Thập như thị (Phần 4)
Tại sao lại quán chiếu cái gọi là như thị mà không quán chiếu trực tiếp cái gọi là y thị, đích thị? Tại sao lại chỉ nói như thế mà không nói thẳng là đúng thế? Có hai nguyên do, một về lịch sử và một về Phật pháp.
3. Nguyên do Pháp quán thập như thị
Nguyên do lịch sử
Theo sử liệu Phật giáo, tất cả kinh thuật lại lời Phật dạy không được biên chép trực tiếp ngay lúc Đức Thế Tôn thuyết pháp tại thế. Sau khi Đức Thích Ca nhập diệt, chư tăng đệ tử hội tụng kết tập biên soạn ra thành bản văn kinh lưu truyền đến ngày nay. Bản văn kinh là lời chư tăng đệ tử nhớ rồi thuật lại lời Phật dạy, không phải là lời từ miệng của Đức Thế Tôn nói trực tiếp với hậu thế. Vì sự kiện lịch sử này các bản văn kinh mới mở lời bằng Như thị ngã văn để tỏ lòng kính lễ của chư tăng đệ tử đối với Đức Thế Tôn và cũng để biểu lộ sự thận trọng của chư tăng đệ tử khi thuật lại lời kinh có ý nghĩa cao thâm linh diệu.
Nguyên do lịch sử này căn cứ vào sự kiện cụ thể xảy ra trong thực tế không có điều gì sai trái nhưng chưa làm sáng tỏ được sự uyên áo của Phật pháp, không chứng minh được tại sao lại chỉ nói cái Như thị, cái giống như mà không nói trực tiếp thẳng ngay vào cái Y thị, Đích thị, cái Đúng thế trong việc truyền thuyết Phật pháp ? Câu giải đáp chính là ở nguyên do Phật pháp dưới đây.
Nguyên do Phật pháp
Vẫn theo sử liệu Phật giáo, thoạt mới đầu Đức Thích Ca không có ý định đi truyền thuyết Phật pháp cứu độ chúng sanh, sau khi suy ngẫm cân nhắc nên chăng mới đi đến quyết định du thuyết độ sanh và đã thực hành liên tục trong suốt thời gian 49 năm liền cho đến khi nhập diệt.
Tâm trạng lưỡng lự lúc ban đầu được dẫn giải như sau: Không phải tại Đức Thích Ca chưa viên mãn tâm từ bi cứu độ chúng sanh, nhưng lý nhân quả cho biết nhân nào quả ấy, chúng sanh vô minh luân hồi trong cõi Ta bà phiền não là trả nghiệp đã gieo nhân bất thiện. Như vậy, hiệu năng truyền thuyết giác tha cứu độ chúng sanh liệu có kết quả giải nghiệp cho chúng sanh như lòng từ bi vô lượng thường mong muốn hay không ? Sau khi lưỡng lự như vậy, Đức Thế Tôn có trí tuệ toàn giác đã sáng suốt nhận định ra và quyết tâm thực hiện việc du hóa chúng sanh. Có ba thành phần khác nhau đang thọ nghiệp chúng sanh:
- Thành phần Vô Sư Trí có trí tuệ cao diệu đạt tới khả năng tự giác tự độ, không cần đến thày chỉ dạy cũng đủ tiến tới giác ngộ, thực chứng Chân Như.
- Thành phần Hữu Sư Trí thiếu khả năng tự giác tự độ, cần phải có thầy chỉ dạy mới thủ trì được Chánh pháp, không có thày thì dễ lạc vào tà đạo.
- Thành phần Nhất Xiển Đề có quả nghiệp chúng sanh ở cõi Ta bà quá nặng nên không đi đến giác ngộ được dù cho có thầy dạy đầy đủ đến đâu cũng không thoát được màn Vô Minh.
Hai loại Vô Sư Trí và Nhất Xiển Đề chiếm số rất ít. Đại đa số chúng sanh thuộc thành phần Hữu Sư Trí. Sau khi nhận định như vậy, Đức Thế Tôn mới quyết tâm du hóa.
Tâm Từ Bi vô lượng và Trí Tuệ vô biên của Đức Thế Tôn còn đi xa hơn nhiều đến vô cùng vô tận: Khi Đức Thích Ca sắp nhập diệt, các đệ tử Đại Bồ-tát lo buồn sợ rằng Phật pháp sẽ không còn, người thế gian biết nương vào ai để hành trì Chánh đạo. Nhận thấy vậy, Đức Thích Ca nhiều lần hỏi các đệ tử có còn điều gì thắc mắc về Chánh pháp thì nói ra để được giải đáp cho trọn vẹn. Sau khi không còn ai có điều gì cần hỏi, Đức Thích Ca an tâm về việc hoằng pháp mai sau mới ân cần chỉ dạy: Chánh Pháp ở tại các con, đâu phải ở tại nhục thân Cồ Đàm này, việc gì mà lo buồn. Lời kim ngôn phó chúc này nên hiểu như sau: Chánh Pháp được truyền thuyết làm nơi nương tựa cho hậu thế sẽ do lời ở cửa miệng những đệ tử đã giác ngộ có tâm nguyện cứu độ chúng sanh. Chánh Pháp vẫn tiếp tục trường tồn mãi mãi, không cần phải do lời nói từ chính đích thân Đức Thích Ca truyền ra. Chỉ cần người trước giác ngộ người sau, thế hệ này qua thế hệ khác, Chánh Pháp trường tồn và lan rộng khắp nơi mọi chốn. Nhục thân của Đức Thích Ca cũng giống như nhục thân của khắp mọi chúng sanh ở thế gian theo lý Vô thường có sinh thời có diệt. Đó là điều tất nhiên không đáng lo buồn, Chánh Pháp tồn tại thường hằng và hiện hữu khắp nơi mới là điều đáng quan tâm đảm trách.
Đây là lời kim ngôn sau cùng và quan trọng nhất của Đức Thế Tôn để lại cho các đệ tử Đại Bồ-tát thời bấy giờ và cho tất cả mười phương Phật tử mãi mãi về sau.
Về mặt Phật pháp, lời kim ngôn của Đức Thế Tôn vừa kể ở trên được dẫn giải như sau: Chánh pháp trường tồn khắp nơi không ở trong nhục thân Đức Thế Tôn. Chánh pháp là Pháp Tánh Chân Như thường hằng, bất sanh bất diệt, không tùy thuộc vào Pháp tướng vô thường chuyển hoá, có sanh có diệt. Như vậy, những Phật ngôn để lại cho hậu thế là Pháp Tánh không tùy thuộc vào những Pháp Tướng như âm thanh của lời nói, hình sắc của văn tự. Người thiện học hiểu lời chỉ dạy của Đức Thích Ca được kết tập là Vô Tự Chân Kinh, Vô Ngôn Chánh Pháp. Chân Kinh hay Chánh Pháp là liễu nghĩa ẩn tàng trong lời Phật dạy. Âm thanh nghe khi đọc kinh, văn tự nhìn khi xem kinh chỉ là Pháp Tướng, là phương tiện dùng để chở người tu tập hành trì từ Bến Mê sang đến Bờ Giác. Sau khi rời bên này sang đến bên kia, người thiện học phải bỏ phương tiện lại, giống như ẩn dụ dẫn trong kinh: Qua sông thì phải cần có bè, có thuyền đò, nhưng khi cập bến rồi hãy bỏ bè, bỏ thuyền đò lại chứ không cố chấp bám vào bè thuyền để tiếp tục hành trình. Nói dễ hiểu hơn là nương theo lời kinh để thực chứng ý kinh, khi dùng lời nói để giác ngộ chúng sanh thì đừng vì lời mà quên ý trong lúc trì kinh. Đó là làm đúng theo ý Phật.
Như trên đã nói, đây là lời kim ngôn sau cùng và quan trọng nhất của Đức Thế Tôn. Nhận định này cần dẫn giải tường tận như sau:
Từ ngữ sau cùng có hai nghĩa, vừa là chót hết trong thời gian tại thế của Đức Thế Tôn vừa là chót hết trong tiến trình tu tập hành trì của hành giả trước khi chứng ngộ Phật quả.
Nói là Quan trọng nhất vì lý do không chứng ngộ được lời kim ngôn sau cùng của Đức Thế Tôn thì hành giả không giác ngộ giải thoát được để tự tại vô ngại thành Phật. Giải thoát để tự tại vô ngại là phá tất cả các chấp, chấp ngã và chấp pháp, là rời bỏ tất cả mọi pháp tướng, pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Đó là Tâm Vô Tướng, không còn chấp lưu giữ một Pháp tướng nào, kể cả tướng Phật quả, tướng chứng nhập Niết-bàn.
Điều đáng lưu ý lời kim ngôn do Đức Thế Tôn nói ở đây là nói với các đệ tử Đại Bồ-tát, không phải nói cho thính chúng bình thường nghe, hàm ý căn dặn về sau các đệ tử khi đi du hóa truyền thuyết để cứu độ chúng sanh là truyền lại Vô Ngôn Chánh Pháp, Vô Tự Chân Kinh, chứ không phải là truyền lại đầy đủ âm thanh do Đức Thế Tôn đã nói và mình đã nghe không sai thiếu một tiếng nào. Đừng chấp vào âm thanh là Pháp tướng mà cốt hoằng bá Chánh pháp tức là Pháp tánh Chân kinh.
Một bằng chứng sự kiện lịch sử: Sau khi đi thuyết pháp suốt thời gian 49 năm, lúc sắp nhập diệt Đức Thế Tôn lại nói với các đệ tử là không có thuyết câu nào, hàm ý rằng chỉ truyền lại Chánh pháp tức nội dung tiếng nói, chứ không hề truyền lại lời nói nào, ở đây hiểu là âm thanh tiếng nói.
Một dẫn chứng nửa trong Kinh Kim Cang, phẩm 21 tựa đề Phi thuyết Sở thuyết, diễn nôm là chẳng phải nói cái điều đã nói ra, Đức Thế Tôn đã dạy đệ tử Đại Bồ-tát Tu Bồ Đề: Thuyết pháp mà thực ra không có pháp nào được thuyết cả, như thế mới gọi là thuyết pháp. Câu kinh này cũng hàm ý như trên vừa trình bày: Nói Chánh Pháp là truyền lại nội dung Chánh Pháp chứ không phải truyền lại âm thanh Chánh Pháp, như thế mới gọi là thuyết pháp chân chính.
(còn tiếp).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm