Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 16/08/2014, 11:20 AM

TT.Thích Chân Quang chia sẻ "Sống là chăm sóc lẫn nhau" với sinh viên nhân Đại lễ Vu Lan

19h ngày 13/07/Giáp Ngọ, TT.Thích Chân Quang - viện chủ thiền tôn Phật Quang đã có buổi trao đổi thân mật, gần gũi với sinh viên về chủ đề SỐNG LÀ CHĂM SÓC LẪN NHAU, nhân dịp hơn 2200 sinh viên thuộc các trường Đại học và Cao đẳng từ Tp.HCM về chùa công quả phục vụ cho Đại lễ Vu Lan PL.2558 – DL.2014 do Bổn tự tổ chức.

Thượng tọa trụ trì rất quan tâm đến đạo đức của giới trẻ, vì vậy Người thường tạo nhịp cầu để có dịp gặp nhau mà giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh – sinh viên bằng tình yêu thương thật sự. Thượng tọa không ngại tốn kém, mà chỉ muốn các em được gieo duyên với Phật pháp.

Thông qua các dịp Lễ lớn của Phật giáo, khi đến chùa, các em vừa được dự Lễ, vừa được thực hành tu tập và có cơ hội phục vụ mọi người. Cho nên nhà chùa không có giới hạn số lượng sinh viên đăng ký phục vụ cho các kỳ Đại lễ. Mà với sự hòa quyện của dòng người già trẻ có mặt trong buổi Lễ càng làm cho không khí Vu Lan trở nên ấm cúng, trang nghiêm, lẽ đời lẽ đạo tràn ngập trong tâm khảm mỗi người tham dự. 
 
Trong không khí đầm ấm giữa núi rừng, bằng tình thương yêu và thấu hiểu tâm lý lớp trẻ, Thượng tọa trụ trì đã có một buổi nói chuyện vô cùng thú vị, bổ ích. Người đã gieo vào lòng các em thanh niên những tư tưởng tốt đẹp dựa trên niềm tin nhân quả và hiểu rằng mục tiêu cuộc sống là để chăm sóc nhau. Tuy nhiên để có thể chăm sóc nhau thì ta phải hiểu những người xung quanh mình.
 
Ví dụ vô tình chúng ta phải chăm sóc thì thôi cũng ráng làm dù không có ai dạy ta điều đó. Chỉ trừ người điều dưỡng trong bệnh viện thì họ được học khoa chăm sóc bệnh nhân hoặc người trong khách sạn thì họ được học khoa chăm sóc khách hàng. Nhưng thực sự cái chăm sóc nó toàn diện, phong phú, đủ mọi mặt và lý thú vô cùng. Người nào biết chăm sóc người khác, người đó sẽ đi đến thành công, bởi vì sống là chăm sóc lẫn nhau.

Bằng nhiều ví dụ xác thực trong cuộc sống Thượng tọa đã dẫn chứng cho thấy người có đạo đức là người thường chăm sóc người khác. Ngược lại thì cứ đợi người khác chăm sóc mình, đến độ thành một thói quen, thành một sự ỷ lại nhu nhược, và khi hưởng hết phước đời trước thì người này đi vào chỗ suy tàn. 
 
Hãy tin một điều, chúng ta sống trên đời mà cứ chờ cho người khác chăm sóc mình thì từ từ mình bị cuộc đời đẩy ra khỏi xã hội cộng đồng. Đó là lý do có những người cuối cùng họ bơ vơ mà họ không hiểu vì sao. Còn nếu ta hiểu nhân quả trong sự chăm sóc lẫn nhau, ta cứ lo cho mọi người, ai đến gần ta cứ chăm sóc người đó thì tự nhiên ta sừng sững giữa cuộc đời với đầy uy lực, đầy phước đức, đầy vinh quang vẻ vang, giàu sang hạnh phúc. Cho nên, người nào hiểu được một điều, ta sinh ra trên cuộc đời này là để chăm sóc lẫn nhau thì từ từ sẽ có phước được hạnh phúc. 

Hiểu điều này, bây giờ nghiệm lại ta mới thấy: Lúc còn nhỏ thì ba mẹ chăm sóc ta. Khi lớn lên rồi thì chính ta tự nhiên phải chăm sóc bố mẹ theo khả năng của mình. Rồi anh chị em chăm sóc lẫn nhau, hay khi đi học, đi làm việc, nếu ai có ý thức chăm sóc quan tâm tới những người lớn hơn dù không phải chuyên môn, không phải phần việc của mình, hoặc giả mình là cấp trên mà biết chăm sóc nhân viên thì đó cũng là một cái phước. 
 
Thường nếu cả một đời chúng ta cống hiến, phụng sự không tiếc công, không tính toán, lúc nào cũng đóng góp nhiều hơn hưởng thụ thì về già tự nhiên mình được hưởng phước, lúc nào cũng được chăm sóc, có người hầu hạ. Nhân quả là như vậy. Còn nếu khi còn trẻ - khỏe mà chúng ta không cống hiến, không phụng sự thì về già ta bất hạnh vô cùng. Chúng ta bị đào thải khỏi cuộc đời mà cách nào ta cũng đau khổ cả. Do đó đừng sống mà không chăm sóc người khác, lúc nào cũng phải có ai đó để ta chăm sóc. Tuy nhiên cái mức độ chăm sóc tùy người, tùy đối tượng, có người thì ta chăm sóc toàn diện, có người ta chăm sóc một phần và có người ta chỉ hỗ trợ ngầm.

Và cái kỹ năng để mình chăm sóc nhau thường không được học. Người mà biết chăm sóc người khác giỏi là thiên khiếu, là đạo đức, trí tuệ, là đảm đang, chu đáo mà người đó tự khởi ra. Mà người tự mình có thì họ tự có phước. Còn nếu chúng ta hiểu được điều này, đều học được điều này thì cả một dân tộc sẽ có phước vì biết chăm sóc nhau và cái phước đó tràn ra cho các dân tộc khác hưởng lây.

Cho nên khi ta có kỹ năng chăm sóc này, không chỉ cá nhân được phước mà cả đất nước cũng được phước vì ta góp cái phước của cá nhân vào phước chung của dân tộc ta. Nên sống trên đời này ai cũng có bổn phận phải làm phước. Đây là then chốt.
 
 
Vấn đề thứ hai Thượng tọa muốn nhấn mạnh là muốn chăm sóc tốt người khác thì phải chăm sóc cách nào và Thượng tọa đưa ra một số kỹ năng điển hình giàu tính gợi mở để các Phật tử chiêm nghiệm sâu thêm về quan điểm sống này. Tựu trung lại, để có thể chăm sóc được mọi người, ta phải hiểu về con người. Và kỹ năng này rất cần cho tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống mình.

Tuy sống là để chăm sóc, lo cho ai cái gì được thì lo, nhưng không có nghĩa mình phụ thuộc cả cuộc đời mình vào ai cả. Thêm một triết lý sống khác, Thượng tọa nhắc nhở “Cả cuộc đời của mình sống đừng lệ thuộc vào ai hết để không phải thất vọng vì ai”. 

Lại một giả thuyết khác, ví như trong cuộc sống chúng ta thường gặp những người khó khăn, vậy làm sao mà lo xuể. Theo quan điểm của Thượng tọa, không lo xuể cũng phải lo. Sống là như vậy. Sống là ta sẽ gặp nhiều tình huống, nhiều con người ta phải giúp đỡ.

Tuy có những lúc ta giúp không xuể nhưng đừng có cái tâm ruồng bỏ con người. Cái ý nghĩa cuộc sống, một tâm hồn đẹp là như vậy. Còn như thấy cảnh khổ của mọi người mà ta quay lưng thì lúc đó cái đẹp của cuộc sống này tắt rồi trong tâm hồn mình, và sống như vậy là sống thừa, bắt đầu ta trở thành người tàn nhẫn.

Khi một người đói đứng trước mặt mình, nói theo nhân quả đó là trách nhiệm của mình phải lo, mà nếu nói theo lý tưởng cuộc sống là mình phải chăm sóc họ. Nói chung, ai đến với mình, chúng ta cũng mong người đó được no đủ, có danh dự, có phẩm giá.
 
Và chăm sóc những cái gì nơi con người thì cái căn bản nhất là nhu cầu ăn uống, y phục, đời sống vật chất và nhiều yêu cầu cao hơn. Cao hơn nữa là tới nhu cầu về tinh thần, niềm vui nỗi buồn, kiến thức nghề nghiệp. Cao nhất là về tâm linh, về đạo lý.

Để có thể chăm sóc cho con người theo từng mức độ như vậy thì mình phải nâng cấp chính con người mình lên, tức là chúng ta biết nhìn cuộc đời, biết phân tích đúng sai mới gỡ được nỗi đau ra khỏi tâm hồn người khác; hoặc để có thể chăm sóc tâm linh, hướng cho người đó về sự tu hành cao siêu thì chính mình phải có một trình độ tu tập tâm linh đáng kể nào đó rồi.

Như vậy sẽ có 2 cái lợi, một là chúng ta có phước, hai là ta có trí tuệ để nhận xét về con người mà có thể thừa hành hoặc lãnh đạo họ. 

Cuối buổi trò chuyện Thượng tọa đã nhắn nhủ “Hạnh phúc chính là khi chúng ta được phụng sự mọi người và chính lý tưởng sống phục vụ tốt hơn cho cuộc đời sẽ tạo thành phước. Đồng thời người có phước sẽ dễ dàng thành công và đạt được mục đích của mình.

Dù cuộc sống này có bận rộn, bon chen, mệt mỏi nhưng cũng có những quãng thời gian với tuổi xuân, tấm lòng trong trắng, ước mơ thánh thiện của mình các con đã về đây sống trong không khí thiêng liêng của Đại lễ Vu lan. Thầy hy vọng con người thương nhau nhiều hơn nữa. Trái đất vẫn quay, bầu trời vẫn xanh, mây vẫn bay, gió vẫn thổi và thành công lớn của chúng ta là mang yêu thương để lại cuộc đời”. 

Hơn một giờ trôi qua, buổi nói chuyện chứa đầy đạo lý mà Thượng tọa truyền trao đã khép lại nhưng thông điệp mà Người gửi gắm sẽ ở lại mãi trong tâm hồn các em và kể cả trong mỗi phật tử chúng ta.

Tuệ Đăng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm