Thiền sư ở đâu...
“Thiền sư ở đâu”. Một cái tựa không cần dấu chấm hỏi. Hỏi mà không hỏi. Hỏi cũng đâu để làm gì. Bốn chữ đã như một con đường. Nhưng không phải con đường đi tìm. Mà chỉ xác quyết một tâm thế, bản ngã của người viết cuốn sách này.
>>Những cuốn sách Phật giáo nên đọc
Non nửa đời người tôi vẫn chưa tìm thấy Ngài. 14 tuổi, ngày ông nội tôi mất, thầy đã đến. Thầy đã tụng kinh cầu siêu và tiếp dẫn hương hồn ông nội tôi về với thế giới cực lạc:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán...
Đại ý tất cả pháp hữu vi đều như mộng, huyễn; như bọt, bóng; như sương, như ánh chớp. Hãy quán chiếu như thế. Lời bài kệ sâu xa mà thầy đã xướng lên trong nghi lễ cầu nguyện cứ vang vọng níu gọi tôi về một nơi nào đó thật vô định. Mãi sau này tôi mới biết bài kệ ấy là 4 câu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kinh Kim Cang.
Một ngày đang học lớp 6, tôi về nhà thắp 3 cây hương lên bàn thờ Phật và nói với ba mẹ: "Cho con đi theo ngài". Ba mẹ tôi chỉ là nông dân Phật tử thuần thành, chỉ biết tin Phật. Trước chí nguyện của tôi, ba mẹ chẳng biết phải quyết định như thế nào. Họ lặng thinh. Và rồi một ngày mùa đông giá rét, tôi đã chạy theo sư cô Thích nữ Nhật Tân, người o của tôi, đang tu trong một ngôi chùa sư nữ ở thị xã Tam Kỳ. Sư cô Nhật Tân dẫn tôi về bái sư với ông Pháp Hải (Hòa thượng Thích Đức Tâm, trú trì chùa Pháp Hải) nằm trên Cồn Hến giữa sông Hương. Nhìn mặt tôi, ông Đức Tâm nói: "Thầy già rồi, không nhận đệ tử. Cha già nuôi con muộn, mai này nhắm mắt để con cái bơ vơ. Tội!".
Hai cô trò vượt đò ngang Cồn Hến, ngược lên tổ đình Trúc Lâm (thuộc xã Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) để tìm gặp ôn Trúc Lâm (Hòa thượng Thích Mật Hiển). Hòa thượng Thích Mật Hiển là bổn sư của cả gia đình tôi, từ ông nội đến con cháu sau này. Ông là người nổi tiếng với nhiều giai thoại. Người ta kể rằng, ông rất giỏi trừ tà. Nhiều người bị bệnh điên, đưa tới, ông chỉ cần tát vài tát tai là về nhà khỏi bệnh. Ông cũng là người duy nhất trong giới chức sắc giáo phẩm tự lái "xe Huê Kỳ". Trước 75 nhiều người gọi chung các dòng xe nhập từ các nước phương Tây là xe Huê Kỳ, thực ra chiếc xe của ông là xe Toyota, Nhật Bản. Sau giải phóng, loại xe này không ai dám đi vì sợ bị nói còn theo Mỹ. Ông là Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng là thành viên của UBMTTQVN tỉnh TT- Huế nên không ai dám có ý kiến với ông. Một lần, từ chùa Trúc Lâm, ông lái xe về tỉnh họp. Giữa đường cảnh sát giao thông thổi còi, hỏi giấy tờ. Ông dừng xe bước ra, không nói không rằng, đi bộ một mạch mấy cây số về trụ sở UBND tỉnh.
Ông vừa đi, mấy chiến sĩ cảnh sát giao thông vừa chạy theo, "van" ông trở lại lấy xe nhưng ông im lặng đi tiếp. Sau khi họp xong, xe tỉnh đưa ông lên lại chùa. Mấy ngày sau, lãnh đạo công an lái xe lên trả lại cho ông và xin lỗi. Ông cười hiền: "Tau gấp việc nên bỏ đi chớ có chi mô mà bây xin lỗi xin phải". Giai thoại về ông thì nhiều lắm, kể cả ngày cũng không hết. Với thiền môn xứ Huế, ông là người được người đời tôn xưng là Thiền sư. Từ đó đến nay, chưa thấy ai được gọi là thiền sư nữa cả.
Lại nhớ chuyện hai cô trò lên Trúc Lâm, nhưng ngồi chờ từ buổi trưa đến buổi chiều và rồi trời chạng vạng tối vẫn chưa thấy ônga từ phòng bước ra. Tăng chúng, thị giả thì chẳng ai dám vào thưa. Cuối cùng, sư cô Nhật Tân an ủi tôi: "Thôi mình về con hè. Chắc con không có duyên nên ông không gặp đó". Không gặp được ông, lòng tôi lại càng quyết tâm phải tìm sư học đạo. Và cuối cùng tôi cũng đã gặp được thầy, một nhà sư trẻ xuất thân từ Phật học viện Báo Quốc vừa ra lập một ngôi chùa nhỏ trên đường Phan Bội Châu, thành phố Huế để xiển dương đạo pháp.
Thầy đón nhận tôi như một mối duyên tiền định. Vừa gặp lần đầu thầy đã giữ tôi ở lại chùa luôn không cho về nhà. Thầy nói: "Nhất dạ sinh bá kế, về nhà rồi hắn đổi ý không đi tu nữa thì uổng". Ở với thầy mười năm ròng rã, nhưng tôi vẫn chẳng thể nào gột bỏ được vô minh. Vẫn mê gái đẹp, vẫn ham uống rượu và thích thơ phú. Tuổi hai mươi của đời người, hầu hết ai cũng nhiều lý tưởng và tính tự ngã rất cao. Tôi học đại học văn khoa Huế và tiếp thu tri thức xã hội, nên thú thật nhiều lúc thấy thầy mình quá cổ hủ. Thầy chê mọi sách vở kiến thức ở đời đều là rác rưởi, vì chỉ làm cho con người thêm khổ đau. Chỉ có kinh Phật mới là con thuyền đưa chúng sanh đến bờ giải thoát. Vì ngu muội, vô minh mà tôi đã xung khắc với thầy. Mâu thuẫn đến cực điểm và tôi đã trả lại cà sa, y bát cho thầy để trở về với cuộc đời. Nhưng sau khi đã từ giã thầy ra đi, từng đêm ngủ tôi vẫn thức giấc bàng hoàng nhớ đến tiếng kinh kệ từng thời công phu. Nhớ tiếng chuông mỗi sớm mai thức dậy. Tôi tự dặn mình, cuộc đi tìm thiền sư của tôi vẫn chưa kết thúc.
Tôi có vài bạn hữu cùng chí hướng thời còn theo thầy học đạo. Khác với tôi họ vẫn ở lại chùa, vui với cảnh tương bần bên cửa Phật. Cuộc đời kể cũng lạ, có nhiều buổi chiều, khi đã xong một ngày với bao áp lực công việc, tôi thường chạy xe như quán tính. Khi xe dừng lại, nơi tôi đến không phải là nhà mà đó là chùa. Nơi ấy, bạn tôi vẫn còn kiên trì với con đường mây trắng.
Chùa bạn tôi có một dãy tăng phòng được xây thành chữ L và ở góc đất trống sau vườn có trồng cây trần bì và vài cây vả. Tôi đến với bạn từ khi cây mới được trồng xuống đất và bây giờ nó đã vươn cao che kín cả góc vườn. Dãy tăng phòng với những người xưa cũ ấy vẫn còn y nguyên. Hai nhà sư trẻ bạn tôi ở hai bên, còn vị sự già-bổn sư của họ ở căn phòng chính giữa. Thầy là trụ trì, nhưng từ hàng chục năm rồi, thầy đã phủi tay áo, giao lại mọi chuyện trong chùa cho đệ tử. Đều đặn hàng chục năm nay, mỗi sáng thầy đều dùng một gói mì chay, hai bữa còn lại là cơm rau bình dị mà đệ tử dâng lên. Có gì thầy dùng nấy, không khen ngon mà cũng chẳng bao giờ chê dở.
Tôi gặp thầy từ khi thầy còn khỏe. Mỗi chiều, thầy thường cầm chổi quét rác dọc tuyến đường Phan Bội Châu dài gần cả cây số. Thời ấy, tuyến đường này còn thưa thớt nhà dân và chưa được thảm nhựa như bây giờ. Mỗi lần đi học về, thấy thầy quét rác, chúng tôi chấp tay cúi chào. Thầy thường không nói, chỉ mỉm cười đón nhận. Nhưng có hôm cao hứng, thầy cầm cán chổi gõ lên đầu chúng tôi rồi nói: "Đi học răng tau gõ không có chữ mô trong đầu văng ra hết rứa mi?". Chẳng hiểu thầy muốn nói gì, chúng tôi chỉ biết vâng dạ rồi về chùa.
Trở lại chùa, bạn tôi vẫn ở căn phòng chung bức tường với thầy. Nay thầy đã gần trăm tuổi. Suốt ngày thầy chỉ sống một mình trong phòng và hình như thế giới của thầy cũng cô đọng lại bên góc chùa có cây trần bì xanh tốt. Bạn tôi nói: "Ông chừ vui lắm. Nói chuyện một mình cả ngày như trong phòng đông người lắm vậy. Gần trăm tuổi rồi mà chưa có khi mô đau ốm. Cả đời chưa đi bệnh viện lần mô cả. Chừ ông còn cầm cái ghế đưa lên một tay như thanh niên".
Ngồi uống trà với bạn bên thư phòng, thỉnh thoảng tôi nghe ông độc thoại một mình. Lần nào tôi cũng chỉ nghe duy nhất một câu: "Đời sung sướng rồi, phong kiến hết rồi, cách mạng cũng thành công rồi, còn chi nữa mà lo...". Chẳng biết ông đang nói về chuyện gì và muốn nói với ai. Mắt không còn nhìn thấy rõ, nhưng chuyện gì ôn cũng biết. Từ sau khi tôi cởi bỏ áo cà sa, nhiều phật tử, kể cả các bậc cao tăng... gặp lại ai cũng nhớ nhớ, quên quên. Thế nhưng, có lần tôi ghé chùa thấy ông đứng ở cửa. Tôi chấp tay chào ông như ngày xưa đi học về thấy ông vẫn thường chào: "A Di Đà Phật!". Tôi vừa chào xong, ông đã nói: "Mi đó à Long? Bữa ni răng mi?" Nói rồi ông lấy tay nện lên vai tôi một phát rất mạnh. Cử chỉ đó làm tôi nhớ lại thời còn đi học bị ôn gõ cán chổi vào đầu. Một hơi ấm lạ thường chạy qua cơ thể. Rõ ràng đã hai mươi năm rồi nhưng cảm giác giữa ông với tôi chẳng có gì khác cả, dù bây giờ ông đã không còn nhìn bằng mắt.
Rồi cây trần bì trước phòng ông lại ra hoa. Hôm nọ tôi ghé phòng bạn uống trà. Từ phòng ông, tôi lại nghe tiếng vọng ra: "Trần bì! Trần bì! Mi lại ra hoa đó à?". Bạn bảo: "Ông nói câu nớ mười năm rồi"...
Tôi mơ hồ đã tìm thấy thiền sư. Một ý thơ chợt đến, tôi vội viết ra giấy:
Lên chùa không thấy Phật
Xuống núi chẳng thấy tình
Hỏi sư, sư không nói
Hỏi Bụt, Bụt làm thinh
Không lên chùa tìm Phật
Chẳng xuống núi gọi tình
Phật và Em nhất thể
Chỉ mình ta vô minh
Không Sư không Phật nữa
Ta cứ đi một mình
Mai về bên Cực lạc
Cười một tràng Tâm kinh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vừa nhặt thóc vừa hót líu lo
Sách Phật giáo 07:16 23/11/2024Có cuốn sách nhỏ gọn, rất phù hợp để giới thiệu trong một sáng cuối tuần thế này - “Vừa nhặt thóc vừa hót líu lo” của tác giả Vân Nguyễn (Nxb Phụ nữ Việt Nam).
Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật
Sách Phật giáo 16:32 20/11/2024Phật pháp là những giáo lý cao cả mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại cho chúng ta đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và những bài học vô cùng sâu sắc cho nhân thế.
Vì sao nên đọc "Logic học Phật giáo"?
Sách Phật giáo 16:23 16/11/2024Đại đức Thích Vạn Lợi, đại diện Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm - đơn vị liên kết NXB Dân trí ấn hành cuốn sách "Logic học Phật giáo" cho biết đây là một nội dung lớn trong hệ thống triết học Phật giáo.
Nhà sư Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche ra mắt sách "Độc hành"
Sách Phật giáo 21:01 14/11/2024Nhà sư và học giả Phật giáo Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách "Độc hành" và triển lãm cùng tên với các bức ảnh ông chụp, sáng 14/11 tại Hà Nội.
Xem thêm