Thập như thị (Phần 3)
Mỗi cái Như thị tự nó luôn luôn vận hành liên hợp với một hay nhiều cái khác đúng theo quy luật nhất định từ đầu đến cuối, tức từ tướng đến báo. Quy luật vận hành liên hợp này gọi là lý thập như thị.
2. Sự vận hành liên hợp của Thập như thị
Một pháp là một sự vật hay một sự kiện có mười điều như thị để quan chiếu ngõ hầu mới chứng nghiệm được cái gọi là chân như duy nhất của Pháp ấy. Giữa mười điều này có sự vận hành liên hợp (3) theo quy luật nhất định, diễn tiến như sau:
- Bất cứ một Pháp hiện hữu nào trong vũ trụ đều đương nhiên có sắc tướng. Đó là như thị tướng.
- Đã có sắc tướng đương nhiên có thực tánh, bản tánh. Đó là Như thị tánh.
- Đã có thực tánh đương nhiên có thể chất. Đó là Như thị thể.
- Đã có thể chất đương nhiên có năng lực. Đó là Như thị lực.
- Đã có năng lực đương nhiên có tác dụng, có chức năng hướng ngoại. Đó là Như thị tác.
- Đã có tác dụng của cái này đến cái khác đương nhiên có nguyên nhân. Đó là Như thị nhân.
- Đã có nguyên nhân đương nhiên có cơ duyên, điều kiện nào đó mới hội thành. Đó là Như thị duyên.
- Đã có nhân hội với duyên đương nhiên có kết quả. Đó là Như thị quả.
- Đã có quả đương nhiên có sự đáp ứng thích hợp hoặc nhiều hoặc chỉ có một. Đó là Như thị báo.
Chín điều Như thị vừa kể chỉ đễ nhận thức về mặt lý giải. Sự vận hành liên hợp về mặt hành trì chứng ngộ trong tâm thức hành giả thực hành pháp quán như thị rất khó phân biệt giữa cái gì là Nhân, cái gì là duyên, cái gì là quả, cái gì là báo. Hành giả rất dễ nhầm lẫn không quán được đúng sự liên hệ giữa nhiều cái như thị khác nhau. Tuy nhiên mỗi cái Như thị tự nó luôn luôn vận hành liên hợp với một hay nhiều cái khác đúng theo quy luật nhất định từ đầu đến cuối, tức từ tướng đến báo. Quy luật vận hành liên hợp này gọi là lý thập như thị. Đây là ý nghĩa điều thứ 10 tức Như thị bổn mại cứu cánh đẳng.
Tuy pháp quán như thị đòi hỏi nhiều công phu hành trì trong thời gian lâu dài mới đạt tới kết quả tốt đẹp, không còn nhầm lẫn nhưng đến khi hành giả đã diệu dụng pháp môn này thì chỉ cần thực hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, một sát-na là đạt tới chứng ngộ chân như của vạn pháp, Phật học gọi là Nhất niệm tam thiên, nghĩa là trong một niệm đã chiếu kiến ba ngàn thế giới, ý nói nhiều vô lượng. Đó là trường hợp Phật tuệ hay Thần lực Như Lai.
Một trường hợp cụ thể quán chiếu vật chất, một hiện tượng thời tiết trong thiên nhiên là trời mưa, hành giả nhận thấy:
- Tướng: Mưa rơi, nhiều hạt nước từ trên không gian cao rơi xuống.
- Tánh: Nước ướt, trong và mát.
- Thể: Nước lỏng, không phải bốc hơi hay đóng băng.
- Lực: Có sức nặng rơi từ trên cao xuống thấp.
- Tác: Làm rơi một khối lượng nước từ trên không gian xuống mặt đất.
- Nhân: Hơi nước trong không khí đọng lại thành giọt rồi rơi xuống.
- Duyên: Gặp khí lạnh trong không gian.
- Quả: Có nước trên mặt đất.
- Báo: Làm mát dịu không khí hay gây ngập lụt.
- Tổng kết: Nhận thức trọn vẹn, hiểu được thế nào là trời mưa.
Một trường hợp quán chiếu một sự kiện, một sinh hoạt của con người trong tập thể xã hội là giúp đỡ lẫn nhau, hành giả nhận thấy:
- Tướng: Một thanh niên dắt bà lão kém mắt qua đường chỗ có đèn hiệu xanh đỏ.
- Tánh: Hay giúp đỡ người khác.
- Thể: Tâm thiện, lòng nhân từ.
- Lực: Lưu tâm nhận xét, bỏ công sức, thì giờ hay tài vật giúp người khác.
- Tác: Thực hiện khi có dịp giúp đỡ người khác.
- Nhân: Tình thương người.
- Duyên: Gặp trường hợp có người cần được giúp đỡ.
- Quả: Sự an toàn của bà lão kém mắt khi qua đường.
- Báo: Sự vui vẻ hài lòng ở cả hai, người giúp và người được giúp.
- Tổng kết: Một việc làm tốt, ai cũng nên làm.
Nhận xét chung hai trường hợp cụ thể trời mưa và hành vi giúp đỡ người khác là hai đối tượng đơn giản, dễ nhận thấy trong pháp môn quán Như thị, sự vận hành liên hợp từ đầu đến cuối ở cả hai lãnh vực vật chất và tinh thần trong môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội con người. Từ những đối tượng đơn giản, hành giả thực tập dần dần tiến tới những đối tượng phức tạp, tỉnh vi hơn cho đến khi hội nhập thông suốt thực tánh bản thể của vạn pháp. Đó là lúc chứng ngộ lý Thập như thị, trí tuệ phát triển viên mãn hiểu biết đến rốt ráo tận cùng mọi vật, mọi việc xuyên suốt thời gian vô thủy vô chung và không gian vô cùng vô tận, Phật học gọi là trí tuệ vô ngại, nghĩa là sự sáng suốt không còn gặp bất cứ trở ngại nào trong việc quán chiếu vạn pháp.
Thế giới ngày nay thường tôn xưng tinh thần khoa học thực nghiệm theo khuynh hướng thực dụng (pragmatism) lấy sự luận lý (logic) làm phương tiện nhận thức sự thực, chân lý. Sự tôn xưng này căn cứ vào nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại đã cung ứng cho nhân loại rất nhiều tiện nghi hữu ích cho cuộc sống hàng ngày về phương diện vật chất. Trong phạm vi tinh thần con người có cuộc sống tâm linh như tình cảm, suy tư, tín ngưỡng, ước nguyện... Đối chiếu với pháp môn Quán như thị, người thiện học nhận thấy hai điểm căn bản tương đồng:
Thứ nhất, Như thị là chân lý, sự thật. Sự thực chứng đạo pháp chính là tinh thần thực nghiệm theo khuynh hướng thực dụng theo ngôn từ ngày nay thường dùng. Phật học và khoa học ngày nay chỉ khác nhau về danh xưng, còn nội dung ý nghĩa thì giống như nhau.
Thứ nhì, trong pháp quán thập như thị có sự vận hành liên hợp. Đây chính là phương pháp luận lý trong Phật học nhằm mục tiêu đạt tới là chứng ngộ chân lý. Từ như thị tướng thứ nhất đến Như thị báo thứ chín chú trọng đến quan sát và phân tích. Như thị thứ mười tổng kết lại thành kết luận khả dụng hữu ích trong việc tăng trưởng trí tuệ chú trọng đến tổng hợp. Quan sát, phân tích rồi tổng hợp để kết thúc chứng ngộ, đó là quá trình luận lý trong pháp quán Thập như thị.
Tuy nhiên sự ứng dụng phương pháp luận lý có phần khác nhau: Khoa học thực nghiệm hiện đại hướng về chân lý trong thế giới vật chất trong khi pháp quán trong Phật học hướng về sinh hoạt tâm linh. Nói cách khác, khoa học thực nghiệm hướng ngoại, chủ thể quan sát là con người và đối tượng quan sát là vật chất; trong khi Phật học hướng nội, chủ thể quan sát là hành giả và đối tượng quan sát cũng là con người chính tự thân hành giả hoặc đồng loại tha nhân.
(còn tiếp).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm