Trai đàn chẩn tế trong Phật giáo
Pháp hội Trai đàn chẩn tế là nghi lễ có ảnh hưởng Mật giáo, thuộc Pháp hội Thủy lục – nghi thức cúng cô hồn, do ngài Bất Không Tam Tạng Pháp sư đời Đường ở Trung Quốc khởi truyền.
> Ý nghĩa siêu độ, bạt độ trong nghi thức Mông Sơn thí thực
Nguồn gốc pháp hội Trai đàn chẩn tế
Trai đàn chẩn tế hay Giải oan bạt độ và chẩn tế là một nghi lễ ảnh hưởng Mật giáo, tên thường trong khoa giáo là Du già Diệm khẩu, dân gian thường gọi là Phóng diệm khẩu, người Việt chúng ta gọi vắn tắt là Pháp hội Trai đàn chẩn tế, thuộc Pháp hội Thủy lục – nghi thức cúng cô hồn, do ngài Bất Không Tam Tạng Pháp sư (Kim Cương Trí) đời Đường ở Trung Quốc khởi truyền với các phần chú và ấn làm cơ bản. Từ thời Tống trở về sau, các Pháp sư đã bổ sung thêm phần hiển giáo (giáo lý được diễn đạt bằng lời có thể hiểu được).
Về niên đại Pháp hội Trai đàn chẩn tế du nhập Việt Nam, hiện nay chưa thấy một tư liệu nào nói chắc chắn. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang (tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh) đã cho rằng khoa nghi này do ngài Hứa Tông Đạo từ Trung Hoa truyền vào và quảng bá ở Việt Nam đầu thế kỷ XIII. Hiện nay chúng ta còn có một tư liệu do Trúc Lâm Đệ tam tổ Huyền Quang soạn “Pháp sư đạo tràng công văn cách thức thủy lục chư khoa”.
Ở nước ta, thế kỷ III, ngài Khương Tăng Hội có soạn bộ “Nê hoàn phạn bái” (Diễn nghi thức hành trì kinh Niết Bàn bằng lễ nhạc). Và sâu xa hơn, nghi thức này bắt nguồn từ thời Đức Phật, như đã đề cập trong Phật thuyết cứu bạt Diệm Khẩu Đà la ni kinh.
Với cái nhìn của người học Phật, ngoài cuộc sống của con người chúng ta ở dương thế còn có những người bị oan nghiệp trói buộc, những oan hồn bị bỏ rơi, không nơi thừa nhận…, trước tình cảnh đó, người học Phật không thể làm ngơ mà phải hành động để giúp đỡ. Với tâm từ bi, tình người phải được trải đều không phân biệt trong những người thân của mình. Có thể nói nôm na, trai đàn chẩn tế như một cuộc ủy lạo, và đối tượng ủy lạo ở đây là chúng sinh cõi âm, những cô hồn, oan hồn không nơi nương tựa, trong đó có cả người thân của mình vừa chết cũng như nhiều đời.
Có những người khi còn sống có những tư duy, lời nói và việc làm không tốt, khi chết đi, chắc chắn sẽ nhận lấy những kết cục xấu. Người học Phật có quan niệm rằng phải giúp những người đó nhận ra chân lý bằng Phật pháp, lẽ phải để họ tự nhận ra và tự tháo gỡ những trói buộc, vượt thoát các nghiệp xấu. Pháp hội Trai đàn chẩn tế nhắm đến người đã khuất, nhưng tinh thần và đặc biệt là phần hiển giáo còn có ý nghĩa nhắn gởi đến người còn sống những đạo lý tốt đẹp để sống tốt hơn.
Ý nghĩa của tên gọi “Du già niệm khẩu”, “Thủy lục Giải oan cứu bạt trai đàn”, "Pháp hội Trai đàn chẩn tế",...
Du già là phiên âm từ Phạn ngữ, có nghĩa là tương ứng. Người hành giả hành trì khoa nghi này phải có sự tương ứng giữa thân, khẩu và ý: miệng tụng chú, tay thể hiện ấn, ý quán tưởng. Diệm Khẩu là tên của một loài quỷ luôn trong tình trạng đói khát như miệng luôn đang rực lửa. Theo kinh điển, với tâm từ bi, hạnh nguyện cứu độ muôn loài đang ở trong hoàn cảnh khổ nạn, Bồ tát Quán Thế Âm đã hiện thân làm quỷ Diệm Khẩu trong lúc ngài A Nan nhập định, để ngài A Nam bạch lại với Đức Phật, mong Đức Phật phương tiện giảng pháp cứu độ cho những loài quỷ và rộng hơn là những người bị oan khiên trói buộc, những cô hồn không nơi nương tựa, bị bỏ rơi…
Hòa thượng Nhất Hạnh đã sử dụng những từ ngữ trong khoa giáo và sắp đặt lại theo chủ đề nhấn mạnh của Hòa thượng. Hòa thượng đã gọi tên pháp hội này là “Thủy lục giải oan bình đẳng cứu bạt trai đàn” và đã có sự giải thích trên trang nhà của Đạo Tràng Mai Thôn. Tên gọi pháp hội Thủy lục có từ thời Lương Võ Đế, với tên gọi đầy đủ là “Pháp giới thánh phàm thủy lục đại trai thắng hội”, do ngài Chí Công biên soạn mà hiện nay người Hoa vẫn hành trì. Thủy lục (dưới nước và trên đất liền) nhưng thực ra là bao gồm cả trên không nữa, nhưng vì theo quan niệm thông thường, cảnh giới ở dưới và trên mặt đất tạo oan nghiệp nặng hơn nên nhấn mạnh trong tên gọi như thế.
Khái niệm “cô hồn” trong Pháp hội Trai đàn chẩn tế
Các kinh sư ở Trung Hoa đại lục hành trì Pháp hội Trai đàn chẩn tế có nhiều điểm khác biệt, sự khác biệt rõ nhất là rất phong phú trong âm nhạc, giọng điệu, hình thức trang nghiêm hơn. Khoa nghi chẩn tế ở nước ta đậm đà bản sắc âm nhạc dân tộc và mang đặc điểm ba miền khá rõ. Qua sự chứng kiến pháp hội Thủy lục chẩn tế của quý thầy ở Trung Hoa, khoa nghi chẩn tế của Phật giáo Việt Nam có nét đặc trưng. Và đạo lực, sự trong sáng trong tâm linh của những vị hành giả hành trì pháp hội này chính là nội dung của pháp hội.
Pháp hội Trai đàn chẩn tế Thường được tổ chức vào dịp nào?
Pháp hội Trai đàn chẩn tế có thể tổ chức vào bất cứ lễ hội nào, vào bất cứ mùa nào trong năm cũng được. Nhưng không khí và tình cảnh quen thuộc với mọi người đó là trong dịp tiết tháng Bảy âm lịch, trùng hợp với hai sự tích đó là câu chuyện về ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ trong Phật giáo và ngày xá tội vong nhân của Đạo giáo.
Vào những dịp như báo hiếu tổ tiên, cha mẹ, thầy tổ…, người ta cũng có thể tổ chức Pháp hội Trai đàn chẩn tế nhằm cầu âm siêu dương thái, trong tinh thần từ bi của đạo Phật, không chỉ hạn hẹp cho người thân mà còn cầu cho tha nhân, các chúng sinh khác.
Theo quan niệm của Phật giáo, chiều tối là khoảng thời gian thích hợp với người âm. Thời gian của họ nên mình “nói chuyện” với họ sẽ dễ thuận hợp.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành theo hạnh Dược Sư, chữa lành thân tâm bệnh của chính mình
Kiến thức 13:10 31/10/2024Phật Dược Sư hiểu rõ được những tâm tư nguyện vọng mong muốn của chúng sanh con người, nên phát ra lời nguyện đáp ứng được mọi ước mơ thực tế. Chỉ cần chúng sanh thật tâm tin tưởng biết tu tâm dưỡng tánh nương theo nguyện lực của ngài thì sẽ đạt như ý nguyện.
Yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bằng phương pháp “Quán từ bi”
Kiến thức 12:00 31/10/2024Thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.
Hạnh nguyện và năng lực gia trì của đức Phật Dược Sư
Kiến thức 11:10 31/10/2024Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm vía đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chúng tôi xin nói về mười hai hạnh nguyện của Ngài. Đức Phật Dược Sư còn có tên là Đại Y Vương Phật, Ngài là vị giáo chủ cõi Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.
Cảnh cùng khốn
Kiến thức 09:39 31/10/2024Người khéo học đạo thì trước trị trong để dẹp ngoài, đừng tham ngoài để hại trong. Cho nên giáo hóa chúng sanh, cốt yếu ở tâm thanh tịnh. Muốn chánh được người, cố nhiên phải chánh mình trước.
Xem thêm