháp nói rằng ham muốn không được, nhưng không ham muốn, việc tốt lành tự tìm đến mình. Ngài lớn hơn tôi, nên có kinh nghiệm này. Không ham muốn, thì người chung quanh không có  lý do nói xấu, nên mình được an; nhưng nếu mình muốn đối phó sẽ có trùng trùng duyên  khởi. Mình muốn ngừng lại, nó tự ngừng. Phật nói Như Lai ngừng lại từ lâu là không ham muốn, nên Ngài được an lạc, giải thoát.

Ta không ham muốn mới bình tĩnh, sáng suốt, thấy được tất cả mối quan hệ với ta trên cuộc đời. Nhờ không ham muốn, thấy cuộc đời chính xác, nghĩ lại trước kia, ta quá sai lầm mới dẫn đến cuộc đời đau khổ; nhưng dừng lại, thì đau khổ chấm dứt.

Trước kia thấy không chính xác, từ đó có hành động và lời nói bị quả báo xấu, quả báo lớn nhất là tan thân mất mạng, quả báo nhỏ là thân bại danh liệt.

Phật dạy đầu tiên ngừng tất cả ham muốn, sẽ thấy sự vật đúng sự thật, mà thấy đúng ba đời nhân quả, chúng ta không mắc sai lầm. Không phải chúng ta thụ động, nhưng việc làm và lời nói đều đúng, nghĩa là nói điều đáng nói và làm điều đáng làm, tránh những chuyện không nên nói, vì nói mang họa và không làm việc không nên làm. Chỗ chết mà tới, đi vào cửa tử, nói điều tự làm khổ mình, thì tự hại thân; nhưng biết rồi, thấy sự việc chính xác, nên không phạm sai lầm.

Hòa thượng Trí Tịnh dạy rằng tuy thấy đúng, nhưng có nên nói hay không, không phải thấy sao nói vậy. Nói không phải lúc sẽ tự chuốc họa. Phần nhiều người ta phạm sai lầm là thấy trước việc chưa xảy ra mà nói là nói không đúng lúc, không được khen, còn tự hại thân.

Phải chờ đúng lúc mới nói. Ý này được Đức Phật Đại Thông Trí Thắng thể hiện sâu sắc. Trong kinh Pháp hoa cho biết Ngài thành Phật rồi, mà còn suy nghĩ có nên nói pháp hay không. Và Ngài nhận thấy không nên nói, nên lặng thinh. Ta chưa làm Phật mà thích nói, thì chết là điều tất yếu.

Đức Phật Đại Thông Trí Thắng làm thinh, nhưng đại chúng tin tưởng Ngài, mong chờ, khát ngưỡng Ngài nói pháp; đó là điều mà người tu cần lưu ý. Thật vậy, ta biết, nhưng người không muốn nghe, thì phải chờ họ khao khát, mong muốn mới nói. Thành Phật, đắc quả rồi còn chưa nói, huống chi chưa được.

Đức Phật Đại Thông Trí Thắng chờ đúng lúc nói, vì Ngài từ Chuyển luân Thánh vương phát tâm tu, khiến người ta có suy nghĩ về ông vua này. Ở trên cuộc đời, Ngài đã cai quản bốn châu thiên hạ làm mọi người thuần phục kính nể, nhưng Ngài không màng danh lợi, nên họ chờ coi Ngài nói gì. Trong lúc khát ngưỡng chờ nghe Ngài nói pháp là họ đã tu tập theo. Chờ đến khi các vị Đại Phạm Thiên vương thỉnh pháp, Ngài đã yên lặng bằng lòng, nhưng cũng chưa nói. Chờ tất cả ông vua ở nhân gian  thỉnh, vì mười sáu vương tử đã làm tiểu vương bốn châu và họ tập hợp lại thỉnh Phật nói pháp là đúng lúc nói.

Đại Phạm Thiên vương tiêu biểu cho trạng thái cao nhất. Phật dạy bước đường tu lên đến các tầng Trời, từ Dục giới Thiên đến Sắc giới Thiên, mới đến Đại Phạm Thiên tiêu biểu cho cùng tột hiểu biết của con người, hay nói cách khác, là những hành giả nổi tiếng trên nhân gian chấp nhận được. Còn thực tế bấy giờ là các Bà-la-môn luôn tranh cãi, nhưng không ai chấp nhận ai, họ kéo đến Phật để hỏi, học và tu.

Thượng tầng trí thức đến với Phật, trước nhất là Đại Phạm Thiên vương, kế đến là hàng nhân vương. Ở trên cuộc đời này, quý vị nghĩ xem những nhân vương là những nhà cai trị đất nước có muốn cho Phật giáo phát triển hay không. Họ muốn thì dễ, còn họ chưa muốn, ta không làm, huống chi họ sợ ta phát triển. Họ muốn ta mới làm là điều quan trọng cần thấy.

Thí dụ Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu, ai cũng muốn xây tháp thờ ngài. Thời trước, ta chỉ làm được một tháp nhỏ thờ ngài, nhưng đúng lúc là ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy mời Ban Trị sự Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đến trao đổi, góp ý về việc xây dựng tượng đài thờ Bồ-tát Quảng Đức. Đương nhiên tôi trả lời rằng việc xây dựng tượng đài Bồ-tát Quảng Đức, thì Phật giáo rất hoan hỷ. Mọi người trí thức nghĩ nên làm và chính quyền cũng muốn làm, lúc đó chúng ta làm là an. Khi thượng tầng Thiên vương và hạ tầng nhân vương, nghĩa là trời đất và mọi người đều muốn, ta đem tâm đặt vô chỗ này, thì tượng đài được dựng lên.

Có thầy muốn dựng chùa, nhưng bị dẹp và đến chỗ khác cũng bị dẹp, cuối cùng bị bắt nhốt; đó là đem tâm đặt vô chỗ bất an, làm sao an. Họ không muốn cho cất chùa làm sao cất được. Chỗ nào mà dân chúng và chính quyền đều muốn cất chùa, việc này mới thành. Có thầy tuy học không nhiều, nhưng lên Bình Phước, Đắc Lắc, Kontum… lại làm nên sự nghiệp, vì ở khu rừng người dân tộc, dân chúng và chính quyền đều muốn có chùa cho quần chúng tập hợp. Thầy này lên đó, họ cấp đất xây chùa, như vậy là thầy đã đặt tâm vào chỗ an. Khi trình độ thấp, phước đức mỏng, thì đặt vô đây là vừa, người dân tộc chỉ cần có ông thầy tụng kinh, không cần gì khác, nên ông được yên ổn.

Trí sáng suốt sẽ quyết định đúng. Chưa sáng suốt, ta cần thiện tri thức chỉ dạy, nhưng không phải nhất định đó là người tu. Thiện tri thức là người có trình độ giúp chúng ta tháo gỡ khó khăn. Điển hình như xưa kia Nguyễn Hoàng bế tắc, ông tìm Nguyễn Bỉnh Khiêm để có được giải đáp tháo gỡ vấn đề bế tắc. Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà ẩn sĩ không màng phú quý lợi danh, nên tâm hồn thanh tịnh, trí sáng suốt. Nghe theo lời cố vấn đúng đắn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng đã vào Thuận Hóa lập nghiệp và phát triển tốt đẹp đến đời Nguyễn Phúc Chu nổi tiếng là Bồ-tát hiện thân mới chính thức quy y Phật. Nếu Nguyễn Hoàng ở chỗ cũ, chắc chắn bị giết.

Khi ta chưa đủ sáng suốt, nên tìm người sáng suốt chỉ mình đặt tâm vào chỗ an sẽ được an, ở chỗ nguy làm sao an. Còn đối với người tu thì sao. Người tu sống ngoài bốn chữ phú-quý-lợi-danh, gọi là cái thân ngoại vật, không tranh chấp; còn kẹt vô đây, chắc chắn không thể nào an.

Đệ tử Phật muốn được an, đầu tiên phải an tâm. Ở chỗ dầu sôi lửa bỏng mà lại có nghiệp xấu, thì không thể an. Còn quyết tâm tu, muốn an, dứt khoát phải từ bỏ quyền lợi vật chất, nên không ai tranh chấp với ta, ta được an.

Phật dạy một Tỳ-kheo không có tài sản vật chất đáng giá, không giữ của quý, nên ăn cướp không muốn giết họ, vì không có gì để cướp, nhiều khi còn nói rằng gặp thầy tu là xui! Vì vậy, thầy tu được bình yên, vì đem thân đặt vô chỗ không tranh chấp, nên người ta để mình yên.

Đối với người sống trong hoàn cảnh bất an và thân cũng bất an, có hai cách để tâm được an. Cách thứ nhất là tu Tịnh độ, niệm Phật, tức nghĩ tới Phật, đem Phật vô lòng ta, hoặc đem tâm ta đặt vô thế giới Cực lạc, hay ao thất bảo, còn cái thân này chúng ta không quan tâm đến nó.

Giả sử ta bệnh hoạn, nghèo đói, khó khăn, nhưng những điều này không ảnh hưởng đến ta, tâm chúng ta vẫn an. Vì tâm chúng ta không đặt vô bệnh hoạn và hoàn cảnh nghèo, nhưng tâm đặt vô ao thất bảo được xây dựng bằng vàng bạc, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, bấy giờ ta thấy cái gì cũng bằng thất bảo. Tu “tưởng” chút xíu, thì dù ở hoàn cảnh hẩm hiu, nhưng tâm đặt vô thiên đường, thấy lầu các của chư Thiên là tâm chúng ta an liền. Còn trở lại thân phận hèn mọn này đương nhiên khổ vô cùng.

Để nói lên cái lý này, ngài Huyền Giác dạy rằng: “Thê tâm an dưỡng hương”. Tu hành đừng để tâm vô khổ đau, nên không biết khổ đau, để tâm vô an lạc chỉ biết an lạc. Đó là pháp tu dễ làm nhất.

Cách thứ hai để tâm được an là đi sâu vào thiền quán, tập trung tư tưởng cho mục tiêu nào đó, tự nhiên quên mất hoàn cảnh bức ngặt. Khi tôi tu học ở Nhật Bản đã thể nghiệm pháp này, chỉ tập trung tư tưởng cho việc học. Tôi sang Nhật trễ khóa học, nhưng việc học được tiến bộ rất nhanh, nhờ tôi dồn tâm vào việc học, chăm chú theo dõi đề tài đến khi xong thì đã quá giờ ăn, nên nhịn luôn.

Thực tế cho thấy đa số chúng ta sợ đói, sợ nghèo, sợ khổ, nhưng sợ mà có tránh khỏi được cái đói, nghèo khổ hay không. Tuy nhiên, nếu chúng ta quên tất cả những khó khăn này, không để tâm vô nghèo nên không nhớ mình nghèo, không để tâm vô ăn nên quên đói. Tâm được đặt vô chỗ an là chỗ học hành, thì việc học sẽ thành công, đạt được học vị, tất nhiên dẫn đến tương lai tươi sáng cho chúng ta.

Thật vậy, khi đặt tâm vào việc tu và học, quên cảnh nghèo đói, quên cảnh bị xem thường, một thời gian sau, cuộc sống của chúng ta thay đổi tốt đẹp khiến cho người cũng phải thay đổi cách đối xử với ta. Chắc chắn khi trình độ học cao lên và trình độ tu tốt hơn, không ai dám xem thường mình.

Như vậy, đầu tiên đặt tâm vào chỗ an rồi, việc tự giải quyết êm đẹp. Tâm an thì trí sáng và thân được khỏe mạnh. Trái lại, tâm buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, tính toán, thân sẽ sanh bệnh. Có một lần tôi trao đổi với Hồng y Phạm Minh Mẫn, ông nói rằng Phật giáo có cái hay mà đa số người không biết sử dụng. Phật dạy không buồn, không giận, không sợ, không lo; nhưng ít ai nghe Phật. Lo nhiều, sợ nhiều và buồn nhiều, chắc chắn ảnh hưởng đến ngũ tạng trong thân thể. Người bị ung thư gan, vì lo quá, nên chất độc dồn vô gan thành khối u vỡ ra thì chết. Đọc sách thấy ông Tôn Dật Tiên được bầu làm Tổng thống, chỉ vài tháng là phát bệnh và chết, vì lo quá. Giận quá rách bao tử cũng chết.

Các Hòa thượng tu hành đặt tâm vô chỗ an, mới được khỏe mạnh, nên nhiều vị 96, 97 tuổi  vẫn khỏe. Tâm an rồi, thấy đúng, nên đặt thân vô chỗ an, điển hình là Hòa thượng Trí Tịnh ở cốc dịch kinh suốt đời, nên cuộc sống của ngài hoàn toàn yên ổn, tự tại, giải thoát; trong khi các vị dấn thân bị chết chóc, tù đày, vì đặt thân vào chỗ không yên, thì làm sao được yên.

Thuở nhỏ chưa hiểu được lý này, nên thập niên 60, tôi thích tranh đấu, may mà không chết. Ở chùa yên, không chịu, xuống đường, làm sao yên và vận động chống chính phủ thì bị bỏ tù, như vậy là tôi đã đặt thân mình vào chỗ bất an, nên không lúc nào được yên. Nhưng khi sang Nhật tu học, tôi ở chùa, ở trường là thân đặt vô chỗ yên và chỉ lo tu học, thì tâm yên thân khỏe.

Khi thân tâm của hành giả đều yên, bấy giờ Phật dạy rằng họ tới chỗ nào chỗ đó được yên. Trong kinh Pháp hoa khẳng định rằng người tụng Pháp hoa ở chỗ nào, cách đó năm trăm do tuần được yên, vì thân tâm hành giả yên, thì hoàn cảnh tự yên theo.

Muốn xã hội yên, tất cả mọi người dừng tâm xấu ác lại, không tham lam, không tranh chấp. Thiền sư Pháp Thuận thể hiện ý này qua hai câu thơ:

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đạo binh.

Ông vua ở trên ngai vàng, nhưng giữ thân tâm cho yên, thì tất cả mọi nơi đều được yên lành. Thật vậy, triều Lý được sử sách lưu danh là triều đại yên bình nhất nhờ người lãnh đạo quốc gia có tâm yên và họ cũng biết sống cho thân yên, nên hoàn cảnh được yên theo.

Tâm yên thì thân yên và hoàn cảnh hay quốc độ yên theo. Thực tế chúng ta thấy các bậc chân tu có thân tâm và hoàn cảnh yên khiến người người tự tìm tới và họ nghe theo sự chỉ dạy để thực tập pháp này cũng có được đời sống yên vui, an lành.

Mong quý vị thực tập  pháp Phật để trước nhất được yên tâm, thì mãn duyên ở Ta-bà có thể lên Niết-bàn hay về Cực lạc, hoặc sanh Thiên. Và phát triển thêm nữa là đem thân đặt vào chỗ an, không tranh chấp, để có thể đóng góp cho xã hội an bình được nhiều chừng nào tốt chừng đó. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Sống an vui 16:50 22/11/2024

Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.

Những cảnh giới cao nhất

Sống an vui 13:15 22/11/2024

Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?

Buông xả những nỗi lo âu

Sống an vui 11:00 22/11/2024

Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.

Học chim làm tổ

Sống an vui 07:30 22/11/2024

Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.

Xem thêm