Tiểu sử Ni Trưởng Tràng Liên – Đệ tứ Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Ni trưởng Tràng Liên thế danh Huỳnh Thị Liễu, sinh năm 1929 tại Phú Lâm – Chợ Lớn (Tp. HCM). Thân sinh là cụ ông Huỳnh Văn Hưng, tự Hùng; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Đành, tự Dành, buôn bán hàng ẩm thực tại Chợ Lớn.
TIỂU SỬ NI TRƯỞNG TRÀNG LIÊN
ĐỆ TỨ TRƯỞNG NI GIỚI HỆ PHÁI KHẤT SĨ VIỆT NAM(1929-2020)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn đức Giáo phẩm Hòa thượng Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Kính bạch Chư tôn đức Giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa Hội đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Kính bạch Chư tôn đức Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ
Kính bạch Chư tôn đức Ban Trị Sự GHPGVN Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Trị sự Phật giáo quận 3, quận Gò Vấp, Ban Trị sự quý quận, huyện Phật Giáo,
Kính bạch Chư tôn đức Phân Ban Ni giới TƯ, Phân Ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành
Kính bạch Chư tôn đức Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ
Kính bạch Chư Tôn đức Tăng Ni Trụ trì các Tự Viện, Tịnh xá trong và ngoài tỉnh,
Kính bạch Giác linh Ni trưởng Tràng Liên, đệ tứ Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Kính thưa môn đồ pháp quyến,
Kính thưa quý cấp lãnh đạo chính quyền, các Ban ngành đoàn thể,
Kính thưa quý Thiện nam, Tín nữ, Phật tử gần xa,
Kính bạch Chư Tôn đức,
Kính thưa quý liệt vị.
Trong buổi lễ truy niệm trước giờ di quan, chúng con/chúng tôi xin phép tuyên đọc tiểu sử Ni trưởng Đạo hiệu Tràng Liên, Đệ tứ Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.
Truyền thống gia đình
Ni trưởng Tràng Liên thế danh Huỳnh Thị Liễu, sinh năm 1929 tại Phú Lâm – Chợ Lớn (Tp. HCM). Thân sinh là cụ ông Huỳnh Văn Hưng, tự Hùng; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Đành, tự Dành, buôn bán hàng ẩm thực tại Chợ Lớn.
Ni trưởng được cha mẹ cho đi học đến lớp Đệ Tam phải dừng lại (theo quan niệm người xưa cho rằng con gái không nên học cao). Thuở nhỏ, Ni trưởng đã thể hiện phong cách thanh lịch đoan trang, tánh tình điềm đạm, cử chỉ ôn hòa, nói năng nhỏ nhẹ, nên cha mẹ rất yêu thương và xóm làng cũng nể nang, quí mến.
Xuất gia tu học
Song thân của Ni trưởng là những vị Phật tử trọn niềm kính tin Tam Bảo, tư chất hiền lương, cần mẫn dạy dỗ các con trở nên người hữu dụng. Năm 1949, Ni trưởng vừa tròn 21 tuổi, duyên lành uyển chuyển, đúng thời lộc trỗ hoa khai như báo hiệu sẽ có thêm một bông hoa tỏa ngát hương thơm trong vườn xuân tuệ giác. Lúc bấy giờ, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang về Phú Lâm hành đạo. Nhìn thấy tướng phi phàm thoát tục của Đức Tổ sư, Ni trưởng cứ ngỡ mình gặp được Phật sống, có lẽ “nhất kiến như cố” (vừa gặp mà như đã quen biết). Qua nhiều lần thính pháp văn kinh, Ni trưởng thâm nhập diệu lý Phật Đà nên thưa cùng song thân, xin được xuất gia giải thoát theo hạnh Khất sĩ thoát tục ly trần xuôi bến giác.
Đúng thời duyên hoa nở báo xuân về,
Những cánh hoa những hạnh nguyện Bồ Đề.
Hạnh nguyện Bồ đề được kết lại vào ngày 30.06.1949 tại Đình Phú Lâm, ông bà hoan hỷ đưa con đến cúng dường Tam Bảo. Đức Tổ sư chứng minh, thâu nhận và đặt pháp danh cho Ni trưởng rồi dạy nương theo Đệ nhất Ni trưởng tu học. Sau một năm tập sự, tinh tấn trau dồi phẩm hạnh, hoàn thiện tự thân đúng theo khuôn phép của vị xuất gia trẻ tuổi, Người được truyền giao giới pháp Sa di ni.
Người chuyên tâm gìn giữ các giới đã thọ nên được Đức Tổ sư truyền cụ túc giới vào năm 1951. Từ đây, Ni trưởng được chính thức vào hàng Thích tử Như Lai, một nữ Khất sĩ thực hành Tứ y pháp, nhứt bát tam y, đầu trần chân đất, không bạc không tiền, theo chân đệ nhất Ni trưởng khất thực trì bình, vân du hoằng hóa chúng sanh không mòn mỏi. Giai đoạn đầu du hóa khắp các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long rồi tiếp đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, ngày khất thực nuôi thân, đêm nghỉ nơi gốc cây hay mồ hoang mả vắng suốt 10 năm trời. Mặc dầu tuổi đời còn rất trẻ, nhưng tâm Ni trưởng vẫn kiên trì bất thối, thân dầu thực hành khổ hạnh, nhưng vẫn ngời sáng niềm vui với đạo, tinh tấn chí không lui.
Truyền đăng tục diệm
Đến năm 1954, một năm lịch sử của Hệ phái Khất sĩ với nhiều biến động, đổi thay, Đức Tổ sư vắng bóng, Đệ nhất Ni trưởng tịnh tu nuôi dưỡng tinh thần trong thời gian ngắn, đến khi trí thông tuệ sáng tiếp tục đại hạnh nguyện làm con thuyền chở chuyên phái nữ. Khoảng thời gian này, Ni trưởng Tràng Liên theo Đệ nhị Ni trưởng hoằng hóa tại miền Đông, vẫn luôn hành trì Tứ y pháp.
Đến năm 1958, giáo pháp Khất sĩ tiếp tục mở mang tại các tỉnh miền Trung, nhiều Tịnh xá Ni giới Hệ phái được hình thành. Ni trưởng cũng được thắng duyên thắng phước tháp tùng, đem ngọn đuốc Chánh pháp thắp sáng miền quê Trung Việt khi trung thổ, lúc sơn xuyên, băng đèo, vượt dốc đến tận đồi núi Tây nguyên và Trường Sơn duyên hải, tái hiện nếp du hành thuở Phật Tăng xưa.
Qua một năm miệt mài tuyên dương chánh pháp, khêu ngọn đèn từ làm rạng rỡ giáo pháp Khất sĩ tại miền Trung, Ni trưởng Tràng Liên trở lại miền Nam cùng Ni trưởng Thông Liên và Ni trưởng Nhan Liên về Mỹ Tho trú xứ, nào nâng cấp đắp nền, nào đổi mái thay phên, Mỹ Đức Tịnh chuyển mình thành Tịnh Xá Ngọc Mỹ. Khi các duyên hội đủ, Ni trưởng tùy thuận, uyển chuyển tiếp nhận Tịnh Xá Ngọc Diệp để vận hành và trụ trì cho đến hôm nay.
Trải qua nhiều năm, Ni trưởng luôn là Hòa thượng Đàn đầu thuộc giới đàn Ni giới Hệ phái Khất sĩ và trong Hội đồng Thập sư Ni của các Đại Giới Đàn do Thành hội Tp. HCM tổ chức.
Với hạnh nguyện Bồ Tát thực hành Lục độ Ba la mật, Ni trưởng dấn thân phụng sự đạo pháp với phương châm “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường Chư Phật”. Ni trưởng đã suốt cuộc đời cống hiến cho đạo pháp, thể nhập trong biển cả đại nguyện của Chư Như Lai, nên được hàng Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ suy tôn lên ngôi vị Đệ tứ Ni trưởng – Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam vào năm 2002 và suy cử vào Hội đồng Giáo phẩm Chứng minh của Hệ phái.
Đồng thời, được sự tín nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni trưởng được suy cử vào chức vụ: Ủy viên Hội Đồng Trị sự GHPGVN nhiều nhiệm kỳ liên tục (nhiệm kỳ III, IV, V), Chứng minh Phân ban Ni giới Trung Ương GHPGVN, Phó trưởng Phân ban Ni giới Trung Ương thuộc Ban Tăng Sự Trung Ương, Ủy viên Ban Tăng sự Trung Ương GHPGVN…
Kính bạch Giác linh Ni trưởng,
Những năm gần đây, thân tứ đại đã bắt đầu chống trái, gối mỏi, lưng dùn, sức nuỗng, mòn hơi, Ni trưởng ít đi lại hành đạo, nhưng lúc nào cũng sách tấn Chư Ni và Phật tử phải gắng tu, gắng học. Đối với Chư Ni trẻ trong Hệ phái, Ni trưởng vẫn không quên sứ mạng tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, vẫn sáng ngời trọng trách sách tấn chúng Ni đi học Phật Pháp, mở rộng kiến văn, nghiêm trì giới luật, trưởng dưỡng đạo tâm, chánh niệm tỉnh giác, tinh tấn tinh cần dựng lập đạo tràng, truyền trì mạng mạch Hệ phái Khất sĩ của Tổ Thầy.
Ôi! Công hạnh Ni trưởng thật khó nghĩ bàn! Là tu sĩ cũng công dân đất nước, trong tinh thần Phật Pháp tại thế gian bất ly thế gian giác, Ni trưởng đã tích cực tham gia công tác mặt trận, xóa đói giảm nghèo, góp phần công đức rất lớn trong việc phụng sự nhân sinh, phát triển xã hội phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, xây dựng và trang nghiêm Tịnh độ tại thế gian. Do vậy, Ni trưởng đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng bằng tuyên dương công đức và nhiều bằng khen cao quý khác.
Ni trưởng Tràng Liên - Đệ tứ Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam viên tịch
Những ngày tháng cuối đời
Những tưởng trên bước đường phụng sự chúng sanh của Ni trưởng còn lâu hơn nữa! Nào ngờ một phút vô thường, huyễn thân tạm xả, Ta Bà hóa mãn, Tịnh Độ hoa khai, vào lúc 2 giờ 12 phút sáng ngày 28.12.2020 (nhằm ngày 15.11 năm Canh Tý) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương, Ni trưởng đã thuận thế vô thường, thu thần thị tịch, nhẹ bước nhàn du, cao đăng Phật quốc, trụ thế 92 năm, hạ lạp 69 mùa mưa.
Ni trưởng đã tùy duyên ứng hiện, đến đi vô ngại như những cánh nhạn lưng trời, như bóng trăng lồng đáy nước, để lại cho đạo cho đời tấm gương đạo hạnh sáng ngời và bài học vô thường vô giá rọi soi tâm. Dẫu rằng Người đã xả huyễn thân đi vào thế giới vô tung, nhưng tâm tư nguyện vọng tình cảm và di ngôn, dấu ấn khó phai nhòa của Ni trưởng vẫn còn đậm nét trong tâm thức hàng Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ và Chư Ni thương mến xa gần. Công hạnh, đạo nghiệp viên dung và tinh thần phụng sự Đạo Pháp – Dân tộc của Ni trưởng vẫn còn mãi mãi trong lòng mọi người, mọi Tăng Ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ và dân tộc Việt Nam thân yêu.
Những đóng góp của Ni trưởng cho Đạo pháp và quê hương thật vô cùng cao quý, làm rạng tông môn Khất sĩ, xứng danh thạch trụ tòng lâm.
Nguyện Giác linh Ni trưởng thượng phẩm thượng sanh, cao đăng Phật quốc, tái hiện Đàm hoa, hội nhập Ta Bà, hóa độ chúng sanh viên thành chánh giác.
Ngưỡng mong Giác linh Ni trưởng mật thùy chứng giám!
Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Tông trưởng Thiền Tịnh đạo tràng
Tăng sĩ 10:27 06/11/2024Trưởng lão Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, ngài đã đóng góp nhiều công đức trong sự phát triển, ổn định của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Là bậc Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng, ngài là bậc đống lương, nương tựa của tứ chúng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống thiền môn.
Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức
Tăng sĩ 10:30 01/11/2024Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, thế danh Mai Văn Tạo, pháp húy Nhựt Quang, thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ, sinh ngày 12/4/1949 tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Sư thầy hai bằng thạc sĩ, lấy bằng tiến sĩ tuổi ngoài 60
Tăng sĩ 09:39 07/10/2024Con đường tu học không điểm dừng, đó là điều nhiều người thấy được từ hòa thượng Danh Lung - trụ trì chùa Chantarangsay, người vừa nhận bằng tiến sĩ dân tộc học ở độ tuổi ngoài 60.
Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931-1995)
Tăng sĩ 14:27 02/10/2024Hòa thượng Thích Chánh Trực là một trong những vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ, trung kiên với lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thiết thân với chư huynh đệ trong đạo tình pháp quyến, lân mẫn và gắn bó với tín đồ ở các hoàn cảnh nguy khốn...
Xem thêm