Thứ năm, 09/03/2023, 10:35 AM

Tôi là ai, đích thực là ai đây…

Tôi không dám tự nhận mình là một người con của Phật, chỉ mạn phép là một kẻ tiểu tốt mến mộ triết lý Phật giáo. Tôi cũng sợ việc phải yêu mến ai đó, điều gì đó. Khi như vậy, ta dễ dàng đóng khung, tạc tượng người khác, như thể từ giây phút đó trở về sau, họ đã chết rồi.

Hôm qua ta thấy họ còn tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng mình, vài ngày sau lại thấy bối rối vì sao người đã đổi thay. Tôi đã và đang chấp niệm như vậy, nhưng tôi cũng không muốn và cũng không thể tước bỏ đi mọi ghi nhận cá nhân của mình về người khác trong lòng. Đó là điều cứ tự nhiên thênh thang bước vào tâm trí tôi, và chính tôi lựa chọn làm đau khổ mình vì ảo tưởng lẽ tự nhiên ấy. Phật giáo hay tôn giáo, tín ngưỡng nào khác chắc đều hướng tới điều thiện lành, lẽ tốt, điều phải. Và chính những điều ấy là những giá trị có ý nghĩa tự thân không thể phủ nhận được, một chân lý mà triết học từ đông sang tây, từ Mạnh tử đến Aristotle đều cùng chiêm nghiệm. Nhưng cũng có lẽ vì nhiều động lực xã hội, chính trị phức tạp và chồng chéo khác nhau mà sự chấp niệm về niềm tin tôn giáo đi sai lệch đi lẽ hướng thiện ban đầu. Những người cuồng giáo, tổ chức cực đoan, không phải vì đạo xấu, chắc là bởi vì lòng người còn nhiều bụi trần quá. Thầy Thích Nhất Hạnh có nói rằng chỉ mong muốn Bụt là vầng trăng soi đường, tuyệt đối đừng không phải là một vị thần. Càng tư lự sau nhiều lần va vấp chỉ do tự mình, tôi chắc chắn chưa sung sướng gì trong cảnh giới giác ngộ, nhưng cũng lợn cợn trong lòng vài chiêm nghiệm sâu sắc về những triết lý Bụt. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thậm chí Bụt có tên là Bụt hay không có thể còn không quan trọng nữa, ví như Shakespeare từng nói, hoa hồng có được gọi là tên gì thì chúng vẫn muôn đời thơm ngát. Tôi thấy vui hơn vì trên con đường học vấn nhỏ mọn của mình, được tiếp xúc với nhiều lý tưởng khác nhau, càng rọi chiếu thấy đạo Phật tương tức trong không gian triết học nhân loại, không giống mà cũng không khác gì những niềm tin của Plato hay Muhammad. Tất nhiên tôi đang muốn nói về ý niệm, chứ không cố gắng đi xét nét từng câu chữ trong kinh này kia. Khi bớt chấp niệm hơn để ý thức về sự buông bỏ, tôi hiểu lòng mình đang nhẹ nhàng đi, nhưng thực ra cũng đính kèm vài lo dự khác. Buông bỏ tất cả, nếu tôi không vững chân trên đường tu tập, sẽ thành kẻ hư vô. Hình như con người luôn mải mê tìm kiếm nơi chốn bấu víu để định danh mình, để làm nổi bật mình, và là để trấn an cái bản ngã trong tưởng tượng của mình. Khi tôi dần già bớt vui thú trong cuộc chơi định danh ấy, liệu tôi đang an định hơn vì lòng dạ bớt khổ đau, hay rồi trở nên kẻ không có niềm tin và động lực sống? Tôi chưa biết.

Nói vậy thôi rồi hằng ngày tôi vẫn chấp niệm. Tất nhiên mình hiểu một vài nắm bắt của mình về ai đó không bao giờ nói giùm họ, nhưng lòng dạ cứ tự động chỉ điểm một cách tự động như thể đại diện cho toàn bộ đời sống vô hạn trong từng giây phút của họ mỗi khi tự nhiên nhớ đến. Tôi vẫn là kiểu người để ấn tượng đầu với ai ám ảnh như bóng ma quẩn quanh mỗi khi gặp lại ai đó, dẫu biết rằng, họ luôn luôn không ngừng thay đổi, bước đi, sống lại. Tôi không dám tự nhận mình là Phật tử cũng bởi vì nghĩ rằng sao mình giống kẻ giả tạo thì đúng hơn. Tôi nói với người khác về lý tưởng của mình và Phật giáo, nhưng rồi tôi cũng chưa bao giờ thực hành được một cách đáng ghi nhận để có một khoảnh khắc nào đó có dáng dấp của niết bàn. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng cái lý tưởng ấy cũng mãi mãi là những ý niệm trong đầu thôi, và tôi đã hướng thiện khi cố gắng triển khai chúng. Ngược lại, tôi cũng hãi khiếp việc lời mình chia sẻ kia sẽ là khung, là tượng trong lòng người khác, để rồi một ngày, người hận thù tôi vì sự thật là tôi chưa chết như họ mường tượng. 

Sống là khổ đau hay vui sướng, tự nhiên phải kinh qua cả thảy. Như thể có chánh thì phải có tà, có cười thì phải có khóc. Mấy ai độc mã đấu kiếm giữa trời khuya rồi vỗ ngực xưng danh anh hùng? Mà chắc cũng không có ai tự hào nhận lấy nhãn mác tên lưu manh. Tôi là ai, đích thực là ai đây… khi cả tia sáng trước mặt cũng là ảo ảnh. Đôi mắt có tinh anh đến mấy, cũng đâu có nắm bắt được bản chất của sự tình phía trước, mà chỉ là sự phục dựng trong trí não các thông tin về chúng. Tôi biết vậy để dặn lòng mình rằng chính tôi cũng không bao giờ nắm bắt được cái tinh tuý nhất của đời sống vốn hữu hạn, để biết mình nhỏ bé, rồi trở thành hư vô như tia nắng thoáng qua bên thềm. Tôi không là ai, và tôi cũng không là tôi nữa. 

Gió hôm nay thoảng thốc qua nhè nhẹ, tâm hồn chật chội trong suy nghĩ về ngày mai làm gì, tương lai ra sao chuếnh choáng cả cõi lòng. Tôi ích kỷ vì đôi lúc chỉ cho rằng cái đẹp phải là cái liên quan tới bản thân mình - liên quan tới mức mà có thể điều khiển hay kiến tạo ra nó, dẫu rằng cơn mưa kia tương tức với tôi một cách kỳ diệu và phức tạp mà tôi thấy mù mờ đến mức không tả nổi. Việc đang ngồi trong phòng ngay bây giờ, tôi cũng phải cảm ơn vô vàn điều kiện chắp nối lại, chứ chắc chắn là không có gì tự nhiên tự đến. Ngọn lửa làm sao mà dừng được nếu không có ai, có gì tác động. Nhưng dù vậy thì bản chất của ngọn lửa vẫn sẽ là cháy. Bà tôi rồi cũng sẽ rũ bỏ thân thế trần tục này đi về tìm một con đường bộ hành bất tận mà tôi mãi mãi không biết được, nhưng bà tôi vẫn sẽ ở trong tôi. Diễn ngôn thì sến súa vậy thôi, nhưng rồi tôi biết tôi vẫn sẽ không ngừng khóc khi thấy ai đó rời bỏ cõi tạm bợ này. Tôi không sợ chết, và tôi biết chắc có lẽ mọi người cũng không sợ chết. Ai mà biết chết là cái gì, cũng như Bụt nói về niết bàn vậy. Không ai biết, Bụt cũng không biết. Ta chỉ có thể biết con đường đưa ta tới cái chết rồi tự thân kinh qua khoảnh khắc ấy mà thôi. Chết xong rồi, không còn ai mà giận mà hờn, cũng không ai ngồi dậy mà kể lể nữa. Nghĩ đến vậy lại nhận thức được cái chết cũng là gì và cũng không là gì, và lòng mình lại thênh thang ra mãi. 

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Lương Ngọc Chung; địa chỉ: 600 Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024

Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024

Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.

Xem thêm