Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 12/09/2020, 08:19 AM

Tiêu đề của bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh có ý nghĩa gì?

“Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” nghĩa là: bài kinh thâu tóm yếu nghĩa tinh túy cốt lõi của bộ Đại tạng kinh Đại thừa tức là bộ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, dùng pháp tu quán chiếu Bát nhã đưa hành giả lên bờ giác ngộ Bồ Đề.

Những giáo lý cơ bản để tìm hiểu Bát Nhã Tâm Kinh

Bát Nhã Tâm Kinh là bản kinh thâu tóm mọi ý nghĩa thâm yếu và cao siêu của bộ Đại tạng Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Bát Nhã Tâm Kinh là bản kinh thâu tóm mọi ý nghĩa thâm yếu và cao siêu của bộ Đại tạng Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Trước khi đi vào nghiên cứu tìm hiểu Bát Nhã Tâm Kinh, ta hãy đọc tụng bản kinh đó bằng cả hai bản Hán Việt và bản đã được dịch:

Bản phiên âm chữ Hán: Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Quán Tự Tại bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc; vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh diệc vô vô minh tận; nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí, diệc vô đắc.

Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu kính niết bàn. Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố, đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Cố tri Bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.

Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề Tát bà ha.

Thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh

Bản dịch: Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Ý nghĩa thâm diệu Bát Nhã Tâm kinh, cần phải đề cập đến mấy luận điểm cơ bản như lý thuyết duyên sinh, vô ngã, vô thường, tính không, lý thuyết bát bất, văn tự bát nhã, phép quán chiếu bát nhã, lý luân phủ định và khẳng định.

Ý nghĩa thâm diệu Bát Nhã Tâm kinh, cần phải đề cập đến mấy luận điểm cơ bản như lý thuyết duyên sinh, vô ngã, vô thường, tính không, lý thuyết bát bất, văn tự bát nhã, phép quán chiếu bát nhã, lý luân phủ định và khẳng định.

Ngài Quán Tự Tại Bồ tát sau khi hành trì sâu vào Pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền vượt qua tất cả khổ ách..

Này ông Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

Này ông Xá Lợi Tử! Tướng không của các pháp không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm không bớt. Cho nên, trong chân không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không có vô minh cũng không có cái hết vô minh; cho đến không có già chết cũng không có cái hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc.

Vì không chứng đắc, Bồ tát y theo Bát Nhã Ba La Mật đa nên tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo đạt tới Niết bàn. Chư Phật ba đời cũng y vào Bát Nhã Ba La Mật Đa mà chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác..

Cho nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là thần chú lớn, là minh chú lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, nên trừ được tất cả khổ ách, chân thật không hư dối.Vì vậy nói ra bài chú Bát nhã Ba la mật đa, liền nói chú rằng: Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề  tát bà ha.

Tìm hiểu về tiêu đề của bộ kinh

Tiêu đề của bộ kinh gồm mười chữ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Thông thường người ta bỏ hai chữ Ma Ha và thường chỉ gọi tám chữ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh và còn gọi tắt là Bát Nhá Tâm Kinh hay Tâm Kinh. Tên của bộ kinh gồm các từ tiếng Phạn là Mahà phiên âm là Ma Ha, Trung Hoa dịch nghĩa là Đại (to lớn); từ Prajnà phiên âm là Bát Nhã, và Pàramità phiên âm từ tiếng Phạn là  Ba La Mật Đa. Hai chữ sau là hai từ chữ Hán: Tâm là chữ Hán dịch chữ Phạn hrïdaya. Kinh là chữ Hán dịch chữ Phạn sutra. Vậy nguyên văn Phạn ngữ của Tâm kinh là Mahà Prajnà Pàramità Hrïdaya Sutra, và được dịch là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh tức là Kinh cốt lõi của bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Bây giờ ta tìm hiểu ý nghĩa của từng từ một:

Ma Ha (Mahà), chứ Hán dịch là đại (lớn), đa (nhiều). Thông thường người ta thường bỏ hai chữ Ma Ha này Bát Nhã (Prajnà), chữ Phạn này có nhiều nghĩa như viễn ly (xa lìa mộng tưởng), minh (sáng tỏ), trí, tuệ, trí tuệ, thanh tịnh (trong sach, không nhiễm ô). Vì có nhiều nghĩa như vậy, nên trong những nghĩa đó thì chữ trí tuệ, như trên đã nói là gần với nghĩa Bát Nhã nhất. Nhưng vì trong Hoa ngữ không có một từ ngữ nào tương đương với từ Bát nhã trong tiếng Phạn nên về sau người ta bắt buộc phải tạo từ mới bằng cách ghép thêm chữ không vào để tăng cường và xác định ý nghĩa của từ tuệ và trí và ta có không tuệ và không trí. Không ở đây không phải là không ngược với có mà chữ không biểu thị sự trống rỗng, vắng lặng, siêu việt. Nhưng dù có dùng thêm chữ không cũng vẫn chưa lột hết ý nghĩa hàm ẩn trong danh từ Bát nhã (Prajnà) của chữ Phạn, nên người ta vẫn dùng nguyên chữ Bát Nhã. Nghĩa gốc của Bát nhã chuyên chỉ cho loại trí tuệ đặc biệt, trí tuệ của Bồ tát đại thừa, phát sinh từ công hạnh tu hành theo pháp quán không mà chứng đắc. Ðây là loại trí tuệ thanh tịnh của chư Phật vừa rỗng lặng vừa soi suốt, nhờ đó mà quán chiếu được thật tướng của các pháp và thấy rõ các pháp là không có tự tính, một loại trí tuệ thần thông tự tại, biết rõ được quá khứ và vị lai. Ðây không phải là loại trí tuệ thông thường mà nhà Phật gọi là thế trí biện thông, cũng không phải là trí tuệ ngoại đạo hay trí tuệ Nhị thừa chỉ thấy được ngã không chân như, chứ không thấy được pháp không chân như. Vì thế để tránh mọi ngộ nhận vô tình hay cố ý, văn học Phật giáo Trung Quốc buộc lòng phải dùng y nguyên tiếng Phạn là Bát Nhã với những chú giải kèm theo.

Cần phải hiểu rằng: Trong kinh luận chia Bát nhã thành ba loại: văn tự Bát nhã, quán chiếu Bát nhã và thật tướng Bát nhã.

Do theo văn tự ghi chép trong kinh luận hay do nghe diễn giảng về giáo nghĩa Bát nhã mà phát sinh trí tuệ, rồi nhờ đó mà thấu rõ nghĩa văn, không bị chướng ngại, trí tuệ ấy gọi là văn tự Bát nhã. Nó cũng được gọi là phương tiện Bát nhã, nghĩa là thứ trí tuệ do phương tiện của ngôn ngữ văn tự mà phát sinh.

Tiến lên một bước nữa, do dựa theo các khái niệm đã lĩnh hội được để suy tư quán sát thật tướng các pháp, rời bỏ tướng ngữ ngôn văn tự, trong lúc tâm hành như thế mà thật tướng các pháp tự phơi bày ra dưới sự xem xét của trí tuệ thì gọi là quán chiếu Bát nhã.

Từ sự quán chiếu ấy, gia công hành trì quán sát đến một mức thâm sâu nhuần nhuyễn, nhuần nhuyễn đến độ nhất cử nhất động, cứ thế tiến mãi cho đến khi rủ bỏ hết tất cả các tướng phân biệt, tâm niệm bỗng nhiên bừng sáng chói, hòa đồng và trùm khắp tất cả, không còn ranh giới giữa bỉ thử, nhân ngã, nội ngoại, thị phi (này, kia; anh, tôi; trong ngoài; đúng sai). Pháp tính chân thật như tự hiện bày thì cái trí tuệ bát nhã sáng chói ấy gọi là thật tướng Bát nhã, cũng gọi là căn bản Bát nhã.

Vì vậy, văn tự Bát Nhã chỉ được xem như một loại trí tuệ phương tiện giúp soi đường cho hành giả trên tiến trình tu tập quán chiếu Bát Nhã, nhằm khai thông thật tướng Bát nhã để bước lên bờ bên kia là giải thoát, giác ngộ.

Ba La Mật Đa chữ Phạn là Pàramità. Từ ngữ này Ngài Cưu Ma La Thập (344 – 413), vị cao tăng người Ân Độ sang Trung Hoa từ thế kỷ thứ IV, phiên âm là Ba La Mật và dịch nghĩa là độ tức là đưa qua sông, sang sông, hay còn dịch là đáo bỉ ngạn tức là đến bờ bên kia. Ðộ hay đáo bỉ ngạn đều chỉ là những từ ngữ dùng để nói lên sự giải thoát khổ đau. Cõi sinh tử mà chúng sinh đang trôi lăn được xem như bờ bên này, thì bờ bên kia được ví với Niết bàn, ở đó chúng sinh được thoát ra ngoài vòng sinh tử. Ngăn cách giữa hai bờ là con sông phiền não. Vượt sông phiền não tức đến Niết bàn. Vì vậy, bờ bên kia nguyên là từ ngữ ngầm chỉ cho Niết bàn. Với sự xuất hiện của Ðại thừa mà mở đầu là Bát Nhã, con sông ngăn cách không phải chỉ có phiền não mà thôi, nó còn là con sông mê lầm nữa. Cho nên, bờ bên kia vừa là bờ giải thoát (Niết bàn) vừa là bờ giác ngộ (Bồ đề).

Ðể đạt được đến bờ bên kia, phải tu theo sáu pháp ba la mật. Sáu ba la mật gồm có: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ (tức trí tuệ Bát Nhã). Hành trì bất cứ pháp nào trong sáu pháp ấy cũng đều đạt kết quả mong muốn là bước lên bờ bên kia. Phật giáo Ðại thừa xem nặng về quả vị giác ngộ hơn. Cho nên, Bát nhã Ba la mật tức Trí tuệ Ba la mật được xem như pháp tu đứng hàng đầu trong số sáu ba la mật. Theo Ðại thừa, Niết bàn còn có nghĩa viên tịch. Tịch tức tịch diệt còn viên tức thành tựu viên mãn cả phúc lẫn tuệ. Nếu thành tựu được Vô thượng Bồ đề thì viên mãn cả hai phúc và tuệ mà giải thoát. Như vậy, với Ðại thừa, bờ bên kia có nghĩa là bờ giác ngộ. Có biết như thế thì mới hiểu được vì sao cùng theo một pháp tu Bát Nhã ba la mật đa, nhưng chư Phật thì chứng đắc Vô thượng Bồ đề, còn Bồ tát thì đang trên con đường hướng đến Niết bàn, không còn vọng niệm chi phối nữa.

Tóm lại, Bát Nhã Ba La Mật Đa nghĩa là Pháp tu dùng trí tuệ siêu việt để qua bờ giác ngộ ở bên kia sông mê. Nội dung của pháp tu này là Quán chiếu Bát Nhã.

Bát nhã ba la mật đa Tâm kinh: Pháp tu đưa qua bờ giác ngộ ở bên kia sông mê

Bản kinh này gọi đúng là Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Ngày nay chúng ta thường gọi là Bát Nhã Tâm Kinh hay nói gọn hơn là Tâm Kinh.

Bản kinh này gọi đúng là Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Ngày nay chúng ta thường gọi là Bát Nhã Tâm Kinh hay nói gọn hơn là Tâm Kinh.

Tâm có nhiều nghĩa nhưng chữ Tâm trong tiêu đề kinh này có nghĩa là trung tâm, là cốt lõi, là toát yếu, là cô đặc và người xưa gọi là lòng ruột. Thông thường người đời cho rằng tinh túy của sự vật nằm ngay trong lòng của nó. Với con người cũng vậy, đứng về mặt sinh lý mà nói, máu huyết từ tâm tức là từ trái tim phát ra, chảy khắp thân thể để nuôi các tế bào, rồi quay về tim mà phát ra trở lại. Ðứng về mặt tâm lý mà nói, các hiện tượng tâm lý đều phát xuất từ tâm, rồi cũng trở về đó để phối kiểm lại. Vì tâm được hiểu như trung tâm. Cho nên, tất cả tinh hoa được xem như đổ dồn và tập trung về đó. Như vậy, Bát nhã Tâm kinh là bài kinh cô đúc tất cả tinh yếu của giáo nghĩa Bát nhã. Ta có thể dịch Bát nhã Tâm kinh ra tiếng Việt là Kinh lòng Bát nhã như người xưa thường gọi, hay “Kinh cốt lõi Bát nhã”, “Kinh toát yếu Bát Nhã” hoặc đảo ngược lại cho hợp với ngữ pháp Việt Nam và gọi là Tâm kinh Bát nhã.

Kinh là danh từ dịch nghĩa Phạn ngữ sũtra, phiên âm tu đa la. Tu đa la, Trung Hoa dịch là tuyến, nghĩa là sợi chỉ, hoặc xâu với nhau.

Tu đa la so với kinh trong Hoa ngữ, hình thức cấu tạo tuy không giống nhau, nhưng nội dung hai bên giống nhau. Trong Hoa ngữ, những sách ghi chép những lời của thánh nhân truyền dạy thì gọi là kinh, vì những lời đó làm tiêu chuẩn cho muôn đời sau. Khác với sách ghi chép những lời của danh nhân, chỉ được gọi là truyện.

Ta nên biết thêm rằng lời Phật dạy gồm có hai phần: pháp (dharma phiên âm là đạt ma) và giáo (vinãya phiên âm là tỳ nại da). Cả hai đều gọi là kinh hết, vì đều do Phật dạy. Nhưng về sau lại tách thành hai phần riêng gọi là hai tạng. Cho nên, chỉ những sách ghi chép pháp mới gọi là kinh, còn những sách ghi chép giáo thì gọi là luật. Tạng ghi chép những lời chú thích biện giải của các Tổ về sau, thì được biệt lập thành một tạng riêng nữa gọi là luận. Đó là tam tạng: kinh, luật và luận. Bát nhã Tâm kinh này thuộc tạng kinh.

Tóm lại, “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” nghĩa là: bài kinh thâu tóm yếu nghĩa tinh túy cốt lõi của bộ Đại tạng kinh Đại thừa tức là bộ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, dùng pháp tu quán chiếu Bát nhã đưa hành giả lên bờ giác ngộ Bồ Đề.

Khảo cổ học tìm thấy bản Bát Nhã Tâm Kinh của Đường tăng Huyền Trang

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Nghiệp chuyển lên và chuyển xuống

Kiến thức 09:00 19/04/2024

Nghiệp lực có thể đưa xuống được không? Nói cách khác, người ta có thể tái sinh vào cảnh thú không? Câu trả lời của người Phật tử là “Có thể” không được tất cả mọi người chấp nhận, vì Phật Giáo xác nhận rằng sự kiện ấy có thể xảy ra.

Là người khéo biết an trú vào Phật pháp

Kiến thức 07:25 19/04/2024

Vốn dĩ thế giới bên ngoài dao động, tâm chạy theo sinh khởi bất an. Làm sao để tâm an trước sự thay đổi của thế giới bên ngoài? Đây là một điều khó, nếu một người không có sự tu tập đúng đắn.

Yếu nghĩa của Dược sư quán đỉnh Chân ngôn

Kiến thức 06:37 19/04/2024

Kinh Dược Sư chép rằng: đức Thích Ca Như lai bảo với Mạn Thù Thất Lợi để nhắc tích rằng: “Bấy giờ đức Thế Tôn kia vào định tam ma địa tên là “Dứt trừ tội khổ cho tất cả chúng sinh”.

“Muốn bảo vệ Phật pháp thì tự thân chúng ta phải sống đúng với Chánh pháp”

Kiến thức 21:45 18/04/2024

Tối ngày 18/4/2024 Thượng tọa Thích Quang Thạnh - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN đã có buổi chia sẻ chủ đề “Giữ vững Niềm tin” đến với hơn 1.000 Phật tử thành phố quy tụ thính pháp.

Xem thêm