Trách nhiệm giữa thầy và trò qua Kinh Luật (I)
Trong Phật giáo nói đến người xuất gia đến người có tâm bồ đề dũng mãnh, có ý niệm về sự giải thoát, đạt được tuệ giác vô thượng và đem tuệ giác ấy dẫn dắt chúng sanh ra khỏi bể khổ nguồn mê.
Trong Phật giáo nói đến người xuất gia đến người có tâm bồ đề dũng mãnh, có ý niệm về sự giải thoát, đạt được tuệ giác vô thượng và đem tuệ giác ấy dẫn dắt chúng sanh ra khỏi bể khổ nguồn mê. Trong Sa di luật giải nói; “Xuất gia có nghĩa:1) từ nghĩa song thân, dứt tình ân ái, bỏ tục vào đạo, cạo tóc nhuộm áo gọi là ra nhà thế tục; 2) dứt trừ tâm vọng hoặc, chứng quả vô sanh gọi là ra khỏi nhà tam giới, ấy mới thiệt là xuất gia”. Vì vậy sơ tâm của người xuất gia là hảo tâm cùng với lý tưởng cao đẹp, ý chí mạnh mẽ, bước vào thiền môn, thay đổi hình thức sống cho phù hợp với môi trường mới. Khi cạo bỏ mái tóc xanh, khoác lên mình màu áo hoại sắc là cảm nhận được một sự thiêng liêng, một hoài bão lớn, vì vậy, hình ảnh người xuất gia là hình ảnh cao đẹp nhất.
Huỷ hình thủ chí tiết
Cắt ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhất thiết nhân.
“Hoằng thánh đạo” và “thệ độ nhất thiết nhân” chính là hoài bão lớn của tâm bồ đề. Tâm bồ đề là nguồn năng lực rất mạnh chính nó đã thôi thúc chúng ta đi xuất gia, và năng lực ấy tiếp tục phát triển trong suốt thời gian chúng ta sống trong thiền môn, giúp chúng ta có thêm sự tinh tấn, dũng mãnh, đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn trở ngại và giúp chúng ta có hạnh phúc.
Mãnh đất nuôi dưỡng tâm bồ đề này xanh tốt nhất là khi bước lên nấc thang Tỳ kheo, nấc thang đứng đầu trong hàng tứ chúng xuất gia tức là đã thật sự được dự vào hàng Tăng bảo cũng là môi trường thích hơp nhất để tâm bồ đề phát huy hết năng lực đã phôi thai và được nuôi dưỡng từ lúc còn hành điệu.
Trong Qui Sơn Cảnh sách, Tổ Qui Sơn có dạy: “Nhược xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long phật Pháp, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu, nhược bất như thử, lam xí tăng luân, ngôn hạnh hoang sơ, hư triêm tín thí, tích niên hành xứ, thốn bộ bất di, hoảng hốt nhất sanh, tương hà bằng thị. Huống nãi đường tăng tướng, dung mạo khả quan, giai thị túc thị thiện căn, cảm tư dị báo”.
Nghĩa là: đã là người xuất gia, là phải cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình khác tục, nối thạnh dòng thánh, hàng phục ma quân, để đền trả bốn ân cứu giúp ba cõi. Nếu không như thế, xen lẫn trong chúng Tăng, lời nói hạnh kiểm vẫn còn hoang sơ, luống hao của tín thí. Chỗ đi năm trước tất bước không rời, lếu láo một đời, lấy chi nương tựa, huống nữa, đường đường tăng tướng, dung mạo dễ xem. Sở dĩ được như thế là do đời trước đã gieo trồng căn lành nên đời này mới cảm quả báo như thế ấy…
Thế nên người xuất gia không phải vì cơm áo cũng chẳng phải vì hoàn cảnh mà một lòng tha thiết muốn nhập vào hàng Tăng chúng, được tu tập cùng đại chúng, tìm thấy sự an lạc trong Tăng già, giải thoát cho mình và tha nhân, thì đối với việc được dự vào hàng Tăng bảo quả là niềm khát khao vô cùng to lớn, với một niệm như thế, cùng với tâm bồ đề mãnh liệt chắc chắn sẽ hội nhập vào hàng trưởng tử của Như Lai.
Trưởng tử của Như Lai được gọi ngay sau khi đăng đàn thọ giới cụ túc. Một trưởng tử của Như Lai nhất định phải thành tựu được bản thể Tỳ kheo tức là phải đắc được Vô tác giới thể, có vô tác giới thể thì mới chứng minh được giới tử đó thành tâm tha thiết cầu giới, khát khao muốn bước lên địa vị hàng đầu trong bảy chúng, gánh vác trọng trách lèo lái con thuyền Phật pháp cho được trường tồn, mới xứng đáng hoài niệm của một Tỳ kheo.
Chúng Tỳ kheo thời đức Phật trong những năm đầu từ khi giáo đoàn được thành lập, giới luật chưa được đức Phật ban hành, việc gia nhập tăng đoàn tương đối đơn giản, Chính do những vị Tỳ kheo ấy căn tánh lanh lẹ, nên khi nghe đức Phật khai thị vài lần là đại ngộ hoặc có vị chứng thánh quả ngay trong kiếp hiện tại, như nhóm năm anh em Ông Kiều Trần Như; nhóm Da-xá; nhóm anh em Ông Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp; xá Lợi Phất; Mục Kiền Liên.v.v. đúng là những vị “Thiện lai Tỳ kheo!”. Ngoài ra còn có rất nhiều vị có duyên cũng được gia nhập Tăng đoàn cũng với hình thức này, trong kinh thường nói có một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo đệ tử thường đi theo đức Phật.
Về sau đức Phật cho phép các Tỳ kheo thâu nhận đệ tử, số lượng Tăng già trở nên đông hơn, do đó việc thâu nạp đệ tử mới của các Tỳ kheo có phần dễ dãi hơn, không có sự chọn lọc, dẫn đến có những trường hợp bất hoà xảy ra trong Tăng chúng, thiếu sự hoà hợp, buông lung, làm cho hàng cư sĩ chê cười, do nguyên nhân đó nên mỗi khi các Tỳ kheo xảy ra chuyện đem bạch Phật, Phật kết giới, từ đó dùng giới để câu thúc ba nghiệp, làm cho Tăng chúng được thanh tịnh hoà hợp. Thế nên, về sau này khi thâu nhận đệ tử, lúc đăng đàn cho thọ Tỳ kheo giới, trên thì phải có đủ thập Sư, dưới đệ tử thì phải trải qua các giá nạn của thập Sư truyền giới thì mới đắc giới trở thành một vị Tỳ kheo, viên mãn vô tác giới thể, chính thức gia nhập Tăng đoàn.
Trong thập Sư truyền giới thì hai thầy Hoà thượng và A Xà lê là người hướng dẫn và giảng đạo. Sa Di luật giải nói: “Hoà thượng tiếng phạn là Upàdhyàya, Trung Hoa dịch là “Lực sanh” hay còn gọi là “Thân giáo sư”. Nhờ sức thầy dạy dỗ sanh giới thân tuệ mạng cho ta nên gọi là “Lực sanh”, đệ tử gần gũi bên thầy lãnh lấy lời giáo huấn gọi là “Thân giáo sư”. Trong Tứ Phần luật quyển ba có nói: “Hoà thượng là vị Thầy mà từ nơi Ngài chúng ta nhận được giới” hay trong luật Thiện Kiến nói: danh từ Hoà thượng đời nhà Hán dịch là: “Biết có tội, biết không có tội thì gọi là Hoà thượng”.
Thứ đến là thầy A-xà-lê: tiếng phạn dịch là Acàrya; tiếng Trung Hoa dịch là “Quỹ phạm sư” là thầy dạy pháp tắc cho các đệ tử. Có năm bậc A-xà-lê: “1) xuất gia A-xà-lê là vị thầy mà chúng ta nương vào để được xuất gia; 2) thọ giới A-xà-lê, là vị thầy tác pháp yết ma khi thọ giới; 3) Giáo thọ A-xà-lê là vị thầy dạy dỗ oai nghi giới hạnh; 4) Thọ Kinh A-xà-lê là vị thầy từ ngài ta học kinh thuyết pháp; 5) Y chỉ A-xà-lê, là vị thầy từ nơi ngài chúng ta nương vào để sống đời đạo hạnh, cho đến một đêm. Trong Bộ Hành Hộ nói: “Năm hạ sắp lên, tức vị A-xà-lê, mười hạ sắp lên tức vị Hoà thượng”
Một vị Hoà thượng muốn thâu nhận đệ tử phải là người có đủ mười tuổi hạ trở lên, thông suốt kinh luật, có trí tuệ, có thể cung cấp vật chất cho đệ tử, được Tăng già công nhận cho phép mỗi năm chỉ được nhận một người đệ tử mà thôi. Đây chính là ý muốn nói đến trách nhiệm dạy dỗ học trò của môt vị thầy. Câu chuyện của Tôn giả Hoà Tiên vừa hai tuổi hạ, dẫn một người đệ tử một tuổi hạ đến chỗ đức thế tôn. Đức Thế tôn tuy biết mà vẫn chỉ người đệ tử hỏi:
- “Đây là Tỳ kheo nào?
Tôn giả Hoà Tiên thưa:
- Đệ tử của con
Đức Phật hỏi Tôn giả Hoà Tiên
- Hiện ông bao nhiêu tuổi? (tuổi hạ)
Tôn giả Hoà Tiên thưa: dạ con hai tuổi
Đức Phật lại hỏi
- Đệ tử ông bao nhiêu tuổi?
Tôn giả Hoà Tiên thưa: dạ, một tuổi
Lúc bấy giờ đức Thế tôn bằng mọi cách quở trách
- Việc làm của ông là không đúng oai nghi, không phải pháp của Sa Môn, không phải tịnh hạnh, không phải hạnh tuỳ thuận, ông làm việc không nên làm. Này ông Hoà Tiên! ông chưa hết bú sữa, ông đã nhận sự dạy dỗ của người khác, làm sao ông dạy được”. Từ nay cho phép Tỳ kheo nào đủ mười tuổi hạ, có trí tuệ mới trao truyền giới cụ túc cho người, cho người y chỉ.
Trong Ma Ha Tăng Kỳ nói: “Khi đức Phật ở thành Xá Vệ. Bấy giờ có một Tỳ kheo một tuổi hạ dẫn một đệ tử chưa có tuổi hạ đến chỗ đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền quở trách: “ông mới một tuổi hạ mà nuôi đệ tử chưa có tuổi hạ thì giống như người yếu đuối mà lại cứu người yếu đuối”. Sau đó ngài nói với đại chúng rằng: “Này các Tỳ kheo! Tự hàng phục được mình rồi mới hàng phục người khác, điều đó có thể. Tự chế ngự được mình rồi mới có thể chế ngự người khác, điều đó có thể. Tự độ được mình rồi mới độ người khác, điều đó có thể. Này các Tỳ kheo! Từ nay về sau ta không cho phép Tỳ kheo dưới mười tuổi hạ độ người xuất gia thọ giới cụ túc”.
Một Tỳ kheo thâu nhận một đệ tử là tự đặt trên vai mình một trách nhiệm rất lớn đối với Phật pháp, với cuộc đời. Luật Tăng Kỳ nói: “một vị thầy phải thành tựu mười pháp sau đây mới cho độ người xuất gia thọ giới Cụ túc: 1) giữ giới; 2) học nhiều luận; 3) học nhiều luật; 4) Học giới điều; 5) học thiền định; 6) học trí tuệ; 7) có thể xuất tội; 8) có khả năng chăm sóc bệnh, có khả năng dạy người chăm sóc bệnh; 9) đệ tử gặp khó khăn có khả năng giải quyết vấn đề khó khăn đó mau chóng; 10) đủ mười hạ. Vừa đủ mười hạ mà biết hai bộ luật cũng được độ.
(Còn tiếp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm