Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 19/09/2023, 14:01 PM

Thư gửi má

Gửi má! Vị hộ pháp của đời con. Đã là nửa đêm. Đèn khuya tắt lịm, chỉ có vài cơn gió đầu thu đi lạc, ghé qua làm bay vạc áo người tu sĩ. Ánh trăng bàng bạc chếch nghiêng bên cửa sổ soi rọi bóng dáng tĩnh lặng mờ ảo in trên nền đất lạnh.

Audio

Nơi con có vài hạt sương đêm, có gió, và nơi con cũng có thương nhớ, có bình yên, có kỷ niệm dâng đầy. 

Má ơi! Cho con gọi má, tiếng má thân thương của người phụ nữ nghèo lam lũ miền sông nước. Tiếng má mà ngày xưa con vùng vằng không gọi, đã bao lần con hỏi sao má không dạy con kêu bằng “Mẹ” như mấy đứa bạn nơi phố thị vẫn hay gọi, tiếng má quê gần chết! Vậy mà hôm nay, khi đã khinh qua bao tuế nguyệt, bao ấm lạnh nhân gian, con lại thấy tiếng má sao thân thương quá đỗi.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Má biết không? Từ sâu thẳm nơi trái tim, con luôn thầm cảm ơn má đã hiểu và bao dung, đã cho con cái quyền được tự do, cho con thoát ra cái quy luật ngàn đời của xã hội: “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, má chấp nhận có cô con gái đi ngược dòng của nhân sinh mang trong mình tình yêu vạn loại, không còn là một nữ nhi sống trong yêu ghét tầm thường bé nhỏ của kiếp nhân sinh.

Con biết! Những dòng chữ hôm nay có thể má sẽ chẳng bao giờ thấy được. Má sống đơn giản cùng chiếc điện thoại dán kèm số phía sau để nhỡ ai hỏi tới, chiếc điện thoại chỉ còn vài nút bấm. Má không facebook, không zalo, cũng chẳng mạng xã hội, có lẽ những thứ ấy với má thật mới lạ. Con được song hành với văn minh và tiến bộ, trong khi má vẫn ở lại chịu đựng mọi thứ an bài. Cuộc sống càng phát triển lên dốc càng nhanh thì má lại càng bị rơi lại phía sau mãi loay hoay ở một góc của làng quê nhỏ. 

Xin lỗi má! Với những chuỗi ngày mải miết chạy theo bao lấp lánh, hào nhoáng của cám dỗ. Khi sực nhớ ra quay đầu lại thì má đã tụt lại quá xa, và có lẽ chỉ còn vài dấu chân in trên nền cát vô thường của thời gian.

Con biết! Má không phải là người phụ nữ có tri thức, những con chữ tưởng chừng như đơn giản vậy mà đối với má cũng xa lạ. Má chỉ là người phụ nữ quê, quanh năm sống cùng mùi tanh của biển cả, từng giọt mồ hôi nơi vầng trán cũng mặn chát vị cơ hàn, hình ảnh một người má buôn bán tảo tần nơi bến nước sông quê, luôn khắc sâu nơi tâm trí một đứa trẻ đang hình thành bộ nhớ hoàn chỉnh, và ngày ấy đau đáu trong lòng đứa trẻ năm nào cũng là sự tự ti cùng chúng bạn, tự ti khi có một người má chưa một lần viết trọn được tên mình. Vậy mà, khi biết được, má không chấp, má không để bụng, má thấu hiểu, má vẫn âm thầm cố gắng để tiếp cận và thích nghi với bậc thềm mà con đang từng bước đi lên. 

Thế nên vì con, má tập tành đánh vần từng câu Kinh, nghe những bài pháp, má nói chỉ vì má muốn biết nhiều hơn về con đường mà con gái của má đang đi. Và rồi, má thấy được hình ảnh của Đức Phật thật đẹp, cả những vị xuất trần thượng sĩ cũng thật thanh cao đã làm má thêm phần an lòng khi gửi con cho những vị ấy. 

Con nhớ! Những năm đói kém nhà ta cơm chẳng đủ ăn, má hái nắm rau dại ven đường để cùng bố lót dạ, nhường con từng chén cơm trắng dẻo ngọt lành. Ấy vậy mà, con cứ trách sao cơm không đủ no áo không đủ ấm. Con đâu biết được rằng trong đêm tối má dò dẫm từng bước trên làng quê nghèo, môi tái đi vì lạnh, bàn tay trắng bệch nhưng vẫn cầm vài que kẹo cho con, con khờ quá phải không má? Ngày ấy, khi đứa em thơ trong nhà theo chân Phật, con cũng đã trách sao không thấy má khóc, chỉ thấy đôi mắt ráo hoãnh và những tiếng thở dài thật khẽ. Nhưng con đâu biết, sau ngày ấy đêm nào má cũng một mình ra mái hiên ngồi lặng lẽ, nhìn những ánh sao đêm, mặc hơi sương ướt rượt mái đầu, gương mặt không giấu nổi vẻ trầm mặc, u uất má đang nhớ em. Con biết má không khóc, vì má còn phải là điểm tựa cho con dựa vào những lúc yếu lòng, má cũng có những nỗi đau được gấu kín, má đang cố chịu đựng vì má còn phải gánh vác trách nhiệm gia đình, trách nhiệm của tuổi tác, của những con người trưởng thành. Con khờ quá phải không má?

Con nhớ! Ngày ấy, ngày bước chân vào ngôi nhà xuất thế, mải nhìn bóng dáng từ bi của Phật mà đôi khi con đã quên mất bước đi của má, những bước chân mang nặng cơm áo gạo tiền, những bước chân chậm chạp trên miền nhân gian. Nhưng rồi, má vẫn ở đó, âm thầm lùi về sau làm vị hộ pháp đắc lực nhất cho con, là cội tùng bách ngàn năm yên tĩnh cho con tựa vào mỗi khi bước chân du sĩ mỏi mệt nơi đường trần nhân thế. Phải chăng con người luôn vậy, phải mất gần hết mới giật mình nhận ra mình đã mất, phải đến khi chứng kiến cảnh người thân mất đi mới giật mình nhận ra đã mất một người. Đâu biết chúng ta đang mất họ từng ngày, mỗi ngày cơ thể phải lão hóa thêm một chút, mỗi ngày con đường phía trước giảm bớt một bước chân. 

Hôm nay, trăng mười bốn đã dần tròn vành, ánh trăng như chiếu soi từng mảnh kí ức của những ngày vụng về thuở ấu thơ. Má ơi! Thế gian có biết bao ngôn từ đẹp đẽ, nhưng ngay giây phút này con chỉ muốn dâng lên má đôi lời sám hối chân thành nơi tận sâu trong góc con tim. Má ơi! Đời này của con vì có má mang nặng những ưu tư nên con luôn có cuộc sống vô lo vô nghĩ, vì có má nên thế gian đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều trong mắt con, vì có má giông bão cuộc đời con dừng lại trên đôi vai hao gầy. Cảm ơn má đã một đời lặng lẽ vì con.

Theo Tạp chí Văn hoá Phật giáo

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Bình yên

Góc nhìn Phật tử 10:45 06/05/2024

Cuộc đời này, chính là bỏ bớt rườm rà để trở thành đơn giản, bỏ đi hận thù để trao gửi yêu thương. Bình yên chỉ đến khi ta biết trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống.

Sống đẹp cùng Tứ nhiếp pháp

Góc nhìn Phật tử 09:58 06/05/2024

Thực hành Tứ nhiếp pháp, cảm hóa người khác sống thiện lành thì xã hội sẽ bớt đi những tệ nạn, khổ đau...

Ơn nước luôn tròn đầy

Góc nhìn Phật tử 07:51 05/05/2024

20 năm trước, khi cùng một người bạn đăng ký dự một khóa thiền do Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai hướng dẫn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi bỡ ngỡ vì làm bất cứ việc gì cũng có một bài kệ để thực tập.

Chỉ có tâm người là đáng sợ

Góc nhìn Phật tử 20:07 04/05/2024

Có một người đến vấn hỏi thiền sư, “Để phòng ngừa tai họa, xin thầy từ bi cho biết cái gì đáng sợ nhất trên cõi đời này?”

Xem thêm