Tìm hiểu về bốn ân sâu nặng của Phật giáo và các đạo giáo khác
Đạo Phật và các đạo giáo khác ở Nam Bộ như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Cao Đài và đạo Phật Hòa Hảo đều có giáo lý Tứ ân. Vậy có sự khác biệt nào về nội dung Tứ ân giữa các đạo ấy và có phải chúng đều bắt nguồn từ giáo lý Tứ ân của Phật giáo?
Đáp:
Tứ ân hay Tứ trọng ân là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Người con Phật, vâng lời Phật dạy, luôn nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày.
Theo kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán, quyển 2, Tứ trọng ân là bốn ơn sâu nặng gồm ân cha mẹ, ân chúng sanh, ân quốc vương và ân Tam bảo, khái lược như sau:
Ân cha mẹ: Cha mẹ sanh đẻ nuôi nấng ta rất cực nhọc cho đến lớn khôn. Vậy ta phải báo đáp bằng sự cung kính, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, khi cha mẹ mất thì phải thờ cúng và cầu cho cha mẹ mau giải thoát.
Ân chúng sanh: Ta thọ ơn của chúng sanh rất nhiều, như nhờ nông phu mà ta có cơm ăn, nhờ thợ dệt mà ta có áo mặc v.v... cho đến sự che chở của thiên nhiên và giúp đỡ của muôn loài. Vậy ta phải báo đáp bằng sự siêng năng làm việc và học đạo, cầu cho chúng sanh đều được giải thoát.
Ân quốc vương: Nhờ vua (hoặc người lãnh đạo quốc gia và các cấp) lo sắp đặt các việc trong và ngoài nước mà chúng ta được an cư lạc nghiệp. Vậy ta phải báo đáp bằng cách sống lương thiện và lo tu hành mà độ cho họ.
Ân Tam bảo: Nhờ Tam bảo mà ta hiểu được đạo lý và phương pháp tu hành để diệt khổ, đạt được hạnh phúc, an vui. Vậy ta phải báo đáp bằng sự cung kính, cúng dường và tu học cho mau đắc quả.
Ngoài ra, theo Thích Thị Yếu Lãm, Tứ ân gồm có: Ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc vương và ân thí chủ.
Kế thừa giáo lý Tứ ân của Phật giáo, một số đạo giáo ở Nam Bộ vận dụng giáo lý Tứ ân, xem như một trong những chuẩn mực quan trọng để hoàn thiện con người. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy Tứ ân làm nền tảng gồm: Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Tứ ân của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa gồm: Ân Phật và thầy tổ, ân cha mẹ tổ tiên, ân quốc gia xã hội và ân nhân loại (Phan Lạc Tuyên, Những đạo giáo ở Nam Bộ).
Đạo Cao Đài quan niệm mỗi người có tam thể xác thân: Xác thân phàm, thân thể do cha mẹ phàm sanh ra. Xác thân thiêng liêng, còn gọi là chơn thần do Đức Phật Mẫu tạo ra, nên gọi Đức Phật Mẫu là Đại Từ mẫu. Linh hồn là điểm linh quang do Đức Chí Tôn ban cho nên gọi Đức Chí Tôn là Đại Từ phụ. Vì thế, Tứ ân trong đạo Cao Đài gồm: Ân cha mẹ phàm trần, ân cha mẹ thiêng liêng (ân của Đại Từ phụ và Đại Từ mẫu đã ban cho linh hồn và chơn thần), ân thầy dạy dỗ nên người, ân quốc gia xã hội (Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Cao Đài Từ Điển).
Tứ ân trong đạo Phật Hòa Hảo là giáo lý trọng yếu để thực hành tôn chỉ “học Phật tu nhân”, đồng với Tứ ân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương gồm: Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Muốn làm tròn nhân đạo phải giữ vẹn tứ ân này.
Mặc dù đạo Phật Hòa Hảo không đặt nặng vấn đề xuất gia làm Tăng nhưng chư Tăng vẫn được tín đồ đạo này kính trọng qua việc tri ân Tam bảo: “Tam bảo là gì? Tức Phật, Pháp, Tăng. Con người nhờ ơn tổ tiên, cha mẹ sanh ra, nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình, ấy là về phương diện vật chất. Về phương diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi trầm luân, khổ hải. Thế nên Ngài mới truyền lại giáo pháp, tức là những lời chỉ dạy, cho các chư Tăng đặng đem nền đạo cả của Ngài ban bố khắp trần thế.
Các chư Tăng chẳng ai lạ hơn, đó chính là những đại đệ tử của Đức Phật vậy. Bởi vì Đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần sanh khỏi miền mê khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và tín nhiệm vào sự nghiệp cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các chư Tăng cho biết (Lê Hiếu Liêm, Bồ tát Huỳnh Phú Sổ và Phật giáo thời đại).
Như vậy, xét về đại thể, giáo lý Tứ ân trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo tuy tên gọi và cách sắp xếp các ân có phần khác nhau nhưng nội dung vẫn tương đồng với giáo lý Tứ ân của Phật giáo. Trong giáo lý Tứ ân của đạo Cao Đài, ân cha mẹ phàm trần, ân thầy dạy dỗ nên người, ân quốc gia xã hội cũng có phần tương đồng, riêng ân cha mẹ thiêng liêng thì có nội dung khác biệt.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Từ trong nội tâm phát nguyện làm một người tốt mới là chân sám hối
Hỏi - Đáp 15:05 14/11/2024Cách sám hối như thế nào vậy? Trước đây, đối với vấn đề này tôi đã từng thỉnh giáo qua với đại sư Chương Gia là phải lạy mấy bộ kinh sám hối phải không? Hay cầu xin Phật Bồ-tát tha thứ? Đại sư Chương Gia lắc đầu, nói: “Không phải như vậy!”.
Vì sao khi phá thai, trách nhiệm nhân quả của người mẹ nặng hơn?
Hỏi - Đáp 09:00 13/11/2024Hỏi: Xin hỏi về tội phá thai, vì sao tất cả tội lỗi đều đổ lên thân của người mẹ? Lẽ nào người làm cha không chịu chút nhân quả nào?
Người trẻ phải sống bằng trí tuệ trong tình yêu và hôn nhân
Hỏi - Đáp 14:50 12/11/2024Hỏi: Con và chồng con kết hôn với nhau, cuộc sống lúc đầu rất hạnh phúc. Nhưng sau anh ấy lại ăn chơi sa đọa, đi bồ bịch ở bên ngoài. Làm sao con có thể đối diện với con người bạc tình bạc nghĩa như vậy?
Thay đổi tượng thờ có phạm tội bất kính?
Hỏi - Đáp 16:30 11/11/2024Hỏi: Nhà tôi lâu nay thờ tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm, nhưng nay tôi muốn chuyển sang thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca, chẳng biết có được phép không? Có gì bất kính không? Và nếu thay được thì cách thức thế nào? Sau đó tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm phải làm sao?
Xem thêm