Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 19/12/2017, 15:08 PM

TT.Thích Chân Quang thuyết giảng chủ đề: Lục giả thỉnh Chuyển Pháp Luân

TT.Thích Chân Quang, Phó Ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng đề tài "Lục giả thỉnh Chuyển Pháp Luân", với sự tham dự của hơn 2500 phật tử xa gần nhân khóa tu thiền tại chùa Từ Tân (số 90/135, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình, Tp.HCM).

Đây là loạt bài một trong số mười đại hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền mà Thượng tọa đã thuyết giảng hàng tháng. Bài pháp thoại này tiếp tục dẫn giải cho các phật tử thấy được những công hạnh tốt đẹp của một vị Bồ Tát trong việc giáo hóa độ sinh. Nhờ có công hạnh này mà chúng sinh mới nhận ra tầm quan trọng của giáo lý cao siêu trong đời sống của mình. Từ đó, mọi người biết điều chỉnh lại lối sống cho đúng đắn, biết tu học nghiêm chỉnh, hầu mong thoát khỏi luân hồi, đạt giải thoát, chứng ngộ Niết bàn.

Mở đầu bài pháp, Thượng tọa khẳng định, hình ảnh “bánh xe pháp” tượng trưng cho việc bắt đầu sự nghiệp giáo hóa chúng sinh chứ không đơn giản chỉ là một bài pháp. Còn chữ “Chuyển Pháp Luân” có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều.

Thượng tọa lý giải, sở dĩ có hạnh này vì thuở xưa, khi mới đắc đạo, đức Phật quan sát thấy tâm phàm phu của chúng sinh so với cảnh giới chứng ngộ, tức là khoảng cách từ mê đến ngộ thì trùng trùng, vời vợi. Vì thế, Ngài vẫn ngồi lặng yên, chưa tác ý gì. Lúc đó, có một vị Đại Phạm Thiên hiện ra, thỉnh cầu đức Phật khởi động cuộc hoằng pháp và Ngài đã nhận lời.

Có thể thấy, vai trò của vị Đại Phạm Thiên hết sức khiêm tốn, chỉ là thỉnh Phật Chuyển Pháp Luân. Nhưng cũng nhờ có vị ấy mà bao nhiêu điều tốt đẹp đã đến với cuộc đời. Vậy nên, việc làm của Ngài được ca ngợi là một đại công đức.

Hạnh “Lục giả thỉnh Chuyển Pháp Luân” nghĩa là khi có vị nào đắc đạo thì Bồ Tát Phổ Hiền lại tìm đến và thỉnh vị đó Chuyển Pháp Luân. Nghe thì chúng ta thấy lạ bởi trong các bản kinh như Kim Cang, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Pháp Hoa,…đều ghi lại lời Phật dạy rằng: “Cái nhân để đắc đạo là phải độ khắp chúng sinh mà không được chấp công”. Nhưng sao Ngài Phổ Hiền lại phát nguyện mà không trực tiếp giáo hóa? Để hiểu điều này, chúng ta phải phân tích hạnh Phổ Hiền thì mới thấy được tầm nhìn sâu xa của Ngài. 

Chúng ta thấy những thành tựu của khoa học công nghệ ngày nay đã lấn át, đè bẹp tôn giáo. Cho nên, giờ rất ít người tìm đến chùa để tu tập, thỉnh pháp. Mọi người đều cho rằng những giá trị về tâm linh, tín ngưỡng không cần thiết bằng công nghệ. Như vậy, không chỉ kinh tế, chính trị, mà ngay cả trong tôn giáo, hễ chúng sinh “cần” thì mọi chuyện khởi động. Ngược lại, chúng sinh “không cần” thì mọi chuyện chìm vào quên lãng. Tức là cái “cần” của chúng sinh đóng vai trò hết sức quan trọng.
 
Ngày nay, con người cần những tiện ích của kỹ thuật số, cần trí tuệ nhân tạo, thậm chí cần robot làm việc, suy nghĩ và quyết định thay cho mình chứ không cần điều xa xôi, mơ hồ. Trong tương lai, robot có thể tự mình làm tất cả. Nghĩa là cái ngày mà máy móc làm chủ con người không còn xa xôi nữa. Đơn giản là vì giờ chúng ta đang quá thích và cần chúng mà không còn tin vào phép lạ của thần linh như trước nữa. Chỉ riêng sức mạnh của công nghệ đã quá thuyết phục rồi.

Giữa một thế giới chạy theo công nghệ như vậy, để tôn giáo còn chỗ đứng, người ta phải sử dụng một trong hai cách: hoặc là dùng thủ đoạn, thủ thuật; hoặc là dùng bạo luật cưỡng ép. Cho đến ngày nay, ai quan tâm đến tôn giáo, đặc biệt tìm về với Phật giáo thì đó là những người hết sức tỉnh táo, không bị mê hoặc bởi công nghệ. Họ hiểu rằng công nghệ không phải chìa khóa của hạnh phúc. Thậm chí, nó còn kéo theo vô số phiền toái, bất an. Hạnh phúc đích thực phải do cách sống của chúng sinh mang lại.

Giữa một thế giới đang cuồng quay như thế, cần phải có một bậc Bồ Tát xuất hiện, làm cho chúng sinh quan tâm đến đạo lý và giúp họ hiểu rằng vẫn cần một giáo pháp cao siêu vĩ đại, có thể cứu khổ, chuyển hóa chúng sinh từ ngu si trở thành trí tuệ, từ khổ đau trở thành hạnh phúc, từ hẹp hòi trở thành bao dung. Đó chính là hạnh của Ngài Phổ Hiền. Tức là Ngài thực hiện công việc ban đầu là làm chúng sinh thấy mình cần đạo lý. Còn sự nghiệp giảng dạy, Ngài dành cho những vị khác. Vậy mới thấy ý nghĩa của công hạnh này hết sức vĩ đại.

Đối với Phật, Ngài thỉnh Phật giáo hóa. Đối với chúng sinh, Ngài âm thầm tác động, đưa chúng sinh về với Phật. Cho nên, khi thấy một chúng sinh tìm đến Phật pháp, chúng ta đừng nghĩ đó là điều hoàn toàn ngẫu nhiên, bởi sự thật luôn tồn tại sự tác động của chư Bồ Tát. Suy cho cùng, công hạnh “Thỉnh Chuyển Pháp Luân” không phải thỉnh Phật khởi động cuộc đời giáo hóa rồi thôi, bởi đằng sau nó còn là hành trình kiên trì, bền bỉ, tác động vào tâm chúng sinh, khiến chúng sinh tìm đến và gặp được Phật nữa.

Thượng tọa nhấn mạnh, công việc cao cả ấy đang được Chư thiên cùng Bồ Tát đảm nhận và thực hiện hàng ngày. Các Ngài ấy chính là cầu nối giữa một bên là bậc Thánh tràn đầy đạo lý, một bên là chúng sinh không biết mình cần gì. Và như thế, chúng ta phải học cái hạnh của Ngài Phổ Hiền, phải đánh thức chúng sinh để họ hiểu rằng mình cần cái gì đó cao siêu hơn mà vượt khỏi cái thân phận phàm phu, không phải loay với những cái tầm thường rồi mãi rong ruổi trong luân hồi.

Tuy nhiên, các vị Thánh rất hiếm khi xuất hiện giữa đời để trực tiếp giáo hóa mà các Ngài thường nhường lại công đức này cho người khác. Tức là các Ngài chỉ âm thầm gia hộ cho Chư thiên, hay những người có lòng để họ giáo hóa, giúp đỡ, công hiến.

Hơn nữa, nếu các Ngài thật sự xuất hiện giữa thế gian tốt xấu lẫn lộn, chúng sinh sẽ lập tức phân làm 2 hạng người ngay. Một hạng là đủ lòng tín ngưỡng, tâm hạnh lớn sẽ sinh thiên sau khi mất. Một hạng là tâm ác, buông lời phỉ báng sẽ đọa địa ngục. Đó là lý do mà những bậc Thánh cao siêu thường ở trên cao gia hộ cho người có tâm để họ giáo hóa chứ ít trực tiếp hiện thân xuống cõi người.

Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở: Với một vị giảng sư, khi học và dạy về hạnh Phổ Hiền phải ghi nhớ 3 điều: Một là thỉnh giảng, hai là tổ chức pháp hội, ba là mời người về nghe pháp. Nếu thiếu công hạnh này, cuộc đời hoằng hóa của vị giảng sư không thể kéo dài vô hạn, cùng lắm chỉ được vài năm rồi vụt tắt. Vậy mới thấy công hạnh ‘Thỉnh Chuyển Pháp Luân” sẽ tạo thành công đức vô tận.

Sau này, dù đi đến cõi nào, vị ấy cũng là một bậc thầy mô phạm. Đến khi thành Phật, thậm chí cả khi nhập Niết bàn rồi, giáo pháp vị ấy để lại cũng kéo dài mãi mãi. Nghĩa là sự nghiệp giáo hóa chúng sinh không còn ranh giới. Đó là tầm nhìn vĩ đại của hạnh Bồ Tát.

Học theo hạnh của Ngài Phổ Hiền, chưa nói đến việc to lớn như thỉnh giảng hay tổ chức pháp hội, chúng ta hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất là rủ người khác cùng tham gia pháp hội, cùng đi nghe pháp. Ta có thể giới thiệu cho mọi người nghe những bài giảng qua mạng, hoặc tặng sách, đĩa,… Bên cạnh đó, hãy kiên trì gieo duyên, tạo ân nghĩa. Hãy khéo léo dùng lời nói và nhiều phương tiện khác để giới thiệu, dẫn dắt, thuyết phục mọi người về với đạo lý.

Tuy nhiên, vì thời nay không còn Phật nữa nên ta phải đi tìm những bậc minh sư. Giữa thế gian thật giả bất phân này, việc tìm được bậc minh sư không phải là dễ. Rất nhiều người nổi lên nhờ lợi khẩu, nhờ cái phước đời trước nhưng chưa chắc đã giảng đúng ý Phật. Thậm chí, nhiều tà sư còn dùng thủ thuật để lôi kéo tín đồ. Do vậy, nếu chúng ta nhẹ dạ, thấy ai nói gì cũng tin thì ta sẽ bị lầm, rồi kéo theo nhiều người khác cũng sai giống mình, thì đấy là cái tội.

Cho nên, trước khi quy ngưỡng vị thầy nào, hãy suy xét xem lời dạy của những vị đó có chân chính, có mang lại sự an lạc, hạnh phúc hay không; có giúp cuộc đời ta tiến lên, có nâng đạo đức ta hay không...? Khi đó, ta mới mạnh dạn thực hiện hạnh Phổ Hiền. Nhưng tại sao ta phải cất công thực hiện hạnh Phổ Hiền như vậy? Bởi vì ta có nguyện lực giáo hóa chúng sinh, có trái tim yêu thương mọi người.

Từ những ngày tháng khổ cực như thế, sự nghiệp giáo hóa chúng sinh sau này nhất định sẽ thành tựu. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với cái tâm tham vọng của mình, dù nó được khéo léo che đậy bằng tâm nguyện giáo hóa tất cả chúng sinh. Thêm nữa, trong công hạnh “Thỉnh Chuyển Pháp Luân”, Bồ Tát không trực tiếp giáo hóa mà chỉ làm trung gian để đức Phật thuyết giảng. Đó là bài học về hạnh khiêm hạ, lúc nào cũng đứng phía sau để hỗ trợ cho những “Bậc” mà mình nghĩ là xứng đáng hơn.

Thực tế, nhiều người đã từng thiết tha phát nguyện sẽ độ khắp chúng sinh. Lời phát nguyện nghe rất vĩ đại nhưng dễ ẩn chứa sự độc tôn. Nghĩa là lòng ta muốn chỉ một mình mình hóa độ, không có hoan hỉ khi thấy người khác cũng làm công việc như thế. Từ đó mà bao nhiêu sự đố kị, tranh giành, hơn thua khởi lên trong tâm. 
 
Vậy nên, công hạnh của Ngài Phổ Hiền là bài học cho tất cả chúng ta. Nghĩa là, đừng mong một mình mình trực tiếp giáo hóa mà hãy âm thầm đứng phía sau để trợ duyên cho người khác giáo hóa. Tâm nguyện này giống như một công cụ hữu ích, giúp diệt cái tham vọng, độc tôn tiềm tàng. Rồi nhân quả sẽ đưa ta lên dần, cho đến một ngày ta cũng trực tiếp nói những lời làm lay chuyển lòng người, đưa họ về với bến bờ đạo lý.

Động thái đi qua trung gian như vậy sẽ giúp ta đạo đức, khiêm cung hơn. Nhờ đó, mỗi bước tiến của ta cũng bền vững, chắc chắn hơn. Sau này, nếu đắc đạo, sự nghiệp hoằng hóa của ta cũng là vô tận. Còn nếu cứ vươn lên trước để mình được là người trực tiếp giáo hóa, ta sẽ khó tránh khỏi sự nguy hiểm của cái tự tôn tự đại và nguy cơ gãy đổ về sau. Học bài này mới thấy rõ sự sâu xa, tinh tế trong “Thập Hạnh Phổ Hiền” mà chúng ta đã trì tụng hằng ngày.

Vẫn là những ngôn từ hết sức giản dị, dễ hiểu, đôi lúc thêm hài hước, Thượng tọa tiếp tục mang đến cho các phật tử những đạo lý vô cùng sâu sắc, ý nghĩa. Nhờ những đạo lý này, mọi người càng thêm thấu hiểu sự hy sinh, tận tụy, vì chúng sinh của các vị Bồ Tát. Nếu biết gìn giữ và phát huy những công hạnh này, chúng sinh sẽ thoát được bờ mê, sớm chứng ngộ, giải thoát.

Ngoài ra, bài pháp thoại cũng cảnh báo thực trạng quá lệ thuộc, chạy theo khoa học công nghệ mà rời xa tâm linh, tín ngưỡng của con người thời hiện đại. Chúng ta đang tự làm cuộc sống của mình trở nên mất cân đối. Những yếu tố tốt đẹp trong tâm ta sẽ dần bị mất đi, thay vào đó là lối sống thực dụng, đua đòi, ích kỷ, hơn thua. Nếu không điều chỉnh lại, ta sẽ tự biến mình thành nô lệ của công nghệ lúc nào không hay. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy cùng mang nguyện vọng giống nhau là nguyện đem ánh sáng Phật pháp đến với mọi người, cho dù đường đi có gian khó vất vả, nghịch cảnh cứ dâng đầy…vẫn không nản lòng, ta vẫn có sự điềm tĩnh của người có thực tập chuyển hóa, từng bước vượt ra khỏi chướng duyên để đạt đến sự an tịnh của tâm hồn và trở thành người hộ đạo đắc lực.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm