Tình mẫu tử giúp người mẹ ung thư hồi sinh - câu chuyện cuộc sống đẹp nhất năm 2019
Chị Liên, sản phụ ung thư giai đoạn cuối nhưng quyết tâm sinh con, giờ đây sau gần nửa năm đã cố gắng rất nhiều để có sức khỏe tiếp tục chăm sóc bé Bình An, nhìn con lớn khôn từng ngày. Câu chuyện này đã minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng và đẹp nhất năm 2019.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy
Câu chuyện của sản phụ Liên và bé Bình An đẹp như phim
Cách đây gần nửa năm, câu chuyện về sản phụ Nguyễn Thị Liên (1991, ở xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) mang trong mình căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối quyết tâm sinh con đã chạm đến trái tim nhiều người.
Chia sẻ về trường hợp của chị Liên - Giám đốc Trần Danh Cường nhấn mạnh: “Điều kỳ diệu đã đến. Sản phụ ung thư di căn giai đoạn cuối, di căn phổi, phù phổi, thai tiến triển mà em bé và mẹ được đón về nhà. Giờ tôi hy vọng cả 2 mẹ con đều bình an. Có lẽ không có bộ phim nào có kết thúc đẹp hơn hành trình chống chọi bệnh tật và hành trình phát triển bên ngoài cơ thể của 2 mẹ con chị Liên”.
Theo PGS. TS Trần Danh Cường, nếu sau này chị Liên cắt được khối u, điều trị ổn định thì đây sẽ là ca kinh điển, cần phải thông báo trên toàn cầu và có lẽ sau ca bệnh của chị Liên và bé Bình An, cần phải viết thêm chương bệnh học mới trong sách giảng dạy chuyên ngành sản khoa về ung thư và thai nghén.
Đến nay, cậu bé Đỗ Bình An (con trai sản phụ Liên) đã được gần 4 tháng. Bình An chào đời ở tuần thai thứ 32 và chỉ nặng vỏn vẹn 1,6 kg. Khi đó, em bé này không tự thở, phản xạ kém, rất non yếu và phù nhẹ vì nhẹ cân thiếu tháng. Sinh con xong chị Liên cũng trải qua thập tử nhất sinh nhưng động lực muốn được đoàn tụ với con đã giúp chị vượt qua đau đớn.
Theo anh Hùng, sau 2 tháng về nhà, được sống trong vòng tay yêu thương của những người thân, bé Bình An phát triển tốt cả về sức khỏe và tâm lý. Không được bú sữa mẹ từ khi mới chào đời vì thế bé Bình An ăn sữa ngoài rất tốt.
“Con dường như cũng dần quen với việc ở bên những người thân khác để mẹ đi chữa bệnh dài ngày. Thế nhưng, mỗi khi mẹ trở về Bình An lại chẳng chịu theo ai nữa, cứ bám riết lấy mẹ. Khi vợ chồng tôi ra Hà Nội chữa bệnh, ở nhà con được cô và mọi người chăm sóc. Cháu ăn và ngủ tốt. Mỗi khi mẹ về nhà, hai mẹ con lại quấn quýt bên nhau chẳng dứt được ra”, anh Hùng tâm sự.
Chị Liên hiện vẫn điều trị theo kế hoạch của bác sĩ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội sau đó về quê nghỉ ngơi một thời gian lại quay lại bệnh viện. “Ban đầu khi con chưa ra khỏi lồng kính tôi lo lắm, nhất là khi mẹ cháu cũng phải nằm hồi sức. Từ khi cháu được về nhà, mọi thứ đều tốt cả giờ đây tôi có thể tạm thời yên tâm”, anh Hùng chia sẻ thêm.
Sự hồi sinh kỳ diệu nhờ tình mẫu tử
Khi mang thai đến tháng thứ 4, chị Liên phát hiện ung thư vú giai đoạn cuối khi mới mang thai ở tháng thứ 4. Chị Liên quyết tâm chiến đấu, giữ thai bằng mọi giá để con chào đời an toàn. Ca sinh mổ đặc biệt chào đón bé Bình An diễn ra vào ngày 22/05. Đây cũng là ngày đủ cung bậc cảm xúc đối với các y bác sĩ bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Khi vào phòng mổ chị cố chút sức lực cuối cùng, ngồi nghiêng người để các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật. Chị cho biết, thời điểm đó chị xác định chỉ cần con vuông, chứ không cần mẹ tròn.
Bé Bình An ra đời với tiếng khóc đầu tiên của con và những giọt nước mắt xúc động của tất cả y bác sĩ, những người được chứng kiến câu chuyện xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng của hai mẹ con, giọt nước mắt của người cha khi con được đưa về chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Chị Liên lịm đi sau ca vượt cạn tại Bệnh viện K Trung ương, khi tỉnh dậy chẳng cần biết bản thân ra sao, câu đầu tiên chị hỏi là: “Bình An sao rồi”. Khi đó, bé Bình An đang được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hai mẹ con khi đó chỉ được gặp nhau qua hình ảnh.
“Nhìn thấy hình con tôi rơi nước mắt, tôi nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, chiến đấu với bệnh tật để được gặp con, ở bên con”, chị Liên từng chia sẻ.
Kể từ khi cùng con về nhà, đều đặn mỗi tuần chị Liên lại trở lại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều (Hà Nội) để truyền hóa chất và khám. Những đợt truyền hóa chất liên tục khiến tóc chị rụng không còn một sợi. Dù vậy, nhưng cứ nghĩ đến cậu con trai bé bỏng và cô con gái hơn 3 tuổi, chị lại nghĩ mình đã được ông trời ban thêm cho cuộc đời khác.
Đến nay, sau 2 tháng ra viện, chị Liên đạt cân nặng 49kg, làn da đã hồng hơn không còn nhợt nhạt như trước. Ánh mắt chị đã linh hoạt hơn rất nhiều so với những ngày còn trong viện, những ngày sống chết không biết ra sao. Giờ, những cơn đau ít hành hạ chị hơn. Người mẹ 2 con ấy cho biết vì con, chị cố gắng ăn uống bình thường.
“Phải ăn nhiều mới có sức, để được thêm những ngày vui bên con. Những lúc suy kiệt nhất, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng, mệt mỏi đau đớn do ung thư vú đã di căn xương phổi, mình còn vượt qua được. Bây giờ phải cố vì con để được về chăm sóc, nhìn các con khôn lớn từng ngày”, chị Liên nói.
Có lẽ nhờ tình thương yêu các con mà chị Liên đã có thêm nghị lực, sức mạnh đối mặt, chống chọi cùng với bệnh tật. Đấy chính là câu chuyện đẹp về tình mẫu tử.
Trên thế gian này, dường như không ai và không một ngôi trường nào dạy làm sao để người ta có tình yêu thương cha mẹ và con cái. Giống như không ai dạy con người làm sao biết hít thở không khí để sống, tình yêu thương cha mẹ và con cái có trong bản chất con người, mà đạo Phật gọi là “câu sinh”, tức sinh ra cùng một lần với sự có mặt của con người.Người mẹ khi mang thai con là một chọn lựa quan trọng nhất trong đời. Người mẹ ấy biết rằng từ nay trong cuộc đời bà lại có thêm một mảnh đời khác, nhưng thực sự không khác tí nào cả, gắn bó keo sơn đến hơi thở cuối cùng của bà. Khi ý thức điều đó, cũng có nghĩa là người mẹ chấp nhận một thứ bản ngã, một thân xác thứ hai ngay trong chính con người mình. Đứa con là sự sống của người mẹ trong cả hai bình diện tinh thần và thể chất.
Như vậy người mẹ có phải chia bớt phần bản ngã và thể chất của bà cho đứa con? Nếu có thì người mẹ đã mất mát một phần bản ngã và thể chất. Nếu không thì đứa con không là một phần trong đời sống của người mẹ. Về mặt thể chất, vật chất thì dễ thấy, cho nên ai nấy đều biết rõ là người mẹ từ lúc mang thai cho đến khi sinh con và nuôi dưỡng con khôn lớn nên người đã tiêu hao thân xác rất nhiều. Về mặt tinh thần thì khó thấy, nhưng tất nhiên không phải là hoàn toàn không thấy được. Xem đứa con như một phần đời của mình, tức là người mẹ dành một chỗ đứng quan trọng trong tinh thần cho con. Hay nói cách khác, đứa con là một phần bản ngã của người mẹ, người mẹ chia một phần bản ngã cho con. Cái phần bản ngã của đứa con trong người mẹ đó thật sự không thể lấy thước để đo được là bao lớn. Bởi vì chỗ đứng tinh thần không hình tướng, cho nên, nó cũng là tất cả cái bản ngã của người mẹ.
Cũng từ đó, người ta mới hiểu được phần nào lý do tại sao tục ngữ Việt Nam có câu rằng: “Nuôi con trăm tuổi, mẹ lo hết chín mươi chín năm”. Và cũng vì lẽ đó, người ta mới thấy rằng tại sao trong đời sống hằng ngày lúc nào người mẹ cũng nghĩ tới, cũng lo cho con trước, rồi mới nghĩ, mới lo cho mình sau, mà có khi còn quên cả lo cho mình nữa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người Thầy dị nhân: Thành tựu kép từ năng lượng yêu thương và kỷ cương
Gieo mầm thiện 21:52 18/11/2024Phật giáo có câu: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa". Câu chuyện về Tiến sĩ Phan Quốc Việt – người thầy được mệnh danh là "dị nhân" – chính là minh chứng sống động cho triết lý này.
Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo
Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.
Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần
Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.
Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học
Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Xem thêm