Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 25/01/2014, 15:19 PM

Tới huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang: Đường xa mà lòng không xa!

Chuyến đi Hà Giang của tôi và chị Chân Thuần Hạnh đã kết thúc. Ở nhà nghỉ ngơi được hơn một ngày, tôi có dịp ôn lại những gì mình được trải nghiệm trong suốt cuộc hành trình đi về miền đất xa xôi nơi địa đầu tổ quốc.

Chúng tôi đã đến huyện Hoàng Su Phì, một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Hà Giang để chuyển quần áo và đồ dùng quyên góp được cho người dân ở đây. Xe xuất phát vào rạng sáng ngày 18/12, một buổi sáng thật lạnh. Sau khi đã chuyển đồ đạc ra ngoài từ tối hôm trước nhờ sự giúp sức của các bạn trong đoàn, chiếc xe tải nhỏ gồm tôi, chị Chân Thuần Hạnh  và chú lái xe bắt đầu khởi hành. Ngoài đường trời vẫn thật tối và vắng xe cộ, chiếc xe bon bon trên đường, chở theo tâm trạng hồi hộp của chúng tôi, nhưng nó cũng nhanh lùi đi vì cơn buồn ngủ, tôi ngủ được 3 giấc ngắn, mỗi lần tỉnh dạy vì đường đi quá xóc hoặc để thay đổi tư thế nằm cho thoải mái.

Như đã được thông báo trước trong lịch trình, chúng tôi sẽ dừng lại ở Phú Thọ để vào nhà cô Hoa hậu Xơ Mướp (tên facebook) nhận thêm 23 bao tải quần áo nữa. Xe rẽ vào con đường nhỏ, chúng tôi lục đục dậy để chuẩn bị chuyển đồ lên xe. 23 bao tải quần áo đã được cô xếp sẵn, buộc dây tinh tươm trong kho, chỉ chờ chúng tôi đón đi. Hai chị em tôi, mỗi người một đầu, lần lượt khênh 2 người một bao tải ra rồi lại tiếp tục vào. Riêng chú lái xe, chú làm việc thật tích cực và nhanh chóng, cứ 2 tải một lần khiêng trong tiết trời lạnh cóng lúc 3h sáng. Chú bảo, làm thế này vừa tập thể dục lại hết buồn ngủ luôn. Cô Xơ mướp giúp và động viên chúng tôi khuân đồ, cô không giúp được vì đang bị đau lưng nhưng rất tích cực soi đèn và trông coi mọi việc. Nhà cô có em mèo Nino trắng muốt, lại không sợ người lạ, em cứ loanh quanh bên cô trong kho đựng đồ. Cô giới thiệu em là trẻ lạc từ Hà Nội về, và trong nhà còn tới 6 em mèo nữa! Nhà cô còn nuôi cả một chú chó béc giê to đùng, chắc được xích ở ngoài vườn, khi chúng tôi vào cứ thấy tiếng nhăm nhe, gầm gừ nhưng chẳng có gì phải sợ vì đã có cô ở đó trấn tĩnh cho mọi người. Tôi còn nghe cô nói chuyện với chú chó, rất tận tình như với một người bạn. Tôi trộm nghĩ, một người yêu thương động vật như vậy thì không có gì là ngạc nhiên khi hàng ngày cô đạp xe ra chợ, thu gom được nhiều quần áo cũ cho vào tải và mang về nhà. Lâu dần mới được nhiều như vậy để các đoàn từ thiện mỗi lần đi lại ghé qua chỗ cô nhận những bao quần áo cũ đã được phân loại cẩn thận, bao áo nam, bao áo nữ, quần áo trẻ em…

Chúng tôi xong công việc chất đồ lên xe trong khoảng 20 phút và tiếp tục chuyến hành trình, tôi thì tiếp tục ngủ. Con đường đến Hà Giang vẫn còn thật là xa, nhưng khi tỉnh giấc thì cũng là 7h sáng, chúng tôi nghỉ chân ăn sáng và chuẩn bị tinh thần cho chặng đường tiếp theo, gian nan hơn khi xe tải đi vào đoạn đường nhỏ và thật là ngoằn nghoèo. Đi con đường tiến vào huyện Hoàng Su Phì này thật không đơn giản chút nào. Chú lái xe nói, nếu như không phải là người có kinh nghiệm lái xe thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Đoạn đường tương đối dốc và có những khúc cua làm cho chúng tôi khi ngồi trên xe cũng phải tròn mắt giật mình vì bất ngờ. Trên đường cứ cách một đoạn dài là lại thấy biển đề 10%, có nghĩa là độ dốc của đường là 10%. Ngồi trên xe thì không có cảm nhận nhiều về độ dốc nhưng thực ra lúc nào chú lái xe cũng phải cài số thấp và đi thật cẩn trọng để chở cả chúng tôi cùng với bao nhiêu hàng hóa trên xe đến nơi an toàn. Có lúc ngồi trên xe nhìn con đường phía trước giống y chang chữ U, vậy mà đi hết một vòng chữ U đó đã thấy vô số những đường vòng khác trông như mình con rắn. Chả trách đoạn đường có 60 km nhưng xe ô tô phải đi hơn 3 tiếng mới tới nơi, còn xe máy nhanh cũng phải tầm hơn 2 tiếng. Nhưng đúng theo lời chú lái xe trích dẫn của người dân tộc “khắc đi khắc đến”, chúng tôi ngồi trên xe lâu như vậy cũng không cảm thấy sốt ruột, vì cảnh bên ngoài đẹp quá!

 Hà Giang – buổi sáng mờ sương

Thỉnh thoảng trên đường lại có những cây cầu trắng, một bên đường là núi, mà bên kia đã lại là thung sâu thăm thẳm, nhìn xa xa là thấy cây cối và ruộng bậc thang xếp tiếp nối nhau theo nhiều chiều. Mạch nước từ trong núi làm thành những dòng thác nhỏ, nước cũng tung bọt trắng chẩy từ trên cao xuống như tung dải lụa trắng muốt. Dù không phải lần đâu tiên nhìn thấy thác nhưng trong lòng chúng tôi vẫn thật hân hoan khi được ở gần với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ như vậy. Buổi sáng, sương mù vẫn còn phủ ở bên kia con đường, nhìn xơ xơ thấy có ruộng bậc thang, những bậc ruộng nhìn rõ màu đất nâu vì mùa này chưa canh tác. Tôi nhớ khi gặp anh trưởng thôn, anh còn bảo khi mà lúa chín vàng mới là lúc nhìn ruộng đẹp nhất, bạt ngàn khắp các khoanh ruộng chắc sẽ trông thích mắt như được ngồi ngắm một bức tranh 3D về mùa hạ không có điểm dừng.

 Ruộng bậc thang tại huyện Hoàng Su Phì

Nhờ có sự chỉ dẫn đường của chị cán bộ xã trẻ tuổi thế hệ 8x, chúng tôi đi hết chặng đường dài và dừng xe tại trụ sở xã Ngàm Đăng Vài. Mọi người đã chờ chúng tôi ở đó. Xe đến nơi muộn hơn so với dự tính vì đi đường mất nhiều thời gian quá. Chúng tôi nhanh chóng xuống xe và được các anh chị cán bộ xã đón tiếp rất nhiệt tình và chân thành. Anh phó chủ tịch xã – thanh niên trẻ sinh năm 1985 giới thiệu với chúng tôi 8 trưởng thôn của 8 bản trong xã. Các anh, các chú đều có mặt ở đây từ sớm và tất cả nhanh chóng bắt tay vào công việc chuyển đồ xuống xe và phân chia về các thôn. Đây cũng là công việc mà tôi cảm thấy thích và rất hứng thú. Những đồ đạc và áo quần chúng tôi chuyển tới, cuối cùng cũng được rỡ ra và sắp được mang đến cho những người cần chúng. Gần 40 bao tải quần áo được khuân xuống sân trụ sở. Mọi người bắt đầu mở tải ra, chọn lựa những đồ thích hợp về cho bản mình. Tải quần nam, quần nữ, áo nam, áo nữ, cả quần áo trẻ em và chăn ga, màn đều được chia đều cho các thôn. Tất mới cũng được chia đều cho tất cả các trường bản mang về bản mình.

Chúng tôi gặp được các em học sinh cấp một vừa tan học ở sân ủy ban. Các em nhìn chúng tôi đầy tò mò, điều đó làm tôi cảm thấy thích thú. Chúng tôi có quà cho các em, là những gói mỳ tôm! Các bạn nhỏ mới đi học về, ra sân ủy ban vẫn còn mang cặp sách, có bạn mặc áo đồng phục, nhưng trông cũ lắm. Hầu hết các bạn mặc những chiếc áo mỏng, đi dép lê và không đi tất. Tôi nhớ trên đường đi vào huyện, chúng tôi mấy lần cũng bắt gặp những em bé còn nhỏ tuổi hơn các bạn học sinh tiểu học này, mặc đồ của người dân tộc, chân trần, mặt lấm lem, lon ton theo mẹ ở ngoài đường. Tận dụng hết những gì có thể mặc, có em quấn khăn lên đầu, và mặc càng nhiều áo càng tốt, càng đỡ lạnh hơn. Tôi lại nhớ đến câu chuyện của cố giáo tiếng Anh dạy cấp 3, kể về những bạn nhỏ đi học mặc 3 cái áo sơ mi mà bẻ đủ 3 cái cổ áo ra ngoài trong tiết trời mùa đông giá rét ở miền núi. Bây giờ tôi cũng được chứng kiến, và cùng cảm nhận cái rét và sự xúc động khi cô giáo kể chuyện.

 Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn từ thiện

Chúng tôi chia mì tôm cho các bạn, mỗi bạn được 2 gói mang về nhà. Mặt ai nhận mỳ tôm trông cũng thật hớn hở. Các bạn nhỏ xinh lắm, gương mặt vẫn rất thơ ngây, tinh nghịch. Có khi sống trong cái khó, cái khổ, các bạn chịu đựng quen rồi nên không cho chuyện thiếu thốn vật chất là điều gì quá lớn lao. Các bạn tự nhiên và trong sáng như bất kì bạn nhỏ nào được sống no đủ. Người tuy hơi nhỏ con, gầy gầy nhưng rất khỏe mạnh và chạy nhảy rất nhanh. Các bạn nhỏ đứng quanh tôi để nhận mỳ tôm. Lúc đầu nhiều bạn còn e ngại, chỉ đứng xa quan sát, dè chừng, sau rồi thì tất cả ai cũng đến lượt nhận mỳ tôm, rồi làm quen, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng ánh mắt, nụ cười, tôi thấy mình thật giàu có khi được nhận lại những nụ cười ấm áp như thế, chả còn thấy mùa đông đâu nữa! Những bàn tay nhỏ bé, đen nhẻm và nứt nẻ ấy đón nhận tình cảm của chúng tôi, của những người ở thành phố muốn gửi đến những niềm vui nhỏ tới các bạn. Đất trời Hà Giang rộng mênh mông ngợp mắt, hy vọng những cánh chim nhỏ này sẽ bay xa!

Mỳ đã đến tay tất cả các bạn nhỏ, có một điều thú vị trong lúc phát mỳ đó là trong thùng mỳ Hảo Hảo có khuyến mại một gói mỳ chính nhỏ. Ai muốn lấy mì chính nào? Sau câu hỏi là những tiếng thưa thớt: em, em …. Rồi tất cả đều em, em ạ! Giá như có cả một thùng mỳ chính ở đây để chia được đều cho tất cả. Mang quà về nhà thật là vui, không phải vui cho mình mà vui cho cả nhà mình, đặc biệt là vui cho mẹ - người đứng bếp. Ngày hôm đó các em có niềm vui nho nhỏ về nhà rồi đấy!

 Hình ảnh các em học sinh vùng cao nhận quà từ thiện

Chúng tôi được đưa đi thăm 5 hộ khó khăn trong xã. Năm hộ liền kề nhau, năm anh em, năm cái nhà bằng tre nứa lợp lên liên tiếp, và liên hợp cùng với chuồng bò, chuồng lợn, chỗ chăn thả vịt, và có cả dê nữa! Tôi thấy như thế thật là tiện, các con vật được chăm sóc mà chủ nhà không tốn thời gian đi quá xa! Có lẽ họ cũng không muốn đi xa vì đường vào nhà các anh cũng khó khăn lắm! Mỗi người trong đoàn ngồi sau xe máy của một anh trưởng bản. Cả đoàn cán bộ và đại diện nhóm từ thiện chắc cũng đến chục người vào đó. Phương tiện thì nhất định phải là xe số, nhỏ gọn và khỏe máy thì mới đủ tiêu chuẩn và sức mạnh vào được tới nơi. Tôi ngồi sau xe máy, ôm thùng bột canh, và cả túi đồ của mình, lòng lo nơm nớp vì nhìn đường khó đi quá. Nhưng xe bắt đầu đi vào con đường có một không hai ấy thì chả còn tí thần vía nào mà lo lắng. Đường đi chỉ rộng khoảng tầm hơn 20 phân, là đường đất cỏ, một bên bờ đường cao ngang người, bên kia thì mặt đất cách tôi cả mét, rồi mét rưỡi, rồi hơn nữa … Xe rồ ga và tôi nhắm chặt mắt không dàm nhìn nữa, cứ như nếu mắt tôi mà nhìn lệch về một bên đường thì xe cũng có thể đổ về bên còn lại! May quá đoạn đường không dài, chỉ khoảng mấy trăm mét, và theo như anh trưởng thôn thì nó chưa là gì so với nhà anh, và, đường thế này anh đi suốt ngày!

Đặt chân được xuống đất tôi thấy mình nhẹ nhõm và an toàn hẳn, hết cảm giác chênh vênh như trò chơi cảm giác mạnh. Nếu việc đi đường như thế này là một trò chơi thì trò chơi này không có bảo hiềm, quá mạo hiểm và là điều bất khả kháng với người dân nơi đây. Tôi tự hỏi, nếu ở đây thì liệu mình có làm được? Câu hỏi dứt nhanh chóng vì nhà có nhiều trẻ con quá. 5 hộ mà, các hộ gần nhau, nhiều trẻ con tầm tuổi sàn sàn nhau. Nhiều cũng sẽ được tập trung ra hết, vì các em được nhận quà! Có quần áo, mì tôm và bột canh! Tôi và chị cán bộ xã, hai người thay nhau ướm quần áo cho các bé để tặng các em. Có những chiếc quần trẻ em mới vẫn còn nguyên nhãn mác, nhìn thấy mà tôi thấy vui ghê gớm, các em cũng sẽ được mặc đồ mới. Bé con thì có mũ len, có cái che tai cho ấm, các bé có cả quần dài mặc mùa đông, quần soóc mặc mùa hè, có tất để đi nữa! Còn có cả quần áo trẻ con một tuổi, hơn một tuổi, thật may cũng có hộ đang có em bé, chị cán bộ bảo “Cho cái cún ấy mặc cái này là ấm lắm!” – giơ chiếc áo dày của trẻ con ra, mặt rất vui vẻ. Các chị phụ nữ trong nhà mặc đồ dân tộc đẹp lắm. Các chị đứng ngắm chúng tôi suốt từ khi chúng tôi vào đến sân! Áo xanh thiên thanh, váy đen và đội khăn ở đầu, có chị nhìn tôi rồi cười bẽn lẽn, trông chị xinh như bông hoa, gương mặt ngây thơ hơi e thẹn nhìn rất dễ mến. Tôi thấy mình như đang trong phim. Nhà cửa dựng lên như khi tôi xem Vợ chồng A Phủ, có cối xay gạo bằng đá, nhà bằng tranh tre gió lùa qua khe, ánh sáng lọt qua khe, vẫn có bếp đun trong nhà sưởi ấm, và có những người phụ nữ dân tộc, người thì thỏ thẻ, người thì địu con sau lưng. Tôi ra xin chụp với chị gái mặc áo thiên thanh một kiểu ảnh, chị nghe xong ngượng nghịu lắm, lấy tay ôm mặt một cái, có khi vì chưa chụp ảnh bao giờ! Tôi thấy mình hơi bạo dạn nhưng chị đáng yêu quá, lấy một tấm hình về làm kỉ niệm – kỉ niệm về sự nhẹ nhàng thơ thơ của người dân tộc!

 Chị Chân Thuần Hạnh  và các em nhỏ trong thôn

Người của cả 5 nhà xem chừng tập trung đông đủ hết ở đây, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, cánh đàn ông chắc đi làm nên không ở nhà vào ban trưa thế này. Các chị ở nhà địu con, trông trẻ, cuộc sống diễn ra thật nhẹ nhàng và đều đặn. Tôi rất thích hình ảnh người phụ nữ địu con trên lưng. Hồi nhỏ tôi chỉ nghe thấy hình ảnh này qua bài thơ Ngủ ngoan A Kay, hôm đó tôi được tận mắt chứng kiến. Quả là có được đi xa đến thế này, tôi được hiện thực hóa ngắm nghía những gì mình được ngắm qua hình minh họa trong sách vở. Có cô địu con trên lưng, cô bé ở đằng sau có cặp mắt to tròn nhìn hết mọi phía. Mặt em trông nhọ nhem, giống như bị chảy nước mũi rồi em vô thức lấy tay quệt sang hai bên, dần nước mũi khô lại, mặt em có những vệt đen đen hai bên má. Trông em vẫn rất xinh, tôi rất thích, thích vì đó là cuộc sống của em, hành động của em, của trẻ con nên rất tự nhiên và hoang dại! Chị Chân Thuần Hạnh  khi ngồi trên xe ô tô về cũng vẫn nhớ hình ảnh đứa trẻ. Chị bảo ở nhà chị chăm chút con gái của mình, nếu bé có bị xổ mũi thì phải xịt thuốc, bắt bé hỉ mũi, mà như vậy đã là rất đau, mỗi lần như vậy chị thấy rất thương bé. Cô bé con ấy, với tiết trời mùa đông nứt nẻ da thế này thì sẽ bị dát hết mặt vì nẻ mất thôi! Đúng là trẻ em miền núi còn nhiều thiếu thốn và khó khổ lắm!

Cũng vì là phát đồ cho 5 nhà nên mọi công việc đón tiếp chúng tôi và nhận đồ từ thiện đều được thực hiện ở khoảng đất trống trước hiên nhà. Hòm hòm việc phân phát tôi mới có dịp vào thăm nhà các chị. Cả nhà là một gian phòng, trải khắp từ phải sang là bếp, bàn để đồ, ban thờ, rồi bên trái là giường ngủ, tiếp theo lại là giường đơn để ngủ, tất cả đều đan hay làm bằng tre, ngồi thử lên thấy hơi kẽo kẹt nhưng chắc chắn, mùa hè chắc sẽ rất mát, mùa đông thì ban đêm sẽ đốt bếp để sưởi. Bếp củi để ở bên phải nhà, cạnh bếp có cái chạn để bát và gần đó, trên trần nhà là những bó thóc phơi khô. Tôi ngồi trên chiếc ghế cạnh bếp và tưởng tượng ra cảnh ấm áp bên cạnh bếp củi, mặt lũ trẻ con hồng hồng trước đốm lửa. Vào căn nhà này tôi thấy bình yên và giản đơn vô cùng. Cuộc sống không ngờ có thể tối giản đến như thế. Với người ham thích nhiều thứ thì nói đó là thiếu thốn, nhưng thử nghĩ mà xem, nếu như chúng tôi không đến đây với chút thực phẩm và ít quần áo cũ thì cuộc sống của những con người này vẫn diễn ra bình thường như vậy. Con họ vẫn sẽ ăn, học và làm việc giúp bố mẹ. Các chị phụ nữ vẫn làm việc nhà, chăn bò, chăn dê, sẽ chẳng có gì đổi khác. Kể cả chúng tôi đến đây thì cuộc sống của những con người này cũng không thay đổi! Làm sao có thể thay đổi chỉ với mấy gói mỳ tôm và vài chiếc quần áo. Có thay đổi chắc là ở người được đến đây, được chứng kiến và trải nghiệm, được cười và nhận lại những nụ cười của người dân huyện Hoàng Su Phì mà thôi!

 Trong nhà người dân bản

Có người bảo chúng tôi đã làm được những điều phi thường trong chuyến đi này, có lẽ một phần vì quãng đường chúng tôi đi xa quá! Nhưng cho đến khi về nhà, tôi vẫn thấy mình nhận được nhiều thứ phi thường hơn là cho đi. Chúng tôi chỉ là những người đại diện cho những tấm lòng ở Hà Nội mà thôi. Các anh chị, các cô bác đã quyên góp và giúp đỡ chúng tôi về tinh thần rất nhiều để thực hiện chuyến đi này. Không thể đếm đủ bao nhiêu bộ quần áo, bao nhiêu chuyến xe đi nhận đồ, nhận tiền quyên góp và bao nhiêu cuộc điện thoại liên hệ để chương trình thành công. Có lẽ chính sự nhiệt tình của mọi người mới là nguồn sức mạnh vô hình để chị em tôi đi đường thật thuận lợi, nhận được nhiều sự giúp đỡ và về nhà không bị đau ốm gì! Chúng tôi chỉ là những người đại diện mà thôi, và trách nhiệm vận và chuyển đồ đến tay mọi người đã hoàn thành!

Cảm ơn chuyến đi Hà Giang lần này, tôi đánh dấu thêm được một vùng đất nữa của Tổ quốc nơi mình đã đặt chân. Sống ở Hà Nội, làm quen với sách vở nhiều hơn với thực tế, sau mỗi chuyến đi xa vất vả đôi chút tôi thường về nhà và cảm thấy nhà mình là sướng nhất, là tiện nghi thoải mái và tuyệt vời nhất quả đất. Nhưng chuyến đi lần này không cho tôi cảm giác ấy khi về nhà.

Đặt chân về nhà chỉ là cảm giác nhẹ nhõm, bình yên, không sung sướng thỏa mãn. Có lẽ vì tôi không cảm thấy mình khổ trong chuyến đi này! Tôi không vất vả nhiều mà được cười thật nhiều! Cười trước sự đáng yêu của các bạn học sinh, cười trước những gương mặt vui vẻ của những người nhận được quà tặng, cười trước cả sự bảo vệ đồ đạc đã nhận của các anh chị trưởng thôn để không cho thôn khác xâm phạm vào tải đồ đó nữa. Các anh chị cán bộ trẻ nhiệt tình năng nổ chắc hẳn cũng tìm thấy niềm vui trong công việc từ cuộc sống bình thường của người dân như thế.

Chúng tôi mang đến quần áo, mỳ tôm cho dân bản, dân bản cho chúng tôi cả tấm lòng! Cảm thấy thật gần gũi, không phải xa nhà mà mình như đang ở nhà, thật an nhiên và tự tại. Thiếu thốn vật chất có thể cải thiện được dần dần theo thời gian nhưng nếu thiếu đi tình thương yêu chia sẻ thì cuộc sống lúc ấy quả thực nhàm chán. Vì vậy, thay vì lo đắp đền về vật chất, một cuộc sẻ chia đầy tình thương như tôi được chứng kiến giữa những người ở đồng bằng và những người vùng cao huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang sẽ là hành trang cho tôi trong chuyến hành trình dài của cuộc đời để mang yêu thương hạnh phúc đến cho mọi người!

Hà Giang
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm