Xây dựng chánh ngữ để ứng phó khủng hoảng truyền thông
Bao nhiêu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ, những phỉ báng, nhận xét của họ, nhất là khi “mạng xã hội” trở thành một công cụ trao đổi, giao lưu, thông tin và bình luận?
Bốn loại thức ăn
Theo quan điểm nhà Phật thì chúng ta có bốn loại thức ăn.
Thứ nhất là đoàn thực, tức là những thức ăn đi vào miệng chúng ta. Chúng ta phải phân biệt những thứ có hại - làm mất sự cân bằng trong cơ thể và gây nên bệnh tật - với những thứ không có hại.
Loại thứ hai là xúc thực, chúng ta tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp qua sáu căn; nhưng chúng ta thường không để ý đến việc chọn lọc loại thực phẩm này. Khi xem truyền hình, mắt ta tiếp xúc với hình ảnh, khi theo dõi các trang báo mạng chúng tasay mê đọc mà quên mất “bộ lọc” bằng chánh kiến. Có khi những chương trình, những tin tức đưa vào con người ta những độc tố như sợ hãi, căm thùhay bạo động. Có nhiều bộ phim hay chương trình truyền hình mang nội dung thù hận, khơi gợi dục vọng… Gần đây báo chí cũng phê phán một số tiết mục trên TV mang những chất liệu dung tục, bêu riếu đời tư ai đó hay những vở kịch có yếu tố bạo lực câu khách. Chúng ta nhớ Phật đã dùng hình ảnh con bò bị lột da dẫn xuống sông; dưới sông có hàng vạn sinh vật li ti hút máu và rỉa thịt. Nếu chúng ta không giữ gìn thân và tâm bằng chánh kiến và chánh niệm thì các độc tố trong cuộc đời cũng bám lại và tàn phá thân tâm ta.
Còn loại thức ăn thứ ba mà chúng ta có được là tư niệm thực, những ước mơ ta muốn thực hiện trong đời cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng xúc thực chứa độc tố khiến ta phát sinh “tư niệm thực” danh lợi tài sắc, chìm đắm trong mê muội. Phật ví như người bị hai lực sĩ khiêng xuống liệng vào hầm lửa một khi ta bị tư niệm thực bất thiện chiếm cứ.
Cuối cùng là thức thực. Chúng ta là biểu hiện của thức, gồm y báo và chánh báo. Nếu trong quá khứ, tâm thức ta tiếp nhận những thức ăn độc hại thì nay tâm thức ta biểu hiện ra y báo và chánh báo không lành. Nói như Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì “… những gì chúng ta nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, đều như sông về biển tâm thức, kể cả những vô minh, hận thù và buồn khổ”. Chúng ta nhập vào từ bi hỉ xả hay trạo cử, hôn trầm, giải đãi, phóng dật? Phật Tổ đã dùng hình ảnh người tử tù và ông vua. Buổi sáng vua ra lệnh lấy 300 lưỡi dao đâm qua thân người tử tù. Buổi chiều và tối, vua đều hỏi “Kẻ đó bây giờ ra sao?”. Nếu cận thần tâu lên “còn sống”, vua lại ra lệnh lấy 300 lưỡi dao đâm qua người. Những mũi dao của tham lam giận dữ, ganh tỵ, vô minh… Những ví dụ ấy được ghi lại trong Kinh Tử nhục, nghĩa là thịt của đứa con, răn dạy chúng ta phải giữ gìn chánh niệm.
Khủng hoảng truyền thông có thể xảy đến với bất kỳ ai
Trở lại với xúc thực hôm nay, chúng ta thấy gì, nghe gì? Bao nhiêu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ, những phỉ báng, nhận xét của họ, nhất là khi “mạng xã hội” trở thành một công cụ trao đổi, giao lưu, thông tin và bình luận. Người ta phát hiện hàng ngày, người ta, nhất là giới trẻ, thường xuyên online, nhưng lại chưa được trang bị để đối phó với sự lạm dụng, hay bị sỉ nhục, thậm chí ức hiếp. Có những trường hợp phát hiện quá muộn, gây tổn thương đến mức đem lại thảm kịch ngay trong đời thực, không còn trong thế giới ảo nữa.
Một phân tích tổng hợp cho thấy, tỷ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn đáng kể so với bị ức hiếp trực tiếp. Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, sự sỉ nhục ấy được cường điệu và phổ biến rất nhanh vì sự xấu hổ ở thế giới thực chỉ trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, thì ở thế giới ảo, số người có thể xúc phạm đến bạn nhiều vô kể.
Trong những năm qua, người ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và sự tổn thương trên mảnh đất văn hóa của chúng ta, cả ở thế giới thật và ảo. Có nhiều nhà xã hội học đã lên tiếng “Chế giễu công khai là một trò chơi đổ máu cần phải dừng lại”. Vì thế, khi văn hóa sỉ nhục bắt đầu lan rộng, cái mà chúng ta cần là những chế tài hay “rào cản” văn hóa. Đã đến lúc cần có “kỷ luật” đặt ra với Internet và với nền văn hóa của chúng ta.
ChildLine - một tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ - đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc vào những năm trước: các cuộc gọi và email yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới xúc phạm trong thế giới ảo tăng tới 87%. Vì trong nền văn hóa sỉ nhục này, làm người khác tổn thươngđược trả giá. Cái giá này không đo được những gì mà các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các thành viên trong cộng đồng người đồng tính phải gánh chịu. Nhưng nó lại đo được lợi nhuận của những người săn tìm. Họ kiếm tiền bằng những click. Càng nhiều click thì càng nhiều tiền quảng cáo. Chúng ta đang ở trong một vòng tròn nguy hiểm. Chúng ta click vào những loại tin lá cải càng nhiều thì chúng ta gây nguy hiểm cho cuộc sống của đồng loại mình càng lớn.
Những trang mạng xã hội đang trở thành một thứ công cụ hai mặt: cả tích cực và tiêu cực, phần tiêu cực không phải là ít, mà rất đáng kể. Mặt tích cực là khi người ta có không gian “mạng” để tự do ngôn luận, người ta mau mắn chia sẻ ý tưởng, thúc đẩy thông tin lan nhanh và trên diện rộng, khích lệ đổi mới, sáng tạo trong nhiều lãnh vực. Theo Tổng thống Obama, “… Facebook hay các công ty công nghệ lớn đã hình thành như vậy. Khi có tự do báo chí, nhà báo và blogger đưa ra ánh sáng những bất công, sai phạm, quan chức sẽ bị giám sát và xã hội sẽ có niềm tin vào hệ thống chính trị”.
Nhưng ở khía cạnh tiêu cực, người ta dễ dàng bêu riếu kẻ khác, phỉ báng, vu khống kẻ khác vì tư thù. Cư dân mạng tin và truyền đi một câu chuyện thương tâm, ngang trái nào đó được bịa đặt “post” lên facebook để câu “like”. Chưa kể ngôn ngữ hôm nay thường đi kèm hình ảnh nên hiệu ứng xã hội rất dễ lan tỏa, tác động lớn. Có bậc thức giả đã nhận định: “Ngôn ngữ và hình ảnh như vậy có thể nó là những chất liệu truyền thông chính trong xã hội loài người. Vì là nguồn hướng dẫn và tạo dựng nhân cách cho con người, truyền thông có thể xây dựng một xã hội, một đất nước trở nên tốt đẹp; nó cũng có thể phá hoại, làm tan rã một đất nước, một xã hội, một cộng đồng…”.
Đối với các doanh nghiệp cũng thế, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Những câu chuyện thời sự về Con Cưng - chuỗi cửa hàng dành cho mẹ và bé - hay Cơm tấm Kiều Giang gần đây là những ví dụ điển hình. Sự việc thường chỉ bắt đầu từ một khách hàng đặt nghi vấn về xuất xứ hàng hóa hay một đoàn kiểm tra “an toàn thực phẩm” thường kỳ. Sau đó mọi chuyện đã được giải quyết hay xử lý ổn thỏa; nhưng theo báo chí “… Trong vòng một tuần, tính từ thời điểm khách hàng tố cáo Con Cưng lên cơ quan chức năng, chuỗi này đối mặt với các thông tin bất lợi dồn dập. Và hệ quả là doanh thu bán hàng, ở thời điểm tồi tệ nhất, mất tới 40% so với bình thường. Còn Kiều Giang thì kết quả kiểm tra được đăng tải trên một số tờ báo với nội dung doanh nghiệp sử dụng ‘chất lạ’ trong chế biến kèm mô tả như dung dịch nổi váng, bốc mùi… những thông tin không hề có trong kết luận kiểm tra được công bốsau đó. Tuy nhiên, trước khi có kết luận này thì một phần ba khách hàng đã rời bỏ quán, ước tính thiệt hại hàng tỉ đồng”.
Với mạng xã hội bùng nổ như hiện nay (thống kê mới nhất cho thấy Việt Nam hiện có 52% tài khoản mạng xã hội sử dụng thông qua điện thoại trên tổng dân số hơn 96,5 triệu ngườ i), thông tin còn được lan truyền khủng khiếp qua cơ chế thích, chia sẻ (like, share). Vụ khủng hoảng truyền thông kinh điểnphải kể đến Tân Hiệp Phát. Từ con ruồi được phát hiện trong các sản phẩm giải khát Dr. Thanh, cách xử lý khủng hoảng truyền thông vụng về của những người chủ thương hiệu này khi đòi hỏi người tố cáophải chịu hình phạt nặng, chạm vào cảm xúc người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng giận dữ, cho rằng doanh nghiệp này không xứng đáng với danh hiệu nước giải khát số một trên thị trường Việt Nam. Kết quả, doanh nghiệp Tân Hiệp Phát đã thiệt hại rất nặng, doanh thu hụt hàng nghìn tỷ.
Chuyên gia quản trị và xử lý khủng hoảng Khuất Quang Hưng chia sẻ, “tóm lại, đằng sau mỗi cuộc khủng hoảng, có rất nhiều nguyên nhân và rất phức tạp. Nó có thể xuất phát từ bên ngoài, cạnh tranhkhông lành mạnh; nhưng trong rất nhiều trường hợp lại xuất phát từ bên trong, từ đấu đá nội bộ. Khi một khủng hoảng xảy ra, cần cân nhắc toàn diện mọi yếu tố, bên tham gia có liên quan, không bỏ sót bất cứ chi tiết nào… Có như vậy mới xác định được chính xác bản chất của vấn đề, chuyện gì đang xảy ra để có thể áp dụng tất cả các quy trình, nguyên tắc xử lý”. Tất nhiên, việc đầu tiên là xác định được chính xác đâu là khủng hoảng, không lầm lẫn với sự cố hoặc vấn đề khi truyền thông trở thành công cụ hai mặt.
“Với sự phát triển của internet và phương tiện di chuyển nhanh chóng, có thể nói chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh toàn thế giới trên mặt trận phức tạp hơn vũ khí súng đạn nhiều. Cuộc chiến này không chỉ để đánh bại đối thủ, mà còn làm tê liệt tính độc lập, tự chủ của cá nhân hay tập thể trong xã hội (Thị Giới - Một đường lối truyền thông đặt nền tảng trên Trung đạo - Văn Hóa Phật giáo số 200). Ý thức sức mạnh của truyền thông, chúng ta phải làm thế nào để tránh được những tiêu cực do tâm tham lam và thù hận của con người gây ra, làm ô nhiễm đời sống chúng ta với những xúc thực, đoàn thựcđộc hại… Có nhà xã hội học còn quy trách nhiệm của những hành vi tội ác do nhiễm từ phim ảnh, games, video clips trên mạng xã hội.
“Kỹ thuật đối ngoại đen” - Black PR Technique
Ông Khuất Quang Hưng chia sẻ, fanpage (những trang mạng xã hội thu hút những thành viên có cùng sở thích, hình thành một cộng đồng riêng) độc đang là vấn nạn mà bất kỳ nhãn hiệu, doanh nghiệp có tên tuổi nào đều phải đối mặt. Tuy nhiên, lại rất khó để xử lý triệt để. Theo kinh nghiệm từ bản thân ông thì một trong những cách hữu hiệu để xử lý các fanpage đưa tin sai này là làm việc trực tiếp với Bộ Thông tin và Truyền thông với những chứng cứ rõ ràng để cơ quan quản lý yêu cầu Facebook có hành động. Việc này có tác dụng hơn hẳn so với việc liên lạc trực tiếp với Facebook.
Cũng theo ông Hưng, cách xử lý trên khá mất thời gian. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn Việt Nam hiện nay có xu hướng thích xử lý theo những “kỹ thuật đen” - black technique cho mau lẹ. Phổ biến là chi tiền để các bài viết gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp bị khóa (block) trên mạng; tạo ra các cộng đồng lớn trên mạng xã hội (duy trì bằng cách trả tiền) để đồng loạt gửi báo cáo (report) về bài viết bất lợi cho mạng xã hội, buộc mạng xã hội gỡ bài. Ngoài ra thì còn liên hệ trực tiếp với mạng xã hội để “nhờ” hoặc gây sức ép gỡ bài. Nhưng đây chỉ là những “thủ thuật” để xử lý tình huống chứ không giải quyết rốt ráo tình hình được khi mà cái thế giới truyền thông đang trong những cuộc chiến bất phân thắng bại với nhau. Họ đem ra những vũ khí, những kỹ thuật tối tân nhất, những chiến thuật, chiến lược tinh vi nhất để tham dự vào cuộc chiến đó, cuộc chiến giành độc giả, khán giả, đồng thời cũng là cuộc chiến chiếm lĩnh và ngự trị tâm hồn và trí óc của con người trong xã hội.
Xây dựng chánh ngữ
Chánh ngữ thuộc khẩu nghiệp. Trong ba nghiệp chướng của con người, khẩu nghiệp khó kiểm soát hơn thân nghiệp và ý nghiệp, bởi vì lời nói vô cùng phong phú đa dạng, phần lớn xuất phát và thay đổi theo trạng thái tâm lý. Các trạng thái đó lại không phải lúc nào cũng ổn định mà thay đổi thất thường, vui buồn, thương ghét chợt đến chợt đi, hôm nay là bạn bè, nhưng ngày mai lại là đối thủ. Cho nên lời nóicũng theo cái lưỡi không xương mà lắt léo: “Yêu ai yêu cả đường đi, Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng”.
Đức Phật đã đưa vào năm giới cấm và mười điều ác (khẩu nghiệp chiếm đến bốn, ý và thân mỗi thứ chỉ có ba) nhằm giúp chúng ta hạn chế nói năng, giải trừ ác nghiệp, vun bồi thiện nghiệp trong việc tu hànhvà đối nhân xử thế.
Cũng như ý nghiệp và thân nghiệp, khẩu nghiệp có thiện, ác và không thiện không ác (trung tính). Thiện nghiệp là những lời nhẹ nhàng, êm ái, hòa nhã… Ác nghiệp là những lời hung dữ, cay độc, cộc cằn, khiêu khích, đâm thọc, tráo trở, thêu dệt… Ngoài ra, ác nghiệp còn được ẩn chứa, che giấu trong lòng của những người nham hiểm bằng những lời ngọt ngào, trìu mến, bùi tai, khó lường, khó nhận ra. “Miệng nammô bụng một bồ dao găm”. Một cách để xét xem bạn có sử dụng chánh ngữ hay không là hãy dừng lại và tự hỏi trước khi nói: “Điều này nói có đúng không? Điều này nói có tử tế không? Điều này nói có ích lợi không? Có làm hại ai không? Có đúng lúc để nói điều đó không?”. Dùng chánh niệm để củng cố thêm quyết tâm không nói điều gì gây tổn hại và chỉ nói những lời nhẹ nhàng, đã được chọn lọc có thể mang lại sự hòa hợp cho mọi người trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
Tôi đã từng đề cập đến kỹ năng và phương pháp nghe, và đã biết rằng nghe là một phương tiện có thể tạo hạnh phúc cho mình và cho người. Nghe có thể đem lại sự chuyển hóa, thiết lập lại được sự truyền thông, và tạo ra thương yêu.
Giờ đây, chúng ta nói về phép thực tập gọi là nói. Vì chúng ta biết rằng nói năng có thể đem lại hạnh phúc cho chính bản thân chúng ta và cho những người chung quanh. Chúng ta phải học hỏi và thực tậpnhư thế nào để có thể sử dụng được công cụ đó hữu hiệu vì mục đích của chúng ta là tạo hạnh phúc.
Hãy dùng Chánh niệm để xử lý khủng hoảng truyền thông
Chỉ riêng việc không nói sai sự thật, chúng ta đã được tám điều lợi ích sau theo Kinh Mười Điều lành:
1. Được thế gian kính phục.
2. Lời nói nào cũng đúng lý, được người, trời kính yêu.
3. Miệng thường thơm sạch, nói ra có mùi thơm, như hoa ưu-bát-la.
4. Thường dùng lời êm ái, an ủi chúng sanh.
5. Được hưởng lạc thú như ý nguyện, và ba nghiệp đều trong sạch.
6. Lời nói không buồn giận, mà còn tỏ ra vui vẻ.
7. Lời nói tôn trọng, được người trời đều vâng theo.
8. Trí tuệ thù thắng, không ai hơn.
Tóm lại, nói thật là tốt nhất, khi nó trở thành một giới luật được Đức Phật đề cao. Ngoài ra chúng ta nên nói lời hòa ái (ái ngữ) xây dựng hòa bình và yêu thương giữa con người, tránh tà ngữ, nói chuyện phù phiếm, nói sau lưng, mà Đức Phật gọi là những lời nói vô nghĩa hay u mê.
Nói sau lưng người (gossip) là nói lời thêu dệt, tà ngữ, trong VHPG đã có một bài dịch về “Nói lời thô lậu” cách đây đã lâu. Bản tánh con người thường tin vào bất cứ điều gì chúng ta nghe trước, dầu đó có thể chỉ phản ảnh quan điểm của một người. Những điều nói đó ban đầu có thể dựa trên sự thật, nhưng lời nói sau lưng thường được phóng đại, thêm thắt.
Vào thời Đức Phật, hành động này còn có thể lật đổ cả một bang:
“Dân tộc Licchavi là một bộ tộc độc lập, kiêu hãnh, một trong những thành viên có quyền lực và quan trọng nhất của một liên bang hùng cường của tám dòng tộc. Vua A-xà-thế, một vị đế vương đầy tham vọng, người ủng hộ của vị tà sư Đề-bà-đạt- đa, dự định sẽ xâm chiếm và đánh bại dân tộc Licchavi. Tuy nhiên, vị vua này cũng tham khảo ý kiến của Đức Phật về dự định xâm chiếm này. Đức Phật nói dân tộc Licchavi sống rất hòa hợp, và khuyên nhà vua, “Ngài không thể xâm lấn, chế ngự họ khi họ còn biết đoàn kết và hòa hợp với nhau”. Nhà vua hoãn lại việc xâm lăng và suy nghĩ về lời của Phật.
Sau đó vua A-xà-thế nghĩ ra một kế đơn giản nhưng ác độc. Nhà vua truyền cho vị thủ tướng của mình nói nhỏ điều gì đó vào tai của một người Licchavi. Vị quan này đến gặp một người Licchavi và nói nhỏ một cách bí mật, “Có lúa trên ruộng đồng.” Đó chỉ là một câu nói vô nghĩa, tầm thường. Ai cũng biết lúa có thể được tìm thấy ngoài đồng ruộng.
Nhưng khi thấy hai người thầm thì, một người Licchavi khác bắt đầu suy đoán không biết thủ tướng của vua Ajatasattu đã nói gì với bạn mình. Nên anh ta đến hỏi, thì người kia lặp lại câu nói là có lúa ngoài ruộng. Nghe vậy, người Licchavi thứ hai đã nghĩ, “Anh ta đang giấu sự thật. Anh ta không tin mình. Anh ta tự đặt ra câu nói xuẩn ngốc về ruộng lúa để lừa dối mình”. Mang đầy nghi ngờ trong lòng, người này lại đến nói với một người Licchavi khác nữa rằng có người đã thầm thì với vị thủ tướng của vua A-xà-thế. Người đó lại kể cho người khác nữa nghe, và cứ thế, cho đến khi mọi người tin rằng người đàn ông kia là gián điệp và đã có một hội kín được bí mật thành lập trong cộng đồng của họ.
Vậy là hòa bình tan vỡ. Người Licchavi kết tội lẫn nhau, rồi sinh ra tranh cãi, và chiến tranh bùng nổgiữa các gia đình lãnh đạo trong liên bang. Nhận thấy kẻ thù của mình đang mất đoàn kết, vua A-xà-thế khởi quân xâm lấn dân tộc Licchavi, và đã thắng trận dễ dàng. Sau đó, nhà vua lại tiếp tục xâm chiếm những bộ tộc còn lại. (Thiền sư Bhante Henepola Gunaratana, Chánh ngữ, Việt dịch, Diệu Liên Lý Thu Linh, www. vomonthientu.org).
Từ ngàn xưa đến nay, chánh ngữ vẫn là giới luật để khẳng định tính Người trong xã hội vì nó xuất pháttừ chánh niệm và chánh tư duy. Đó cũng là con đường mà chúng ta hơn bao giờ hết cần đề cao và xây dựng hôm nay trong bối cảnh thời đại internet với tính hai mặt mà mặt tiêu cực hiện nay đang có phần lấn át. Nên thay.
Nguyên Cẩn
Theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm