Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 21/04/2017, 13:40 PM

Thiên hạ ai cũng có tâm (P.2)

Lòng tham con người như giếng sâu không đáy không bao giờ biết chán, biết đủ, biết dừng. Người có quyền cao chức trọng thì lợi dụng chèn ép, bóc lột kẻ dưới. Người không được thì tìm cách trộm cướp, lường gạt của người khác. Kẻ bần cùng thì oán trời trách đất, oán ghét xã hội, bạn bè, người thân.

Khi cái ta lớn mạnh

Trong sự chấp ngã, bám víu vào cái ta và của ta rồi dẫn đến chiếm hữu, sự bám víu vào cái thân vật chất này ai cũng coi trọng nó, kẻ nào chạm đến sẽ bị phản kháng dữ dội. Cái ta ban đầu chỉ là sự bất giác của một vọng niệm được khởi lên và dính mắc vào đó, đến khi thành hình rồi thì nó cần một nền tảng vật chất để dựa vào đó mà hiện hữu. Nền tảng đó chính là sự hiện hữu và tồn tại cái thân này.

Chúng ta bám víu vào thân cho đó là ta, là của ta rồi nâng niu, chăm sóc bảo vệ cho nó, đây gọi là "thân kiến". Khi ăn thì tìm món ngon vật lạ cho ta, khi uống thì tìm những thứ ngon ngọt ... Cũng từ sự ăn uống mà ngày nay trên thế giới sinh ra rất nhiều bệnh tật, dù khoa học có tiến bộ tới đâu cũng không thể nào theo kịp sự phát sinh và biến dạng của bệnh tật.

Chúng ta mặc thì kiếm quần áo tốt đẹp có thương hiệu nổi tiếng để cho ta mặc. Ở thì phải xây nhà cao cửa rộng, nguy nga tráng lệ, có đẳng cấp sang trọng, quý phái để cho ta ở. Xe thì phải mua loại mắt tiền có giá trị từ bạc tỉ trở lên mới chịu để cho ta đi. Đồ dùng thì phải mua sắm đủ thứ tiện nghi hiện đại trang hoàng lộng lẫy đẹp mắt để cho ta ngắm và mong nhiều người khác khen tặng. Vợ chồng nói thương yêu nhau chung thủy, nhưng thật ra ai cũng thương thân mình là trước hết.

Cái ta ảo tưởng không thật có này, là trạng thái mê mờ không thấy rõ những gì đang xảy ra trong từng phút giây. Đức Phật dạy: Do ta không có sự trải nghiệm trong tu chứng nên lầm chấp thân này là ta, là của ta. Khi cái ta ảo tưởng có mặt thì cái "của ta" cũng theo đó mà phát sinh, rồi luyến ái chấp giữ muốn cái gì cũng là của riêng mình, ai xâm phạm đến ta sẽ kháng cự mãnh liệt. Như chúng ta đem lòng thương yêu một ai đó và muốn người ấy thuộc về mình mãi mãi.
 
Những gì tốt đẹp dễ có lợi cho mình thì ta thu thập, tích lũy, chiếm hữu, duy trì cho được bằng mọi cách. Cái gì không ưa thích thì ta tìm cách loại bỏ, khử trừ, xa lánh, hủy diệt. Như chúng tôi viết ra một tác phẩm được nhiều người ngưỡng mộ, ca ngợi, lúc này tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào, bởi vì mình làm được điều khó làm. Còn, khi chúng tôi bị ai đó xem thường, sỉ nhục nói rằng sách của thầy dỡ quá thì cái ta biểu hiện mạnh mẽ để kháng cự, phẫn nộ và tìm cách muốn loại trừ đối tượng đó ngay.
 
Cái ta nếu được phát triển theo chiều hướng tốt đẹp làm lợi ích cho nhiều người thì còn có chỗ đóng góp, ngược lại cái ta được mở rộng theo chiều tiêu cực thì tệ nạn xã hội tràn lan gây thiệt hại cho nhân loại. Thực tế, nếu chúng ta có tu học một chút, ta sẽ thấy rõ thân tâm đều vô thường và hoàn cảnh hiện tại chẳng có gì là ta và của ta.
 
Tất cả mọi hiện tượng sự vật đều phải nương vào nhau để phát triển và tồn tại theo nguyên lý duyên khởi “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt". Chẳng có cái gì tồn tại độc lập để sinh ra vạn vật cả, bởi vì bản chất của chúng vốn duyên sinh vô ngã.

Biết thân giả tạm để làm lợi ích cho đời

Chính bản thân mình còn không thể gìn giữ được, vẫn phải tuân thủ theo tiến trình thay đổi của sự sinh, già, bệnh, chết huống gì những tiện nghi vật chất bên ngoài làm sao, chúng ta có thể nắm giữ được lâu dài! Cấu trúc của con người gồm có sắc thân, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Năm yếu tố này luôn luôn thay đổi trong từng giây từng phút, không thực sự tồn tại lâu dài và chỉ có ta mê lầm mới muốn nắm bắt và chấp giữ nên tạo ra sự khổ đau.
 
Theo quan niệm của những người bình thường, chúng ta sống ở thế gian này để tìm kiếm sự ăn uống và hưởng thụ vui chơi. Mật ngọt của thế gian này rất nhiều thứ, đủ mọi hình thức để cám dỗ chúng ta. Nào giàu có, tiếng tăm, quyền lực, tình yêu, gia đình, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, nhà cao cửa rộng… Nhưng đến khi ra đi ta phải bỏ lại hết với sự nuối tiếc, vì chẳng đem theo được thứ gì.

Trong suốt một chặng đường dài để tìm kiếm và hưởng thụ ấy, chúng ta có thể gây ra khó khăn, và những khổ đau cho người khác. Khi đã có sự tranh giành, bám giữ, hưởng thụ thì lẽ đương nhiên là phải gây tổn thương cho con người và vạn vật!
 
Ngược lại với thái độ trên là yếu hèn, biếng nhác, chẳng muốn làm gì cả, chẳng muốn phát triển, mở mang và đóng góp. Như con ong chỉ muốn ở trong tổ của mình, không hút nhụy hoa để làm ra mật, để cho các hoa được thụ phấn mà làm ra một mùa trái ngọt.
 
Dân gian có câu: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Chúng ta sống để làm gì? Sống làm sao để cho mình và người khác được hạnh phúc thật sự?
 
Như ong hút mật rồi bay đi
Không làm hại đến hương sắc hoa
Người có hiểu biết chân chính
Luôn vị tha làm lợi ích cho đời.
 
Với người không có hiểu biết chân chính, họ sống là để tham lam, giành giựt chiếm đoạt, để có được nhiều hơn, bất kể mọi người khổ đau như thế nào họ không cần biết, họ chỉ biết rằng họ được ăn trên ngồi trước và nắm quyền sinh sát trong tay. Họ cho rằng đó ân sủng thượng đế đã dành cho họ. Cuộc sống của họ luôn tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mọi người vì quan niệm sai lầm, bởi có một thần linh thượng đế ban phước giáng họa, sắp đặt mọi việc.
 
Nắm lấy, kéo về mình, cất giữ chất chứa là một thói quen xấu do ngu si chấp ngã thấy mình là trung tâm của vũ trụ. Loài người ngay từ nhỏ, khi mới chập chững biết bò, chúng ta cố trườn tới để nắm lấy một đồ vật trước mặt. Nếu nắm lấy được thì bỏ vào miệng không phân biệt dơ sạch. Lớn lên, chúng ta nắm bắt và càng chất chứa nhiều hơn nhờ biết phân biệt.
 
Cuộc sống bình thường của mọi người là vì cái ta và cái của ta. Và ai cũng biết, sự mở rộng của cái ta này rất giới hạn. Ngay cả một quốc gia, cũng bị giới hạn trong biên giới lãnh thổ của mình. Hai quốc gia cùng muốn nắm lấy một miếng đất nào đó, họ cố chấp tranh giành để chiếm đoạt, không ai chịu nhường cho ai, thì sẽ xãy ra chiến tranh.
 
Nắm lấy chất chứa là một thói quen từ sự chấp ngã của một con người. Cũng chính sự nắm lấy này khiến con người bị trói buộc về mặt tâm thức vào đối tượng mình chiếm hữu. Càng nắm giữ và chất chứa nhiều thì sự lệ thuộc, dính mắc bám víu càng nhiều. Cái ta càng được củng cố thì phiền não càng nhiều, sự thất vọng càng nhiều, tổn thương càng nhiều.
 
Chúng ta cũng cần phải hiểu rõ, không nắm giữ không có nghĩa là không có gì hết, không có cả một cái chén để ăn cơm. Chúng ta vẫn cầm cái ly để uống nước, nhưng chúng ta không dính mắc vào nó, khi lỡ làm bể cái ly chúng ta vẫn không tiếc rẻ, bực tức hay nỗi giận.
 
Với người có hiểu biết chân chính, họ đến để học thay vì cai trị, đến để cho, để cống hiến, để làm vun bồi thay vì tham lam chiếm đoạt. Họ đến để làm đẹp cho cuộc đời mà không làm tỗn hại cho ai, như con ong hút tinh chất của hoa, để làm ra mật mà không làm hư hoại đóa hoa.
 
Như chúng ta đã biết ai rồi cũng phải già, bệnh và chết, khi đói bụng thì phải ăn, khi khát nước cần phải uống, ăn uống rồi thì phải xả ra.Chúng ta sẽ thấy rõ bản chất của cái ta ảo tưởng sinh diệt này, bằng cách chỉ cần quan sát sự sinh diệt của ý niệm đến rồi đi, chúng ta không cần xua đuổi khử trừ, không cần bám víu, nắm giữ.

Con người vì si mê lầm chấp, không thấy đúng lẽ thật nên luyến ái thân mạng; chấp thân tứ đại giả hợp cho là ta, là của ta, con ta, tài sản ta, gia đình ta, đất nước ta và ta là trung tâm của vũ trụ nên từ đó có học thuyết ông trời ra đời để ban phước giáng hoạ.

Chúng ta vì thấy thân này là thật nên lúc nào cũng muốn được ăn ngon mặc đẹp, ra sức sắm sửa nhà cao cửa rộng, tài sản tiện nghi, vật chất đầy đủ, xe cộ, tiền của, tôi tớ phục dịch để chứng tỏ đẳng cấp giàu sang. Muốn có được đời sống vật chất đầy đủ như thế chúng ta phải làm việc nhọc nhằn vất vả, phải tính toán công ăn việc làm để tích lũy tiền bạc, của cải vật chất cho nhiều.

Sự tham muốn đó không phải chỉ riêng một ai mà tất cả chúng ta ai cũng muốn được lợi phần mình nên tranh đua, giành giật để được phần hơn. Không ai chịu thua ai mà lúc nào cũng muốn chiếm ưu thế về mình. Đã đi vào trường đời thì phải tranh đua, giành giật nên có kẻ được người mất, kẻ thắng người thua, kẻ thành người bại. Người được thì vui trên sự đau khổ của kẻ khác, còn người mất thì đau khổ vô cùng.

Bám víu vào cái thân này cho là ta, nhưng có bao giờ cái thân này sống hoài đâu, giỏi lắm chừng 80 năm cuộc đời. Trước sau gì nó cũng phải tan rã, vì ai cũng phải già bệnh chết. Vậy sau khi chết, ta sẽ đi về đâu? Vì không hiểu thấu luật nhân quả nên đa số đều cho rằng chết là hết, hoặc chết rồi linh hồn sẽ còn mãi mãi. Đây gọi là "biên kiến", tức là cái thấy nghiêng lệch một bên, không đúng với sự thật.

Trong Phật giáo, có khi nói cái ngã không thật, đôi khi lại còn đề cao cái ngã cho là độc tôn duy nhứt nữa. Như có một truyền thuyết nói: “Trên trời dưới đất, chỉ ta hơn hết, tất cả thế gian, sinh già bệnh chết”. Tại sao cũng đồng là ngã, khi thì nói cái ngã không thật, khi thì lại nói thật. Như vậy kinh Phật có mâu thuẫn và chống trái nhau không?

Đạo Phật ra đời là tùy bệnh cho thuốc, cho nên không có gì chống trái với nhau cả. Chữ ngã là đọc âm hán tự, có nghĩa là tôi, ta, hay mình v.v... Để chúng ta hiểu rõ hơn về chữ ngã, phàm nói ngã phải hội đủ ba yếu tố: “Chủ tể, thường nhứt và tự tại”. Cái ngã mà Phật giáo phủ nhận hay chủ trương vô ngã, đó là chỉ rõ cái ngã do nhân duyên hòa hợp mà hình thành. Đã do nhân duyên hòa hợp, cho nên nó không có chủ tể cố định, không thường nhứt và không được tự tại.

Như cái thân xác mà chúng ta đang mang đây, nhà Phật gọi là cái thân vô thường giả tạm, bởi do năm uẩn kết hợp mà thành. Năm uẩn đó là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc chất tức là thân này thuộc về phần tứ đại, tức gồm có 4 nguyên tố tụ hợp tạo thành. Như đất, nước, gió, lửa. Bốn thứ nầy được kết hợp trong điều kiện nhân duyên cưỡng ép. Chính vì vậy, mà chúng thường chống trái nhau rồi dẫn đến già, bệnh, chết.

Đây là phần kết hợp của thân vật chất. Còn về phần tinh thần hiểu biết, cũng do bốn thứ kết hợp: Thọ, tưởng, hành, thức. Thọ là sự cảm nhận vui hay khổ, hoặc không vui không khổ. Tưởng là nhớ lại những việc đã qua hay tưởng tượng đến những việc sắp đến. Hành là sự suy nghĩ biến đổi từng sát na của dòng tâm thức. Thức là sự phân biệt đúng sai, phải quấy, tốt xấu, hơn thua.v.v...Bốn thứ nầy cấu tạo thành hiện trạng tâm lý tinh thần của một con người. 

Như vậy, mỗi thân thể chúng ta được cấu tạo bởi hai phần: Vật chất và tinh thần. Đã nói là sự hình thành của thân này phải do nhiều thứ hợp lại, tất nhiên có hợp, phải có tan. Chính vì vậy, Phật nói thân này vô ngã có nghĩa là không thật có, có mà không thật.

Nói đến cái ta là chỉ cho chủ thể mạng sống. Nhưng mạng sống có hai: Giả tạm và thường còn. Mạng sống giả tạm là mạng sống còn bị lệ thuộc bởi nguyên lý duyên sinh nhân quả. Còn mạng sống thường còn, thì vượt ngoài nhân duyên đối đãi. Mạng sống thường còn Phật dạy, có nhiều tên gọi khác nhau. Như Chơn ngã, Pháp thân, Phật tính, Niết bàn, Bản lai diện mục, Chơn lý tuyệt đối v.v...

Câu nói: “Trên trời dưới đất, chỉ ta hơn hết, tất cả thế gian, sinh già bệnh chết”. Chữ ngã này là chỉ cho Chơn ngã tức Phật pháp thân, trong nhà thiền gọi là ông chủ thường biết rõ ràng, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế, chớ không phải là cái ngã dính mắc vào ta, người, chúng sinh, thọ giả. Chữ ngã nầy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Từ nhỏ đến lớn, lúc nào ta cũng sống bám víu vào một người nào đó, nếu không có ai xung quanh thì sợ hãi, bơ vơ lạc lõng, bởi thế nên ta phải lấy chồng như bao nhiêu người khác, dù bị chồng hành hạ, chửi mắng, hất hủi, đánh đập cũng không dám bỏ vì sợ sống một mình. Nỗi lo sợ bị bỏ rơi, phải sống một mình là do sự chấp ta và của ta. Ta không thể sống một mình, ta cô đơn, ta buồn tủi giận hờn đủ thứ phiền não, để làm cho cái ta này ngày càng chấp ngã thêm.

Ta là người tu khá vì ta thuộc nhiều kinh, ta tụng kinh hay và giỏi nhất không ai bằng. Ta là người giữ giới trong sạch nhất, còn những người khác đều lem nhem không giữ trọn vẹn được. Ta là người công quả và hổ trợ cho nhà chùa nhiều nhất. Ta cúng dường nhiều cho chùa và thầy, ta được ghi danh vào sổ vàng và được tuyên dương trước mặt mọi người. Ta là người bỏ tiền ra xây chùa to Phật lớn nhất vùng này. Ta là đại thí chủ, là đại gia.

Chùa của ta đẹp nhất, tượng Phật của ta lớn nhất không ai bằng. Ta làm phật sự nhiều, cho nên ai cũng đều biết danh tiếng của ta là số một cúng dường. Thầy của ta giỏi nhất, nổi tiếng nhất không ai bằng. Pháp môn của ta hay nhất, là tối thượng. Ta là một nhân vật quan trọng có tiếng tăm trong nhiều lĩnh vực. Nếu có ai vô ý xúc phạm quyền lợi, danh dự của ta, xem thường ta, chê bai thầy của ta, pháp môn của ta, trái ý ta thì ta nổi giận liền, tạo ra oan gia trái chủ rồi dẫn đến thù ghét mà công kích phá hoại nhau.

Ta ngồi thiền giỏi, ta ngồi lâu hơn nhiều người và nhập định. Ta là người đặc biệt, được truyền y bát, được kế thừa tông môn, được truyền riêng pháp môn bí mật. Nói tóm lại, mỗi khi chúng ta khoe khoang, tức giận, kiêu mạn, khinh người, thì nên biết đó là cái ngã đang tăng trưởng và phình to ra vì có sự thọ nhận. 
 
Tâm hư dối thọ nhận mọi cảm giác khổ vui
 
Đã làm người và được sống, bất cứ ai cũng đều có cảm giác khoái lạc hay khổ đau. Cảm giác có thể sảng khoái hay dễ chịu hoặc không nằm trong hai điều đó. Chúng ta có thể thọ nhận sự dễ chịu hay sảng khoái là tùy thuộc theo đối tượng. Nếu cảm giác bị mất đi do bệnh tật thì con người phải sống đời thực vật mà không biết gì, tức là chúng ta không cảm nhận được sự sảng khoái và khó chịu.
 
Kinh Phật dạy tất cả thọ đều vô ngã, vì nó không thực thể cố định, không phải là ta, là của ta, chủ yếu là do sự tác động của đối tượng mà có cảm thọ dễ chịu hay khó chịu. Có những trường hợp không khó chịu cũng không khoái lạc, ta gọi là thọ xả.
 
Trong từng phút giây phát sinh đủ thứ cảm giác liên tục bởi sự tác động của sự dễ chịu hoặc khó chịu hay không nằm trong hai trường hợp đó. Ba loại cảm giác này phát sinh liên tục không có lúc nào dừng nghỉ tùy theo sự tác động đối tượng qua môi trường sống của chúng ta hằng ngày. Đang khát nước bởi ánh nắng oi bức của buổi trưa hè, được uống một ly nước cam, ta sẽ cảm nhận sự dễ chịu của nó qua hương vị ngọt ngào.
 
Trong tình yêu người ta thường thọ nhận cảm giác khoái lạc qua nhịp đập của trái tim, nên cuộc sống của chúng ta đương nhiên là phải hưởng thụ, nhưng càng hưởng thụ nhiều và luyến ái vào nó, chúng ta sẽ bị nghiện các cảm giác khoái lạc đê mê mà trở nên tham đắm và ghét bỏ.

Cái gì đến với ta mà ta nhận gọi là thọ, khi chúng ta thọ nhận sẽ đưa đến luyến ái và dính mắc vào đó muốn gìn giữ mãi. Ngày xưa có ông Phạm chí Trường-Trão là cậu ruột của Tôn giả Xá-lợi-phất. Ông này rất thích biện luận ngay khi còn nhỏ.

Một hôm ông biện luận với người chị của ông lúc ấy đang mang thai Xá-lợi-Phất và ông biện luận không lại bà chị. Ông nghĩ rằng những lần trước chị ta biện luận thua ta, nay chị ta biện luận hơn ta thì có lẽ lần này là do cái bào thai trong bụng tác động đến chị. Bây giờ ta thua chị chưa xấu hổ mấy vì ta là em, nhưng mai sau này mà thua cháu nữa thì xấu hổ biết mấy!

Ông cảm thấy hổ thẹn nên bỏ nhà ra đi, tầm sư học đạo để sau này trở thành người biện luận giỏi nhất thiên hạ và phải làm sao biện luận hơn người cháu của mình mới được.

Ông đi từ xứ nọ đến xứ kia để tìm thầy học. Người ta hỏi ông muốn học gì? Ông nói: Tôi muốn học hết tất cả kinh sách trong đời. Người ta bảo: Ông nói khoác, suốt đời ông học một bộ kinh đã được chưa mà nay bảo sẽ học hết kinh sách. Ông ta bực mình nói: Tôi ở nhà biện luận thì thua chị, đến đây thì bị mọi người châm biếm, chỉ trích.

Ông bắt đầu kể từ đó, học đến nỗi không có thì giờ cạo tóc, cạo râu, cắt móng tay. Vì thế người ta gọi ông là Phạm chí Trường-Trão có móng tay dài và râu tóc luộm thuộm.

Sau khi học xong ông tự thấy mình có khả năng biện tài vô ngại, không ai có thể đủ sức tranh luận với ông, ông bèn trở về nhà thăm chị và hỏi người cháu đó ở đâu. Bà chị bảo: Con tôi cháu cậu đã đi theo tu học với Sa môn Cù-đàm rồi. Ông hỏi: Sa môn Cù-đàm là người nào mà có thể làm cho cháu ta khuất phục mà nhận làm thầy, cháu ta là một người thông minh, tài giỏi từ khi còn trong bào thai?

Ông bèn đi tìm Xá-lợi-Phất. Khi đến chỗ Phật, ông nghĩ: Ông này đã thuyết phục được cháu ta làm đệ tử, chắc không phải là tay vừa. Bây giờ ta có nói gì chắc cũng sẽ bị bác bỏ, tức còn có ngôn ngữ luận bàn là còn quá dỡ. Nghĩ vậy, ông ta sẽ nói là không lãnh thọ gì hết.

Ông đến nơi gặp Sa môn Cù-đàm và nói rằng: Này Cù-đàm ông có biết không, tất cả pháp, tôi đều không thọ pháp nào cả. Không ngờ Phật hỏi lại: Vậy cái nhất thiết pháp chẳng thọ đó, ông có thọ không? Ông nghĩ: Bây giờ nói thọ thì mâu thuẫn quá, vừa mới nói không thọ đó mà bây giờ bảo có thọ làm sao được. Ông bèn trả lời không thọ. Phật nói: Ông không thọ thì ông cũng như bao nhiêu người khác, chứ ông có gì đặc biệt đâu mà ông tự kiêu hãnh, đến đây để biện tài tranh luận?

Như vậy, nếu chúng ta còn thọ một cái gì, còn chấp một cái gì là còn bị trói buộc, mê lầm vì còn chấp ngôn ngữ. Chính vì vậy, khi có tu học chúng ta sẽ thấy rõ ràng tất cả thọ đều vô ngã.

Phật dạy: Tất cả thọ đều vô ngã, Chúng ta hay bị kẹt vào cảm giác, cho dù cảm giác đó mang đến cho ta sự vui vẻ hạnh phúc hay khổ đau tột cùng. Cảm giác sảng khoái chúng ta gọi là thọ lạc, cảm giác khó chịu chúng ta gọi là thọ khổ và cảm giác không sảng khoái hay khó chịu chúng ta gọi là thọ xả.
 
Cuộc sống của chúng ta đủ thứ cảm giác do ta thọ nhận không ngoài ba thứ: Thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ không vui. Do chúng ta bám víu và thọ nhận vào cảm giác khoái lạc, nên ta chìm đắm trong cảm giác đó mong mỏi được bền bỉ và lâu dài, ngược lại khi chúng ta thọ nhận sự đau khổ ta cứ ghim gút nó vào lòng mà không tự thọ xả.
 
Chúng ta thường xuyên làm việc thiện lành tốt đẹp thì hay có cảm giác sảng khoái nhiều hơn người làm việc xấu ác. Người làm việc ác mà cảm thấy thỏa mãn là thứ cảm xúc vô cảm, loại người này luôn làm tổn hại nhân loại.
 
Một người đến chửi mắng ta, ta có cảm giác bực tức và khó chịu, cảm giác này phát sinh bởi do chấp trước có cái thân này là thật ngã nên ta đùng đùng nỗi giận tìm cách trã đũa người đó. Chúng ta thường phân biệt giữa thiện và ác nhiều hơn mà không chú ý đến thọ xả, do đó ta sẽ thấy vui khi có cảm giác dễ chịu và sẽ thấy ghét khi có cảm giác khó chịu.
 
Một vị tu sĩ được nhiều người tôn trọng, cung kính ái mộ và nên người đó cảm thấy hạnh phúc vì được nhiều người tán thán, nhưng cảm giác hạnh phúc này chính là sự tự hào hãnh diện về mình. Cùng một thọ khổ và thọ lạc với một đối tượng, chúng có thể mang lại cảm giác sảng khoái hay khó chịu khác nhau.
 
Chúng ta chính niệm tỉnh giác về thọ để không bị tham đắm và dính mắc vào đó mà tạo ra sự khổ, Phật dạy pháp quán cảm thọ trong cảm thọ để chúng ta thấy rõ các cảm giác buồn, vui, thương, ghét… chỉ là do sự chấp trước của chúng ta mà thôi.
 
Trong hạnh phúc có xen lẫn sự đau khổ, trong đau khổ có hạnh phúc và chẳng có gì thật sự gọi là đau khổ hay hạnh phúc cả, tất cả đều do ta chấp trước mà tạo ra sự khổ vui.
 
Tâm tham lam như giếng sâu không đáy

Lòng tham con người như giếng sâu không đáy không bao giờ biết chán, biết đủ, biết dừng. Người có quyền cao chức trọng thì lợi dụng chèn ép, bóc lột kẻ dưới. Người không được thì tìm cách trộm cướp, lường gạt của người khác. Kẻ bần cùng thì oán trời trách đất, oán ghét xã hội, bạn bè, người thân.

Có nhiều gia đình cha mẹ vừa nằm xuống thì trong nhà anh em ruột thịt đã tranh nhau đòi chia gia tài, so bì với nhau từ lằn ranh bờ đất, chửi bới thưa kiện nhau ra tòa để giành của về mình. Anh em ruột thịt còn như thế thì huống chi là người dưng nước lã, làm sao có thể thương yêu giúp đỡ nhau bằng tình người trong cuộc sống.
 
Người có tiền của còn tham như vậy thì nói gì đến người nghèo khổ, thiếu trước hụt sau. Trong cảnh túng quẫn có khi họ phải ăn trộm, cướp giật, lường gạt của người khác. Người phật tử chân chính phải biết tạo dựng cho mình một đời sống trong sạch, miễn sao có miếng ăn thức uống vừa đủ mà trau dồi đạo đức tâm linh; biết nhường cơm xẻ áo, nhín ăn bớt mặc để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trên tinh thần của ít lòng nhiều.
 
Người thế gian trước tiên muốn thỏa mãn tiền bạc của cải rồi mới đến sự quyến rũ của sắc đẹp. Sắc đẹp cũng là vị ngọt mà cũng là vị đắng. Nó là một thứ men say tình ái khiến con người phải đam mê, thích thú, đắm say. Sự mến luyến khoái lạc cảm giác rồi mơn trớn, vuốt ve đã làm đại đa số anh hùng hào kiệt đều chết dưới lỗ chân trâu.
 
Tai hại của lòng đam mê sắc dục làm biết bao người phải hao tài tốn của, tán gia bại sản. Hạnh phúc gia đình đổ vỡ cũng vì sự tham muốn quá đáng mà vợ chồng gây gỗ, đánh đập nhau vì ghen tuông, hờn mát.
 
Tình chồng nghĩa vợ bấy lâu bị mất mát, đổ vỡ có thể làm con người ta đau khổ đến tột cùng. Lòng khát ái của con người không bao giờ biết đủ vì họ không bao giờ thấy thỏa mãn trong cuộc tìm kiếm, săn đuổi tình yêu; cũng giống như người khát nước mà uống nước muối nên càng uống lại càng khát. Họ cứ đi tìm những thụ hưởng cảm giác mới lạ có tính cách dị hợm, thậm chí có một số nước họ chơi trò đổi vợ qua lại để tạo thú vui thấp hèn, trụy lạc.
 
Tâm tham tức là tham lam mong muốn quá đáng. Chúng ta hãy nghĩ rằng có được đầy đủ tiện nghi vật chất là hạnh phúc lâu dài, nên ta luôn tìm cách chiếm đoạt. Như chúng ta đã biết, dù biết rằng những ước muốn quá xa rời, không thực tế, nhưng chúng ta vẫn cố tìm mọi cách trong vô vọng. Người tham lam, tính hay để ý dòm ngó, rình rập những gì họ ưa thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở và làm sao có đầy đủ phương tiện về mọi mặt…
 
Từ tham lam dẫn đến tham vọng rồi từ đó họ bày mưu lập kế, để tìm kiếm cho được những gì họ ưa thích chẳng cần biết là thiệt hại cho ai, nên tục ngữ có câu: "Bể kia dễ lắp, túi tham khó đầy". Tham cho mình, rồi tham cho gia đình người thân và tham cho cả quốc gia, xã hội của mình. Tham vọng bắt nguồn từ sự tâm tham cầu quá đáng, nên nó khiến cho ta đau khổ, vì được thì phải gìn giữ sợ mất mát, không được thì phiền muộn khổ đau.

Khi chúng ta thấy cái gì vừa ý như sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, lợi dưỡng thì ưa thích, luyến ái, muốn chiếm hữu, đó gọi là "tham", tham lam, tham vọng hay tham cầu. Lòng tham không có đáy, cho nên ta tham cho mình chưa đủ, tham luôn cho gia đình người thân của ta, rộng đến là tham cho đất nước của ta. Cũng vì tham lam mà làm cho ta ăn không ngon, ngủ không yên, đầu óc lúc nào cũng phải lo nghĩ, tính toán làm sao vơ vét về cho mình thật nhiều.

Nhiều người đi tu rồi để tìm sự giác ngộ, giải thoát mà vẫn để lòng tham ngự trị dưới hình thức vi tế hơn, như thích có chùa to Phật lớn, thích nhiều người tôn kính cúng dường, thích có nhiều đệ tử, thích được nhiều người biết đến, ham thích các địa vị chức sắc trong giáo hội.

Tham có nhiều trạng thái được biểu hiện qua sự: ưa, thích, yêu, thương, ham, muốn, thèm, khát. Khởi đầu là ưa, rồi từ từ tới thích. Nếu đối tượng là người thì dẫn tới yêu thương rồi luyến ái chấp giữ. Nếu đối tượng là đồ vật thì tham lam muốn chiếm đoạt. Khi tham muốn nhiều thì trở thành thói quen mà sinh ra thèm. Thèm quá thì thành ra có khát khao, tức là không có thì không thể chịu đựng được hay còn gọi là nghiện.

Cũng vì tham vọng, tham cầu quá đáng mà con người tranh giành xâu xé cướp bóc giết hại lẫn nhau, gây đau thương tang tóc cho nhiều người. Tham là một loại phiền não, không những có hại cho mình trong hiện tại mà còn có hại cho mình trong tương lai và còn liên lụy đến nhiều người khác nữa.
 
Những người có quyền cao chức trọng, thường có tham vọng rất lớn và họ là những người có ý chí, nên dễ dàng làm nên việc lớn. Chính chỗ tham vọng đó mà xã hội mới tiến bộ và phát triển, những kẻ an phận thủ thường không bao giờ có địa vị cao trong xã hội.
 
Có hai loại muốn mà ai cũng có thể bị nó chi phối là tham muốn và mong muốn. Tham muốn là sao? Là nhất quyết muốn cho bằng được, nếu không được thì bất mãn, tức tối khó chịu, phiền muộn giận dỗi phát sinh tìm cách chiếm đoạt. Do đó tham muốn càng nhiều thì càng phát sinh các thứ phiền não, vì tham muốn mà không được như ý, nếu được thì tham càng thêm tham, nếu tham không được thì sinh ra giận hờn khó chịu, tìm cách trả thù.
 
Mong muốn có nghĩa là mong cầu, ước mơ, nếu có cũng được, không có cũng không sao. Tham muốn và mong muốn khác nhau ở chỗ đó, một đàng muốn cho bằng được, nếu không được thì nỗi giận oán hờn tìm cách trả đủa và quyết tâm chiếm đoạt về cho mình, nên bất chấp luân thường đạo lý có khi cũng phải giết người để thỏa mãn lòng tham muốn của mình. Trong cuộc sống này chúng ta có quyền ước mơ mong muốn, chớ đừng nên tham muốn quá đáng mà làm khổ đau cho nhau.
 
Như chúng ta đã biết, ít ai trong cuộc đời này mà không tham muốn. Có sự sống là có tham muốn, nhưng tham muốn nhiều hay ít là tùy theo sở thích của mỗi người mà thôi. Tham có nghĩa là tham lam ích kỷ, nhỏ mọn, làm cái gì cũng muốn đem về cho riêng mình, dù có của dư thà để đó mục nát, chứ không dám đem ra giúp đỡ cho ai hết.
 
Khi tham lam khiến con người ta suy nghĩ, nói năng, hành động một cách độc tài để làm thế nào vơ vét về cho mình hay đất nước mình thật nhiều. Hiện tượng này ngày nay đã tràn lan khắp các nước cường quốc, do đó mà chiến tranh cứ tiếp tục tái diễn hoài không bao giờ có hồi kết thúc. Cá lớn nuốt cá bé đó là chuyện đương nhiên, con người cũng lại như thế khó bao giờ bằng lòng với những gì đã có trong hiện tại.
 
Có nhiều người làm lụng, vất vả để có thật nhiều tiền mà không dám tiêu xài hay giúp một ai khi cần thiết, họ chỉ chủ yếu mong mọi người biết đến mình là người giàu có! Họ sắm xe hơi đắt tiền mà không dám chạy, chỉ trưng bày cho nhiều người xem để chứng tỏ đẳng cấp giàu sang của mình.
 
Chúng ta chỉ muốn thu về cho riêng mình, những gì thuộc quyền sở hữu của kẻ khác, đó là ta đánh mất đi tình thương yêu nhân loại, kẻ mê mới hành xử như thế, chúng ta hãy cho đi đến tận cùng để được sống chan hòa với trái tim hiểu biết, bằng tình người trong cuộc sống.

Còn nữa...

Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm