Niềm hạnh phúc một khi đã gieo vào tâm hồn của các em học trò, sẽ nảy nở thành đóa sen trái tim biết yêu thương và đồng cảm. Các học trò chia sẻ tình thương yêu với bố mẹ, thầy cô, bạn bè để thời thơ ấu và tuổi trẻ được sống mãi trong những kỉ niệm đẹp.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay về trong tiết trời giá rét, vậy mà tình thầy trò vẫn ấm áp trong trái tim mỗi người Việt Nam. Tinh thần tri ân báo ân xuất phát từ đạo lý Tứ Trọng Ân của nhà Phật đã góp phần giúp truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc như một dòng suối uyển chuyển, chảy mòn những tâm hồn khô khan vốn coi việc tri ân thầy cô chỉ đơn giản là nghĩa vụ tặng hoa.
Đến với giáo lý của Phật đà, tuổi trẻ được thấm nhuần tinh thần tri ân báo ân đối với công ơn trăm năm trồng người của thầy cô, nghĩa là tu sửa nhân cách sống ngay thẳng trong đời, cũng như được học cách chia sẻ yêu thương để giúp phụ huynh an tâm, thầy cô tự hào về học trò của mình. Điều đó tô điểm thêm cho đóa hoa và niềm vui mà học trò dành tặng cô giáo mỗi dịp 20/11.
Tôi vẫn luôn khắc ghi trong lòng về lời dạy của đức Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ:
“Tôi tuy tuổi đã nhiều nhưng vẫn luôn ý thức rằng tuổi trẻ là tương lai của Phật pháp và của Giáo hội, cũng như là tương lai của các gia đình và xã hội. Rất nhiều năm trước đây, ở miền Bắc nước ta, chùa chỉ là nơi lễ bái của các bà già, gần như tuyệt nhiên vắng bóng nam giới và lớp trẻ. Nhà chùa u ám, vắng vẻ, khu biệt với đời sống xã hội. Điều đó lỗi một phần là do ý thức và cách hành xử của giới lãnh đạo xã hội, một phần cũng là do nhà chùa. Nay ngẫm lại vẫn còn thấy man mác”.
“Mấy năm lại đây, sự khởi sắc, đổi mới của phong trào Phật giáo là một sự thật. Các nhà chùa ngày càng đông vui nhộn nhịp với các hoạt động ngày càng gắn kết với đời sống đa dạng của xã hội, lôi cuốn, hấp dẫn mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, trong đó có thanh thiếu nhi. Nhà chùa như trẻ lại, sức sống được hồi sinh, đó là điều rất đáng mừng, rất đáng trân quý."
"Tuy nhiên phải cố gắng nhiều hơn nữa, không ngừng đổi mới, không ngừng tìm tòi sáng tạo để các em không chán, không nản. Nhà chùa cần phải chung tay cùng xã hội góp phần giải quyết các vấn nạn đang nhức nhối, trong đó có vấn đề tha hóa của thanh thiếu niên. Mầm chồi mà bị thui chột thì làm gì có tương lai”.
“Đạo Phật là đạo của trí tuệ, trí tuệ ở tầm cao, có hệ thống và thực chứng, tuyệt nhiên không phải là lý thuyết xuông. Với các Thầy, các cư sĩ khi ứng cơ vào cuộc sống cần thấu triệt lục độ ba la mật, khế lý khế cơ để làm việc cho có hiệu quả, đóng góp tích cực cho đời sống nhân sinh. Tuổi trẻ là độ tuổi có nhiều ưu thể để trau dồi trí tuệ, hoằng pháp đối với tuổi trẻ cần phải ưu tiên cho việc học hỏi, nghiên cứu Phật pháp. Làm phật sự mà không trí tuệ thì khó có thể thành tựu, khó có thể không sai lạc”.
“Ngày nay, thực tiễn cuộc sống cho thấy từ gia đình cho đến quốc gia đang ứng dụng Phật giáo vào nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là trong vấn đề đạo đức và tâm linh - hai phần quan trọng nhất của con người và của xã hội. Đạo đức và tâm linh băng hoại thì từ gia đình đến xã hội không thể không đọa lạc. Việc ứng dụng Phật pháp vào việc ước thúc, kiểm soát và làm sạch tâm của con người là một giải pháp tốt, một phương thuốc hay để khắc phục sự băng hoại đó. Tuy chưa có sự kiểm điểm nhất định nhưng rõ ràng là việc ứng dụng đó có nhiều ưu việt và thành quả là ưu trội.”…
Đến với đạo Phật giáo dục nên trí tuệ và từ bi, những người trẻ tuổi cùng với trải nghiệm cuộc sống nhận ra xung quanh mình, ai cũng có thể là những vị Thầy mang đến với mình nhiều bài học và kinh nghiệm, mình biết ơn họ và tự hoàn thiện bản thân. Những dịp 20/11, những vị thầy trên đường tu chợ của chúng ta cũng xứng đáng được nhận một lời hỏi thăm chúc mừng.
Hàng ngày, người học Phật học cách yêu thương giúp đỡ mọi người xung quanh, để tỏ lòng tri ân thường trực đối với những người Thầy đã kín đáo chỉ dạy cho mình biết mình vẫn còn hạnh phúc như thế nào, vẫn còn khiếm khuyết như thế nào trong cuộc sống. Ngày bé, mình học chữ, lớn lên một chút thì thanh niên học làm người từ những điều giản dị.
Để trồng một cái cây mất 10 năm, để gieo trồng nhân cách tốt đẹp cho con người mất trăm năm. Ý thức được ý nghĩa và trọng trách của nghề giáo viên là đi gieo hạt giống đẹp cho bao nhiêu tâm hồn, rất nhiều thầy cô giáo ở mọi cấp bậc giáo dục đã trở thành phật tử thuần thành, để có thể nuôi dưỡng tình yêu thương thật tự nhiên. Nhờ tình yêu thương phát khởi và sưởi ấm từ sâu thẳm mà tâm hồn các thầy cô giáo phật tử luôn cảm nhận được vẻ đẹp cuộc sống, và niềm hạnh phúc giản đơn, trong khi từng ngày đang dìu dắt học trò thành người.
Điều này làm tôi nhớ đến lời dạy của Sư ông Làng Mai:
“Happy teachers will change the world: thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới”. Tấm gương về những bậc đại giáo dục hạnh phúc trên thế giới mà tôi được biết đến, đó là đức Phật, kế đến đó là những bậc danh tăng tùng lâm thạch trụ của
Phật giáo Việt Nam, các Ngài sống giản dị và thanh bạch, vậy mà vẫn có thể chế tác nguồn năng lượng hạnh phúc từ nội tâm để chia sẻ và giáo hóa nhân sinh.
Khi các bậc long tượng còn trụ thế, thế hệ đi sau được trực tiếp thừa hưởng ân đức lớn lao từ các Ngài, nhờ đó sẽ có sự chuyển biến tâm, tạo ấn tượng tốt cho quá trình tu tập sau này.
Đối với việc dạy học của các thầy cô giáo tu tại gia, việc thực hành các phương pháp tu tập tự thân, cùng với áp dụng giáo lý sẽ giúp các thầy cô nuôi dưỡng được năng lượng hạnh phúc từ một nội tâm bình an. Khi thầy cô giáo hạnh phúc thì sẽ chia sẻ được phương thức sống và làm việc một cách hạnh phúc cho học trò, từ đó học trò sẽ học và mang theo hành trang đó trong suốt cuộc đời sau này.
Như vậy, người với người sẽ luôn có hạnh phúc, vậy là cả thế giới hạnh phúc. Đó là gieo nhân hạnh phúc nhỏ nhưng quả hạnh phúc lớn.
Vì niềm hạnh phúc một khi đã gieo vào tâm hồn của các em học trò, sẽ nảy nở thành đóa sen trái tim biết yêu thương và đồng cảm. Các học trò chia sẻ tình thương yêu với bố mẹ, thầy cô, bạn bè để thời thơ ấu và tuổi trẻ được sống mãi trong những kỉ niệm đẹp.
Điều đó cũng là kết quả của quá trình những ngày học trò vào chùa theo thầy cô để tu tập theo giáo lý nhà Phật. Các em học trò đi chùa tụng kinh, nghe giảng giáo lý, và thực hành các việc tốt cho cộng đồng, đó là sự an ủi và niềm tự hào làm ấm lòng cha mẹ và thầy cô- những người kiên trì nuôi dạy học trò nên người, bên cạnh những món quà vật chất.
Diệu Hòa