Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Thế Tôn, Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con

Lời thưa: Sau đây là lời "khải bạch" của Thượng tọa Trí Chơn, UV HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, trụ trì tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM). Lời bạch tha thiết chở chuyên nỗi lòng của một vị "Thích tử" ưu tư trước những thông tin nhiều chỗ không hay, không đẹp về Phật giáo.

449121115_787445276796422_3009221095750661567_n

Bài 1: Linh dược và độc dược

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Ba tháng an cư, chúng con thực tập theo lời dạy của Thế Tôn cùng nhau an trú một nơi, sống tĩnh cư cho ba nghiệp lắng trong. Dẫu vậy, thân tuy có cư mà tâm thì vẫn chưa an, bởi bể nghiệp thức vẫn còn lao xao theo sóng gió trần cảnh.

Gần đây, con đã chứng kiến biết bao câu chuyện chua xót đang diễn ra cả ở ngoài đời cũng như trong đạo. Nỗi đau càng nhân lên gấp bội khi chúng con thực hiện lý tưởng mang đạo vào đời, thì phải cam chịu những phản ứng thiếu thiện cảm của đời ập vào. Đây là nỗi ưu tư lớn không chỉ riêng con mà cả đoàn thể chúng con đang gặp phải. Những nỗi đau nội thương chưa được chữa lành thì giờ tiếp tục lại bị ngoại kích khiến nỗi đau chồng thêm nỗi đau. Việc công kích không chỉ mang tính thị phi, đàm tiếu mà còn là sự chống phá, gây sát thương khiến đoàn thể chúng con khó an nhiên, tĩnh tại.

Chúng con hiểu rõ, vết thương lòng cần được dùng dược liệu của tình thương và sự hiểu biết để chữa lành. Dược liệu ấy là những nguyên tắc đạo đức. Dược liệu ấy còn là giáo pháp - pháp dược - của Đức Thế Tôn đã truyền lại cho chúng con. Ngài là Vô thượng y vương - là bậc Thầy trị tâm bệnh cho chúng sinh muôn thuở. Chúng con nương theo Ngài, nhận pháp dược của Ngài để trị tâm bệnh cho chính mình và cho những người hữu duyên. Pháp dược của Thế Tôn đã giúp con chuyển hoá, tẩy rửa uế tâm đem lại sự an lành một cách hữu hiệu, mầu nhiệm như linh dược.

Trái với pháp dược là độc dược. Độc dược do độc tố tạo thành. Độc dược cũng có khi là hậu quả của việc không biết chế tác pháp dược. Trong huynh đệ chúng con, có những vị hiểu biết chưa chính chắn về pháp dược, thực tập chưa nhuần nhuyễn về pháp dược và phương pháp chế tác, có vị hiểu không đúng, thậm chí chưa hiểu gì về pháp dược mà đã liều lĩnh mang ra sử dụng để gọi là “độ sinh”. Từ đó, sử dụng sai phương, chế biến sai cách khiến linh dược trở thành độc dược làm hại mình, hại người, hại cả đoàn thể thanh tịnh đang chung sống an lạc.

Đức Thế Tôn từng dạy, người biết chăm sóc bệnh là người: “Có năng lực pha thuốc; biết liều lượng thích đáng để pha thuốc; không vì lợi ích vật chất mà pha thuốc; săn sóc người bệnh với lòng từ và; có năng lực nói pháp, khích lệ, làm cho người bệnh phấn khởi, hoan hỷ” (Kinh Tăng Chi, Chương Năm Pháp, Phẩm Bệnh). Tiếc là chúng con đã không đủ năng lực và đạo lực để pha chế pháp dược như Ngài dạy, để rồi chúng con trở thành những nạn nhân trong chính sự ngây dại của mình. Có đáng thương chăng!

Năm xưa Đức Thế Tôn đã khuyến cáo thầy Arittha học giáo pháp mà không quán sát với trí tuệ; học pháp chỉ để nuông chiều cảm xúc, vì lợi ích cá nhân, vì lợi dưỡng hẹp hòi, học để chỉ trích người khác, để khoái khẩu biện luận. Từ đó hiểu sai lạc giáo pháp nên nhận lấy bất hạnh, đau khổ lâu dài. Cũng như người bắt rắn, không nắm lấy đầu rắn mà nắm lấy phần thân hay phần đuôi nên bị rắn quay lại cắn là điều có thể xảy ra (Kinh Trung bộ, Ví Dụ Con Rắn).

Thượng tọa Trí Chơn (giữa) cùng chư tôn tịnh đức đảnh lễ Phật, Tổ. Ảnh: Tu viện Khánh An

Thượng tọa Trí Chơn (giữa) cùng chư tôn tịnh đức đảnh lễ Phật, Tổ. Ảnh: Tu viện Khánh An

Chúng con nhận thức rõ rằng: Thế Tôn đã giác ngộ, đã điều phục, đã tịch tĩnh, đã vượt qua và đã chứng niết bàn, nên Ngài thuyết giảng những điều đã giác ngộ, đã điều phục, đã tịch tĩnh, đã vượt qua và đã chứng Niết-bàn (Trung Bộ Kinh, Tiểu kinh Saccaka).

Ngài dạy thêm: Những ai thuyết pháp để đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, những vị ấy là những vị khéo thuyết pháp, là những vị khéo thực hành ở đời (Tương Ưng IV, Thiên Sáu Xứ, phẩm Tương Ưng Jambukhafdaka). Trong khi chúng con thì pháp học còn vụn về, pháp hành chưa miên mật. Dù mang danh thuyết giáo, nhưng hời hợt ngôn hành, kinh văn hiểu lệch lạc, nghĩa lý chưa tỏ thông, lấy ngôn ngữ làm trò hí luận, khoe kiến thức để tỏ đa văn. Chúng con quên rằng, học rộng nghe nhiều mà thiếu tu cũng là một sự trói buộc, chúng con tự giam mình trong sự hiểu biết, bị dính vào cái bẫy kiến thức do chính mình đặt ra.

Đã thế, chúng con cũng không thường xuyên xông ướp giáo pháp ngang qua hành trì nên đã không nhớ nỗi lời nhắc nhở ân cần, tha thiết của Đức Thế Tôn: Những ai thuyết pháp chỉ với mục đích mong người nghe pháp được vui, và nghe pháp xong họ làm cho ta cũng được vui. Thuyết pháp như vậy là thuyết pháp không thanh tịnh. Những ai thuyết pháp với tâm niệm: “Pháp được Thế Tôn khéo giảng, pháp ấy liên hệ đến hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. Mong sao người nghe pháp hiểu rõ pháp, thực hành pháp; rồi đem truyền rộng pháp ấy cho nhiều người khác với lòng từ bi. Thuyết pháp như vậy là thanh tịnh thuyết pháp” (Tương Ưng Bộ II - Thiên Nhân Duyên, C. 5, Tương ưng Kassapa).

Do kém phước, ra đời không gặp Phật, không có cơ hội chiêm bái kim tướng Thế Tôn nên chúng con phải bày tỏ niềm tôn kính Ngài bằng sự thờ cúng; không còn được nghe chánh pháp từ kim khẩu của Ngài nên chúng con phải học pháp ngang qua trì tụng kinh văn. Từ đó mà có nghi lễ. Nhờ có nghi mà chúng con biểu thị được uy nghiêm tăng tướng, khuôn phép thiền gia; nhờ có lễ mà chúng con bày tỏ được niềm kính ngưỡng tôn thờ, luôn chánh niệm với ba nghiệp thanh tịnh, giúp tăng trưởng công phu tu tập.

Chúng con nhận thức rằng, tụng kinh là để sáng tỏ diệu lý, niệm Phật là để cảm niệm ân đức của bậc Đạo sư. “Tụng kinh giả, minh Phật chi lý. Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân” (Minh Tâm Bảo Giám). Thế nhưng, chúng con vì chuộng hình thức sắc thanh nên không ngộ được diệu đạo vô thượng, do phô trương sự tướng bên ngoài nên đánh mất lý tánh bên trong. Chúng con quên rằng, giới định tuệ mới đưa tới giác ngộ, pháp chế định chỉ là phương tiện trợ duyên. Vậy mà chúng con đã sử dụng phương tiện một cách tùy tiện, lạm dụng lễ nghi khiến quần chúng hồ nghi.

Pháp của Phật là “Vô giá cam lồ” vậy mà chúng con lại thực hiện bằng trị giá thế gian. Để rồi những bóng mờ huyễn hoặc trùm lên tôn tượng, những làn khói mê tín phủ lấy mái chùa. Để rồi thế gian gán cho chúng con cái gọi là “thợ tu”!

Ngẫm lời dạy của Thế Tôn: “Mỗi người đều có tuệ giác sáng ngời bên trong”. Nhiều lần, chúng con cảm nghe tánh giác ấy chạm đến Pháp thân hằng hữu của Ngài, đó là khi trí giác con sáng ngời và lòng từ con vô hạn. Nhưng tiếc thay, chúng con đã chưa thể duy trì tuệ giác một cách liên tục bởi sự thiếu đạo lực trên bước đường tu. Để rồi, tâm mê, tánh ám dần dà chiếm ngự, thống trị tư duy, lời nói và hành động của chúng con. Từ đó phát sinh biết bao hệ lụy, làm xói mòn niềm tin nơi quần chúng. Niềm tin bị xói mòn không phải ngày một ngày hai mà đã nhen nhóm theo chuỗi thời gian.

Mỗi năm xảy ra vài vụ mà thế gian gọi là scandal; hoặc vướng vào thụ hưởng tiền tài, hoặc ngã vào sắc dục, lợi danh... rồi phẩm hạnh khiếm khuyết, oai nghi thô phàm; thậm chí những lỗi nhỏ nhặt như cái ăn, cái mặc, cái ở cũng không khắc phục được. Một vụ, hai vụ rồi nhiều vụ được phơi bày khiến quần chúng thất vọng, suy giảm niềm tin, có hiện tượng thối tâm, thậm chí có nguy cơ khủng hoảng niềm tin. Một phần do lầm lỗi của chúng con tạo nên từ lời nói, việc làm; nhưng tồi tệ hơn là sự cắt xén, chắp vá, lồng ghép của những bàn tay không thân thiện, làm méo mó những hình ảnh nơi cửa thiền. Từ đó đã thổi bùng những bình luận sai lệch, phiến diện về Đạo, có ác cảm với với những chiếc áo nâu.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Khất thực trong làng Thénac

Xiển dương Đạo pháp 15:14 21/11/2024

Thầy Trời Đức Định là người Pháp, xuất gia năm 2016 trong gia đình cây Mai Vàng. Hiện thầy đang sống và thực tập tại trung tâm Suối Tuệ, Paris. Bài viết được BBT Làng Mai chuyển ngữ từ tiếng Anh, Phatgiao.org.vn đăng lại.

Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai

Xiển dương Đạo pháp 10:39 19/11/2024

Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Khi Chánh pháp biến mất...

Xiển dương Đạo pháp 21:08 14/11/2024

“Khi chánh pháp sắp biến mất, phụ nữ sẽ trở nên tinh tấn và thường làm việc công đức. Đàn ông sẽ trở nên lười biếng và sẽ không còn ai giảng pháp 

Một viễn ảnh không xa

Xiển dương Đạo pháp 10:15 05/11/2024

Một viễn ảnh thế giới vị lai đầy hương hoa của chánh pháp sẽ không xa lắm khi con người tự biết cải thiện lấy mình bằng chánh pháp.

Xem thêm