Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 17/12/2022, 14:24 PM

Thân tâm tương phùng - Ưu Đàm nở hoa

Con đường dài nhất là con đường tự tìm sâu vào chính mình, tìm lại bình yên đã đánh rơi trên từng bước trưởng thành, tìm lại tâm nguyện ban đầu khi đặt chân vào thế giới nhiều gam màu tối sáng lẫn lộn này.

Tôi cảm thấy mình may mắn khôn cùng, khi trên hành trình để cho thân - tâm tương phùng, tôi được Phật minh chứng và đánh thức bông Ưu Đàm trong tôi nở hoa.

Trở về nước sau nhiều năm xa nhà, tôi cảm thấy mình nom thật kỳ lạ giữa vùng đất này. Tôi mất dần đi rất nhiều kỹ năng để tồn tại ở Việt Nam – nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Khoảng thời gian không quá dài nhưng không hề ngắn đó khiến tôi trở thành một cá thể không thuộc về một vùng đất nào hoàn toàn. 

Khi nhận thức được sức khoẻ tinh thần và thể chất của mình đã khánh kiệt đến khô khốc, tôi quyết định nương nhờ Tam Bảo. Tôi chọn xa thành phố ồn ào rực rỡ, lên chùa 10 ngày đêm tu thiền. Tôi không ngờ hành trình đó không những chữa lành được những vết thương thể chất và tinh thần đang đè nén mà còn thay đổi cuộc đời tôi bằng những bài học vô giá – hoàn toàn.

Thiền viện Pháp Sơn – hay còn gọi là Hồng Trung Sơn Tự

Thiền viện Pháp Sơn – hay còn gọi là Hồng Trung Sơn Tự

Thiền viện Pháp Sơn và khóa tu Vipassana là nơi mà tôi đã chọn để trải nghiệm trong 10 ngày tạm xa nơi phố thị ồn ào. Nằm trọn vẹn và tách biệt trên một con núi sâu trong ấp nhỏ tại Đồng Nai, không khí ở đây tinh khiết đến độ, chỉ cần thu mình hít một hơi thật dài là cảm thận những tham sân chất chứa trong lòng mình bấy lâu dường như đã được gột rửa bằng hết. Tôi bất giác liên tưởng đến Làng Mai và Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người mà tôi vô cùng mến mộ. Lối vào thiền viện được phủ xanh bằng mấy dãy cây mát mắt đều típ tắp khi bên dưới là con đường trải sỏi thơ mộng. Thật không quá khi gọi nơi đây là “Làng Mai giữa lòng Việt Nam”.

Tôi đã rất tò mò về chủ đề của khoá tu “Trở về với thân tâm” - chẳng phải thân và tâm là hai thứ gắn liền với sự sống của chúng ta từng phút giây một hay sao, vậy vì cớ gì mà phải trở về. Cho đến khi đọc kỹ nội quy về những cái KHÔNG trong khoá tu, nhìn qua thời khoá tu thiền kín mít tôi mới hiểu: Hoá ra việc sống tách biệt với các cá thể khác, giấu cảm xúc và những câu chuyện của mình xuống tận đáy của tâm hồn là một cách giúp chúng tôi - những thiền sinh được về nương tựa Tam Bảo có cơ hội lắng nghe, xoay sở, thoả hiệp và quay về tìm thấy những những sức mạnh nội tại đã lãng quên từ lâu.

Tôi đã trải qua 10 ngày ở đó bằng nhiều đợt sóng xung đột trong lòng và nó đánh thức tất cả cảm quan của tôi về chính mình. Tôi nhớ về những vết thương tâm hồn, về nỗi đau của mình, về những câu chuyện giữa các mối quan hệ con người với con người, nhớ về những cơ hội công việc đã vụt mất trong đời và cứ thế oà khóc như một đứa trẻ giữa thiền đường. Tất cả những cảm xúc cơ bản của một con người: Buồn, vui, nuối tiếc, nhớ nhung, giận dữ, đau đớn, cô đơn được đánh thức sau nhiều năm nỗ lực che giấu đã khiến tôi vỡ oà. 

Nhờ vào những giờ phút được ngồi tĩnh tâm và lắng nghe hơi thở của mình, tôi tìm thấy trong tôi một bản ngã gai góc và chằng chịt những vết thương như thế. Cũng chính nhờ vào những phút giây thiền tuệ, tôi học được cách hiên ngang đối mặt và xoay sở với từng thể loại cảm xúc tiêu cực trào dâng trong lòng mình. Đã nhiều năm dài trôi qua, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình được sống một cách thực thụ, thay vì chỉ tồn tại giữa thế gian này.

Ngày thứ 5 của khoá thiền, tôi như sắp gục giữa thiền đường khi cơn đau dạ dày quặn thắt bất chợt ùa đến. Nhưng hoá ra, sức mạnh nội tại và chánh niệm là hai động lực giúp tôi tiếp tục hành trình đi tìm sâu vào chính mình và lột xác một cách hoàn toàn. Tôi được tập làm mọi thứ trong chánh niệm với đầy lòng biết ơn. Khi thở trong chánh niệm, tôi thầm biết ơn ba mẹ vì đã tặng cho mình hơi thở này. Khi ăn trong chánh niệm, tôi biết ơn từng hạt cơm và công sức của đội phục vụ không quản khó khăn mà công đức giúp hơn 200 thiền sinh trong khóa tu được sinh hoạt một cách thuận lợi và tiện nghi.

Tôi tin chúng tôi - những thiền sinh trong khóa thiền hôm đó đều là những mảnh ghép với tâm hồn vỡ vụn. Tôi gặp những người vừa mất gia đình từ Covid, gặp một người mẹ bầu 6 tháng kiên trì tới ngày cuối cùng giữa thiền đường, gặp những người vừa phá sản mất hết cơ nghiệp, gặp những người trẻ đang tạm thời nghỉ việc mà đến đây vì những áp lực đè nén. 

Tôi ngoái nhìn lại, cảm thấy mình may mắn vô cùng và biết ơn cái duyên với Phật pháp đã đưa tôi đến đây để nhận được những giá trị cốt lõi của chính mình.

Tôi thấy mình may mắn vì mình còn ba còn mẹ, tôi còn gia đình là nơi để trở về cùng ăn bữa cơm những lúc tuyệt vọng nhất, còn sức trẻ để tiếp tục theo đuổi những ước mơ, còn một đôi mắt sáng một đôi chân khoẻ để anh minh bước đi giữa cõi tạm xô bồ này. May mắn hơn vì tôi đã thành công bước ra khỏi vùng an toàn để tháo gỡ bản ngã của chính mình, được nhận những năng lượng tích cực từ những người tích cực trong một môi trường tích cực.

Đó cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm qua tôi hiểu rõ được giá trị của từ "bình yên" và tìm ra được sức mạnh nội tại trong chính mình. Tôi hiểu ra thực sự mong ước không phải là tiền tài hay danh vọng mà là hạnh phúc. Với mong cầu hạnh phúc mà chúng ta cứ mải mê đi tìm quyền lực từ bên ngoài, nhưng càng tìm quyền lực và hạnh phúc qua danh vọng, tiền tài thì càng không thấy đâu. Chỉ bằng cách trở về với tự thân, gạn lọc tâm ý, ta mới có thể chứng nghiệm được hạnh phúc chân thực và lâu bền là thứ quyền lực không bao giờ sụp đổ giữa thế gian.

“Chúng ta ai cũng sinh ra để chạy thục mạng đến cõi vĩnh hằng.”

Khi bước ra khỏi trường thiền này để trở về với cuộc sống đời thường, tôi tin là mình sẽ lại tiếp tục chạy thục mạng đến cõi vĩnh hằng thôi. Nhưng tôi đã học được cách chạy rồi. Tôi đã học được cách chạy làm sao để đuổi kịp thế gian mà vẫn giữ nguyên vẹn trong lòng một dòng chảy của tự tại và an lạc. 

Giờ thì ngoái đầu nhìn lại, tôi không hiểu bằng cách nào tôi có thể tự mình xoay sở, trấn an, thoả hiệp, dũng cảm, hiên ngang, tự tại, buông bỏ, an nhiên mà bước qua hành trình lột xác vừa qua. Nhưng có một điều tôi chắc chắn, tôi bây giờ không còn là cô gái khi vừa mới bắt đầu hành trình nữa và tôi dường như đã sẵn sàng tháo bỏ hết tất cả những thứ thừa thãi mà tái sinh.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả An Vũ; hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Di Lặc

Đạo Phật trong trái tim tôi 08:29 11/05/2023

Vậy làm cách nào để tâm ta an lạc, hoan hỷ? Đó chính là học hạnh tùy hỷ của Phật Di Lặc. Tùy hỷ là từ bi và hỷ xả. Tu tập chánh pháp, rèn luyện lòng từ, không nổi tâm sát sanh, đấy là từ bi.

Xem thêm