Thiền sư Vạn Hạnh - Hình tượng ngàn năm
Ngài họ Nguyễn, tên thật và năm sanh chưa thấy tài liệu nào ghi nhận. Ngài viên tịch vào năm 1018. Về sau, khi tham khảo sách Thi văn Lý - Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, có ghi tên thật của ngài là Nguyễn Văn Hạnh, người ở châu Cổ Pháp, làng Dịch Bảng thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Sơ lược tiểu sử Thiền sư Vạn Hạnh
Sau đây chỉ là phần tổng quát về cuộc đời tu hành đắc đạo của một bậc chân tu thạc đức mà nhiệm vụ đời đạo vẫn song toàn trong lịch sử Phật giáo Đại Việt thời Lý. Sư nối truyền dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thuộc thế hệ thứ 12. Sử liệu viết về ngài hiện còn rất ít ỏi, phần nhiều căn cứ vào quyển Đại Nam Thiền uyển đăng lục, tác phẩm đầu nhà Trần, được Trường Viễn Đông Bác Cổ đánh giá cao.
Ngài họ Nguyễn, tên thật và năm sanh chưa thấy tài liệu nào ghi nhận. Ngài viên tịch vào năm 1018. Về sau, khi tham khảo sách Thi văn Lý - Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, có ghi tên thật của ngài là Nguyễn Văn Hạnh, người ở châu Cổ Pháp, làng Dịch Bảng thuộc tỉnh Bắc Ninh. Thuở nhỏ, ngài có tư chất đĩnh đạc thông minh xuất chúng, học thông Tam tạng Kinh Luật Luận, nghiên cứu tinh tường nghĩa thú của Bách luận, là căn bản của Phật giáo Đại thừa do Bồ-tát Long Thọ trước tác. Ngài cũng nghiên cứu làu thông Tam giáo: Khổng, Lão, Phật rất thông dụng vào hai triều đại Lý - Trần, cũng là cơ bản xây dựng nền văn minh cường thịnh nhất thời bấy giờ. Tuy tài đức cao rộng nhưng xem thường phú quý vinh hoa. Năm 21 tuổi, ngài theo Thiền sư Định Huệ xuất gia và thọ học với Thiền Ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Khi Thiền Ông viên tịch, ngài tiếp quản nhiệm vụ trụ trì và chuyên thiền tập pháp “Tổng trì Tam ma địa”, lấy đó làm sự nghiệp đời tu. Bấy giờ ngài nói ra điều gì dân chúng đều cho là sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính ngài.
Qua những nét ghi lại sau đây về tiểu sử của Thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta thấy một số điểm nhấn quan trọng trong tiến trình tâm linh đã un đúc tạo nên một Thiền sư siêu việt, trong toàn cảnh của lịch sử đất nước Đại Việt đương thời.
Thiền uyển tập anh chỉ đề cập một điểm nhấn là ngài chuyên tu tập pháp “Tổng trì Tam ma địa” chứ không phải là cốt lõi thực chứng. Truy tìm lại Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, ta thấy có bóng dáng Mật tông ở đó, mà ngài thuộc thế hệ thứ 12 của Thiền phái này. Tam ma địa, theo Trí độ luận, còn gọi là Tam muội và Thiền cũng gọi là Tam muội. Theo người viết, đây có thể là diệu dụng nào đó của việc đạt được thực ngộ Thiền, chứ không hẳn Tam ma địa là thực thể có từ bên ngoài. Như vậy hẳn nhiên ngài chứng ngộ là nhờ khai quật nội tâm bằng phương pháp Thiền định qua cửa ngõ và phương pháp hành trì của Tam ma địa. Nhờ đó, những việc làm của ngài đã làm thay đổi hướng vận động của lịch sử dân tộc, mở ra một giai đoạn phát triển mới, để lại dấu ấn cho đời sau.
Thiền sư và cách hành xử đóng góp cho đời, tự tại giữa thăng trầm
Ngoài việc thực chứng thực ngộ của chính bản thân, ngài còn là một nhân vật mang ánh sáng giác ngộ đi vào cuộc đời để giúp dân xây dựng một nước Việt huy hoàng rực rỡ. Sự thông tuệ của ngài chính là việc hun đúc huấn luyện và có khả năng tiên đoán được vận mệnh trước sau trong con người mà ngài muốn nhắm đến. Ngay từ khi được sự tôn kính của vua Lê Đại Hành, ngài đã tỏ ra rất xuất sắc trong việc tiên đoán sự thắng bại của quân ta. Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta, đóng binh ở Cương Giáp, Lãng Sơn. Vua Lê Đại Hành mời ngài đến hỏi:
- Quân ta thắng bại thế nào?
Sư đáp:
- Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui.
Sau đó quả đúng như lời dự đoán.
Qua những điều trưng dẫn ở trên, phải chăng khả năng tiên đoán đó là nhờ nội tâm thực chứng thông suốt quá khứ, hiện tại, vị lai? Sự tương quan giữa một tâm linh với vạn vật trong vũ trụ có sẵn trong mỗi tâm thức, nếu khơi dậy đúng mức thì sơn hà đại địa nằm trong lòng bàn tay không ở đâu xa. Con người là tiểu vũ trụ có sự quan hệ tương hợp với đại vũ trụ không phải là điều huyền ảo. Nếu khai quật những bí ẩn đang nép kín thì có thể trông thấy được thế giới rộng lớn bao la bằng con mắt trí tuệ. Khả năng của Thiền sư còn sử dụng tuyệt diệu hơn trong việc đào tạo nên một nhân vật lỗi lạc mà sau này đã trở thành một vị minh quân, một vĩ nhân của dân tộc. Ngài đã đào tạo Lý Công Uẩn ngay từ lúc còn làm chú tiểu ở chùa làng Cổ Pháp, để sau này trở thành một vị vua anh minh làm tròn sứ mạng cao cả cho dân tộc. Nhờ sự giáo dục uốn nắn tài tình của ngài, Lý Công Uẩn đã thâm nhập tinh thần từ bi trí tuệ trong đạo Phật, đặt sự tồn vong của dân tộc lên trên, xây dựng một xã hội nhân bản thịnh vượng. Học giả Hoàng Xuân Hãn viết: “Triều đại nhà Lý là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử nước ta, đó là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo”. Điều này cũng đủ cho ta thấy rằng triều đại nhà Lý được hưng thịnh có sự đóng góp của Thiền sư Vạn Hạnh là vô cùng to lớn. Ngài đã đem khả năng của mình để phục vụ nhân dân bằng cách biến những ưu tư của họ thành lẽ sống trong một đất nước tự do an lạc, tạo được ý thức dân tộc trong sự trị vì của vua hay những người trực tiếp cai trị dân, từ đó mới đem lại sự thanh bình cho người dân, nhưng coi thường công danh phú quý, không có thảm cảnh tranh giành địa vị quyền lợi. Ngài chỉ đứng trên cương vị cố vấn tham dự vào chính sự để an dân nhưng không tham quyền cố vị. Đối với ngài, Thiền môn vẫn là nơi cư trú, cơm rau đạm bạc vẫn là thức ăn hàng ngày. Ngài đi vào cuộc đời, tham dự vào chính sự trong cương vị xuất thế của mình, nhưng lại không muốn hòa mình trong ràng buộc của lợi danh, quả là “Vô hành nhi hành, vô ngôn nhi ngôn”. Ngày Lý Công Uẩn lên ngôi vua, ngài ung dung ở chùa Lục Tổ bên cạnh chén trà trong tĩnh lặng. Cái ung dung thanh thoát của ngài thể hiện ngay cuộc sống không vướng bận buộc ràng. Vì dân tộc vì chúng sanh nên phải dấn thân nhưng không bị hoen ố bởi danh lợi dục trần. Về sau, vua Lý Nhân Tông làm bài kệ truy tán ngài rằng:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chơn phù cổ sấm ky
Hương quan danh
Cổ Pháp Trụ tích trấn vương kỳ.
Tạm dịch:
Vạn Hạnh suốt ba mé
Rất giỏi lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy vững kinh vua.
Chính Thiền sư Vạn Hạnh đã thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La (sau đổi là Thăng Long) với mục đích bảo vệ nền độc lập lâu dài cho dân tộc. Theo Chiếu dời đô, thì đất Hoa Lư là nơi “thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, vạn vật không nên”. Trong khi đó đất Đại La thì “Ở giữa khu vực trời đất, có địa thế rồng quấn hổ phục, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thể núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh và phồn vinh”.
Bằng vào những tiên đoán nhận định, ta thấy ngài ý thức mãnh liệt về sự hưng thịnh lâu bền của dân tộc. Ta có thể thấy được những nền tảng vững chãi từ những biểu tượng đặc trưng, thể hiện về mọi lĩnh vực văn học, chính trị, an ninh quốc phòng, thương mãi, đô thị.
Đây là bài thi kệ nổi tiếng của Ngài:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Tạm dịch:
Thân như ánh chớp có rồi không
Cỏ xuân tươi tốt thu đượm nồng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy như cỏ giọt sương đông.
Nói kệ xong, Sư bảo chúng: “Các ngươi cầu trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ”. Ngừng giây lát, Sư tịch.
Qua bài kệ trên, ta thấy sự chứng nghiệm siêu việt của ngài về cuộc đời, về sự biến đổi của vạn vật trong vũ trụ, thân phận con người mong manh có đó rồi không, mọi thứ đều giả hợp vay mượn không có sự gì, vật gì độc lập mà tồn tại. Một thời khắc đi qua là dĩ vãng, sự tàn tạ đang quấy động trong lòng là thực tại. Những gì được gọi là thịnh suy trong thế giới hữu vi cũng là vô nghĩa như thân phận con người trước cửa tử sinh. Sự hưng thịnh luôn ngầm chứa bóng dáng của suy vi, bởi lẽ, đó không phải là thực thể thoát ra ngoài chi phối của thời - không.
Chính với thái độ đó đã đưa đến hành xử của ngài, khi đất nước và dân tộc đã thịnh vượng, ngài đã trở về với cái ban đầu mà ngài đã đến là cái “không trụ”. Thiền sư Vạn Hạnh là hình tượng thanh thoát, không dính, luôn bình thản, là triết lý sống cho muôn đời chiêm nghiệm, hướng tới và noi theo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển
Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Xem thêm