Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 07/04/2015, 18:27 PM

Thế nào là một người đã đủ đạo Tâm?

Chiều 14/02/Ất Mùi (02/04/2015), nhận lời thỉnh mời của Sư thầy Thích Đàm Chung – trụ trì chùa Mật Đa (phường Nam Ngạn, Tp.Thanh Hóa) cùng nhân dân phật tử tại đây, TT.Thích Chân Quang - Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã hoan hỷ đến thăm và chia sẻ Phật pháp về chủ đề “BA CÂU HỎI CỐT TỬ". 

Từ những triết lý, những câu chuyện xoay quanh đời sống tu hành của người xuất gia, Thượng tọa đã chỉ cho các phật tử thấy được điều kiện, quá trình tu tập để trở thành người xuất gia. Từ đó, các phật tử có cơ sở để đối chiếu, điều chỉnh quá trình tu tập của bản thân cho đúng đắn, hầu sớm đủ duyên để được xuất gia trong Phật pháp.
 
Được biết, theo lời giới thiệu của Sư thầy trụ trì Thích Đàm Chung, chùa Mật Đa là ngôi chùa cổ có trên 300 tuổi. Thời chiến tranh, nhất là trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ chùa bị tàn phá nặng nề. Suốt nhiều năm đánh phá cầu Hàm Rồng của Mỹ, chùa là Chỉ Huy Sở, là nơi tập kết lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, và là nơi dưỡng thương, nuôi dấu bộ đội. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, được sự quan tâm của chính quyền và các cơ quan Ban ngành địa phương, chùa được tu bổ sửa chữa khang trang như ngày hôm nay. Chùa đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT & DL) ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Hiện Sư thầy Thích Đàm Chung trụ trì ngôi chùa, tiếp nối các vị Sư tổ sống tốt đạo, đẹp đời. 

Lại nữa, hiện tại chùa Mật Đa vẫn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương nhưng người biết “đạo” ở đây rất ít. Có một số phật tử đến chùa nhưng đạo tâm chung quanh đây rất yếu. Cho nên, dù là Văn phòng của BTS thành hội đặt tại chùa Mật Đa, cũng không quy tựu được đông đảo phật tử tham gia các sự kiện do nhà chùa tổ chức. 
 
Trước những lời tự sự đó, Thượng tọa gợi ý Sư thầy trụ trì phải quyết tâm độ tất cả người dân quanh chùa, nghĩa là phải đến thăm, nói chuyện đạo từng chút một với họ. Khi mọi người hiểu đạo rồi, họ sẽ chủ động tìm đến chùa tu học. 

Để Sư thầy có thể làm tốt việc độ sinh, Thượng tọa chỉ đạo cho đạo tràng Phật Thanh có nhiệm vụ phụ với Sư thầy hóa độ cho dân làng quanh vùng của chùa Mật Đa, bằng cách đến từng nhà làm quen, thăm hỏi, cố gắng dìu dắt họ về chùa Quy y,  tu tập năm Giới, giữ lòng tịnh tín với Tam bảo, thực hành bố thí và khuyến khích các phật tử hàng ngày đến chùa lễ Phật, tụng kinh, làm công quả, học hỏi giáo lý, v.v… Đồng thời khi gia đình họ gặp khó khăn hay có hữu sự gì thì chùa phải quan tâm giúp đỡ (như cầu an, cầu siêu…). 

Chúng ta cứ làm cho họ thấy chùa hiện hữu, là chỗ nương tựa tâm linh cho dân làng. Đây là công việc khó khăn, nên mọi người cần có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ và kiên trì thực hiện nó từng chút một với tất cả nỗ lực cao nhất. Mà khi chúng ta giúp chúng sinh tiếp cận, biết đến đạo Phật, đây cũng là cách xây dựng đạo tâm cho chính mình, để khi đủ duyên, ta có thể xuất gia, vì ai rồi cũng phải đi tu, chứ không lang thang mãi trong luân hồi sinh tử. Chùa mới là bến bờ, là tổ ấm, là nơi yêu thương. Còn cái nhà mà ta đang ở, coi vậy chứ cũng có những lúc vất vả, khó khăn, lo toan, đau khổ càng nhiều và càng nặng. 
 
Nói đến xuất gia, Thượng tọa cho rằng, khi chúng ta biết “đạo” đến lúc chín muồi rồi thì trong lòng ai cũng ấp ủ lý tưởng xuất gia. Còn nếu chưa khởi lên được lý tưởng xuất gia thì biết “đạo tâm” mình chưa đủ. Vậy “đạo tâm” đủ hay chưa đủ được đánh giá chỗ nào. Vần đề này được đặt ra bao gồm ba câu hỏi, đó là:

-  Thế nào là một người bắt đầu biết tu?

-  Thế nào là một người đã đủ đạo Tâm?

-  Khi nào gọi là một người bắt đầu bước được vào con đường tâm linh?

Với ba câu hỏi này, chúng ta hãy nghe Thượng tọa vừa diễn đạt chặt chẽ, xúc tích và hợp lý; vừa nêu bật đầy đủ ý nghĩa trong phần nội dung của bài giảng để ta dễ phân biệt.

Mặc khác, đi sâu hơn vào cuộc sống của người xuất gia, Thượng tọa nhấn mạnh rằng: Người chưa xuất gia có quyền muốn, có quyền tự do và hưởng thụ nhiều thứ; còn người xuất gia rồi thì bị gò bó, buộc phải từ bỏ nhiều thứ đã từng quen thuộc trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thích xuất gia hơn, vì khi đủ đạo tâm, đạo hạnh, ta rất muốn được sống thuận theo khuôn phép, quy củ. Đây cũng là một sự khác biệt lớn giữa phàm phu và Thánh. 

Đời sống xuất gia giúp con người vứt bỏ hết những trách nhiệm nhỏ nhặt trong cuộc đời, mà dồn sức cho việc tu tập giải thoát, và trải lòng yêu thương tất cả mọi người, không còn thiên vị một ai nữa. Người xuất gia mà làm được điều đó suốt cuộc đời mình thì những kiếp sau, có lúc sẽ thành một bậc cao Tăng ngộ đạo. Ngược lại, người buông lung, dễ dãi, phóng túng thì kiếp sau lui làm cư sĩ, không thể xuất gia được, tức là giới luật ta không nghiêm, ta vẫn vui với những cái mà người đời vui, ta sống giống người đời quá, thế là ta mất phước, đời sau từ người xuất gia lui trở ra làm cư sĩ, bắt đầu tu lại từ đầu. Mà không chờ đến kiếp sau, có khi trong hiện đời đã hoàn tục, chỉ vì ta làm mất hình tượng đẹp của người xuất gia bằng những hành vi phi chánh pháp. Như vậy, theo nhân quả chúng ta cũng hiểu: Một người cư sĩ muốn được xuất gia thì phải làm sao rồi. 

Để hiểu khi nào ta bắt đầu bước vào đời sống tâm linh thực sự thì Thượng tọa đã đã nêu dẫn chứng minh họa bằng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, dễ hiểu về Thánh quả để giúp ta thông suốt về điều này. Nhân đây, Thượng tọa cũng phân tích hai trường hợp: Một trường hợp chứng được chánh niệm tỉnh giác mà chưa chứng được quả thánh Tu Đà Hoàn. Trường hợp thứ hai, chứng được chánh niệm tỉnh giác cũng là chứng được luôn thánh quả Tu Đà Hoàn để chúng ta học hỏi, trau dồi đời sống tâm linh của mình.
 
Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa – một lần nữa nhắc nhở mỗi phật tử trong đạo tràng Phật Thanh phải biết phụ giúp Sư thầy trụ trì hóa độ chúng sinh, bằng cách tiếp cận, chia sẻ, dẫn lối để đưa tất cả người dân đến với chùa, để họ biết tin sâu nhân quả, biết tôn kính Phật, không còn lạc lõng, bơ vơ trong luân hồi sinh tử nữa. 

Không riêng gì chùa Mật Đa này, mà bất kỳ chùa nào cũng vậy, nếu có duyên ta nên đến làm quen, hóa độ hết vùng. Ta tìm cách đưa họ về chùa để Thầy trụ trì ở địa phương đó hóa độ tiếp. Mọi người chịu khó học theo kinh Hoa Nghiêm, nên làm một vị khách không mời để đến thăm mọi người. Đức Phật dạy một vị Bồ tát là “Tác chúng sinh chi vô thỉnh hữu”, tức làm một người bạn không mời của chúng sinh. Có thể, ban đầu họ khó chịu, không vui vẻ, thoải mái, nhưng ta vẫn phải kiên nhẫn làm quen, chia sẻ đạo lý, rồi mời họ về chùa cho Thầy trụ trì dẫn dắt. Chỉ có như vậy, số người biết đạo ở đây mới tăng lên, chùa mới thực sự là nơi nương tựa tâm linh cho chúng sinh khắp chốn.

Sau cùng, Thượng tọa không quên gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Sư thầy cùng phật tử chùa Mật Đa, phật tử đạo tràng Phật Thanh. Thượng tọa hy vọng cảnh chùa nơi đây tiếp tục được phát triển, đạo hạnh của Sư thầy được tăng tiến, sẽ có nhiều phật tử về chùa nương tựa, tu tập tinh tấn. Mong tất cả vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ôi! Mỗi lời Thượng tọa nói ra nhẹ như gió, lan tỏa đến bất cứ ai nghe được, từ đó, đạo tâm của mọi người được nâng lên vững chải. Phải chăng, chính vì đạo Phật phục vụ lợi ích chúng sinh, đáp ứng nhu cầu tâm linh cho xã hội trong mọi thời đại, nên lý tưởng Bồ tát ra đời và rất cần thiết là thế.

Trước những lời chia sẻ đạo lý rất sâu sắc, chân thành của Thượng tọa, các phật tử vô cùng xúc động và cảm kích, vì lúc nào Thượng tọa cũng dùng đạo lý giảng dạy đến tận cùng để giúp họ hoàn thiện chính mình. 

Đúng vậy, bài Pháp thoại của Thượng tọa là cơ sở cho mọi người soi rọi, đối chiếu vào quá trình tu tập của bản thân để có thể điều chỉnh, uốn nắn mỗi bước đi cho chính xác. Qua đây, mọi người cũng hiểu rằng quá trình tu tập tâm linh rất vất vả, sâu dày qua bao nhiêu kiếp luân hồi mới có những sở chứng tâm linh. Cho nên, họ cần có một tâm lý vững vàng, kiên trì để đi hết đoạn đường đó. Đồng thời, Thượng tọa cũng chỉ ra nhiệm vụ của mỗi phật tử đối với việc xây dựng Phật giáo tại quê hương mình, nhằm giúp mọi người xung quanh có thể tìm về với mái chùa. Đây cũng là việc làm thiết thực nhất để chúng ta có thể chia sẻ trách nhiệm độ sinh rất nặng nề nhưng cao cả, nhân văn với chư tăng, ni trụ trì các chùa nói chung và với Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm