Tiếng lòng của hư không
Tiếng “OM” của các đạo sĩ Hindu đánh thức hư không buổi sớm mai tại thành trì Bodhgaya, có lẽ muốn kéo con người tỉnh thức khỏi cơn mộng mị chăng?
Sau đó không lâu, khi ánh dương rọi vào những chiếc lá Bồ Đề, chạy dài theo từng mảng vô định, cũng là lúc đoàn người bắt đầu lũ lượt đi vào Thánh địa, vỡ ra dòng thanh âm hỗn độn mang từ chốn phồn hoa về nơi u tịch.
“Ôi! Bodhgaya!”
Có người thốt lên như thế, làm nhớ lại một nhà thơ khuyết danh người Nhật đến từ cụm đảo Matsushima sáng tác bài thơ ngộ nghĩnh chỉ gồm có hai từ: “Ôi! Matsushima!”. Và chúng ta đặc biệt yêu thích bài thơ lạ kỳ ấy. Thi sĩ rõ ràng đã bị choáng ngợp bởi những gì ông đang quan sát, cái vẻ đẹp đã tự nó hiển lộ, tới mức, tất cả những gì có thể thốt ra được – là tên của cụm đảo trước khi rơi vào hư không.
Nơi ẩn sĩ Siddhattha trang nghiêm thiền tọa suốt bốn mươi chín ngày và thành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Giác tại đấy, bây giờ là khoảng hư vô được tái dựng bằng những công trình hậu thế. Bốn mươi chín ngày tu tập và bảy tuần lễ sau đó nữa, sự thinh lặng chảy vào hư không như điều hiển nhiên của dòng quy luật bấy giờ. Không một bám chấp nào trên đời có thể câu dính vào trạng huống giác ngộ, khi mà màn chiến thắng được kéo lên để sơn hà đại địa rúng động vẫn không thể tìm được mảy may sự tồn sinh của bậc Đại Giác, vì có sinh ắt có diệt và bất diệt ngay nơi sinh diệt là vô vi khó giải thích giữa cõi hữu vi:
Vị chiến thắng, không bại
Vị bước đi trên đời
Không dấu tích, chiến thắng
Phật giới rộng mênh mông
Ai dùng chân theo dõi
Bậc không để dấu tích? (Dhp 179)
Những vị nguyện trọn đời đi theo dấu chân (dẫu không thể thấy tìm) của Đấng Thiện Thệ cũng đưa mình vào một tinh thần “khắc kỷ” với những nguyên tắc bất di bất dịch, hầu mong đạt tới cứu cánh Phạm hạnh, tìm cầu giải thoát với đời sống “tối giản” của một đạo sĩ, ẩn sĩ, bần Tăng, khất sĩ:
Tài sản không chất chứa
Ăn uống biết liễu tri
Tự tại trong hành xứ
Không, vô tướng, giải thoát
Như chim giữa hư không
Hướng chúng đi khó tìm. (Dhp 92)
Ta cầu mong gì hơn trong sự hỗn độn của thời đại và xứ sở? Trong nguyện lực tự thân, vị ấy tìm thấy ánh sáng le lói nơi đường hầm tối và ánh sáng ấy là của thinh lặng giữa hư không, dẫu xung quanh biết bao tiếng ồn có thể sẽ làm xao nhãng ít nhiều tâm trí của người thực hành thiền định.
Vui thay! Chúng ta sống
Không rộn, giữa rộn ràng
Giữa những người rộn ràng
Ta sống, không rộn ràng. (Dhp 199)
Bài kệ khiến gợi nhớ về Beethoven. Như nhiều người đã biết, về cuối đời ông đã điếc hoàn toàn. Sự thể này đã giải phóng một sự độc đáo sâu thẳm bên trong ông, một tinh thần tự do tự tại. Một trăm năm sau, người ta thưởng thức lại sáng tác bản Giao hưởng số 9 và khen ngợi như một kiệt tác của thiên đường với thanh âm do thiên thần hầu cận Chúa biên soạn.
Thế gian tiêu tan khi ta bước vào bằng sự lắng nghe thinh âm của hư không. Tiếng lòng của hư không là đấy. Là gì? Một hơi thở sâu cùng tâm thế đón nhận thinh lặng – không cần quá nhiều điều kiện để cấu thành – ta tìm kiếm niềm vui từ nội tại. Niềm vui ấy sẽ giao hòa với sự tịch mặc cô liêu ở thế gian, dẫu ngay lúc ấy, thế gian có đang chênh vênh cùng hỗn độn. Món quà quý giá là làm sao mà bạn cũng gần tương tự như thi sĩ Basho để có thể viết lên những dòng thơ cảm tác tặng cho riêng đời mình, sau khi cảm nhận tiếng lòng của hư không:
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao (Basho)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm