Từ những phát ngôn miệt thị của TS Dương Ngọc Dũng, nghĩ về Chánh Ngữ
Qua sự việc này, chúng ta cần phải suy ngẫm lại và cần thực hành Chánh ngữ để đạt được những lợi ích trong giao tiếp, phát ngôn và đặc biệt trong quá trình tu học của mỗi Phật tử chúng ta.
Thời gian qua, dư luận xã hội nói chung và Phật giáo nói riêng đã chịu ảnh hưởng và sự tổn thương rất lớn từ những phát ngôn miệt thị, lệch chuẩn của TS. Dương Ngọc Dũng - Trưởng bộ môn Kinh tế Quốc tế Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
Vào ngày 12/10/2019 trên trang báo điện tử news.zing.vn có đăng bài phỏng vấn của TS Dương Ngọc Dũng, ông đã có những lời lẽ xúc phạm, miệt thị Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, bôi nhọ Phật giáo, bài xích cả pháp môn tu tập của Phật giáo đã có từ ngàn đời nay trong khi giảng dạy cho sinh viên. Những clip ấy đã lan truyền trên mạng xã hội, làm cho hàng ngàn Tăng ni và hàng triệu tín đồ Phật tử bức xúc.
Vào ngày 4/11/2019, Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức nhận được thư xin lỗi của ông Dương Ngọc Dũng. Thư xin lỗi của ông Dương Ngọc Dũng ký vào ngày 2-11-2019.
Qua sự việc này, chúng ta cần phải suy ngẫm lại và cần thực hành Chánh ngữ để đạt được những lợi ích trong giao tiếp, phát ngôn và đặc biệt trong quá trình tu học của mỗi Phật tử chúng ta.
Người đời có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay chân lý giản dị như “Nói phải củ cải cũng phải nghe”. Thật vậy, lời nói có vai trò vô cùng quan trọng trong giao tiếp. Và sớm biết vai trò là phương tiện truyền thông trong mọi hoạt động sống của con người cũng như tác động mạnh mẽ của lời ăn tiếng nói đến quá trình tu tập nên đức Phật đã xây dựng con đường chuyển hóa Bát Thánh đạo trong đó Chánh ngữ được xếp là chi phần thứ ba sau Chánh kiến và Chánh tư duy. Chánh ngữ trong Tứ Diệu Đế giống điều đạo đức thứ tư mà tất cả người Phật tử đều khích lệ thực tập là “Không nói dối”.
Ở đây, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa bao quát của điều đạo đức căn bản thứ tư nói trên không chỉ gói gọn trong ba từ “không nói dối” mà bao quát các phương diện sau:
Thứ nhất: Tuyên bố những điều đúng sự thật;
Thứ hai: Nói những lời xây dựng và đoàn kết;
Thứ ba: Nói những lời có văn hóa và nhân cách;
Thứ tư: Nói những lời có lợi ích và giá trị.
Nói những điều đúng sự thật
Tại ngôi nhà gần gũi và ấm cúng cũng như ở nơi làm việc: giảng đường, công ty, công sở… điều rất cần thiết trong quá trình giao tiếp là đối tượng thực hiện giao tiếp phải hướng ánh mắt về nhau để thể hiện sự tôn trọng đối phương. Điều đó cho thấy vai trò của sự tôn trọng lẫn nhau thể hiện ở mọi phương diện. Và điều quan trọng trên cả sự tôn trọng vừa nói đó là ở phương diện thứ nhất của Chánh ngữ, Đức Phật muốn tất cả mọi người cần phải tôn trọng đối tượng mà ta đang truyền thông trực tiếp hay gián tiếp bằng cách nói những điều đúng sự thật. Đó là những gì mình nói không bao giờ bịa đặt, những chuyện không có dựng thành có, chuyện có biến thành không, chuyện không bao giờ xảy ra… Những câu chuyện, lời nói không đúng với bản chất của chúng, sai sự thật làm cho uy tín của người phát ngôn ngày càng giảm. Đó chính là mặt trái của nói giỡn, nói chơi dẫn đến dễ mất niềm tin, đến lúc nói thật không ai tin mình.
Chỉ vỉ thú vui quái đản và lời nói đùa giỡn mà nhiều người đã đánh mất đi uy tín của bản thân đối với xã hội, đồng nghiệp. Uy tín và danh dự của một người không phải một sớm một chiều có thể gầy dựng được. Cho nên, khi ta truyền một thông tin không đúng sự thật, uy tín sẽ giảm đi, giảm đến độ, đến một lúc nào đó cho dù mọi người có quý mến ta đi nữa vẫn rơi vào hoang mang, không biết người mình đang tiếp xúc nói thật hay nói chơi.
Nói như thế không có ý phủ nhận tác dụng giải trị của các câu chuyện đùa hoặc lời nói đùa. Có điều, lời nói đùa, nói giỡn đó cần phải sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và quan trọng hơn là nói đùa trong một phạm vi, giới hạn nhất định để việc làm đó chỉ nhằm mục đích “gây cười” và không ảnh hưởng đến người khác cũng như ảnh hưởng đến danh dự bản thân như người xưa đã nói: một lần bất tín vạn lần bất tin.
Nói những lời xây dựng và đoàn kết
Nội dung thứ hai của Chánh ngữ là nói những lời hòa hợp và đoàn kết. Có câu “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” để chỉ kiểu người nhiều chuyện, nói lời gây chia rẽ, mất đoàn kết. Điều này không chỉ xảy ra trong môi trường sống với phạm vi nhỏ hẹp như làng xóm, chợ búa mà còn khá phổ biến nơi công sở trong xã hội hiện đại. Dân gian gọi là bà tám. Điều chúng ta nên quan tâm chính là ý nghĩa con số 8. Nó là con số nối kết bằng hai vòng tròn, ý muốn nói việc của thiên hạ mình can thiệp vào, nói đầu này đến đầu nọ, nói xuôi nói ngược, nói trước nói sau, kiểu gì cũng bị kẹt, vướng dính như cái còng khó thoát ra. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không nên ngồi với người này nói xấu người kia, đứng với người kia nói xấu người nọ khiến cho hai bên đang thuận hòa trở thành xích mích, đoàn kết trở thành đối nghịch.
Đặc biệt, những gì chúng ta không biết là thật thì đừng nên nhiệt tình phát biểu. Làm như thế dẫn đến hậu quả gây chia rẽ. Cha ông đã dạy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói để nhắc nhở chúng ta suy nghĩ kỹ lưỡng về lời nói của mình trước khi phát biểu, bởi lời nói đã thốt ra như mũi tên bay đi khó mà thu lại được.
Một khi bị mất lòng rồi thì nối kết hàn gắn lại rất khó. Các mối quan hệ tốt đẹp xây dựng trong thời gian dài chỉ cần lời nói hai lưỡi trong một giây là sứt mẻ ngay. Đây là điều người người Phật tử cần phải ghi nhớ để xây dựng phong cách giao tiếp khéo léo, hài hòa; đồng thời tránh được nghiệp do khẩu mà ra.
Nói những lời có văn hóa và nhân cách
Khái niệm “Lời nói có văn hóa, có nhân cách” hiểu một cách sát nghĩa là không nói lời thô tục. Thô tục bao gồm chửi bới, mở miệng ra nói xúc phạm đến cha mẹ của mình bằng những từ ai cũng biết. Những lời nói đó có liên quan đến cha mẹ, ông bà hoặc thậm chí là tổ tiên, dòng họ… của mình hoặc của người trở thành câu nói tục cửa miệng của không ít người, nhất là tầng lớp người lao động nghèo ít học. Điều đáng nói nữa là thói quen xấu này lại được các em nhỏ tiếp thu rất nhanh, ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành nhân cách đứa trẻ thơ.
Dân gian thường khuyên: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tức cách ta phát ngôn rất quan trọng, cách diễn đạt vấn đề có nghĩa rất lớn. Trong lúc giận, căng thẳng nên hạn chế phát ngôn vì lúc đó ta mất sự kiểm soát của tâm. Có nhiều người ghét người khác thì rủa chửi: Ra đường xe tông chết, chết không được toàn thây… Tất cả những lời nói như thế là ác miệng. Muốn không vi phạm vào chánh ngữ, như thế ta phải huấn luyện ngữ điệu trong phát ngôn. Với cùng một ý nhưng các cách diễn đạt khác nhau sẽ mang lại hiệu quả giao tiếp khác nhau.
Bên cạnh đó, chúng ta rất cần kiềm chế, bình tĩnh trong các tình huống người khác nói xúc phạm mình, nói oan ức hoặc nói có ác ý bằng những lời rất cay độc, sẽ làm ta hạnh phúc và bình an. Nếu không có sự huấn luyện tâm như vậy, khi nghe lời ác ngữ không lọt tai, chúng ta dễ bị căng thẳng lên huyết áp, rối loạn tim mạch… Nói những lời hay ý đẹp thì cả người nói lẫn người nghe đều được lợi ích.
Nói những lời có lợi ích và giá trị
Chúng ta thường nói “Im lặng là vàng” để nói đến giá trị của việc ít nói. Bởi nói nhiều chắc chắn không tránh khỏi sai sót. Đó chính là ý nghĩa sâu xa mà điều thứ tư trong Chánh ngữ muốn biểu đạt. Chúng ta cần nói những lời có giá trị, có ý nghĩa chứ không phải nói thao thao bất tuyệt, chẳng đâu vào đâu. Đây là điều phần lớn chúng ta ít để ý đến. Ít nói theo tinh thần Phật dạy là ít nói bằng chánh niệm. Đó là những điều chướng tai gai mắt được đào thải hết hoàn toàn, không để đọng lại vết hằn trong tâm. Người Phật tử khi phát biểu, nên phát biểu điều hay, điều phải, không đề cao cái tôi, kể lể về mình để người nghe phải ngán ngẩm. Ít nói để ta có cơ hội quán chiếu về chính mình nhiều hơn. Ít nói để ta có được khả năng đầu tư vào chiều sâu đời sống nội tâm. Ít nói song hành với thiền định và chánh niệm khiến ta phóng thích tất cả những ức chế, nỗi buồn sầu, bi, khổ, ưu, não.
Kinh Tăng Chi phẩm Năm Pháp, có đưa ra tiêu chí nói sự thật đúng lúc giúp người Phật tử đạt hiệu quả cao trong giao tiếp cho cả mình và đối phương. Nói sự thật đúng thời tạo ra tâm lý thoải mái để chấp nhận, lắng nghe sửa đổi. Muốn thuyết phục một người nào đó ta phải biết tâm lý họ thoải mái, dễ tiếp thu vào thời khắc nào trong ngày.
Sau đây là 6 tình huống nên nói và không nên nói theo lời đức Phật đã dạy:
Tình huống 1: Một sự việc ta biết không thật, nói ra không phục vụ được mục đích gì, thái độ người nghe hoàn toàn không ưa. Đức Phật khuyên không nên nói.
Tình huống 2: Lời nói chân thật, đúng sự thật một trăm phần trăm, không xuyên tạc, không thêm nhưng khi nói ra không có mục đích, không có giá trị cho ai, người nghe hoàn toàn không ưa, đức Phật khuyên không nên nói.
Tình huống 3: Sự thật có mục đích giá trị, khi nói ra người ta không ưa, đức Phật khuyên vẫn nên nói.
Tình huống 4: Tuyên bố những lời không phù hợp với sự thật dù có mục đích tốt, người nghe không ưa không nên nói.
Tình huống 5: Lời nói có sự thật, không phục vụ cho mục đích gì, người nghe thích, đức Phật khuyên không nên nói.
Tình huống 6: Lời nói đúng sự thật, có mục đích giá trị nói ra ai cũng thích, ai cũng khao khát được nghe. Đức Phật nói, đây là lời nói được khích lệ nên nói.
Đặc biệt qua sự việc TS Dương Ngọc Dũng có những phát ngôn miệt thị, lệch chuẩn, làm tổn thương sâu sắc tới Giáo hội Phật giáo, mỗi người Phật tử chúng ta cần thấu hiểu về Chánh Ngữ trong Bát Chánh Đạo. Để tử đó ta có được chìa khóa kinh nghiệm tự giúp cho mình và người xây dựng gia đình hạnh phúc, yên ấm; tạo mối quan hệ giao hảo tốt đẹp trong mọi lĩnh vực của cuộc sống để cùng xây dựng xã hội phát triển văn minh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm