Thứ, 22/05/2023, 20:44 PM

‘Thực tế có rất nhiều người trẻ đẹp, thành công nhưng lạc lối’

Cảm nhận về giới trẻ dưới góc suy ngẫm của một cư sĩ Phật giáo tại gia, chuyên gia về truyền thông Phật giáo Lưu Đình Long.

Cư sĩ Phật giáo tại gia, chuyên gia về truyền thông Phật giáo: Lưu Đình Long

Cư sĩ Phật giáo tại gia, chuyên gia về truyền thông Phật giáo: Lưu Đình Long

Là cư sĩ Phật giáo tại gia, ông nhận định thế nào về tình hình giới trẻ Việt Nam tiếp cận và học Phật hiện nay?

- Lưu Đình Long: Giới trẻ Việt Nam ngày càng được nâng cao trình độ thế học, họ cũng dần được đáp ứng các điều kiện vật chất cao hơn. Tuy nhiên, đâu đó, trong họ vẫn đau đáu câu hỏi về “hạnh phúc là gì?”.

Thực tế, đã có rất nhiều người trẻ vừa đẹp, vừa thành công nhưng lạc lối, hoang mang. Sau một thời gian họ tìm tới với sự tĩnh lặng, “bỏ phố về quê” để kiến tạo một không gian sống an yên hơn, lấy lối sống “thiểu dục tri túc” (ít muốn biết đủ) trong tinh thần tối giản, giảm tiêu thụ vật chất, gần gũi thiên nhiên làm kim chỉ nam.

Không khó để thấy những người trẻ tìm tới thiền, yoga, tập ăn chay, biết sống xanh từ việc tiết chế trong sử dụng điện, nước, bao ni-lông, trồng cây, tìm về thiên nhiên… Có thể thấy, những năm qua, các khóa tu dành cho người trẻ, nhất là dịp hè được nở rộ. Hình thức xuất gia gieo duyên hay các khóa tu cho người trẻ có thể nói đã giúp quảng bá đạo Phật đến gần thế hệ măng non. Những vị tu sĩ trẻ vừa có thế học, Phật học và tâm lý, gần người trẻ nên phần nào làm cho người trẻ thấy một làn gió mới trong chốn thiền môn - vốn bị ám thị là nơi chỉ dành cho ông già bà cả, chỗ cho người thất tình, chán đời tìm tới.

Phật giáo là con đường bình an, là lối sống đem tới hạnh phúc nếu ai chọn đúng phương pháp, kiên trì.

Về hình thức, có thể thấy, hiện nay công nghệ khoa học cũng góp một tay trong việc hoằng pháp. Các trang mạng xã hội, website Phật giáo, chùa online… trở thành công cụ truyền đạo hữu hiệu. Nhờ đó, người trẻ cũng có cơ hội tiếp cận với giáo lý chỉ bằng những cú chạm nhẹ. Đây vừa là lợi thế nhưng cũng sẽ có hại nếu người trẻ chưa đủ chánh kiến để nhận diện Phật giáo và những thứ na ná Phật giáo, thượng vàng hạ cám trên thế giới “ảo” mênh mông này.

Từ trải nghiệm cá nhân mình, ông thấy điều gì ở Phật giáo cần thiết cho giới trẻ?

- Tôi nghĩ đó là phương pháp thực tập giúp chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Tôi biết đến Phật từ nhỏ, sau đó đi chùa thường xuyên nhưng Phật giáo của tôi lúc ấy chỉ là tín ngưỡng, là niềm tin về một Đức Phật ở bên ngoài mình. Hay nói cách khác, khi đó tôi xem Phật như một vị thần đầy quyền năng để mình dựa dẫm là chính.

Sau đó, tôi có duyên được biết pháp môn Làng Mai do Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai hoằng truyền, mang lợi lạc cho Phật tử Âu Châu, Mỹ, cùng nhiều nơi khác. Rất may mắn, năm 2005, khi Thiền sư và Tăng đoàn lần đầu về Việt Nam tôi đã được dự khóa tu cho cư sĩ do Thầy trực tiếp hướng dẫn. Lần đầu tiên tôi tiếp cận với một “đạo Bụt” đầy mới mẽ, được Thầy và các vị trong Tăng đoàn chỉ cho thấy “Tịnh độ là đây”, chánh niệm ngay hiện tại chính là cởi trói mình khỏi sáu cõi trong sanh tử luân hồi dù mình vẫn đang biểu hiện với thân tứ đại. Tôi đã ngồi yên, lắng lại, thở nhẹ, mỉm cười, biết mình đang thở, ghi nhận cảm thọ của mình mà không phán xét, không phản ứng. Tôi đã đi và biết mình đang đi, Thầy nói đó là “địa hành thần thông”, là “đã về đã tới”.

Khi đó, những “thần chú” dễ thương như vậy có tác động mạnh vào tâm tôi. Tôi bừng sáng. À, mình có thể xây dựng Tịnh độ ngay đây, trong mỗi việc mình làm. Tôi bắt đầu không còn câu nệ hình thức của một hành giả, vấn đề ở đây là biết rõ mình.

Trước các nghịch cảnh xô bồ của xã hội và bấn loạn của tâm, theo ông, Phật tử phải hành xử ra sao để cuộc đời được an lạc?

- Tôi thích câu “Tâm bình thế giới bình”, “Tâm an vạn sự an”. Rõ ràng, Đức Phật đã dạy “Nhất thiết duy tâm tạo” hay “Tướng từ tâm sinh”. Không có cách nào khác, chúng ta phải trở về chăm sóc tâm mình, làm lắng diệu, chuyển hóa các phiền não, biến bùn thành sen…

Thực ra, là người con Phật, chúng ta không nên sợ hãi khi chứng kiến những xô bồ, cuồng nộ bên ngoài, vì mình hiểu đó là quả của nhân xấu chung của xã hội. Việc của mình là “thắp nên ngọn nến nhỏ”, thay vì “nguyền rủa bóng đêm”. Chạy trốn nỗi khổ niềm đau, chán ghét xã hội xấu xí thực ra là cách chúng ta góp phần làm cho nó xấu thêm. Tôi nghĩ, người Phật tử phải “hiểu và thương”, ấp ôm được bất như ý của mình, làm cho mình hạnh phúc, bình an. Đó chính là góp phần kiến tạo thế giới của mình tươi đẹp hơn, hay như tôi nói ở trên đó là xây dựng “Tịnh độ ngay bây giờ và ở đây”.

Cuộc thi viết "Đạo Phật trong trái tim tôi" do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam phát động và cư sĩ là người tham gia, ông thấy việc này có lợi lạc như thế nào cho Đạo Pháp?

- Cuộc thi là cơ hội để cho người viết trải lòng, chia sẻ về cơ duyên với đạo, sự mầu nhiệm của lời Phật dạy khi có thực tập đúng, đủ, chuyên cần. Qua đó, giúp người ấy một lần được ôn nhắc duyên lành của mình. Phật dạy, “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, vậy mà trong đời này ta được thân người, nghe, hiểu và tin Phật pháp, đó quả là phước báu quá lớn. Cuộc thi đối với cá nhân người viết chính là tiếng chuông nhắc nhớ điều này.

Còn với người có duyên đọc được sẽ học được những câu chuyện từ thực tế chia sẻ của người viết, từ đó gợi mở để dũng mãnh hơn trên bước đường học Phật. Tôi đọc nhiều bài viết đã đăng và thấy rất ấm áp vì cảm được đạo tình của tác giả, tìm được sự đồng điệu của những người bạn đồng tu, cũng là những người viết giống mình.

Cá nhân, tôi biết ơn Ban Tổ chức vì cuộc thi đã cho tôi cơ hội kết duyên lành với nhiều người con Phật khác. Hẳn, họ cũng tìm thấy sự đồng điệu nào đó khi đọc bài tôi?

Các tranh cãi vô hồi trên mạng xã hội đang tạo các nghiệp nhân nặng nề, là người làm công tác truyền thông Phật giáo, ông thấy chúng ta nên làm gì để phổ độ chúng sinh?

- Slogan của Giáo hội Phật giáo rất hay: “Hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”. Trong một đoàn thể, tổ chức nào đó, sự hòa hợp là yếu tố sống còn. Đức Phật cũng nêu cao tinh thần này khi dạy pháp “Lục hòa”. Tuy nhiên, chúng sanh vốn đa sự và cái ngã lớn nên đôi lúc để mình theo tập khí hơn-thua, luôn thấy lỗi người. Đóng vai nạn nhân hay bề trên để phán xét đều khiến cho mâu thuẫn thêm lớn.

Tôi học Thiền sư Thích Nhất Hạnh tinh thần “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”, và thực tập điều này trong mọi mối quan hệ của mình.

Đồng là con Phật mà chúng ta tranh đấu, hơn thua với đồng đạo thì khó mà trưởng dưỡng đạo tâm, tập thể cũng từ đó chia năm xẻ bảy. Những cuộc “khẩu chiến” trên mạng từ chính Phật tử như chuyện ăn chay, ăn mặn; Nam tông, Bắc tông; các cơ quan ngôn luận của ban này ban kia không thống nhất quan điểm chung rồi tranh luận… là điều vô cùng đáng tiếc. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy “gà cùng một mẹ” nhưng hoài đá nhau. Tại sao chúng ta không tìm hiểu kỹ truyền thống của nhau, tìm cơ hội để cùng nhau phát triển, chia sẻ sở học, thông tin để làm lợi lạc cho số đông mà lại tìm lỗi, công kích nhau? Tôi nghĩ, Phật còn tại thế chắc cũng không muốn môn đồ của mình “tương tàn” như vậy.

Cá nhân tôi, với 14 năm làm báo Phật giáo và vẫn đang tiếp tục viết báo, luôn tâm niệm một điều là mình cứ chia sẻ cái tốt, cái đúng, hiến tặng những điều lợi lạc cho mọi người thay vì “vạch áo cho người xem lưng”. Nhỡ, có viết gì đó góp ý tôi cũng dùng “ái ngữ”, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” chứ không công kích, tạo nên những đổ vỡ lớn hơn. 

Xin cám ơn cư sĩ, và mến chúc ông thân tâm an lạc.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"

Phỏng vấn 11:25 17/12/2024

Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp

Phỏng vấn 09:37 12/12/2024

Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.

Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”

Phỏng vấn 11:39 11/12/2024

Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…

Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây

Phỏng vấn 15:56 07/12/2024

Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.

Xem thêm