Thượng tọa Thích Chân Quang: "Tam bảo là nơi ta có thể nương tựa tuyệt đối"
Thượng tọa khẳng định rằng người nào hiểu được trong cuộc sống cũng như trong sự thăng tiến của tâm linh, đạo đức, luôn có sự tương tác, nương nhờ lẫn nhau giữa con người với thiên nhiên, Tổ quốc, đạo pháp, hành tinh thì đó mới là chánh kiến.
Sáng ngày 27/05/2023 (nhằm ngày 09/04/Quý Mão), nhận lời mời của ĐĐ Thích Quảng Thiện - Trưởng Ban Kiểm soát BTS Phật giáo Thị xã La Gi, trụ trì chùa Phước Linh (xã Tân Hải, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), TT Thích Chân Quang - Tiến sĩ Luật Học, Giảng sư Phật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã quang lâm Pháp toà thuyết giảng đề tài "Những chỗ nương tựa trong cuộc đời của chúng ta" gửi đến hơn 1.300 Phật tử trong và ngoài tỉnh cũng như nhân dân địa phương nhân lễ đặt đá khởi công xây dựng trùng kiến chùa Phước Linh, nhằm trang nghiêm ngôi Tam Bảo, đáp ứng nhu cầu tu học của bà con Phật tử gần xa.
Tham dự buổi thuyết Pháp có chư tôn đức Tăng Ni các chùa, tự viện trong và ngoài tỉnh, chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang.
Ngoài ra còn có đại diện các Ban điều hành Đạo tràng Phật Quang và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang khu vực miền Nam, thanh niên, sinh viên gần xa cùng về tham dự buổi thuyết Pháp và công quả. Về phía khách mời có đại diện các cơ quan ban ngành đoàn thể trong tỉnh, thị xã cũng như địa phương sở tại.
Ý nghĩa của bài Pháp thoại nhằm giúp các Phật tử hiểu rằng: Không ai có thể tồn tại một mình. Muốn phát triển, thành công, chúng ta đều phải nương tựa, hợp tác, nhờ vả lẫn nhau. Qua đó, mọi người biết coi trọng các mối quan hệ trong xã hội, biết cách ứng xử đúng đắn để làm lợi cho cuộc đời, cũng như giúp cho các Phật tử chiêm nghiệm sâu hơn về triết lý: trong cuộc sống, trong sự phát triển, trong sự giáo dục, đặc biệt là trong tu tập, không ai có thể tồn tại một mình. Đây vừa là nguyên tắc, cũng vừa là đạo đức trong khắp vũ trụ này.
TT Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài Sống Thiện thì không cô đơn
Trước khi đi vào nội dung bài Pháp thoại, Thượng toạ bày tỏ sự cảm thông với thầy Trụ trì khi thấy ngôi chùa đã xuống cấp trầm trọng vì nắng táp mưa sa, sự bào mòn theo năm tháng. Quan trọng hơn, hiện nay Tăng chúng cần có chỗ trang nghiêm để tu học, đồng thời chùa cần xây dựng những đạo tràng, những khóa tu tập nhằm đáp ứng đời sống tinh thần và tâm linh cho quần chúng Phật tử. Đó là động lực để Đại đức Trụ trì phải trùng hưng, kiến tạo lại chùa Phước Linh. Dịp này, trên tinh thần “Trùng hưng Tam Bảo” Thượng toạ kêu gọi các Phật tử cùng nhau cầu nguyện, đóng góp tịnh tài tịnh vật nhằm trang nghiêm chốn Phật để cho mọi người có nơi nương tựa, tu tập.
Mở đầu bài Pháp, Thượng toạ khẳng định, trên căn bản của nghiệp thức và tâm lý, mỗi chúng ta là một bản ngã riêng biệt, không ai giống ai. Nhưng bước vào cuộc sống, tất cả chúng ta đều phải hợp tác, nương tựa, nhờ vả lẫn nhau để tồn tại và phát triển.
Ví dụ có một người nào đó yêu thích sự cô độc, họ bỏ phố thị, bỏ công việc làm, bỏ hết mối thân quen, tìm một nơi vắng vẻ, lặng lẽ sống một mình. Họ nghĩ tìm đến nơi tột cùng của sự cô độc, vắng vẻ, hoang vu thì chắc chắn tâm họ được yên lành vì không bận tâm với ai, không bận tâm gì với cuộc đời này. Thực tế, họ dễ trở thành người căng thẳng, lo lắng, bất an nhất. Không tin ta cứ thử nghiệm 3 năm rồi sẽ thấy điều gì xãy ra.
Nói về “nương tựa”, bụng mẹ là nơi chúng ta nương tựa đầu tiên trong đời. Sau khi lọt lòng ra thì cái chỗ ta nương tựa chính là cha mẹ. Giây phút đó mà không có cha, không có mẹ (dùng cái máu thịt của mình để nuôi con mình), không có Y Bác sĩ, không có người điều dưỡng, không người chăm sóc thì đứa bé chết liền sau vài tiếng đồng hồ. Để ý rồi sẽ thấy, không ai tồn tại một mình, mà cả cuộc đời chúng ta toàn là nhờ vả, dựa dẫm,...
Rồi trong suốt quãng đời từ thưở sơ sinh đến lớn lên dần dần cho đến cái ngày mà ta gọi là đủ lông đủ cánh thì lúc nào ta cũng phải dựa vào gia đình mình là chính. Cái nguyên tắc của việc dựa dẫm, nương tựa, nhờ vả là giống như nước đổ từ chỗ cao xuống chỗ thấp; giống như đất cứ tuột từ chỗ cao xuống chỗ thấp; giống như gió sẽ thổi đi từ chỗ áp lực nặng tới chỗ áp lực nhẹ (áp lực loãng).
Cũng vậy, khi chúng ta xuất hiện giữa cuộc đời này là chúng ta luôn cần có nơi để nhờ vả, để nương tựa, để dựa dẫm. Mà chúng ta nhờ vả ai, nương tựa ai, dựa dẫm ai? Thượng toạ khẳng định: chúng ta nhờ vào cái nơi, cái người có phước hơn mình. Bằng nhiều ví dụ thực tế, Thượng toạ cho thấy trong gia đình chúng ta nương tựa anh chị, cha mẹ; trong cộng đồng ta dựa vào những người hàng xóm để bảo vệ lẫn nhau; trong đời sống ta dựa vào hệ thống luật pháp của quốc gia để giữ trật tự cho toàn xã hội, để tồn tại mà phát triển (nếu không xã hội sẽ loạn lên liền vì mạnh được yếu thua).
Không ai tách ra khỏi được hệ thống nhà nước, luật pháp của mình trừ những người ảo tưởng (tức sống trong hệ thống quốc gia mình mà cứ tưởng mình không cần đến nhà nước này). Nên nhớ từ khi lọt lòng cho tới khi mình mất thì nhà nước là một nơi ta nương tựa. Phải yên tâm tin chắc vào điều đó. Phải hiểu như vậy để ta yêu quý đất nước mình, yêu quý chế độ, yêu quý nhà nước mình mà sống, làm việc, phụng sự và cống hiến.
Cuối cùng, ta nương nhờ đạo Pháp của ta bởi đây là nguồn tâm linh, đạo lý, mà căn bản hơn là một nguồn đạo đức cho ta một lối sống, một cách suy nghĩ, ứng xử, tương tác đúng đắn, tốt đẹp giữa người với người; giữa người với súc sinh; giữa người với muôn loài khác; giữa người với cây cỏ, với thiên nhiên, với môi trường, với xã hội, với chúng sinh. Một khi có được sự tương tác tốt đẹp đó thì cuộc đời ta thăng hoa, phát triển.
Cái nguồn dạy cho ta sự tương tác một cách tốt đẹp, sâu sắc chính là đạo Pháp, là đạo lý. Nghĩa là, giữa cái trần gian mong manh, tạm bợ, khổ đau này, may mắn cho chúng ta có nơi để nhờ vả, nương tựa, dựa dẫm. Hiện nay, nhiều người đang cố bơm vào suy nghĩ của lớp trẻ một ý tưởng tự lập, mình là một cá thể độc lập giữa cuộc đời này, không cần ai, cứ mạnh mẽ đứng lên mà sống. Đây là một sự ảo tưởng nguy hiểm bởi lúc nào chúng ta cũng cần phải nương tựa vào một cái gì đó để sống.
Như hiện tại, ta có thể sống bình yên, tự tại giữa đời này là nhờ sự bảo vệ vô hình của hệ thống pháp luật. Tuy không nhìn thấy nhưng ta cũng đang dựa vào đạo đức cộng đồng để sống. Hay mắt ta không thấy, tai ta không nghe nhưng có những người chiến sĩ ngoài kia đang ngày đêm vất vả, bất chấp mạng sống mình để giữ sự bình yên cho đất nước. Không có sự hy sinh thầm lặng ấy, đất nước mất, chúng ta cũng không thể sống bình yên. Nên cứ tưởng mình có thể tồn tại một mình, thực ra ta đang dựa vào rất nhiều thứ.
Nói sống trên đời có thể tồn tại độc lập, không cần nương tựa vào ai là một loại tà kiến, coi chừng chết đọa súc sinh. Người nào hiểu rằng trong cuộc sống cũng như trong sự thăng tiến của tâm linh, đạo đức, luôn có sự tương tác, nương nhờ lẫn nhau giữa con người với thiên nhiên, Tổ quốc, đạo pháp, hành tinh thì đó mới là chánh kiến. Vậy tà kiến là gì?
Phật từng dạy: “Người không tin có tái sinh là tà kiến. Người không tin có cúng tế là tà kiến. Người không tin có bố thí cho người thiện, cho bậc Sa Môn là tà kiến. Người không biết kính trọng những bậc đáng kính là tà kiến. Người không tin có nghiệp là tà kiến”. Ngoài ra, còn nhiều tà kiến khác nhưng Phật chỉ vắn tắt cho ta vài điểm để cảnh báo. Đồng thời, nhắc ta đừng bao giờ đến gần kẻ reo rắc tà kiến.
Tìm người nương tựa, nhờ vả, đầu tiên, chúng ta phải tìm người có phước, có đạo đức, có trí tuệ hơn mình. Có phước thì họ mới dựa vào phước để giúp đỡ ta; có đạo đức thì họ mới không lợi dụng hoàn cảnh của ta để trục lợi. Đặc biệt, đừng khờ dại nương tựa kẻ xấu lúc mình gặp khó khăn bởi chết không đáng sợ, bằng việc bị họ bắt làm việc sai quấy. Ai cũng xác định được quan điểm sống như vậy thì thế giới sẽ từ từ bình yên.
Thứ hai, bên cạnh việc nương nhờ người tốt, người giỏi, người nhiều phước, ta cũng phải dựa vào nhân quả. Kể cả người tài giỏi, quyền lực đến mấy cũng đừng bao giờ rời khỏi nhân quả, lúc nào cũng phải dựa vào Nhân quả để suy nghĩ, hành động, cư xử nếu không sẽ đọa ác đạo liền.
Thứ ba, ta phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân bởi muốn làm điều lành thì chính ta phải cố gắng, không ai làm thay cho được. Chỉ có nỗ lực, phấn đấu, hoàn thiện đạo đức, năng lực của mình ta mới cống hiện được nhiều cho cuộc đời. Nhờ thiện chí, đạo đức này, khi mọi người nhìn thấy, sẽ hỗ trợ, giúp đỡ ta. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, ta còn phải dựa vào sự gia hộ của Chư Phật. Đừng ai nghĩ mình giỏi tự làm hết được mọi việc. Người càng giỏi lại là người không bao giờ chủ quan. Lúc nào họ cũng lập kế hoạch trước, sau đó quỳ xin Phật gia hộ để mọi việc được thành công theo đúng kế hoạch. Tức là người trí tuệ luôn biết có những bất trắc, rủi ro không lường trước được nên đành giao phó nó cho trời Phật. Đây cũng là lí do, dù ta có nỗ lực hết sức nhưng cuối cùng vẫn phải dựa vào sự gia hộ của chư Thiên, chư Phật chứ không được chủ quan.
Nhắc đến vấn đề này, nhà Nho cũng có câu: “Tận nhân lực mới tri Thiên mệnh”. Tức là ta phải cố gắng hết sức mình rồi mới biết được số trời. Nên ta cứ cố gắng đi. Có vậy, khi cầu nguyện Phật, Ngài mới nhìn vào sự nỗ lực của ta để gia hộ. Ta nỗ lực càng nhiều, Phật gia hộ càng nhiều. Ta nỗ lực ít, Phật sẽ gia hộ ít.
Thứ tư, ta phải dựa vào thiên nhiên trong lành. Thiên nhiên chính là khởi nguồn của sự sống nên ta phải dựa vào thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, không bao giờ được phản bội thiên nhiên. Người không biết bảo vệ thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường là người thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức.
Nương tựa, dựa vào nhau là yếu tố rất quan trọng, giúp chúng ta tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, nhiều người cũng dựa vào sự nương tựa này để ỷ lại, đây là một loại tâm lý rất xấu, gây mất đạo đức. Chúng ta phải nhớ, hễ ỷ lại vào điều gì thì ta sẽ mất điều đó.
Sống giữa cuộc đời thật phức tạp, bất an, đau khổ, tạm bợ này, may mắn thay chúng ta có Phật pháp để nương tựa. Trong đó, Tam Bảo là nơi ta có thể nương tựa tuyệt đối. Nương tựa tuyệt đối là ta đem tất cả lòng kính yêu của mình dâng lên Phật; đặt cả cuộc đời mình vào tay Phật; đem hết sự tin kính, hiểu biết của mình vào trong giáo Pháp. Nhờ sự nương tựa tuyệt đối này, ta có thể vượt qua được những bất thiện, lỗi lầm, vượt qua luôn cả tâm lý ỷ lại. Có thể thấy: Phật dạy ta Nhân quả nghiệp báo; Thánh Tăng dạy ta về trách nhiệm, bổn phận. Vậy nên, ta càng nương tựa Tam Bảo chừng nào, ta càng nỗ lực, cố gắng, phấn đầu chừng ấy.
Đặc biệt, để dựa vào nhau một cách ổn định, lâu dài, ta cần một đạo đức rất quan trọng là sự trung thành, chung thủy. Vì lòng trung thành này, dù có bị mua chuộc bằng rất nhiều lợi ích, vinh quang, ta cũng không bao giờ phản bội Tổ Quốc, đạo Pháp của mình. Cho nên, chúng ta phải nhớ, dù đứng trong mối quan hệ nào cũng phải đặt sự trung thành lên hàng đầu, có vậy mối quan hệ đó mới trở nên bền vững.
Tóm lại, để tồn tại và phát triển, ta cần tìm những nơi nương tựa trong cuộc đời. Và ngược lại, ta cũng phải trở thành nơi nương tựa cho người khác, đây chính là trách nhiệm. Vì trách nhiệm này mà ta phải cố gắng, nỗ lực, phấn đấu mỗi ngày. Ít nhất, cũng phải đạt được 5 yếu tố sau:
Thứ nhất, luôn phải vững vàng trong giông bão. Dù bị đặt trước nghịch cảnh nào, lòng ta cũng phải vững vàng, không lay động.
Thứ hai, phải có nhiều phước mới chia sẻ, giúp đỡ, trở thành chỗ dựa cho mọi người được.
Thứ ba, phải có đạo đức sâu dày, luôn độ lượng, vị tha, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Không ai muốn tới nương tựa người ích kỉ, hẹp hòi, cố chấp, tự cao, nóng nảy. Vậy nên, ta phải hoàn thiện đạo đức mình để trở thành nơi mà người khác tin cậy.
Thứ tư, ta phải có trí tuệ, thấu hiểu mọi điều trên đời. Muốn vậy, bên cạnh việc học thì phải siêng năng tu học để khai mở trí tuệ. Thượng toạ nhấn mạnh, nhiều điều trên đời không phải học mà có, rất nhiều thứ là do trí tuệ tự phát, không cần ai dạy. Nhờ có trí tuệ, ta lí giải được mọi điều trong cuộc sống một cách minh bạch, rõ ràng, giúp mọi người có hướng đi đúng đắn.
Thứ năm, ta phải có công phu tu tập chuẩn mực. Đến với đạo Phật, đến với giới - định - tuệ thì ít nhất phải có kết quả nào đó trong tâm linh. Làm sao để giữa cuộc đời đầy bất an này, ta có thể hướng dẫn mọi người tu tập, nhiếp tâm thanh tịnh, tìm được sự an ổn, vượt qua được khó khăn, khổ sở.
Tuy nhiên, dù đạt được đủ 5 điều kiện này thì số người tìm về nương tựa nơi ta nhiều hay ít cũng còn tùy duyên. Chỉ khi ta vượt khỏi chính mình, đạt được vô ngã, không còn là ta nữa thì mới có thể trở thành chỗ dựa cho vô số chúng sinh. Đây chính là cảnh giới mà Đức Phật, các vị Bồ tát, các vị A La Hán đạt được.
Trong sự cố gắng tu tập để đạt tới cảnh giới của “vô ngã”, ta rất cần một “vị Thầy” để nương tựa. Người xưa có nói: “Nhà có vàng không bằng làng có Sư”. Thực sự, một vị Thầy tốt, hiền lành, chân chính sẽ khiến những người xung quanh khi nhìn vào tự nhiên thấy hạnh phúc, tin tưởng, hướng thiện. Ngoài Thầy, ta cũng cần có một ngôi Tam bảo để sinh hoạt, tu học, lễ bái, tụng kinh, ngồi thiền.
Cuối cùng, trước khi kết thúc bài Pháp, Thượng tọa đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến chư Tôn đức, Tăng Ni, hy vọng mọi người đạt được nhiều thắng duyên trên bước đường tu hành, giáo hóa. Người cũng chúc các vị lãnh đạo được nhiều thắng lợi, góp phần hỗ trợ Phật pháp địa phương ngày một phát triển.
Bằng cách diễn đạt súc tích, ngắn gọn, lại thêm các ví dụ sinh động, gần gũi, Thượng tọa đã làm các đạo lý trở nên đơn giản, dễ hiểu. Nhờ đó, mọi người áp dụng, thực hành được luôn trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, có thể chia sể lại một cách đầy đủ, chính xác cho những người xung quanh, để ai cũng có thể tiếp cận được đạo lý đúng của Phật. Qua đây, lời Phật dạy được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, làm lợi thêm cho nhiều chúng sinh.
Hơn hết, bài Pháp đã góp phần thức tỉnh những người đã có lối suy nghĩ sống độc lập, cô độc một mình, coi thường sự tồn tại của những người xung quanh. Có lẽ cuộc sống phát triển, con người dễ dàng đạt được thứ mình muốn nên họ cho rằng mình giỏi, không còn coi trọng các mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ cộng đồng. Hãy tin chắc một điều sự “thành công” của mình là nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ vô hình từ rất nhiều người xung quanh và từ sự gia hộ của Phật, Bồ tát, các vị A La Hán. Từ đây, ta biết điều chỉnh lại hành động, cách ứng xử cho đúng đắn. Đồng thời năng nổ tu học rèn luyện để có thể hỗ trợ ngược lại cho người khác và trở thành điểm tựa cho mọi người xung quanh.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm