Thủy Tiên - Công Vinh tu tập Phật pháp như thế nào?
Ở trong đạo Phật có một triết lý rất hay là luật Nhân Quả. Nếu như giờ mình gặp một biến cố rất lớn và không thể gượng dậy được thì đó là cái nhân duyên từ kiếp trước mà mình đã gây ra cho người khác.
Công Vinh - Thủy Tiên làm từ thiện: 9 trạm lọc đủ nước ngọt cho 100.000 dân
“Trước đây, cuối năm nào nhà anh Vinh cũng mổ heo để tặng cho dân làng. Chỉ mới quen 2 tháng thôi mà việc đầu tiên tôi làm là cấm anh làm việc đó. Anh có thể dùng tiền đó để tặng, mua gạo cho mọi người ăn nhưng không được sát sinh. Vì lấy đau khổ này để bù đắp cho hạnh phúc kia là điều hoàn toàn vô nghĩa. Anh sẽ là người lãnh nghiệp” – Thủy Tiên chia sẻ.
PV: Cơ duyên nào đưa anh chị đến với việc tu tập?
– Thủy Tiên: Nhà tôi theo đạo Phật từ lâu. Mẹ tôi ăn chay từ năm 14 tuổi và gặp cha tôi trong chùa. Lúc mang bầu tôi, mẹ tụng kinh suốt. Phải hoàn thành đủ bộ kinh rồi mới đi sinh. Tuổi thơ tôi thuộc kinh còn nhiều hơn thuộc bài.
Điều may mắn lớn nhất của tôi là được sinh ra làm con của mẹ. Mặc dù nhiều lúc tư tưởng của hai người không hợp nhau nhưng nếu không có mẹ, tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ rất đau khổ.
Cũng nhờ có mẹ mà tôi biết đến Phật pháp. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi trở thành Phật tử, là một người con của Đức Phật.
PV: Những điều răn dạy của Đức Phật đã thay đổi nhân sinh quan của chị thế nào?
– Thủy Tiên: Ở trong đạo Phật có một triết lý rất hay là luật Nhân Quả. Nếu như giờ mình gặp một biến cố rất lớn và không thể gượng dậy được thì đó là cái nhân duyên từ kiếp trước mà mình đã gây ra cho người khác.
Giống như trồng một cây ớt thì không thể nào cho ra quả ngọt được. Mình phải chấp nhận những điều cay đắng đó. Không thể dùng thù hận hay cay cú để thay đổi được. Vì sẽ lại tạo ra nhân quả khác. Hãy đối diện với vấn đề thật bình thản, từ tốn thì sẽ thoát ra khỏi một cách rất hạnh phúc.
Nếu không hiểu được luật nhân quả thì có thể mình sẽ trách đời, trách người. Than khóc là tại sao mình lại khổ như vậy, tại sao ông trời lại không thương. Nhưng những điều đó sẽ chỉ mang tới cho con người những năng lượng xấu, không thể nào tốt đẹp được.
PV: Còn anh Vinh, lý do của anh có bắt nguồn từ việc “nể vợ” không?
– Công Vinh: (Cười lớn) Không phải. Cách đây khoảng 10 năm, Tiên đã nói hoài, thuyết phục suốt nhưng tôi chỉ bảo, anh chưa có duyên thì sao vào được. Cho tới khi tôi gặp được sư phụ là ngài Minling Khenchen Rinpoche – vị Hóa thân Thứ Chín của Hồng Quán Thế Âm Bồ Tát ở Ấn Độ. Được Ngài chuyển hóa thì tu theo từ đó.
Sau khi tu tập được gần 8 năm nay, với khoảng thời gian 1 tiếng mỗi ngày hoặc hơn, tôi thấy tâm thức mình được chuyển hóa.
‘Truyền thống Đạo Phật’ trong gia đình cầu thủ Công Vinh - Thuỷ Tiên
PV: Cụ thể như thế nào, thưa anh?
– Công Vinh: Tôi nghĩ rất nhiều người chưa từng nghĩ đến cái chết, thậm chí chưa bao giờ thoáng qua trong đầu ý niệm đó. Nhưng có những lúc đi trên đường, tôi chợt nhận ra rằng mình sẽ chết. Tôi thấm thía rằng: “À tiền bạc không phải quá quan trọng với mình”. Tất nhiên nó vẫn cần cho cuộc sống nhưng không phải là tất cả. Danh vọng và tất cả những gì đang có chỉ là phù du.
Hôm nay mình sống nhưng ngày mai có thể không thức dậy nữa. Tại sao không sống trọn vẹn, sống đúng là một người cha, một người chồng và một người con, sống có ích cho xã hội. Nếu được yêu thương và giúp đỡ ai đó thì tôi luôn phải sẵn sàng. Bởi sau này chết đi rồi, đâu còn cơ hội để làm.
Chúng ta nên nghĩ, bây giờ mình còn sống là một đặc ân. Hãy sống sao cho có ích và trọn vẹn nhất để được hạnh phúc, để những người xung quanh cũng hạnh phúc theo. Cuộc sống hiện giờ được như vậy là vì mình đã gieo một cái đức ở kiếp trước. Và kiếp hiện tại làm những gì thì kiếp sau cũng sẽ được như vậy.
PV: Thời gian đầu, khi không thuyết phục được chồng, chị cảm thấy thế nào?
– Thủy Tiên: Trước đây, anh Vinh vẫn đi từ thiện và làm những việc tốt nhưng để anh nghĩ đến việc sâu xa là tu tập thì khó. Tôi nói dần từ những việc vô thường. Vì cha mất từ năm tôi mới 9 tuổi nên tôi hiểu được việc người thân mất đi kinh khủng lắm. Nhưng không ai có thể thoát khỏi cái chết cả. Bấy giờ anh Vinh bảo, mình sống mà cứ nghĩ đến việc sẽ chết thì buồn lắm, thôi không có nghĩ nữa. Bẵng đi một thời gian, có một nhân duyên nào đó nên anh thay đổi, tự nguyện hướng tới và cảm thấy việc đó là đúng.
Trước đây, cuối năm nào nhà anh Vinh cũng mổ heo để tặng cho dân làng. Chỉ mới quen 2 tháng thôi mà việc đầu tiên tôi làm là cấm anh làm việc đó. Anh có thể dùng tiền đó để tặng, mua gạo cho mọi người ăn nhưng không được sát sinh. Vì lấy đau khổ này để bù đắp cho hạnh phúc kia là điều hoàn toàn vô nghĩa. Anh sẽ là người lãnh nghiệp.
Từ nhỏ, ngay cả con kiến mẹ tôi cũng không cho giết. Bà dạy tôi phải biết yêu thương và chia sẻ. Tiền hồi nhỏ tôi tiết kiệm được cũng là để đi giúp người nghèo chứ cũng không tiêu xài cho riêng mình. Điều này ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc sống và nhiều quyết định của tôi sau này.
Công Vinh - Thủy Tiên trao gần 1 tỷ đồng cho công nhân về ăn Tết
PV: Cuộc sống hiện tại của anh chị thế nào?
– Công Vinh: Công việc của Thủy Tiên chắc giống như bao người phụ nữ của gia đình khác. Sáng ngủ dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho chồng, sau đó cùng chồng trò chuyện rồi ăn trưa. Chiều đi tập thể dục, tối thì uống trà và đàm đạo với nhau rồi đi ngủ (cười).
PV: Còn anh thì sao?
– Thủy Tiên: Anh Vinh thuộc kiểu người như đang đi trên một con thuyền, mai có là ngày tận thế thì tối nay vẫn cứ phải ngả lưng làm một giấc rồi mai tính. Rất thoải mái, không phải lo gì hết.
– Công Vinh: Thật ra tôi nghĩ rằng những gì bản thân đạt đến được tại thời điểm này nằm ngoài sức tưởng tượng rồi. Tôi vẫn nói với Tiên là tôi sống khổ quen rồi, chỉ cần cơm cà là có thể sống ngày này qua ngày khác.
Tôi không quan trọng đồng tiền vì chẳng làm gì đến tiền, có bao nhiêu vợ giữ hết. Tôi chỉ cần một gia đình hạnh phúc, đi đâu về có cơm ăn, có giường ngủ và nhìn thấy vợ con vui vẻ là được.
PV: Tính từ nào sẽ miêu tả chính xác nhất trạng thái của cả hai lúc này?
– Công Vinh: Hạnh phúc. Tôi thấy cuộc sống của mình đúng như vậy. Một tuần, tôi có thời gian đi chơi những gì mình thích, có thời gian làm việc, cân bằng được giữa gia đình và cuộc sống. Quan trọng hơn, tôi có một hậu phương rất vững chắc và không lo lắng khi gặp bất kỳ vấn đề này gì. Tất cả đều có vợ lo, tôi chỉ chơi thôi nên thực sự rất sướng (cười).
Con người tôi bất cứ hoàn cảnh nào đều lạc quan. Sướng khổ gì cũng đều trải qua hết rồi. Giờ tôi chẳng phải lo gì, về nhà có cơm ăn, đến tối đặt lưng là ngủ, không phải suy nghĩ điều gì.
– Công Vinh: Sau khi tôi nghỉ đá bóng. Đi qua nửa đời người, tôi nghĩ mình hiểu được chân giá trị của cuộc sống. Bây giờ là độ tuổi đẹp nhất, vẫn còn sức khỏe để hưởng thụ. Tôi thấy nhiều người 60, 70 tuổi vẫn phải làm cái này, cái kia, vùi đầu vào công việc. Họ không có một chút thời gian nào để hưởng thụ cuộc sống hay để được thanh thản, thậm chí còn không có thời gian để đi du lịch.
– Thủy Tiên: Thực ra thảnh thơi hay không là do mình. Có những người mà đối với họ, phải gây dựng được sự nghiệp càng lớn càng tốt. Có một công ty rồi nhưng họ còn làm thêm 3, 4 công ty để thành tập đoàn. Khi lên chức chủ tịch rồi, họ cảm thấy rất thỏa mãn. Khối tài sản họ gây dựng được rất lớn nhưng lại không biết ngày nào tử thần sẽ gõ cửa. Nếu ngày đó bất ngờ tới, những gì họ gây dựng được là vô nghĩa. Họ không hưởng thụ được gì ngoài việc phải sáng thức dậy, ký hợp đồng, trả lương cho nhân viên, họp hành và vùi đầu vào công việc. Sống như vậy để làm gì?
PV: Mọi người sẽ nói, tôi giờ chỉ có 2 triệu, 2 tỷ thôi, còn bao giờ có 200 tỷ, tôi sẽ như Công Vinh và Thủy Tiên…
– Công Vinh: Không đâu, khi có 200 tỷ thì họ sẽ lại ước có 2.000 tỷ. Tôi nghĩ tiền không bao giờ là đủ cả.
– Thủy Tiên: Ngày xưa có một lần tôi đi Úc diễn, trái múi giờ mà nghệ sĩ đi diễn phải tranh thủ đủ thứ, hầu như không ngủ. Buổi sáng bay đến nơi, tối diễn đến khoảng 2, 3 giờ sáng mới về thì 4, 5 giờ sáng là phải tất tả ra sân bay để đi tiếp. Ra đến sân bay cũng không dám ngủ vì sợ máy bay bay đi mất. Việc đó kéo dài suốt 3, 4 ngày. Tôi mới nghĩ: “Ủa sao mình cực như con trâu vậy? Mình đang làm nô lệ cho cái gì đây?”.
Mình thèm ngủ lắm nhưng không được ngủ vì mình mắc đi kiếm tiền, mà thực ra mình có thiếu để mình phải làm như vậy hay không. Rất nhiều nghệ sĩ một lần đi Mỹ về cầm rất nhiều tiền nhưng mặt mày xám ngắt, bơ phờ. Tự nhiên mình nghĩ rằng hình như bản thân đang làm nô lệ cho đồng tiền. Rồi tôi thay đổi quan điểm sống, thay đổi cả suy nghĩ phải làm để tích lũy cho con cái mai sau nữa.
PV: Vì sao vậy?
– Thủy Tiên: Để lại tài sản cho con mà nó không có phúc để hưởng thì sẽ phá banh hết. Điều quan trọng nhất là để đức cho con.
Chúng tôi vẫn nói với bé Gạo (tên ở nhà của con gái Công Vinh Thủy Tiên – PV) rằng, đây là tài sản của ba mẹ. Khi nào con lớn, con đi làm có tiền thì đó là tài sản của con. Tiền ba mẹ là của ba mẹ chứ không phải của con. Ba mẹ hông cho con đâu nên con phải tự học, tự làm.
– Công Vinh: Nhiều người nói rằng mình làm đồng tiền phải củng cố đời con và làm đồng tiền cho con. Tôi nghĩ điều đó không phải là tất cả. Tất nhiên mình sẽ có kinh tế đủ để hỗ trợ con cái nhưng không phải là mình để lại tài sản cho con để con ỷ lại vào điều đó. Bố mẹ trước đây có để lại tài sản gì cho mình đâu.
PV: Hiện tại, nguồn thu lớn nhất của anh chị đến từ đâu?
– Thủy Tiên: Tôi vẫn đi hát, đóng quảng cáo. Còn anh Vinh chủ yếu từ việc kinh doanh trung tâm thể thao và học viện bóng đá CV9. Bên cạnh đó là đầu tư bất động sản và một số sản phẩm khác.
– Việc kinh doanh sẽ có những thuận lợi và bất lợi gì với người nổi tiếng như anh chị?
– Thủy Tiên: Bất lợi thì không có. Còn về thuận lợi, như trong việc đầu tư cho học viện bóng đá, chúng tôi thấy rất có ích. Thứ nhất, các bé có một chỗ chuyên nghiệp để chơi và tiếp xúc với những huấn luyện viên là cựu tuyển thủ quốc gia chuyên nghiệp, được tận tâm dạy dỗ. Thứ hai là giúp ích cho anh em đồng nghiệp.
Nhiều người sau khi giải nghệ không biết bản thân sẽ tiếp tục làm gì. Nếu có tiếp tục làm việc tại đội bóng chuyên nghiệp thì phải xa vợ con biền biệt, mà con họ đang phát triển thì cần phải có cha bên cạnh.
Nếu làm việc tại học viện thì mức lương tốt, đỡ vất vã, môi trường quốc tế văn minh, chuyên nghiệp và lại gần gia đình, vợ con. Thành ra, càng phát triển thì chúng tôi sẽ càng có ích cho các đồng nghiệp, bạn bè và cho cả các em học sinh nữa.
Gia đình Thủy Tiên hiến đất xây chùa tại quê nhà Kiên Giang
PV: Cả hai có lường trước rủi ro khi mang số tiền dành dụm ra để đầu tư không?
– Công Vinh: Chúng tôi chỉ làm những gì mà thực sự am hiểu. Vì đồng tiền của mình làm ra bằng “mồ hôi nước mắt”. Khi sử dụng, phải cân nhắc. Tôi với Tiên lại cùng quan điểm với nhau trong việc này. Tôi thấy những gì mình đầu tư và đang làm là hoàn toàn chính xác.
Tôi có một tình yêu đặc biệt với trẻ nhỏ. Kể cả trẻ ở lứa tuổi nào, 5 hay 17 tuổi, tôi cũng chia sẻ được với chúng. Tôi biết đứa trẻ đấy trong ngày hôm đó có vấn đề gì, vui hay buồn. Tôi sẽ luôn lắng nghe để các bé mở lòng được hết tất cả mọi thứ, và luôn có những lời nói hoặc những thứ để thúc đẩy chúng vượt qua điều đó. Tôi tin, những đứa trẻ sẽ ngày một tốt hơn.
– Thủy Tiên: Mỗi chuyện kinh doanh của chúng tôi đều phải có ích. Ở học viện, có nhiều đứa trẻ bị tăng động, tự kỷ, không hòa nhập được với cộng đồng. Anh Vinh phải kiên trì nhiều tháng trời và giờ, chúng cười rất hạnh phúc. Còn những gia đình hoàn cảnh khó khăn, anh sẽ hỗ trợ về học phí.
Mấy trăm cháu ở Học viện là anh Vinh nhớ tên từng đứa. Anh thương chúng như con của anh vậy. Nó đau một chút là anh sẽ dỗ dành. Anh ấy hạnh phúc nhất là sau khi đi dạy lũ trẻ về.
PV: Việc theo Phật pháp và tu tập ảnh hưởng như thế nào đến quan điểm kinh doanh của anh chị?
– Công Vinh: Đương nhiên điều đó rất quan trọng. Mình làm thì phải làm đúng tâm và trung thực.
PV: Như thế có ảnh hưởng đến lợi nhuận không?
– Công Vinh: Không. Đã xác định đi theo con đường này, kinh tế không còn là vấn đề lớn nữa. Ở đây mình duy trì một điều mà sẽ có ích về lâu dài cho nền giáo dục, nhất là về mặt thể thao. Quan trọng hơn cả, khi đến với Phật pháp, chúng ta phải làm mọi việc sao cho tốt nhất.
Khi đến với học viện của tôi, trẻ phải thực sự tiến bộ và cảm thấy tốt hơn thì tôi mới hạnh phúc. Lấy tiền người ta mà mình không làm tốt thì cũng không thấy vui đâu.
Tôi vẫn nói rằng nếu không tốt, không hạnh phúc thì tôi sẽ trả tiền lại. Đến mức độ như vậy mà. Nên thành ra các tuyển thủ quốc gia về đây đều làm việc rất hết mình vì ít nhất tôi luôn tận tâm với điều đó.
Khi mình làm viêc từ trái tim đến trái tim thì sự cảm nhận sẽ rất nhanh. Phụ huynh sẽ viết được mình đã làm việc hết sức, hết mình vì con họ hay chưa.
– Thủy Tiên: Thực sự, chúng tôi làm tất cả mọi thứ làm từ tình yêu thương. Ban đầu không nghĩ về lợi nhuận nhưng khi mình làm hết lòng, lợi nhuận sẽ tự đến và còn hơn những cái mà mình suy nghĩ.
Cảm ơn những chia sẻ của anh chị!
Nguồn: Tri Thức Trẻ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Ca sĩ Uyên Trang: "Nghe giảng về luật nhân quả nên tôi ngộ ra nhiều điều"
Phỏng vấn 12:01 23/10/2024Trong những năm vắng bóng, ca sĩ Uyên Trang - nổi tiếng với bài hit "Tình yêu và giọt nước mắt" - trải qua giai đoạn khó khăn vì bệnh tật, từng phải chữa tâm thần. Chị tiết lộ, nhờ nghe pháp, hiểu nhân quả, sống tích cực nên đã vượt qua biến cố nhẹ nhàng.
“Thờ cúng bố mẹ là phương tiện để biểu lộ lòng tri ân”
Phỏng vấn 12:25 22/10/2024Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo VN tại TPHCM, một giảng sư được yêu mến hiện nay đã nói như vậy.
Thầy Pháp Hữu: “Người tu vẫn còn khổ, nhưng…”
Phỏng vấn 15:11 12/10/2024“Có thể gọi thầy bằng nicknam “Một người tu có hạnh phúc” - Thầy Pháp Hữu, trụ trì chùa Pháp Vân - Xóm Thượng, Làng Mai (Pháp) mở đầu buổi phỏng vấn, rồi thầy mỉm cười từ ái, chia sẻ về con đường trở thành tu sĩ hạnh phúc.
Xem thêm