Truyện thơ: Tôn giả Đại Ca Diếp
Phatgiao.org.vn xin giới thiệu tới quý Phật tử truyện thơ "Tôn giả Đại Ca Diếp " do Tâm Minh Ngô Tằng Giao phát tâm thực hiện:
1. Vĩ nhân ra đời nơi gốc cây
Miền Trung nước Ấn Độ xưa
Có ông trưởng giả rất ư sang giàu
Vợ ông năm đó có bầu
Một hôm đi dạo sân sau an nhàn
Bỗng nhiên mỏi mệt tâm thần
Bà ngồi xuống nghỉ dưới tàn cây cao
Hạ sinh quý tử! Lạ sao!
Gia đình sung sướng đón chào con yêu.
Cậu con rất được nuông chiều
Là con độc nhất, thoả điều ước mong.
Lớn lên tướng tốt vô cùng
Đẫy đà, trắng trẻo. Mừng trong gia đình!
Đến khi lên tám học hành
Song thân vội vã mời danh sư về
Cậu thông minh đủ mọi bề
Bao nhiêu môn học tức thì tinh thông
Có điều đặc biệt lạ lùng
Từ khi còn nhỏ đến chừng lớn khôn
Ưa thanh tịnh trong tâm hồn
Thế gian tình dục cậu luôn xa lìa.
Vĩ nhân rất đặc biệt kia
Là Đại Ca Diếp uy nghi sau này.
2. Vợ chồng không chung giường
Thời gian trôi lẹ làng thay
Cậu trai độc nhất giờ đây trưởng thành
Khôi ngô, tuấn tú, tinh anh
Muốn chàng cưới vợ, gia đình cầu mong
Chàng nghe hốt hoảng trong lòng
Vội vàng từ chối, thưa cùng mẹ cha:
“Con xin được phép xuất gia
Cho con thoả nguyện rời nhà đi tu!”
Đương nhiên cha mẹ chối từ
Chàng bèn tìm kế coi như vẹn toàn
Nhờ nhà điêu khắc dùng vàng
Đúc nên bức tượng một nàng “mỹ nhân”
Với nhan sắc đẹp tuyệt trần
Trình thưa cha mẹ: “Nếu cần cưới xin
Mong gia đình hãy đi tìm
Cô nào giống tượng con liền mới ưng!”
Mẹ cha khó xử vô cùng.
Bà La Môn có thầy thường quen thân
Tiếp tay biến tượng kia luôn
Thành ra một tượng “nữ thần” uy nghi
Để lên kiệu có lọng che
Cho người khiêng kiệu loan đi tin mừng:
“Các cô thiếu nữ trong vùng
Cầu gì hãy đến cúng dường tượng đây
Nguyện cầu được thoả nguyện ngay
Nữ thần ban phép! Đời này thăng hoa!”
Trong làng nọ ở phương xa
Nhà ông trưởng giả đại gia sang giàu
Có con gái đẹp hàng đầu
Hương trời, sắc nước ai nào sánh ngang
Diệu Hiền tên gọi của nàng
Vui cùng bè bạn, cô thường theo chân
Đi chiêm bái khắp xa gần
Khi nghe nói tượng nữ thần linh thiêng
Cô theo bè bạn đi liền
Rủ nhau cùng tới ước nguyền, vái van
Khi nàng đến trước tượng vàng
Dung nhan kiều diễm của nàng phô ra
Tượng liền biến sắc bất ngờ,
Được tin vui đó thầy Bà La Môn
Hỏi nhà nàng, tới thăm luôn
Mang chuyện Ca Diếp cầu hôn ra bàn
Mối mai nói khéo vô vàn
Nghe xong thời phụ thân nàng cũng ưng.
Khi Ca Diếp đính hôn xong
Tiếp liền lễ cưới tưng bừng xiết bao
Nhưng cô dâu thấy lạ sao
Mặt tuy đẹp đẽ lại sầu chứa chan
Đêm tân hôn chàng và nàng
Nụ cười thiếu vắng, chẳng màng nhìn nhau
Trầm tư, tĩnh tọa canh thâu
Mỗi người một góc, có đâu chung giường
Đến khi sáng rỡ vừng dương
Thời chàng lên tiếng hỏi nàng một câu:
“Cô nương sao lại buồn rầu?”
Nàng im lặng mãi, hồi lâu đáp lời
Giọng đầy ai oán: “Thân tôi
Chán nhàm ngũ dục. Ưa đời tịnh tu!”
Chàng nghe mừng rỡ vô bờ
Vội vàng thổ lộ ước mơ giống nàng:
“Dục tình tôi cũng chẳng màng
Mong tu theo ánh đạo vàng từ lâu!”
Chàng nàng đồng ý cùng nhau
Hai giường riêng biệt kê vào hai nơi
Thế là thanh tịnh tuyệt vời
Đúng theo ý nguyện hai người trước đây.
3. Mười hai năm kiên trì chí nguyện
Ông bà trưởng giả một ngày
Bất thần vào tận phòng hai vợ chồng
Thấy hai giường. Giận vô cùng
Sai người vứt bỏ một giường trong đây.
Đêm về Ca Diếp tính ngay:
“Một giường còn lại mình thay nhau nằm
Người này nằm ngủ thanh nhàn
Người kia tĩnh tọa dưới sàn an nhiên
Trong đêm thay đổi luân phiên.”
Tán đồng ý đó Diệu Hiền mừng vui
Rồi nàng lại chợt ngỏ lời
“Mình sao chẳng sớm tìm nơi tu hành?”
Trầm ngâm chàng mới trần tình:
“Song thân còn sống sao đành lìa xa
Anh là con một trong nhà
Nỡ nào bỏ mặc ông bà ngóng trông.”
Thế là cuộc sống vợ chồng
Vui trong đạo vị. Tuyệt không dục tình
Chung phòng nhưng rất tịnh thanh
Mười hai năm thoáng trôi nhanh dòng đời.
4. Xuất gia tu hành
Phụ thân Ca Diếp già rồi
Cả hai lần lượt qua đời trước sau
Vợ chồng chàng mới cùng nhau
Trông nom tài sản nhưng đâu vui gì.
Nàng thời trong một ngày kia
Sai nô bộc ép dầu mè bên hiên
Mọt trong dầu bị chết chìm
Sợ gây quả báo cho nên nàng buồn,
Còn chàng thăm thú ruộng đồng
Thấy bao cảnh tượng cũng không hài lòng
Trâu cày khổ cực vô cùng
Đất cày sới khiến côn trùng chết theo
Nông phu mệt nhọc tiêu điều
Trần gian cuộc sống sao nhiều tang thương.
Cùng mang tâm sự chán chường
Cho nên Ca Diếp tìm đường xuất gia
Dặn rằng: “Em ở lại nhà
Anh đi trước cố kiếm ra bậc thầy
Rồi anh trở lại mai này
Đưa em cùng xuất gia ngay muộn gì!
Trong khi chờ đợi, tiếc chi
Hãy đem tài sản phân chia giúp người!”
5. Trở thành đệ tử Phật
Khi vừa quá tuổi ba mươi
Bước chân Ca Diếp khắp nơi du hành
Dù cho hết sức tâm thành
Tìm thầy học đạo quả tình khó sao
Để rồi mãi hai năm sau
Nghe tin đức Phật hàng đầu oai danh
Là bậc đại giác đạt thành
Ông bèn tìm tới vị minh sư này.
Trúc Lâm tu viện đẹp thay
Phật đang thuyết pháp tại đây giúp đời
Ông vui theo với mọi người
Hàng ngày nghe pháp, nghe lời Phật ban
Những lời trí tuệ rỡ ràng
Dần dần trấn động tâm can con người.
Một hôm tĩnh tọa Phật ngồi
Dưới cây đại thọ, đất trời thăng hoa
Tâm thành Ca Diếp tìm qua
Cúi đầu sụp lạy, thiết tha thỉnh cầu
Xin làm đệ tử đạo màu
Xin nương tựa Phật dài lâu tu hành
Phật lên tiếng dạy: “Thật lành!
Ta chờ đệ tử quả tình đã lâu
Tiếp tay phổ biến đạo màu
Lưu truyền Phật pháp mai sau giúp đời
Vừa vì mình, vừa vì người
Hãy nên cố gắng tức thời khai tâm!”
Trở về tu viện Trúc Lâm
Sau khi được thế độ làm thầy tu
Thầy Ca Diếp vui vô bờ
Được nghe giáo pháp mong chờ từ lâu
Cho nên chỉ tám ngày sau
Thầy liền khai ngộ thật mau lạ thường.
6. Hoàn thành lời hẹn ước với người xưa
Phật về thăm lại quê hương
Thầy Ca Diếp được tháp tùng một bên
Dịp này Phật quyết định thêm
Phép cho phái nữ được quyền xuất gia.
Từ khi từ biệt cửa nhà
Năm năm trời đã trôi qua êm đềm
Nhớ lời hẹn với Diệu Hiền
Thầy Ca Diếp quyết ưu tiên hoàn thành.
Diệu Hiền khi sống một mình
Năm năm trông ngóng quả tình nôn nao
Khó lòng chờ đợi thêm lâu
Nên xin gia nhập ngay vào phái kia
Tại sông Hằng chốn cận kề
Dù là ngoại đạo chẳng hề đắn đo
Nhưng do sắc đẹp Trời cho
Bị người ganh ghét phao vu nhiều bề
Khiến nàng khổ sở não nề
Mong chồng đến cứu, đón về mà thôi.
Thầy Ca Diếp hay tin rồi
Nhờ ni sư nọ tới nơi cứu nàng
Ni sư hoa hỉ tìm đường
Chẳng bao lâu đã giúp nàng thoát ra
Đưa về tới ni viện nhà
Tại đây nàng được xuất gia an lành
Nhưng rồi vì sắc đẹp mình
Diệu Hiền lại cũng trở thành nạn nhân
Xầm xì tiếng xấu lan dần
Nên nàng quyết định không gần một ai
Ngưng đi khất thực ngoài đời
Sống xa đại chúng tránh lời gièm pha.
Thầy Ca Diếp rất xót xa
Thầy xin phép Phật để mà phân chia
Hàng ngày khất thực được chi
Chia ra một nửa cho ni Diệu Hiền.
Nhưng rồi cũng chẳng được yên
Thị phi, đồn đại mãi thêm loan truyền
Điều này kích thích Diệu Hiền
Quyết tâm mãnh liệt thâu đêm tu hành
Trang nghiêm, cẩn mật, nhiệt thành
Phát lồ sám hối, điều tâm ý mình
Cuối cùng đạt ngộ thật nhanh
Phật khen: “Con thật tốt lành vô song
Rất thông suốt ‘túc mạng thông’
Chuyện bao tiền kiếp nhớ không quên gì
Nội trong chúng tỳ kheo ni
Đứng vào bậc nhất, muôn bề giỏi giang!”
7. Chỉ nguyên tu khổ hạnh
Tâm thầy Ca Diếp vững bền
Chuyên tu khổ hạnh triền miên không ngừng
Trong hang động, ngoài núi rừng
Hay ngồi quán tưởng giữa vùng tha ma
Hoặc ngồi suy nghĩ sâu xa
Lặng yên nơi gốc cây già, đồng hoang
Mặc mưa nắng, mặc gió sương
Rũ đi phiền não, chẳng màng lợi danh
“Đầu đà” khổ hạnh tu hành
Uống ăn, áo mặc quả tình đơn sơ
Chỉ ưa đơn độc đường tu
Sống đời già yếu vẫn ưa một mình
Công cuộc hoằng pháp độ sinh
Rõ ràng kém bớt nhiệt tình hăng say.
8. Đức Phật chia hai chỗ ngồi
Một hôm Phật muốn gặp thầy
Phật sai người tới rừng cây đón mời
Tóc râu thầy đã mọc dài
Thân trong tiều tụy, vẻ ngoài tang thương
Khi thầy tới bị khinh thường
Mấy tỳ kheo trẻ am tường gì đâu.
Hiểu tâm lý đó rất mau
Phật bèn vẫy gọi thầy vào cạnh ngay:
“Chỗ ngồi dành sẵn nửa này
Mời thầy Ca Diếp tới đây cùng ngồi!”
Những tỳ kheo trẻ rụng rời
Nghe lời Phật nói tức thời hiểu ra
Tiếng ngài trưởng lão vang xa
Họ chưa biết mặt nhưng mà nghe danh
Phật liền dạy rõ ngọn ngành
Việc thầy khổ hạnh tu hành lâu nay.
Thầy Ca Diếp tiếp lời ngay:
“Thưa rằng khổ hạnh nhưng đầy an vui
Tịnh thanh, giải thoát, thảnh thơi
Muốn hoằng dương Phật pháp nơi dương trần
Phải cần củng cố tăng đoàn
Sống cho nghiêm túc, vững vàng bản thân!”
9. Giơ hoa mỉm cười
Họp trên Linh Thứu một lần
Hoa sen một đóa Phật cầm đưa lên
Khắp trong đại chúng lặng yên
Vì chưa hiểu ý nên liền im hơi
Riêng thầy Ca Diếp mỉm cười
Phật liền hoan hỉ khoan thai phán rằng:
“‘Chánh Pháp Nhãn Tạng’ rõ ràng
Lại thêm có cả ‘Niết Bàn Diệu Tâm’
Ta truyền Ca Diếp một lần!”
Nghe xong đại chúng vô ngần ngạc nhiên
Nào hay liên hệ sẵn duyên
Giữa thầy và Phật bao tiền kiếp xưa
Nay thầy được Phật truyền cho:
“Mắt nhìn chánh pháp rất ư rõ ràng
Thêm tâm màu nhiệm vô vàn
Hiểu sâu ý nghĩa Niết bàn tối cao!”
10. Kế thừa y bát của Phật
Thời gian thấm thoắt qua mau
Phật nay tuổi thọ đã vào tám mươi
Ngài gần nhập Niết bàn rồi
Khá nhiều đệ tử qua đời trước đây
Khả năng thừa kế lúc này
Có thầy Ca Diếp và thầy A Nan.
Ngay khi Phật nhập Niết bàn
Thời thầy Ca Diếp không gần một bên
Được tin thầy vội ngày đêm
Từ nơi phương Bắc về liền tới nơi.
Phật nhập diệt bảy ngày rồi
Mọi người châm đuốc lửa thời cháy đâu
Thầy về cầm đuốc châm vào
Lúc này lửa mới bốc cao cháy liền.
Kể từ khi đó ưu tiên
Đạo vàng trách nhiệm lưu truyền về sau
Thầy Đại Ca Diếp dẫn đầu
Lo toan truyền bá đạo màu khắp nơi
Thầy cao tuổi hạ đương thời
Lại thêm đạo hạnh ít người sánh ngang
Cho nên y bát Phật mang
Trao thầy nắm giữ đảm đương lúc này.
11. Kết tập thánh điển
Phật nhập diệt chín mươi ngày
Thầy Đại Ca Diếp họp ngay tức thời
A La Hán năm trăm người
Tỳ kheo xuất sắc khắp nơi tụ về
Họp trong hang đá rộng kia
Nhóm thành đại hội uy nghi luận bàn
Kết tập Pháp tạng rõ ràng
Để rồi hoàn tất kho tàng quý thay
Ba kho tàng quý báu này
Là “Kinh”, “Luật”, “Luận” từ đây lưu hành
Thầy Đại Ca Diếp quả tình
Khả năng, oai đức xứng danh vô vàn
Để mà lãnh đạo giáo đoàn
Kết tập thánh điển trong lần đầu tiên.
Hai mươi năm đã trôi thêm
Thầy Đại Ca Diếp trở nên yếu già
Sống lâu trong cõi ta bà
Thầy trên trăm tuổi thăng hoa cuộc đời
Đã hoàn thành nhiệm vụ rồi
Giúp tăng, ni ở khắp nơi tu hành,
Giúp hàng cư sĩ tiến nhanh,
Cùng bao Phật tử thị thành làng thôn
Giúp cho chánh pháp trường tồn
Và cho giáo hội mãi luôn vững bền.
Thấy mình ngày mệt mỏi thêm
Làm chi được nữa, thầy liền nghĩ ra:
“Ta cần theo gót Phật Đà
Niết bàn là lúc để ta nhập vào!”
Rồi tôn giả quyết định mau
Trao bình bát lại người sau thay mình
Thầy A Nan quả xứng danh
Kế thừa nhiệm vụ sư huynh giáo đoàn.
Thầy Đại Ca Diếp an nhàn
Rời thành Vương Xá nhẹ nhàng tiến chân
Hướng vào rừng núi ở gần
Tu hành, thiền định, bụi trần lánh xa.
Từ đây trong cõi ta bà
Bóng thầy vắng biệt, ai mà thấy đâu!
Nhục thân tôn giả nhiệm mầu
Kín trong núi thẳm rừng sâu sau này
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm