Thầy Pháp Hữu: “Người tu vẫn còn khổ, nhưng…”
“Có thể gọi thầy bằng nicknam “Một người tu có hạnh phúc” - Thầy Pháp Hữu, trụ trì chùa Pháp Vân - Xóm Thượng, Làng Mai (Pháp) mở đầu buổi phỏng vấn, rồi thầy mỉm cười từ ái, chia sẻ về con đường trở thành tu sĩ hạnh phúc.
- Điều quan trọng nhất cần chuẩn bị là tâm bồ-đề của mình, hiểu được chính mong muốn của mình về việc xuất gia là gì. Xuất gia thực chất không phải là việc khó khăn, nhưng để giữ được trọn vẹn một đời tu thì sẽ có những khó khăn nảy sinh trong suốt đời sống của người xuất gia, hay cũng có thể gọi là những thách thức riêng của từng người.
Đối với tôi, sự chuẩn bị cần thiết là sự hiểu biết tường tận về tâm nguyện xuất gia của mình, tức phải biết mình đi xuất gia vì mục đích gì. Ở Làng Mai, năm 13-14 tuổi, khi quay về tu học cùng với gia đình của mình trong những khóa tu, như khóa tu mùa hè… tôi nhận rõ tâm nguyện của mình, đó là mong muốn xuất gia để chuyển hóa những khổ đau và chế tác hạnh phúc cho mình, cũng để phụng sự cho thế giới. Đời sống xuất gia có sự đầu tư cho chính bản thân mình, nhưng trong chính bản thân mình cũng sẽ ôm ấp cả vũ trụ, thế giới, xã hội, gia đình của mình. Thứ hạnh phúc mà theo tôi, người xuất gia có thể chế tác, đó là sự hiểu biết, thương yêu, bao dung, để từ đó phát triển nội tâm và tự chuyển hóa đời sống của chính mình. Tôi quan niệm rằng, sự hiểu biết, hạnh phúc, bình an và chuyển hóa tích cực của bản thân cũng là cách chúng ta đang cống hiến cho thế giới.
Tôi rất thích một câu nói của Sư Ông (Thiền sư Nhất Hạnh - PV) với đại ý rằng: “Chúng ta không cần tu học lâu năm mới thành tựu sự đóng góp, một người dẫu mới xuất gia, hay thậm chí chỉ là cư sĩ tại gia, nhưng họ có sự chế tác liên tục về nụ cười, về tâm bình an và về cách biết rõ sự có mặt của bản thân ngay thời điểm hiện tại đó, tất cả đã là sự đóng góp rất lớn”. Khi có hiểu biết sâu xa về đời sống tu tập, tôi cảm thấy bản thân cởi mở hơn, tiếp thu và học hỏi được nhiều hơn từ các vị Tăng Ni đi trước. Đó cũng là điều rất quan trọng.
NGƯỜI XUẤT GIA CÓ CÒN ĐAU KHỔ KHÔNG?
* Trong quá trình tập sự, thậm chí đến khi đã thọ giới, nhưng người xuất gia vẫn gặp rất nhiều thử thách. Thầy có những kinh nghiệm, hay được lắng nghe những kinh nghiệm gì về việc vượt qua những thử thách xuất hiện trong quá trình tu tập ấy?
- Thầy Pháp Hữu: Có thể nói, người xuất gia cũng là một con người bình thường, có những cảm nhận, cảm xúc. Song, điều quan trọng nhất đối với một hành giả xuất gia, đó là khi đối diện trước những khổ đau và khó khăn, đừng nên suy nghĩ rằng đó là sự thất bại với những chất vấn nội tâm như “Vì sao tôi đi tu được 3 năm, 5 năm, hay 10 năm trở lên rồi, nhưng trong giây phút này bên trong mình vẫn vấp phải những đau khổ đó, những khó khăn đó?”.
Hoàn toàn là một quan niệm sai lầm khi cho rằng người tu sĩ, người khất sĩ, một người xuất gia thì không còn khổ đau, đã vượt khỏi hết những tồn đọng trong nội tâm. Theo tôi, chánh niệm mang đến một nguồn sáng, cho phép người xuất gia nhìn thấy được một cách tường tận những khổ đau, nhận diện được khó khăn đang hiện diện trong tâm mình. Một người xuất gia và có sự đầu tư vào sự hiểu biết và thiền quán, sẽ nhận thức được rằng, đây chính là cơ hội để bản thân quan sát nổi khổ đau ấy và ôm lấy chúng. Từ đó đi đến thực hành để phát triển nội tâm và thiện hóa chính mình. Làm được như vậy, nghĩa là người xuất gia đang đóng góp những điều tốt đẹp và thiện lành cho chính mình, cho thế giới bên ngoài, cũng là sự báo đáp thiết thực cho Thầy Tổ, cho Tăng thân và gia đình của mình.
Khi đối diện với những khó khăn phát khởi trong nội tâm, trước hết tôi sẽ ghi nhận nó, tiếp đó thực hành chánh niệm để quan sát nó, chấp nhận sự khó khăn đang phát khởi ấy bằng cách gọi tên nó (như buồn, giận, tức tối… vì vấn đề nào đó). Tôi sẽ tìm hiểu về nguyên nhân, nguồn gốc phát khởi của khó khăn rằng, “vì sao tôi tức giận, hay bất bình?”, “là vì tôi cảm thấy vấn đề ấy bất công, không liêm chính, hay sai trái ư?”, “có phải những điều này mang đến cho tôi tâm trạng bực dọc, tức giận, hay buồn bã chăng?”. Khi đã nhận ra nguồn gốc của khổ đau, tôi sẽ dùng việc thực hành chánh niệm chuyển hóa nó trở thành nguồn năng lượng hiểu biết của sự từ bi, dành tình yêu thương cho khó khăn, khổ đau ấy.
Theo tôi, là một người tu học, hằng ngày chúng ta cần đầu tư, chăm sóc hạt giống tình thương trong nội tâm của chính mình. Tình thương là một dạng trong Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả), như vậy, người tu học càng ngày nên càng phải chưa đựng năng lượng từ bi nhiều hơn nữa. Tình thương của lòng từ bi không phải là một dạng kiến thức chỉ để học qua lý thuyết, mà đó là hành động thiết thực được bộc lộ ra bên ngoài, đi vào cuộc đời bằng nhiều phương diện, phương pháp khác nhau. Như Sư Ông từng nói: “Từ bi, hiểu biết và tình yêu thương phải là một hành động đại diện cho sự có mặt của mình ở giây phút hiện tại, để kịp thời ôm ấp những khổ đau, khó khăn nảy sinh”.
Muốn như vậy, trước hết, người tu tập cần chiếu ánh sáng thương yêu vào chính mình đã, từ đó mới quán chiếu, soi rọi được khó khăn, khổ đau nơi người khác. Trong việc chuyển hóa, khi trong ta có tình thương và hiểu biết, sự đối diện của ta trước người đang chịu khổ đau, khó khăn, sẽ tỏa đến một nguồn năng lượng của từ bi để xoa dịu họ một cách tự nhiên. Như đã nói ở trên, khi chúng ta ghi nhận khổ đau, quan sát, chấp nhận và tìm kiếm nguồn gốc của nó, chúng ta sẽ đồng thời tìm thấy con đường dẫn đến hạnh phúc.
Đối với tôi, là một người tu học, điều khó nhất trong việc vượt qua khổ đau, khó khăn, đó là tiếp tục mở rộng trái tim đón nhận sự giúp đỡ của người khác, có thể là từ những người bạn đồng tu. Vì sao lại như vậy? Đôi khi, ở những vị trí càng cao, càng đặc biệt, với vai trò và trọng trách lớn trong một tập thể, đứng trước những niềm tin đang đặt vào mình, người ta không cho phép bản thân suy nghĩ đến khổ đau, hay không cho phép mình vấp phải khó khăn. Điều này dẫn đến việc ta chối bỏ sự giúp đỡ của người khác dành cho mình, khi chính mình đang vướng mắc bởi khổ đau, hay khó khăn ấy. Do đó, việc đặt gánh nặng tâm lý về trọng trách xuống, mở rộng trái tim và tiếp nhận sự tương trợ, cũng là điều vô cùng khó khăn. Mở rộng được trái tim cũng là cơ hội để chính mình hiểu được bản thân nhiều hơn.
Sư Ông từng nói: “Người tu học phải chế tác hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau”. Trong câu nói này cũng nêu ra một vấn đề, đó là chúng ta phải chấp nhận rằng mình cũng có trách nhiệm với những khó khăn, khổ đau đang tồn đọng và không đổ lỗi, hay đùn đẩy trách nhiệm cho bất kỳ tác nhân bên ngoài nào. Đó là cách để chúng ta chuyển hóa những khổ đau, khó khăn. Sự chuyển hóa và chữa lành khổ đau, muốn trở nên thuần thục, không gì khác hơn là chúng ta cần đầu tư về sự vững chãi, tức phải dụng công tu tập, thực hành chánh niệm, nhận diện giây phút hiện tại, từ đó mới có cơ hội để chuyển hóa khó khăn, khổ đau.
Cần hiểu rằng, bất cứ ai cũng sẽ có khổ đau của riêng mình và khó khăn sẽ luôn có mặt trong cuộc sống này, song, chúng ta không nên quên rằng, trong giây phút hiện tại vẫn có những điều mầu nhiệm lẳng lặng diễn ra chung quanh đời sống của ta, dẫu rất đơn sơ. Chúng ta không thể và cũng không nên chối bỏ những điều nhỏ nhặt khiến ta cảm thấy bình an trong giây phút hiện tại và cũng cần đầu tư cho nó. Nên nhớ rằng, sự chữa lành không chỉ đến từ việc chuyển hóa duy nhất một nỗi đau, khó khăn đang hiện diện, mà còn cần sự củng cố và chuyển hóa tất cả những yếu tố khác xung quanh như tư tưởng, môi trường, hoàn cảnh tác động… Ví như việc ta té ngã và bị thương nặng nề (khổ đau đang hiện diện), quá trình bắt buộc là phải thực hiện vật lý trị liệu (thực hành chánh niệm), quá trình phụ liệu là bồi bổ cho các phần cơ xương khớp, các bộ phận còn lại để bảo vệ và giúp cho phần xương bị thương mau hồi phục (đầu tư chữa lành cho các yếu tố nhỏ nhặt).
* Thầy vừa chia sẻ về cách vượt qua khó khăn bằng việc chế tác hạnh phúc và an lạc cho tự thân. Thầy cho biết thêm kỹ thuật thực hành?
- Để chế tác an lạc hay hạnh phúc cần dựa trên nền tảng của chánh niệm, nhận biết rõ sự có mặt của mình trong giây phút hiện tại, hiểu rằng mình hiện diện trong từng bước chân, hơi thở… của bản thân về phương diện thực hành tu tập.
Song, về phương diện đời sống hằng ngày, khi ta mở cửa và chế một ấm trà, hay khi ta nấu ăn và đi học, khi ta làm việc và ngơi nghỉ…, tất cả những hành động phục vụ cho đời sống ấy đều là cơ hội để chúng ta thực tập hoặc áp dụng việc thực hành chánh niệm, nảy sinh ý thức về hành động mà ta đang thực hiện. Sự ý thức này giúp ta đồng thời chế tác hạnh phúc và an lạc.
Chánh niệm thực sự rất quan trọng không chỉ trong đời sống tu tập mà ngay ở cuộc sống hằng ngày. Bởi lẽ, chánh niệm giúp chúng ta nhận thức rõ những gì đang diễn ra ở giây phút hiện tại. Vì sao việc nhận diện giây phút hiện tại lại cần thiết và quan trọng? Con người xuất hiện trong cuộc đời, trải qua vô số biến động và mang trong tâm tưởng trăm ngàn luồng suy nghĩ. Nhưng sự trải qua đó có nghĩa rằng tất cả đã đều đã là quá khứ, ngay cả một nỗi đau nào đó phát khởi từ trong quá khứ khi hồi tưởng lại, khiến bạn cảm thấy bồn chồn, quặn thắt và hết sức cảnh giác ở giây phút hiện tại, thì hãy nhớ rằng, đó cũng chỉ là đoạn hồi tưởng mà bạn đang lôi lại từ quá khứ mà thôi. Và vì vậy, những cảm giác mà bạn hiện có như nỗi đau, sự bất an, tâm lý cảnh giác… cũng chỉ là kết quả của quá khứ và nó là hư ảo. Ở giây phút hiện tại, điều đó không xảy ra, chúng ta vẫn đang bình an trong giây phút của hiện tại, hít thở thật sâu và tập trung vào những việc mình đang làm, hay điều khiển cơ thể khiến nó thoải mái, thư giãn hơn, thay vì nghĩ về quá khứ và để nó giam cầm bằng cảm xúc không tốt đẹp.
Ở Làng Mai cũng có nhiều phương pháp thực tập, giúp bạn nhận diện sự bế tắc trong cơ thể khi những cảm xúc tiêu cực lấn ác. Tuy nhiên, tất cả đều đòi hỏi sự thực tập mỗi ngày, từ ngay trong sự buông thư, tọa thiền, thọ thực, chia sẻ giáo pháp… Đối với những giây phút gặp khó khăn, khi đã có nền tảng chánh niệm, tự trở về với giây phút thực tại, ngay thời khắc ấy chúng ta cũng đã đang chế tác hạnh phúc, đó là sự an lạc.
Sự chế tác an lạc, hay hạnh phúc bằng thiền tập, không chỉ bó buộc trong một không gian cố định nào như thiền đường, chùa chiềng… mà khi đã thuần thục, ta có thể chánh niệm ngay trong sinh hoạt đời sống hằng ngày và như vậy, ta chế tác hạnh phúc trong từng thời khắc.
Mỗi ngày chúng ta nên dành 30 phút đến 1 tiếng, từ 1 đến 2 buổi công phu trong một ngày, đầu tư vào việc thực tập chánh niệm, dần dần khiến nó trở nên thuần thục hơn. Cần nhấn mạnh rằng bất cứ việc gì cũng cần có sự rèn luyện và chăm chỉ thực hành để đạt được kết quả như mình mong muốn.
NGƯỜI TRẺ ĐỐI DIỆN VỚI VƯỚNG MẮC
* Là một vị giáo thọ thường xuyên hướng dẫn nhiều khóa tu cho Phật tử ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Theo thầy, người trẻ trong thời đại này đang gặp phải những thách thức nào và bị mắc kẹt vào điều gì khiến họ thường rơi vào stress, trầm cảm, tự tử, biểu hiện ngày một nhiều như vậy?
- Câu hỏi này có lẽ cần cả bài pháp thoại để có thể diễn đạt đầy đủ nhất (cười). Nhìn chung, bất cứ ai, không phân biệt màu da, giới tính, chủng tộc… cũng đều tồn tại những khổ đau, khó khăn riêng trong mình. Tuy nhiên, cốt lõi chung của tất cả sự khổ đau và khó khăn trong mỗi con người đều xuất phát từ nền tảng của sự sợ hãi. Nỗi sợ dẫu bé nhỏ cũng khiến con người nảy sinh, phát khởi những lo lắng, từ những lo lắng nhỏ tích tụ thành những lo lắng ngày một lớn hơn, rồi từ những lo lắng thực tế tích tụ thành những lo lắng viễn vong, dần vượt khỏi tầm kiểm soát, trở thành căng thẳng lo âu kéo dài. Đây chính là vấn đề của người trẻ, nỗi sợ hãi.
Tôi cho rằng, trong đời sống hiện đại ngày nay, mỗi người cần có ý thức và biết cách tự chăm sóc chính bản thân mình, sau đó là biết chăm sóc cho gia đình, người thương xung quanh. Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế, trừ hai năm ảnh hưởng của đại dịch. Có thể nói kinh tế cũng là một phần quan trọng trong đời sống, nó là phương tiện để chúng ta có được sự thoải mái về nhu cầu vật chất, song kinh tế không phải là mục tiêu sâu sắc nhất để con người đi đến hạnh phúc, đặc biệt là đối với người xuất gia tu học. Kinh tế mặt khác cũng là con dao hai lưỡi, giúp con người thoải mái về nhu cầu vật chất, nhưng cũng là thứ khiến con người rơi vào khủng hoảng của nỗi sợ hãi mất mát, thua kém.
Như vậy, nếu chúng ta không có đủ sự nhìn nhận về nội tâm của chính mình, ta sẽ để cho nỗi sợ điều khiển, khiến mình phải liên tục đuổi theo quyền lợi, cảm xúc, danh tiếng, dục vọng… Cuộc rượt đuổi chạy đua theo những nhu cầu thể xác này sẽ khiến con người chúng ta đánh mất chính mình, từ đó nảy sinh stress, trầm cảm. Bởi trong chúng ta, ai cũng có những so sánh thiệt hơn, sự ganh đua tị hiềm, như mồi than đang nung nấu. Do đó, nếu mồi than này không được kiểm soát, không được tưới tẩm, gieo trồng và chăm sóc hạt giống thiện lành đúng cách ngay từ đầu, chắc chắn về lâu dài, từ mồi than đang nung nấu, sẽ bùng lên ngọn lửa thiêu đốt dữ dội.
Nhiều năm trở lại đây, khi Sư Ông còn tại tiền, tôi từng có nhiều cơ hội cùng Sư Ông làm việc với các quan chức ở khắp thế giới. Sư Ông với tinh túy của đạo Bụt, đã có góc nhìn rõ nét rằng, môi trường không chỉ là vật thể nằm bên ngoài con người, môi trường còn là tất cả những gì đang tồn tại bên trong cơ thể con người. Vì vậy, chúng ta không chỉ cần bảo vệ môi trường sống bên ngoài, mà còn cần gìn giữ và bảo hộ môi sinh trong mỗi chúng ta. Chúng ta là một phần của môi trường và môi trường cũng chính là chúng ta. Đây chính là một tuệ giác để chúng ta trở về với bản tâm của chính mình, từ đó nhìn nhận được sự tác động từ những thay đổi tiêu cực và tích cực của môi trường lên con người và ngược lại, để rồi mỗi chúng ta có ý thức hành xử đúng mực hơn với môi trường bên ngoài và trong chúng ta.
Ngay trong thời đại ngày nay, dẫu đã là thế kỷ 21, chúng ta vẫn thấy sự kỳ thị, bất bình đẳng, chia rẻ giai cấp… diễn ra mỗi ngày trong xã hội. Thậm chí đôi lúc nó cũng diễn ra ngay cạnh bên chúng ta, hay âm thầm trong chính chúng ta. Nhận thức được điều này, chúng ta nên biết rằng, đây là lúc bản thân bên trong lẫn bên ngoài, đều đang cần nhiều tình thương yêu hơn nữa. Rõ ràng, chúng ta đang có những chuyển biến tích cực về lòng từ bi, sự bao dung bằng những hành động thiết thực như các phong trào đấu tranh, biểu tình… nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức xã hội về sự công bằng, bình đẳng và lan tỏa thông điệp yêu thương.
Ngay ở nơi bản thân tôi, là một người tu sĩ, cho đến nay, tôi vẫn cần và đang tiếp tục nỗ lực tu tập để mở rộng sự hiểu biết, thực hành chánh niệm để mở rộng lòng từ bi, tập cho mình bao dung hơn trước mọi vấn dề xảy ra. Tôi cho rằng, lòng bao dung sẽ giúp chúng ta chuyển hóa được nhiều nhất sự khổ đau và khó khăn phát khởi trong cuộc sống. Tại Làng Mai Pháp, đây cũng là văn hóa mà Tăng thân mong muốn mở rộng, lan tỏa hơn nữa, văn hóa bao dung. Hạt giống kỳ thị, phân biệt luôn có thể ẩn náu trong bất cứ ai, ngay cả đó là một hành giả xuất gia, do đó chúng ta cần nhận diện hạt giống này, ôm ấp nó và chuyển hóa nó.
* Như Thầy đã chia sẻ, thế giới luôn có những vấn nạn về sự kỳ thị, môi sinh bị tàn phá, chiến tranh xung đột… Phật giáo có thể làm gì để góp phần giải quyết các vấn nạn lớn đó?
- Phật giáo đã và đang tiếp tục đóng góp cho xã hội ngót hơn 2.600 năm nay. Nếu thực sự học về đạo Bụt và đi sâu vào đó, có thể thấy, đạo Bụt xây dựng và củng cố nên một con đường đạo đức rất rõ ràng. Con đường đạo đức ấy hướng chúng ta đến tình thương, sự bao dung, săn sóc chính mình và lẫn nhau, giúp cho mỗi người nhìn nhận được nỗi khổ đau đang tồn tại và cách dùng bi từ để chuyển hóa nỗi đau, khó khăn ấy.
Như vậy, đạo Bụt đã và đang lan tỏa, tiếp cận và thay đổi nhận thức từ các vị lãnh đạo cấp cao, những người có trọng trách quản lý và vận hạnh chủ chốt của một quốc gia, góp phần thay đổi định hướng tư duy của toàn bộ xã hội về lòng từ bi và bao dung. Đó chính là đóng góp lớn nhất và thiết thực nhất mà đạo Bụt đã và đang cống hiến cho xã hội. Một xã hội được quản lý bởi những con người giàu lòng yêu thương và bao dung, đó là xã hội của sự bình an và hạnh phúc.
Đạo Bụt có khả năng mang lại cho xã hội nhận thức về nội tâm, về giây phút thực tại và cách để chuyển hóa khổ đau. Nó không chỉ về mặt tâm linh, mà các phương pháp thực hành của đạo Bụt cũng đã được khoa học chứng minh, mang lại hiệu quả thiết thực cho nội tâm của con người và trong đó, thiền tập, chánh niệm đang được ứng dụng mạnh mẽ như một phương cách trị liệu tinh thần tại rất nhiều quốc gia.
Cần hiểu rõ rằng, “đạo” ở đây không nhất định là một tôn giáo cụ thể nào, hay sự ràng buộc của ta với bất kỳ đức tin nào, “đạo” ở đây là con đường để chúng ta đi đến hạnh phúc, an lạc và bình an. Như vậy, con đường đạo không phải là mục tiêu để ta đạt tới theo kỳ hạn được định sẵn, mà đó là con đường xuyên suốt cuộc đời, mà bất cứ ai mong muốn tìm thấy hạnh phúc đều phải thực hành mỗi ngày mỗi giờ.
Chúng ta cần hiểu rằng, từng giây phút đều là cơ hội để chúng ta nhìn thấy ánh sáng mới, cách đối diện mới trước khổ đau và khó khăn, cách chuyển hóa mới và từ đó đạt được sự bình an nội tâm. Đạo Bụt chỉ cho chúng ta con đường thực tập ấy thông qua chánh niệm, chánh định, chánh kiến, cho ta lộ trình để quan sát, chấp nhận, ôm ấp và chuyển hóa nội tâm, quay về với chính mình của thực tại và giải quyết mọi khổ đau, khó khăn phát sinh.
Sư Ông đã từng chia sẻ rằng, sau nhiều năm đồng hành cùng các tổ chức kêu gọi và hành động vì hòa bình, Sư Ông nhận thấy chưa thật sự tồn tại hòa bình trong các tổ chức ấy, vì thực tế vẫn còn hiện hữu năng lượng của sự bực tức, giận hờn. Dẫu rằng chúng ta đều có quyền tồn tại những cảm xúc ấy, nhưng là nơi kêu gọi hành động vì hòa bình, con người làm công tác đó cần phải chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực thành những nguồn năng lượng tích cực hơn, để mỗi lời kêu gọi hòa bình, sự bình an được xuất khởi ngay từ bên trong, chứ không phải là lời kêu gọi trống rỗng. Nêu ra điều này để thấy rằng, đạo Bụt thật sự mang lại lợi ích cho con người và thay đổi toàn xã hội một cách tích cực hơn, từ những người chủ chốt đến từng cá thể trong xã hội, từ từng thành viên đến toàn thể gia đình, dòng tộc.
Con đường, lối thoát ra bên ngoài, tùy thuộc vào nội tâm bên trong của chúng ta. Đây cũng là một tựa sách mà Làng Mai đang thực hiện. Thật vậy, tất cả mong muốn thay dổi, chuyển hóa đều phải xuất phát từ nội tâm, từ trái tim. Sự mong cầu chân thật từ trái tim sẽ thôi thúc chúng ta bước đi trên con đường thực tập chánh niệm, để tìm kiếm sự hiểu biết, ánh sáng soi rọi nội tâm và từ đó nhìn nhận, quay về với thực tại.
“Đạo Bụt là văn hóa rất đẹp của người Việt Nam, đạo Bụt cũng là con đường thực tiễn đi đến bình an và hạnh phúc, vượt ra khỏi sự mê tín dị đoan hay bất kỳ phép nhiệm mầu nào mà ta cần tôn sùng. Đạo Bụt là phương pháp có thực để mỗi người áp dụng vào đời sống hằng ngày của từng cá nhân, chứ không phải lý thuyết và hình thức.
Tôi mong rằng những bạn trẻ, những người có quyền quyết định tương lai của chính mình và có quyền thay đổi xã hội, sẽ cùng chung tay cùng quý Thầy, Sư cô, đưa đạo Bụt vào đời sống bằng chánh niệm, tỉnh thức, để giúp mọi người cùng vượt qua khổ đau, khó khăn bằng hành động từ trái tim. Cần nhớ rằng, bất cứ việc làm nào xuất phát từ trái tim đều là sự phụng sự thiết thực cho đạo Bụt và cho đời sống xã hội.
Thích Pháp Hữu
TUỆ GIÁC ĐỨC PHẬT VÀ HỒI CHUÔNG THỨC TỈNH
* Theo phân tích của Thầy, những vấn nạn lớn của thế giới vừa là thách thức, nhưng đó cũng là hồi chuông thức tỉnh con người?
- Với tuệ giác của đạo Bụt, đúng là như vậy. Theo ngôn ngữ của Làng Mai, khổ đau, vấn nạn, khó khăn, thách thức… chính là hồi chuông chánh niệm để mỗi người thực hành trở về với giây phút hiện tại, tập nhìn nhận những gì đang xảy ra, có ý thức về việc chúng ta nên và không nên làm gì. Có thể ngay trong những khái niệm về “điều không nên làm” chính là những suy tư mà mình đã gieo trồng, nhận ra nó chúng ta dùng chánh niệm để chuyển hóa nó, bằng cách dũng cảm đối mặt và không bao giờ làm “điều không nên làm” ấy, ngay thời khắc dũng cảm đó, nghĩa là chúng ta đang từng bước chế tác hạnh phúc, bình an. Tất cả chúng ta đều có quyền chế tác hạnh phúc và bình an cho chính mình.
* Thưa Thầy, trước những khó khăn đang diễn ra trong cuộc sống, người Phật tử cần làm gì để chuẩn bị một tâm thế đối diện với khó khăn ấy, nhất là những người không thường xuyên có sự tu tập, đến chùa, hay tham gia các khóa tu?
- Tôi có nhắc đến một cụm từ, đó là “đời sống tâm linh”. Có những người không có nhiều cơ hội đi đến chùa chiềng, tham gia những khóa tu, nhưng theo tôi, đó không phải là một hàng rào giới hạn bản thân đầu tư vào đời sống tâm linh của chính mình.
Có lần tôi được gặp một số bạn trẻ trong chuyến đi về Việt Nam, họ là những người không thường xuyên đến chùa và họ gặp tôi thông qua những người bạn của họ giới thiệu. Câu đầu tiên mà 3/5 bạn trẻ nói khi gặp tôi đó là: “Thưa thầy, con không theo đạo”. Câu nói này như một sự cảnh giác và tự bảo vệ mình của các bạn trẻ khỏi việc được khuyên quy y hay thường xuyên đến chùa… Những lúc như vậy, tôi đã đề nghị các bạn trẻ cho thầy biết suy nghĩ của các bạn về thế nào là đạo Bụt và nhận được những câu trả lời chung rằng, theo đạo nghĩa là phải đặt lòng tin tuyệt đối vào sự màu nhiệm từ một đấng toàn năng bên ngoài nào đó, như vậy mới gọi là đời sống tâm linh. Sau khi nghe câu trả lời ấy, tôi đã đóng góp nhận thức của mình về đạo Bụt, về đời sống tâm kinh như thế này: đời sống tâm linh trước hết là sự tự do riêng tư của mỗi người, là sự lựa chọn độc lập của mỗi người về con đường, phương pháp dẫn đến hạnh phúc, bình an ngay trong giây phút hiện tại, chứ không phải là sau khi chết mới đạt được hạnh phúc ở một cõi nước, một sự tái sinh nào đó. Cõi Tịnh độ không xa như chúng ta nghĩ, thực ra nó nằm ngay giây phút hiện tại, sự nhận biết bình an ngay giây phút hiện tại, đó là ta đang sống hạnh phúc ở cõi gọi là Tịnh độ.
Lời khuyên của tôi với các bạn trẻ là hãy thực hành chánh niệm. Chánh niệm không chỉ thuộc về sự thực tập trong chùa chiềng, thiên về tôn giáo, đời sống chánh niệm là sự thực tập mà bất cứ ai, bất cứ đâu cũng có thể đem vào đời sống hằng ngày. Do đó, không cần bắt buộc đến chùa, tu viện, đạo tràng… mỗi ngày chúng ta chỉ cần dành 10 đến 30 phút, hoặc có thể hơn, tùy vào mỗi người, ngồi thật yên, trở về và quan sát hơi thở, để chế tác mối liên hệ giữa nhận thức và hơi thở của ta, rằng ta hiện diện ở giây phút hiện tại. Đó là cách chúng ta chuẩn bị cho những khó khăn khổ đau có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nên thực tập mỗi ngày như một sự chuẩn bị hành trang trước mỗi chuyến đi, đừng để đến khi nỗi đau phát khởi mới loay hoay tìm cách chế ngự, chuyển hóa.
* Được kề cận và là thị giả cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thầy đã học được từ vị Thầy của mình những khả năng chế tác năng lượng thiện lành như thế nào?
- Tất cả những chia sẻ của Sư Ông trong các buổi pháp thoại chính là con đường để tôi cũng như Tăng thân Làng Mai lấy đó tu tập, thực hành mỗi ngày. Ngay cả bản thân Sư Ông cũng vẫn thường tu tập như vậy. Đừng nghĩ rằng khi ở một vị trí nào đó nhất định, nghĩa là chúng ta đã chứng đắc và không cần tiếp tục tu tập. Thực tế, đời sống tu tập vẫn phải diễn ra hằng ngày. Như Đức Phật, ngay cả khi Ngài đã Giác ngộ, là một bậc Chánh đẳng Chánh giác, Ngài vẫn tiếp tục hành trì tu tập để gìn giữ hạt giống Giác ngộ. Ví như hạnh phúc, hay bình an, khi ta có được chúng, ta vẫn cần phải gìn giữ và bảo vệ chúng để chúng hiện hữu tiếp tục.
Điều may mắn mà tôi được tiếp nhận từ Sư Ông đó là sự nhìn nhận về đạo Bụt. Đạo Bụt không phải là lý thuyết giáo lý, mà đó là lộ trình thực hành rõ ràng và minh bạch để dẫn đến một mục tiêu cụ thể nhất định, chứ không mơ hồ, thần bí. Từ sự nhìn nhận ấy mà việc tu tập trở nên rất nhẹ nhàng, như bất kỳ một sinh hoạt thường nhật nào trong đời sống. Dần dần, đi đến nhận diện bản thân trong giây phút hiện tại, dẫu có bất cứ điều gì, hay suy nghĩ nào trỗi dậy, tôi vẫn nhận biết được mình trong giây phút thực tại.
Một điều khác mà tôi học được và rất tâm đắc từ Sư Ông, đó là phụng sự từ trái tim. Cần phân biệt rõ, đó là sự phụng sự từ trái tim chứ không phải từ bản ngã của bản thân, tức là nhận diện trách nhiệm, trọng trách của bản thân, một người đi trước, mong muốn giúp đỡ người đi sau, chứ không vì thể hiện sự chín chắn, hay thành công, hay nhằm phô trương danh tiếng cá nhân.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"
Phỏng vấn 11:25 17/12/2024Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp
Phỏng vấn 09:37 12/12/2024Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.
Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”
Phỏng vấn 11:39 11/12/2024Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…
Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây
Phỏng vấn 15:56 07/12/2024Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.
Xem thêm