Chủ nhật, 18/02/2024, 15:35 PM

Tiền tệ và sự giàu có dưới góc nhìn Phật giáo

Mọi người ai cũng nói về tiền. Xuyên suốt lịch sử kể từ khi con người phát minh ra tiền, các doanh nhân và các triết gia không ngừng bày tỏ cảm nhận về đồng tiền “Tiền như nước biển, càng uống càng khát” (Arthur Schopenhauer); “Khi bạn xem tiền là Chúa, nó sẽ quấy rầy bạn như quỷ sứ…” (Henry Fielding)…

Tiền tệ và hạnh phúc

Khi kinh tế đang trong tình trạng suy thoái như hiện nay, người ta lại càng nói nhiều hơn đến tiền tệ. Từ việc đóng băng thị trường địa ốc đến tình trạng bấp bênh của trái phiếu ngân hàng, đâu đâu cũng chỉ nói về tiền vì tất cả đang thiếu hay đang khát nguồn tiền.

Chúng ta luôn mang trong mình ảo tưởng về tiền tệ vì nghĩ tiền tạo ra sức mạnh bản thân, uy tín, sự trọng vọng của xã hội, hạnh phúc cả thể xác lẫn tâm hồn, tạo ra cơ hội thăng tiến. Nhưng chúng ta cũng thấy đi kèm theo nó là sự bất an trong tâm hồn, sự sa đọa về đạo đức, sự tha hóa của con người. Nói theo Kai Romhardt trong We are the Economy thì việc dính mắc, bám víu đồng tiền, của cải, tài sản thường được mô tả như một trong những căn nguyên. Chấp là gốc rễ của lòng tham (tôi muốn cái này) và chối bỏ (tôi không muốn cái này)”.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trong hệ thống kinh tế, tiền là năng lượng. Sẽ rất hữu ích nếu ta hiểu năng lượng này và truyền tải một cách thiện lương. Nhưng rất tiếc thực tế không chỉ như thế nên Romhardt mới chia thành các loại tiền: đồng tiền lo lắng, dễ dàng hoảng sợ trước mọi thứ; đồng tiền bẩn thì đến từ những hành vi trái đạo đức như những khoản tiền hối lộ; đồng tiền lạnh khi không có mối quan hệ nào giữa người mượn tiền và mục đích sử dụng; đồng tiền ấm, đồng tiền từ bi sẵn lòng giúp đỡ ai đó cần hỗ trợ… Nghĩa là tùy theo mục đích liêm khiết hay phạm pháp, đồng tiền mang những mùi hương, gương mặt khác nhau và hành vi tài chính của ta cũng vậy.

Theo Henrik Ibsen, “Tiền là vỏ bọc của rất nhiều thứ, nhưng nó không phải hạt nhân. Nó cho bạn thức ăn, nhưng không cho bạn sự ngon miệng; cho được thuốc, nhưng không cho được sức khỏe; cho được người quen, nhưng không cho được bạn bè; cho được người hầu, nhưng không cho được lòng trung thành; cho được vài ngày tháng vui vẻ, nhưng không cho được sự bình yên, hạnh phúc”.

Đời sống tâm linh và đồng tiền

Chúng ta biết Đức Phật không sở hữu tiền. Mỗi một vị sư chỉ có ba bộ áo, một bình bát. Trong Tỳ-kheo giới bổn, người tu hành thậm chí không được đếm tiền hay sở hữu tài sản. Bản thân Phật đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để tìm ngọn nguồn khổ đau nhân loại. “Ngài chứng minh cho ta thấy cách để giải phóng bản thân khỏi những góc nhìn, những tư tưởng sai lầm thông qua việc kiên trì tu tập tỉnh thức, đạo đức và sự rộng lượng. Thông qua quá trình tu tập này, ta sẽ đạt hạnh phúc và bình yên” (Kai Romhardt, Sđd).

Nếu chúng ta tỉnh thức nhìn sâu vào nhu cầu thật sự của bản thân, ta sẽ thấy lòng cầu mong tình yêu, sự cảm thông, thấu hiểu lớn hơn cầu tài, cầu lợi hay cầu danh. Đức Dalai Lama thứ XIV đã công thức hóa tám câu hỏi trong “The Leader’s Way” để gợi cách đối diện đúng đắn với đồng tiền giàu có:

(1) Sự giàu có mà bạn đạt được có đến từ những cách đúng đắn không?; (2) Sự giàu có của bạn có phục vụ chỉ cho lợi ích của bạn hay không?; (3) Sự giàu có của bạn có làm người khác hạnh phúc không?; (4) Bạn có chia sẻ sự giàu có với người khác không?; (5) Bạn có làm điều tốt bằng sự giàu có của mình không?; (6) Bạn có chấp nhất sự giàu có của mình không? Bạn có yêu sự giàu có không?; (7) Bạn có ý thức những nguy hiểm mà sự giàu có mang lại không?; (8) Bạn có đủ kiến thức để hướng bản thân tới sự giải phóng tâm linh không?

Những câu hỏi trên không đánh đố chúng ta về nhân cách mà chỉ gợi mở những góc nhìn mới về sự giàu có, sở hữu tài sản nhiều. Việc chiêm nghiệm về tính vô ngã của đồng tiền và sự vô thường của mọi thứ cũng cần thiết để suy ngẫm những hoạt động kinh tế tỉnh thức. Để rồi nhận ra bản chất thật sự của đồng tiền cũng như của cải vật chất khác.

Chúng ta nhận ra bao nhiêu “đại gia” vẫn dính vào vòng lao lý tù tội vì không suy ngẫm kỹ về nhu cầu thật sự của chính mình khi cứ muốn giàu, giàu nữa, giàu mãi... Có những người kiếm hàng nghìn tỷ mỗi năm vẫn cố ép người khác bằng những thủ đoạn không liêm chính để cưỡng đoạt tài sản của họ thông qua con đường cho vay nặng lãi. Những đồng tiền toan tính ấy sẽ biến thành đồng tiền sợ hãi khi bị truy xét.

Ảo tưởng về tài sản

Từ lúc sinh ra, con người luôn bị ám ảnh về những cái “của tôi”, “của anh”, từ ý tưởng đến thành công của mình, nhà của mình, con cái của mình. Chúng ta không ngừng phát triển tư duy tư hữu… Nhưng cái gọi là tài sản của ta hôm nay có thể bị đánh cắp hay bị tai họa, bão lũ, động đất cuốn đi, thậm chí nó vẫn tồn tại nhưng chúng ta sẽ mất nó theo thời gian, ví dụ ngôi nhà, của cải không còn thuộc về ta nữa… sau khi ta qua đời.

Các thiền sư muốn chúng ta quán chiếu về cái mất chứ không phải cái được. Ai trong cuộc đời không có lần bị thất bại, mất mát, đau khổ. Sharon Salzberg, một hành giả Phật giáo đã viết “Nếu tâm ta dằn vặt về vấn đề ai là kẻ tốt hơn mình, xấu hơn mình, hạnh phúc hơn, bất hạnh hơn, giàu có hơn, nghèo khổ hơn thì ta sẽ tự biến mình thành kẻ thua cuộc.” (Loving Kindness).

Con người ngày nay đang cố “tối đa hóa ‘lợi nhuận của mình bằng mọi cách, bất chấp cái mất của người khác. Kẻ thắng được gì khi tự đắc bên cạnh người thua vì bản chất chúng ta là tương tức tương liên. Chúng ta có vui không khi một nước nào đó vì chiến tranh mà không thể phát triển được? Chẳng sớm thì muộn, cuộc chiến ấy cũng ảnh hưởng đến chúng ta vì các quốc gia phải dựa vào nhau mà tồn tại. Chiến tranh bên này bờ đại dương khiến kinh tế bên kia bờ đại dương chao đảo.

Cần minh bạch và tỉnh thức trong hoạt động kinh tế

Gần đây nhiều người phàn nàn là ngân hàng và các công ty bảo hiểm bán những sản phẩm mà rất nhiều người không hiểu hết nội dung hợp đồng, câu chữ thuật ngữ chuyên môn như đánh đố người mua và họ hoang mang khi đầu tư tài chính.

Theo Kai, người sáng lập Mạng lưới doanh nghiệp tỉnh thức năm 2004, lập cộng đồng Zehlendorf và là hướng dẫn thiền Chánh niệm, thì chúng ta cần minh bạch những vấn đề sau: Thu nhập và chi tiêu của ta, danh mục đầu tư tài chính hiện tại, các sản phẩm tài chính mà ta sở hữu hay đang chú ý, cách mà các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đang sử dụng đồng tiền của ta, minh bạch tài chính bản thân để hiểu mình thật sự sở hữu gì, tránh mắc nợ vì thói tham lam dựa vào đòn bẩy ngân hàng, mắc kẹt vào những khoản đầu tư mù mờ khó rút ra…

Tỉnh thức trong đối diện với kế hoạch bản thân, làm rõ kế hoạch nhu cầu bản thân, động lực tài chính bản thân vì mục tiêu hay vì lợi nhuận. Chúng ta cần thiết lập danh mục đầu tư với chuyên gia đáng tin cậy trong phạm vi xoay xở của mình, đồng thời phải hiểu rõ những hạng mục đầu tư tài chính, không mua bừa khi chưa hiểu hết. Chúng ta nhớ thị trường chứng khoán thế giới đã từng chứng kiến nhiều tai họa và những đợt suy thoái lớn là những cảnh báo cho các nguy cơ lớn hơn.

Nhớ rằng tiền là năng lượng mà chúng ta phải cân đối chi thu; Phải biết dừng lại và hiểu rằng mình đã đủ; Không so bì với người khác mà phải hiểu chính mình cần gì, những kỳ vọng cao nhất và thấp nhất có thể đạt được, không cưỡng cầu vay mượn bè bạn hay ngân hàng đầu tư khi cảm thấy bất an. Có những vấn đề phát sinh từ sự thừa mứa hay lãng phí mà chúng ta phải dè chừng.

Kai viết “Đức Phật đã chế ra giới luật rõ ràng. Bất cứ Phật tử nào cũng được phát ba bộ y, một đồ lọc nước, một bát khất thực và những vật dụng hàng ngày. Việc các Phật tử sống không màng đến của cải truyền đi một thông điệp rõ ràng đến phần còn lại của thế giới rằng: Ta có thể sống một cuộc đời hạnh phúc mà không cần đến tài sản hay tiền bạc. Đó cũng chính là cơ hội, là con đường mà các nhà du tăng khất sĩ trao tặng cho các thương nhân, chính trị gia và nhà buôn để họ có thể chọn ra một hướng khác để hạnh phúc”. (Kai Romhardt, Sđd).

Vấn đề căn bản của đời sống là chúng ta phải tập cân đối thu - chi, giữa cái hiện tại ta đang có, cái mà chúng ta phấn đấu có, cái hiện đang tiêu xài và tiềm năng tài chính thực tế. Trong một số bản kinh, Đức Phật khuyên Phật tử tại gia sử dụng tiền một cách có ý thức và tỉnh thức. Đức Phật khuyên các đệ tử cư sĩ phải để tâm đến, đó là kế sinh nhai bản thân, tiền dự trữ lúc về già, khoản hỗ trợ gia đình, khoản hỗ trợ xã hội…

Quan niệm về một cuộc đời đơn giản là mục tiêu chính. Đức Phật không ăn nhiều hơn một bữa mỗi ngày, Gandhi sống như một nông dân Ấn, tự may vá, dành một ngày trong tuần để yên lặng, sở hữu ít hơn nhưng an tâm hơn.

Tập buông bỏ và sống trong cộng đồng

Cuối cùng, chúng ta cần nhớ rõ bản chất ta sẽ già, bản chất ta sẽ bệnh, bản chất ta sẽ chết… tất cả mọi thứ đáng giá hôm nay với ta và người ta yêu thương sẽ thay đổi và ta không thể nào thoát cảnh chia lìa. Hành động của ta là thứ duy nhất thuộc về ta và ta không thể thoát khỏi hệ quả mà hành động ta mang lại.

Và chúng ta cần đến cộng đồng để nương tựa. Lưu ý rằng khi chúng ta rời khỏi mạng lưới cộng đồng thì mối quan hệ của mình sẽ biến thành mối quan hệ tài chính. Không có ông bà nội ngoại, ta phải thuê người trông trẻ hay giúp việc, san sẻ nghĩa vụ, không có hàng xóm tối lửa tắt đèn giúp nhau, ta phải thay bằng các mối quan hệ dùng đồng tiền. Phát triển kinh tế thị trường và chủ nghĩa cá nhân có mối tương quan với sự tan rã hay bào mòn cộng đồng, làng xóm và gia đình.

Trong lịch sử, Đức Phật dạy chúng ta phép lục hòa để xây dựng một xã hội hòa hợp, chia sẻ không gian, chia sẻ nhu yếu phẩm hàng ngày, nói lời hòa thuận, chia sẻ cảm ngộ và trải nghiệm… Chúng ta tập thử nghiệm sống một ngày không sử dụng đồng tiền xem cảm nhận như thế nào. Rủ nhau đi bộ thư giãn, quây quần trò chuyện, không dùng tiền mua bất cứ thứ gì… Tiền có thể đem lại tự do cho ta hay không? Khi chúng ta nghe nói với tiền ta có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn. Nhưng chúng ta không chỉ quan trọng cái tự do bên ngoài mà chủ yếu là tự do bên trong.

Ngài Dalai Lama từng đặt vấn đề “Liệu chúng ta có được cảm ngộ để hướng bản thân tới sự giải phóng tâm linh hay không?”, Chogyam Trungpa từng nói “Tự do thường được xem là khả năng đạt mục đích và thỏa mãn dục vọng. Nhưng nguồn căn của những mục đích và dục vọng ấy là gì? Nếu chúng sinh ra từ sự thiếu hiểu biết, từ những thói quen máy móc, từ cảm xúc tiêu cực - Những yếu tố tâm lý hủy diệt đang thật sự nô dịch chúng ta - liệu quyền tự do theo đuổi những mục tiêu đó là chân tự do hay chỉ là ảo tưởng, ảo vọng? (The Myth of Freedom and the Way of Meditation).

Còn theo Thiền sư Nhất Hạnh: “Ta sẽ tiêu dùng theo cách mà có thể gìn giữ lòng từ bi, niềm hạnh phúc, sự vui vẻ trong cơ thể và ý thức của ta cũng như cơ thể và ý thức tập thể của gia đình, xã hội và trái đất chúng ta”.

Nghĩa là khi cho phép đồng tiền của mình phục vụ cho mục đích cao thượng, có ý nghĩa về mặt cá nhân lẫn cộng đồng, chúng ta có thể thay đổi triệt để nền kinh tế mà ta có. Ta dùng đồng tiền của bản thân để rút năng lượng từ những quá trình bất thiện và đóng góp cho những quá trình thiện lương. Được như thế, chúng ta luôn tỉnh thức trong mọi hành vi hay hoạt động kinh tế của mình.

Nguồn: Báo Giác Ngộ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm