TS Đoàn Hương nói “một số nhà sư làm tiền, sống xa hoa” dễ gây hiểu lầm, khó chấp nhận!
Theo đó, Tiến sĩ Đoàn Hương trong tư cách khách mời của talk show trên VTC Now đã có những nhận định gây bức xúc dư luận.
Cụ thể, bà Đoàn Hương nói: Một số nhà sư “làm tiền”, sống xa hoa khiến “đi tu” trở thành một nghề… và được VTC Now đăng tải với tựa “Một số nhà sư “làm tiền”, có lối sống xa hoa, trần tục”.
Phatgiao.org.vn có trao đổi thẳng thắn với Đại đức Thích Nguyên Huấn, Trưởng ban TT-TT Phật giáo tỉnh Đắk Lắk, một trong những vị quan tâm tới vụ việc này:
* Thưa thầy, là một người trong Tăng đoàn của Đức Phật nói chung, tu sĩ thuộc GHPGVN, thầy có cảm nghĩ như thế nào về phát ngôn trên của TS Đoàn Hương?
- Đại đức Thích Nguyên Huấn: Chúng tôi bị tổn thương khi vừa qua có theo dõi đoạn phỏng vấn của nhà đài VTC Now với bà Đoàn Hương - một nhà trí thức, có ảnh hưởng ít nhiều đến cộng đồng về những nhận định thiếu chuẩn mực, áp đặt và có phần ác cảm đối với Phật giáo.
* Theo thầy, phát ngôn của bà Hương có thể gây hiểu lầm ra sao đối với Tăng đoàn, người xuất gia?
- Phật giáo là tôn giáo lâu đời của dân tộc ta, có truyền thống trong việc hộ quốc an dân ngay từ buổi đầu du nhập; cùng chịu chung số phận khi đất nước lâm vào cảnh nguy nan bởi ngoại xâm, chiến tranh và cùng xây dựng, phát triển đất nước khi hòa bình. Có thể nói chưa bao giờ Phật giáo đi ngược lại với lợi ích của dân tộc. Vì vậy những nhận định rất chủ quan, thiếu căn cứ nhắm vào Phật giáo của bà Đoàn Hương gây sự tổn thương đối với Tăng Ni, Phật tử và gây hiểu lầm đối với quần chúng nhân dân.
Là một tôn giáo lớn, có gần 60 nghìn Tăng Ni trong cả nước đang tu học, hành đạo, đem lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, ấm no, hạnh phúc. Chúng tôi chắc chắn rằng không có tôn giáo nào ở Việt Nam làm tốt công tác an sinh xã hội hơn Phật giáo. Hàng năm, Tăng Ni, Phật tử cả nước vận động, xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, hàng nghìn tỉ đồng được trao tặng đến tổ chức Mặt trận các cấp từ Trung ương đến địa phương, cũng như hàng trăm nghìn suất quà hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn ở khắp nơi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa.
Đâu đó vẫn có những hình ảnh không đẹp của tu sĩ Phật giáo, hoặc các hình thức nghi lễ, tuy nhiên đó là con số cực nhỏ. Vì vậy, việc khẳng định “nhà sư làm tiền", “sống xa hoa”, “đi tu trở thành một nghề” là những nhận xét đầy ác cảm, thiếu khách quan, thiếu hiểu biết gây tổn thương cho cộng đồng Phật giáo và sự hiểu lầm với nhân dân cả nước.
* Thực ra, việc dị nghị hay có nhận định sai lầm về người xuất gia, cá nhân các lãnh đạo Phật giáo, kể cả thời Đức Phật và Đức Phật cũng bị ngoại đạo, người chưa hiểu đánh giá sai. Với người tu, cần ứng xử như thế nào trong tình huống này?
- Việc ứng xử trong tình huống này, một mặt làm sao cho sự việc được sáng tỏ, mặt khác cần giữ gìn hình ảnh của người tu sĩ nói riêng hay cộng đồng Phật giáo nói chung, cũng là việc đáng cân nhắc.
Sự im lặng trong nhiều trường hợp là điều tốt, tuy nhiên nếu chúng ta im lặng sẽ gây sự hiểu lầm, ngộ nhận lớn từ người dân và ngay cả Phật tử sơ cơ cũng dễ bị “định hướng” theo lối suy nghĩ này. Vì vậy, trước những thông tin như này (nhất là đơn vị phỏng vấn là một nhà đài lớn và khách mời cũng có vị trí xã hội), theo chúng tôi, Giáo hội (Ban TT-TT Trung ương) cần có ý kiến với các bên để sự việc được sáng tỏ, đặc biệt là vai trò của VTC Now. Bên cạnh đó các cơ quan truyền thông báo chí Phật giáo cũng nên phản biện trên tinh thần ái ngữ để cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về bản chất sự việc.
* Song song đó, với Phật tử, người tại gia, khi nghe những thông tin trái chiều, không đúng về thầy mình, chùa mình, thậm chí có người phỉ báng Phật, nên hành xử ra sao cho đúng pháp?
- Thời gian qua có rất nhiều sự việc không hay liên quan đến tăng đoàn được báo chí, mạng xã hội đưa lên, trong đó có rất nhiều trường hợp mà người xem (đọc) bị động trong việc xác định thực hư của sự việc. Tuy nhiên, khi sự việc được khai thác quá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, báo chí đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của Đức Phật và Phật giáo Việt Nam, làm cho niềm tin của Phật tử dao động.
Để người Phật tử tại gia kiên định với Tam bảo, ngoài việc tụng kinh, bái sám, thiền tập... cần trang bị thêm cho người Phật tử kiến thức Phật học và các pháp hành để ứng dụng vào đời sống tu tập. Bên cạnh đó, trong các thời thuyết giảng, nên lồng ghép vào các vấn đề xã hội, các sự việc liên quan đến Phật giáo, phần nhiều là không hay mà người Phật tử thụ động trong việc kiểm chứng đúng - sai.
* Trong vai trò trưởng ban TT-TT của Phật giáo một tỉnh, cũng như người làm công tác truyền thông Phật giáo, theo thầy trong những tình huống có phát ngôn trái chiều, không đúng về tu sĩ, Phật giáo, Giáo hội, chúng ta nên xử lý như thế nào?
- Giáo hội ta có quy chế phát ngôn và Ban TT-TT các cấp cũng là cơ quan phát ngôn của Giáo hội. Tuy nhiên, để việc phản biện này hiệu quả cần có sự vào cuộc của các cấp Giáo hội đối với các sự việc có ảnh hướng lớn đạt được hiệu quả cao như trường hợp ông Dương Ngọc Dũng năm 2019, tránh việc phản ứng nhỏ lẻ, mang tính cảm xúc trên mạng xã hội - dễ gây phản ứng ngược.
Ngoài ra, trong các dịp tập huấn truyền thông, cần có thêm các tiết bồi dưỡng về xử lý khủng hoảng truyền thông Phật giáo dành cho các học viên.
* Cảm ơn thầy dù bận Phật sự ngày rằm tháng Giêng vẫn hoan hỉ dành thời gian cho ý kiến vụ việc này! Kính chúc thầy năm mới Phật sự như nguyện.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm