Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 13/02/2019, 09:35 AM

Ra mắt 2 cuốn sách quý nhân khai mạc Lễ hội chùa Hương Xuân Kỷ Hợi 2019

Nhân dịp khai hội chùa Hương mùng 6 Tết xuân Kỷ Hợi, tại Nhà Triển lãm sân Thiên Trù, TT.Thích Minh Hiền và Ts Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu và ra mắt hai cuốn sách Phật giáo quý hiếm.

Thu qua, đông lại, xuân về. Cứ vậy, từ hàng trăm năm nay, con nước đầu nguồn suối Yến cứ lặng lẽ chở thời gian đi và dòng người cứ vậy tấp nập về với Chùa Hương, Thánh địa Phật giáo Việt Nam. Sáng mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, Lễ hội Chùa Hương năm 2019 chính thức khai hội tại sân chùa Thiên Trù, khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Ngay sau lễ khai mạc, tại phòng triển lãm, Thượng tọa Thích Minh Hiền và TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà đã thay mặt BTC giới thiệu và cho ra mắt 2 cuốn sách đặc biệt “Chùa Hương xưa nay” và “Murals of Tibet – Tranh bích họa Tây Tạng”.

Tham dự lễ ra mắt sách có sự tham gia của bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội;  ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Ban Ngành Trung ương, Hà Nội, huyện Mỹ Đức và quý Thượng tọa, Đại đức, tăng ni cùng ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương và quý Phật tử, du khách thập phương, bạn đọc.

Theo sự giới thiệu của TS Nguyễn Mạnh Hùng, sách “Chùa Hương xưa nay” được xuất bản song ngữ Anh Việt và là tác phẩm quý với nhiều bức ảnh lần đầu tiên được công bố. Sách cũng đặc biệt với tên “xưa nay’ không có từ “và” như thường lệ bởi ban biên tập muốn xưa và nay kết nối thành một, bởi Tùng Lâm Hương Tích không phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai. Thiết kế bìa sách, 2 từ xưa và nay cũng kết nối thành một.

Các bức ảnh quý được trình bày trong sách làm 3 phần với 3 giai đoạn lịch sử: từ 1927 đến 1960; từ 1961 đến 1999; từ 2000 đến nay.  

TS Hùng cho biết, sau một thời gian dài nhiều năm tháng nghiền ngẫm về các tư liệu lịch sử tại các trung tâm lưu trữ, các thư viện tại Việt Nam và các thư viện của cộng hòa Pháp, tháng 6 năm 2017, Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Tùng Lâm Hương Tích và quý thầy đã đến viện Viễn đông Bác cổ EFEO và đã nhận được rất nhiều tư liệu quý hiếm về chùa Hương từ những năm 1890. Rồi từ đó, những bức ảnh giá trị về phong cảnh, kiến trúc, chư tiền Tổ của thánh tích Hương Sơn từ năm 1927 đã được tìm thấy. Những bức ảnh đặc biệt này đã được tặng cho Thượng tọa Thích Minh Hiền và chùa Hương để đưa vào phần 1 của sách “Chùa Hương xưa nay”.

Phần 2 cuốn sách là những tác phẩm trong giai đoạn từ 1961 đến nay do chính Thượng tọa trụ trì Tùng Lâm Hương Tích sáng tác. Những tác phẩm rất nghệ thuật và ý nghĩa được Thầy ghi lại trong quãng thời gian mà máy ảnh chưa phổ biến, bao khó khăn chồng chất. Quý khách ngắm ảnh và đã thật sự trầm trồ.

Những tác phẩm của giai đoạn cuối từ năm 2000 đến nay do thầy Thích Đạo Khôi, học trò của Thượng tọa Thích Minh Hiền và các đệ tử khác của Thầy trực tiếp sáng tác.

Sách “Chùa Hương xưa nay” trình bày 160 ảnh mầu và đen trắng trong gần 100 năm nay, từ 1927 đến 2018, từ phim 6 x 6 đến phim 3 x 4, từ phim negative đến digital. Sách do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS GHHPG Việt Nam, Trưởng Ban trị sự GHPG Hà Nội viết lời phi lộ, tiến sỹ Phật học Mai Lâm chuyển ngữ sang tiếng Anh.

Sau khi Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu sách, Thượng tọa Thích Minh Hiền đã mừng tuổi sách quý này cho các quan chức và khách mời tham gia lễ ra mắt sách.

Ngay sau đó, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu cuốn sách vô cùng đặc biệt thứ 2 “Trang bích họa Tây Tạng” với tên gốc tiếng Anh là “Murals of Tibet”. Sách là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Laird được nhà xuất bản TASCHEN cửa Đức xuất bản. Theo TS Hùng, đây là ấn phẩm đầu tiên và duy nhất có kích thước cực đại (SUMO) với kích thước 50 x 70 cm, dày 498 trang được chia làm 6 phần và nặng 33 kg.

Nhà xuất bản Taschen và tác giả Thomas Laird chỉ in tổng cộng có 998 bộ, mỗi bộ gồm 2 tập, gồm 1 cuốn sách ảnh khổ lớn và một cuốn nhỏ dày 528 trang với hình ảnh minh họa kèm theo lời chú giải của học giả. Điểm rất đặc biệt nữa là từng cuốn sách là đã được ký trực tiếp bới Đức Dalai Lama thứ 14.

Điểm khách biệt và thú vị rằng mỗi bộ đều được trang bị kèm theo một giá để kê sách làm bằng từ gỗ của cây trúc do kiến trúc sư Shigeru Ban người Nhật thiết kế. Ấn phẩm có kích thước cực đại này là tập hợp những bức bích quý giá nhất còn sót lại của nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng.

TS Hùng cho biết, trong suốt hơn một thập kỷ qua, nhiếp ảnh gia Thomas Laird đến Tây Tạng chụp ảnh, trình bày, biên soạn lại cho thế giới kho tàng lưu trữ đầu tiên những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng. Một số bức bích họa được vẽ trên tường với độ cao lên tới 10 mét được chụp lại với độ phân giải như thật.

Ấn phẩm này là một bộ sưu tập hoàn chỉnh, bao gồm đầy đủ tất cả các bức bích họa còn sót lại với các chi tiết phong phú, khiến người được chiêm bái có khả năng chìm đắm trong những kiệt tác quý giá và hết sức phi thường này. Những kiệt tác đầy ngạc nhiên và bí ẩn này không chỉ được đánh giá cao bởi màu sắc rực rỡ của nó mà con bởi độ phân giải y như thật.

Trong sách có những bức ảnh in khổ rộng 2 mét chiều rộng và 70 cm chiều cao. Nhiều bức rộng 1,5 mét và cao 70 cm. Trong sách có những bức được mạ vàng thật. Rất đẹp và sống động. Đây là những cuốn sách đầu tiên tiên trên thế giới được mạ vàng trong những trang sách, những bức bích họa.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu rằng lần đầu tiên cuốn “Những bích họa của Tây Tạng” do TASCHEN giới thiệu đã hé lộ với thế giới những kiệt tác hàng ngàn năm tuổi. Đây là những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo rất đáng kinh ngạc và chưa từng được công bố từ trước tới giờ. TS Hùng cũng đã giới thiệu với các quan khách và bạn đọc rằng cuốn sách “Murals of Tibet” là cột mốc và là di sản của thế giới, những bức bích họa quý giá nhất này lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng và đó là những gì còn sót lại của nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng.

Sự kiện đích thân Đức Đạt Lai Lạt Ma lần thứ 14 trực tiếp ký trên từng cuốn sách trong tất cả 998 ấn bản giới hạn này được giới nghiên cứu và chuyên gia đánh giá rất cao. Bộ sách mà quý quan khách và bạn đọc được chiêm bái tại Tùng Lâm Hương Tích là bộ sách số 520 trong số 998 bộ.

TS Hùng cũng nhấn mạnh rằng mỗi ấn bản “Murals of Tebet” là một tác phẩm nghệ thuật hiếm có, một tượng đài cao quý về văn hóa Phật giáo với nền nghệ thuật và khoa học đương đại. Mỗi cuốn sách như là sự gia trì từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 gửi tới các học giả, những người hâm mộ văn hóa Phật giáo Tây Tạng cũng như các hành giả Mật giáo, những người đang thưc hành các pháp tu thiền chỉ hoặc thiền quán.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã giới thiệu danh sách một số chùa nổi tiếng tại Tây Tạng được chọn đưa vào sách. Đó là:

1, Chùa Drathang được thành lập vào năm 1080 trên bờ phía nam của sông Yerlung Tshangpo, đối diện chùa Sam-ye. Chùa Drathang là nơi lưu giữ những bức bích họa quý giá được vẽ từ thế kỷ thứ mười một và được coi là một trong những kho báu lớn nhất của Tây Tạng. Những bức bích họa lớn nhất hầu hết đều có mặt tại chùa này và được vẽ từ thế ký thứ 7 tới thế kỷ thứ 9.

2, Bích họa tôn ảnh ngài Tịch Hộ tại chùa Sam-ye, chùa Sam-ye (Tang - diên) cách Thủ đô Lhasa khoảng 60 km về hướng Đông nam. Vị trụ trì đầu tiên ở ngôi chùa này là ngài Tịch Hộ. Dưới sự quản lý của Ngài, chùa này trở thành trung tâm Phật giáo đầu tiên tại Tây Tạng, nhiều kinh sách được dịch sang Tạng ngữ. Đây là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Tây Tạng và Ngài là người đầu tiên thực hành nghi lễ Thụ giới cho người Tây Tạng. Ngài hoằng hóa 13 năm và truyền giáo cho 25 đệ tử, trong đó có nhà vua Tây Tạng. Trong thời gian này, rất nhiều kinh sách được phiên dịch từ Phạn ngữ sang tiếng Tây Tạng.

Ngài Tịch Hộ (Sàntaraksita, 750-802) là một cao tăng người Ấn Độ thược Trung quán tông. Ngài là người truyền bá Phật pháp sang Tây Tạng thời kì đầu. Ngài và đệ tử giỏi nhất của mình là đức Liên Hoa Sinh (Kamalasila) được xem là đại biểu của hệ phái Trung quán – Duy thức (madhyamaka-yogacara). Khi nhận được lời thỉnh cầu của vua Tây Tạng là Ngật- lật-song Đề-tán(Trhisong Deshent 742-798), Ngài liền thu xếp hành lý đến Tây Tạng. Cuộc hành trình của Ngài đến Tây Tạng đầy vất vả chướng ngại và điều quan trọng nhất là rất thiên tai xảy ra trong thời điểm này. Những dấu hiệu này được thần dân coi là dấu hiệu chống đối Phật pháp của các sơn thần tại vùng đó. Trước khi quay về Ấn Độ, Ngài khuyên vua nên thỉnh cầu đức Liên Hoa Sinh đến đế giáo hóa, diệt trị những tai ương đanh hoàn thành. Vốn xuất thân từ Mật giáo, đức Liên Hoa Sinh là người rất tinh thông pháp thuật, cầu mưa, trừ tà. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các thiên tai đã được chinh phục. Sau khi được Liên Hoa Sinh dọn đường, Ngài Tịch Hộ lại đến Tây Tạng một lần nữa và cùng với đức Liên Hoa Sinh thành lập ra ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Tây Tạng, tiếp tục sự nghiệp hoằng hóa và dịch kinh sách. Ngôi chùa đó chính là chùa Sam-ye (Tang-diên).

3, Bích họa tại chùa Sam-ye, dòng truyền thừa không gián đoạn.

Thomas Laird đã phỏng vấn Thánh Đức Dalai Lama suốt năm mươi giờ đồng hồ về lịch sử Tây Tạng cũng như nội dung và ý nghĩa của những bích họa vẽ trong cung điện Potala cũng như trong nhưng tu viện khác của Tây Tạng. Ngài giải thích rằng những bức bích họa cổ này không chỉ là nền tảng văn hóa mà nó còn được coi như những giáo cụ trực quan, phương tiện để minh họa cho những giáo lý, bài giảng và khẩu truyền trực tiếp từ bậc Thầy của Ngài cho tới Ngài cũng như là sợi dây xuyên suốt kết nối hàng lớp lớp từ hàng ngàn năm qua qua không gián đoạn từ các bậc Thầy tới đệ tử. Những bức bích họa này được sử dụng như một phương tiện để các hành giả thực hành trong các pháp tu quán tưởng và nó có một năng lực kỳ diệu cho cả những người có cơ hội được chiêm bái nó ngay cả khi người đó không có kiến thức gì về những giáo huẩn này hay hiểu biết gì về Tây Tạng.

4, Bích họa tôn ảnh Bồ tát Di Lặc tại chùa Jokhang.

5, Bích họa tôn ảnh Bồ tát Di Lặc tại chùa Lukhang. Liên Hoa Sinh là một Đại sư Ấn Độ, sống cùng thời vua Tây Tạng Ngật-lật-song Đề-tán (755-797). Ngài truyền Phật giáo sang Tây Tạng và là người sáng lập tông Ninh-mã (dòng Cổ Mật), một trong bốn phái lớn nhất của Tây Tạng và được các đệ tử tôn xưng là đức “Phật thứ hai”. Ngài thường sử dụng thần thông, nhiếp phục ma quái và chế ngự được thiên tai. Có rất nhiều huyền thoại về Ngài ở khắp các quốc gia thuộc vùng Hi-mã-lạp sơn và Ngài luôn được tôn thờ như là bậc “Đạo sư tôn quý” (Guru rinpoche).

Điểm đặc biệt mà chúng tôi quan sát thấy là trước khi giới thiệu sách kỷ lục thế giới này, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng phải đeo găng tay trắng đặc biệt để lật giở các trang sách. Mỗi trang sách tạo nên những ấn tượng rất đăc biệt và làm cho tất cả các quan khách và quý vị tham quan ngạc nhiên.

Kết thúc lễ ra mắt sách, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, năm 2018, huyện Mỹ Đức đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dành cho Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn tức Chùa Hương, vậy nên Lễ hội Chùa Hương mừng xuân Kỷ Hợi 2019 được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức dành nhiều tâm sức chuẩn bị tổ chức nhằm có được một mùa lễ hội an toàn, văn minh, đồng thời gìn giữ và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản. Ông nhấn mạnh lễ ra mắt và giới thiệu sách rất ý nghĩ và thiết thực, tạo tiếng vang lớn. Cả 2 cuốn sách là những di sản đáng được trân trọng.

Ngay sau khi kết thúc lễ ra mắt sách và giới thiệu 2 cuốn sách quý, tất cả quý quan khách, quý Thượng tọa tăng ni và bạn đọc đã tham quan triển lãm ảnh quý, những bức ảnh đã được chọn đưa vào sách “Chùa Hương xưa nay”.

Tôi rất may mắn được tham gia chương trình ra mắt sách đặc biệt này và đã vô cùng ấn tượng và xúc động đến tận những phút ghi lại những dòng chữ này. Và trong tâm tôi đang vang lên những vần thơ:

“Nam thiên Hương Tích biệt hồ thiên

Đệ nhất kỳ quan tự cổ nhân,

Pháp vũ đê tòng chung nhũ lạc,

Thuyên vân cao bạn nguyệt luân huyền”.

Được biết ngay chiều mồng 6 tết, Thượng tọa Thích Minh Hiền và Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng đã công bố tái bản cuốn sách rất có giá trị “Phật Bà Chùa Hương”. Sách sẽ được ra mắt ngay trong những ngày đầu xuân năm mới Kỷ Hợi 2019 này.

Đêm mồng 8 tết tức 12 tháng 2 năm 2019

Nguyễn Ngọc Quân, Giám đốc Trung tâm Xuất bản, Công ty sách Thái Hà

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

“Hãy có lòng tốt”: Bộ sách của Đức Dalai Lama

Sách Phật giáo 16:45 31/10/2024

Cuộc sống là một hành trình dài và chúng ta phải trải qua vô vàn thử thách của cảm xúc: từ yêu, ghét, tức giận, hờn dỗi… Nhưng con người lại được kết nối bởi những thứ vô hình đó. Chúng ta đến với nhau vì yêu nhau hay rời xa nhau vì sự chán ghét.

Chúng ta sống vì điều gì?

Sách Phật giáo 16:36 27/10/2024

Người làm việc chăm chỉ không chỉ để có lương thực sinh sống mà còn để hạn chế lòng ham muốn của bản thân, có thể mài giũa tâm hồn, thanh lọc tâm hồn.

Lời khuyên để có hạnh phúc của thiền sư Khenpo Sodargye

Sách Phật giáo 22:43 22/10/2024

Qua câu chuyện về ba cách sống, thiền sư Khenpo Sodargye đưa ra lời khuyên về cách để sống hạnh phúc.

CEO Nguyễn Tuấn Quỳnh: "Nhờ sách của Thiền sư Nhất Hạnh tôi đã vượt qua nỗi đau mất mẹ"

Sách Phật giáo 09:30 18/10/2024

Cuốn sách Không diệt không sinh đừng sợ hãi giúp Nguyễn Tuấn Quỳnh hiểu sâu sắc hơn về sự sống và cái chết, mang lại sự an ủi trong thời khắc đau buồn

Xem thêm