Trở về nguồn cội Lâm Tỳ Ni
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật hứa khả rằng, có bốn thánh tích mà bất cứ thiện nam, tín nữ nào đến chiêm bái với lòng thành kính sẽ hưởng được phước báu vô lượng.
Tuy nhiên Phật giáo hầu như đã hoàn toàn biến mất tại Ấn Độ từ bao nhiêu thế kỷ qua. Mảnh đất nơi đức Phật chào đời và lớn khôn, mảnh đất nuôi dưỡng một thời huy hoàng, bình minh của nền văn minh Phật giáo đã không còn lưu lại một vết tích nào. Tang thương dâu biển đã biến những kinh thành tráng lệ của một thời xa xưa thành những cánh rừng hoang vu bất tận không dấu chân người. Đi tìm lại ngôi vườn xưa giữa một vùng núi rừng bao la bát ngát của xứ Ấn Độ quả là chuyện mò kim đáy biển, một thách đố lớn lao đối với những nhà Đông phương học. Thế nên việc tìm và khôi phục lại thắng tích Lâm Tỳ Ni ngày nay hằng năm thu hút hàng triệu người đến hành hương chiêm bái là cả một công trình tim óc lớn lao của không biết bao nhiêu người, trải dài hơn nửa thế kỷ.
Pháp Hiền, Huyền Trang và cuộc hành hương chiêm bái đất Phật
Ngài Pháp Hiền xuất phát từ Tràng An năm 399 vượt qua những những sa mạc mênh mông không dấu chân người, những vùng đất hoang dã miền Tây vực, quê hương của những bộ tộc người Hung nô, băng ngang qua khu vực thượng lưu sống Ấn hà và cuối cùng đặt chân đến phía bắc Punjab và A phú Hản tức là vùng văn hóa Phật giáo nổi tiếng Càn Đà La trải dài đến tận Mathura với hàng trăm chùa tháp, tự viện trong từng mỗi thôn ấp. Từ Mathura ngài Pháp Hiền xuôi về hướng Đông, nơi đức Phật ra đời và hoằng truyền chánh pháp. Điều ngạc nhiên đối với ngài Pháp Hiền là, càng đi về hướng đông bắc quang cảnh ngày càng tiêu sơ hoang dã, chỉ thỉnh thoảng mới thấy rải rác một vài tịnh xá đó đây. Khi ngài đặt chân đến thành Ca Tì La Vệ và vườn Lâm Tì Ni thì hai thánh tích này đã hoàn toàn hoang phế. Từ đây, ngài đi về hướng đông nam, viếng thăm nơi Đức Phật nhập niết bàn, và bước vào kinh thành Xá Vệ, thủ phủ của xứ Lichchavis. Vượt qua sông Hằng, ngài Pháp Hiền đặt chân đến kinh thành Hoa Thị (Pataliputra,) thủ phủ của vương quốc Ma Kiệt Đà, mà trung tâm là một vương thành tráng lệ, nơi mà ngài Pháp Hiền mô tả như là một thành phố trù phú vào bậc nhất tại Ấn Độ đương thời.
Từ kinh thành Hoa Thị ngài đi về hướng Nam đến vương thành Rajagriha, cố đô của vị quân vương phật tử nổi tiếng Bình Sa Vương, vùng đất một thời vàng son của Phật giáo. Nhưng nơi đây nay cũng đã hoàn toàn hoang phế, những gì còn lưu dấu lại những chùa tháp và hang động có giá trị lịch sử gắn liền với những sinh hoạt của đức Phật và những đại đệ tử lúc còn tại thế. Cách Rajagriha không xa là quê hương của Xá Lợi Phật, nơi mà vị thánh tăng đã chọn để nhập niết bàn. Sau khi thăm viếng nơi này, ngài Pháp Hiền tiếp tục đi về hướng nam, viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng và những thắng tích nổi tiếng. Sau đó ngài Pháp Hiền trở lại kinh thành Hoa Thị, trú ngụ tại một tịnh xá trong suốt ba năm, bắt đầu công trình nghiên cứu và sao chép kinh sách. Rồi từ đây ngài Pháp Hiền xuôi dọc theo sông Hằng vượt biển đến Tích Lan, chiêm bái hai thắng tích nổi tiếng là cây Bồ Đề được chiết từ cây bồ đề gốc nơi Đức Phật thành đạo và xá lợi răng Phật. Ngài Pháp Hiền trở lại Trung Quốc vào năm 414 bằng đường biển, kết thúc cuộc hành hương kéo dài suốt 14 năm.
Hơn hai trăm năm sau (629), ngài Huyền Trang dưới thời Đường Thái Tông cũng phát xuất từ Trường An, lên đường vào Tây Trúc qua "Con Đường Lụa" nối liền Ấn Độ-Trung Quốc. Cuộc hành hương chiêm bái của vị tăng sĩ 27 tuổi nổi tiếng này đã được huyền thoại hóa qua tác phẩm Tây Du Ký làm say mê hàng bao nhiêu thế hệ người đọc tại Trung Quốc cũng như Việt Nam. Băng qua Ngọc Môn Quan, cửa ải cuối cùng của đế quốc Trung Hoa với vùng Tây Vực, ngài Huyền Trang bắt đầu một cuộc hành trình gian khổ, đối đầu với bao nhiêu gian nguy thử thách của thiên nhiên hiểm trở, của những băng đảng cướp của giết người không gớm tay. Có lần lạc lối trong sa mạc Đại Qua Bích (Gobi), một biển cát bao la kéo dài bất tận, không có bóng chim bay, không có sinh vật sống, tưởng như sắp chết đến nơi, nhưng với lòng tin kiên cố vào Tâm Kinh, vào Bồ Tát Quán Thế Âm, ngài đã vượt thoát tử thần một cách mầu nhiệm, và cuối cùng đặt chân đến Mathura, một trung tâm văn hóa quan trọng của Ấn Độ vào năm 634.
Từ Mathura, ngài Huyền Trang đã ghé lại Ayodhya, thăm viếng ngôi tu viện cổ kính nơi mà trước đây ngài Thế Thân, vị tổ của Duy Thức đã từng tu tập và cải đổi từ Tiểu thừa sang Đại Thừa. Sau đó, vượt qua dòng sông Hằng, ngài Huyền Trang đi về hướng bắc và bắt đầu bước vào vùng thánh địa Phật Giáo. Cũng như Pháp Hiền trước đây, trạm dừng chân đầu tiên của ngài Huyền Trang là kinh thành Xá Vệ, quê hương của vị quân vương phật tử nổi tiếng Ba Tư Nặc. Cố đô Xá Vệ và tất cả những tu viện Phật giáo ở đây nay đã hoàn toàn hoang phế, kể cả vườn Kì Viên của Thái Tử Kỳ Đà, nơi mà đức Phật thành lập cộng đồng Phật giáo đầu tiên, đồng thời cũng là nơi mà Ngài cho phép thành lập Ni bộ. Từ Xá Vệ đi về hướng Tây Bắc, ngài Huyền Trang đặt chân đến kinh thành Ca Tì La Vệ, bây giờ chỉ còn trơ lại những bức tường đổ nát. Cách đó không xa là một ngôi cổ tháp ghi dấu vị tiên A Tư Đà đã tiên đoán về tương lai của Thái tử Tất Đạt Đa. Ở cửa Đông thành Ca Tì La Vệ là một ngôi đền kỷ niệm chuyến ra khỏi hoàng cung lần đầu tiên của Thái tử, đối diện với thực tại sinh, lão, bệnh, tử. Đi khoảng 9, 10 dặm về hướng Tây vương thành Ca Tì La Vệ là vườn Lâm Tì Ni. Tại đây ngài trông thấy một trụ đá do vua A Dục dựng lên, với những hàng chữ ghi dấu kỉ niệm nơi đức Phật đản sinh. Trụ đá này được khám phá vào năm 1895 và là một đầu mối quan trọng cho các nhà khảo cổ, Đông phương học trong việc xác định vị trí chính xác của vườn Lâm Tì Ni sau này. Chúng ta tạm dừng cuộc hành hương chiêm bái đất Phật của ngài Huyền Trang tại đây để đi vào nỗ lực truy tìm lại dấu vết của một trong những thắng tích quan trọng của Phật giáo sau hơn 1000 năm mất dấu.
Nỗ lực truy tìm lại dấu vết vườn Lâm Tỳ Ni
Tập "Phật Quốc Ký" đã được Jean Pière Abel Rémusat dịch ra tiếng Pháp "Foe Kuoe Ki" vào năm 1837. Mười một năm sau, năm 1848, ấn bản tiếng Anh ra đời: "The Pilgrimage of Fa Hian from the French Edition of the Foe Kuoe Ki of MM Rémusat, Klaproth and Landresse". Với ấn bản tiếng Anh trong tay, những nhà khảo cổ và Đông phương học đã có một cơ hội tốt đẹp để thử nghiệm sự chính xác về những gì đã được ghi lại trong chuyến hành hương của ngài Pháp Hiền.
Như đã nói ở trên, công việc truy tìm lại dấu vết nơi Phật đản sinh là một nỗ lực của rất nhiều người, nhiều tổ chức, kéo dài qua nhiều thập niên trong số đó phải kể đến một số tên tuổi nổi bật như James Prinsep, Alexander Cunningham, Vincent Smith... Tuy nhiên hai nhân vật then chốt đã hoàn tất những nỗ lực cuối cùng trong việc đưa Lâm Tì Ni và Ca Tì La Vệ ra ánh sáng là Bác sĩ Lawrence Austine Waddell, một quân y sĩ phục vụ trong quân đội Hoàng gia Anh và Tiến sĩ Fuhrer, chuyên gia về Đông phương và khảo cổ học của chính phủ Anh. Bác sĩ Waddell là một nhân vật khá đặc biệt. Sinh trưởng trong một gia đình mục sư Tin Lành theo hệ phái Presbyterian, tuy nhiên trong thời gian bảy năm phục vụ tại Darjeeling, ông bắt đầu say mê nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng. Được phục vụ tại Ấn Độ là một cơ duyên tốt để ông theo đuổi một giấc mơ không ngừng ám ảnh mình, là lần theo dấu chân của hai nhà hành hương Pháp Hiền và Huyền Trang tìm lại dấu vết nơi Phật đản sinh.
Sự phát hiện của Thiếu Tá Jaskaran Sìngh dẫn đến việc chính phủ Nepal thỉnh cầu chính phủ Ấn Độ giúp giải mã bốn hàng chữ khắc trên bệ đá và đây là đầu mối dẫn đến những sự kiện lịch sử sau này trong việc truy tìm lại dấu vết của nơi Phật đản sinh. Nhận được tin này một phái đoàn khảo sát của Tiến sĩ Fuhrer đã lập tức tìm đến khu vực này và tìm ra trụ và bệ đá không mấy khó khăn. Tuy nhiên không hiểu vì một lý do thầm kín nào đó, mãi một năm sau, tháng 4 năm 1895, bản dịch này mới được công bố trên tờ The Academy, nguyên văn như sau: "Khi vị quân vương được chư Thần thương yêu, Piyadasi, thụ phong được 14 năm, người đã cho nâng cấp ngôi tháp thờ vị cổ Phật Konakamana lên lần thứ hai, và sau khi thụ phong ... Người đã đích thân đến đảnh lễ ngài, tạo nên..." Điều đáng nói là trong bản ghi chú của Tiến sĩ Fuhrer, ông ta đã không đề cập đến hoặc không nhận ra rằng danh hiệu của vị cổ Phật Konakamana được nhắc đến trong trụ đá của vua A Dục chính là vị Phật Kanakamuni trong Phạn ngữ Sanskrit. Chi tiết này vô cùng quan trọng vì cả hai nhà chiêm bái Pháp Hiền và Huyền Trang đều đã đến viếng ngôi tháp Kanakamuni này và cho biết vị trí của nó thuộc vùng phụ cận vương thành Ca Tỳ La Vệ và vườn Lâm Tỳ Ni.
Ngài Huyền Trang còn mô tả một cách chi tiết hơn về vị trí của ngôi tháp này. Để đến ngôi tháp Kanakmuni, ngài đã khởi hành từ thành Ca Tì La Vệ đi về hướng nam khoảng 50 lí khoảng 10 miles đến một cổ thành và từ cổ thành này ngài đi thêm khoảng 30 lí, tức 6 miles về hướng đông bắc. Ngài còn mô tả thêm là đã trông thấy ở đây ba ngôi tháp khác, trong đó một ngôi tháp được truyền tụng là thờ xá lợi của Phật Kanakamuni. Trước mặt ngôi tháp thứ ba này là "một trụ đá cao khoảng 20 feet mà trên đỉnh là một con sư tử cùng với những lời Phật dạy trước khi nhập niết bàn ở chung quanh. Trụ đá này cũng do vua A Dục dựng lên." Như vậy, nếu trụ đá A Dục do Thiếu Tá Jaskaran Sìngh tìm thấy tại Nigliva cho ta biết vị trí của tháp thờ cổ Phật Kanakamuni và nếu phương hướng mà ngài Huyền Trang ghi lại là đúng đắn thì chắc chắn rằng vương thành Ca Tỳ La Vệ cũng như vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sanh, chỉ nằm trong khoảng vài dặm về hướng Tây Bắc của trụ đá này.
Bài viết của Bác sĩ Waddell lập tức được đăng lại bởi tất cả các báo chí Anh ngữ tại Ấn Độ, tạo nên một luồng sóng quan tâm hưởng ứng của công luận. Thế là trong tuần lễ cuối cùng của tháng 11, 1896 ba phái đoàn khảo sát đã được gởi đến vùng này, một của Nepal và hai của Ấn Độ dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Fuhrer, tất cả đều nhận được sự giúp đỡ của vị Thống Đốc địa phương, Tướng Khadga Rana. Tuy nhiên Tướng Khadga Rana, do nhận được một bức thư riêng từ Bác sĩ Waddell, đã cho tiến hành khai quật một trụ đá khác cạnh ngôi làng Rumindei cách Nigliva khoảng 10 dặm, do Duncan Ricketts phát hiện vào năm 1885. Đào sâu xuống mặt đất khoảng 3feet, người ta tìm thấy năm hàng chữ khắc trên trụ đá còn nguyên vẹn. Đây là một trụ đá khác do vua A Dục dựng lên mà mục đích đã được ghi rõ qua hàng chữ còn lưu lại: Vua Piyadasi, Người được chư Thần thương yêu, sau khi trị vì đất nước 20 năm, đã đến nơi đây, cung kính đảnh lễ, phán rằng, "Đây là nơi Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh", và cho dựng lên một trụ đã xác minh: "Đây là vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đản sanh của Đấng Thế Tôn."
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuối cùng người ta đã tìm thấy vị trí chính xác của vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sinh.
Đã tìm thấy vườn Lâm Tỳ Ni thì việc truy tìm dấu vết của vương thành Ca Tỳ La Vệ sẽ không gặp mấy khó khăn. Bác sĩ Waddell, căn cứ vào cuốn Đại Đường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang, xác quyết rằng vương thành Ca Tỳ La Vệ "nằm vào khoảng 7 dặm hướng Tây Bắc của ngôi làng Nigliva." Theo lời hướng dẫn này, Tiến sĩ Fuhrer đã tìm ra vị trí của cổ thành hoang phế Ca Tỳ La Vệ. Ngày 23 tháng 12, tờ Allahhabad Pioneer đã cho đăng độc quyền hai công trình khám phá quan trọng này. Năm ngày sau, tờ Times của London và một số báo chí tầm cỡ quốc gia khác đã cho đăng lại công trình khám phá vườn Lâm Tỳ Ni và vương thành CaTỳ La Vệ. Tiến sĩ Fuhrer đã giải thích một cách chi tiết vìệc khám phá thành Ca Tỳ La Vệ như sau:
Việc khám phá trụ đá A Dục tại vườn Lâm Tỳ Ni, làng Rumindei, đã giúp tôi điều chỉnh một cách tuyệt đối chính xác khu vực vương thành Ca Tỳ La Vệ và những thắng tích tôn nghiêm trong vùng phụ cận. Cảm ơn những ký sự rất mực chính xác ghi lại bởi hai nhà hành hương chiêm bái Trung Quốc đã giúp tôi khám phá ra vương thành hoang phế, khoảng 18 dặm hướng Tây Bắc trụ đá Lâm Tỳ Ni và 6 dặm hướng Tây Bắc ngôi làng Nigliva... Toàn bộ khu vực này bây giờ cũng hoang phế thê lương như Pháp Hiền và Huyền Trang đã chứng kiến trước đây, tuy nhiên mỗi một thắng tích mà hai nhà hành hương chiêm bái này ghi nhận đều được xác minh một cách dễ dàng.
Trong công trình khám phá này, Tiến sĩ Fuhrer đã dành hết mọi công trạng về mình, từ việc khám phá trụ đá đầu tiên tại làng Nigliva, cho đến việc khám phá trụ đá Lâm Tỳ Ni ngày 1 tháng 12 năm 1896, cũng như vương thành Ca Tỳ La Vệ. Công bằng mà nói, Bác sĩ Waddell là người tiên phong, phải có một vị trí xứng đáng, và phải được chia xẻ vinh dự trong hai phát hiện quan trọng này.
Kết luận
Nỗ lực truy tìm lại dấu vết nơi Phật đản sinh được thành tựu trước tiên phải ghi nhận là do chính sách khoan dung tôn giáo và văn hóa của vương quốc Anh. Xâm chiếm và đô hộ Ấn Độ, người Anh đã không làm những công việc như các thế lực đế quốc và thực dân khác đã làm, tức là tìm cách xóa bỏ nền văn hóa và tôn giáo bản địa. Thay vì Kitô hóa Ấn Độ, người Anh đã cho phục hồi lại những giá trị văn hóa, tôn giáo cổ truyền của người Ấn. Dĩ nhiên chính sách này đã bị chống đối bởi phe bảo thủ, nhưng cuối cùng phe cấp tiến đã thắng thế, thế nên công trình tìm kiếm vườn Lâm Tì Ni đã được sự ủng hộ nhiệt thành của cả chính phủ thuộc địa Anh tại Ấn, chính quyền Bengal và chính phủ Nepal.
Hơn 100 năm sau ngày khám phá ra nơi Phật đản sinh, khuôn mặt vườn Lâm Tỳ Ni nay đã đổi khác. Từ một nơi rừng rậm hoang vu, quê hương của rắn rết và muổi mòng của bệnh sốt rét rừng ác tính, vườn Lâm Tỳ Ni nay đã trở lại vị thế xứng đáng của một thánh địa hàng đầu của Phật giáo, thu hút hàng triệu Phật tử khắp thế giới về hành hương chiêm bái mỗi năm. Viếng thăm Lâm Tỳ Ni, tắm mát trong suối nguồn Phật giáo, theo dấu những bước chân của đấng Từ phụ đã bước đi trên hai ngàn năm trăm năm trước đây, người Phật tử không thể nào không nhớ đến công lao của những người đã truy tìm và khôi phục lại giá trị văn hóa và tôn giáo của mảnh đất này.
Đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng ta chiêm nghiệm về lẽ vô thường của đời sống. Mấy ngàn năm trước đây, mảnh đất này là nơi tranh chấp của biết bao nhiêu vương quốc, bộ tộc. Sự say mê quyền lực, tham vọng đất đai đã làm nổ ra bao nhiêu cuộc chiến tranh. Con đã giết cha, anh em đã giết lẫn nhau để giành lấy vương quyền. Cuối cùng, những vương quốc này rồi cũng bị xóa tên, những kinh thành lâu, đài tráng lệ cũng chỉ còn lại những đống gạch vụn hoang phế, những mảnh đất mà con người đã từng đổ máu ra để giành giật nhau cũng chỉ còn lại những cánh rừng hoang. Tất cả đều bị xóa mờ đi trong lớp bụi thời gian. Đứng trước lẽ vô thường này, chỉ có một nơi an trú duy nhất cho con người, đó là an trú trong Phật pháp.
Tâm Hà Lê Công Đa
-
Tài liệu tham khảo:
- The Search for the Bud dha. The men who discovered India’s lost religion. Charles Allen. First Caroll & Graft Edition, 2003.
- XuanZang, A Bud dhist Pilgrim on the Silk Road. Sally Hovey Wriggins. West view Press, 1996.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cuộc đời vô thường, bướm hoa chỉ là huyền ảo
Tư liệu 09:46 14/11/2024Sự sống và cái chết, sinh lão bệnh tử là sự tuần hoàn không thể thay đổi được của quy luật tự nhiên, là lẽ thường ai cũng phải trải qua. Quan niệm cuộc đời là huyễn ảo một lần nữa được đề cập tới trong bài kệ “Thị tật” - “Dạy khi có bệnh” của Thiền sư Giác Hải khi răn dạy đệ tử.
Tất cả các pháp đều từ tâm sinh
Tư liệu 13:19 13/11/2024Trong bài kệ cho đệ tử Cảm Thành, Thiền sư Vô Ngôn Thông mong muốn đệ tử giác ngộ vô thường và nhận biết cái chân thật để từ đó tùy căn cơ mà chú tâm vào việc truyền dạy Phật pháp.
Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của Thiền sư Không Lộ
Tư liệu 09:36 13/11/2024Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ.
Từ bi thôi chưa đủ, cần có trí tuệ dẫn dắt
Tư liệu 11:46 10/11/2024Nếu Từ bi mà không có Trí tuệ thì sao? Từ Bi vô nguyên tắc và mù quáng thì chỉ đem lại những tác dụng tiêu cực. Cho nên nói, chỉ có Từ bi thôi thì chưa đủ mà cần phải có Trí tuệ để dẫn dắt.
Xem thêm