Tình cha qua ngòi bút của một sư cô
Hơn nửa cuộc đời cha của con bôn ba vào Nam ra Bắc, làm thợ mộc theo ông chủ đi nhận công trình. Ấy thế mà đời oái oăm, chẳng khác gì đi cắt cỏ nhưng không có liềm, cha làm nghề mộc mà đôi bàn tay lại dị ứng với cồn, gỗ.
Lần đầu tiên con biết thương cha là khi tận mắt nhìn thấy những ngày trở trời, đôi bàn tay vốn đã chai sạm lại sưng to như quả chuối sứ, nứt nẻ và rớm máu. Trái tim non nớt của một đứa trẻ lúc bấy giờ, thấy cha đau thì biết sợ, biết thương chứ nào có biết phải làm gì để xoa dịu hay an ủi. Chạy chữa khắp nơi không khỏi, cha quyết định rẽ sang hướng đi khác, làm một công việc khác, nhờ đó, cha có điều kiện ở nhà nhiều hơn.
Cái thời mà phương tiện giao thông chưa thuận tiện như bây giờ, cha sắm một chiếc xe Angel đời cũ, 2 nón bảo hiểm, đứng ngã tư đường hay bến xe buýt chạy xe ôm chở khách. Dưới cái nắng thiêu đốt như cháy da bỏng thịt hay những ngày mưa phùn thấm lạnh vào tận xương, người ta vẫn thấy một ông xe ôm người nhỏ bé, áo quần bụi bặm, đứng chờ khách từ sáng sớm và có nhiều hôm tối mịt mới về.
Lòng từ của cha mẹ dành cho con cái
Chưa khi nào con thấu hiểu những vất vả hay quan tâm tới sức khỏe của cha, mà ở cái tuổi mới lớn bồng bột, đã có lúc con còn xấu hổ với bạn bè vì công việc ấy. Con tệ lắm phải không cha?
Dù cho bao nhiêu giọt nước mắt sám hối của con sau này cũng không thể khỏa lấp được nỗi đau khi cha thấy con gái đi học ngang qua mà không dám gọi…
Lớn hơn một chút, con rời xa vòng tay cha mẹ, đến một môi trường mới học tính tự lập. Nhưng dường như giữa cha và con gái luôn có một sợi dây kết nối thiêng liêng và nhiệm mầu. Cha ít khi gọi điện, nhưng mỗi khi con nhớ đến cha thì thể nào khi đó điện thoại cũng rung lên hồi chuông từ số máy quen thuộc. Cha con nói chuyện dăm ba câu, không nhiều, và khi nào cũng vẫn câu quen thuộc - cha hỏi trước khi cúp máy: “Cuối tuần này con có về quê?”.
Gia đình có sự chuyển biến lớn, là khi cha bắt đầu biết đến chùa học Phật. Đối với những gia đình Phật tử có truyền thống hiểu đạo thì điều này không có gì ngạc nhiên, nhưng ở môi trường quê mình, họ hàng làng xóm chưa một ai từng biết đi chùa đúng pháp, thì có lẽ việc phát tâm ăn chay trường cách đây gần chục năm trước như một tiếng sấm lạ giữa trưa hè oi ả. Gia đình mình đã cùng nhau trải qua giai đoạn là chủ đề bàn tán xôn xao của mọi người. Cha từng nói với con: “Mình không làm gì sai, cứ ngẩng đầu mà sống”. Và thế là thời gian trôi đi, mọi chuyện lại êm ả.
Con theo cha đến chùa, làm công quả và học đạo. Dần dần, hình ảnh người tu sĩ Phật giáo sống đời phạm hạnh, tu tập Giải thoát, phụng sự đạo pháp và dân tộc cứ theo mãi trong tâm trí con, thôi thúc con sau này cũng ước muốn được vinh dự đứng trong hàng Tăng bảo - là một trong ba ngôi cao quý (Phật - Pháp - Tăng).
Con đã từng viết trong nhật ký của mình:
“Con muốn là con của lúc này
Tự tại an nhàn với cỏ cây
Chẳng còn bận lòng chi thế sự
Hiện tại bây giờ và ở đây”.
Hơn một năm sau ngày viết những dòng thơ đó, nhận bằng tốt nghiệp đại học trên tay, con xin cha mẹ cho con đi theo gót chân Phật.
Con biết, trong lòng cha hẳn nhiều cảm xúc đan xen dữ dội, có tự hào, có thương con và cả lo lắng nữa. Lẽ dĩ nhiên, ngày con khăn gói lên đường, ngoài gia đình thì từ họ hàng đến làng xóm, không một ai hay biết con đã chọn hướng đi này.
Nghĩ về tình cha qua câu chuyện người bố chết rét sau khi nhường chăn cho con
Con biết, ngày con trút bỏ mái tóc dài chính thức mang hình tướng của một người xuất gia, mẹ lén quay mặt đi, giấu vội những hàng nước mắt ngắn dài sau vạt áo, cha mắt đỏ hoe vỗ vai mẹ an ủi.
Và con cũng biết, sau ngày xuất gia, cha mẹ lại một lần nữa chịu áp lực từ dư luận. Thỉnh thoảng được gọi điện hỏi thăm, cha mẹ vẫn thường nhắc con cứ yên tâm tu tập, mọi chuyện ở nhà có cha mẹ lo. Thật may mắn và hạnh phúc cho con biết bao, khi bước đầu chập chững trên đường tu, con lại có cha là người hộ trì Tam bảo, là người bạn đồng hành tu tập.
Con chẳng biết nói gì nữa cha ơi! Ngôn từ vụng dại, đành xin gửi tâm tình qua những dòng chữ nguệch ngoạc:
Con đã thấy nhiều lần cha xúc động
Kể từ ngày thơ ấu con đi học
Bài văn được điểm cao
Tối nào cha cũng đọc, cố thuộc lòng học từng câu chữ.
Ngày đưa con đi thi đại học
Nắng thủ đô không rát bỏng bằng lòng cha
Chỉ khi con tự tin từ phòng thi bước ra
Cha mới thở phào: “Yên tâm một nửa”.
Ngày chở con lên chùa dự lễ
Cha vinh dự trong hàng ghế phụ huynh
Con cùng các bạn tu sinh mừng mừng tủi tủi
Chăm sóc, nâng niu những bàn tay đẹp nhất.
Rồi con thấy có lần cha khóc
Là khi thương con, nước mắt chẳng cầm ngăn
Nhường giường con nằm, phần cha đất lạnh
Nửa đêm tỉnh giấc, giật mình. Cha vẫn thức
Cha bảo:
“Con đi tu, xa nhà, biết ngày nào gặp lại
Từ đây thế nào, sướng khổ ở con…”.
Nước mắt rơi, nghẹn ngào không thể nói
Con nắm tay cha. Vẫn bàn tay chai sạm ấy
“Hãy tin con. Hành trình con đang bước
Sẽ luôn có gia đình cạnh bên.
Cha từng mở đường, và con đang tiếp bước
Giông bão nào rồi cũng hóa bình yên”.
Nguyện Pháp - GNO
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Xem thêm