Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 17/08/2017, 10:51 AM

TT.Thích Chân Quang thuyết giảng: Đi vòng một khắc, đi tắt một ngày

Chiều ngày 15/06 nhuận/Đinh Dậu (06/08/2017), TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng tại Trường hạ chùa Thanh Long (khu Phố Bầu Ke, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phù, tỉnh Bình Phước) về đề tài ĐI VÒNG MỘT KHẮC, ĐI TẮT MỘT NGÀY, với sự tham dự của Chư tăng Trường hạ chùa Thanh Long, cùng Chư ni Trường hạ chùa Quang Minh (thị xã Đồng Xoài) và gần 1000 phật tử từ các tỉnh thành lân cận.

Đây là bài học trí tuệ sâu sắc nhằm củng cố và phát triển sự hiểu biết của người tu trên bước đường tu tập và hành đạo, giúp mọi người không phải mò mẫm. Có một sự thật, không ngờ rằng đi thẳng lại là cái sai, không bao giờ thành công. Ngược lại, “đi vòng” lại hiệu quả hơn. Đây là kinh nghiệm của ông bà tổ tiên ta. Có những mục tiêu nếu ta đi đường vòng thì đến được, còn đi thẳng tưởng là nhanh nhưng không bao giờ đến vì những chướng ngại giữa đường. Cái kinh nghiệm này cũng là đạo lý mà trong bài pháp thoại đây, Thượng tọa sẽ phân tích kỹ hơn.

Để hiểu thế nào là đi vòng một khắc, đi tắt một ngày, Thượng tọa đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn minh họa. Chẳng hạn, muốn đi đến một ngôi chùa, nếu ta cứ nhắm thẳng theo hướng tay người chỉ đường rồi băng băng đi thì bao giờ đến? Tuần sau mới đến, vì ta sẽ bị bắt do phải leo qua nóc nhà, leo qua sân vườn của nhà người khác. Còn người nào đi vòng, tức là chạy xe xuống đường lộ thì vài mươi phút sau sẽ đến được chùa. Con đường vòng giúp ta đến nơi được, còn con đường thẳng lại là con đường ta không đi được.

Hoặc tình cảm cũng vậy. Có những người buổi ban đầu yêu nhau thắm thiết, bỏ hết tất cả để yêu, rồi sau khi cưới nhau tình cảm phai nhạt dần, họ chán nhau một cách kỳ lạ, thậm chí nhìn mặt nhau họ không muốn nhìn, không muốn trò chuyện. Có người khuyên phải nghĩ đến con, nghĩ đến tình cảm ngày xưa mà cố thương nhau đi. Kết quả họ vẫn không làm được, vì sao vậy? Vì tình thương không tự khởi lên được. Trên đời không có chuyện muốn thương là thương, muốn ghét là ghét. Tất cả đều có nguyên nhân vòng ở phía sau.

Nguyên nhân vòng này là gì? Là duyên nợ, ân nghĩa trong quá khứ. Con người gặp nhau, thương yêu nhau chỉ bởi vì có ân nghĩa từ đời trước với nhau, mắc nợ nhiều thì thương nhiều, mắc nợ ít thì thương ít. Tất cả đều là nhân quả chứ không có chuyện muốn thương là thương. Đó là nguyên nhân sâu xa của tình thương yêu. Vậy có những cô gái có nhan sắc rồi được bao nhiêu người theo đuổi thì sao, không lẽ tất cả họ đều mắc nợ cô? Có thể vậy. Duyên nợ, tình nghĩa là cái thứ nhất. Nhưng còn nguyên nhân thứ hai là do bản năng háo sắc tự nhiên của người đàn ông. Mà cái háo sắc này chưa gọi là tình yêu thương đậm đà, nặng lòng, sống chết vì nhau. Nên tình cảm đều có nguyên nhân vòng vèo phía sau, không có chuyện muốn thương là thương muốn ghét là ghét.

Hoặc như giữa người xuất gia và người cư sĩ, phật tử cũng vậy. Nếu người xuất gia đời trước có duyên lành nhiều với chúng sinh thì chúng sinh tự tìm đến chùa tu tập, thừa sự, cúng dường, ủng hộ. Ngược lại, người mà đời trước ít gieo duyên với chúng sinh nhiều thì lòng người thờ ơ không quy hướng về, chùa cứ vắng vắng lạnh lạnh. Có những vị vì không hiểu nguyên nhân vòng phía sau này nên đã muốn đi tắt, tức là bày những trò vui ở chùa, như mời gánh hát về chùa để kéo mọi người về chùa, hoặc để cho người ta thoải mái đánh bạc trong chùa, nhưng được vài hôm rồi mọi người cũng rời đi. Cho nên cái trước mắt không bao giờ là kết quả, không bao giờ là nguyên nhân, nguyên nhân đều là điều bí ẩn ở phía sau cả.

Thật ra chùa đông lên dần dần là do ta biết điều chỉnh bằng nhân quả chứ đừng dùng chiêu trò, đừng mong chiếm cảm tình. Mà ta càng muốn chiếm cảm tình phật tử thì đạo phong của mình càng giảm xuống, người ta không nể trọng. Hãy làm như ông bà nói, ta cứ đi vòng, cứ thanh thản gieo duyên trong chính pháp để khiến chúng sinh mắc nợ mình, vậy đó rồi tự nhiên họ sẽ đến chùa, đến với tâm thế của một người phật tử đi tìm đạo đường hoàng.

Ta đắp đường, bắc cầu cho dân đi, bố thí, ủy lạo, hoặc ta gieo duyên bằng những câu đạo ý ngăn ngắn, cứ nói từng chút như vậy mà cũng dần dần thành cái duyên. Khi mọi người tìm đến chùa rồi ta mới kết duyên đạo sâu hơn, mà đặc biệt là dạy dỗ đạo đức cho những đứa trẻ. Những đứa trẻ đến chùa phải được ăn cơm, phải được học đạo lý. Vậy mà duyên với chúng sinh sẽ dần dần được rộng rãi, chùa sẽ thịnh lên dần dần.

Nhưng khi phật tử đến chùa rồi, để giữ được tín tâm cho phật tử, tránh lời chê bai thì điều quan trọng là chính quý thầy cô phải có đạo hạnh, đạo lực vững vàng, tức là phải giữ giới, phải có chiều sâu tu tập, thiền định vững chắc… Hãy nhớ rằng sức hút của tâm linh mạnh hơn mọi điều trong cuộc sống này, mạnh hơn sức hút của tiền bạc, ăn uống, vui chơi.

Khi ta một lòng hướng về giác ngộ giải thoát, tâm đi dần về cái hư vô của vô ngã thì tự nhiên tạo thành sức mạnh thu hút. Giống như chiếc hố sâu thì mọi điều đều trút xuống, biển cả thấp thì mọi dòng sông đều đổ về… Cũng vậy, ta là chỗ trũng, là hố sâu, là hư vô thì tự nhiên chúng sinh sẽ kéo về. Đó là nguyên tắc. Còn nếu ta tràn đầy, nghĩa là bản ngã tràn đầy, cái tôi của mình lớn quá, luôn thấy mình là quan trọng thì tự nhiên mọi người lại xa lánh mình. Còn khi mình càng tu càng thấy mình không là gì, là cát bụi, càng tu càng thấy mình không quan trọng thì tự nhiên chúng sinh sẽ kéo về. Ai muốn giáo hóa độ sinh đều phải hiểu nguyên tắc này.

Khi trong chùa đầy đủ Tam Bảo, ta sẽ thấy sự linh thiêng xuất hiện. Thờ Phật với tất cả lòng tôn kính ta được “Phật bảo” (còn thờ Phật mà không tôn kính là không thành tựu Phật bảo trong chùa). Kinh tụng thì rõ nghĩa, đừng tụng những bài kinh, chú khó hiểu, ta sẽ thành tựu “Pháp bảo”. Và quý tăng ni phải tu hành, đạo hạnh sâu dày, ta thành tựu “Tăng bảo”. Có Tam Bảo đầy đủ rồi thì sức mạnh tâm linh sẽ tràn đầy rực rỡ, chúng ta sẽ thấy sức hút của ngôi chùa tỏa ra dần dần.
 
Chúng sinh đến với chùa có hai hạng. Một hạng chúng sinh đến vì duyên nợ (có duyên với người xuất gia ở chùa từ đời trước, hoặc được kết duyên vào đời này). Một hạng chúng sinh đến vì sức hút tâm linh của chùa.

Đó là những nguyên tắc để chùa được hưng thịnh (làm cho chúng sinh mắc nợ chùa, làm cho chính mình hư vô), mà đó là con đường hóa độ dài dòng chứ không phải là con đường đi thẳng tắt (những thủ thuật để lấy lòng).

Nói về nhân quả của sự giàu sang, Thượng tọa cho biết: Trên đời ai cũng muốn giàu, mà muốn giàu thì phải làm lụng vất vả. Ai cũng biết vậy, tuy nhiên đó vẫn là con đường thẳng. Luôn có những người cố làm lụng bươn chải mà vẫn không có tiền, không giàu lên. Vì sao vậy? Vì thiếu phước từ đời xưa.

Do đó khi rơi vào cảnh nghèo, ta đừng dại khờ dồn hết thời gian, công sức để đi làm, mà phải khôn ngoan chia thời gian ra làm hai phần: một phần để kiếm sống, một phần để làm phước. Vậy mà mười năm sau số phận sẽ thay đổi, ta sẽ khá lên, may mắn, cơ hội đến nhiều hơn. Đó là đi con đường vòng. Còn đi con đường thẳng, tức là cố chịu cực khổ, cố “cày” thì càng làm càng nghèo, bởi vì phước vẫn thiếu. Giàu sang là do may mắn chứ không phải do cố gắng, hãy nhớ như vậy.

Cùng kinh doanh, cùng khởi nghiệp giống nhau nhưng có người gặp hết may mắn này đến may mắn khác rồi làm nên sự nghiệp, có người thì xui rủi, sạt nghiệp. Luôn có những sự may mắn hay xui rủi ta không tính trước được trong cuộc đời làm ăn của mình, bí mật nằm ở cái phước từ đời xưa.

Vì thế trên con đường đi đến giàu sang, nếu ta đi thẳng tức là dồn mọi thời gian, công sức để kiếm tiền thì rất khó thành công. Còn ta đi vòng vòng, tức là dành bớt thời gian làm những công đức như: cúng dường, bố thí, đắp đường… thì năm năm, mười năm sau may mắn sẽ kéo đến, liền ấy số phận ta cũng thay đổi theo.

Tương tự, với sức khỏe cũng vậy. Khi muốn khỏe mạnh hơn, nếu ta chọn đi con đường thẳng, tức là uống thuốc bổ, tập luyện, ăn uống thì có khỏe hơn không? Ngày xưa những vị Vua có đầy đủ ba yếu tố này, họ có dư thuốc bổ, thức ăn ngon, tập luyện (Vua nào cũng giỏi võ) nhưng thường khoảng bốn mươi mấy tuổi là mất, cao lắm là 51- 52 tuổi. Vậy con đường thẳng này tuy cần nhưng không bền, không phải là gốc rễ của sức khỏe. Con đường vòng vèo mới bền vững hơn, đó là gì? Trồng cây, phóng sinh, đắp đường. Người trồng nhiều cây xanh sẽ được cái phước sống lâu, người hay phóng sinh thì sức mạnh bền vững, người hay đắp đường bắc cầu sẽ được sức mạnh cơ bắp. Còn ăn uống, tẩm bổ, tập luyện dù cũng cần nhưng không phải là cái gốc, không bền.

Hoặc về sắc đẹp cũng vậy. Người muốn đẹp bằng con đường thẳng thì tô vẽ gương mặt cho đẹp, hoặc chỉnh sửa, thẩm mỹ lại. Rồi có đẹp hơn không? Nếu có phước, họ sẽ đẹp lên, còn nếu thiếu phước thì sau khi chỉnh sửa sẽ còn xấu hơn xưa nhiều, đến mức người ngoài nhìn vào thấy kinh hãi. Hãy tạo ra cái đẹp bền vững bằng cách đi con đường vòng, tức là hết kiếp này qua đến những kiếp sau cứ sống đạo đức. Đạo đức chính là gốc rễ của vẻ đẹp nơi diện mạo.

Có những người đã gieo cái nhân đẹp đẽ bằng cách cúng tượng Phật, cúng hoa chưng bệ Phật nên đời này được quả báo xinh đẹp, nhưng đến gần họ một thời gian ta chán ngay bởi vì đời xưa họ đã gieo cái nhân hình thức, trong khi trong tâm chưa có đạo đức. Còn người xây dựng sắc đẹp bằng tâm hồn, bằng đạo đức từ bi, khiêm hạ, hy sinh, nhẫn nhục… thì họ đạt được cái đẹp nơi nội tâm, càng sống lâu bên cạnh họ ta càng thương mến, và rồi sau này họ cũng sẽ thành tựu được vẻ đẹp của bậc Thánh, của những thiên nữ trên trời.

Hoặc để có quyền chức, nhiều người đã chọn đi con đường tắt bằng cách hối lộ, mua chuộc, vận động hành lang… Có khi họ cũng lên chức thật, nhưng cái chức đó không bền, nhiều khi thất đức và phạm luật. Vậy con đường để đạt được địa vị trong đời là gì?

Thứ nhất là cống hiến cho cuộc đời, cho đạo pháp, đừng tính toán, đừng kể công.

Thứ hai là khiêm hạ, lễ độ, tôn trọng mọi người. Thứ ba là tôn kính những bậc đáng kính (đức Phật và những bậc Thánh, bậc trưởng thượng). Đó là những cái nhân để ta bước lên địa vị tôn quý trên đời.

Lòng tôn kính bậc Thánh, nhất là đức Phật sẽ mở ra vô số điều tốt đẹp. Đối với người tu, ta có chứng Thánh được hay không là do có tâm tôn kính Phật tuyệt đối hay không. Rất nhiều người dù đã xuất gia rồi nhưng lòng tôn kính Phật vẫn chưa đủ, cho nên đời tu còn lận đận, đạo hạnh không tiến xa. Còn người nào có lòng tôn kính Phật tuyệt đối thì dù gian nan vất vả gì họ cũng có cơ hội từ từ tiến lên. Cái nhân tôn kính Phật tuyệt đối là chính nhân vững vàng đưa ta đi đúng hướng, đi vượt lên rất xa.

Tóm lại, người nào muốn đi nhanh, đi tắt, đi thẳng: muốn có chức thì hối lộ, muốn đẹp thì tô vẽ, muốn mạnh khỏe thì uống thuốc bổ, muốn giàu thì cày mà làm, v.v…Tất cả những cái muốn đó nhiều khi lại không bền, không thành công. Còn ta đi vòng, chịu cực khổ làm những điều phước, sống đời đạo đức, dù rất mất thời gian, nhưng ta sẽ thành tựu được kết quả tốt lành.

Hoặc ước mơ của người tu tập là làm sao cho tâm bớt vọng tưởng để được thanh tịnh. Đó là ước mơ cả đời, hết đời này đến đời kia. Tâm được thanh tịnh rồi lời nói mình như sấm như sét. Tâm thanh tịnh rồi mỗi lời nguyện của mình động lên cõi trời. Tâm thanh tịnh rồi quỷ thần cũng phải kiêng nể. Tâm thanh tịnh rồi mới có đạo lực. Tâm thanh tịnh rồi ta mới đi sâu vào con đường vô ngã, con đường giác ngộ. Còn tâm loạn động thì mãi mãi ta chỉ là phàm phu, dù có cố gắng thế nào chăng nữa thì ta chưa bao giờ có đạo lực thật sự cả.

Nên ước mơ thiết tha của người tu là làm sao cho tâm mình được thanh tịnh, bớt vọng tưởng.

Nhưng làm sao bớt vọng tưởng? Cũng vậy, cũng có con đường đi tắt và đi vòng. 

Con đường tắt là nhìn thẳng vào tâm mà canh chừng vọng tưởng, hễ có vọng tưởng là đuổi đi, diệt đi. Đó là cách “trực tiếp”, và cách này Phật không khuyến khích lắm. Mà càng tu càng bệnh, vì sao vậy? Vì muốn canh chừng vọng tưởng thì phải để tâm trên đầu, mà khi ta để tâm trên đầu thì nội lực từ dưới bụng bốc lên đầu dần dần. Theo đó ta bị chứng mất ngủ, huyết áp, suy thận, suy gan, suy tim… Chỉ bởi vì chân âm dưới bụng đã bị mất.

Dịp này, Thượng tọa cũng nói về cơ cấu khí lực của cơ thể. Bằng nhiều ví dụ Thượng tọa phân tích cho thấy ‘nội lực là gốc của sức mạnh cơ thể, được giấu dưới bụng”. Đa số mọi người khi lớn tuổi rồi đều bệnh giống nhau, đều suy thận, gan yếu, mỡ máu cao, huyết áp, tiểu đường…. cuối cùng kết thúc bằng một cơn đột quỵ.

Nam hay nữ cũng vậy, bởi vì theo thời gian sống, nội lực của ta luôn bị chạy lên đầu dần dần. Vì thế khi chú ý trên đầu là ta đang tự sát, rút ngắn tuổi thọ của mình lại. Có những đứa trẻ chơi game rồi đột quỵ tại quán game luôn, bởi trong suốt nhiều tiếng đồng hồ mọi sự tập trung chú ý của chúng đều dồn vào màn hình, tức là lực chạy lên đầu làm chân âm cạn, chúng đứt thở chết ngay. Trên thế giới ghi nhận rất nhiều trường hợp như vậy.

Hoặc người nghiện sử dụng điện thoại thông minh, cứ lang thang trên mạng xã hội rồi cũng khủng hoảng thần kinh. Những dạng bệnh do chăm chăm nhìn màn hình xảy ra rất nhiều trên thế giới. Do đó, khi để tâm trên đầu, dồn mọi sự chú ý lên đầu làm bệnh tật phát sinh càng lúc càng nhiều. Đó là lý do Phật không khuyến khích con đường thẳng, tức chấm dứt vọng tưởng bằng cách canh chừng vọng tưởng mà diệt.

Phật dạy ta đi con đường vòng, có hai điều cần chú ý: 

- Thứ nhất là “Biết rõ toàn thân, cảm giác toàn thân”. Muốn cái đầu thanh tịnh thì biết rõ toàn thân, mà ưu tiên an trú tâm ở dưới bụng nhiều hơn. Dần dần nội lực phát sinh, ta duy trì được sức khỏe và tuổi thọ lâu dài. Đó là con đường khôn ngoan của người đi vòng.

- Thứ hai là sử dụng hơi thở có ý thức để diệt vọng tưởng (bởi giữa hơi thở và hoạt động não luôn luôn có liên quan với nhau). Đó là lý do mà từ ngàn xưa cho tới ngày nay ai tu tập thiền định đều phải biết rõ về cách tu tập hơi thở cả, từ thiền của Phật giáo nguyên thủy cho đến Phật giáo đại thừa.

Có người sẽ hỏi: muốn diệt vọng tưởng, tại sao không đi thẳng (canh chừng vọng tưởng để diệt), mà phải đi vòng (dùng hơi thở)? Hãy biết rằng “đi vòng một khắc đi tắt một năm”. Cũng vậy, nếu ta canh chừng vọng tưởng để diệt (đi đường thẳng) thì vọng tưởng sẽ không bao giờ chấm dứt; còn nếu ta theo dõi hơi thở, biết rõ toàn thân... tức là bắt đầu từ thân, từ hơi thở để tu cái tâm (đi đường vòng) thì sẽ có ngày nhiếp được tâm, có ngày chứng đạo. Đó là lý do mà đức Phật nói rằng: “Ai an trú được trong hơi thở, người đó là tịnh trú, người đó là phạm trú, người đó là Như Lai trú”.

Trong Tứ Diệu Đế - bài pháp đầu tiên đức Phật tuyên giảng sau khi chứng đạo, Ngài đã khẳng định bản chất của cuộc đời là đau khổ (Khổ đế). Nhưng nguyên nhân của đau khổ là gì? Là vô minh, là ngã ái. Vậy muốn chấm dứt mọi đau khổ, có phải nhắm ngay cái vô minh, cái ái ngã đó để diệt đi không? Phật không nói như vậy, mà Phật đưa ra Bát Chính Đạo (Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định). Phật không nói một lời nào đến vô minh, ái ngã cả, trong khi cái vô minh đó là điều gây ra bao nhiêu đau khổ cho chúng sinh.

Tại sao Phật phải nói về con đường Bát Chính Đạo rất xa như vậy? Khi trải qua nhiều năm tháng tu hành rồi ta mới thấy con đường lòng vòng Bát Chính Đạo mà Phật đã dạy mới là chân lý. Còn sự hấp tấp: có vô minh thì diệt vô minh đi, có ngã chấp thì diệt ngã chấp, diệt ái đi…, nhưng không bao giờ diệt nổi. Không bao giờ có con đường thẳng tắt để diệt vô minh chấp ngã cả. Muốn diệt vô minh, ái nhiễm, chấp ngã thì ai cũng phải đi theo con đường Bát chính đạo. Đó là con đường lòng vòng, mà con đường lòng vòng này mới là chân lý. Vì vậy người đệ tử Phật bất kể là xuất gia hay tại gia đều phải nắm rất vững về Bát Chính Đạo, phải thực hành Bát Chính Đạo bằng tất cả quyết tâm của cuộc đời mình.
 
Theo đó, thượng tọa ôn lại Bát Chính Đạo xem mọi người hiểu con đường Bát Chính này đến mức độ nào. Đồng thời Thượng tọa nhấn mạnh về ý nghĩa của chính tinh tấn. Thật ra “tinh tấn” chỉ dùng duy nhất cho thiền định mà thôi. Chính tinh tấn chỉ có một nghĩa là “cố gắng tu thiền dù chưa có kết quả nào”. Còn sự cố gắng trong mọi điều khác thì không được gọi là tinh tấn, mà chỉ gọi là siêng năng.

Vì sao tu thiền khi chưa có kết quả mới được gọi là chính tinh tấn? Vì lúc chưa có kết quả, việc ngồi thiền là vô cùng cực khổ, tâm thì loạn, chân thì đau mà vẫn không được bỏ, phải cố vượt qua. Quá trình này đòi hỏi ý chí khủng khiếp nên được gọi là chính tinh tấn. Mà ta phải đi qua chính tinh tấn trong 30 kiếp, suốt quãng thời gian đó dù tu không có kết quả nhưng vẫn kiên trì ngồi thiền thì mới xong 30 kiếp tinh tấn.

Sau giai đoạn này mới đến chính niệm, ngang đây những kết quả đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện. Mà khi có kết quả thiền định rồi thì không cần tinh tấn nữa, vì lúc đó ngồi thiền là hạnh phúc, dù có bị giết ta cũng trốn đi ngồi thiền. Vì thế để hiểu được Bát Chính Đạo đòi hỏi chúng ta phải tu tập, phải tư duy rất sâu xa, phải được dạy dỗ rất kỹ lưỡng, còn nếu hiểu sai là ta mất luôn cả đời tu của mình. Nên đừng ai đòi vãng sinh về tịnh độ nếu Bát Chính Đạo ta vẫn chưa nắm được.

Ước mơ của người tu là hoằng dương chính pháp, giáo hóa chúng sinh. Muốn chùa có đông chúng sinh tìm đến thì ta phải làm sao? Qua đây, Thượng tọa đã chia sẻ những kinh nghiệm về kỹ năng hoằng pháp cho chư tôn đức và quý phật tử và khuyến khích mọi người hãy chọn con đường vòng mà đi trong việc giáo hóa độ sinh. Con đường vòng đó có ba điều:

- Thứ nhất, làm sao chính người xuất gia phải có nội lực tu hành, có chiều sâu tâm linh, có sức mạnh tâm linh thật sự. Đó chính là điều tạo nên sức hút vượt hơn mọi điều trên đời, làm lòng người phải quy hướng về.

- Thứ hai, quý Thầy, Cô phải từ bi thương yêu chúng sinh dù đôi khi có vẻ bất cần (Đó là thái độ của người tu chân chính, chứ không chiều lụy, không chiếm cảm tình, không lấy lòng, dù trong tâm rất thương yêu chúng sinh).

- Thứ ba, làm sao gieo duyên được rộng rãi với rất nhiều chúng sinh.

Có những khi quý thầy, cô đến nhà phật tử để tụng đám, đó cũng là con đường gieo duyên, hoằng pháp rất hay. Ví dụ đến tụng đám tang, ngoài người chết nghe hiểu đã đành nhưng người sống nghe cũng phải hiểu. Ta lợi dụng lúc đó để hóa độ cho cả gia đình, rồi khuyên họ làm phước để hồi hướng cho người mất, thờ Phật để người mất được nương nhờ, cả nhà được quy y. Hoặc ta vận động giúp người nghèo, người bệnh trong xóm, xây nhà tình thương, xây cầu, đắp lại những khúc đường hư lở… Dần dần ta sẽ gieo duyên được hết cả làng cả xóm bằng cách rất chân chính, chứ không phải bằng con đường lấy lòng, chiều lụy.

Rồi khi mọi người đã kéo về chùa, họ phải được học về lòng tôn kính Phật tuyệt đối, được lễ Phật, tọa thiền, được thân cận những vị minh sư… Tóm lại để hoằng truyền chính pháp, hãy nhớ đi con đường vòng, vậy mà sẽ thành công.

Cuối cùng, làm cách nào để bảo vệ chính pháp? Đây là phần quan trọng nhất của bài này. Tại Hàn Quốc, Phật giáo đã bị thay thế bởi tôn giáo khác. Rồi dần dần xuất hiện những bộ phim mang đạo Phật ra giễu cợt, bôi nhọ cả hình ảnh đức Phật. Nhìn thấy những hiện tượng đó chúng ta rất đau lòng. Ở nhiều nơi khác trên thế giới, đạo Phật cũng đã bị vắng bóng, bị xóa sổ vì những thủ đoạn chống phá. Những thủ đoạn đó rất tinh vi, có khi người ta dựng lên một đạo na ná đạo Phật để thu hút người về, rồi sau đó phục vụ cho mục tiêu chính trị.

Chúng ta phải làm sao để bảo vệ đạo pháp? Ví dụ có người đến nói xấu đạo Phật, ta không thể dùng vũ lực đánh trực tiếp (trừ trường hợp họ dùng vũ lực tấn công thì ta mới được quyền tự vệ theo pháp luật). Còn lại ta biết họ phá đạo đó, nhưng ta không thể dùng vũ lực để trực tiếp cản lại được, mà sức mạnh vũ lực nằm ở đâu? Nằm ở quân đội, cảnh sát. Nên muốn bảo vệ đạo pháp thì ta phải nhờ nhà nước có luật pháp, có vũ lực, chứ không còn cách nào khác. Từ ngàn xưa cho đến bây giờ đều như vậy. 

Từ thời đức Phật cũng vậy, khi đức Phật xuất hiện ở xứ nào Ngài thường độ những vị Vua trước, vì chính những vị Vua đó sẽ bảo vệ Phật pháp.

Nhưng trong nhân quả, muốn để chính quyền bảo vệ đạo Phật thì ta phải làm gì? Ta phải bảo vệ, ủng hộ nhà nước trước. Còn nếu ta chống nhà nước mà kêu gọi nhà nước bảo vệ đạo Phật thì điều này không đúng nhân quả. Trong thực tế khi ta ủng hộ bảo vệ chính quyền thì nhà nước sẽ thấy rõ Phật giáo là tôn giáo có lợi cho xã hội, đem lại sự ổn định yên bình cho đất nước này. Từ đó, nhà nước thấy mình có bổn phận bảo vệ, lúc đó ta không cần nhờ thì nhà nước vẫn giữ gìn cho Phật giáo.

Nhất là những tăng ni nơi vùng sâu vùng xa, vùng ven, vùng biên giới, những vùng này có sự phức tạp riêng. Vì vậy ý thức hộ đạo, ý thức bảo vệ chính pháp của tăng ni phải cao hơn những nơi khác rất nhiều. 

Và hãy nhớ rằng đạo Phật từ xưa đến giờ không có vũ lực để tự bảo vệ mình, đó là điểm yếu của Phật giáo. Bây giờ ta không thể nhanh chóng có hệ thống vũ lực tự bảo vệ mình thì phải khôn ngoan nhờ đến luật pháp nhà nước, mà muốn nhà nước dốc lòng bảo vệ Phật pháp thì chính ta phải bảo vệ nhà nước, ủng hộ nhà nước trước. Đó là nhân quả.

Giống như vào thời đức Phật, Vua Bình Sa vương, Vua Ba Tư Nặc đều là đệ tử của đức Phật. Và sự hiện diện của đức Phật trong quốc gia nào đều làm cho quốc gia đó được bình yên, nên các Vua đều bảo vệ cho Tăng đoàn cả. Đó là công thức từ ngàn xưa tới bây giờ. Vào thời nhà Nguyễn cũng vậy, dòng Lâm Tế có bài kệ “chúc Thánh thượng thiên trường địa cửu” tức là chúc ông vua, nghĩa là nói lên quan điểm của đạo Phật lúc đó là hộ quốc. Vì vậy mà Quốc vương cũng phải hộ đạo, nên vào thời đó đạo Phật rất hưng thịnh.

Đến đây Thượng tọa đúc kết lại nội dung của bài pháp thoại: Ngày hôm nay ta nhắc lại câu nói mà ông bà ta bằng trí tuệ, bằng sự khôn ngoan của mình đã dạy lại cho con cháu: “Đi vòng một khắc, đi tắt một ngày”. Ta mang câu nói này vào trong Phật pháp để thấy rằng muốn thành tựu điều gì ta phải đi đường vòng vèo lâu xa, ví như: muốn đạt thiền định phải đi con đường vòng nhiếp tâm, biết rõ toàn thân, tu tập hơi thở; muốn đạt sự giác ngộ phải thành thạo Bát Chính Đạo. Và cũng vậy, muốn bảo vệ đạo pháp thì chính ta phải “hộ quốc an dân”, khi đó tự nhiên nhà nước phải bảo vệ lại cho Phật giáo. Đó là con đường vòng có đi có lại, có tương quan, có hỗ trợ nhau.

Thật là một bài pháp rất hay, rất ý nghĩa đã được Thượng tọa trình bày một cách có hình ảnh, có chi tiết, có giọng điệu và nhất là có chiều sâu trên mọi lĩnh vực mà ai nghe cũng phải đồng cảm vì những quan điểm mới, độc đáo và rất đúng với nhân quả. Đó chính là chất xúc tác làm lay động tâm hồn người nghe. 

Bài pháp thật sự đã tiếp thêm sức mạnh cho những ai đang đi trên con đường Phật đạo có thêm kinh nghiệm về kỹ năng hoằng pháp. Đặc biệt, trong vấn đề hộ đạo nên nhớ: sự xuất hiện của đạo Phật đem lại lợi ích cho đất nước thì buộc đất nước phải quay lại hộ trì Tam bảo. Đó là con đường vòng mà ta phải đi. 

Hy vọng với bài pháp có ý nghĩa sâu sắc, và về mặt ứng dụng có tính chuyên sâu này sẽ được mọi người quan tâm, ghi nhớ và tận tụy trong việc hành trì những điều tinh túy của giáo pháp, đặc biệt là đối với chư tăng ni và phật tử trẻ. Qua đó, xã hội sẽ được hòa hợp, đồng thời sẽ khiến cho đạo Phật mãi trường tồn và chúng sinh thường an lạc.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm